Skip to content
banner
Ngôn ngữ

ỦY BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH HĐGM VIỆT NAM THAM DỰ HỘI THẢO "XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG THÍCH ỨNG VỚI KHÍ HẬU Ở CHÂU Á"

BTT UBCLHB 03
2024-04-23 16:26 UTC+7 129
Từ ngày 12-15/4/2024, văn phòng Phát Triển Con Người (OHD) và Ban Biến Đổi Khí Hậu (CCD) trực thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC-OHD/CCD) do Đức cha Allwyn D’Silva làm chủ tịch đã tổ chức hội thảo về biến đổi khí hậu với chủ đề: “XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG THÍCH ỨNG VỚI KHÍ HẬU Ở CHÂU Á” tại học viện Caritas Philippines, thành phố Tagaytay, Philippinese.

Phêrô Lê Minh Hải, OFM

Hội thảo quy tụ 45 thành viên trong đó có nhiều Đức Giám mục, linh mục, tu sĩ, và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và khí hậu, đại diện Ủy ban Công Lý và Hòa Bình Giáo Hội Việt Nam có tu sĩ Phêrô Lê Minh Hải, OFM tham dự.

Các thuyết trình viên đã giúp cho những người tham dự hiểu rõ các xu hướng hiện tại trong kịch bản khủng hoảng khí hậu mà Á Châu đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, xu hướng nóng lên ở Châu Á từ năm 1991 đến năm 2022 mạnh gần gấp đôi so với giai đoạn 1961 đến 1990. Năm 2022, có 81 thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nguồn nước trên khắp vùng Châu Á, trong đó số lần xuất hiện bão lũ chiếm hơn 83% tổng số thảm họa, một nghiên cứu cho thấy đã có hơn 5000 trường hợp tử vong, hơn 50 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại kinh tế hơn 36 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ cơ quan khí tượng khẩn cấp Châu Á IMF F&D. Châu Á có mức tăng nhiệt độ tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình của thế giới. Điều này gắn liền với sự gia tăng tần suất và cường độ của các thảm họa thiên nhiên liên quan đến thời tiết và dự đoán những rủi ro khí hậu này sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới. Đất trồng trọt ở các vùng ven biển có độ cao thấp đang bị xói mòn do mực nước biển dâng cao bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với những vùng nông thôn, an ninh lương thực và xuất khẩu hàng hóa. Hơn 1 tỷ người người ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù Châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nhưng khu vực này cũng là nơi thải ra khí thải nhà kính từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon và sản xuất điện từ than nhiều nhất trên thế giới.   

Đứng trước những thử khách về khủng hoảng khí hậu, FABC-OHD/CCD đã kêu gọi và tổ chức những cuộc hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết và gây ý thức cho các Giáo Hội Địa Phương nhằm bảo vệ “Trái Đất là ngôi nhà chung” của tất cả mọi người. Trong xuyên suốt những bài thuyết trình và chia sẻ của các quốc gia, các chuyên gia về môi trường, và biến đổi khí hậu, hạn từ được dùng nhiều trong khóa hội thảo này là cụm từ “công lý cho khí hậu” (Climate justice) và thánh Phanxicô Assisi là vị thánh được nhắc đến nhiều nhất vì ngài được đặt làm bổn mạng môi sinh.   

Bên cạnh đó, các tham dự viên các quốc gia có thời gian bàn luận và chia sẻ nhóm về tình hình biến đổi khí hậu tại đất nước mình và những gì đã làm được tại các Giáo Hội Địa Phương nhằm bảo vệ môi sinh và tạo thành tốt hơn.

Hội thảo kết thúc trong sự quyết tâm thực hiện những dự án, kế hoạch và mục tiêu do từng Ủy Ban Công Lý Và Hòa Bình của các Giáo Hội Địa Phương đưa ra. Riêng đối với Ủy Ban Công Lý Và Hòa Bình Việt Nam nhằm giáo dục và nâng cao ý thức cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, Ủy Ban đã dịch xong Tông huấn Laudate Deum và đang phổ biến tại các Giáo phận, Hội Dòng, và giáo dân toàn quốc, đó như là một công việc huấn luyện và gây ý thức về ý thức bảo vệ môi sinh và biến đổi khí hậu của Giáo Hội Việt Nam.  

Chia sẻ