ĐTC Phanxicô: Đối thoại liên tôn là điều kiện cần thiết cho hòa bình
Hồng Thủy - Vatican News
Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha cảm ơn các tham dự viên vì đã kiên trì tiếp tục hành trình do Chị Chiara Lubich khởi xướng trong việc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo, những người có chung linh đạo hiệp nhất. Ngài nói rằng "Đó là một kinh nghiệm được Chúa Thánh Thần linh hoạt, và chúng ta có thể nói là bắt nguồn từ trong trái tim của Chúa Kitô, trong cơn khát tình yêu, sự hiệp thông và tình huynh đệ của Người".
Chúa Thánh Thần mở ra những con đường đối thoại và gặp gỡ
Đức Thánh Cha giải thích: "Thực ra, chính Chúa Thánh Thần mở ra những con đường đối thoại và gặp gỡ, đôi khi gây ngạc nhiên. Như đã xảy ra cách đây hơn 50 năm ở Algeria, nơi một cộng đồng Hồi giáo hoàn toàn theo đường hướng của Phong trào đã ra đời. Và đó cũng là những cuộc gặp gỡ của Chiara Lubich với các nhà lãnh đạo của nhiều tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái, đạo Sikh và những tôn giáo khác. Một cuộc đối thoại đã phát triển cho đến nay, được thể hiện qua sự hiện diện của các anh chị em ngày hôm nay".
Nền tảng của đối thoại liên tôn là Tình yêu Thiên Chúa
Theo Đức Thánh Cha, "Nền tảng của trải nghiệm này là Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trong tình yêu thương lẫn nhau, trong việc lắng nghe, tin tưởng, chào đón và hiểu biết nhau, hoàn toàn tôn trọng căn tính của mỗi người. Theo thời gian, tình bạn và sự hợp tác đã phát triển trong việc cố gắng cùng nhau đáp lại tiếng kêu của người nghèo, trong việc chăm sóc thiên nhiên, trong việc làm việc vì hòa bình". Ngài nói thêm: "Qua cuộc hành trình này, một số anh chị em không phải là Kitô hữu đã chia sẻ linh đạo của 'Công trình của Mẹ Maria' hoặc một số nét đặc trưng của nó và sống những điều này giữa dân tộc của họ. Với những người này, chúng ta vượt xa sự đối thoại, chúng ta cảm thấy như anh chị em, chúng ta chia sẻ giấc mơ về một thế giới đoàn kết hơn, trong sự hài hòa của sự đa dạng".
Cuối cùng, Đức Thánh Cha ca ngợi rằng chứng tá của họ "là lý do để vui mừng và an ủi, đặc biệt là trong thời điểm xung đột này, trong đó tôn giáo thường bị lợi dụng để gây ra xung đột". (CSR_2470_2024)
ĐTC Phanxicô mời gọi Hiệp hội Công nhân Kitô giáo Ý gần gũi người dân như cách của Chúa Giêsu
Sáng ngày 1/6/2024, gặp gỡ các thành viên của các Hiệp hội Công nhân Kitô giáo của Ý, được gọi tắt là ACLI, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập, Đức Thánh Cha mời gọi họ tiếp tục nuôi dưỡng và thực hiện các giá trị Kitô giáo theo 5 phong cách mà ngài tin là nền tảng cho hành trình của họ: bình dân, hiệp hành, dân chủ, hòa bình và Kitô giáo.
Hồng Thủy - Vatican News
Trong bài diễn văn, trước hết Đức Thánh Cha cùng ACLI tạ ơn Chúa, Đấng đã đồng hành và hỗ trợ họ trên con đường này, đồng thời cũng truyền cảm hứng cho nhiều người, thông qua ACLI, đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ người lao động, người hưu trí, giới trẻ, người nước ngoài và nhiều người đang gặp hoàn cảnh khó khăn". Ngài nói: "ACLI là nơi có thể gặp gỡ những 'vị thánh hàng xóm', những người không xuất hiện trên trang nhất các tờ báo, nhưng đôi khi họ thực sự thay đổi mọi thứ, theo hướng tốt đẹp!".
Và Đức Thánh Cha chia sẻ với các thành viên của ACLI 5 đặc điểm của phong cách mà ngài tin là nền tảng cho hành trình của họ.
Phong cách bình dân
Đầu tiên là phong cách bình dân. "Đó không chỉ là việc gần gũi với mọi người mà còn là việc trở thành một phần của mọi người. Nó có nghĩa là sống và chia sẻ những niềm vui, thử thách thường ngày của cộng đồng, học hỏi những giá trị và trí tuệ của những con người giản dị. Đức Thánh Cha nói rằng "Trong bối cảnh của một xã hội phân mảnh và một nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân, chúng ta rất cần những nơi mà mọi người có thể trải nghiệm cảm giác thân thuộc đầy sáng tạo và năng động này, giúp chuyển từ 'tôi' sang 'chúng ta', cùng nhau phát triển các dự án vì lợi ích chung và để cùng nhau phát triển.
Phong cách hiệp hành
Thứ hai là phong cách hiệp hành. Làm việc cùng nhau, cộng tác vì lợi ích chung là điều cơ bản. Đức Thánh Cha giải thích: "Phong cách hiệp hành này được làm chứng bằng sự hiện diện của những người thuộc các tầm nhìn văn hóa, xã hội, chính trị và thậm chí cả tầm nhìn giáo hội khác nhau, và những người đang ở đây với quý vị hôm nay". Ngài nói rằng sự đa dạng và không ngừng nghỉ - theo nghĩa tích cực - giúp họ đồng hành cùng nhau và cũng hòa nhập với các lực lượng khác của xã hội, kết nối và thúc đẩy các dự án chung.
Phong cách dân chủ
Đặc điểm thứ ba là phong cách dân chủ. Đức Thánh Cha nhận định rằng trung thành với tính dân chủ luôn là nét đặc trưng của ACLI. Ngày nay chúng ta rất cần nó. "Dân chủ là xã hội trong đó thực sự có chỗ cho tất cả mọi người, trên thực tế chứ không chỉ trong các tuyên bố hay trên giấy tờ". Ngài nhận định: "Đây là lý do tại sao rất nhiều công việc quý vị làm lại quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ những người có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề xã hội: những người trẻ, những người đặc biệt nhắm đến các sáng kiếnđào tạo chuyên nghiệp; phụ nữ, những người thường xuyên phải chịu đựng những hình thức phân biệt đối xử và bất bình đẳng; những người lao động và người di cư mong manh nhất, những người trong ACLI tìm được ai đó có khả năng giúp họ được tôn trọng các quyền của mình; và cuối cùng là những người già và những người về hưu, những người rất dễ bị xã hội 'bỏ rơi'".
Phong cách hòa bình
Thứ tư là phong cách hòa bình, tức là phong cách của những người kiến tạo hòa bình. Đức Thánh Cha chia sẻ sự dấn thân và cầu nguyện cho hòa bình của ACLI. Ngài nói: "ACLI là tiếng nói của một nền văn hóa hòa bình, một không gian để khẳng định rằng chiến tranh không bao giờ là 'không thể tránh khỏi' trong khi hòa bình luôn có thể xảy ra; và điều này áp dụng cả trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như trong đời sống gia đình, cộng đồng và tại nơi làm việc". Ngài nói tiếp: "Những người biết cách giữ quan điểm rõ ràng sẽ xây dựng hòa bình, nhưng đồng thời cố gắng xây dựng những nhịp cầu, lắng nghe và hiểu biết các bên liên quan khác nhau, thúc đẩy đối thoại và hòa giải. Cầu khẩn hòa bình là một điều gì đó vượt xa sự thỏa hiệp chính trị đơn giản, bởi vì nó đòi hỏi sự tham gia và chấp nhận rủi ro. Trong một thế giới đầy xung đột và chia rẽ, chứng tá của quý vị với tư cách là những người xây dựng hòa bình, những người khẩn cầu hòa bình, cần thiết và quý giá hơn bao giờ hết".
Phong cách Kitô giáo
Cuối cùng là phong cách Kitô giáo. Đức Thánh Cha nói rằng đây là phong cách tổng hợp và là gốc rễ của những khía cạnh khác mà chúng ta đã nói đến. Ngài giải thích: "Theo đuổi phong cách Kitô giáo không chỉ có nghĩa là tạo điều kiện để chúng ta có một giây phút cầu nguyện trong các buổi họp; nó có nghĩa là lớn lên trong sự quen thuộc với Chúa và theo tinh thần Tin Mừng, để Tin Mừng có thể thấm nhập vào mọi việc chúng ta làm và hành động của chúng ta mang phong cách của Chúa Kitô và làm cho Người hiện diện trong thế giới"