Skip to content
banner
Ngôn ngữ

ĐHY Parolin kêu gọi bảo đảm các quyền tự do cho Kitô hữu ở Trung Đông

BTT UBCLHB 04
2023-08-01 09:22 UTC+7 269
Đức Hồng y Pietro Parolin kêu gọi đảm bảo tất cả các quyền tự do cho các Kitô hữu ở Syria, cũng như ở Palestine, ở Libăng, ở Israel, ở Iraq và ở mọi quốc gia khác, bởi vì “họ là một phần của những dân tộc đó theo quyền riêng của họ và luôn đóng góp cho sự

Đức Hồng y Pietro Parolin kêu gọi đảm bảo tất cả các quyền tự do cho các Kitô hữu ở Syria, cũng như ở Palestine, ở Libăng, ở Israel, ở Iraq và ở mọi quốc gia khác, bởi vì “họ là một phần của những dân tộc đó theo quyền riêng của họ và luôn đóng góp cho sự phát triển văn hóa, kinh tế và chính trị của các nước bằng sự cống hiến và năng lực”.


Vatican News


Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đưa ra lời kêu gọi trên trong Thánh lễ cử hành tại nhà thờ Thánh Inhaxio Loyola ở Roma nhân kỷ niệm 10 năm Cha Paolo Dall'Oglio bị bắt cóc ở Syria.


Cử chỉ thương xót


Đức Hồng y kêu gọi làm mọi cách để tìm thấy Cha Paolo Dall'Oglio và tất cả những người khác đã mất tích trong những năm chiến tranh ở Syria. Con số này, theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 120.000 người. Ngài cũng nghĩ đến hai Giám mục: Boulos Yazigi, Tổng Giám mục Chính Thống giáo Hy Lạp, và Youhanna Ibrahim, Tổng Giám mục Chính Thống giáo Syro, mất tích từ ngày 22/4/2013; và cả hai linh mục là Cha Michael Kayal thuộc Công giáo Armenia và Cha Issab Mahfoud thuộc Chính Thống giáo Hy Lạp, mất tích từ ngày 9/2/2013. Ngài nói rằng cần tìm thấy họ ngay cả khi tìm thấy họ chỉ để thực thi cử chỉ thương xót mà bất kỳ ai cũng xứng đáng được hưởng, đó là thương khóc và chôn cất các thi thể một cách tôn kính.


Gặp gỡ Chúa Kitô


Điều đã thúc đẩy Cha Paolo Dall'Oglio dấn thân vào sa mạc Syria và xây dựng những nhịp cầu đối thoại với người Hồi giáo chính là được “thúc đẩy bởi niềm tin vào Chúa Kitô và bởi tình yêu dành cho anh chị em của mình.” Đức Hồng y Parolin nói: “Đức tin không đến từ một sự gắn bó tri thức mơ hồ với con người lịch sử của Chúa Giêsu, mà đến từ cuộc gặp gỡ cá nhân với Người”, “nguồn mạch của tình yêu vô điều kiện dành cho tất cả anh chị em”.


Ngôn ngữ Nước Trời


Trong bài giảng, Đức Hồng y khẳng định rằng để có thể đối thoại chân thành với những người thuộc các tín ngưỡng khác, ví dụ như những người anh em Hồi giáo của chúng ta, “chúng ta không bao giờ được che giấu danh tính Kitô hữu của mình, nhưng hãy thể hiện điều đó ở khía cạnh trung thực nhất”, “hãy nói ngôn ngữ của Nước Trời, là sự tôn trọng, quý trọng anh chị em mình”. “Chỉ bằng cách này, logic của sự kiêu ngạo, tự hào, vũ khí, phân biệt đối xử và chiến tranh mới được thay thế bằng logic của thiên đàng, hay đúng hơn là logic của lòng bác ái, lòng trắc ẩn” và “cuộc gặp gỡ với người khác có thể trở thành tình bạn”.


Nhớ đến các Kitô hữu Trung Đông, Đức Hồng y nói rằng “sự hiện diện của Kitô giáo ở Trung Đông không chỉ đơn giản là để được ‘khoan dung’ nhưng phải được đảm bảo các quyền tự do.”


Cầu nguyện cho Syria


Cuối cùng, Đức Hồng y mời gọi cầu nguyện cho Cha Paolo, cho tất cả những người đã mất tích, cho gia đình của họ, cho những người Syria ở quê nhà và những người tị nạn ở các quốc gia khác, cho nước Syria đang bị dày vò, để “những vết thương của những trái tim tan vỡ được băng bó, những tù nhân được giải thoát, những người đau khổ được an ủi, những thành phố hoang tàn được xây dựng lại, những nơi bị tàn phá được xây dựng lại.”


Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ