Skip to content
banner
Ngôn ngữ

MỘT NỀN THẦN HỌC VỀ LƯƠNG THỰC VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á

BTT UBCLHB 05
2024-12-07 08:02 UTC+7 267
Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ đăng loạt bài của các diễn giả Dòng Anh Em Hèn Mọn đến từ Đại học Siêna - Hoa Kỳ về Tinh Thần Laudaoto Si'. Các bài thuyết trình này đã được trình bày tại Đại hội thường niên của Ủy Ban Công Lý Hòa Bình từ ngày 25-26/11/2024 vừa qua, tại Giáo xứ Sầm Sơn - Gp Thanh Hóa. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

1.         Thần học Kitô giáo suy tư về sự tốt lành của thụ tạo và về Ngôi Lời nhập thể. Điều này có nghĩa là thần học cần phải chú ý đến những ý nghĩa hàm ẩn của việc hiện hữu trong một thân thể (hiện hữu trong hình dạng con người) và những hạn chế và tiềm  năng của con người. Việc chú ý đến sự sống trong một thân thể (nhập thể) bao gồm một số quan điểm khác nhau về lý do tại sao người ta lại làm những gì họ đang làm và ăn những gì họ đang ăn. Vì thực phẩm là một phần của kinh nghiệm con người, nên cho dù ăn vì lý do sức khỏe, vì nghi lễ xã hội, vì mục đích kinh tế, thực phẩm là một nguồn chất liệu phong phú cho công việc suy tư thần học.

Suy tư thần học về thức ăn là đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại tạo ra một thế giới trong đó mọi sinh vật phải ăn? Trả lời câu hỏi đó, đương nhiên làm cho thực phẩm trở thành một mầu nhiệm thánh thiện và khiến chúng ta phải khiêm nhường. Mỗi khi một thụ tạo làm công việc ăn, nó tham gia vào vũ trụ có sức ban sự sống do Thiên Chúa dựng nên và cùng lúc khẳng định tạo vật như một món quà ngon lành, và thiên nhiên như một công trình sáng tạo có trật tự thiêng liêng, gồm các nhu cầu phụ thuộc lẫn nhau cũng như trợ giúp nhau qua đau khổ. Bất cứ khi nào ngồi vào bàn ăn, người ta chứng tỏ một cách không thể chối cãi rằng họ có một cái dạ dày, và rằng họ không phải là những vị thần tự tại. Con người là thụ tạo hữu hạn và hữu diệt, phụ thuộc vào các ân huệ tốt lành của Thiên Chúa.

Ăn uống nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta tham gia vào một thế giới đầy tràn ân sủng, một thiên nhiên đầy phúc lành và đáng được lưu tâm, chăm sóc và ăn mừng. Một thần học về thực phẩm sẽ xem xét tất cả các khía cạnh khác nhau trong cách con người trải nghiệm với thực phẩm và trải nghiệm ấy định hình như thế nào mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân và môi trường.

2.         Câu hỏi “Bạn đã ăn chưa?” là một lời chào được sử dụng trong nhiều nền văn hóa ở châu Á. Nó tương đương với việc hỏi bạn có mạnh khỏe không. Nhưng nó mang ý nghĩa sâu hơn vẻ bề ngoài. Đó là một cách để nói “Tôi yêu quý bạn.” Các bậc cha mẹ châu Á thường không nói “Ba/Mẹ yêu con”. Nhiều bậc cha mẹ châu Á không sử dụng cách diễn đạt đó – Ba/Mẹ yêu con. Đối với họ, tình cha con/mẹ con là một cái gì đó được hàm chứa trong sự chăm sóc của họ đối với con cái. Chăm sóc gia đình là tình yêu đã thể hiện, không cần phải nói ra. Tình yêu được thể hiện bằng cách cung cấp thực phẩm, cung cấp nơi trú ẩn và sự an toàn. Làm như thế, mọi người tất phải hiểu. Nhưng nhiều trẻ em gốc châu Á sinh ra và lớn lên ở Mỹ hoặc các quốc gia khác bên ngoài châu Á, sẽ không tự động tạo được mối liên kết và nghĩ ngay được rằng quan tâm chăm sóc là yêu thương. Điều này đôi khi có thể là một điểm gây căng thẳng hoặc một thách thức để hiểu sự tinh tế trong cách diễn đạt của cha mẹ. Nhưng tình yêu mà các bậc cha mẹ châu Á dành cho con cái của họ là liên tục nuôi dưỡng con từ khi sinh ra cho đến khi chết... và theo một cách nào đó, nó phản ánh tình yêu của Thiên Chúa dành cho các thụ tạo vì, qua việc sáng tạo, Thiên Chúa đã nói cho chúng hay rằng chúng được yêu thương.

3.         Là những sinh vật được Thiên Chúa tạo dựng, chúng ta tin rằng chính vì lòng tốt và tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta được tạo thành. Và, chúng ta dựa vào những gì Thiên Chúa cung cấp cho chúng ta trong công trình sáng tạo để tồn tại. Điều này hướng chúng ta về lại với câu hỏi đặt ra ở trên: Tại sao Thiên Chúa  tạo ra một thế giới trong đó mọi sinh vật đều phải ăn? Việc phải ăn ràng buộc chúng ta với một vị tuy là Thiên Chúa nhưng lại có liên quan đến một hành động phàm trần mà chúng ta làm với tư cách là con người – đó là ăn. Nó làm cho thực phẩm không còn phải là một vấn đề riêng tư mà là một mối quan tâm bắt nguồn từ thời điểm sáng tạo. Nó làm cho việc ăn uống trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các bậc cha mẹ, và điều này mở rộng đến mọi người. Các nền văn hóa và truyền thống tôn giáo của nhân loại có những cách tiếp cận thực phẩm khác nhau...

Một số tôn giáo đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như luật halal của người Hồi giáo và kosher của người Do Thái. Những nền văn hóa khác lại không có bất kỳ hạn chế nào. Kitô hữu có một cách tiếp cận khá thoải mái đối với thực phẩm. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng là truyền thống trong suốt lịch sử Kitô giáo. Hiển nhiên đã có những lệnh cấm, những hạn chế và thậm chí là những trận chiến chết người. Điều này cũng cho chúng ta thấy rằng, trong một thần học về thực phẩm, thực phẩm gắn liền với nhiều dòng lịch sử. Chúng ta có thể nói rằng bánh mì đã biến đổi cách thức nông nghiệp được thực hiện trong thế giới ngày nay nhưng nó cũng đã định hình cách các Kitô hữu tiếp cận kinh nghiệm đức tin của họ.

4.         Cách tiếp cận của Kitô giáo đối với thực phẩm đã thay đổi qua dòng lịch sử. Nhiều thực hành và thái độ mà các Kitô hữu tiếp thu và phát triển là kết quả của những nơi họ sinh sống. Từ thế kỷ thứ nhất đến thời hiện đại, các Kitô hữu quan tâm đến căn tính Kitô giáo của họ, tức điều phân biệt họ với những người khác (những người không tin) và cũng là điều khiến người ta có thể nhận ra họ giữa các Kitô hữu khác. Các thực hành của họ, đặc biệt là các thực hành liên quan đế thức ăn và cách ăn uống, sẽ tự động báo cho người khác rằng họ là những người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về vị trí của thực phẩm trong lịch sử và thần học Kitô giáo, điều quan trọng là phải nhớ các ngọn nguồn.

Có hai người cung cấp cho chúng ta kiểu mẫu về cách tiếp cận thực phẩm. Chúa Giêsu Kitô – qua Bí tích Thánh Thể và Gioan Tẩy giả - qua việc đi tìm thức ăn trong nơi hoang vắng. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai vị  kỹ hơn để xem Giáo Hội đã noi theo gương các ngài như thế nào về thức ăn và cách ăn uống.

5.         Các sách Tin Mừng Mc 1,6 và Mt 3,4 mô tả ông Gioan Tẩy giả mặc áo lông lạc đà và ăn châu chấu (akris) với mật ong rừng (devsha). Ông Gioan đã ăn những gì sẵn có trong nơi hoang địa. Người ta nói rằng ông đi tìm thức ăn chứ không  trồng trọt, chẳng hạn như canh tác một khu vườn. lẽ nên dịch akris là một chất đạm thì đúng hơn. Đó là một loại cây có hạt lớn giàu chất đạm. Devsha là một chất ngọt không hẳn do ong sản xuất nhưng là một món quà thiêng liêng không thể do tay con người làm ra. Chính hình ảnh này của Gioan Tẩy giả cung cấp cho chúng ta hình ảnh về một lối sống nhờ vào sản vật từ đất đai và chỉ dựa vào những gì Thiên Chúa cung cấp. Ông ăn những gì có sẵn và ăn chay khi không có nhiều thức ăn. Và chính trong những lúc này, ông đã lắng nghe tiếng Chúa khích lệ và nâng đỡ ông.

6.         Bí tích Thánh Thể là trung tâm của Kitô giáo. Nó giúp chúng ta biết làm thế nào để chia sẻ một bữa ăn với nhau và với người khác. Chúng ta thường liên kết việc này với lòng hiếu khách. Bí tích Thánh Thể trở thành tiêu biểu cho một nơi tiếp đón và chia sẻ với người khác. Trong bữa ăn tối cuối cùng, Chúa Giêsu ngồi chung bàn với kẻ phản bội mình. Chúa Giêsu dễ bị người khác làm tổn thương, đặc biệt là những người không thích Ngài, nhưng Ngài vẫn mời họ cùng ăn với Ngài. Ngài dễ bị những người sẽ phản bội Ngài (Giuđa Ítcariốt) làm tổn thương. Bí tích Thánh Thể đầu tiên là một nơi của lòng hiếu khách nay trở thành một nơi của tình trạng dễ bị tổn thương. Người Kitô hữu chúng ta có khuynh hướng nghĩ về Thánh Thể chủ yếu như là một nơi của lòng hiếu khách, bởi vì chúng ta thường chỉ mời đến bàn ăn những người có cùng chí hướng và chia sẻ cùng một đức tin. Nhưng nếu chúng ta thực sự nhìn vào bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu chia sẻ trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta sẽ phải mời cả những người ghét chúng ta, những người không đồng ý với chúng ta. Đó là một chứng tá khó hơn nhiều. Đó là thần học về thực phẩm, nơi ăn uống không chỉ diễn ra  trong những môi trường thân thiện  mà còn ở những nơi chúng ta dễ bị tổn thương.

Cũng rất cần lưu ý đến chiếc bánh được chia sẻ trong Bữa Tiệc Ly. Bánh mì là một loại thực phẩm dễ bảo quản hơn trong thời Chúa Giêsu. Nó cũng dễ mua và giá cả phải chăng. Người ta có thể ra chợ mua mà không cần phải đặt hàng đặc biệt hoặc chờ đợi lâu. Giá không đắt, người không có nhiều tiền cũng mua được. Rượu nho cũng quan trọng, vì trong thời Chúa Giêsu, rượu nho an toàn hơn. Nước có thể không sạch và do đó không an toàn như rượu. Chúa Giêsu biết rằng khi tổ chức một bữa ăn, chắc chắn bạn không muốn làm cho mọi người bị ngộ độc vì thức ăn bạn dọn trên bàn. Thực phẩm chúng ta làm ra và chia sẻ phải nuôi dưỡng được người khác.

7.         Người Phan Sinh và Bí tích Thánh Thể

Duns Scotus  khẳng định rằng Bí tích Thánh Thể là Bí tích Kitô giáo hàng đầu vì "mong muốn của Thiên Chúa" là được hiện diện với con người. Thiên Chúa muốn ở với và giữa chúng ta để chia sẻ với chúng ta trong thức ăn và trong việc ăn uống của chúng ta.

Huấn ngôn thứ nhất của thánh Phanxicô liên kết Bí tích Thánh Thể với mầu nhiệm Nhập thể – đó là một lời nhắc nhở về hành động của Thiên Chúa trong cuộc sống con người, một sự khuyến khích tham gia tích cực vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

8.         Người Phan Sinh và thực phẩm

Thánh Phanxicô đã noi gương Chúa Kitô ở chỗ sẵn sàng dùng những thực phẩm thường ngài không ăn. Chẳng hạn, khi ở vùng Lombardia, thánh Phanxicô đã chấp nhận lời mời của chủ nhà và “ăn tất cả mọi thứ được đặt trước mặt ngài, theo đúng lời dạy của thánh Phúc Âm”, bao gồm cả món gà nướng. Thật vậy Tin Mừng Lc 10,8 đã chép: “Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em”. Vui vẻ chấp nhận lòng hiếu khách của người dân là một phần quan trọng trong cách thánh Phanxicô bắt chước cuộc đời của Chúa Kitô, mô phỏng nhiều trường hợp trong Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng của người thu thuế Matthêu (9,10-11 và 26,6-13), kể lại việc Chúa Giêsu bị chỉ trích vì các bữa ăn Ngài tham dự và những con người Ngài lui tới.

9.         Thực phẩm là dấu hiệu phân biệt các Kitô hữu đầu tiên trong Đế quốc La Mã. Ví dụ, thịt được bán ở các chợ trong đế quốc thường là thịt trước đó đã được hiến tế cho các thần La Mã. Các Kitô hữu tránh không mua những loại thịt này vì đó là thờ ngẫu tượng, tức là ăn thịt hiến tế cho các vị thần khác. Họ tránh mua thịt và chỉ ăn rau. Nhưng một số Kitô hữu đã cố gắng hòa nhập với dân La Mã vì họ không muốn bị bắt bớ. Các Kitô hữu đầu tiên tranh luận xem có thể dâng thịt cho Thiên Chúa trước rồi sau đó ăn nó được không – nhưng làm như vậy là đi ngược lại toàn bộ niềm tin rằng Chúa Giêsu hy sinh cho tất cả nhân loại. Nhiều Kitô hữu đơn giản tránh không ăn thịt và chỉ ăn rau. Trong nhiều thế kỷ, chế độ ăn uống của Kitô giáo là chỉ ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Các nhà truyền giáo đầu tiên đến các nước Bắc Âu vào thế kỷ thứ 8 đã ngỡ ngàng khi thấy người Bắc Âu ăn thịt ngựa. Các vị ra sức thuyết phục người dân ở đó rằng đấy không phải là thực phẩm để ăn. Cuộc tranh luận này tiếp diễn trong một thời gian dài cho đến khi Rôma ban hành sắc lệnh cấm mọi tín hữu Kitô giáo ăn thịt ngựa.

10.     Kitô giáo về sau

Các nhà truyền giáo khi đến Châu Mỹ và Châu Á đã rất ngạc nhiên trước sự đa dạng của các loại thực phẩm mà họ nhìn thấy. Vì không quen thuộc với các loại thực phẩm như hạt tiêu, tỏi, cà chua, các loại gia vị khác và thậm chí cả ngô, họ bắt đầu phân biệt giữa thực phẩm văn minh và thực phẩm không văn minh. Do đó, khi cố gắng cải đạo người dân địa phương, các vị cũng sẽ phân biệt như thế để người dân có thể thấy rằng họ là Kitô hữu thông qua các loại thực phẩm mà họ ăn. Ví dụ, bánh mì, ngay cả trong những môi trường không trồng được lúa mì, cũng được các nhà truyền giáo dạy là một sản phẩm văn minh hơn và có giá trị cao hơn ngô hoặc gạo. Họ cũng liên hệ điều này với Bí tích Thánh Thể vì bánh mì là thức ăn mà Chúa Giêsu đã dùng. Vì vậy, những người tân tòng sẽ xem việc ăn bánh mì là một dấu hiệu của việc họ đã theo đạo Chúa Kitô. Ngoài ra, ví dụ như ở Ấn Độ, các Kitô hữu được khuyến khích ăn thịt để tách họ khỏi người bản địa Ấn Độ vì nhiều người Ấn Độ ăn chay. Như thế, thực phẩm đã trở thành một chiến lược của các nhà truyền giáo để phân biệt các Kitô hữu với những người khác.

[Trái cây/rau quả vùng nhiệt đới (ngô, khoai tây, ca cao, sắn, ớt, cà chua)

Thực phẩm làm dược liệu và phổ biến (tranh vẽ, phương tiện truyền thông)

11.     Hình ảnh của Mácta và Maria... Hình ảnh tỏi và ớt đỏ trong ảnh.

Những sản phẩm này không phải là một phần trong chế độ ăn uống của người Châu Âu. Chúng được du nhập khi các nhà truyền giáo mang về châu Âu. Không thể có cảnh đó vào thời Chúa Giêsu nhưng chúng ta lại thấy các loại thực phẩm ấy trong bức tranh vẽ hai cô Mácta và Maria. Bạn thấy gì khác trong hình?

[Phần thứ hai của bài trình bày: Thần học về Lương thực và Biến đổi Khí hậu: Tác động đến Việt Nam và Đông Nam Á]

12.     Địa hình đa dạng của Việt Nam làm cho đất nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách và những người thích phiêu lưu nhưng nó cũng làm cho Việt Nam trở thành một nơi dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Từ bờ biển đến vùng núi, vùng đồng bằng các sông lớn và các khu vực rừng, tất cả đều đã chịu ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu lớn như hạn hán, lũ lụt và bão.

13.     Xu hướng thời tiết gần đây. Một số cơn bão lớn gần đây đã gây ra lũ lụt và tàn phá đáng kể ở nhiều vùng của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long tuy được kiểm soát bởi những con đập cũng đã bị tàn phá bởi hạn hán và lũ lụt vì những cơn bão hủy diệt này. Chúng không chỉ gây gián đoạn cho sản xuất lương thực nông nghiệp mà còn cản trở cuộc sống hàng ngày của hàng triệu con người. Số tiền thiệt hại mà biến đổi khí hậu đã gây ra cho Việt Nam lên tới hàng tỷ đô la Mỹ.

14.     Nông nghiệp ở Việt Nam. Công việc chính của nhiều người ở Việt Nam là trồng cây lương thực, không chỉ để đem bán mà còn để cá nhân tiêu thụ. Đất đai, sông ngòi và không khí đều góp phần vào sức khỏe của nền nông nghiệp trong nước. Khi một yếu tố bị tác động, các khu vực khác cũng chịu ảnh hưởng. 

15.     Những người dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam trước biến đổi khí hậu. Các nhóm dân tộc nghèo, các nhóm thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, các nhóm không có hoặc thiếu đất đai canh tác, người di cư từ nông thôn ra thành thị, các nhóm sản xuất sản phẩm nông nghiệp và các nhóm tái định cư.

16.     Đông Nam Á. Có 11 quốc gia thuộc khu vực này. Ngân hàng Thế giới mô tả Đông Nam Á là một trong những khu vực năng động nhất thế giới và trình bày khu vực này như một ví dụ tích cực của mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng mà những nơi khác ở Nam bán cầu nên bắt chước. Đồng thời, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, các thay đổi về nhân khẩu học và việc không ngừng gia tăng các yêu cầu về tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến suy thoái môi trường nghiêm trọng trên toàn khu vực.

17.     Tình hình tôn giáo hỗn hợp tại Việt Nam.

Có 27 triệu tín đồ tôn giáo ở Việt Nam, chiếm 27% tổng dân số. Sự phân chia của các tín đồ tôn giáo là: Tôn giáo dân gian 73,2%, Phật giáo 12,2%, Kitô giáo 8,3%, đạo Cao Đài 4,8%, đạo Hòa Hảo 1,4% và các tôn giáo khác 0,1%.

khoảng 54.000 nhà lãnh đạo tôn giáo trong các truyền thống tôn giáo khác nhau này.

Ước tính có hơn 30.000 nơi thờ tự.

Trong số các tín đồ tôn giáo, hơn 6,74 triệu người được xem là theo Công giáo Rôma. Con số này xấp xỉ 6,6% dân số 95 triệu người Việt Nam.

Trong Giáo hội có 3 Tổng giáo phận và 24 giáo phận, bao gồm 3073 giáo xứ.

Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được tính đa dạng về mặt tôn giáo trong dân số Việt Nam vì mỗi truyền thống tôn giáo đều quan tâm đến những thách thức của biến đổi khí hậu.

18.     Các thành viên của ASEAN.

19.     Phương châm của ASEAN và những gì họ đang cố gắng thực hiện. Khu vực này đa dạng về mặt xã hội, chính trị, kinh tế và môi trường. Có một số quốc gia phát triển cao, giàu có và phát ra nhiều khí thải như Singapore và Brunei Darussalam, nằm cạnh những nước kém phát triển hơn như Myanmar, Lào và Campuchia.

20.     Các khu vực Đông Nam Á dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết cực đoan. Họ đang chuẩn bị đối phó với điều này như thế nào và chính phủ đã làm gì để hỗ trợ người dân?

Các nước ASEAN quan tâm đến tiến bộ công nghệ và những chính sách hỗ trợ. Họ cũng nhận thức được động lực quyền lực tại mỗi quốc gia cũng như cách họ tương tác với nhau.

Ở Đông Nam Á, biến đổi khí hậu là một vấn đề ngày càng được công chúng quan tâm. Nhận thức về hiện tượng thời tiết thay đổi nhanh chóng và khắc nghiệt nói chung là cao. Các chính phủ trong khu vực đã và đang tạo ra các cơ chế để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và các chính sách thích nghi với biến đổi khí hậu đã được chính thức thể chế hóa.

Tuy nhiên, những quá trình và kết quả của công việc này còn rời rạc. Các nhà lãnh đạo và các tổ chức đang vật lộn để xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu trên toàn khu vực pháp lý của họ. Rất nhiều nỗ lực và năng lượng được đầu tư để hình thành những chính sách và hành động này.

Điều đáng quan tâm và lưu ý hơn về phía chúng ta, đó là tạo nên một mạng lưới các nhà lãnh đạo tôn giáo tại khắp các nước ASEAN về biến đổi khí hậu. Tất nhiên sẽ phải mất rất nhiều công sức và nỗ lực để tập hợp các nhà lãnh đạo tôn giáo lại với nhau. Điều này đã được thực hiện ở Việt Nam và nên được thực hiện trên toàn ASEAN.

21.     Kết luận

Thực phẩm nói lên các mối quan hệ liên kết chúng ta với trái đất, với các thụ tạo khác, với người thân yêu, với các khách mời và ở mức cuối cùng là với Thiên Chúa. Cách chúng ta ăn uống làm chứng cho việc chúng ta có coi trọng những tạo vật mà chúng ta đang sống chung và phụ thuộc vào hay không. Ăn là thưởng thức và đối diện với mầu nhiệm vạn vật là Thiên Chúa tạo thành. Khi chúng ta ăn cách có ý thức, chúng ta tôn vinh sự tốt lành của những cánh đồng, những khu vườn, những khu rừng, những đồng bằng, con sông lớn, và tài năng của những người có thể vun trồng hạt giống và đời sống động vật để trở thành thức ăn ngon. Chúng ta nhìn nhận và tôn vinh Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi món quà tốt lành và hoàn hảo. Nhưng chúng ta cũng học cách sửa chữa tính kiêu căng, thái độ nhàm chán và vô ơn của chính mình. Ăn uống mời gọi mọi người phát triển một nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của nơi họ ở, về bản chất họ là ai và như thế việc ăn uống có thể trở thành một hành vi mang tính chất bí tích. Một mối liên hệ có suy tư thần học với thực phẩm có thể giúp chúng ta khám phá ra rằng ăn uống là một trong những cách thân mật và thích thú nhất để gia nhập khối liên kết các thụ tạo và tìm thấy Thiên Chúa ở đó, Đấng hằng ngày chúc phúc và nuôi dưỡng sự sống.

Diễn giả: Lm G.B. Hoàng Ngọc Linh, OFM, Đại học Siêna, Hoa Kỳ

Chuyển ngữ:  JB. Nguyễn Gia Thịnh, OFM

Chia sẻ