Skip to content
banner
Ngôn ngữ

HÀNH TRÌNH SINH THÁI HỌC PHAN SINH, ALASKA, LAUDATO SI', ĐÁP LẠI TIẾNG KÊU CỦA TRÁI ĐẤT VÀ NGƯỜI NGHÈO

BTT UBCLHB 05
2024-12-10 16:27 UTC+7 506
Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả bài thuyết trình của cha Michael A. Perry, OFM, nguyên Tổng Phục vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn, hiện là Giám đốc Trung Tâm Laudato Si’ tại Đại Học Siena. Cha đã trình bày đề tài: HÀNH TRÌNH SINH THÁI HỌC PHAN SINH, ALASKA, LAUDATO SI', ĐÁP LẠI TIẾNG KÊU CỦA TRÁI ĐẤT VÀ NGƯỜI NGHÈO tại đại hội thường niên của Ủy Ban Công lý & Hòa Bình - trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam diễn ra từ ngày 25-26/12/2024 tại Giáo xứ Sầm Sơn, Gp. Thanh Hóa.

“Lạy Thiên Chúa của con, Chúc tụng Chúa qua người Chị của chúng con là Mẹ Trái Đất, người nuôi dưỡng và chi phối chúng con, là người sản sinh hoa trái phong phú với biết bao hoa thơm cỏ lạ”. Người chị này giờ đây đang kêu cứu vì những tổn hại mà chúng ta đã gây ra cho chị qua việc sử dụng và lạm dụng cách vô trách nhiệm những của cải mà Chúa đã ban cho chị. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của Trái Đất này và muốn bóc lột ra sao tùy ý. Bạo lực trong tâm hồn chúng ta do tội lỗi gây nên cũng phản chiếu trong những triệu chứng bệnh tật trong đất đai, nguồn nước, trong không khí và mọi dạng thức của sự sống. Đây là lý do vì sao mà chính Trái Đất, bị đè nặng và bị tàn phá, lại là một trong số những người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất … Chúng ta đã quên mất bản thân chúng ta là bụi đất (x. St 2,7); xác thể thực sự của chúng ta được làm từ những yếu tố của đất, chúng ta hít thở không khí của Trái Đất và lãnh nhận sự sống và thức uống trong lành từ nguồn nước của Trái Đất”. (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Laudato Si':1-2)

 

Theo lời của Thánh Phanxicô Assisi, "Xin Chúa ban bình an cho các bạn!"

Nhà khoa học và người sáng lập thuyết tương đối, Tiến sĩ Albert Einstein, đã viết những điều sau đây cho con gái mình:

"Có một lực cực kỳ mạnh mà cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải thích chính thức. Đấy là một lực bao gồm và chi phối tất cả mọi lực khác, và còn đứng cả đằng sau bất kỳ hiện tượng nào hoạt động trong vũ trụ và chúng ta vẫn chưa xác định được. Sức mạnh bao trùm vũ trụ này là tình yêu... Tình yêu là ánh sáng... Tình yêu là trọng lực... Tình yêu là sức mạnh... Tình yêu mở ra và biểu lộ... Tình yêu là Thiên Chúa và Thiên Chúa là tình yêu” [Một bức thư Albert Einstein gửi con gái ông, Lieseri]

Mọi thứ thực sự quan trọng trong đời sống chúng ta, bằng cách này hay cách khác, là kết quả của một nhận thức nhưng chỉ riêng sự hiểu biết sâu sắc là không đủ để thúc đẩy chúng ta hành động. Chúng ta được thúc đẩy hành động khi nhận thức trở thành một mối quan hệ, khi nó gắn bó với ai đó hoặc điều gì đó, khi nó trở thành tình yêu, điều mà Albert Einstein gọi là lực mạnh nhất trong vũ trụ. Đây chính xác là những gì đã xảy ra trong cuộc đời của Thánh Phanxicô Assisi khi nhận thức – một ý tưởng mới và sự hoán cải lớn lao – dẫn đưa một người đến chỗ xem xét lại mối quan hệ của mình với cảnh giới thần linh (Thiên Chúa), với bản thân, với người khác và với môi trường tự nhiên của họ. Có thể đó là việc hôn người phong cùi đã mở ra trong Phanxicô một cách hoàn toàn mới để nhận biết phẩm giá và vẻ đẹp của mỗi con người; hoặc có lẽ đó là tiếng nói của Chúa Kitô Phục Sinh vinh quang kêu gọi Phanxicô, lúc ấy là một con người thất vọng và vỡ mộng, khám phá ra một bản sắc và sứ mệnh mới cho cuộc sống của mình, xây dựng lại các kết cấu vật chất, nhà thờ và nhà nguyện đổ nát, và cuối cùng đã mở rộng để bao gồm cả xã hội của ngài, đang cần sửa chữa, chữa lành, hòa giải; hoặc có thể đó là những mối đe dọa đối với một ngôi làng ở Umbria bởi một con sói đơn độc đang lên tiếng thay mặt cho thiên nhiên, thúc giục nhân loại ngừng phá hủy môi trường địa phương vì họ đang tước đi các nguồn tài nguyên quan trọng của thế giới tự nhiên; hay đó là những cuộc chiến tranh triền miên và hủy diệt giữa Assisi và Perugia, giữa Thánh Đế quốc Rôma và những người Hồi giáo đang kiểm soát lối vào Giêrusalem và các thánh địa của Kitô giáo, và cuộc chiến 'thuộc địa' lớn hơn nhiều để xem tôn giáo là đúng, tôn giáo nào phải bị tiêu diệt, tất cả nhân danh một Đức Chúa Trời đầy lòng yêu mến và thương xót,  và cuộc gặp gỡ sau đó giữa một nhà tu trì và một lãnh chúa Hồi Giáo đã đưa ra một giải pháp thay thế mang tính hòa bình. Ở mỗi khoảnh khắc hoặc kinh nghiệm ấy trong cuộc đời của Thánh Phanxicô, cuộc gặp gỡ liên vị đã dẫn đến một cái nhìn sâu sắc mới, đến một kinh nghiệm về tình yêu. Sự kết hợp các "sự kiện" này đã mở đường cho một điều gì đó mới xuất hiện: một sự phục hồi của một tình huynh đệ vũ trụ bao gồm nhân loại và tất cả mọi thụ tạo - tất cả là anh chị em. Một sự tái sinh đã xảy ra trong cuộc đời của Phanxicô. Theo lời của Thánh Phaolô, ngài đã trở thành một "sáng tạo mới". Vòng tròn bạn bè của ngài mở rộng để bao gồm không chỉ mọi con người, bao gồm cả những người không phải là Kitô hữu, mà còn bao gồm môi trường tự nhiên, mở rộng ra đến hàng tỷ thiên hà. Không còn người lạ nữa. Không còn kẻ thù nữa. Mọi người và mọi sự hiệp nhất lại trong một tình huynh đệ vũ trụ, được hướng dẫn bởi một đạo đức phổ quát về tình yêu, trách nhiệm lẫn nhau, tình liên đới. Đây là câu chuyện đằng sau Bài Ca Anh Mặt trời, còn được gọi là Bài Ca Của Các Thụ Tạo, một lời mời gọi thực thi hoán cải sinh thái.

Một Kinh Nghiệm Về Hoán Cải Sinh Thái Tại Đất Nước Argentina

Chúng ta đi nhanh đến Đức Tổng Giám mục Bergoglio, Đấng bản quyền của Tổng Giáo phận Buenos Aires. Qua một loạt các cuộc gặp gỡ với những người nghèo, bị áp bức, cái mà ngài gọi là các thành viên của "xã hội/văn hóa vứt bỏ", ngài đã có được những nhận thức mới về phẩm giá và vẻ đẹp của mỗi người và mọi người, quyền của họ được hưởng lợi từ hoa trái của Trái Đất, quyền được bảo vệ và tạo cơ hội để đạt được sự phát triển cá nhân toàn diện về tinh thần, kinh tế, chính trị và văn hóa. Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến cách Đức Tổng Giám mục đi đến giữa những người sống ở nấc thang xã hội cuối cùng của Buenos Aires, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, thể hiện tình yêu và sự quan tâm chân thành, và dần dần, kêu gọi những người nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế đáp lại tiếng kêu của người nghèo và bị loại trừ. Chúng ta cũng biết về mối quan hệ của ngài với các thành viên của các truyền thống tín ngưỡng khác – Do Thái Giáo, Hồi Giáo – và với cộng đồng đại kết lớn hơn ở Argentina. Điều này cho thấy sự sẵn sàng của ngài để vượt qua các rào cản thể chế, nhận ra sự hiện diện thần linh (Thiên Chúa) đang nói với các tín đồ của các tín ngưỡng khác, và những người tự gọi mình là những người không tin. Điều chúng ta biết ít hơn là quá trình hoán cải sinh thái đã xảy ra trong cuộc đời của ngài, những cuộc gặp gỡ và những hiểu biết sâu sắc đã dẫn ngài vượt qua sinh thái học nhân đạo (Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêdictô XVI) để giới thiệu một sự hiểu biết toàn diện hơn về mối quan hệ giữa con người cũng như ơn gọi và trách nhiệm của họ trong việc chăm sóc Chị/Mẹ Đất và tất cả các sinh vật. Chúng ta hãy dành một chút thời gian để xem xét các yếu tố trong quá trình hoán cải sinh thái của Đức Bergoglio.

Trong một cuốn sách hấp dẫn có tựa đề Tâm tư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô của giáo sư triết học đã nghỉ hưu thuộc Đại học Siena, Ý, Massimo Bonito, chúng ta biết u về một loạt các sự kiện lớn đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình một tầm nhìn sinh thái, sau này, vào năm 2015, sẽ đúc kết thành một thông điệp, Laudato Si'.  Tại Aparecida, đền thờ Đức Mẹ lớn nhất ở Brazil bên ngoài Sao Paolo, vào năm 2007, diễn ra Đại hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và Caribe lần thứ năm - CELAM . Đức Bergoglio, người đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Argentina, được mời tham gia vào nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu chung kết. Văn kiện chung kết của Aparecida mang ý nghĩa lớn vì nó chứa đựng tất cả các nét chính yếu của triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, bắt đầu từ Evangelii Gaudium (2013), kêu gọi một sự canh tân công việc truyền giáo của Giáo Hội, tích hợp tình yêu Thiên Chúa với tình yêu tha nhân, phúc âm hóa, công lý với bác ái, một lời kêu gọi bắt đầu bằng gặp gỡ cá nhân - với Chúa Giêsu Kitô. Lời kêu gọi truyền giáo này được mở rộng để bao gồm việc lắng nghe và đáp lại tiếng kêu của Trái Đất và tiếng kêu của người nghèo (cách diễn đạt của Leonardo Boff), đặt quan điểm sinh thái toàn diện vào trung tâm của căn tính và sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ngay sau đây. Một chủ đề quan trọng khác trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô là lòng thương xót, và để kính lòng thương xót ngài đã lập một Năm Thánh đặc biệt (2016). Chủ đề về lòng thương xót đã được kết nối trực tiếp với việc Đức Giáo Hoàng trân trọng lòng đạo đức bình dân, thể hiện trong thông điệp ngày 24 tháng 10 năm 2024, có tên là Delixit Nos [Ngài yêu chúng ta], mời gọi người Công Giáo tái khám phá tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu, Trái tim của Chúa Giêsu, như một con đường để chữa lành một thế giới bị chia rẽ, để chữa lành mối quan hệ của nhân loại với muôn loài thụ tạo. Bằng cách này hay cách khác, những chủ đề này là trọng tâm của lời kêu gọi của các giám mục Châu Mỹ Latinh vào năm 2007 được trình bày  trong Văn kiện chung kết của Aparecida xuất hiện với những điểm nhấn khác nhau trong các bài viết, bài giảng và các tài liệu chính thức của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trở lại với Aparecida và vai trò của nó trong việc định hình tư duy của Đức Bergoglio. Một mối quan tâm lớn đối với một số giám mục đến từ một trong 9 quốc gia tạo thành Đại lưu vực rừng nhiệt đới Amazon, là sự tàn phá môi trường tự nhiên cách có chủ ý và sử dụng bạo lực, cũng như tác động trực tiếp của nó đối với người nghèo và người bên lề. Những mối quan tâm này, trước đây đã được các giám mục trong khu vực nói lên, nay mang một tính cấp bách mới nhờ chứng tá của nhiều giám mục, những người đưa ra một lập luận rõ ràng về lý do tại sao việc chăm sóc tạo vật được liên kết trực tiếp với sự phát triển con người toàn diện và việc rao giảng Tin Mừng. Đức Bergoglio được cử đứng đầu việc soạn thảo tài liệu chuẩn bị cho văn kiện chung kết. Tác động của những chứng tá do các giám mục nêu lên, và các cuộc thảo luận diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín giữa các thành viên của ủy ban soạn thảo đã gieo hạt giống cho sự khởi đầu của sự hoán cải sinh thái của Đức Bergoglio. Trong các cuộc đàm thoại với một nhà báo vào tháng 5 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng "có lúc, ngài hay cảm thấy bực bội" vì các bài phát biểu của các giám mục vùng Amazon. Đức Giáo Hoàng phản ánh, "Tôi nhớ rất rõ cảm giác khó chịu bởi thái độ của họ và đã có nhận xét, "những người Brazil này đang khiến chúng tôi phát điên với những bài phát biểu của họ!”. Vào thời điểm đó, tôi không hiểu tại sao Hội Đồng Giám Mục của chúng tôi phải cống hiến hết mình cho chủ đề Amazon; đối với tôi, sức khỏe của 'lá phổi xanh' của thế giới không phải là điều đáng quan tâm, hoặc ít nhất tôi không hiểu nó có liên quan gì đến vai trò giám mục của tôi" (xem Junno Arocho Esteves, “New book recounts pope’s vision for integral ecology,” trong Earthbeat (National Catholic Reporter), tháng 9, 2020). Tôi chắc chắn rằng sự phát triển của tư tưởng của Đức Bergoglio / Giáo Hoàng Phanxicô và sự thay đổi thái độ sau đó dẫn đến việc công bố Laudato Si', phức tạp hơn nhiều so với những gì được trình bày trong cuốn sách của Bonito. Một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt quá trình dẫn đến một nhận thức sinh thái mới và chuyển từ suy tư sang hành động thay mặt cho người nghèo và cho hành tinh - sự hoán cải sinh thái của Đức Bergoglio - đó là đặc tính liên hệ . Khi biết về sự đau khổ của người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Brazil, khi lắng nghe những câu chuyện của các nhóm thổ dân và cư dân các đảo Thái Bình Dương, nhận thức và nhạy cảm về sinh thái Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tăng dần lên; một tiến trình hoán cải đã được khởi động và thể hiện trong thông điệp đầu tiên một Đức Giáo Hoàng dành riêng cho cuộc khủng hoảng sinh thái, tác động chủ yếu của nó trên người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và trách nhiệm của chúng ta với tư cách là thành viên của cộng đồng Trái Đất và với tư cách là các tín hữu để đáp lại tiếng kêu của Trái Đất và tiếng kêu của người nghèo. Khi cuộc sống của chúng ta nối kết chặt chẽ với cuộc sống của những người khác, khi chúng ta bước vào nỗi đau khổ của người khác, nỗi đau khổ của cộng đồng Trái Đất, chúng ta bước vào cõi thiêng liêng, thánh thiện, nơi mà Bài Ca Anh Mặt Trời của Thánh Phanxicô bắt đầu cất tiếng hát trong lòng chúng ta, giống như nó đã làm trong cuộc đời của ngài, một nơi mà sức mạnh lớn nhất trong vũ trụ, tức tình yêu, giải phóng một năng lượng và một ý thức mới về mục đích, một năng lượng kết nối chúng ta với toàn bộ cộng đồng Trái Đất, với toàn bộ công trình sáng tạo.

Cá Hồi Biến Mất, Băng Vĩnh Cửu Tan Chảy và SARS-CoVID-19: Một Hành Trình Hoán Cải Sinh Thái Cá Nhân

Ý định ban đầu của bài thuyết trình này, trong tâm trí của tôi, là cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về thông điệp Laudato Si'. Có lẽ chúng ta cần lên lịch cho một thời điểm khác khi tôi có thể hoàn thành điều đó. Hôm nay, tôi cảm thấy điều quan trọng hơn là phải trả lời một trong những câu hỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp mới nhất của ngài Dilexit Nos: "Làm thế nào để chúng ta tái khám phá tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu Kitô trong một thế giới hiện đại coi trọng sự hời hợt và chủ nghĩa tiêu thụ?". Câu trả lời của Đức Giáo Hoàng đề cập đến việc tiếp nhận một tinh thần được hướng dẫn bởi lòng thương xót, tình yêu và sự sẵn sàng đền bù. Đức Thánh Cha viết: "Khi chiêm ngưỡng trái tim bị đâm thủng của Chúa, Đấng "đã mang lấy những yếu đuối của chúng ta và chịu đựng bệnh tật của chúng ta" (Mt 8,17), chúng ta cũng được soi dẫn để chú ý hơn đến những đau khổ và nhu cầu của người khác và được củng cố trong những nỗ lực của chúng ta để tham gia vào công việc giải phóng của Người và trở thành những công cụ lan truyền tình yêu của Người" (Dilixit Nos:171). Ngài tiếp tục: "Tài liệu này có thể giúp chúng ta thấy rằng giáo huấn của các Thông điệp xã hội Laudato Si' và  Fratelli Tutti không phải là không liên quan đến cuộc gặp gỡ của chúng ta với tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Vì chính bằng cách uống lấy chính tình yêu đó mà chúng ta có khả năng tạo ra mối quan hệ huynh đệ, nhận ra phẩm giá của mỗi con người, và làm việc cùng nhau để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta" (Dilexit Nos số 217). Khi chúng ta mở mắt, tai và trái tim của mình trước tiếng kêu của Trái Đất và của nhân loại, chúng ta thấy mình đang thực hiện một cuộc hành trình khó khăn nhưng cần thiết của sự hoán cải sinh thái, một sự hoán cải bao gồm gặp gỡ, sẵn sàng để cho cuộc sống của chúng ta được biến đổi, một nơi để chúng ta nhận ra căn tính của mình trước Thiên Chúa và trước tất cả mọi thụ tạo.

Cho đến thời điểm này, tôi đã kể cho anh chị em nghe những câu chuyện về một tiến trình hoán cải sinh thái trong cuộc sống của Thánh Phanxicô và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, từ Assisi đến Buenos Aires. Tôi muốn mời các bạn thực hiện một cuộc hành trình với tôi đến vùng trung tâm của Alaska, nằm tách biệt các tiểu bang khác của Hoa Kỳ và đến gặp một nhóm dân bản địa tên là Athabaskan, đây là hành trình hoán cải sinh thái của tôi.

Sau khi phục vụ 12 năm ở Roma trong vai trò lãnh đạo Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM), tôi nhận ra rằng mình rất cần dành thời gian để lùi lại khỏi cuộc sống đi lại liên tục, dự các cuộc họp và hội nghị không hồi kết, ở vào vị trí lãnh đạo của một nhóm phải giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhiều vấn đề trong số đó chúng tôi không được chuẩn bị đầy đủ và không thể tìm ra giải pháp thích hợp hoặc giải pháp lâu dài. Tỉnh Dòng Phanxicô của tôi là Tình Dòng Thánh Tâm, nằm ở thành phố St. Louis, thuộc tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ. Tôi đề cập đến điều này vì những mối liên hệ lịch sử sâu sắc tồn tại giữa Tỉnh Dòng St. Louis trước đây và Tỉnh Dòng Phanxicô ở Việt Nam. Chắc nhiều anh em còn thích thú nhớ đến những trải nghiệm của họ với Br. Ken Capalbo, Br. Joseph Tan Nguyen, Br. Donald Lachowitz, Br. Jerry Bleem. Tỉnh Dòng cho phép tôi có thời gian hưu lễ để hoàn thành một số mục tiêu: nghỉ ngơi và cầu nguyện; học tập với hy vọng chuẩn bị cho công việc truyền giáo/mục vụ tiếp theo của tôi; nghiên cứu một ngôn ngữ khác, tiếng Tây Ban Nha, ở Colombia; học cách chơi saxophone và nhảy salsa. Ngoại trừ hai mục cuối cùng - saxophone và salsa - tôi đã hoàn thành được các mục tiêu và ước mơ khác.

Khi tôi bắt đầu thời gian hưu lễ của mình, tôi đã phải đối mặt với COVID-19, tiếp diễn đến năm 2021, gây ra đau khổ lan rộng, tử vong và đóng cửa biên giới từng lúc trên toàn cầu. Tôi đến ngôi làng nhỏ Galena, nằm bên sông Yukon, với dân số 500 người, không tính học sinh tiểu học và trung học cơ sở là 250. Nếu tính chung, sẽ nâng tổng số lên 725. Đại đa số dân làng là người thuộc bộ lạc bản địa Athabaskan, khoảng 20 người không phải là người của bộ lạc. Người Athabaskan, giống như nhiều nhóm bản địa, sống hết sức quần tụ. Trong khi một số cư dân làm việc cho các văn phòng của chính quyền bộ lạc, tại bệnh viện nhỏ, trong trường học hoặc tại các văn phòng tiểu bang Alaska, phần lớn phụ thuộc vào một khoản tiền nhỏ mà mỗi công dân của bang Alaska nhận được từ sản xuất dầu. Nhưng trọng tâm hơn trong sinh kế của họ là săn bắn và đánh cá. Trong những tháng mùa hè, vào những khoảng thời gian cụ thể, có kiểm soát, họ được phép câu cá hồi là giống cá đã từng rất phong phú ở sông Yukon. Đối với người Athabaskan, cá hồi đóng một vai trò trung tâm trong chế độ ăn uống cũng như trong đời sống xã hội và nghi lễ của họ. Họ cũng được phép mỗi năm giết một con nai sừng tấm để bổ sung nhu cầu ăn uống. Mục đích của những hạn chế này đối với việc câu cá và săn bắn là để đảm bảo một tương lai bền vững cho những người sẽ đến sau. Trong hơn 4 năm, người dân đã bị cấm đánh bắt cá hồi. Điều này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đối với sức khỏe thể chất của họ mà còn tác động trực tiếp đến tương tác xã hội và các nghi lễ văn hóa nhằm củng cố bản sắc văn hóa và đảm bảo sự lưu truyền của chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các gia đình cùng nhau câu cá, đấy là một phương tiện để củng cố các mối quan hệ xã hội. Họ chế biến cá cùng nhau. Họ tổ chức các bữa ăn với các gia đình khác như một cách duy trì các mối quan hệ, và điều này, trong thời điểm nghịch cảnh, sẽ đóng vai trò như một công cụ quan trọng thể hiện tình đoàn kết. Cá hồi được coi là một món quà từ Đấng Tạo Hóa, từ đó thêm một khía cạnh tâm linh sâu sắc cho xã hội. Cha Linh đã đặc biệt chú ý đến vị trí của thực phẩm trong sinh thái học về con người và môi trường. Những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và chăn nuôi do biến đổi khí hậu sẽ buộc phải quan tâm nhiều hơn trong tương lai ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới. Trở lại Alaska và cá hồi. Các yếu tố chính góp phần vào cuộc khủng hoảng hiện nay bao gồm:

Đánh bắt quá mức của các công ty đánh bắt cá của bang và quốc tế đã làm giảm đáng kể trữ lượng cá hồi.

Sự gia tăng nhiệt độ nước biển ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và sông Yukon - cá hồi chỉ có thể sinh sản thành công và tồn tại ở vùng nước rất lạnh do có mật độ oxy cao hơn. Khi nước ấm, nó giống như đặt một túi nhựa lên đầu chúng và bắt chúng thở.

Thuốc trừ sâu độc hại từ sản xuất nông nghiệp ở Alaska cũng như ở các bang lân cận đã xâm nhập vào vùng biển và đầu độc cá - cá hồi, các loài khác và các dạng thủy sinh khác, bao gồm cả cỏ biển là thức ăn cho các sinh vật bị cá hồi ăn, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại này, gây ra phản ứng dây chuyền sinh thái phá hoại.

Câu chuyện về sự hoán sinh thái của chính tôi vẫn chưa kết thúc. Tất cả chúng ta sẽ nhớ lại những hậu quả khủng khiếp của sự bùng nổ dịch SARS-COVID-19 trên thế giới, bắt đầu vào khoảng tháng 3 năm 2020. Tuy nhiên, các trường hợp được ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc là vào tháng 11 năm 2019 và ở Việt Nam vào ngày 23 tháng 1 năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở Galena, Alaska. COVID-19, các trường hợp được báo cáo vào tháng 3 năm 2020. Việc này hoàn toàn phá vỡ đời sống xã hội, kinh tế, tâm lý và thậm chí cả tinh thần của người dân. Họ có nguy cơ bị bệnh và tử vong do COVID-19 cao gấp 2,5 lần so với sắc dân đa số (người da trắng) ở Hoa Kỳ. Do nguy cơ bị nhiễm bệnh họ cũng không thể giao lưu, chia sẻ bữa ăn hoặc cùng nhau thương tiếc những người đang chết vì virus. Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong việc lạm dụng rượu và tự tử ở mọi lứa tuổi, già và trẻ. COVID-19 như một mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người khác là SARS (2002), là kết quả của một bước nhảy vọt đáng lo ngại từ loài này sang loài khác, rất có thể là từ dơi đến quần thể người. Các nhà khoa học cảnh báo rằng khi hành tinh tiếp tục nóng lên, khi chúng ta tiếp tục phá hủy môi trường sống là nơi sinh sống của động vật, virus và vi khuẩn khác, chúng ta có nguy cơ giải phóng các mầm bệnh đã được giữ ở khoảng cách xa, hoặc đóng băng và chứa trong trái đất hoặc trong băng, mà chúng ta biết rất ít hoặc không biết gì, và chúng ta không có công cụ để kháng cự.

Trong trường hợp các bạn chưa biết, không chỉ có kem mới tan chảy khi trời nóng. Bạn sẽ thấy được ý nghĩa của phép ẩn dụ này nếu biết rằng vào năm 2022, Việt Nam đã có vinh danh là nước xuất khẩu kem lớn thứ 95 trên thế giới. Và tôi nghe nói mọi người cũng thích ăn kem. Yếu tố thứ ba của cái mà tôi gọi là một cơn "sóng thần" sinh thái ảnh hưởng không chỉ đến cuộc sống của người Athabaskan và các loài khác ở Alaska mà còn ảnh hưởng đến các khu vực khác trên hành tinh, đó là permafrost (lớp đất đóng băng vĩnh cửu) tan chảy. Nhưng permafrost là gì?  Về cơ bản, đó là đất, đá và cát được giữ lại với nhau bằng băng, và bao phủ hơn 11% toàn bộ bề mặt Trái Đất. Gần bề mặt, lớp permafrost chứa một lượng lớn carbon hữu cơ - một chất còn sót lại từ cây chết không bị phân hủy hoặc thối rữa do lạnh. Sự tan chảy của băng vĩnh cửu có tác động mạnh mẽ đến hành tinh của chúng ta. Đối với người Athabaskan, tất cả các ngôi nhà và công trình kiến trúc của họ đều được xây dựng trên lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Nếu nó tan chảy, các tòa nhà bị lún. Điều này có thể dẫn đến nhà cửa và công trình kiến trúc bị xé toạc. Nguy hiểm hơn đối với cộng đồng Trái Đất, lớp đất đóng băng vĩnh cửu đóng vai trò như một bể chứa carbon khổng lồ, ngăn chặn các khí nhà kính như carbon dioxide và mêtan xâm nhập vào khí quyển, điều này dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của hành tinh. Lớp đất đóng băng vĩnh cửu cũng là một kho chứa vi khuẩn và virus khổng lồ, một số hơn 400.000 năm tuổi, đông cứng trong băng và đất. Giống như SARS-COVID-19, khi những vi khuẩn và virus này xâm nhập vào khí quyển hoặc nguồn nước, không thể biết liệu chúng có gây ra mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng cho con người và các dạng sống khác hay không.

Lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy, quần thể cá hồi cạn kiệt, SARS-COVID-19: những điều này có liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta và của các loài khác trên hành tinh? Câu trả lời: liên quan đến tất cả mọi thứ! Trong 2 tháng ở Alaska giữa những người Athabaskan sống trên sông Yukon, tôi đã chứng kiến tác động của mỗi thứ ấy trên cuộc sống của dân chúng và trên cuộc sống của tôi. Kế hoạch của tôi, sau kỳ nghỉ phép, là đến Đông Phi và làm việc với các anh em và những người khác về các vấn đề liên quan đến giải quyết xung đột, chữa lành chấn thương, để thúc đẩy hòa bình và phát triển con người toàn diện. Cuộc gặp gỡ tôi đã trải qua với thiên nhiên và với người Athabaskan và các tu sĩ ở Alaska đã thay đổi hoàn toàn hướng sống của tôi. Thay vì trở về châu Phi, tôi nghe thấy một tiếng nói khác cất lên từ bên trong thiên nhiên và từ bên trong cuộc sống của các sắc dân bản địa. Đồng thời, một trường đại học thuộc Dòng Phanxicô, là Siena College nằm ở Bang New York, Hoa Kỳ, đã tìm cách tuyển dụng tôi làm một thành viên của cộng đồng giáo dục đó và phục vụ với tư cách Học giả Phan Sinh nổi bật. Danh hiệu chỉ có một phần đúng, đó là tôi là một tu sĩ Phan Sinh. Không có gì nổi bật hoặc học thuật về tôi. Trường đại học nói với tôi rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi thích: triển khai các chủ đề Phan Sinh; thỉnh thoảng giảng dạy; viết bài; giúp đỡ với các văn phòng Truyền giáo và tuyên úy phục vụ sinh viên và nhân viên; theo đuổi các hoạt động bên ngoài nhằm thúc đẩy sứ mệnh của Siena College. Sau vài tháng phân định với các tu sĩ Phanxicô và bạn bè khác, tôi đồng ý đến Siena College - để thành lập một trung tâm hoàn toàn mới, một trung tâm tập trung vào thông điệp Laudato Si' của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là câu chuyện về việc thành lập Trung tâm Laudato Si’ về Sinh thái Tích hợp tại Siena College. Tháng trước, chúng tôi đã có thể tổ chức hội nghị chuyên đề đầu tiên của những gì sẽ trở thành hội nghị chuyên đề hàng năm. Chúng tôi đã thu hút hơn 1.000 sinh viên, giảng viên, quản trị viên và những người từ bên ngoài cộng đồng trường đại học - Công Giáo, Tin Lành, Do Thái, Hồi giáo, Ấn Độ Giáo, v.v., và từ các chính trị gia địa phương, tiểu bang và quốc gia và đại diện từ các văn phòng chính phủ (môi trường, y tế, v.v.). Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres là diễn giả chính của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhận được một lá thư cá nhân từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích những nỗ lực của chúng tôi. Ước mơ lớn của chúng tôi là tạo ra một mạng lưới Laudato Si’ tập họp các cơ sở giáo dục đại học của Dòng Phanxicô trong nước và quốc tế, củng cố lẫn nhau để đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai hoạt động cho sự bền vững và sinh thái học toàn diện. Cha Linh và chuyến thăm của tôi là bước đầu tiên theo hướng này, chúng tôi hy vọng.

Một Lộ Trình Để Sống Như Những Môn Đệ Truyền Giáo Sinh Thái

Tuy không đi sâu vào thông điệp Laudato Si' của Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi vẫn cho rằng nó cung cấp điều mà tôi gọi là một lộ trình để đảm nhận căn tính trọn vẹn của chúng ta như là những môn đệ truyền giáo được kêu gọi sống như những thành viên của cộng đồng một Trái Đất. Trong một thời gian quá dài, tín đồ của một trong nhiều tôn giáo trên thế giới nhiều khi đã tự đặt mình đứng bên ngoài thiên nhiên, tách biệt, vượt trội hơn và kiểm soát thiên nhiên. Chúng ta đã không sẵn sàng hoặc không thể nhận ra mối liên hệ nội tại với môi trường tự nhiên cũng như sự phụ thuộc của chúng ta vào đó. Đây là điều mà Thánh Phanxicô đã nhận ra; ngài nhận ra rằng thiên nhiên cung cấp cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần nhưng Ch /Mẹ Trái đất cũng "quản lý chúng ta". Chúng ta đã sống quá lâu với và bị dẫn dắt quá lâu bởi ảo tưởng cho rằng chúng ta kiểm soát thiên nhiên. Nếu có một bài học nào có thể rút ra từ đại dịch SARS-COVID-19, thì đó phải là việc mạng sống chúng ta phụ thuộc vào thiên nhiên. Bài học thứ hai và không kém phần quan trọng là chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau và phải giải trình cho nhau. Thiên nhiên dạy chúng ta rằng căn tính của chúng ta đạt tới mức phát triển trọn vẹn bên trong cộng đồng huynh đệ vũ trụ.

Viết trong thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng:

"Một thảm kịch bao trùm khắp thế giới như đại dịch Covid-19 đã tạm thời làm sống lại ý thức rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, rằng tất cả đều ở trên cùng một con thuyền, nơi vấn đề của một người là vấn đề của tất cả. Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu chung với nhau. Như tôi đã nói trong những ngày đó, “Đó là lý do trước đây tôi đã nói “cơn bão đã phơi bày tình trạng dễ bị tổn thương của chúng ta và cũng bộc lộ những xác tín sai lầm và nông cạn, chúng ta dựa vào để sắp đặt lịch trình hằng ngày, để xây dựng các dự án, các tập quán và các ưu tiên của chúng ta... Trong cơn bão này, bộ mặt hời hợt của các định kiến mà chúng ta dùng để ngụy trang cho cái tôi của chúng ta, một cái tôi của chúng ta luôn chăm chút dáng vẻ bên ngoài, đã rơi vỡ để hiển thị cảm thức chúng ta thuộc về nhau, là anh chị em với nhau, một cảm thức không thể chối bỏ và cũng thật tốt lành” (Fratelli Tutti số 32).

Trong thông điệp Laudato Si' có một số chủ đề cùng nói về hành trình đức tin hướng tới một sự thật lòng tiếp nhận mọi hình thức sự sống, tái tiếp thu tầm nhìn nguyên thủy của Thiên Chúa về một cộng đồng Trái Đất toàn vẹn, nơi con người và toàn thể thụ tạo nhận ra nhau là thành viên của một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, của một cộng đồng huynh đệ của Thiên Chúa. Sự hiểu biết này cho phép chúng ta vượt qua một mô hình thống trị đang định hình các cách hành xử hiện hành trong lãnh vực công nghệ, kinh tế cũng như các quyết định chính trị đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu. Laudato Si' đề xuất một cách để giải phóng chúng ta khỏi sự chuyên chế của cách tiếp cận thiên nhiên theo lối 'thống trị'. Đức Giáo Hoàng đề xuất điều mà tôi gọi là một mô hình quản lý nhân từ, tập trung vào vai trò của con người như những chủ thể có ơn gọi đặc biệt là chăm sóc và bảo vệ hành tinh. Nhưng ngay cả mô hình này cũng giữ con người ở trung tâm của hành động; nó lấy con người làm trung tâm. Mô hình khác triệt để hơn mà Thánh Phanxicô đề xuất và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp nhận, ít nhất một phần, đó là mô hình quan hệ họ hàng như có thể thấy trong Bài Ca Anh Mặt Trời. Mô hình này mời gọi chúng ta nhận ra sự bình đẳng của tất cả các sinh vật, nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là một phần của nhau, được tạo hình (xuất hiện) từ cùng một 'bụi sao' (Carl Sagan), thành viên của cùng một gia đình, chia sẻ một nguồn DNA duy nhất. Chúng tôi là ruột thịt, là anh chị em, với tất cả các sinh vật trong cõi 'đa vũ trụ'. Trách nhiệm đạo đức của chúng ta để chăm sóc lẫn nhau phát sinh từ nghĩa vụ bảo vệ các quyền và phẩm giá của tất cả các thành viên trong gia đình. Là thành viên của một gia đình, chúng ta có nghĩa vụ chăm sóc lẫn nhau, thúc đẩy và bảo vệ phẩm giá, quyền lợi và vẻ đẹp của nhau, và trợ giúp lẫn nhau và qua đó thực hiện ơn  gọi của chúng ta là tạ ơn Thiên Chúa Tối Cao, Toàn năng. Nếu tất cả Kitô hữu đều tin điều này, nếu tất cả tín đồ các tôn giáo - 85% dân số loài người - đều tin điều này, bạn thử tưởng tượng chúng ta có thể mang lại một năng lượng và một quyết tâm lớn như thế nào cho các định chế như Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đây là cơ quan tổ chức cuộc họp thường niên của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc để tìm kiếm các giải pháp công bằng, bền vững cho cuộc khủng hoảng khí. Chúng ta sẵn sàng thực hiện những nỗ lực nào ở cấp độ của các cộng đồng đức tin (nhà thờ, đền thờ, v.v.), bắt đầu bằng các cuộc kiểm toán năng lượng, xem lại những nỗ lực của chúng ta trong việc đào tạo liên tục, coi đó là trung tâm để thúc đẩy sự hoán cải sinh thái? Bên trong các hộ gia đình và các cộng đoàn tu sĩ, cùng nhau đưa ra những quyết định tại chỗ để tạo ra sự khác biệt tích cực và thúc đẩy những thái độ cơ bản làm phát sinh những cách làm mang tính chất bền vững và có lợi cho thế giới thiên nhiên? Chúng ta có thể làm gì để hợp tác với các kế hoạch ở cấp địa phương, khu vực và quốc gia nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu do con người gây ra? Những nỗ lực nào ở cấp cá nhân, những 'hy sinh' nào chúng ta có thể sẵn sàng thực hiện như phần đóng góp của chúng ta vào việc tìm kiếm các giải pháp?

Thách thức của việc theo đuổi quan điểm sinh thái toàn diện như một phần cơ bản của bản sắc con người và tinh thần của chúng ta

Để kết thúc, tôi kêu gọi anh chị em – tất cả chúng ta – hãy tiếp tục nghiên cứu những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết, đồng thời mở rộng việc đọc của chúng ta để bao gồm các thông tin khoa học về biến đổi khí hậu, đặc biệt là các bản tóm tắt các báo cáo gần đây nhất từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC), các thông báo và quyết định từ các tham dự viên tại các kỳ thường niên do Liên Hợp Quốc tài trợ – họ hiện đang ở Baku,  Azerbaijan – nơi đang có những nỗ lực nhằm đảm bảo các nước gây ra biến đổi nhiều nhất phải cung cấp nhiều tiền hơn cho các quốc gia phải chịu hậu quả lớn nhất. Tôi kêu gọi anh chị em hãy đọc thêm thông tin về những việc Giáo Hội đang làm ở các khu vực khác nhau trên thế giới, bắt đầu từ Châu Á, để học hỏi những cách làm tốt nhất, và để củng cố lẫn cho nhau.

Điều quan trọng là chúng ta phải tìm cách xây dựng những liên minh, những quan hệ đối tác chiến lược với những người khác cũng quan tâm và nhiệt tình tìm kiếm các giải pháp cho biến đổi khí hậu. Điều này có thể bao gồm làm việc với các nhóm và phong trào khác nhau trong Giáo hội: Phong trào Laudato Si’; thông qua và hành động trên Nền tảng Hành động Laudato Si'; Nhóm Công Giáo hoạt động Phòng chống Biến đổi Khí hậu (2013); Con Đức Mẹ Đi viếng; Caritas ở các cấp quốc tế, quốc gia và giáo phận.…Tôi cũng khuyến khích các bạn tìm kiếm quan hệ đối tác với các Hội Thánh Kitô giáo khác và với mạng lưới liên tôn rộng lớn ở nơi nào có một mạng lưới như thế. Các Đức giám mục Công Giáo dường như đã thiết lập sự hợp tác với các nhà lãnh đạo khác, theo đường lối đại kết và liên tôn. Các tu sĩ Phanxicô đặc biệt được 'chúc phúc' bởi thực tế là Thánh Phanxicô dường như đã phát triển khả năng làm việc xuyên qua các biên giới tôn giáo. Bài Ca Anh Mặt Trời là một hình mẫu xuất sắc trong việc thúc đẩy những liên minh rộng lớn để thúc đẩy công ích và đáp lại tiếng kêu kép: của Trái Đất và của người nghèo.

Tôi kêu gọi anh chị em hãy tìm cách tiếp thu sâu sắc hơn nữa các chủ đề và các đề xuất chính yếu có trong thông điệp Laudato Si’, đặc biệt là những chủ đề và đề xuất được tìm thấy trong chương 5 - "Đường lối tiếp cận và hành động phục vụ môi trường" - với sự tham gia ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để thúc đẩy các chính sách và thực tiễn ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, có tính chất minh bạch,  có khả năng thăng tiến quyền có một môi trường lành mạnh, sạch sẽ, bền vững cho tất cả mọi người, và thu hút các tôn giáo tham gia đối thoại với khoa học và công nghệ để đảm bảo rằng các khía cạnh đạo đức và tinh thần của cuộc khủng hoảng khí hậu được quan tâm, và những hiểu biết sâu sắc từ những điều này được đưa vào cuộc tranh luận công khai lớn hơn. Tổ chức Franciscans International (Phan Sinh Quốc tế) là một phần của phong trào này. Hãy tìm kiếm lời khuyên của họ và mời họ giúp anh chị em giải quyết những mối quan tâm và gia tăng nhận thức và cam kết. Tôi cũng khuyến khích các bạn nghiên cứu chương 6 - "Giáo dục và linh đạo sinh thái " - đề cập đến nhu cầu thay đổi lối sống của chúng ta theo những cách bền vững hơn, tìm cách tích hợp các khía cạnh khác nhau của sinh thái học: đạo đức; trách nhiệm sinh thái; và thúc đẩy lợi ích chung. Thúc đẩy thảo luận về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và trách nhiệm của chúng ta với tư cách là tín hữu trong các cộng đồng đức tin địa phương, trong các trường học, các trung tâm hoạt động cho khía cạnh này hay khía cạnh khác của việc thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, trong các lớp giáo lý, các buổi giảng dạy và trong gia đình của chúng ta. Có rất nhiều mô hình có sẵn dùng để hướng dẫn. Có lẽ bây giờ là lúc để tất cả các tổ chức giáo dục Công Giáo khám phá cách trở thành trung tâm nơi các nguyên tắc và thực hành của sinh thái học toàn diện trở thành một phần của đặc tính của họ, chứ không chỉ đơn giản là một phần của một khóa học hay kỷ luật, một cuộc họp thường niên. Cuối cùng, tất cả chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện – cá nhân cũng như tập thể – kêu gọi Thiên Chúa Tối Cao giúp chúng ta đền bù những việc chúng ta đã gây ra, và tiếp tục gây ra, cho Chị/Mẹ Trái đất của chúng ta và qua đó, gây ra cho các anh chị em nghèo khổ của chúng ta, những người đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Để kết thúc, tôi khuyến khích tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện lời cầu nguyện do Đức Giáo Hoàng Phanxicô sáng tác ở cuối Laudato Si':

Lạy Chúa của tình yêu, xin cho chúng con thấy vị trí của chúng con trên thế giới này là những kênh của tình yêu Chúa dành cho tất cả mọi thụ tạo  trên trái đất này, vì không một thụ tạo  nào trong số chúng bị lãng quên trong mắt Ngài.

Xin soi sáng cho những người có quyền lực và tiền bạc để họ có thể tránh được tội thờ ơ, để họ có thể yêu chuộng công ích, thăng tiến thân phận những người yếu thế, và quan tâm đến thế giới mà chúng con đang sống.

Người nghèo và Trái Đất đang kêu gào.

Lạy Chúa, xin nắm lấy chúng con bằng quyền năng và ánh sáng của Ngài, giúp chúng con bảo vệ tất cả sự sống, để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của Vương quốc công lý, hòa bình, tình yêu và vẻ đẹp của Ngài.

Chúng con xin ngợi khen Chúa! Amen. 

 

Chia sẻ