Đức Thánh Cha: Các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh
Vatican News
Đức Thánh Cha đề cập đến lịch sử phức tạp của Afghanistan trong những thập kỷ gần đây, được đánh dấu bằng các cuộc chiến tranh và xung đột đẫm máu, làm cho đời sống của dân chúng bất an, không có hoà bình và tự do, nhiều người phải lưu vong.
Một đặc điểm quan trọng khác của Afghanistan và của cả xã hội Pakistan là có nhiều dân tộc. Mỗi dân tộc đều tự hào về văn hoá, truyền thống và lối sống độc đáo của mình. Sự đa dạng này, thay vì là cơ hội để thúc đẩy hoạt động bảo vệ nét đặc trưng và quyền của mỗi nhóm, đôi khi lại bị sử dụng làm cớ cho sự phân phiện đối xử, loại trừ, và bách hại. Điều này trở nên quan trọng hơn ở khu vực biên giới Pakistan, nơi mà việc áp dụng luật khó bảo đảm hiệu quả, dẫn đến những nhóm tự cho mình mạnh hơn có xu hướng vượt ra ngoài luật, lạm quyền đối với các nhóm thiểu số .
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, trong bối cảnh này, tôn giáo tự bản chất sẽ giúp làm dịu sự khắc nghiệt của những tương phản và tạo không gian cho mọi người được trao quyền công dân đầy đủ, trên cơ sở bình đẳng và không phân biệt đối xử. Tuy nhiên tôn giáo thường bị thao túng và lợi dụng, trở thành yếu tố gây xung đột và thù hận, có thể dẫn đến bạo lực. Ngài nói: “Điều bắt buộc là mọi người phải chấp nhận nguyên tắc không được nhân danh Thiên Chúa để kích động sự thù hận người khác. Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy sự hoà hợp tôn giáo và vượt qua những hiểu lầm giữa các tôn giáo nhằm xây dựng con đường đối thoại tin cậy và hoà bình”.
Về điểm này, Đức Thánh Cha nhắc lại những gì ngài và Đại Iman Ahmad al Tayyeb của Đền thờ và Đại học Al Azhar ký vào ngày 04/2/2019 về “Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại và hoà bình thế giới và sự sống chung”, trong đó khẳng định “các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh, thái độ thù hận và cực đoan. Những thực tế bi thảm này là hậu quả của việc đi chệch khỏi giáo lý tôn giáo”. Và những gì nói về vai trò của tôn giáo cũng có thể được áp dụng tương tự cho những khác biệt về dân tộc-ngôn ngữ-văn hóa, vì để quản lý tốt những điều này, cũng cần phải áp dụng văn hóa đối thoại như con đường; hợp tác lẫn nhau như quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn.
Đức Thánh Cha hy vọng những tiêu chuẩn này sẽ trở thành di sản chung và ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của mọi người, để rồi được áp dụng hiệu quả trong thực tế.