Các nữ tu khiếm thị ở Kenya trình bày chứng tá cho dân Chúa
Sơ Michelle Njeri, OSF
Gia đình Don Orione bao gồm các Nam tử của Chúa Quan Phòng và các Nữ tu Truyền giáo Bác ái. Tuy nhiên, ít người biết rằng trong cùng một gia đình này có một cộng đoàn Nữ tu Thánh Thể, trong đó các thành viên là những người nữ khiếm thị.
Các Nữ tu Thánh Thể dành phần lớn thời gian trong ngày để Chầu Thánh Thể nhưng cũng thực hiện hoạt động tông đồ trong cộng đồng địa phương của họ. Dòng được thành lập tại Ý bởi Thánh Luigi Orione, một linh mục người Ý thường được gọi là Don Orione.
Ở Kenya, cộng đoàn Nữ tu Thánh Thể có bốn thành viên: Sơ Maria Carmen, Sơ Maria Angelina, Sơ Maria Rachael và Sơ Maria Veronica.
Hoạt động tông đồ và cầu nguyện
Sơ Maria Veronica luôn muốn trở thành một nữ tu, nhưng sơ gặp khó khăn trong việc tìm một dòng tu đón nhận sơ do sơ bị khiếm thị. Sơ được một nữ tu Consolata hướng dẫn đến với các Nữ tu Thánh Thể lần đầu tiên vào năm 1981, và sơ vẫn ở trong cộng đoàn cho đến ngày nay.
Sơ Maria Veronica cho biết: “Dòng nữ tu khiếm thị này là độc nhất và duy nhất ở Kenya. Người sáng lập của chúng tôi, Don Orione, là một người bác ái và yêu cầu chúng tôi trở thành một người mẹ và một người chị đối với người nghèo. Chúng tôi dâng lên Thiên Chúa sự khiếm thị của chúng tôi để cầu nguyện cho những anh chị em không biết sự thật, để họ có thể cảm nghiệm Thiên Chúa, ánh sáng của thế gian”.
Mặc dù bị khiếm thị, các nữ tu Thánh Thể đều rất chiêm niệm và rất năng động. Họ dạy giáo lý tại giáo xứ của họ, thăm hỏi người dân ở làng gần đó và tư vấn trực tiếp cho mọi người cũng như trực tuyến. Sơ Maria Veronica chia sẻ: “Trong đặc sủng của chúng tôi các Nữ tu Thánh Thể, chúng tôi tôn thờ Chúa Giêsu trong Thánh Thể và thưa với Chúa Giêsu về nhân loại. Chúng tôi gặp gỡ mọi người và nói chuyện với họ về tình yêu của Chúa. Chúng tôi đưa các linh hồn về với Chúa Giêsu và đưa Chúa Giêsu trở lại với các linh hồn”.
Các nữ tu lần lượt thay nhau Chầu Thánh Thể và tham gia vào các công việc cộng đồng khác như trồng trọt, chăn nuôi gia cầm, làm tràng hạt và đan lát như những hoạt động tạo thu nhập để phát triển bền vững. “Chúng tôi gia nhập hội dòng để cho và nhận; chúng tôi không gia nhập để được giúp đỡ. Chúng tôi cố gắng tự chủ trong tất cả những gì chúng tôi làm”, Sơ Maria Veronica nói và nói thêm: “Tôi cần cơ hội chứ không cần sự cảm thông”.
Những thách đố mà cộng đồng phải đối mặt
Việc mua được sách viết bằng chữ nổi không phải là điều dễ dàng đối với các nữ tu khiếm thị. Trong nhiều năm họ đã nhập khẩu từ nước ngoài các sách thiêng liêng bằng chữ nổi. Với việc thuế nhập khẩu gia tăng, các nữ tu không thể nhận được sách như trước. Tuy nhiên, các chị thừa nhận rằng thử thách khiến họ trở nên trọn vẹn. Sơ Maria Rachael cho biết: “Chúng tôi vui vẻ đối mặt với thử thách, việc khiếm thị không làm mất đi tài năng và khả năng của chúng tôi”.