Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Ngoại trưởng Toà Thánh kêu gọi luôn hy vọng để đạt được hòa bình công bằng

Administrator
2023-02-27 21:21 UTC+7 158
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí America của dòng Tên ở Mỹ, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh mời gọi mọi người duy trì hy vọng cho một nền hòa bình công bằng.

Các tín hữu cầu nguyện trước một nhà thờ ở Bucha (AFP or licensors)


Ngọc Yến - Vatican News


Cuộc phỏng vấn được thực hiện sau Hội nghị An ninh Quốc tế tại Munich, Đức, từ ngày 17 đến 19/02. Đi từ nội dung của cuộc gặp gỡ, trả lời phóng viên về cuộc chiến tại Ucraina, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng, đằng sau cuộc xung đột có một cách đọc sai, sự phản đối chính sách và chiến lược của Nga không có nghĩa là “phương Tây quyết tâm làm sụp đổ hoặc hủy diệt nước Nga”. Theo Ngoại trưởng Toà Thánh, qua một năm sau cuộc xung đột ở Ucraina, giờ đây chúng ta đang ở trong tình trạng “bế tắc”, tương tự như “cuộc chiến chiến hào trong Thế chiến thứ nhất”.


Về Hội nghị An ninh Quốc tế, Đức Tổng Giám Mục nói: “Đây là một cơ hội để thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ cho Ucraina. Tuy nhiên, vì không có đối tác Nga, cho nên không có sự trao đổi ý kiến ích lợi nào”.


Theo Ngoại trưởng Toà Thánh, liên quan đến thời gian của cuộc chiến, ông Putin, Tổng thống Nga đã có “những sai sót trong tính toán”. Sau 12 tháng, xung đột vẫn đang tiếp diễn với sự tăng cường của NATO dọc theo Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển và Na Uy. Rồi liên quan đến thông báo của ông Putin về ý định đình chỉ tham gia Hiệp ước New START về vũ khí hạt nhân, Đức Tổng Giám Mục nhận xét đó là “tin xấu”, thể hiện đòn giáng dứt khoát vào sự xói mòn liên tục của các công ước về vũ khí hạt nhân được ghi nhận trong những năm gần đây. Ở điểm này, ngài hy vọng cuộc xung đột hiện tại sẽ không biến thành một cuộc chiến tranh nguyên tử, vì đây thực sự là “mối lo ngại lớn”.


Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng Tòa Thánh ủng hộ “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina”, và qua các sứ thần và các đại sứ cạnh Tòa Thánh của các bên, Tòa Thánh tiếp tục đối thoại với cả hai bên. Ngài còn cho biết Đức Thánh Cha vẫn mong muốn đến đến Kyiv và Moscow, nhưng trong khi người Ucraina tiếp tục mời Đức Thánh Cha, thì về phía Nga, Toà Thánh chưa nhận được lời mời nào.


Đức Tổng Giám Mục Gallagher kết luận, một trong những vai trò của Tòa Thánh là trong mọi trường hợp “cố gắng duy trì hy vọng” cho “một nền hòa bình công bằng”, điều đó có nghĩa là “người Nga sẽ rút khỏi lãnh thổ Ucraina”.


Nguồn: vaticannews.va/vi


Chia sẻ