Các Giám mục Nhật Bản phản đối việc xả nước phóng xạ từ nhà máy Fukushima
Các Giám mục Nhật Bản phản đối việc xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương, và yêu cầu chính phủ phải khiêm tốn lắng nghe những phản đối của người dân địa phương, ngư dân của Đông Nam Á, Thái Bình Dương và những người khác trong và ngoài nước.
Ngọc Yến - Vatican News
Ngày 25/8, nhà máy Tepco đã công bố dữ liệu đầu tiên về các mẫu nước được lấy ở 10 địa điểm khác nhau, cách nhà máy Fukushima 3 km, với kết luận không có lượng đáng kể tritium, hạt nhân phóng xạ không thể loại bỏ. Vì thế, chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho xả nước này ra Thái Bình Dương.
Cùng với các tổ chức khác, cách đây hai năm Giáo hội Công giáo đã lên tiếng phản đối việc thải nước này. Và một lần nữa, cùng với các Giám mục Hàn Quốc, qua Uỷ ban Công lý và Hoà bình, các Giám mục Nhật Bản tiếp tục lên tiếng phản đối hoạt động gây ô nhiễm môi trường này.
Bản tuyên bố được ký bởi Đức cha Wayne Francis Berndt, Giám mục Naha, và Đức cha Edgar Gacutan, Giám mục Sendai, lần lượt là Chủ tịch và Thư ký của Uỷ ban Giám mục. Trích câu Kinh thánh “Hỡi con người, hãy cất bài ai ca khóc thành Tia. Hãy nói với thành Tia nằm nơi cửa biển, nơi các dân giao thương với nhiều hải đảo: Chúa Thượng là Đức Chúa phán thế này: Hỡi Tia, chính ngươi đã từng nói: Ta xinh đẹp tuyệt trần!” (Ed 27, 2-3), các Giám mục bày tỏ sự kiên quyết phản đối quyết định thải “cái được gọi là nước đã qua xử lý”.
Các Giám mục viết: “Chính phủ phải khiêm tốn lắng nghe những phản đối của người dân địa phương, ngư dân của Đông Nam Á, Thái Bình Dương và những người khác trong và ngoài nước”.
Đối với ý kiến cho rằng chất phóng xạ còn sót lại trong nước đã xử lý là không gây nguy hiểm, Uỷ ban Công lý Hoà bình trả lời rằng không chỉ nồng độ mới quan trọng. Vấn đề là nước sẽ được thải ra biển trong bao lâu, bao nhiêu chất phóng xạ sẽ được thải ra và nó sẽ gây ô nhiễm đến mức nào.
Đức cha Wayne Francis Berndt, Chủ tịch của Uỷ ban Công lý và Hoà bình và Đức cha Gacutan kết luận: “Tất cả sự tàn phá môi trường đều là một vấn đề phát xuất từ sợ sơ xuất của chúng ta khi tin rằng một lượng nhất định có thể chấp nhận được. Chúng tôi cương quyết không bao giờ cho phép hành động này. Bởi vì đó là vấn đề đạo đức và trách nhiệm đối với tương lai của trái đất và trẻ em. Giáo hội Công giáo tin rằng thế giới này được Thiên Chúa tạo dựng để trở nên vô cùng tốt đẹp. Mọi sự Chúa tạo dựng đều được kết nối và cần đến nhau. Với tư cách là người bảo vệ mối liên hệ này, chúng tôi, Hội đồng Công lý và Hòa bình Nhật Bản, phản đối mạnh mẽ việc chính phủ xả nước đã qua xử lý ra đại dương”. (Asianews 26/8/2023)