Các trung tâm giáo dục Công giáo ở Yogyakarta của Indonesia sống tình huynh đệ với người Hồi giáo
Vatican News
“Thúc đẩy một nền giáo dục hoà nhập, trong đó đối thoại và đa văn hoá là yếu tố cấu thành” là khẩu hiệu của đại học Sanata Dharma ở Yogyakarta, một học viện Công giáo được thiết lập vào năm 1955 bởi các tu sĩ Dòng Tên, với năm cơ sở và bảy phân khoa cho 12.000 sinh viên đến từ 34 tỉnh thành của Indonesia. Tại đây, các thiếu nữ của đảo Sumatra với những chiếc khăn trùm đầu sặc sỡ, học cùng với các sinh viên người Java có nét mặt tối, đặc trưng của chủng Melanesian ở vùng lãnh thổ Papua. Trong phòng thực nghiệm đối thoại hàng ngày bao gồm các lĩnh vực tôn giáo, văn hóa, chính trị, sinh viên thuộc mọi tín ngưỡng học cách hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là sự hiện diện của sinh viên Hồi giáo trong khuôn viên trường Công giáo. Những người trẻ này có thể làm quen trực tiếp với các Kitô hữu, và do đó điều này trở thành một trong những cách để chống lại thái độ cực đoan. Thực tế, sinh viên Hồi giáo tìm hiểu đức tin Kitô giáo và không ngần ngại nói chuyện với những sinh viên của khoa thần học Công giáo. Ngoài ra, không có bất kỳ thành kiến nào, vì trải nghiệm sự khoan dung, chính xác là “sự thống nhất trong đa dạng” vốn là khẩu hiệu của quốc gia.
Điều này cũng đang diễn ra tại trường đại học “Atma Jaya”, một trường đại học Công giáo uy tín khác ở Yogyakarta, nơi người Hồi giáo và Kitô giáo chia sẻ một khóa học dạy họ đối thoại và vượt qua những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Những người trẻ hiện diện trước hết học cách trở thành “những nhà vô địch về nhân bản”, những công dân tốt và sống chung trong cuộc sống hàng ngày, bắt đầu từ việc đối thoại với người khác.
Đại học Hồi giáo “Sunan Kalijaga” cũng không ngoại lệ, nơi mục đích được tuyên bố là “thực nghiệm đối thoại để thúc đẩy tình huynh đệ”. Với 20.000 sinh viên, trường đại học là một trung tâm hàn lâm quốc gia quan trọng về nghiên cứu Hồi giáo, và từ năm 2005, trường cũng đã có một trung tâm văn hóa để đối thoại liên tôn. Từ các lớp học hoặc diễn đàn học tập, cuộc đối thoại “ra đi” và lan rộng khắp cơ cấu xã hội vì nó vừa là nền tảng vừa là thách đố của xã hội Indonesia. Đối thoại - như trung tâm khẳng định - cho phép chúng ta “cùng nhau trở thành những người xây dựng một thế giới được đổi mới bởi các giá trị của tình huynh đệ”. Nhìn nhận nhau như những con người, anh chị em, dẫn đến sự hiểu biết và đón nhận đức tin của người khác và quan điểm của họ. Bí quyết chung sống là “cố gắng suy nghĩ như người Hồi giáo nghĩ, như một người Ấn giáo nghĩ, như một người Kitô giáo nghĩ, nhìn thế giới như những người khác nhìn”.
Khẩu hiệu của quốc gia Indonesia, “thống nhất trong đa dạng”, thể hiện sự đa dạng về ngôn ngữ-sắc tộc của quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, với 17.000 đảo và 300 dân tộc, mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hóa sống động riêng. Ngày nay, người dân tự hào thể hiện mình với thế giới như một mẫu mực về lòng khoan dung và chung sống giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, như vùng đất “đối thoại cuộc sống”. Dân số hiện tại ước tính là 275 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, là quốc gia đầu tiên trong số những quốc gia có đa số là người Hồi giáo (86%), trong đó các Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác nhau chiếm 11%. Công việc của cộng đoàn Công giáo trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục quy tụ những người trẻ thuộc các tôn giáo và văn hóa khác để làm chứng cho tình bạn, tình huynh đệ và chia sẻ hồng ân cuộc sống. Kinh nghiệm học tập tại các học viện ở Yogyakarta giúp người trẻ hiểu rằng những khác biệt có thể được coi là những câu chuyện về sự đa dạng vô tận của chính Thiên Chúa. Bằng cách cung cấp không gian để thảo luận và phát triển cho những người trẻ thuộc các tôn giáo khác nhau, để họ tham gia vào cuộc đối thoại tôn trọng, họ lớn lên trong sự hiểu biết Thiên Chúa và “đánh giá bằng con mắt của trái tim mình rằng tấm thảm phong phú của nhân loại chúng ta còn đẹp hơn nếu có sự đa dạng”.
Những câu chuyện này làm cho niềm hy vọng được lớn lên, và thường đưa đến những sáng kiến chung để đồng hành cùng với người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội hoặc bảo vệ trái đất. Hoa trái của cuộc đối thoại gắn kết họ lại với nhau và trở thành một “lối sống” của những người trẻ Indonesia, Kitô hữu và Hồi giáo. Tất cả cảm thấy tính cấp bách của sự dấn thân, với sự năng động trẻ trung, thúc đẩy sự kết hợp giữa đa dạng, tình liên đới với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, các thực hành quản lý thụ tạo và chăm sóc “ngôi nhà chung”. Trong một vòng tròn đạo đức, với những cử chỉ này, họ sống và xây dựng một bầu khí chung sống hòa bình, làm chứng rằng cuộc đối thoại là có thể và đem lại kết quả: nhiều nhóm và tổ chức, gồm những người thuộc nhiều tín ngưỡng, hoạt động trong lĩnh vực đối thoại liên tôn và cộng tác trong lĩnh vực đối thoại liên tôn và bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền.