Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Đức Tổng Giám mục Shevchuk lên án việc sử dụng tôn giáo vào cuộc chiến ở Ucraina

BTT UBCLHB 04
2024-11-01 21:17 UTC+7 48
Ngày 29/10/2024, tham gia cuộc họp báo ở Paris do Hội đồng Giám mục Pháp và Œuvre d'Orient đồng tổ chức, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk lên án việc sử dụng tôn giáo cho các mục đích chính trị trong cuộc xung đột ở Ucraina, và nhấn mạnh sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho người dân Ucraina.

Vatican News

Chia sẻ về tình hình ở Ucraina và vai trò của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina trong bối cảnh chiến tranh, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói: “Ucraina mệt mỏi nhưng không bị đánh bại, Ucraina bị thương nhưng kiên cường”. Ngài nhấn mạnh: “Khả năng cứu mạng sống của chúng tôi là một ví dụ về chủ nghĩa đại kết đang diễn ra”.

Tập trung vào số phận của những người Công giáo Đông phương sống trong các vùng lãnh thổ bị quân đội Nga chiếm đóng mà theo lời của ngài là bị cấm và đang trong quá trình hủy diệt, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina than thở: “Ngày nay, tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, không còn một người Công giáo Đông phương nào còn sót lại”. Ngài nói thêm: “Từ đó bạn hiểu tại sao đối với hầu hết các tín hữu ở Ucraina, khái niệm độc lập của Ucraina tương đương với tự do tôn giáo”.

630 cơ sở tôn giáo bị phá hủy

Tổ chức Vì Tự do Tôn giáo, một tổ chức nhân quyền phi chính phủ được thành lập năm 2001 tại Kiev, đã công bố một báo cáo vào tháng 3 vừa qua, ghi nhận việc phá hủy 630 tòa nhà tôn giáo kể từ khi bắt đầu chiến tranh vào tháng 2/2022. Báo cáo cho biết, một số nơi thờ phượng “đã bị quân đội Nga cố tình cướp phá, bị chính quyền chiếm đóng, đóng cửa hoặc biến thành tòa nhà hành chính”.

Lệnh cấm của Quốc hội Ucraina đối với Giáo hội có liên quan đến Tòa Thượng phụ Moscow

Vào ngày 20/8/2024, Quốc hội Ucraina đã thông qua dự luật cấm Giáo hội Chính thống có liên hệ với Tòa Thượng phụ Moscow. Nhắc lại sự ủng hộ của Giáo hội Chính thống Nga đối với cuộc xâm lược Ucraina, Đức Giám mục Shevchuk lấy làm tiếc về việc “công cụ hóa tôn giáo”, biến tôn giáo thành một “vũ khí”. Điều này đẩy những người Ucraina gắn bó với Tòa Thượng Phụ Moscow vào “một cuộc khủng hoảng căn tính trầm trọng”.

Vai trò trung gian của Tòa Thánh

Trả lời câu hỏi của một nhà báo liên quan đến chính sách ngoại giao của Vatican trong cuộc xung đột này, vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha và Tòa thánh về công tác hòa giải đã được thực hiện trong hơn hai năm.

Hy vọng cho tương lai

Đức Tổng Giám mục Shevchuk kết thúc bằng thông điệp hy vọng cho tương lai của Ucraina và Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina: “Chúng tôi tin tưởng rằng khả năng yêu quê hương có thể mạnh hơn hận thù. Tôi không thể cấm người dân của tôi cảm thấy căm thù khi họ chứng kiến những vụ giết người, nhưng, nhờ những đức tính về tinh thần và ý chí của chúng tôi, chúng tôi phải biến cảm giác căm thù này thành lòng dũng cảm. Tác động của Chúa Thánh Thần biến lòng can đảm của con người thành niềm hy vọng. Đây là lý do tại sao hy vọng tồn tại ở Ucraina”.

Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ