Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Giáo hội Hàn Quốc đã cử hành Thánh lễ thứ 1.413 cầu cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

BTT UBCLHB 03
2024-06-26 09:40 UTC+7 39
Ngày 24/6/2024, trước ngày kỷ niệm cuộc xung đột giữa hai miền nam bắc trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ, Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taick của Seoul đã cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Myeongdong để cầu nguyện cho hòa giải giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây là Thánh lễ thứ 1.413 được Giáo hội Hàn Quốc cử hành để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Hồng Thủy - Vatican News

Cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ ngày 25/6/1950 và kéo dài đến năm 1953 khi một hiệp định đình chiến được ký kết. Vào năm 1965, Hội đồng Giám mục Hàn Quốc đã thành lập “Ngày cầu nguyện cho sự hòa giải và thống nhất của dân tộc Triều Tiên”.

Sứ điệp hòa bình và hòa giải, sứ điệp hy vọng và hiệp nhất

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám mục Peter Chung đã đưa ra một sứ điệp hòa bình và hòa giải, sứ điệp hy vọng và hiệp nhất, điều khẳng định sự dấn thân của Ủy ban hòa giải dân tộc Triều Tiên của tổng giáo phận Seoul cũng như của Ủy ban toàn quốc về hòa giải của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc.

Trong ý hướng này, Giáo hội Hàn Quốc đã cử hành 1.413 Thánh lễ cầu nguyện cho hòa giải, và dấn thân như những người kiến tạo hòa bình theo logic của Tin Mừng.

Gia tăng cầu nguyện giữa bầu khí hận thù

Tổng giám mục của Seoul cũng kêu gọi canh tân sự dấn thân cho hòa bình và hòa giải, nhấn mạnh rằng “điều nền tảng là không được truyền lại di sản hận thù cho các thế hệ tương lai”.

Ngài lưu ý rằng mặc dù tình hình giữa hai miền Triều Tiên có vẻ ảm đạm, nhưng các Kitô hữu không được tuyệt vọng. Ngược lại, “chính trong thời kỳ thù địch ngày càng gia tăng này, lời cầu nguyện của chúng ta có thể soi sáng thời điểm này bằng một ánh sáng lớn hơn”.

Vượt qua chia rẽ

Nhắc lại giáo huấn của Tin Mừng: “Chính Chúa Giêsu đã chứng minh rằng hòa bình không thể đạt được bằng lối tiếp cận ăn miếng trả miếng. Hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại”, Đức Tổng Giám mục kêu gọi các tín hữu cầu nguyện không phải cho sự biến đổi của người khác nhưng để mọi người “biết noi gương lòng thương xót và sự kiên nhẫn vô biên của Thiên Chúa, chọn con đường hòa bình”.

Ngài nói rằng người dân Hàn Quốc đã duy trì niềm hy vọng vượt qua nghèo đói, bây giờ họ phải có hy vọng mới, đó là có thể vượt qua được sự chia rẽ. Niềm hy vọng này chắc chắn sẽ mang lại hòa bình thực sự cho Bán đảo Triều Tiên. Kết thúc bài giảng, ngài kêu gọi tất cả những người sống trên Bán đảo Triều Tiên “chọn con đường tha thứ và hòa giải thay vì hận thù và oán giận”. (Fides 24/06/2024)

Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ