Các nhà truyền giáo trẻ Argentina: giới trẻ cần gặp gỡ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội
Sơ María Jesús Nieva, PSMC
“Đang thiếu những người trẻ thực sự 'dám liều' và không chịu khuất phục, những người không làm nô lệ cho điện thoại di động, nhưng thay đổi thế giới như Đức Maria, mang Chúa Giêsu đến cho người khác, chăm sóc người khác, xây dựng cộng đồng huynh đệ với người khác, thực hiện ước mơ hòa bình!”. Những lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố khi đọc Kinh Truyền Tin tại Nhà thờ Asti vào ngày 20 tháng 11 năm 2022, đã trở nên sống động giữa một nhóm bạn trẻ ở Argentina.
Tại các khu dân cư xa xôi của thành phố của Tổng thống Roque Sáenz Peña (Tỉnh Chaco-Argentina), một nhóm bạn trẻ, cùng với các nữ tu dòng Don Orione, đã tham gia vào một sứ vụ từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 7 năm 2023. Điều này sẽ thay đổi mãi mãi cuộc sống của họ và mang lại hoa trái cho đến ngày nay. Những gì bắt đầu như một cuộc hành trình phục vụ đã nhanh chóng chuyển thành một trải nghiệm mang tính biến đổi, nơi mà ý nghĩa thực sự của việc truyền giáo được bộc lộ trong mọi hành động nhân ái và trắc ẩn.
Từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lặn, những người trẻ này đã dấn thân hết mình làm điều tốt: họ tổ chức các buổi hội thảo cho trẻ em trong khu phố, họ chia sẻ những giây phút cầu nguyện và suy niệm với các gia đình và với sự giúp đỡ của họ, đồng hành cùng những người thiếu nguồn lực. Mỗi hành động dù nhỏ đến mấy đều thấm đẫm tình yêu thương và sự quan tâm chân thành.
Nhưng ngoài những hoạt động thể chất, điều thực sự để lại ấn tượng lâu dài là tinh thần vui vẻ và tình bạn gắn bó trong từng khoảnh khắc được chia sẻ. Giữa tiếng cười và nụ cười, những người trẻ này đã khám phá ra bản chất thực sự của việc phục vụ: đó không chỉ là làm việc cho người khác mà còn là sự hiện diện thực sự, chia sẻ cuộc sống và kinh nghiệm với những người mà họ phục vụ.
Vào những đêm tĩnh lặng, dưới bầu trời đầy sao tưởng chừng như đang thì thầm những bí mật vĩnh hằng đã có những cuộc trò chuyện sâu sắc và đầy ý nghĩa. Các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về đức tin và niềm hy vọng của chính mình, lắng nghe cách chú ý kinh nghiệm của những người mà họ đang phục vụ. Trong những khoảnh khắc thân mật và kết nối đó, những mối liên kết đã được rèn giũa vượt qua ranh giới về thời gian và không gian.
Qua hành động của mình, những người trẻ này đã chứng tỏ rằng phục vụ người khác không chỉ là một cách hiệu quả để truyền tải thông điệp của Chúa Kitô mà còn là nguồn vui vô tận và thực hiện giấc mơ của họ. Xin cho tấm gương của họ truyền cảm hứng cho những người khác đi theo con đường của họ, gieo hạt giống tình yêu và hy vọng bất cứ nơi nào họ đến.
Chứng tá của hai nhà truyền giáo trẻ
Mickeas, một thiếu niên 16 tuổi, đã chia sẻ kinh nghiệm biến đổi của mình: khu phố của cậu là nơi đầy bạo lực, các trận đánh nhau và sử dụng vũ khí và ma túy; đó là khung cảnh hàng ngày của cậu. Mickeas dành cả ngày trên đường phố, gây rắc rối với bạn bè. Tuy nhiên, một ngày nọ, cậu nhận được lời mời đến thăm "Casita Mi Esperanza" [Ngôi nhà hy vọng của tôi], một địa điểm trong giáo xứ dành cho giới trẻ trong khu vực.
Hiện tại, Mickeas tích cực tham gia vào nhóm giới trẻ của Giáo xứ, nhóm họp ba ngày một tuần với mục đích giúp trẻ em tránh xa cuộc sống đường phố. Cậu cũng cộng tác tại Casita Mi Esperanza; ở đó cậu sinh hoạt với các bạn nhỏ. Công việc của cậu là tổ chức các trò chơi và hỗ trợ các em, cho các em thấy rằng có nhiều lựa chọn tích cực hơn trong cuộc sống. Giai đoạn sống này giúp cậu giúp đỡ người khác và trở thành một nhà lãnh đạo tích cực.
Candela 14 tuổi và đến từ một khu phố nghèo. Việc cô tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong Giáo xứ là điều thật phong phú. Trong giới thanh thiếu niên vừa lớn và trong giới Khám phá, cô chia sẻ những khoảnh khắc với trẻ em, tạo cho chúng một nơi để gặp gỡ vào Chúa Nhật. Ngoài ra, cô còn là thành viên của câu lạc bộ giáo xứ trong lĩnh vực văn hóa dân gian và ca hát.
Động lực mạnh nhất thôi thúc cô tham gia sứ vụ này chính là cơ hội trải nghiệm những thực tế chưa biết. Việc đến thăm các gia đình, trò chuyện với nhiều người khác nhau và thể hiện sự quan tâm thực sự đến cuộc sống của họ đã trở thành một trải nghiệm bổ ích. Candela cảm nhận được cảm xúc của người dân trong khu vực khi cô đến thăm; điều này đã cho phép cô vào nhà của những gia đình được viếng thăm để cùng họ cầu nguyện và đồng hành với những hoàn cảnh gia đình khác nhau.
Một khoảnh khắc quan trọng là cuộc viếng thăm một phụ nữ đã tiếp đón các nhà truyền giáo, mặc dù có nhiều người, và bà đã chia sẻ nỗi đau của bà cho họ nghe: một người anh có vấn đề về thần kinh bị co giật. Họ cùng nhau cầu nguyện và cầu xin những phước lành cho ngôi nhà và gia đình của bà.
Sứ vụ này đã để lại cho Candela những trải nghiệm tốt đẹp và niềm khao khát lớn lao để tiếp tục nó, bởi vì cô muốn truyền đạt kinh nghiệm của mình và truyền cảm hứng cho những người trẻ khác, cho họ thấy vẻ đẹp của việc thắp sáng cuộc sống của mọi người để họ cảm thấy được đồng hành, thậm chí từ xa
Các linh mục ở biên giới Libăng và Israel phục vụ tín hữu giữa bom đạn
Từ khi xung đột bắt đầu cho đến nay, tại khu vực biên giới của Libăng và Israel có ba linh mục cùng hiện diện với các tín hữu. Cho tới nay, các linh mục không ngừng nỗ lực đến với các cộng đoàn từ cả hai biên giới, mang đến cho họ sự gần gũi, lời hy vọng và sự hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất.
Vatican News
Khi Hamas tấn công Israel vào ngày 07/10/2023, các cộng đoàn Kitô ở cả hai biên giới Israel và Libăng cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt khu vực Kiryat Shona và Safad của Israel, và Deir Minas và Naqura của Libăng, nơi có các cộng đoàn Kitô giáo nhỏ sinh sống.
Cùng hiện diện với các tín hữu ở những khu vực này có ba linh mục. Từ khi xung đột bắt đầu cho đến nay, các vị không ngừng nỗ lực đến với các cộng đoàn từ cả hai biên giới, mang đến cho họ sự gần gũi, lời hy vọng và sự hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất.
Cha Rody Noura, 37 tuổi, linh mục Công giáo nghi lễ Maronite cho biết, mỗi ngày từ Acre, nơi cha sinh sống, lái xe đến thăm các giáo dân – khoảng 4.000 người – tại thị trấn Do Thái, bắc Israel. Như cha, tất cả đều là người Libăng đến khu vực này vào tháng 5/2000 sau khi quân đội Israel rút khỏi Libăng. Cha nói: “Trong lúc di chuyển, có những lúc tôi nghe được các vụ nổ. Trước khi ra khỏi nhà, tôi thưa với Chúa: Hôm nay, con ra đi để thực thi ý Chúa. Con có trở về nhà hay không xin phó thác nơi Chúa”.
Vị thứ hai là cha Sandy Habid, 45 tuổi, linh mục Công giáo nghi lễ Maronite, đang phục vụ giáo xứ Jish, trong một ngôi làng Ả Rập Israel nằm dưới chân núi Meron, cách biên giới Libăng vài km, có dân số 3.000 người, trong đó khoảng 65% là tín hữu Công giáo. Cha chia sẻ: “Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô cho tôi sức mạnh tiếp tục làm những gì tôi đang thi hành, mặc dù có nhiều khó khăn. Niềm hy vọng mà Chúa Kitô ban cho chúng ta tiếp tục được sống ở đây. Chúng tôi cần hoà bình, công lý, tình yêu, và điều này chỉ có thể có được qua Chúa Giêsu Kitô”.
Ở phía biên giới Libăng, cha Toufic Bou Mehri, 55 tuổi, bề trên cộng đoàn dòng Phanxicô ở Tyre, được gọi là “mục tử lưu động” phục vụ các tín hữu Công giáo nghi lễ Latinh ở rải rác các làng phía nam Libăng. Mỗi Chúa nhật, cha đi 70 km đến Deir Minas, cách biên giới Israel 4 km để cử hành Thánh lễ cho các tín hữu. Theo cha mọi thứ dường như bình thường theo nghĩa trẻ em vẫn đến trường và người lớn đi làm, nhưng thực tế không như trước đây. Nhiều người có người thân và bạn bè ở bên kia biên giới, đôi khi một số điện thoại sai trong danh bạ cũng có thể dẫn đến cáo buộc hợp tác với người ở bên kia. Vì thế cha cho biết mọi người cùng cầu nguyện và tránh mọi tiếp xúc trực tiếp. Là người thường xuyên thăm những người bệnh, gia đình gặp khó khăn và dạy giáo lý cho mọi người giữa những khó khăn, cha nói: “Chỉ với Chúa Kitô, ngay giữa chiến tranh vẫn còn hy vọng, giữa cái chết vẫn còn sự phục sinh”.