Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium Et Spes – 07/12/1965

BTT UBCLHB 03
2024-01-25 16:36 UTC+7 679
Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô, là cộng đồng thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại (1). Vì vậy, Công Ðồng Vaticanô II ước ao trình bày cho mọi người quan niệm của mình về sự hiện diện và hành động của Hội Thánh trong thế giới ngày nay....

PHAO-LÔ GIÁM MỤC

TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA

HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG

ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

HIẾN CHẾ MỤC VỤ1 VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY – GAUDIUM ET SPES

Ngày 7 tháng 12 năm 1965

LỜI MỞ ĐẦU

1

Sự liên kết mật thiết của Giáo Hội với toàn thể gia đình nhân loại

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thật vậy, đây là cộng đồng gồm những con người được quy tụ trong Chúa Ki-tô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mọi người. Vì thế, cộng đồng này thực sự cảm nghiệm được mối dây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại.

2

Những người mà Công Đồng muốn ngỏ lời

Vậy, sau khi đã tìm hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm Giáo Hội, Công Đồng Va-ti-ca-nô II không chỉ ngỏ lời với những người con của Giáo Hội và tất cả những ai kêu cầu danh Chúa Ki-tô, nhưng còn với toàn thể nhân loại để trình bày cho mọi người biết quan điểm của mình về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới hôm nay.

Công đồng muốn nói đến thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với tất cả những thực tại trong đó con người đang sinh sống. Thế giới ấy chính là nơi lịch sử nhân loại đang diễn biến, một thế giới mang đầy dấu ấn của nỗ lực hành động, của cả những thất bại và thành công của con người; một thế giới mà người Ki-tô hữu tin là đã được tình yêu của Đấng Tạo Hóa tác thành và gìn giữ, nhưng đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi. Tuy nhiên, nhờ Chúa Ki-tô, Đấng đã chịu đóng đinh và sống lại để đập tan uy quyền Thần Dữ, thế giới ấy đã được giải thoát và nhờ đó được biến đổi theo đúng ý định của Thiên Chúa để đạt tới sự thành toàn viên mãn.

3

Việc phục vụ con người

Ngày nay, tuy rất hãnh diện với những khám phá và năng lực của mình, nhân loại vẫn thường phải trăn trở với những câu hỏi về hướng chuyển biến hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và vai trò của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những nỗ lực cá nhân cũng như tập thể, và sau hết, về cùng đích của con người và muôn vật. Vì thế, với vai trò minh chứng và trình bày đức tin của toàn thể đoàn dân Thiên Chúa đã được Chúa Ki-tô quy tụ, Công Đồng nhận thấy rằng, để bày tỏ tình liên đới, sự tôn trọng và lòng quý mến đối với gia đình nhân loại mà đoàn dân Chúa là một thành phần, cách tốt nhất chính là thực hiện cuộc đối thoại với thế giới về những vấn đề đa dạng ấy, phải lấy ánh sáng Tin Mừng để chiếu soi, và phải đem đến cho nhân loại những năng lực cứu rỗi mà chính Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đã nhận được từ nơi Đấng Sáng Lập. Thật vậy, việc phải làm là cứu rỗi bản thân con người và xây dựng xã hội loài người. Do đó, tiêu điểm chính của tất cả những gì Công Đồng trình bày sẽ là con người – dĩ nhiên là con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí.

Vì thế, khi công bố ơn gọi cao cả của con người và khẳng định là hạt giống thần linh đã được gieo vào trong con người, Thánh Công Đồng muốn dành cho nhân loại sự cộng tác chân thành của Giáo Hội nhằm thiết lập tình huynh đệ đại đồng phù hợp với ơn gọi ấy. Không do một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là tiếp tục công trình của chính Chúa Ki-tô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu rỗi chứ không để luận phạt, để phục vụ chứ không để được phục vụ.2

NHẬP ĐỀ. TÌNH CẢNH CỦA CON NGƯỜI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

4

Hy vọng và lo âu

Để chu toàn phận vụ ấy, Giáo Hội phải luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng; như vậy Giáo Hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống, cũng như những mong chờ, những khát vọng và cả tính chất thường là bi thảm của nó. Có thể phác họa một vài nét chính yếu của thế giới ngày nay như sau:

Nhân loại hiện nay đang sống trong một giai đoạn mới trên dòng lịch sử, trong đó những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng khắp toàn thế giới. Những thay đổi được tạo thành do sự thông minh và hoạt động sáng tạo của con người đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể nhân loại, trên cách suy tư và hành động đối với vạn vật cũng như đối với con người. Ở đâ chúng ta có thể nói đến một sự thay hình đổi dạng thật sự về mặt xã hội cũng như văn hóa, đang tràn vào trong cả đời sống tôn giáo.

Cũng như trong bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự thay đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như khi triển khai rộng rãi năng lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể làm chủ được sức mạnh đó. Khi tìm cách đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại cảm thấy hoang mang hơn về chính mình. Khi dò dẫm tìm hiểu sâu rộng hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình.

Chưa bao giờ nhân loại lại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như hiện nay; thế nhưng cho đến nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang khốn cực vì đói ăn và nghèo khổ, và không biết bao nhiêu người còn trong tình trạng thất học. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt về tự do như ngày nay, nhưng trong khi đó, lại thấy xuất hiện những hình thức nô lệ mới về mặt xã hội cũng như tâm lý. Trong khi cảm nhận rõ rệt tính cách duy nhất của mình, đồng thời vẫn nhận ra sự lệ thuộc lẫn nhau trong mối liên đới cần thiết, thì thế giới lại bị xâu xé dữ dội bởi những thế lực đối chọi nhau; thật vậy, những bất đồng gay gắt về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ vẫn còn kéo dài mãi tới ngày nay và vẫn còn đó nguy cơ của một cuộc chiến có thể hủy diệt tất cả. Việc trao đổi các luồng tư tưởng vẫn phát triển, nhưng ngôn từ dùng để diễn đạt những khái niệm có tầm mức quan trọng lại mang ý nghĩa khác nhau tùy từng ý thức hệ riêng biệt. Sau hết, người ta nỗ lực đi tìm một cơ chế trần thế hoàn hảo hơn, nhưng lại không nghĩ đến sự phát triển tinh thần tương xứng.

Do những hoàn cảnh phức tạp như thế chi phối, rất nhiều người đương thời khó có thể nhận chân được những giá trị trường cửu, đồng thời cũng không biết phải hòa hợp sao cho thích đáng những giá trị ấy với những điều mới được khám phá; do đó, họ cảm thấy ưu tư, luôn bị giằng co giữa hy vọng và lo âu, băn khoăn về những biến chuyển hiện nay của thế giới. Biến chuyển này đang thúc đẩy, hay đúng hơn, đòi buộc con người tìm câu giải đáp.

5

Những biến chuyển sâu rộng

Tình trạng dao động tâm hồn hiện nay và sự thay đổi những điều kiện sinh sống gắn liền với cuộc biến chuyển rộng lớn hơn, có khuynh hướng dành ưu thế cho các ngành toán học, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn trong phạm vi trí dục, còn ngành kỹ thuật vốn là con đẻ của khoa học thì ngày càng được trọng dụng trong lãnh vực hoạt động. Tinh thần khoa học này đang tạo ra một nền văn hóa và những lối suy tư khác với trước kia. Ngành kỹ thuật phát triển đến mức đang làm thay đổi cả bộ mặt trái đất và đã tiến đến việc chinh phục không gian.

Trí năng con người như đang nới rộng phạm vi hoạt động cả trong lãnh vực thời gian: trở về quá khứ nhờ khoa sử học, và đi đến tương lai với phương pháp dự liệu và kế hoạch tổ chức. Những tiến bộ trong các khoa sinh vật học, tâm lý và xã hội học, không những giúp con người hiểu biết chính mình hơn, mà còn cung cấp những phương pháp kỹ thuật để trực tiếp tác động tới đời sống các cộng đồng xã hội. Đồng thời, nhân loại mỗi ngày mỗi lưu tâm hơn đến việc tìm cách tiên liệu và kiểm soát vấn đề gia tăng dân số.

Ngay cả lịch sử cũng đang tiến bước quá nhanh đến nỗi từng cá nhân riêng rẽ khó lòng theo kịp. Cả cộng đồng nhân loại có cùng một vận mệnh chung, không còn phân tán nơi nhiều dòng lịch sử khác nhau nữa. Như vậy, từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn, do đó phát sinh cách đặt vấn đề mới vô cùng phức tạp đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới.

6

Những biến đổi trong phạm vi xã hội

Chính vì vậy, các cộng đồng truyền thống tại các địa phương, như gia tộc, “thị tộc”, bộ lạc, xóm làng, các dạng thức tập thể khác và các liên hệ trong cộng đồng xã hội đều thay đổi mỗi ngày mỗi sâu xa hơn.

Loại hình xã hội kỹ nghệ dần dần trở nên phổ biến, đưa một số quốc gia đạt tới nền kinh tế thịnh vượng và làm thay đổi tận gốc rễ những quan niệm và hoàn cảnh đã có từ lâu trong đời sống xã hội. Cũng thế, nếp sống và sức cuốn hút của thành thị gia tăng mạnh mẽ, hoặc vì các thành phố ngày càng mọc lên nhiều và dân số ngày càng thêm đông, hoặc vì cách sống thành thị đang lan rộng tới cả thôn quê.

Những phương tiện truyền thông xã hội mới mẻ và mỗi ngày một thuận tiện hơn, giúp con người theo dõi được các biến cố cũng như phổ biến hết sức nhanh chóng và rộng rãi những phương cách nhận thức và tư duy, do đó tạo ra nhiều phản ứng dây chuyền liên hệ tới nhau.

Một hiện tượng không kém quan trọng khác, đó là có biết bao người, bởi nhiều lý do khác nhau, đã di cư và phải chấp nhận thay đổi cả cách sống.

Do vậy, mối tương giao giữa con người với nhau không ngừng gia tăng thêm mãi, trong khi đó việc “xã hội hóa” tiếp tục tạo nên những liên hệ mới, nhưng lại không phải lúc nào cũng hỗ trợ đúng mức để giúp bản thân con người trưởng thành và mang lại tính cách cá nhân thực sự (nhân vị hóa) cho các mối liên hệ.

Thật vậy, sự tiến hóa ấy thể hiện rõ nét hơn tại những quốc gia đã đạt được những thành quả phát triển kinh tế và kỹ thuật, đồng thời cũng thúc đẩy các quốc gia đang phát triển vươn tới trong khát vọng mong cho đất nước mình cũng có được những tiện ích từ công cuộc kỹ nghệ hóa và đô thị hóa. Các dân tộc ấy, kể cả những dân tộc dù đang bám chặt vào những truyền thống cổ kính, vẫn cảm thấy bị thúc đẩy muốn thể hiện tự do một cách trưởng thành và xứng hợp với nhân vị hơn.

7

Những biến đổi về tâm lý, luân lý và tôn giáo

Sự thay đổi não trạng và cấu trúc xã hội thường dẫn đến việc đặt lại vấn đề đối với những giá trị đã từng được thừa nhận trước đó, nhất là nơi giới trẻ là những người thường thiếu kiên nhẫn; thêm vào đó, chính sự lo âu đã làm họ nổi loạn, và bởi nhận ra vai trò quan trọng của mình trong xã hội, nên họ càng mong muốn sớm được dự phần vào đời sống xã hội hơn. Do đó, không hiếm những bậc cha mẹ và nhà giáo dục đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong khi thi hành bổn phận của mình.

Các định chế, luật pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của người xưa truyền lại, hình như không phải lúc nào cũng phù hợp với những gì đang xảy ra hôm nay, do đó, có sự xáo trộn trầm trọng trong phương thức và cả trong các quy tắc hành động.

Sau hết, những hoàn cảnh mới cũng ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo. Một đàng, khả năng phán đoán sâu sắc hơn đã giúp thanh lọc khỏi đời sống tôn giáo quan niệm ma thuật về thế giới và những điều mê tín vẫn còn đang lan tràn, điều ấy đòi hỏi càng ngày càng phải sống gắn bó với đức tin nơi chính bản thân mỗi người cách sinh động hơn; nhờ đó nhiều người đã có được cảm nghiệm về Thiên Chúa cách sống động hơn. Đàng khác, số người từ bỏ thực hành đời sống tôn giáo ngày càng đông. Khác với thời xưa, việc chối bỏ hoặc thái độ dửng dưng đối với Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành vi bất thường và có tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay, nhiều người coi đó như một đòi hòi của tiến bộ khoa học hay của nền nhân bản mới. Tại nhiều nơi, quan niệm này không những được trình bày trong các trường phái triết học, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới văn chương, nghệ thuật, lối giải thích của các khoa học nhân văn và lịch sử, cũng như ảnh hưởng tới cả dân luật khiến cho nhiều người hoang mang.

8

Những chênh lệch trong thế giới ngày nay

Sự biến chuyển quá mau chóng thường đưa đến tình trạng mất trật tự, và hơn nữa, ý thức càng ngày càng sắc bén hơn về những phân rẽ trong thế giới, đó là những yếu tố làm phát sinh hoặc gia tăng các mâu thuẫn và chênh lệch.

Nơi chính bản thân con người thường xuất hiện sự thiếu quân bình giữa óc thực tiễn hiện đại và lối suy tư thuyết lý vốn không còn khả năng làm chủ và tổng hợp cách thích đáng toàn bộ tri thức. Cùng lúc, tình trạng mất quân bình cũng xuất hiện giữa mối bận tâm muốn có được những kết quả vật chất và những đòi hỏi của lương tâm luân lý, và trong nhiều trường hợp, giữa nếp sống tập thể và những điều kiện cần thiết cho suy tư cá nhân, nhất là cho sự chiêm niệm. Sau cùng là tình trạng mất quân bình giữa sự chuyên môn hóa các hoạt động nhân sinh và quan điểm chung về vạn vật.

Trong gia đình, nhiều rạn nứt xuất hiện, hoặc dưới áp lực nặng nề về nhân khẩu, kinh tế, xã hội, hoặc do những xung khắc giữa các thế hệ tiếp nối nhau, hoặc do những dạng thức mới trong những liên hệ xã hội giữa hai giới nam nữ.

Ngoài ra, còn có nhiều cách biệt lớn lao giữa các chủng tộc cũng như giữa những giai cấp xã hội khác nhau, giữa những quốc gia cường thịnh và những quốc gia nghèo nàn yếu kém, sau cùng, giữa những tổ chức quốc tế được thiết lập trong khát vọng hòa bình của các dân tộc và ý đồ bành trướng ý thức hệ riêng hoặc những tham vọng ích kỷ mang tính tập thể xuất hiện nơi các quốc gia hoặc các cộng đồng xã hội.

Từ đó, phát sinh ngờ vực và thù nghịch nhau, xung đột và thống khổ mà chính con người vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân.

9

Những khát vọng phổ quát hơn của nhân loại

Trong khi đó, con người càng thêm xác tín rằng nhân loại không những có thể và phải mỗi ngày mỗi củng cố thêm khả năng làm chủ vạn vật, mà còn phải thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế để phục vụ con người ngày càng đắc lực hơn, giúp mỗi cá nhân, mỗi tập thể khẳng định và thăng tiến phẩm giá riêng của mình.

Bởi đó, rất nhiều người đang gay gắt đòi lại những của cải mà họ nhận thức rất rõ là đã bị cướp mất vì những đối xử bất công, hay vì không được phân phát đồng đều. Các nước đang phát triển cũng như các quốc gia mới giành được độc lập, đều mong muốn dự phần vào những lợi ích của nền văn minh hiện đại, không chỉ trong lãnh vực chính trị mà cả trong lãnh vực kinh tế, đồng thời cũng mong muốn được tự do thực thi vai trò của mình trong thế giới, tuy nhiên, giữa các quốc gia này và những quốc gia giàu mạnh và tiến bộ hơn, sự cách biệt cứ ngày càng gia tăng, và thông thường lại kéo theo sự lệ thuộc cả trong lãnh vực kinh tế. Những dân tộc cơ cực vì nạn đói khổ đang kêu gọi các quốc gia giàu có hơn. Nữ giới ở những nơi chưa được bình quyền với nam giới, đều đứng lên đòi hỏi quyền được bình đẳng trước pháp lý cũng như trên thực tế. Các công nhân và nông dân cũng muốn làm việc không chỉ để mưu sống nhưng còn để phát huy những năng lực bản thân, hơn nữa, họ còn muốn dự phần vào việc tổ chức đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, toàn thể các dân tộc đã xác tín mình có thể và phải thực sự phổ biến những thành quả của văn hóa tới mọi dân tộc.

Đằng sau tất cả những đòi hỏi đó, tàng ẩn một ước vọng sâu xa và rộng lớn hơn: mọi cá nhân và tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng hợp với con người, trong đó chính họ được sử dụng tất cả những gì mà thế giới ngày nay có thể cung ứng cách dồi dào. Trong lúc ấy, các quốc gia vẫn luôn gia tăng nỗ lực nhằm kiến tạo một dạng thức cộng đồng hoàn vũ.

Trong hiện trạng đó, thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh lại vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất và cả những điều xấu xa nhất, trong khi đó con đường trước mặt có thể dẫn tới tự do hoặc nô lệ, tiến bộ hoặc thoái hóa, huynh đệ hoặc hận thù. Ngoài ra, con người đã ý thức được chính họ phải định hướng cho đúng sức mạnh do chính mình tạo nên, những năng lực có thể đè bẹp họ hoặc phục vụ cho họ. Do đó con người vẫn đang tự tra vấn chính mình.

10

Những vấn nạn sâu xa hơn của nhân loại

Trong thực tế, những chênh lệch đang dày vò thế giới ngày nay gắn liền với một tình trạng mất quân bình cơ bản hơn nằm tận sâu đáy lòng con người. Thật vậy, ngay chính trong con người chất chứa nhiều yếu tố xung khắc nhau. Một đàng, vì là thụ tạo, con người nhận thấy mình có nhiều giới hạn, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và được mời gọi vươn tới một cuộc sống cao cả hơn. Bị thu hút bởi muôn vàn quyến rũ, con người luôn bị bó buộc phải lựa chọn và từ bỏ. Hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, nên nhiều khi con người làm điều mình không muốn và lại không làm được điều mình muốn.3 Bởi đó, con người bị phân rẽ ngay trong chính bản thân mình, và đây cũng là nguyên nhân sinh ra bao nhiêu bất hòa lớn lao trong xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều người, hoặc vì đã thấm nhiễm cách sống theo chủ nghĩa duy vật thực hành, nên không còn nhận rõ được thảm trạng này, hoặc vì đang khốn khổ trong cuộc đời cơ cực, nên cũng không nghĩ tới điều đó. Nhiều người khác tự cho phép mình yên tâm với một số lý thuyết mà họ đưa ra để giải thích vũ trụ. Còn có những người lại chỉ muốn dựa vào nỗ lực thuần túy nhân loại để có được cuộc giải phóng thực sự và trọn vẹn cho con người, họ cho rằng, trong tương lai, sự thống trị của con người trên thế giới này sẽ làm mãn nguyện mọi ước vọng của con tim nhân loại. Cũng không thiếu những người do thất vọng trong cảm thức về cuộc sống nên đã tán dương sự táo bạo của những kẻ cho rằng sự hiện hữu của con người thật vô nghĩa, vì thế phải tự mình cố gắng vận dụng tài trí riêng để mang lại toàn bộ ý nghĩa cho sự hiện hữu ấy. Tuy nhiên, đối diện với cuộc tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người nêu lên câu hỏi hoặc nhận thức lại cách sâu sắc mới mẻ về những vấn đề vô cùng căn bản như: con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng vẫn tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Những chiến thắng đạt được với một giá đắt như thế có ích gì không? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc sống trần gian này?

Về phần mình, Giáo Hội tin rằng Chúa Ki-tô, Đấng đã chết và đã sống lại vì mọi người,4 nhờ Thánh Thần của Người đã trao ban ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp trả ơn gọi cao cả của mình. Giáo Hội tin rằng dưới bầu trời này chẳng có danh hiệu nào khác được ban cho loài người để nhờ đó mà họ được cứu rỗi.5 Cũng thế, Giáo Hội tin rằng ý nghĩa then chốt, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở nơi Đức Ki-tô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Hơn nữa, Giáo Hội còn khẳng định rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay, những điều đặt trên nền tảng sâu xa nhất là chính Chúa Ki-tô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một.6 Vì thế, dưới ánh sáng của Chúa Ki-tô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa mọi loài thụ tạo,7 Công Đồng muốn ngỏ lời với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta.

PHẦN THỨ NHẤT. GIÁO HỘI VÀ ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

11

Đáp ứng những thúc bách của Chúa Thánh Thần

Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin, luôn xác tín rằng mình được hướng dẫn bởi Thần Khí của Chúa Ki-tô đang bao trùm cả trái đất, cố gắng phân định đâu là những dấu chỉ xác thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong các biến cố, các nhu cầu và ước vọng mà họ đang dự phần cùng với những người đương thời. Thật vậy, đức tin lấy ánh sáng mới để chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về ơn gọi toàn vẹn của con người, và do đó hướng dẫn lý trí tìm tới những quyết định mang tính nhân bản tròn đầy.

Trước tiên, dưới ánh sáng đức tin, Công Đồng muốn thẩm định những giá trị hiện đang được đề cao và quy hướng chúng về tới chính nguồn gốc thần linh của mình. Quả thật các giá trị ấy rất cao đẹp, bởi được hình thành do tài trí Thiên Chúa đã phú ban cho con người; nhưng vì lòng người đã ra hư hỏng nên nhiều khi chúng bị xáo trộn lệch lạc đến độ cần phải được thanh lọc.

Giáo Hội nghĩ gì về con người? Những đề nghị nào cần được đưa ra để xây dựng xã hội ngày nay? Đâu là ý nghĩa cuối cùng cho hoạt động của con người trong vũ trụ? Đó là những câu hỏi Giáo Hội muốn đưa ra lời giải đáp. Và những lời giải đáp sẽ cho thấy rõ đoàn Dân Thiên Chúa và nhân loại, trong đó Dân Chúa là một thành phần, phải thực thi việc phục vụ lẫn nhau, điều này chứng tỏ sứ mạng tôn giáo của Giáo Hội vẫn phải mang đậm tính cách nhân loại.

CHƯƠNG I. PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

12

Con người theo hình ảnh Thiên Chúa

Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin đều có chung quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được quy hướng về con người như là trung tâm và đỉnh cao của vạn vật.

Nhưng con người là gì? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau, theo đó, thường khi, hoặc con người tự tôn vinh mình như một chuẩn mực tuyệt đối hoặc tự khinh bỉ đến độ tuyệt vọng, từ đó dẫn đến hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa với những khó khăn này, Giáo Hội, vì nhận được mạc khải từ Thiên Chúa, có thể đem lại lời giải đáp cho thấy rõ thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời giúp nhận thức cách xác đáng phẩm giá và ơn gọi của con người.

Thật vậy, Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất8 để quản trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa.9 “Phàm nhân là gì mà Ngài nhớ đến? hay con người là chi để Ngài phải bận tâm? Ngài để con người chỉ thua kém thần linh một chút. Ngài ban vinh quang và danh dự làm triều thiên. Ngài cho thống trị các kỳ công tay Ngài thực hiện, Ngài đặt muôn vật dưới chân con người” (Tv 8,5-7).

Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc: vì từ khởi thủy “Ngài đã tạo dựng con người có nam có nữ” (St 1,2-7). Việc họ chung sống chính là dạng thức đầu tiên của tình liên đới nhân vị. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không tương quan với tha nhân, con người không thể sống cũng như không thể phát triển các phẩm chất của mình được.

Vì thế, như ta đọc thấy ngay trang đầu của Thánh Kinh, Thiên Chúa nhìn “tất cả những gì Ngài đã làm, và thấy tất cả đều rất tốt đẹp” (St 1,31).

13

Tội lỗi

Con người đã được Thiên Chúa dựng nên trong tình trạng công chính, tuy nhiên, ngay từ buổi đầu lịch sử, vì nghe theo Thần Dữ, con người đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa. Dù đã nhận biết Thiên Chúa nhưng họ đã chẳng tôn vinh Ngài như là Thiên Chúa, trái lại tâm hồn mê muội của họ đã ra tối tăm và họ đã phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Đấng Tạo Hóa.10 Điều chúng ta biết nhờ mạc khải cũng phù hợp với kinh nghiệm của chính chúng ta. Vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng nhận ra rằng mình luôn hướng về sự dữ và bị dìm ngập trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa đầy thiện hảo. Những lúc từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa là nguyên ủy, con người phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời cũng phá vỡ toàn bộ sự hòa hợp đối với chính bản thân cũng như đối với tha nhân và mọi loài thụ tạo.

Như vậy, con người đã bị phân rẽ ngay trong chính bản thân mình. Vì thế tất cả cuộc sống của con người, hoặc cá nhân, hoặc tập thể, cho thấy cả một cuộc chiến bi thảm giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối. Hơn nữa, con người thấy rằng tự mình không đủ sức để vượt thắng cách hữu hiệu những cuộc tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy như đang bị xiềng xích trói buộc. Nhưng chính Chúa đã đến để giải thoát và làm cho con người trở nên mạnh mẽ bằng cách đổi mới tâm hồn con người và loại ra ngoài thủ lãnh của thế gian này (x. Ga 12,31) là kẻ đã kìm giữ nhân loại trong vòng nô lệ tội lỗi.11 Tội lỗi làm suy giảm chính con người và ngăn cản không cho con người đạt tới sự viên mãn.

Dưới ánh sáng mạc khải này, ơn gọi cao cả và nỗi thống khổ sâu xa mà con người đang trải nghiệm đã tìm được ý nghĩa cuối cùng của chúng.

14

Yếu tố cấu thành con người

Là một chủ vị duy nhất gồm có thể xác và linh hồn, con người tổng hợp nơi bản thân các yếu tố thuộc thế giới vật chất để từ đó, chính con người làm cho những yếu tố ấy đạt tới đỉnh cao và trở nên lời ca tụng không ngừng dâng lên Đấng Tạo Hóa.12 Vì thế không được khinh miệt đời sống thể xác con người, nhưng trái lại phải coi thân xác là tốt lành và đáng tôn trọng vì được Thiên Chúa tạo thành và sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Tuy nhiên, vì những thương tích do tội lỗi gây nên, con người cảm nghiệm nơi chính mình những nổi loạn của thân xác. Như vậy, chính phẩm giá con người đòi hỏi con người phải biết ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác,13 chứ không để thân xác ấy làm nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình.

Thật vậy, con người đã không lầm khi nhận biết mình cao quý hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh nhỏ của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội tâm, con người vượt trên vạn vật: khi con người quay về với lòng mình là lúc họ tìm về nơi nội giới thâm sâu này, ở đó, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn đang chờ đợi họ,14 và cũng nơi đó, chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Như vậy, khi nhìn nhận mình có một linh hồn thiêng liêng, bất tử, con người không bị mê hoặc bởi thứ ảo tưởng phát sinh do những điều kiện vật lý và xã hội, nhưng trái lại, đó là lúc con người đã đạt tới thực tại sâu xa của chính bản thân.

15

Phẩm giá của trí tuệ, chân lý và khôn ngoan

Được dự phần vào ánh sáng của thần trí siêu nhiên, con người có lý để nhận định rằng chính nhờ trí tuệ mà họ vượt trên mọi tạo vật. Qua các thời đại, nhờ chuyên chăm vận dụng tài trí của mình, con người đã thực sự tiến bộ trong ngành khoa học thực nghiệm, kỹ thuật và nghệ thuật. Trong thời đại chúng ta, con người đã đạt được những thành tích phi thường, nhất là trong việc khám phá và chế ngự thế giới vật chất. Tuy nhiên con người vẫn không ngừng tìm kiếm và khám phá ra chân lý sâu xa hơn. Thật vậy, cho dù phần nào đã bị mờ tối và suy nhược do hậu quả của tội lỗi, trí khôn con người không bị giới hạn chỉ trong lãnh vực hiện tượng bên ngoài, nhưng còn có khả năng vươn tới sự hiểu biết đích xác về những thực tại khả tri.

Cuối cùng, tư chất thông minh của con người được kiện toàn và cần phải được kiện toàn nhờ sự khôn ngoan. Chính sự khôn ngoan dịu dàng lôi kéo tâm trí con người tìm kiếm và ái mộ những gì là chân thật, là thiện hảo, để rồi nhờ thấm nhuần khôn ngoan mà con người được đưa từ thế giới hữu hình tới thế giới vô hình.

Hơn hẳn những thế kỷ trước, thời đại chúng ta càng cần đến sự khôn ngoan để tất cả những khám phá mới của con người mang tính nhân bản hơn. Thật vậy, vận mệnh tương lai của thế giới sẽ lâm nguy, nếu không còn những bậc hiền sĩ khôn ngoan. Hơn nữa, phải lưu ý rằng, nhiều quốc gia tuy nghèo nàn về kinh tế, nhưng lại giàu có về khôn ngoan, nên vẫn có thể trợ giúp rất đắc lực những quốc gia khác.

Với ân huệ Chúa Thánh Thần, con người sẽ nhờ đức tin để đạt tới sự chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm Thánh ý Thiên Chúa.15

16

Phẩm giá của lương tâm

Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy.16 Lương tâm là nơi tận cùng sâu kín nhất, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người.17 Bằng một cách thế diệu kỳ, lương tâm giúp con người nhận biết lề luật ấy, lề luật được kiện toàn với tình mến Chúa yêu người.18 Nhờ trung thành nghe theo lương tâm, các Ki-tô hữu liên kết với những người khác để cùng tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý những vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Càng dành ưu tiên cho lương tâm ngay thẳng, thì cá nhân và cộng đoàn càng tránh được những chọn lựa mù quáng, và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Cũng không hiếm xảy ra trường hợp lương tâm sai lầm do vô tri bất khả thắng, tuy nhiên, không vì thế mà lương tâm không còn giá trị. Nhưng không thể nói như vậy khi con người không chịu quan tâm tìm kiếm điều chân thật, điều thiện hảo, hay trong trường hợp vì quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng.

17

Ý nghĩa cao cả của tự do

Nhưng chỉ trong tự do con người mới có thể quay về với sự thiện. Tự do là điều con người đương thời luôn đánh giá cao và hăm hở theo đuổi, và họ có lý khi làm như thế. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ võ cho tự do một cách lệch lạc, xem tự do như là quyền làm bất cứ điều gì mình thích, kể cả điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Thật vậy, Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu,19 tự quyết định đi tìm Đấng Tạo Hóa và nhờ kết hợp với Ngài cách tự do, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vì thế, phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và được hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay hoàn toàn do cưỡng bức bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy khi biết tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, để theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện, và sử dụng cách hiệu quả những phương tiện thích hợp và những nỗ lực cần thiết. Tự do của con người, vì bị tội lỗi làm tổn thương, nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện cách trọn vẹn động tác hướng về Thiên Chúa. Và trước tòa án Thiên Chúa, mỗi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của mình căn cứ vào điều thiện hay điều ác đã làm.20

18

Mầu nhiệm sự chết

Trước cái chết, tính cách bí ẩn về thân phận con người đạt tới tột điểm. Con người không những bị hành hạ bởi những đau đớn và sự suy tàn nơi thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng tình cảm, con người có lý để ghê sợ cũng như phản kháng tình trạng hủy hoại hoàn toàn và sự kết thúc chung cuộc của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình, vốn không thể chỉ giản lược vào vật chất, luôn vùng lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: thật vậy, việc kéo dài tuổi thọ cho đời sống thể lý không thể thỏa mãn được nỗi khát vọng về một cuộc sống mai sau đã được in sâu trong lòng con người.

Trước cái chết, trong khi óc tưởng tượng của con người đành bất lực, thì Giáo Hội, được mạc khải chỉ bảo, quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Ki-tô giáo còn dạy rằng: cái chết thể xác, điều mà con người đã có thể tránh nếu như không phạm tội;21 sẽ bị đánh bại khi con người nhờ Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mà được đón nhận lại ơn cứu rỗi, ơn đã bị đánh mất vì tội lỗi. Quả thật, Thiên Chúa đã và vẫn đang kêu gọi con người gắn bó trọn vẹn với Ngài trong sự thông hiệp đời đời vào sự sống thần linh bất khả hủy diệt. Chúa Ki-tô đã đem lại chiến thắng ấy khi giải thoát con người khỏi tử thần nhờ cái chết của Người và khi sống lại, Người đã đem lại sự sống cho con người.22 Như thế, đức tin, với những lý chứng vững chắc, đã đem lại lời giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình, đồng thời, đức tin còn giúp con người có thể hiệp thông với những người thân yêu đã chết trong Đức Ki-tô, với niềm hy vọng rằng những người ấy đã nhận được sự sống đích thực bên cạnh Thiên Chúa.

19

Những hình thức và nguồn gốc của chủ thuyết vô thần

Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người chính là được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thật thế, con người hiện hữu chính là nhờ Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu thương mà tạo thành và cũng vì yêu thương mà luôn luôn gìn giữ con người; hơn nữa, con người chỉ sống trọn vẹn theo chân lý khi tự do nhìn nhận tình yêu ấy và tín thác vào Đấng đã dựng nên mình. Tuy nhiên, có nhiều người đương thời với chúng ta không nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống động giữa con người với Thiên Chúa, do đó, chủ thuyết vô thần phải được kể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại này và cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Hạn từ chủ thuyết vô thần được dùng để chỉ nhiều cách biểu hiện rất khác nhau. Thật vậy, có người minh nhiên phủ nhận Thiên Chúa, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về Thiên Chúa cả. Một số khác nghiệm xét vấn đề Thiên Chúa với một cách thức làm cho vấn đề đó như bị mất hẳn ý nghĩa. Nhiều người đã vượt quá giới hạn khoa học thực nghiệm, khi chủ trương chỉ dùng lý luận khoa học để giải thích mọi sự, hoặc trái lại, cho rằng không có chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi làm cho sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên vô nghĩa; có thể nói những người này muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa. Một số khác tự tạo ra cho mình một hình ảnh về Thiên Chúa, để rồi Đấng mà họ bác bỏ, thật ra hoàn toàn không phải là Thiên Chúa của Tin Mừng. Số khác nữa thì không hề đặt vấn đề về Thiên Chúa, quả thật họ như chưa bao giờ lo nghĩ về tôn giáo và không thấy có lý do gì để bận tâm về vấn đề đó cả. Ngoài ra, chủ nghĩa vô thần thường phát sinh, hoặc do sự phản kháng mãnh liệt đối với sự dữ trong thế giới, hoặc do nhận định sai lầm về một số giá trị của con người cho đó là tuyệt đối đến nỗi lấy chúng thay thế cho cả Thiên Chúa. Ngay cả chính nền văn minh hiện đại, không phải do tự bản chất nhưng vì quá gắn chặt vào những thực tại trần thế, nên nhiều lúc có thể làm cho việc đến với Thiên Chúa trở nên khó khăn hơn.

Quả thực, những người cố tình loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và tránh né những vấn đề tôn giáo vì không nghe theo tiếng nói của lương tâm, chắc chắn đã có lỗi; tuy nhiên, chính các tín hữu thường cũng có một phần trách nhiệm về vấn đề này. Thật vậy, chủ nghĩa vô thần nói chung không phải nảy sinh do một nguyên nhân duy nhất, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới phản ứng phê phán chống lại các tôn giáo, và đặc biệt ở một vài nơi, phê phán chính Ki-tô giáo. Vì thế, có thể các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nẩy sinh chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội, có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo.

20

Chủ thuyết vô thần mang tính hệ thống

Thuyết vô thần hiện nay thường được trình bày trong dạng thức mang tính hệ thống; ngoài những nguyên nhân khác, hệ thống này nhấn mạnh đến khát vọng được tự lập của con người đến độ khó có thể chấp nhận bất cứ sự lệ thuộc nào vào Thiên Chúa. Những người chủ trương thuyết vô thần như vậy cho rằng tự do hệ tại ở điểm con người chính là cùng đích cho mình, là người tạo nên và điều khiển lịch sử riêng của mình. Họ nghĩ rằng quan niệm đó không thể đi đôi với sự nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tác thành và là cùng đích của mọi vật, hay ít ra việc khẳng định về Thiên Chúa như thế là không cần thiết. Chủ thuyết này có thể được cổ võ thêm bởi cảm giác về quyền lực mà những tiến bộ kỹ thuật hiện nay đem lại cho con người.

Trong số những hình thức vô thần hiện nay, không thể bỏ qua một hình thức vô thần mong giải phóng con người, nhất là về phương diện kinh tế và xã hội. Hình thức vô thần này cho rằng tự bản chất, tôn giáo làm cản trở công cuộc giải phóng đó, vì khi khơi lên nơi con người niềm hy vọng vào cuộc sống vị lai và hão huyền, tôn giáo đã làm cho họ xao lãng việc xây dựng xã hội trần thế này. Bởi vậy, những người chủ trương lý thuyết ấy, một khi lên nắm chính quyền, họ kịch liệt chống lại tôn giáo, dùng cả những biện pháp cưỡng bách để truyền bá thuyết vô thần nhất là trong phạm vi giáo dục thanh thiếu niên.

21

Thái độ của Giáo Hội đối với chủ nghĩa vô thần

Trung thành với Thiên Chúa cũng như với con người, Giáo Hội rất đau lòng nhưng vẫn cương quyết tiếp tục lên án, như đã từng lên án,23 những chủ thuyết vô thần và những hành động nguy hại đi ngược lại lý trí và kinh nghiệm chung của con người và làm cho con người mất đi sự cao cả bẩm sinh của mình.

Tuy nhiên Giáo Hội vẫn cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân tiềm ẩn trong tâm trí những người vô thần đưa đến việc chối từ Thiên Chúa, bởi ý thức được tầm quan trọng của những vấn đề do thuyết vô thần khơi lên và vì yêu thương mọi người, nên Giáo Hội thấy cần phải nghiệm xét những nguyên nhân ấy cách kỹ lưỡng và sâu xa hơn.

Giáo Hội cho rằng việc nhận biết Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa: bởi vì con người là tạo vật có trí tuệ và tự do được Thiên Chúa đặt để trong xã hội; nhưng nhất là vì con người, như những người con được mời gọi hiệp thông với chính Thiên Chúa và tham dự vào hạnh phúc của Ngài. Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy rằng, niềm hy vọng vào đời sống mai sau không làm suy giảm tầm quan trọng của những bổn phận ở trần gian này, mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy. Vả lại, nếu thiếu nền tảng là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống trường cửu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ sẽ không có lời giải đáp, như thế, con người sẽ thường rơi vào tuyệt vọng.

Trong khi đó, mỗi người nhìn thấy nơi chính mình vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp, một câu hỏi vẫn chưa được nhận thức rõ ràng. Thật vậy, có những lúc, nhất là trong những biến cố lớn lao của cuộc sống, không ai có thể hoàn toàn lẩn tránh được câu hỏi đó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới đem lại được lời giải đáp trọn vẹn và hoàn toàn chính xác, Ngài là Đấng vẫn đang kêu gọi con người suy nghĩ sâu xa hơn và thực hiện cuộc tìm kiếm khiêm tốn hơn.

Để có được phương thuốc chữa trị thái độ vô thần, cần nhờ đến những điểm giáo lý được trình bày cách thích hợp, đồng thời cũng phải nhờ vào cách sống trọn hảo của Giáo Hội cũng như của các thành viên trong Giáo Hội. Thật vậy, nhiệm vụ của Giáo Hội là làm sao cho Thiên Chúa Cha và Chúa Con nhập thể được hiện diện và như thể trở nên hữu hình bằng cách chính Giáo Hội tự đổi mới và không ngừng thanh luyện chính mình24 dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Điều đó được thực hiện trước tiên nhờ chứng tá của một đức tin sống động và trưởng thành, nghĩa là một đức tin đã được hướng dẫn để có thể sáng suốt nhận định và thắng vượt những khó khăn ấy. Rất nhiều vị tử đạo đã và còn đang hùng hồn làm chứng cho đức tin ấy. Đức tin đó phải biểu lộ sự phong phú của mình bằng cách thấm nhập vào toàn thể đời sống của các tín hữu, kể cả đời sống thế tục, và thúc đẩy họ sống công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo khổ. Sau hết, điều có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hơn cả là đức ái huynh đệ của các tín hữu, những người luôn đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin theo Tin Mừng25 và thể hiện mình là dấu chỉ hiệp nhất.

Thật vậy, dù hoàn toàn bác bỏ chủ thuyết vô thần, Giáo Hội vẫn thành tâm tuyên bố rằng mọi người, dù tin hay không tin, cũng đều phải góp phần xây dựng cách chính đáng thế giới này, là nơi họ đang chung sống: điều ấy chắc chắn không thể có được nếu thiếu cuộc đối thoại chân thành và cẩn trọng. Vì thế Giáo Hội lấy làm tiếc về sự kỳ thị giữa những người tin và không tin do một số nhà lãnh đạo quốc gia gây ra một cách bất công khi không nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người. Riêng đối với các tín hữu, Giáo Hội đòi phải cho họ được thật sự tự do để họ có thể xây dựng đền thờ Thiên Chúa ngay tại trần gian này. Đối với những người vô thần, Giáo Hội nhân ái mời gọi họ hãy nghiên cứu Tin Mừng Chúa Ki-tô với một tâm hồn cởi mở.

Quả thật, Giáo Hội biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thầm kín nhất của lòng người, khi bảo vệ phẩm giá của ơn gọi làm người, nhờ đó đem lại niềm hy vọng cho những ai đang tuyệt vọng về vận mệnh cao cả của mình. Sứ điệp của Giáo Hội không hề làm hạ giá con người, trái lại đã chiếu toả ánh sáng, sự sống và tự do để giúp con người thăng tiến, và ngoài sứ điệp đó, không còn gì khác có thể thỏa mãn được lòng người: Lạy Chúa, “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con còn thao thức mãi cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”.26

22

Chúa Ki-tô, con người mới

Mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thật vậy, A-đam, con người đầu tiên, chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến27 là Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô, A-đam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình. Bởi thế, không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc và đạt tới đỉnh điểm nơi Chúa Ki-tô.

Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15),28 chính Chúa Ki-tô là con người hoàn hảo đã tái tạo nơi con cháu của A-đam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Vì trong Người, bản tính nhân loại đã được tiếp nhận chứ không bị tiêu diệt,29 nên trong chúng ta, bản tính ấy cũng được nâng cao, đạt tới một phẩm giá siêu việt. Thật vậy, khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã liên kết với tất cả mọi người. Người đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người,30 đã yêu thương bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh nữ Ma-ri-a, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.31

Là Con Chiên vô tội, Người tự nguyện đổ máu ra để cho chúng ta được sống, và chính trong Người, Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với Ngài và với nhau,32 và đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, do đó mỗi người chúng ta đều có thể nói như thánh Tông Đồ rằng: Con Thiên Chúa “đã yêu thương tôi, lại hiến thân vì tôi” (Gl 2,20). Khi chịu khổ nạn vì chúng ta, Người không chỉ nêu gương để chúng ta theo vết chân Người,33 nhưng còn mở ra con đường, để, nếu chúng ta bước theo Người, thì sự sống và cái chết sẽ được thánh hóa và mang lấy một ý nghĩa mới.

Khi đã nên giống hình ảnh Chúa Con là Trưởng Tử trong đoàn anh em đông đảo,34 người Ki-tô hữu nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23), nhờ đó họ có thể chu toàn giới luật mới của tình yêu thương.35 Nhờ Thánh Thần làm “bảo chứng cho quyền thừa tự” (Ep 1,14), toàn thể con người được canh tân từ nội tâm, cho tới khi “thân xác được cứu rỗi” (Rm 8,23): “Nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã làm cho Chúa Giê-su Ki-tô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ nhờ Thánh Thần của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác hay hư nát của anh em được sống”, (Rm 8,11).36 Chắc chắn người Ki-tô hữu cần và có bổn phận chiến đấu chống lại sự dữ khi phải trải qua nhiều gian nan và phải chấp nhận cả cái chết; nhưng vì được tham dự vào mầu nhiệm phục sinh, được đồng hóa với cái chết của Chúa Ki-tô, được vững lòng nhờ đức cậy trông, họ sẽ được sống lại.37

Điều nói trên không chỉ có giá trị cho các tín hữu nhưng còn cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh tác động một cách vô hình trong tâm hồn.38 Thật vậy, vì Chúa Ki-tô đã chết cho mọi người39 và vì thật sự chỉ có một ơn gọi tối hậu của con người, ơn gọi từ Thiên Chúa, nên chúng ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy theo cách thế mà chỉ có Chúa biết.

Đó là tính chất và sự cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được mạc khải Ki-tô giáo soi sáng cho các tín hữu. Như vậy, nhờ Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, một bí ẩn sẽ đè bẹp chúng ta nếu không có Tin Mừng của Người. Chúa Ki-tô đã sống lại, khi dùng cái chết của mình để hủy diệt sự chết, Người đã ban cho ta sự sống dồi dào,40 để, là những người con trong Chúa Con, chúng ta kêu lên trong Thánh Thần: Abba, Cha ơi41 !

CHƯƠNG II. CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI

23

Mục đích Công Đồng nhắm tới

Giữa những đặc điểm nổi bật của thế giới hôm nay, phải kể tới sự gia tăng những mối tương giao giữa con người với nhau, được phát huy phần lớn nhờ vào những tiến bộ kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, cuộc đối thoại huynh đệ giữa con người được nên trọn hảo không phải ở nơi những tiến bộ ấy, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đồng các nhân vị, một cộng đồng đòi hỏi phải có sự tôn trọng trọn vẹn phẩm giá thiêng liêng của nhau. Mạc khải Ki-tô giáo đã giúp nhiều vào việc cổ võ cho sự hiệp thông giữa các nhân vị, đồng thời cũng hướng dẫn chúng ta hiểu biết sâu xa hơn về những quy luật của đời sống xã hội mà Tạo Hóa đã khắc ghi vào bản tính đạo đức và luân lý của con người.

Vì những văn kiện mới đây của Huấn quyền Giáo Hội đã trình bày sâu rộng hơn giáo thuyết Ki-tô giáo về xã hội con người,42 nên Công Đồng chỉ nhắc lại một số chân lý chính yếu và trình bày những nét căn bản của các chân lý ấy dưới ánh sáng của mạc khải. Tiếp đến, Công Đồng nhấn mạnh tới một vài hệ quả được xét là quan trọng hơn ở thời đại chúng ta.

24

Đặc tính cộng đoàn của ơn gọi làm người trong ý định Thiên Chúa

Thiên Chúa, Đấng chăm sóc mọi người với tình phụ tử, muốn cho toàn thể nhân loại liên kết thành một gia đình và đối xử với nhau trong tình huynh đệ. Quả thật, mọi người đều được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng đã “từ một người làm ra tất cả nhân loại cư ngụ trên khắp mặt đất” (Cv 17,26), và tất cả đều được mời gọi hướng tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa.

Do đó, yêu mến Thiên Chúa và anh em là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Thánh Kinh dạy rằng lòng yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu thương anh em: “…nếu có điều răn nào khác, thì cũng gồm tóm trong lời này: ngươi hãy yêu thương người thân cận như chính mình … như thế, yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,9-10; x. 1 Ga 4,10). Điều đó thật vô cùng quan trọng đối với những con người đang ngày càng lệ thuộc vào nhau, cũng như đối với một thế giới đang ngày càng hợp nhất với nhau hơn.

Hơn nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha: “xin cho tất cả nên một …, như Chúng ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giê-su đã mở ra những viễn tượng vượt qua cả lý trí con người, cho thấy có một nét tương tự nào đó giữa sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự hợp nhất của các con cái Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu. Sự tương tự này cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình.43

25

Sự lệ thuộc giữa nhân vị và xã hội

Bản tính xã hội của con người cho thấy rõ sự thăng tiến của nhân vị và sự phát triển của xã hội lệ thuộc vào nhau. Thật vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì, tự bản chất, nhân vị hoàn toàn cần đến đời sống xã hội.44 Như thế, vì đời sống xã hội đối với con người không phải là một điều gì đó được thêm vào bên ngoài, nên nhờ biết trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người mới làm thăng tiến tất cả các khả năng của mình và có thể đáp trả được ơn gọi của mình.

Giữa những mối liên hệ xã hội cần thiết để con người được phát triển, có những mối liên hệ đáp ứng được bản tính sâu xa của con người một cách trực tiếp hơn, như là gia đình và cộng đồng chính trị; cũng có những mối liên hệ phát sinh từ ý muốn tự do của con người. Trong thời đại chúng ta, có nhiều nguyên nhân làm cho những mối tương quan và lệ thuộc nhau mỗi ngày một tăng thêm; do đó phát sinh nhiều hiệp hội và những tổ chức công hay tư khác nhau, xét về phương diện pháp lý. Sự kiện này, được mệnh danh là xã hội hóa, không phải là không có những nguy hại, tuy nhiên cũng đem lại nhiều lợi ích lớn lao giúp củng cố và làm phát huy những đức tính cũng như bảo đảm những quyền lợi của con người.45

Nhưng nếu đời sống xã hội hỗ trợ nhiều cho con người trong việc thành toàn ơn gọi của mình kể cả ơn gọi tôn giáo, thì ta cũng không thể phủ nhận rằng, nhiều người vì những môi trường xã hội họ đang sống và bị thấm nhiễm ngay từ thời niên thiếu, nên thường không còn ưa thích làm điều thiện và có khuynh hướng làm điều xấu. Chắc chắn những xáo trộn rất thường xảy ra trên bình diện xã hội một phần phát sinh từ tình trạng căng thẳng giữa những tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội. Nhưng sâu xa hơn, những xáo trộn trên phát sinh do tính ích kỷ và kiêu căng của con người, đó cũng là những nguyên nhân làm cho môi trường xã hội trở thành vẩn đục. Khi trật tự xã hội bị tác động do hậu quả của tội lỗi, thì con người vốn bẩm sinh đã nghiêng chiều về sự xấu, nay lại gặp thêm những lôi cuốn thúc đẩy phạm tội, những lôi cuốn mà nếu không có sự cố gắng liên lỉ và không có ơn thánh trợ giúp sẽ không thể lướt thắng được.

26

Bổn phận mưu cầu công ích

Do việc lệ thuộc nhau ngày càng thêm chặt chẽ và dần dần lan rộng trên toàn thế giới, nên công ích – tức là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn – ngày nay càng lúc càng trở nên phổ quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại. Bất cứ tập thể nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, hơn thế nữa, còn phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại.46

Nhưng đồng thời con người ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng của nhân vị, vì con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm. Như thế, phải cung ứng cho con người tất cả những gì cần thiết để sống một cuộc sống thực sự mang tính nhân bản, như thức ăn, quần áo, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền nhận được thông tin thích hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống riêng tư và cả quyền tự do chính đáng trong phạm vi tôn giáo.

Cũng thế, trật tự và tiến bộ của xã hội phải luôn luôn nhằm lợi ích của các nhân vị, bởi vì việc sử dụng vạn vật phải tùy thuộc vào việc phục vụ các nhân vị chứ không phải ngược lại. Điều này chính Chúa đã nói đến khi bảo rằng ngày nghỉ được lập ra vì con người chứ không phải con người được dựng nên vì ngày nghỉ.47 Trật tự này phải luôn được phát huy, phải đặt nền tảng trên chân lý, xây dựng trong công bình, nuôi sống nhờ tình yêu; phải được tự do để đạt đến sự quân bình ngày càng nhân bản hơn.48 Để thực hiện trọn vẹn những điều trên, phải có sự đổi mới tâm thức và những thay đổi sâu rộng trong xã hội.

Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng điều khiển dòng thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này. Men Tin Mừng đã và đang làm dậy lên trong lòng con người một đòi hỏi bất khả chống cưỡng về phẩm giá con người.

27

Tôn trọng nhân vị

Để đi tới những hệ luận thực hành và khẩn thiết hơn, Công Đồng nhấn mạnh về sự tôn trọng con người: mỗi người đều phải coi người lân cận, không trừ một ai, như “bản thân thứ hai”, vì thế phải ưu tiên quan tâm đến sự sống và những phương tiện cần thiết giúp họ sống một cuộc sống xứng đáng,49 chứ đừng bắt chước người giàu có kia đã không quan tâm gì tới người nghèo Lazarô.50

Đặc biệt trong thời đại hôm nay, chúng ta càng được thúc bách phải trở nên người lân cận của mọi người và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc đó là một người già lão bị mọi người bỏ rơi, hoặc là một công nhân ngoại quốc bị khinh khi cách bất công, hoặc là một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất hợp pháp phải chịu đau khổ cách oan ức vì một tội mà mình không phạm, hoặc một kẻ đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta, gợi nhớ lời Chúa nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Ngoài ra, tất cả những gì chống lại sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giúp an tử, hoặc cố ý tự tử; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của con người, như cắt bỏ một phần cơ thể, hành hạ thân xác hoặc tinh thần, gây áp lực tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm như điều kiện sinh sống thấp kém, phi nhân bản, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kể cả điều kiện lao động quá tồi tệ khiến cho công nhân hoàn toàn trở thành dụng cụ cho lợi nhuận, chứ không được coi như con người tự do và có trách nhiệm: tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều là những hành động đáng xấu hổ, và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, thì tất cả những điều đó lại bôi nhọ chính những kẻ hành động hơn là những người bị ngược đãi, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hóa.

28

Tôn trọng và yêu thương những người đối nghịch

Cũng phải tôn trọng và yêu thương cả những người có cách suy nghĩ hoặc hành động khác với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị và cả tôn giáo nữa; khi lấy tình nhân ái và đức yêu thương để tìm hiểu sâu xa hơn những cách họ cảm nghĩ, chúng ta sẽ có thể dễ dàng đi tới đối thoại với họ hơn.

Quả thật, đức bác ái và lòng nhân hậu này không bao giờ để chúng ta trở thành người dửng dưng với những gì là chân thật và thiện hảo. Hơn thế nữa, chính đức ái thúc bách các môn đệ Chúa Ki-tô loan báo cho mọi người chân lý cứu rỗi. Nhưng phải phân biệt sự lầm lạc, điều luôn luôn phải loại bỏ, với người đang lạc lối, vì những người lầm lạc vẫn luôn còn nhân phẩm, ngay cả khi họ có những ý niệm sai lầm hoặc chưa đầy đủ về tôn giáo.51 Chỉ một mình Thiên Chúa là thẩm phán và là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn: bởi vậy Ngài ngăn cấm chúng ta đừng xét đoán tội lỗi thầm kín của bất cứ người nào.52

Giáo huấn của Chúa Ki-tô cũng dạy chúng ta phải tha thứ những xúc phạm53 và theo đó giới luật yêu thương phải được mở rộng đến cả với những kẻ thù nghịch, đó chính là điều răn của giới luật mới: “Các con đã nghe lời dạy: hãy thương yêu thân nhân và ghét kẻ địch thù, còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy thương yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét các con và cầu nguyện cho những người ngược đãi và vu khống các con” (Mt 5,43-44).

29

Bình đẳng căn bản giữa mọi người và công bình xã hội

Càng ngày càng phải nhận thức sự bình đẳng căn bản giữa mọi người hơn, vì mọi người đều có linh hồn biết suy nghĩ, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc, hơn nữa vì được Chúa Ki-tô cứu chuộc, nên họ có cùng một ơn gọi và cùng một vận mệnh thiêng liêng.

Dĩ nhiên mọi người không bằng nhau về khả năng thể lý vốn rất đa dạng, cũng như về năng lực trí tuệ và tinh thần với nhiều trình độ cách biệt. Tuy nhiên phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền căn bản của con người, hoặc trong phạm vi xã hội hoặc trong lãnh vực văn hóa, thái độ kỳ thị phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa. Do đó thật đáng buồn khi những quyền căn bản của nhân vị cho đến nay vẫn chưa được bảo đảm toàn vẹn ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn trường hợp phụ nữ chưa được quyền tự do chọn lựa người chồng hay tự do chọn bậc sống, hoặc quyền được giáo dục và có văn hóa như nam giới.

Hơn nữa, mặc dù có những khác biệt chính đáng giữa con người với nhau, nhưng chính sự bình đẳng nhân phẩm nơi mọi người luôn đòi hỏi phải có một mức sống nhân bản và công bình hơn. Thật vậy, những chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội giữa những thành phần hay giữa những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại, đã nên cớ vấp phạm và đi ngược lại với công lý xã hội, công bình, nhân phẩm và nền hòa bình trong xã hội và giữa các quốc gia.

Các tổ chức nhân bản, tư nhân hoặc công cộng, hãy nỗ lực phục vụ phẩm giá cũng như cứu cánh của con người, đồng thời hãy mạnh mẽ chống lại bất cứ hình thức nô lệ nào trong lãnh vực xã hội hay chính trị, và bảo vệ những quyền căn bản của con người trong bất cứ thể chế chính trị nào. Hơn nữa, các tổ chức ấy phải dần dần quy hướng về những thực tại thiêng liêng, là những thực tại cao quý nhất, dù đôi khi cần phải có một thời gian khá lâu để đạt tới mục tiêu cao đẹp đó.

30

Cần phải vượt ra khỏi chủ trương đạo đức duy cá nhân

Sự biến chuyển sâu rộng và nhanh chóng trong các lãnh vực đang tạo nên một yêu cầu cấp bách: đừng ai vì thiếu lưu tâm đến thời cuộc đang diễn biến hoặc vì muốn được an thân, lại sống theo lối đạo đức duy cá nhân chủ nghĩa. Bổn phận công bình và bác ái sẽ được chu toàn ngày càng hoàn hảo hơn khi mỗi người biết tùy theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu cầu thiện ích chung, bằng cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư, nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người. Tuy nhiên, có những người luôn rêu rao những lời tuyên bố rộng rãi và đại lượng, nhưng thực tế lại vẫn sống mà chẳng quan tâm gì tới những nhu cầu của xã hội. Hơn nữa, tại nhiều nơi, có nhiều người còn coi thường các luật lệ và những quy định của xã hội. Một số người không ngần ngại dùng những hình thức gian lận và lừa đảo để trốn tránh thuế vụ chính đáng hoặc các nghĩa vụ xã hội. Có người lại coi nhẹ một số luật lệ trong cuộc sống xã hội, chẳng hạn những quy định liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe hoặc an toàn giao thông, vì không nhận thức được rằng, do bất cẩn như thế, họ sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của chính mình và của người khác.

Giữa những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay, chớ gì mọi người đều tôn trọng việc nhìn nhận và thực thi những mối liên đới xã hội. Thật vậy, thế giới càng hợp nhất thì càng thấy rõ những bổn phận của con người phải vượt trên các nhóm riêng rẽ và dần dần lan rộng đến toàn thế giới. Điều ấy chỉ được thực hiện khi mỗi người và từng đoàn thể biết vun đắp cho mình những đức tính luân lý và xã hội, đồng thời phổ biến những đức tính ấy cho cả cộng đồng. Như vậy, với sự trợ giúp cần thiết của ơn thánh Chúa, sẽ có những con người mới thật sự, đồng thời cũng là những người sẽ kiến tạo một nhân loại mới.

31

Tinh thần trách nhiệm và thái độ tham gia

Để có thể chu toàn cách chính xác hơn nghĩa vụ theo lương tâm đối với bản thân hay đối với những cộng đồng mà mình là thành viên, mỗi người phải được giáo dục chu đáo để có được trình độ văn hóa mở rộng hơn, qua việc sử dụng những phương tiện phong phú của nhân loại ngày nay. Trước hết việc giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, cần phải được tổ chức thế nào để đào tạo được những người, nam giới cũng như nữ giới, không những có nhiều tài năng thực lực mà còn có một tâm hồn cao thượng, vì thời đại chúng ta đang rất cần những con người như thế.

Nhưng con người khó có thể cảm nhận được trách nhiệm này, nếu không có những điều kiện sinh sống cho phép họ ý thức về phẩm giá của mình, cũng như giúp họ đáp lại ơn gọi của mình bằng cách hiến thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Quả thật, sự tự do của con người nhiều lúc bị giảm thiểu khi phải sống trong hoàn cảnh quá cùng cực, tự do ấy cũng bị xem nhẹ khi buông thả theo những dễ dãi quá mức trong cuộc sống, con người dường như tự khép mình trong tháp ngà cô đơn. Trái lại, tự do ấy được củng cố khi con người chấp nhận những ràng buộc không thể tránh trong cuộc sống xã hội, coi những yêu cầu đa dạng của tình liên đới nhân loại là của mình và dấn thân phục vụ cho cộng đồng nhân loại.

Vì thế, cần phải khích lệ mọi người đem thiện chí góp phần vào những công trình chung. Ngoài ra phải tán dương đường lối của những quốc gia đang để cho số đông dân chúng được thật sự tự do tham gia việc nước. Tuy nhiên cần phải lưu ý tới hoàn cảnh thực tế của mỗi dân tộc cũng như sự vững mạnh cần thiết của quyền bính quốc gia. Hơn nữa, để mọi công dân phấn khởi tham gia vào cuộc sống của các tổ chức đoàn thể khác nhau tạo nên cơ cấu xã hội, họ cần phải tìm được trong những tổ chức ấy những thiện ích lôi cuốn họ và giúp họ sẵn sàng phục vụ người khác. Chúng ta có lý để nghĩ rằng vận mệnh tương lai của nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho hậu thế những lý do để sống và để hy vọng.

32

Ngôi Lời nhập thể và tình liên đới nhân loại

Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để họ sống riêng rẽ nhưng để tạo nên sự hợp nhất xã hội. Cũng thế, “…Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người không phải riêng lẻ từng người, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”.54 Ngay từ khởi đầu lịch sử cứu độ, chính Ngài đã chọn con người, không phải với tư cách là những cá nhân, nhưng như những phần tử của một cộng đoàn. Thật vậy, Thiên Chúa đã tuyển chọn họ, cho họ biết ý định của Ngài, và gọi họ là “dân riêng của Ngài” (Xh 3,7-12), hơn nữa Ngài còn ký kết giao ước với đoàn dân ấy tại núi Sinai.55

Tính chất cộng đoàn này được kiện toàn và hoàn tất nhờ những việc Chúa Giê-su Ki-tô đã thực hiện. Thật vậy, chính Ngôi Lời nhập thể đã muốn dự phần vào tình liên đới nhân loại. Người đã tham dự tiệc cưới Cana, đã vào nhà Giakêu, đã ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi. Người đã mạc khải tình yêu thương của Chúa Cha và ơn gọi cao cả của con người, bằng cách kể chuyện về những điều hết sức thông thường trong xã hội và dùng những kiểu nói cũng như những hình ảnh vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Người đã thánh hóa những mối liên hệ của con người, nhất là những liên hệ thuộc về gia đình là nguồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội, trong khi vẫn tự nguyện tuân giữ những luật lệ của đất nước. Người đã muốn sống như một người thợ thủ công ngay giữa thời đại và nơi quê hương của Người.

Trong lời rao giảng, Người đã truyền dạy rõ ràng là những người con cái Thiên Chúa phải cư xử với nhau như anh em. Trong lời cầu nguyện, Người đã xin cho tất cả các môn đệ Người được nên “một”. Hơn nữa, là Đấng Cứu Chuộc mọi người, chính Người đã tự hiến thân chết cho mọi người. “Không ai có tình yêu cao cả hơn kẻ hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Người còn ra lệnh cho các Tông Đồ rao giảng sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân để nhân loại trở nên gia đình của Thiên Chúa, trong đó sự trọn hảo của lề luật chính là yêu thương.

Là trưởng tử giữa một đoàn anh em đông đảo, sau khi chết và sống lại, Người đã ban Chúa Thánh Thần để thiết lập tình hiệp thông huynh đệ mới giữa tất cả những kẻ đón nhận Người với đức tin và đức ái, điều đó được thực hiện trong chính Thân Thể của Người tức là Giáo Hội, ở đấy mọi người là chi thể với nhau, tùy theo những ơn đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau.

Tình liên đới này cần phải được gia tăng luôn mãi cho tới ngày được hoàn tất, ngày mà nhân loại, nhờ được ơn thánh cứu thoát, nên như một gia đình được Thiên Chúa và Anh Cả Ki-tô yêu thương, sẽ làm vinh danh Thiên Chúa cách trọn hảo.

CHƯƠNG III. HOẠT ĐỘNG CỦA NHÂN LOẠI TRONG THẾ GIỚI

33

Đặt vấn đề

Bằng lao động và tài trí, con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi cuộc sống của mình. Ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học và kỹ thuật, con người đã và còn đang không ngừng nới rộng sự thống trị của mình gần như trên tất cả thiên nhiên, và đặc biệt nhờ sự gia tăng đủ loại phương tiện trao đổi giữa các quốc gia, gia đình nhân loại dần dần ý thức về mình và hợp thành gần như một cộng đồng duy nhất trong toàn thế giới. Do đó, ngày nay con người đã dùng tài năng của chính mình để tự cung ứng nhiều của cải mà trước đây họ chỉ biết mong đợi nơi các quyền lực thần linh.

Trước nỗ lực lớn lao có liên quan đến toàn thể nhân loại này, nhiều câu hỏi đang được con người nêu lên. Đâu là ý nghĩa và giá trị của hoạt động cần lao ấy? Phải sử dụng tất cả những của cải ấy như thế nào? Đâu là mục đích của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể? Giáo Hội, tuy đang quản thủ kho tàng lời Chúa để từ đó rút ra những nguyên tắc luân lý và tôn giáo, nhưng không phải lúc nào cũng có ngay câu trả lời cho từng vấn đề. Dù vậy, Giáo Hội luôn luôn ao ước nối kết ánh sáng mạc khải với kiến thức của mọi người, để soi dẫn con đường mà nhân loại vừa bước chân vào.

34

Giá trị của hoạt động nhân loại

Đối với các tín hữu, có một điều chắc chắn, đó là mọi hoạt động cá nhân và tập thể của nhân loại, cũng như tất cả nỗ lực to lớn của con người, vất vả suốt bao thế kỷ để cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận nhiệm vụ làm chủ trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện56 và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng mọi loài, họ quy hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi vạn vật đã được con người thu phục, thì danh Chúa được tôn vinh trên khắp địa cầu.57

Điều nói trên cũng liên quan đến những công việc thường ngày. Thật vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Đấng Tạo Hóa, phục vụ anh em, đóng góp công sức vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử.58

Người Ki-tô hữu không bao giờ nghĩ rằng, các công trình do con người dùng tài năng và sức lực riêng để thực hiện là chống đối quyền năng Thiên Chúa, cũng không coi thụ tạo có lý trí như một địch thủ của Tạo Hóa, nhưng công nhận rằng các thắng lợi của nhân loại là dấu chỉ biểu hiện sự cao cả của Thiên Chúa và là kết quả của ý định khôn lường của Ngài. Tuy nhiên, khi con người càng có thêm nhiều năng lực, thì càng có thêm trách nhiệm trong phạm vi cá nhân cũng như tập thể. Từ đó, chúng ta thấy sứ điệp Ki-tô giáo không kéo con người ra khỏi công cuộc xây dựng thế giới, cũng không làm cho họ mất đi sự quan tâm đến lợi ích của đồng loại, nhưng trái lại thúc bách họ hơn nữa về bổn phận phải thực hiện những điều ấy.59

35

Tiêu chuẩn cho hoạt động của con người

Hoạt động của con người phát xuất từ con người và cũng quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người không những biến đổi vạn vật và xã hội, mà còn hoàn thiện chính mình. Con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng, vươn ra khỏi bản thân và vượt lên cả chính mình. Nếu được hiểu cho đúng thì sự tăng triển này đáng giá hơn mọi của cải có thể thu tích được. Giá trị con người hệ tại ở “cái mình là” hơn ở “cái mình có”.60 Cũng vậy, tất cả những gì con người làm để đạt tới một nền công lý cao vượt hơn, một tình huynh đệ rộng lớn hơn và một trật tự nhân đạo hơn trong các tương quan xã hội, đều đáng quý trọng hơn các tiến bộ kỹ thuật, bởi vì, các tiến bộ ấy tuy có thể cung cấp chất liệu cho việc thăng tiến con người, nhưng tự chúng mà thôi không thể thực hiện được công cuộc thăng tiến ấy.

Vì thế, tiêu chuẩn cho hoạt động của con người chính là tất cả phải phù hợp với lợi ích đích thực của nhân loại theo như ý định và ý muốn của Thiên Chúa, và phải giúp con người, cá nhân cũng như tập thể, vun đắp và chu tất ơn gọi toàn diện của mình.

36

Sự độc lập đúng mức của các thực tại trần thế

Tuy nhiên, nhiều người đương thời dường như e ngại rằng sự liên kết quá chặt chẽ giữa hoạt động của con người và tôn giáo sẽ làm ngăn trở sự độc lập của con người, của xã hội hoặc của khoa học.

Nếu chúng ta hiểu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các cộng đồng xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải dần dần nhận thức, sử dụng và điều hợp, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: đó không chỉ là đòi hỏi của người đương thời đòi hỏi nhưng còn là điều phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hóa. Thật vậy, do chính cách thức tạo dựng, mọi vật đều được tác thành với các phẩm tính bền vững, chân thật và thiện hảo cũng như có những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, qua việc nhìn nhận các phương pháp riêng biệt của từng ngành khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra.61 Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn nỗ lực nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của sự vật, vẫn được bàn tay Chúa hướng dẫn, dù chính họ không nhận ra, vì Ngài là Đấng bảo tồn muôn loài và cho chúng hiện hữu theo bản tính riêng của mỗi loài. Do đó, chúng ta lấy làm tiếc về một số thái độ, đôi khi cả nơi các Ki-tô hữu, không hiểu rõ sự độc lập chính đáng của khoa học và đã gây ra nhiều cuộc tranh luận và bất đồng khiến nhiều người nghĩ rằng đức tin và khoa học đối nghịch nhau.62

Nhưng, nếu “sự độc lập của các thực tại trần thế” được hiểu là các tạo vật không lệ thuộc vào Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần quy hướng về Đấng Tạo Hóa, thì bất cứ ai đã nhận biết Thiên Chúa cũng đều thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thật vậy, không có Đấng Tạo Hóa, tạo vật sẽ không tồn tại. Ngoài ra, mọi tín hữu, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, cũng luôn cảm nhận được tiếng nói của Thiên Chúa và sự hiển linh của Ngài qua ngôn ngữ của tạo vật. Hơn nữa, nếu thiếu vắng Thiên Chúa, tạo vật đều trở nên vô nghĩa.

37

Tội lỗi làm hư hỏng hoạt động của nhân loại

Thánh Kinh dạy cho gia đình nhân loại biết điều mà kinh nghiệm của các thời đại cũng đã cho thấy, đó là tiến bộ tuy là một lợi ích lớn lao của con người nhưng cũng kèm theo một cám dỗ mãnh liệt. Thật vậy, khi đảo lộn bậc thang giá trị, khi không còn phân biệt ác và thiện, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình chứ không quan tâm đến quyền lợi kẻ khác. Do đó, thế giới chưa phải là nơi có tình huynh đệ đích thực, trong khi ấy, sự gia tăng quyền lực của con người lại đe dọa hủy diệt chính nhân loại.

Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại, khởi đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán.63 Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa, con người mới tìm được sự thống nhất nơi chính mình.

Bởi vậy, Giáo Hội Chúa Ki-tô, tin tưởng vào ý định của Đấng Tạo Hóa, trong khi vẫn nhìn nhận rằng tiến bộ của nhân loại có thể phục vụ hạnh phúc chân chính của con người, nhưng Giáo Hội không thể không lặp lại lời sau đây của thánh Phaolô: “Anh em đừng nên giống như thế gian này” (Rm 12,2) nghĩa là đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo khiến hoạt động con người, vốn quy hướng về việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, lại biến thành phương tiện phạm tội.

Vậy, nếu có ai hỏi phải làm gì để vượt qua tình trạng khốn khổ ấy, người Ki-tô hữu sẽ tuyên xưng rằng: mọi hoạt động của con người, hàng ngày đang lâm nguy vì tính kiêu ngạo và lòng vị kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Ki-tô. Bởi đã được Chúa Ki-tô cứu chuộc và được biến đổi thành tạo vật mới trong Chúa Thánh Thần, nên con người có thể và phải yêu mến chính các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Vì nhận được tạo vật từ nơi Thiên Chúa, nên con người quan tâm và tôn trọng chúng như ân huệ do bởi bàn tay Thiên Chúa. Luôn cảm tạ vị Ân Nhân đã ban tặng các tạo vật ấy, trong khi sử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do, con người thực sự thi hành quyền làm chủ thế giới, như một kẻ không có gì hết nhưng lại sở hữu tất cả.64 “Vì mọi sự thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Chúa Ki-tô, và Chúa Ki-tô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23).

38

Kiện toàn hoạt động nhân loại trong mầu nhiệm Phục sinh

Lời Thiên Chúa, Lời mà nhờ đó muôn vật được tạo thành, đã mặc lấy xác phàm và đến sống trên trái đất của con người.65 Là con người hoàn hảo, Người đã đi vào lịch sử, đảm nhận và thâu kết lịch sử thế giới trong chính mình.66 Chính Người mạc khải cho chúng ta “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8) và dạy cho chúng ta biết rằng: luật căn bản để kiện toàn con người, và từ đó biến đổi thế giới, là điều răn mới về tình yêu. Vậy, đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người, và nỗ lực thiết lập tình huynh đệ đại đồng không phải là luống công. Người cũng nhắc nhở cho biết đức bác ái ấy không phải chỉ được thực hiện trong những công việc to tát, nhưng trước hết trong những điều thông thường của cuộc sống. Khi chịu chết vì tất cả chúng ta là những người tội lỗi,67 Người chính là mẫu gương dạy chúng ta biết mang lấy thập giá mà xác thịt và thế gian đặt nặng trên vai những kẻ mưu tìm hòa bình và công lý. Khi sống lại, Đức Ki-tô được tôn làm Chúa và lãnh nhận toàn quyền thống trị trên trời dưới đất;68 từ nay Người hoạt động trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, không những bằng cách khơi dậy những khát vọng hướng đến đời sau, nhưng còn dùng những khát vọng đó để cổ võ, thanh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại, thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống của mình trở nên nhân bản hơn, và quy phục trái đất về cùng mục đích ấy. Quả thật, ơn Chúa Thánh Thần được ban dưới nhiều hình thức: có những người được kêu gọi để làm chứng nhân tỏ tường cho nỗi khao khát được về quê trời, và giữ cho niềm khát vọng ấy luôn sống động trong gia đình nhân loại, một số khác được mời gọi để hiến thân phục vụ con người trong phạm vi trần thế, dùng sự phục vụ ấy để làm nên chất liệu xây dựng Nước Trời. Người giải thoát mọi người, để sau khi từ bỏ lòng vị kỷ và tập trung mọi năng lực trần thế cho cuộc sống con người, tất cả hướng về ngày mai, ngày mà nhân loại được Thiên Chúa đón nhận như lễ vật hiến dâng.69

Chúa đã để lại cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng của niềm trông cậy và lương thực đi đường trong bí tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu tố trần thế, kết quả của lao công con người, được biến thành Mình và Máu vinh hiển của Người, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng trước bàn tiệc thiên quốc.

39

Trời mới và đất mới

Chúng ta không biết được trái đất và nhân loại sẽ kết thúc vào thời điểm nào,70 chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ biến đổi ra sao. Quả thật, bộ mặt của một thế giới bị biến dạng vì tội lỗi đang qua đi,71 nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một thế giới mới, nơi công lý ngự trị.72 Hạnh phúc ở nơi ấy sẽ thỏa mãn và lấp đầy mọi ước vọng hòa bình đang trào dâng trong lòng con người.73 Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Ki-tô, và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát;74 tình yêu và các nghĩa cử bác ái sẽ tồn tại75 , và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân.76

Chúng ta đã được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà để hư mất chính mình thì nào có ích lợi gì.77 Nhưng sự trông đợi một thế giới mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một số hình ảnh nào đó của kỷ nguyên mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với việc mở rộng vương quyền Chúa Ki-tô, nhưng chính những tiến bộ này cũng có giá trị đối với Nước Thiên Chúa trong mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn.78

Thật vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Ki-tô trao lại cho Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và phổ quát: “Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và đầy ơn phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an”.79 Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa trở lại.

CHƯƠNG IV. PHẬN VỤ CỦA GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

40

Tương quan giữa Giáo Hội và thế giới

Tất cả những gì chúng ta đã trình bày về phẩm giá con người, về cộng đoàn nhân loại, về ý nghĩa sâu xa của hoạt động nhân loại, tạo thành cơ sở cho mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới, đó cũng là nền tảng cho cuộc đối thoại giữa đôi bên.80 Chính vì thế, dựa trên tất cả những gì mà Công Đồng này đã tuyên bố về mầu nhiệm Giáo Hội, nội dung của chương này sẽ đề cập đến chính Giáo Hội, xét như một thực thể đang hiện diện trong thế giới, đang cùng sống và cùng hoạt động với thế giới ấy.

Phát sinh từ tình yêu của Chúa Cha hằng hữu,81 được thiết lập trong thời gian bởi Chúa Ki-tô là Đấng Cứu Thế, được quy tụ trong Chúa Thánh Thần,82 Giáo Hội hướng về đích điểm liên quan đến ơn cứu rỗi và cánh chung. Mục đích này chỉ có thể thành tựu trọn vẹn trong thời tương lai. Nhưng bây giờ Giáo Hội đang hiện diện trên trái đất này, quy tụ những con người là phần tử của xã hội trần gian; những người được kêu gọi để hợp thành gia đình con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, vẫn đang tăng trưởng không ngừng cho tới khi Chúa đến. Được liên kết nên một để đón nhận những ân lộc thiên quốc và nhờ đó được nên sung mãn, gia đình này, nhờ Chúa Ki-tô, “được thiết lập và được tổ chức như một cộng đồng tại thế”,83 được trang bị “các phương thế thích hợp cho mối liên kết hữu hình mang tính xã hội”.84 Như thế, là “một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng”,85 Giáo Hội đồng hành với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ số phận trần thế với thế giới; Giáo Hội như men và linh hồn của xã hội loài người,86 một xã hội phải được đổi mới trong Chúa Ki-tô và trở nên gia đình của Thiên Chúa.

Thật ra, sự tương nhập giữa hai thành đô trần thế và thiên quốc chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Hơn nữa, vẫn còn đó mầu nhiệm của lịch sử nhân loại, một lịch sử vẫn còn bị xáo trộn vì tội lỗi cho đến khi vinh quang con cái Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn. Tuy nhiên, trong khi theo đuổi mục đích riêng của mình là đón nhận ơn cứu rỗi, Giáo Hội không chỉ thông truyền sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi một cách nào đó ánh sáng của sự sống ấy trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước tiên bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá con người, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại, đồng thời làm cho hoạt động thường nhật của con người có được một hướng đi và mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Như thế, nhờ từng phần tử và tất cả cộng đoàn, Giáo Hội tin tưởng có thể đóng góp nhiều vào việc biến đổi gia đình và lịch sử loài người trở nên nhân đạo hơn.

Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo luôn đánh giá cao những việc mà các Giáo Hội Ki-tô giáo hay các cộng đoàn Giáo hội khác đã và còn đang thực hiện để đóng góp vào việc chu toàn cùng một bổn phận này. Đồng thời, Giáo Hội xác tín mạnh mẽ rằng thế giới có thể có nhiều cách góp phần lớn lao vào việc dọn đường cho Tin Mừng bằng tài năng và hoạt động cá nhân cũng như xã hội. Sau đây là một vài nguyên tắc tổng quát để làm phát triển tốt đẹp mối tương quan và sự tương trợ trong những lãnh vực chung giữa Giáo Hội và thế giới.

41

Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng cống hiến cho mỗi người

Con người hiện đại đang trên đường phát triển trọn vẹn nhân cách của mình và càng ngày càng nhận thức và khẳng định rõ rệt hơn quyền lợi của mình. Được trao phó nhiệm vụ tỏ bày mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của con người, Giáo Hội cũng đồng thời tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc hiện hữu nhân sinh, tức là sự thật thâm sâu về con người. Giáo Hội biết chắc rằng chỉ có Thiên Chúa mà Giáo Hội phụng sự mới đáp ứng được các khát vọng sâu xa nhất của lòng người, một cõi lòng không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với những của ăn trần thế. Giáo Hội cũng biết rằng con người được Thánh Thần của Thiên Chúa không ngừng thúc đẩy, sẽ không bao giờ hoàn toàn lãnh đạm trước vấn đề tôn giáo, như từng được minh chứng không những qua kinh nghiệm của quá khứ, mà còn bởi rất nhiều chứng từ trong thời đại chúng ta. Thật vậy, con người luôn khao khát muốn biết, ít là một cách mơ hồ, về ý nghĩa của cuộc sống, hoạt động và cái chết của mình. Chính sự hiện diện của Giáo Hội nhắc nhở con người nhớ đến những vấn đề ấy. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi mới đem lại lời giải đáp trọn vẹn cho các vấn đề ấy. Ngài giải đáp qua mạc khải được thực hiện trong Con của Ngài, Đấng đã xuống thế làm người. Ai theo Chúa Ki-tô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn.

Dựa trên đức tin ấy, Giáo Hội có thể giải gỡ phẩm giá của bản tính con người khỏi mọi trào lưu tư tưởng không ngừng dao động giữa sự khinh dể và tôn sùng thái quá đối với thân xác con người. Không một luật lệ nhân loại nào có thể đảm bảo phẩm vị và tự do con người cách thích đáng bằng Tin Mừng Chúa Ki-tô đã được trao phó cho Giáo Hội. Thật vậy, Tin Mừng loan báo và công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa phủ nhận mọi hình thức nô lệ, vốn chỉ phát sinh do tội lỗi.87 Tin Mừng tôn trọng triệt để phẩm giá và quyết định tự do của lương tâm, cũng như không ngừng nhắc nhở phát huy mọi tài năng để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người, và sau cùng, Tin Mừng còn dạy mọi người phải thương yêu nhau.88 Những điều đó phù hợp với luật căn bản trong nhiệm cục cứu rỗi của Ki-tô giáo. Vì, tuy Thiên Chúa vừa là Đấng Cứu Độ, vừa là Đấng Tạo Dựng, vừa làm chủ lịch sử nhân loại vừa làm chủ lịch sử cứu độ, nhưng trong chính chương trình của Thiên Chúa, sự độc lập đúng mức của tạo vật và nhất là của con người không hề bị hủy diệt, trái lại còn được phục hồi và củng cố theo đúng phẩm giá của mình.

Vậy, dựa vào Tin Mừng đã được ủy thác cho mình, Giáo Hội công bố những quyền lợi của con người, nhìn nhận và đánh giá cao sự năng động của thời hiện đại vẫn đang cổ võ cho những quyền lợi ấy khắp nơi. Tuy nhiên, những trào lưu đó phải được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng và phải được bảo vệ tránh khỏi mọi hình thức tự trị sai lầm. Thật vậy, chúng ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng các quyền riêng tư của chúng ta chỉ được duy trì trọn vẹn khi chối bỏ mọi luật lệ của Thiên Chúa. Nhưng thực ra, đó là con đường dẫn tới tình trạng chẳng những không duy trì được mà còn làm tiêu tan phẩm giá con người.

42

Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng mang đến cho cộng đồng nhân loại

Sự hợp nhất trong gia đình nhân loại được củng cố và bổ túc rất nhiều nhờ sự hợp nhất của gia đình con cái Chúa đã được thiết lập trong Chúa Ki-tô.89

Sứ mạng riêng biệt mà Chúa Ki-tô đã ủy thác cho Giáo Hội của Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo Hội nằm trong lãnh vực tôn giáo.90 Nhưng, chính từ sứ mạng tôn giáo ấy, phát sinh hành động, ánh sáng và sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại hợp với thiên luật. Cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo Hội có thể và phải phát động tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục vụ mọi người, nhất là những người cùng khốn, thí dụ như các công cuộc từ thiện hoặc những tổ chức khác tương tự.

Giáo Hội cũng nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trong sự năng động nơi xã hội hiện nay: đặc biệt phong trào đi tới hợp nhất, tiến trình xã hội hóa cách lành mạnh và sự liên đới trong phạm vi công quyền và kinh tế. Thật vậy, việc cổ võ cho sự hợp nhất phù hợp với sứ mạng sâu xa của Giáo Hội, vì chính Giáo Hội ở “trong Chúa Ki-tô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại”.91 Như thế, chính Giáo Hội bày tỏ cho thế giới biết rằng, sự hợp nhất bên ngoài trong lãnh vực xã hội bắt nguồn từ sự hợp nhất trong trí não và con tim, nghĩa là từ đức tin và đức mến, vốn là cơ sở cho sự hợp nhất bất khả phân ly của Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần. Nguồn sức mạnh mà Giáo Hội có thể chuyển thông cho xã hội nhân loại ngày nay, dựa trên chính đức tin và đức mến, được thể hiện trong cuộc sống chứ không phải dựa vào thế lực nào khác bên ngoài với những phương thế hoàn toàn nhân loại.

Hơn nữa, bởi sứ mạng và bản chất của mình, Giáo Hội không gắn liền với một hình thức văn hóa nhân loại cá biệt nào, hoặc một thể chế chính trị, kinh tế hay xã hội nào. Nhờ tính cách phổ quát ấy, Giáo Hội có thể trở thành mối dây liên kết hết sức chặt chẽ giữa các cộng đồng nhân loại và các quốc gia khác nhau, miễn là các quốc gia và cộng đồng ấy tin tưởng vào Giáo Hội và thực sự nhìn nhận Giáo Hội có quyền tự do đích thực để chu toàn sứ mạng của mình. Vì vậy, Giáo Hội khuyến cáo các con cái mình và tất cả mọi người: hãy vượt qua mọi tranh chấp giữa các quốc gia, chủng tộc trong tinh thần gia đình con cái Thiên Chúa và củng cố các hiệp hội nhân loại chính đáng.

Công Đồng rất quý trọng tất cả những gì là chân thật, tốt lành và chính đáng trong rất nhiều tổ chức khác biệt mà nhân loại đã và còn đang không ngừng thành lập. Công Đồng cũng tuyên bố rằng: Giáo Hội muốn trợ giúp và cổ võ mọi tổ chức ấy trong những gì liên hệ và khả dĩ phù hợp với sứ mạng của Giáo Hội. Giáo Hội không ao ước gì hơn là được tự do phát triển để phục vụ lợi ích mọi người trong những chế độ biết nhìn nhận những quyền căn bản của con người, của gia đình và những đòi hỏi của công ích.

43

Giáo Hội nỗ lực hỗ trợ cho hoạt động của nhân loại nhờ các ki-tô hữu

Công Đồng khuyến khích các Ki-tô hữu, công dân của cả hai thành đô, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ, và luôn hành động theo tinh thần Tin Mừng. Thật là sai lầm nếu vì nghĩ rằng, chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang kiếm tìm quê hương đời sau, nên cho rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian,92 như thế là không nhận thấy rằng chính đức tin buộc mỗi người, tùy theo ơn gọi của mình, phải chu toàn các bổn phận đó cách hoàn hảo hơn.93 Ngược lại, cũng sai lầm không kém nếu vì cho rằng, đời sống tôn giáo chỉ hệ tại ở những hành vi phượng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn, nên dấn thân hoàn toàn vào công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo. Sự phân ly giữa đức tin được tuyên xưng và cuộc sống thường ngày của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Gương mù này, ngay trong Cựu Ước các Tiên tri đã mạnh mẽ tố cáo,94 và trong Tân Ước chính Chúa Giê-su Ki-tô còn ngăm đe nhiều hơn nữa với những hình phạt nặng nề.95 Vì thế, không được tạo nên sự đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp-xã hội và đời sống tôn giáo. Đối với người Ki-tô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giê-su đã sống như một người thợ, các Ki-tô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế mà vẫn có được sự thống nhất đời sống khi biết liên kết các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học và kỹ thuật, với các giá trị tôn giáo, chính trong trật tự tuyệt hảo của các giá trị này mọi sự sẽ được quy hướng về vinh danh Thiên Chúa.

Những phận vụ và sinh hoạt trần thế chính là lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ. Vì vậy, khi hoạt động với tư cách công dân trần thế, dù là cá nhân hay đoàn thể, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành mà còn phải ra sức tự luyện khả năng chuyên môn thực sự trong từng lãnh vực. Họ sẽ sẵn lòng hợp tác với những người cùng theo đuổi những mục đích chung. Cảm nhận các đòi hỏi và nhờ vào sức mạnh của đức tin, khi cần, họ sẽ không ngần ngại đề nghị và thực hiện những sáng kiến mới. Với một lương tâm đã được đào luyện cách thích hợp, họ phải đem luật Chúa thấm nhập cuộc sống của xã hội trần gian. Giáo dân vẫn mong nhận được ánh sáng và sức mạnh tinh thần từ các linh mục. Tuy nhiên, họ đừng vì thế mà nghĩ rằng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể đưa ra ngay một giải pháp cụ thể cho từng vấn đề đang xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng; cũng đừng lầm tưởng đó là sứ mạng dành cho các chủ chăn, nhưng tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Ki-tô giáo soi dẫn và với thái độ quan tâm tôn trọng Huấn quyền của Giáo Hội,96 hãy nhận lấy trách nhiệm của mình.

Thường thì chính quan điểm Ki-tô giáo về vạn vật sẽ hướng dẫn họ chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, như thường thấy xảy ra và vẫn được coi là chính đáng, có những tín hữu khác, với cả thực tâm, sẽ thẩm định cách khác về cùng một vấn đề. Nếu xảy ra trường hợp có những người kết ghép cách dễ dãi những giải pháp mà họ đề ra vào sứ điệp Tin Mừng, cả khi ngoài ý muốn của những người liên hệ, thì nên nhớ không ai được phép độc quyền đòi hỏi thẩm quyền của Giáo Hội phải hậu thuẫn cho lập trường của mình. Phải luôn luôn nỗ lực dùng cách thức đối thoại chân thành để cùng nhau tìm hiểu vấn đề, luôn bảo toàn tình yêu thương nhau và trên hết phải nhắm đến lợi ích chung.

Được dự phần tích cực trong toàn thể đời sống Giáo Hội, người giáo dân không những phải đem tinh thần Ki-tô giáo thấm nhuần thế giới, nhưng còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Ki-tô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đồng nhân loại.

Phần các Giám mục là những người đã được ủy thác việc điều hành Giáo Hội của Thiên Chúa, hãy cùng các linh mục rao giảng sứ điệp của Chúa Ki-tô, sao cho mọi hoạt động trần thế của các tín hữu thấm nhuần ánh sáng Tin Mừng. Hơn nữa, tất cả các chủ chăn hãy nhớ rằng, qua cách cư xử hằng ngày và thái độ ân cần của mình, các Ngài phải tỏ lộ cho thế giới khuôn mặt của Giáo Hội,97 qua đó, người khác sẽ thẩm định về sức mạnh và chân lý của sứ điệp Ki-tô giáo. Bằng đời sống và lời rao giảng, hợp cùng các tu sĩ và giáo dân, các ngài hãy minh chứng rằng, chỉ với sự hiện diện, cùng tất cả những gì có thể trao ban, Giáo Hội đã là nguồn năng lực vô tận mà thế giới ngày nay đang rất cần đến. Các Ngài hãy trau giồi khả năng bằng cách chuyên cần nghiên cứu, sao cho có thể chu toàn trách nhiệm của mình trong cuộc đối thoại với thế giới và với những người thuộc bất cứ lập trường nào. Nhưng trước hết, xin các ngài hãy ghi lòng những lời sau đây của Công Đồng: “Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hợp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải liên kết những công việc và khả năng của mình dưới sự hướng dẫn của các Giám mục và Đức Giáo Hoàng, để dẫn đưa toàn thể nhân loại tiến đến hợp nhất trong gia đình Thiên Chúa”.98

Mặc dù Giáo Hội, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn luôn là hiền thê trung tín của Chúa và không ngừng là dấu chỉ ơn cứu rỗi giữa thế gian, tuy nhiên Giáo Hội biết rõ rằng, trải qua bao nhiêu thế kỷ, vẫn không thiếu những phần tử trong Giáo Hội,99 giáo dân hoặc giáo sĩ, sống bất trung đối với Thánh Thần của Thiên Chúa. Ngay trong thời đại chúng ta, Giáo Hội không quên sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo Hội công bố và sự yếu đuối nhân loại của những người đang đảm nhận việc loan báo Tin Mừng. Dù lịch sử có phê phán thế nào về những khiếm khuyết ấy, chúng ta cũng phải ý thức và mạnh mẽ khử trừ những thiếu sót để khỏi phương hại đến việc rao giảng Tin Mừng. Cũng vậy, trong việc mở rộng tương quan với thế giới, Giáo Hội biết mình phải luôn trưởng thành nhờ kinh nghiệm qua các thế kỷ. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ Giáo Hội không ngừng “khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để dấu chỉ của Chúa Ki-tô tỏa sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội”.100

44

Sự trợ giúp mà Giáo Hội nhận được từ thế giới ngày nay

Cũng như thế giới cần phải nhìn nhận Giáo Hội như một thực thể xã hội thuộc về lịch sử và như là men của lịch sử, Giáo Hội cũng biết mình đã nhận được rất nhiều nơi lịch sử và sự tiến hóa của nhân loại.

Kinh nghiệm của những thế kỷ đã qua, tiến bộ của khoa học, các kho tàng hàm chứa trong những hình thức văn hóa nhân loại khác nhau, biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính con người và mở ra những con đường mới dẫn đến chân lý: tất cả những điều ấy đều hữu ích cho Giáo Hội. Thật vậy, chính Giáo Hội, ngay từ lúc khởi đầu lịch sử của mình, đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Ki-tô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo Hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy. Mục đích của Giáo Hội là làm cho Tin Mừng, trong mức độ có thể, được thích nghi với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết. Cách thích nghi việc rao giảng lời mạc khải như vậy vẫn luôn là nguyên tắc cho mọi công trình Tin Mừng hóa, bởi vì có như vậy mới khơi dậy trong mọi quốc gia khả năng diễn tả sứ điệp Chúa Ki-tô theo lối riêng của mình, đồng thời mới cổ võ được sự trao đổi linh động giữa Giáo Hội và những nền văn hóa khác nhau của các dân tộc.101 Để gia tăng thêm nữa những cuộc trao đổi như thế, nhất là trong thời đại chúng ta, thời mà mọi thứ đều biến đổi rất nhanh và lối suy tư lại vô cùng đa dạng, Giáo Hội đặc biệt cần đến sự đóng góp của những người đang sống trong thế giới và biết rõ các tổ chức và bộ môn khác nhau, cũng như quán triệt tinh thần các tổ chức và bộ môn đó, dầu họ có đức tin hay không. Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học, là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lắng nghe, phân định và giải thích các thứ ngôn ngữ của thời đại, rồi nghiệm xét dưới ánh sáng lời Chúa, để chân lý mạc khải luôn được nhận thức, được thấu triệt, và được trình bày cách thích hợp hơn.

Vì mang một cơ cấu xã hội hữu hình, là dấu chỉ của sự hợp nhất trong Chúa Ki-tô, nên Giáo Hội cũng có thể và thực sự đang được phong phú thêm nhờ sự tiến hóa của cuộc sống xã hội nhân loại, không phải vì định chế do Chúa Ki-tô ban cho Giáo Hội còn bị khiếm khuyết, nhưng là để định chế đó được hiểu biết sâu xa hơn, được diễn tả trung thực hơn và được thích nghi hoàn hảo hơn với thời đại chúng ta. Với lòng biết ơn, Giáo Hội nhận thấy rằng Giáo Hội đã được nhiều người thuộc mọi giai cấp và hoàn cảnh giúp đỡ nhiều cách cho chính cộng đoàn cũng như cho từng con cái mình. Quả thật, tất cả những ai góp phần phát triển cộng đồng nhân loại trong lãnh vực gia đình, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, cả trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, đều trợ giúp không ít cho cộng đồng Giáo Hội, theo như ý định của Thiên Chúa, trong mức độ Giáo Hội lệ thuộc vào những yếu tố trần thế. Hơn nữa, Giáo Hội còn nhìn nhận rằng ngay cả sự chống đối của những kẻ công kích hay bách hại Giáo Hội cũng đã và còn đang có thể giúp ích rất nhiều cho Giáo Hội.102

45

Chúa Ki-tô, Alpha và Omega

Khi trợ giúp thế giới cũng như khi được thế giới hỗ trợ, Giáo Hội chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà đoàn Dân Thiên Chúa, trong thời gian còn đang lữ hành tại thế, có thể đem lại cho gia đình nhân loại, đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi”,103 tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Quả thực, Lời Thiên Chúa, Lời mà nhờ đó muôn vật được tạo thành, đã làm người, một con người toàn hảo, để cứu rỗi mọi người và thâu kết vạn vật. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và là sự viên mãn của mọi niềm khao khát.104 Chính Người là Đấng Chúa Cha đã làm cho sống lại từ cõi chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được tác sinh và quy tụ trong Thần Khí của Người, chúng ta đang tiến bước trong cuộc hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, một chung cục phù hợp với ý định yêu thương của Người: “thâu kết trong Chúa Ki-tô muôn loài trên trời dưới đất” (Ep 1,10).

Chính Chúa đã nói: “Đây chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc họ đã làm. Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Cùng Tận” (Kh 22,12-13).

Chú thích 1

1 Hiến chế Mục Vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” tuy có hai phần rõ rệt nhưng làm thành một khối duy nhất.

Hiến Chế được gọi là “Mục Vụ” vì sẽ dựa trên những nguyên tắc giáo lý để trình bày thái độ của Giáo Hội với thế giới và con người ngày nay. Do đó, phần I vẫn có chủ đích mục vụ, còn phần II chứa đựng nhiều điểm giáo lý.

Trong phần I, Giáo Hội trình bày giáo lý về con người, về thế giới con người đang sống và về thái độ của Giáo Hội đối với con người và thế giới. Trong phần II, Giáo Hội khảo sát tường tận hơn những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hiện nay và trong xã hội nhân loại, nhất là những thắc mắc, những vấn đề xét ra có vẻ khẩn thiết hơn trong thời đại chúng ta. Do đó, trong phần II, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, nội dung không những bao hàm những yếu tố vĩnh cửu mà còn cả những yếu tố thời gian nữa.

Vì thế, phải giải thích Hiến chế theo những nguyên tắc tổng quát của khoa chú giải thần học và đặc biệt trong phần II, phải lưu ý tới những hoàn cảnh tự bản chất gắn liền với những vấn đề được nêu lên, nhưng đang có những biến chuyển.

2 x. Ga 3,17; 18,37; Mt 20,28; Mc 10,45.

3 x. Rm 7,14tt.

4 x. 2 Cr 5,15.

5 x. Cv 4,12.

6 x. Dt 13,8.

7 x. Cl 1,15.

8 x. St 1,26; Kn 2,23.

9 x. Hc 17,3-10.

10 x. Rm 1,21-25.

11 x. Ga 8,34.

12 x. Đn 3,57-59.

13 x. 1 Cr 6,13-20.

14 x. 1 V 16,7; Gr 17,10.

15 x. Hc 17,7-8.

16 x. Rm 2,14-16.

17 x. PI-Ô XII, Thông điệp truyền thanh De conscientia christiana in juvenibus recte efformando, 23.3.1952: AAS 44 (1952), tr. 271.

18 x. Mt 22,37-40; Gl 5,14.

19 x. Hc 15,14.

20 x. 2 Cr 5,10.

21 x. Kn 1,13; 2,23-24; Rm 5,21; 6,23; Gc 1,15.

22 x. 1 Cr 15,56-57.

23 x. PI-Ô XI, Thông điệp Divini Redemptoris, 19.3.1937: AAS 29 (1937), tr. 65-106; PI-Ô XII, Thông điệp Ad Apostolorum principio, 20.6.1958: AAS 50 (1958), tr. 601-614; GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 451-453; PHAO-LÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964), tr. 651-653.

24 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 8.

25 Pl 1,27.

26 T. AUGUSTINÔ, Confes. I, 1: PL 32, 661.

27 x. Rm 5,14; X. TERTULLIANÔ, De carnis resurr. 6: “Vì vậy, bất cứ điều gì mà bùn đất đã biểu thị đều nhắm về Chúa Ki-tô, Đấng sẽ đến”: PL 2, 802 (848); CSEL, 47 tr. 33, hàng 12-13.

28 2 Cr 4,4.

29 x. CĐ CONSTANTINÔPÔLI II, điều 7: “Ngôi Lời không bị biến đổi trong bản tính xác thể, xác thể cũng không chuyển vào bản tính của Ngôi Lời”: DS 219 (428); Xem thêm CĐ CONSTANTINÔPÔLI III: “Cũng thế, thể xác cực thánh, không tì vết và sống động của Người đã được thần hóa chứ không bị tan biến (theôtheisa ouk anèrethè), nhưng vẫn giữ nguyên bản chất và cách thế hiện hữu”: DS 291 (556); x. CĐ CALCÊĐÔNIA: “Phải nhận biết hai bản tính không pha trộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt”: DS 148 (302).

30 x. CĐ CONSTANTINÔPÔLI III: “Cũng vậy, ý chí nhân loại của Người được thần hóa chứ không bị mất đi”: DS 291 (556).

31 Dt 4,15.

32 2 Cr 5,18-19; Cl 1,20-22.

33 1 Pr 2,21; Mt 16,24; Lc 14,27.

34 Rm 8,29; Cl 1,18.

35 Rm 8,1-11.

36 2 Cr 4,14.

37 Pl 3,10; Rm 8,17.

38 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 16.

39 Rm 8,32.

40 x. Liturgia Paschalis Byzantina.

41 x. Rm 8,15; Gl 4,6; Ga 1,12 và 1 Ga 3,1.

42 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 401-464; Thông điệp Pacem in terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 257-304; PHAO-LÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964), tr. 609-659.

43 Lc 17,33.

44 x. T. TÔ-MA, I Ethic., Lect., I.

45 x. GIO-AN XIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 418; Xem thêm PI-Ô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno, 15.5.1931: AAS 23 (1931), tr. 222tt.

46 x. GIO-AN XIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 417.

47 Mc 2,27.

48 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 266.

49 Gc 2,15-16.

50 Lc 16,19-31.

51 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 299-300.

52 x. Lc 6,37-38; Mt 7,1-2; Rm 2,1-11; 14,10-12.

53 Mt 5,43-47.

54 CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 9.

55 Xh 24,1-8.

56 x. St 1,26-27; 9,2-3; Kn 9,2-3.

57 x. Tv 8,7 và 10.

58 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 297.

59 x. Sứ điệp các Nghị Phụ gởi toàn thể nhân loại vào dịp khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô II, tháng 10, 1962: AAS 54 (1962), tr. 822-823.

60 x. PHAO-LÔ VI, Alloc. ad Corpus diplomaticum, 7.1.1965; AAS 57 (1965), tr. 232.

61 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ I, Hiến chế tín lý về Đức tin Công giáo Dei Filius, ch. III: DS 1785-1786 (3004-3005).

62 x. PI-Ô PASCHINI, Vita e opere di Galileo Galilei, quyển 2, Pont. Accademia delle Scienze, Città del Vatican, 1964.

63 x. Mt 24,13; 13,24-30 và 36-43.

64 x. 2 Cr 6,10.

65 x. Ga 1,3 và 14.

66 x. Ep 1,10.

67 x. Ga 3,14-16; Rm 5,8-10.

68 x. Cv 2,36; Mt 28,18.

69 x. Rm 15,16.

70 x. Cv 1,7.

71 x. 1 Cr 7,31; T. I-RÊ-NÊ, Adv. Haereses, V, 36, 1: PG 7,1222.

72 x. 2 Cr 5,2; 2 Pr 3,13.

73 x. 1 Cr 2,9; Kh 21,4-5.

74 x. 1 Cr 15,42 và 53.

75 x. 1 Cr 13,8; 3,14.

76 x. Rm 8,19-21.

77 x. Lc 9,25.

78 PI-Ô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 207.

79 Sách Lễ Rôma , Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Ki-tô Vua.

80 x. PHAO-LÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, III: AAS 56 (1964), tr. 637-659.

81 x. Tt 3,4: “Philanthropia”.

82 x. Ep 1,3; 13-14; 23.

83 x. VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 8.

84 x. nt., 9. 8.

85 x. nt., 8.

86 x. nt., 38, và ghi chú 9.

87 x. Rm 8,14-17.

88 x. Mt 22,39.

89 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 9.

90 x. PI-Ô XII, Allocutio ad cultores historiae et artis, 9.3.1956: AAS 48 (1956), tr. 212: “vị sáng lập thần linh của Giáo Hội là Đức Giê-su Ki-tô không trao cho Giáo Hội một sứ mệnh nào cũng không ấn định một mục tiêu nào thuộc phạm vi văn hóa. Mục tiêu mà Chúa Ki-tô nhắm tới mang tính cách thuần túy tôn giáo (…). Giáo Hội phải dẫn dắt mọi người đến với Thiên Chúa để họ hoàn toàn thuộc về Ngài (…). Giáo Hội phải luôn chú tâm đến mục đích thuần túy tôn giáo, siêu nhiên này. Ý nghĩa mọi hoạt động của Giáo Hội, cả đến tận khoản cuối cùng của Bộ Giáo Luật, đều quy về mục đích đó cách trực tiếp hay gián tiếp”.

91 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 1.

92 x. Dt 13,14.

93 x. 2 Ts 3,6-13; Ep 4,28.

94 x. Is 58,1-12.

95 x. Mt 23,3-33; Mc 7,10-13.

96 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, IV: AAS 53 (1961), tr. 456-457 và I: 1. c., tr. 407, 410-411.

97 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.

98 x. nt.

99 x. T. AMBRÔSIÔ, De virginitate, ch. VIII, số 48: PL 16, 278.

100 CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 15.

101 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 13.

102 x. GIUSTINÔ, Dialogus cum Tryphone, ch. 110: PG 6, 729, xb. Otto, 1897, tr. 391-393: “… nhưng chúng ta càng chịu bách hại lại càng có nhiều người trở thành tín hữu và đạo đức nhờ danh Chúa Giê-su”; x. TERTULLIANÔ, Apologeticus, ch. L, 13: PL I, 534; Corpus Christ., ser. Lat. I, tr. 171: “càng bị cắt bỏ (bách hại), chúng tôi càng trở nên đông đảo hơn: máu tử đạo là hạt giống nảy sinh Ki-tô hữu!”; x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, ch. II số 9: AAS 57 (1965), tr. 14.

103 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 48.

104 x. PHAO-LÔ VI, Huấn từ 3.2.1965: L’Osservatore Romano, 4.2.1965.

PHẦN THỨ HAI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHẨN THIẾT

46

Lời mở đầu

Sau khi trình bày về phẩm giá nhân vị cũng như về một số bổn phận cá nhân hay xã hội mà con người được gọi để chu toàn trong vũ trụ, giờ đây, dưới ánh sáng của Tin Mừng và kinh nghiệm nhân loại, Công Đồng muốn mọi người lưu tâm đến một số yêu cầu khẩn thiết của thời đại đang ảnh hưởng rất nhiều đến nhân loại.

Giữa nhiều vấn đề đang được mọi người ngày nay quan tâm, nên đặc biệt ghi nhận những điểm sau đây: hôn nhân và gia đình, văn hóa nhân loại, đời sống kinh tế, xã hội và chính trị, hòa bình và sự liên đới trong gia đình các dân tộc. Cần phải để cho những nguyên tắc và ánh sáng phát xuất từ Chúa Ki-tô chiếu giãi trên từng vấn đề, để nhờ đó, các Ki-tô hữu được hướng dẫn và tất cả mọi người được soi sáng trong công cuộc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề vô cùng phức tạp ấy.

CHƯƠNG I. PHẨM GIÁ CAO QUÝ CỦA HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

47

Hôn nhân và gia đình trong thế giới ngày nay

Sự an lành của con người cũng như của xã hội nhân loại và Ki-tô giáo có liên hệ chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đồng hôn nhân và gia đình. Do đó, cùng với tất cả những ai biết quý trọng cộng đồng hôn nhân và gia đình, người Ki-tô hữu thực sự vui mừng trước sự hỗ trợ đa dạng đang giúp con người ngày nay tiến tới trong việc đề cao cộng đồng yêu thương ấy, cũng như trong thái độ tôn trọng sự sống, đồng thời cũng giúp các đôi vợ chồng và các bậc làm cha mẹ trong sứ mệnh cao cả của họ. Các Ki-tô hữu vẫn mong đợi và nỗ lực để mang lại những thành quả tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, phẩm giá của định chế hôn nhân không phải ở đâu cũng tỏa sáng, nhưng đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn ly dị, bởi thứ tình yêu mà người ta gọi là tự do luyến ái, và những hình thức lệch lạc khác. Hơn nữa, tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố bởi tính ích kỷ, chủ trương duy khoái lạc và những lạm dụng bất hợp pháp trong việc ngăn cản sinh sản. Ngoài ra, các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây nên những xáo trộn trầm trọng nơi gia đình. Sau hết, tại một vài nơi trên thế giới, thật đáng lo ngại khi nhận thấy những vấn đề nẩy sinh do tình trạng gia tăng dân số. Tất cả những điều ấy đang là mối ưu tư đè nặng tâm trí chúng ta. Tuy nhiên, có một điều chứng tỏ sức mạnh và sự bền vững của định chế hôn nhân và gia đình, đó là các biến đổi sâu xa của xã hội hiện tại, mặc dù gây ra nhiều khó khăn, nhưng cùng lúc, bằng cách này cách khác, lại cho thấy bản chất đích thực của định chế ấy.

Bởi vậy, khi trình bày rõ ràng hơn một vài chủ điểm trong giáo lý của Giáo Hội, Công Đồng muốn soi sáng và khích lệ các Ki-tô hữu cũng như những ai đang cố gắng bảo toàn và cổ võ phẩm giá tự nhiên cũng như giá trị thiêng liêng cao cả của đời sống hôn nhân.

48

Sự thánh thiện của hôn nhân và gia đình

Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những quy luật riêng cho cộng đồng của sự sống và tình yêu đầy thân mật giữa đôi vợ chồng. Cuộc sống chung đó được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là do sự ưng thuận không thể rút lại của từng cá nhân. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị ngay cả đối với xã hội. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, mối dây liên kết linh thiêng này không thể đặt dưới sự phân xử tùy tiện của con người. Thật vậy, chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, vốn được thiết lập với nhiều giá trị và mục đích khác nhau;105 những điều ấy hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, cũng như đối với phẩm giá, sự bền vững, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể xã hội loài người. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng quy hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh cao quý của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng là một xương thịt” (Mt 19,6), họ phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động, để cảm nghiệm và đạt đến sự hiệp nhất với nhau ngày càng trọn vẹn hơn. Sự hợp nhất thân xác, hành vi tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái, đòi buộc đôi vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và thúc đẩy họ kết hợp với nhau bất khả phân ly.106

Chúa Ki-tô ban dồi dào ơn phúc cho tình yêu đa dạng ấy, một tình yêu phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hợp giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội. Thật vậy, như xưa, Thiên Chúa đến với dân Ngài trong một giao ước yêu thương và trung thành,107 ngày nay, Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Giáo Hội108 cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau, như Người đã yêu thương Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội.109 Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Ki-tô và hoạt động đem lại ơn cứu rỗi của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiên cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ.110 Bởi đó, vợ chồng Ki-tô hữu được củng cố và như thể được thánh hiến111 bằng một bí tích riêng biệt để đảm nhận các bổn phận và sống đúng phẩm giá bậc sống của họ, nhờ sức mạnh của bí tích này, trong khi chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình, đồng thời sống theo tinh thần của Chúa Ki-tô để tất cả đời sống được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, họ càng ngày càng nên trọn lành nơi bản thân và thánh hóa lẫn nhau, và như thế, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.

Từ đó, nhờ có gương sáng của cha mẹ và lời cầu nguyện trong gia đình, con cái, và tất cả những ai thuộc về gia đình, sẽ đi vào con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện dễ dàng hơn. Về phần đôi vợ chồng, bởi đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ, sẽ tận tâm chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo, vì họ là những người đầu tiên phải đảm nhận bổn phận này.

Con cái là những phần tử sống động trong gia đình nên cũng góp phần vào việc thánh hóa cha mẹ theo cách thức riêng của mình. Thật vậy, con cái sẽ đáp đền công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, thái độ hiếu thảo và lòng tin tưởng, họ sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong những lúc khó khăn cũng như trong tuổi già cô quạnh. Mọi người hãy tôn trọng đời sống góa bụa được can đảm tiếp nhận như một tiếp nối ơn gọi hôn nhân.112 Các gia đình hãy quảng đại san sẻ cho nhau những của cải thiêng liêng. Như thế, mỗi gia đình Ki-tô hữu, vì xuất phát từ hôn nhân, là hình ảnh và được tham dự vào giao ước yêu thương giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội,113 nên sẽ biểu hiện trước mặt mọi người sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Giáo Hội qua tình yêu, qua sự quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua nếp sống hợp nhất và trung tín của đôi vợ chồng, cũng như qua sự cộng tác thân ái của mọi thành phần trong gia đình.

49

Tình yêu vợ chồng

Lời Chúa đã nhiều lần mời gọi những người sắp kết hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn bằng một tình yêu trong sạch và những người đã thành vợ chồng hãy nâng đỡ cuộc sống lứa đôi bằng một tình yêu không rạn nứt.114 Nhiều người hiện thời vốn coi trọng tình yêu đích thực giữa vợ chồng, biểu hiện bằng nhiều cách theo những tập tục lành mạnh của mỗi thời đại, mỗi dân tộc. Tình yêu ấy có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, nên bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người, do đó tình vợ chồng có thể đem lại một phẩm giá đặc biệt cho những biểu lộ của thể xác và tâm hồn, và khiến chúng trở nên cao quý như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu đôi bạn. Bởi một ơn ban đặc biệt của ân sủng và tình thương, Chúa đã đoái thương chữa trị, cải thiện và nâng cao tình yêu ấy. Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống, và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau, qua những tâm tình và cử chỉ trìu mến;115 hơn nữa, chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được hoàn thiện và tăng trưởng. Tình yêu vợ chồng, do đó vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy, và xu hướng này, nếu được tôn thờ một cách ích kỷ, sẽ mau chóng tan biến và kéo theo những hậu quả thảm hại.

Tình yêu âu yếm đó được biểu lộ và hoàn thiện cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân. Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong niềm hoan lạc và lòng biết ơn. Vì được kết ước từ sự tin tưởng lẫn nhau và nhất là vì đã được thánh hiến bởi bí tích của Chúa Ki-tô, nên tình yêu ấy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, luôn trung thành bất khả phân ly cả nơi thể xác lẫn trong tâm trí, và do đó loại hẳn mọi hình thức ngoại tình và ly dị. Phải nhìn nhận phẩm giá nhân vị bình đẳng giữa vợ và chồng trong tình yêu thương nhau trọn vẹn, để nhờ đó biểu hiện rõ ràng tính cách duy nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận. Để kiên trì gánh vác những bổn phận của ơn gọi Ki-tô hữu này, cần phải có một nhân đức phi thường: vì thế, đôi vợ chồng đã được ân sủng củng cố để sống thánh thiện, sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu xin cho được một tình yêu vững bền, một tâm hồn đại lượng và một tinh thần hy sinh.

Tuy nhiên, tình yêu vợ chồng chân chính sẽ được quý trọng hơn và người ta sẽ nghĩ tưởng về hôn nhân cách lành mạnh hơn, nếu các đôi vợ chồng Ki-tô hữu nêu rõ chứng tá về sự trung thành và hòa hợp trong tình yêu cũng như trong việc chăm lo giáo dục con cái, và nếu họ biết góp phần vào công cuộc chấn hưng thật cần thiết về văn hóa, tâm lý và xã hội, để mang lại lợi ích cho hôn nhân và gia đình. Phải biết giáo dục hợp thời và hợp cách các thanh thiếu niên về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình vợ chồng, tốt nhất là trong chính khung cảnh gia đình. Nhờ vậy, những người trẻ học biết quý trọng sự trong trắng, để khi đến tuổi thích hợp, có thể từ thời đính hôn đúng đắn tiến tới hôn nhân.

50

Sự sinh sản trong hôn nhân

Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính, quy hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân và đóng góp rất nhiều vào niềm hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: “Đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18). Ngài là Đấng “…từ buổi đầu, đã dựng nên con người có nam có nữ” (Mt 19,4), vì muốn cho con người được dự phần đặc biệt vào công trình tạo dựng, nên đã chúc lành cho người nam và người nữ khi phán: “Các ngươi hãy sinh sản và tăng số thêm nhiều” (St 1,28). Từ đó, thái độ quý trọng đích thực tình yêu vợ chồng cũng như tất cả định hướng của đời sống gia đình phát xuất từ thái độ ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng, trong khi vẫn không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân, biết sẵn sàng cộng tác cách can đảm với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, Đấng đang muốn nhờ họ làm cho gia đình Ngài ngày càng phát triển và phong phú hơn.

Khi thực thi bổn phận truyền sinh và giáo dục với nhận thức đó chính là sứ mệnh riêng của mình, đôi vợ chồng nhận ra họ là những người đang cộng tác và diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa. Vì thế, họ sẽ chu toàn bổn phận với ý thức trách nhiệm vừa của con người, vừa của những Ki-tô hữu, và, trong thái độ tôn kính tuân phục Thiên Chúa, với sự đồng ý và nỗ lực chung, họ sẽ cùng đưa ra một phán đoán chính xác, bằng cách xét đến thiện ích của họ cũng như của con cái đã sinh ra hay tiên liệu sẽ có, nhận định về những điều kiện vật chất cũng như tinh thần của tình trạng sinh sống theo từng thời điểm, sau hết cũng biết quan tâm đến thiện ích của gia đình, của xã hội trần thế và của chính Giáo Hội. Chính đôi vợ chồng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về phán đoán ấy trước mặt Thiên Chúa. Trong cách thế hành động, vợ chồng Ki-tô hữu hãy ý thức là mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn luôn tuân theo tiếng nói của lương tâm phù hợp với lề luật Chúa, luôn vâng phục Huấn quyền của Giáo Hội, người có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Tin Mừng. Luật Chúa tỏ rõ ý nghĩa đầy đủ của tình yêu vợ chồng, bảo vệ và mang lại cho tình yêu ấy phẩm chất nhân bản trọn vẹn đích thực. Như thế, trong khi luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng và vun đắp tinh thần hy sinh,116 các vợ chồng Ki-tô hữu tôn vinh Đấng Tạo Hóa và tiến tới sự hoàn thiện trong Chúa Ki-tô, khi chu toàn bổn phận sinh sản cách quảng đại, trong ý thức trách nhiệm của con người và của những Ki-tô hữu. Trong số những đôi vợ chồng theo phương thức ấy để chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao phó, phải đặc biệt kể đến những người sau khi thận trọng suy xét và cùng nhau chấp thuận, đã quảng đại nhận lãnh trách nhiệm dưỡng dục cách xứng đáng số con cái khá đông.117

Tuy nhiên, hôn nhân không phải được thiết lập chỉ để truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc tính bất khả phân ly của giao ước giữa hai người và lợi ích của con cái đòi hỏi tình yêu tương giao của đôi vợ chồng phải được biểu lộ, thăng tiến và triển nở một cách chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cộng đồng hiệp thông suốt đời, và vẫn bảo toàn giá trị cũng như đặc tính bất khả phân ly của mình.

51

Tình yêu vợ chồng và việc tôn trọng sự sống con người

Công Đồng vẫn biết rằng, trong cuộc sống gia đình vốn cần phải được xây dựng cách tốt đẹp, các đôi vợ chồng thường gặp trở ngại do một số điều kiện sinh sống hiện nay, và có thể lâm vào những hoàn cảnh khiến họ không thể gia tăng số con cái, ít là trong một thời gian, và đó là lúc việc duy trì tình yêu trung thành và sự chung sống trọn vẹn cũng gặp nhiều khó khăn. Khi đời sống thân mật vợ chồng bị gián đoạn, sự chung thủy thường bị đe dọa và lợi ích con cái có thể bị sút giảm: vì lúc ấy, việc giáo dục con cái cũng như sự can đảm để chấp nhận có thêm một người con đều đang bị thử thách.

Có những người dám đưa ra những giải pháp không chính đáng để giải quyết vấn đề, đến độ không ngần ngại sử dụng cả hành động sát nhân; nhưng Giáo Hội nhắc lại rằng không thể có mâu thuẫn thực sự giữa những lề luật của Thiên Chúa liên quan đến việc truyền sinh và những luật liên quan đến việc phát triển tình yêu vợ chồng đích thực.

Thật vậy, Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo toàn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy theo cách thức xứng hợp với con người. Do đó, ngay từ lúc thụ thai, sự sống phải được bảo toàn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm. Dục tính cũng như khả năng sinh sản của con người trổi vượt một cách kỳ diệu hơn những gì có nơi những sinh vật cấp thấp; do đó, những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người, đều phải được hết sức tôn trọng. Vì thế, khi phối hợp tình yêu vợ chồng với việc sinh sản có trách nhiệm, phải ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ tùy thuộc vào ý hướng chân thành và việc thẩm định các lý do, nhưng phải được xác định theo những tiêu chuẩn khách quan, được ấn định do chính bản tính của nhân vị và của hành động nơi con người ấy; những tiêu chuẩn ấy, trong bối cảnh của một tình yêu đích thực, sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái; điều đó không thể thực hiện được nếu không thực tâm vun trồng đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng. Trong việc điều hòa sinh sản, con cái của Giáo Hội trung thành với những nguyên tắc vừa viện dẫn, không được dùng những phương pháp mà Huấn quyền đã bác bỏ khi giải thích luật Thiên Chúa.118

Ngoài ra, mọi người đều phải ý thức rằng đời sống nhân loại và bổn phận lưu truyền sự sống ấy không thể bị hạn hẹp cũng như không thể lượng định và giải thích theo tiêu chuẩn trần thế, nhưng luôn quy chiếu về định mệnh vĩnh cửu của con người.

52

Bổn phận của mọi người trong việc thăng tiến hôn nhân và gia đình

Gia đình là trường học phát triển nhân tính. Nhưng để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh của mình, cần phải biết tạo nên mối tâm giao đầy chân tình, vợ chồng phải cùng nhau bàn định công việc cũng như cha mẹ phải nhiệt tình cộng tác trong việc giáo dục con cái. Sự hiện diện đầy năng động của người cha giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo con cái, nhưng cũng phải làm sao để cho người mẹ vẫn giữ được vai trò chăm sóc gia đình, vì con cái, nhất là khi còn thơ bé, rất cần đến sự chăm sóc ấy; trong khi vẫn không coi nhẹ sự thăng tiến hợp lý của người phụ nữ trên bình diện xã hội. Phải giáo dục con cái thế nào để khi đến tuổi trưởng thành chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì, với ý thức trách nhiệm đầy đủ; và nếu kết hôn, chúng có thể lập gia đình riêng trong những điều kiện luân lý, xã hội và kinh tế thuận lợi. Bổn phận của cha mẹ hay người giám hộ là hướng dẫn những người trẻ trong việc lập gia đình, biết dùng lời khuyên nhủ khôn ngoan sao cho họ sẵn sàng nghe theo; tuy nhiên, phải cẩn thận tránh không dùng áp lực trực tiếp hay gián tiếp để ép buộc trong việc kết hôn hay chọn lựa người bạn đời.

Như thế, gia đình trở thành nền tảng của xã hội vì là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan sáng suốt hơn, cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội. Bởi đó, tất cả những người có ảnh hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp phần hữu hiệu trong việc thăng tiến hôn nhân và gia đình. Chính quyền dân sự phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho gia đình được sung túc, đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mệnh thiêng liêng phải chu toàn. Cũng phải bảo đảm cho cha mẹ quyền sinh sản và giáo dục con cái ngay tại gia đình. Phải định liệu những khoản luật và đề xuất nhiều sáng kiến để bảo vệ và nâng đỡ thiết thực cho cả những người bất hạnh vì thiếu vắng cuộc sống gia đình.

Các Ki-tô hữu, bởi biết sử dụng cách hữu ích thời giờ hiện tại119 và biết phân biệt những thực tại trường tồn với những gì là ngoại tại chóng qua, phải tích cực đề cao những thiện ích hôn nhân và gia đình bằng chứng tá của chính đời sống cũng như bằng hành động hợp tác với những người thiện chí, và như thế, sau khi giải quyết những khó khăn, họ sẽ đem đến cho các gia đình những gì cần thiết và thuận lợi, phù hợp với thời đại mới này. Muốn đạt được mục đích ấy, rất cần đến cảm thức Ki-tô giáo của các tín hữu, lương tâm luân lý ngay thẳng của mọi người, cũng như sự khôn ngoan và khả năng chuyên môn của những ai am tường các môn thần học.

Các vị thông thạo khoa học, nhất là các khoa sinh học, y học, xã hội và tâm lý học, có thể giúp ích rất nhiều cho hôn nhân và gia đình cũng như cho sự an bình trong lương tâm nhiều người, nếu họ hợp lực nghiên cứu để cố gắng làm sáng tỏ hơn nữa những điều kiện thuận lợi cho việc điều hòa sinh sản cách lương thiện.

Phần các linh mục cũng cần phải được học hỏi đầy đủ về các vấn đề thuộc lãnh vực gia đình, có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của các đôi vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương thức mục vụ đa dạng, như rao giảng lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những hỗ trợ khác về mặt tu đức, đồng thời phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái để giúp họ kiến tạo những gia đình luôn rạng rỡ hạnh phúc.

Các tổ chức hoạt động tông đồ, nhất là những hiệp hội gia đình, phải cố gắng bằng lý thuyết và hành động nâng đỡ các thanh thiếu niên và các đôi vợ chồng, nhất là những đôi mới kết hôn, đồng thời huấn luyện cho họ về đời sống gia đình, xã hội và việc tông đồ.

Sau hết, chính các đôi vợ chồng, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa hằng sống và được an định trong trật tự hài hòa của các nhân vị, hãy luôn hợp nhất với nhau trong tình yêu thương, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau,120 để trong khi bước theo Chúa Ki-tô là nguyên lý sự sống,121 giữa bao niềm vui cũng như hy sinh trong ơn gọi, và qua tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sự sống lại của Người.122

CHƯƠNG II. CỔ VÕ VIỆC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

53

Nhập đề

Một nhân vị chỉ có thể đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa, nghĩa là nhờ việc trau giồi những phẩm chất thiện hảo và giá trị của thiên nhiên. Vì vậy, bất cứ nơi đâu có cuộc sống con người, thì thiên nhiên và văn hóa đều được gắn kết vào nhau hết sức chặt chẽ.

Theo nghĩa tổng quát, chữ “văn hóa” chỉ tất cả những gì con người dùng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; để cố gắng chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; để làm cho đời sống xã hội, cả trong gia đình cũng như nơi cộng đồng chính trị, trở thành nhân đạo hơn, nhờ vào sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau cùng, để diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.

Vì vậy, văn hóa nhân loại thiết yếu mang tính cách lịch sử và xã hội, và chữ “văn hóa” thường mặc thêm một ý nghĩa xã hội học cũng như nhân chủng học. Chính vì ý nghĩa này mà người ta nói đến sự đa tạp của các nền văn hóa. Thật vậy, vì có nhiều cách sử dụng sự vật, nhiều cách làm việc và diễn tả tư tưởng, nhiều cách phụng tự và định hình phong tục, nhiều cách thiết lập luật lệ và định chế pháp lý, nhiều cách phát triển khoa học, nghệ thuật và trau giồi thẩm mỹ, nên mới phát sinh nhiều cách chung sống và nhiều dạng thức phối hợp các giá trị của cuộc sống. Như thế, từ các định chế lưu truyền, hình thành một di sản riêng cho mỗi cộng đồng nhân loại. Cũng do cách thức ấy mà hình thành một môi trường lịch sử nhất định, trong đó con người của bất cứ dân tộc nào hay thời đại nào cũng đều dự phần, và từ đó con người rút ra những giá trị góp phần thăng tiến nền văn minh nhân loại.

ĐOẠN 1. TÌNH TRẠNG VĂN HÓA TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

54

Những lối sống mới

Điều kiện sinh sống của con người hiện đại về phương diện xã hội và văn hóa đã biến đổi sâu đậm, đến độ người ta có thể nói đến một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại.123 Từ đó, mở ra những con đường mới để hoàn bị và khuyếch trương văn hóa rộng rãi hơn. Những con đường này đã được khai phá nhờ sự lớn mạnh của các ngành khoa học tự nhiên, nhân văn và xã hội, nhờ sự phát triển kỹ thuật cũng như sự tiến bộ trong công cuộc khám phá và vận dụng cách thích đáng những phương tiện giúp con người liên lạc với nhau. Bởi đó, nền văn hóa hiện đại mang những đặc điểm này: các khoa học, mệnh danh là khoa học chính xác, phát huy tối đa óc phê bình; những nghiên cứu mới nhất về tâm lý học giải thích hoạt động của con người sâu xa hơn; các bộ môn sử học góp phần lớn lao giúp con người nhận định sự vật dưới khía cạnh biến chuyển và tiến hóa; các tập tục và cách sống ngày càng đồng nhất; hiện tượng công nghiệp hoá, đô thị hóa cộng với những nguyên nhân khác làm bộc phát đời sống tập thể, tạo nên những hình thức văn hóa mới (văn hóa đại chúng), từ đó, phát sinh những cách suy tư, hành động và giải trí mới; đồng thời, sự gia tăng việc trao đổi giữa các dân tộc và các tập thể xã hội cũng mở rộng hơn cho mọi người và từng người, kho tàng của các nền văn hóa khác nhau, và cứ thế, dần dần xuất hiện một hình thức văn hóa nhân loại đại đồng hơn, vừa hướng tới và thể hiện hơn nữa sự hợp nhất nhân loại, vừa luôn tôn trọng những đặc điểm của các nền văn hóa khác nhau.

55

Con người, tác giả của văn hóa

Càng ngày càng có nhiều người, nam cũng như nữ, thuộc các tập thể hay quốc gia, ý thức được chính họ là những người xây dựng và kiến tạo văn hóa của cộng đồng. Trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự lập và trách nhiệm, điều rất cần cho sự trưởng thành của nhân loại trên bình diện tinh thần và luân lý. Điều đó sẽ được nhận thấy rõ ràng hơn, nếu chúng ta nhìn vào sự thống nhất của thế giới và bổn phận của chúng ta là phải kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn trong chân lý và công bằng. Như vậy, chúng ta là chứng nhân của sự hình thành một nền nhân bản mới, trong đó, con người được định nghĩa trước hết dựa trên trách nhiệm của mình đối với anh em và đối với lịch sử.

56

Những khó khăn và bổn phận

Trong những điều kiện như thế, không có gì ngạc nhiên khi thấy con người, vì nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc phát triển văn hóa, nên vun đắp niềm hy vọng cao xa, nhưng đồng thời cũng lo âu nhìn vào bao nhiêu mâu thuẫn trước mắt đang phải giải quyết:

Phải làm gì để cuộc trao đổi thường xuyên giữa các nền văn hóa đưa đến sự đối thoại đích thực và hữu ích giữa các tập thể và các quốc gia khác nhau mà không xáo trộn cuộc sống của các cộng đồng, không đánh mất sự khôn ngoan của tiền nhân cũng như không gây tổn hại cho những đặc tính riêng của các dân tộc?

Phải làm thế nào để phát huy sức năng động và sự truyền bá của nền văn hóa mới, mà không hủy diệt lòng trung thành gắn bó với di sản truyền thống? Đây là vấn đề đặc biệt khẩn cấp khi phải hòa hợp nền văn hóa phát sinh từ sự tiến bộ lớn lao của khoa học và kỹ thuật, với nền văn hóa được nuôi dưỡng bằng các học thức cổ điển theo những truyền thống khác nhau.

Làm sao có thể dung hòa sự phân tán rất nhanh chóng và ngày càng gia tăng của các bộ môn chuyên biệt với nhu cầu tổng hợp các bộ môn ấy, cũng như với nhu cầu duy trì nơi con người khả năng chiêm niệm và ngưỡng mộ, như là phương thế giúp con người đạt tới sự khôn ngoan?

Phải làm gì để mọi người trên thế giới cùng được hưởng ích lợi của văn hóa, trong khi kiến thức của các nhà thông thái luôn cao siêu và phức tạp hơn?

Sau hết, phải làm sao để vừa công nhận sự tự lập chính đáng mà văn hóa đòi hỏi, vừa không rơi vào một chủ thuyết nhân bản thế tục thuần túy đến độ đối nghịch với tôn giáo?

Chính giữa các mâu thuẫn ấy mà văn hóa nhân loại ngày nay phải phát triển, để phát huy cách xứng hợp nhân vị toàn vẹn, đồng thời giúp con người thi hành những bổn phận mà mọi người đều được kêu gọi để chu toàn, đặc biệt các Ki-tô hữu, những người đã được liên kết trong tình huynh đệ với gia đình nhân loại duy nhất.

ĐOẠN 2. MỘT VÀI NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN VIỆC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

57

Đức tin và văn hóa

Các Ki-tô hữu, những người đang trên đường lữ hành tiến về thành đô thiên quốc, phải tìm kiếm và thưởng nếm những sự trên trời;124 điều đó chẳng những không làm giảm thiểu, nhưng đúng hơn lại làm tăng thêm trách nhiệm của họ là góp sức với mọi người kiến tạo một thế giới nhân đạo hơn. Thật vậy, mầu nhiệm đức tin Ki-tô giáo đã đem đến cho họ nhiều khích lệ và trợ lực quý giá để họ chu toàn bổn phận ấy cách hăng say hơn, và nhất là để họ khám phá được ý nghĩa trọn vẹn của công trình làm cho văn hóa nhân loại giữ được vị trí trổi vượt trong ơn gọi toàn diện của con người.

Thật vậy, khi lao động với chính đôi tay của mình hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất này trổ sinh hoa quả, và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất125 và hoàn tất công trình tạo dựng, đồng thời con người phát huy được chính bản thân; và đó cũng là lúc con người thực thi điều răn quan trọng của Chúa Ki-tô là hiến thân phục vụ anh em.

Hơn nữa, khi chuyên tâm học hỏi các bộ môn triết học, sử học, toán học, vạn vật học và trau giồi nghệ thuật, con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại để đạt tới những giá trị cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán đoán có giá trị phổ quát, và như thế, con người được soi chiếu rạng rỡ hơn bởi Đấng Khôn Ngoan kỳ diệu, hiện diện bên Chúa từ thuở đời đời, cùng Chúa an bài mọi sự, nô đùa trên trái đất và vui sướng ở với con cái loài người.126

Cũng nhờ đó mà tâm trí nhân loại, khi đã bớt nô lệ vật chất, có thể dễ dàng vươn cao để thờ phượng và chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa. Hơn nữa, con người còn được ân sủng thúc đẩy để nhận ra Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng trước khi nhập thể để cứu chuộc và kết thâu muôn loài nơi Người, đã ở trong thế gian như “ánh sáng thật luôn soi chiếu mọi người” (Ga 1,9).127

Vì khoa học và kỹ thuật, do tự bản chất của phương pháp nghiên cứu, không thể xâm nhập cơ cấu sâu xa của sự vật, nên sự tiến bộ hiện nay của chúng dĩ nhiên có thể đưa đến một thứ chủ thuyết duy hiện tượng và bất khả tri, khi phương pháp khảo sát của những bộ môn này được đánh giá quá cao, coi như luật tối hậu để khám phá toàn thể chân lý. Một nguy hiểm khác là vì con người tin tưởng thái quá vào những phát minh hiện đại, nên rơi vào thái độ tự mãn và không còn kiếm tìm những giá trị cao cả hơn.

Tuy nhiên, những hậu quả tai hại ấy không nhất thiết luôn đi liền với nền văn hóa hiện đại, và chúng ta không dựa vào đó mà phủ nhận những giá trị tích cực của nền văn hóa này. Trong số những giá trị ấy phải kể đến: sự ham thích học hỏi, thái độ trung thành tôn trọng chân lý trong các công trình nghiên cứu khoa học, nhu cầu làm việc tập thể trong các toán chuyên viên, tình liên đới quốc tế, ý thức ngày càng rõ rệt nơi các nhà thông thái về trách nhiệm phải giúp đỡ và hơn nữa phải bảo vệ con người, ý muốn đem lại điều kiện sinh sống thuận lợi hơn cho tất cả mọi người, nhất là những người chịu thiệt thòi vì không lao động được hoặc vì kém văn hóa. Tất cả những giá trị này có thể góp phần chuẩn bị cho con người đón nhận sứ điệp Tin Mừng, một sự chuẩn bị có thể được hình thành nhờ tình yêu thần linh của Đấng đã đến để cứu chuộc thế gian.

58

Mối liên hệ đa diện giữa Tin Mừng của Chúa Ki-tô và văn hóa nhân loại

Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thật vậy, khi tự mạc khải cùng dân Ngài cho tới khi tỏ mình đầy đủ trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại.

Cũng thế, trải qua các thế kỷ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Ki-tô trong khi rao giảng, để khám phá và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống đa dạng của cộng đồng các tín hữu.

Nhưng đồng thời, vì được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời, Giáo Hội không để bị ràng buộc theo kiểu độc chiếm hay không thể tách rời được với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào. Trung thành với truyền thống cá biệt và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể liên kết với nhiều hình thức văn hóa khác nhau, nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn.

Sứ điệp Tin Mừng của Chúa Ki-tô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của loài người sa ngã, chống lại và khử trừ các sai lầm và sự ác phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên đầy nguy hiểm của tội lỗi. Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Với nguồn thiên ân sung mãn, Tin Mừng như tác động từ bên trong làm cho những đức tính và nét đẹp cao quý nơi tâm hồn các dân tộc hay của từng thời đại được thêm phong phú, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Ki-tô.128 Như thế, trong khi chu toàn bổn phận của chính mình,129 Giáo Hội thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại, đồng thời cũng dùng mọi hoạt động, cả trong lãnh vực phụng vụ, để hướng dẫn con người đạt tới tự do nội tâm.

59

Phối hợp xác đáng các giá trị trong văn hóa nhân loại

Vì những lý do vừa trình bày, Giáo Hội muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng văn hóa phải hướng đến sự phát triển toàn diện của nhân vị, lợi ích của cộng đồng và của toàn thể xã hội nhân loại. Do đó, phải hoàn thiện tâm hồn để phát triển khả năng ngưỡng mộ, suy ngắm, chiêm niệm, để có được sự phân định của riêng bản thân, đồng thời phát huy ý thức về tôn giáo, luân lý cũng như xã hội.

Thật vậy, vì trực tiếp phát sinh từ xã hội tính và lý trí của con người, nên văn hóa luôn cần có được tự do đúng mức để phát triển, cũng như có quyền hợp pháp để hành động độc lập theo các nguyên tắc riêng. Do đó, văn hóa có quyền được tôn trọng và được hưởng một quyền bất khả xâm phạm nào đó, dĩ nhiên vẫn phải duy trì quyền lợi cá nhân và cộng đoàn hoặc đặc thù hoặc phổ quát, trong giới hạn của công ích.

Nhắc lại những điều Công Đồng Va-ti-ca-nô thứ nhất đã dạy, thánh Công Đồng tuyên bố: “Có hai lãnh vực tri thức” khác biệt nhau, đó là đức tin và lý trí; Giáo Hội không phản đối “các ngành nghề và các bộ môn nhân văn sử dụng những nguyên lý và phương pháp riêng trong phạm vi của mình”; vì thế, Giáo Hội “nhìn nhận sự tự do chính đáng này”, và xác nhận sự tự lập hợp pháp của văn hóa, nhất là của các khoa học.130

Tất cả những điều vừa trình bày đòi hỏi phải để cho con người có thể tự do đi tìm chân lý, phát biểu, phổ biến ý kiến của mình và được tự do hành nghề tùy sở thích, miễn là tôn trọng trật tự luân lý và công ích; sau cùng, cũng phải cho con người có được thông tin chính xác về những biến cố xảy ra trong đời sống công cộng.131

Bổn phận của công quyền không phải là xác định đặc tính của những dạng thức văn hóa, nhưng là tạo điều kiện và phương tiện thuận lợi để phát triển đời sống văn hóa cho mọi người, kể cả những thành phần thiểu số của quốc gia.132 Do đó, phải hết sức tránh sao cho văn hóa không bị tách rời khỏi mục đích đặc thù của mình để rồi bị cưỡng ép làm công cụ cho các thế lực chính trị hay kinh tế.

ĐOẠN 3. MỘT VÀI BỔN PHẬN CẤP BÁCH CỦA KI-TÔ HỮU ĐỐI VỚI VĂN HÓA

60

Phải nhìn nhận và thực thi quyền thụ hưởng văn hóa của mọi người

Vì ngày nay, con người có đủ khả năng giải thoát một phần lớn nhân loại khỏi nạn ngu dốt, nên bổn phận thích đáng nhất trong thời đại chúng ta, đặc biệt đối với các Ki-tô hữu, là tích cực nỗ lực để xác lập những phán quyết căn bản, trong lãnh vực kinh tế cũng như chính trị, trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, để quyền thụ hưởng văn hóa của mọi người được nhìn nhận và thực thi tại mọi nơi trên thế giới, vì đây là một quyền lợi phù hợp với phẩm giá con người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, quốc gia, tôn giáo và giai cấp xã hội. Do đó, phải cung ứng cho tất cả mọi người đầy đủ những thiện ích của văn hóa, nhất là những gì làm nên nét văn hóa căn bản, đừng để nhiều người vì bị mù chữ hay thiếu năng lực hoạt động nên không thể cộng tác vào lợi ích chung đúng với danh nghĩa con người.

Bởi thế, phải cố gắng làm cho những người có khả năng được theo học các bậc cao đẳng; và nếu có thể được, liệu cho họ có được những trách vụ, công tác và những hoạt động phục vụ trong xã hội tùy theo sở trường và năng khiếu họ đã thâu thập được.133 Như thế, mọi người và mọi tầng lớp xã hội nơi mỗi dân tộc đều có thể phát triển trọn vẹn đời sống văn hóa phù hợp với tài năng và truyền thống của mình.

Hơn nữa, cũng cần nỗ lực tối đa để giúp mọi người ý thức về quyền thụ hưởng văn hoá cũng như bổn phận của họ trong việc thăng tiến bản thân và giúp đỡ tha nhân. Thật vậy, đôi khi cũng vẫn còn những điều kiện sinh sống và công việc nặng nhọc cản trở con người tham gia các hoạt động và làm mất đi cả sự quan tâm đến văn hoá. Đặc biệt, đối với nông dân và công nhân, cần phải bảo đảm sao cho những điều kiện lao động không ngăn cản nhưng sẽ khuyến khích họ trau giồi văn hóa. Nữ giới cũng đã tham gia vào hầu hết các ngành sinh hoạt, vì thế, cũng phải để cho họ có thể đảm trách toàn vẹn những phần việc phù hợp với khả năng riêng của họ. Mọi người đều phải nhìn nhận và cổ võ sự tham gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa.

61

Giáo dục văn hóa toàn diện cho con người

Ngày nay, trong lãnh vực tri thức, tổng hợp các bộ môn và các ngành là một việc khó hơn ngày xưa rất nhiều. Thật vậy, trong khi các yếu tố cấu tạo văn hóa càng ngày càng gia tăng và thêm khác biệt, thì nơi mỗi người, khả năng cảm nhận và dung hợp các yếu tố ấy lại suy giảm, đến nỗi hình ảnh “con người phổ quát” cứ lu mờ dần. Tuy nhiên, mỗi người vẫn có bổn phận bảo toàn nhân vị toàn vẹn của mình, trong đó trổi vượt nhất chính là những giá trị của trí tuệ, ý chí, lương tri và tình huynh đệ, tất cả những giá trị này đều do Thiên Chúa thiết lập, được phục hồi và nâng cao một cách kỳ diệu trong Chúa Ki-tô.

Hơn ai hết, gia đình được ví như người mẹ và người vú nuôi của công trình giáo dục này, vì trong gia đình, con cái được tình yêu ấp ủ sẽ khám phá ra các bậc thang giá trị một cách dễ dàng hơn, trong khi đó, các yếu tố văn hoá cao đẹp sẽ như thể tự nhiên theo năm tháng thấm dần vào tâm trí các thanh thiếu niên.

Xã hội ngày nay cũng có những phương tiện thích hợp cho công cuộc giáo dục này, nhất là nhờ việc phổ biến ngày càng rộng rãi sách báo và những phương tiện mới trong ngành truyền thông văn hóa xã hội, giúp cho nền văn hóa trở nên phổ cập hơn. Thật vậy, nhờ giảm bớt phần nào thời gian làm việc, nhiều người sẽ có giờ để trau giồi văn hóa. Do đó, phải biết dùng thời giờ nhàn rỗi để thư giãn tinh thần, bồi dưỡng tâm trí và thể xác bằng các hoạt động và học hỏi theo sở thích, tham quan những miền xa lạ (du lịch), như thế sẽ giúp mở mang kiến thức, hơn nữa, cũng giúp con người được thêm phong phú nhờ hiểu biết lẫn nhau, hay bằng việc tập luyện và sinh hoạt thể dục thể thao, để giữ được quân bình trong tâm trí cũng như trong nếp sống cộng đồng, đồng thời phát huy những mối bang giao huynh đệ giữa mọi người không phân biệt giai cấp, quốc gia hay chủng tộc. Vì thế, các Ki-tô hữu phải cộng tác để làm cho tinh thần nhân bản và Ki-tô giáo thấm nhuần vào các hoạt động văn hóa, các sinh hoạt tập thể, là những sinh hoạt đặc thù của thời đại chúng ta.

Tuy nhiên, những phương tiện trên vẫn chưa đem lại một nền giáo dục văn hóa toàn diện, nếu đồng thời con người không tìm hiểu sâu xa về ý nghĩa của văn hóa và khoa học đối với con người.

62

Hòa hợp văn hóa nhân loại với Ki-tô giáo

Mặc dù Giáo Hội đã đóng góp nhiều vào sự phát triển văn hóa, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, vì những lý do nhất thời, sự hòa hợp giữa văn hóa và Ki-tô giáo không phải lúc nào cũng diễn tiến cách dễ dàng.

Những khó khăn này không nhất thiết gây tổn hại cho đời sống đức tin, trái lại còn có thể thúc đẩy lý trí tìm hiểu đức tin một cách chính xác và sâu sắc hơn. Thật vậy, các cuộc nghiên cứu và những khám phá gần đây của khoa học cũng như của sử học và triết học đã khơi lên những vấn nạn mới, có ảnh hưởng đến chính cuộc sống, và đòi hỏi các nhà thần học phải nghiên cứu nhiều hơn nữa. Do đó, các nhà thần học, trong khi vẫn trung thành với những phương pháp và yêu cầu riêng của khoa thần học, được mời gọi luôn tìm kiếm một phương thức thích hợp hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời, vì một đàng là kho tàng đức tin hay là các chân lý, một đàng là phương thức diễn đạt theo đúng ý nghĩa và nội dung của các chân lý ấy.134 Trong hoạt động mục vụ, phải hiểu một cách đầy đủ và áp dụng không những các nguyên tắc thần học, nhưng cả những phát minh của các khoa học trần thế, nhất là khoa tâm lý và xã hội học, sao cho các tín hữu được hướng dẫn để có đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn.

Văn chương và nghệ thuật, theo cách thức riêng của mình, cũng có một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Thật vậy, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn đạt bản tính nhân văn cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người, trong nỗ lực nhận biết và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng nỗ lực khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, giãi bày những nỗi khổ và niềm vui, những nhu cầu và năng lực của con người, đồng thời phác họa một vận mệnh tốt đẹp hơn cho con người. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời đại và từng địa phương khác nhau.

Vì thế, cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội vẫn lưu tâm đến hoạt động của họ và trong tự do chính đáng, họ có thể thực hiện những cuộc trao đổi dễ dàng hơn với cộng đồng Ki-tô hữu. Giáo Hội cũng nên công nhận những hình thức nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đưa những hình thức nghệ thuật này vào nơi phượng tự, theo lối diễn đạt thích nghi và phù hợp với phụng vụ, để giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.135

Như thế, những nhận thức về Thiên Chúa được biểu lộ rõ nét hơn, việc rao giảng Tin Mừng trở nên dễ hiểu hơn, và như gần gũi hơn với cuộc sống của con người.

Bởi vậy, các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời, và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa. Các tín hữu phải biết phối hợp những kiến thức khoa học và học thuyết mới cũng như những phát minh mới mẻ cùng với nếp sống và giáo lý Ki-tô giáo, để cảm thức tôn giáo và tâm hồn chính trực của họ sẽ song hành với kiến thức khoa học và kỹ thuật mỗi ngày một tiến bộ, và nhờ đó, họ có thể nhận định và giải thích mọi sự với lối cảm nghĩ hoàn toàn Ki-tô giáo.

Những vị chuyên gia thần học trong các chủng viện và đại học nên tích cực cộng tác qua việc hợp lực và trao đổi ý kiến với những người am tường các khoa học khác. Công cuộc nghiên cứu thần học, trong khi tìm hiểu sâu xa hơn về chân lý mạc khải, không được tách rời khỏi thời đại của mình, để từ đó có thể giúp những người có trình độ cao trong các bộ môn khác hiểu biết đức tin đầy đủ hơn. Việc hợp tác này sẽ giúp ích nhiều cho việc đào tạo các thừa tác viên thi hành thánh vụ, những người có khả năng diễn giải giáo lý về Thiên Chúa, về con người và thế giới một cách thích hợp với thời đại chúng ta hơn, nhờ đó, lời họ rao giảng cũng được đón nhận dễ dàng hơn.136 Hơn nữa, cũng mong sao có nhiều giáo dân được học hỏi về các khoa học thánh, và có được nhiều người chuyên tâm nghiên cứu và đào sâu những môn học này. Tuy nhiên, để các tín hữu, giáo sĩ hoặc giáo dân, có thể làm tròn bổn phận của mình, họ cần có đủ tự do để nghiên cứu, suy tư, cũng như để khiêm tốn và mạnh dạn trình bày quan điểm trong lãnh vực chuyên môn của họ.137

CHƯƠNG III. ĐỜI SỐNG KINH TẾ XÃ HỘI

63

Một vài khía cạnh của đời sống kinh tế

Ngay trong đời sống kinh tế xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội cũng phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội.

Nền kinh tế hiện đại, cũng như các lãnh vực khác trong đời sống xã hội, đều mang dấu ấn của việc con người càng ngày càng chế ngự thiên nhiên nhiều hơn, của các mối quan hệ và tùy thuộc lẫn nhau giữa các công dân, đoàn thể, quốc gia càng ngày càng nhiều và rộng lớn hơn, và cả sự can thiệp thường xuyên hơn giữa các thế lực chính trị. Song song với đà tiến bộ của các phương pháp sản xuất và trao đổi sản phẩm cũng như dịch vụ, kinh tế đã trở thành một công cụ thích hợp để cung ứng đầy đủ hơn những nhu cầu luôn gia tăng của gia đình nhân loại.

Tuy nhiên, không thiếu những lý do gây nên lo ngại. Nhiều người, nhất là trong những miền có nền kinh tế tiến bộ, như thể bị đời sống kinh tế chi phối hoàn toàn, đến nỗi gần như toàn bộ đời sống cá nhân cũng như xã hội đều bị tiêm nhiễm một thứ chủ nghĩa duy kinh tế, cả những nước theo kinh tế tập sản cũng như ở các quốc gia khác. Trong lúc mà sự phát triển đời sống kinh tế, nếu được điều khiển và phối hợp cách hợp lý và nhân đạo, có thể giảm thiểu những chênh lệch trong xã hội, thì nhiều khi lại làm cho những chênh lệch ấy trở thành trầm trọng hơn, hoặc ở một vài nơi còn làm thoái hóa địa vị xã hội của những người yếu thế và khinh miệt những kẻ nghèo túng. Giữa lúc đại đa số vẫn còn thiếu những nhu cầu thiết yếu, thì một thiểu số, ngay trong những vùng kém mở mang, lại sống dư dật, phung phí. Xa hoa và cùng cực xuất hiện kề cận bên nhau. Trong khi một thiểu số được quyền định đoạt rất lớn, thì đa số lại hầu như không thể hành động theo trách nhiệm và sáng kiến riêng của mình, nhiều khi còn phải sống trong những điều kiện sinh hoạt và lao động không xứng với phẩm giá con người.

Sự chênh lệch tương tự về kinh tế và xã hội cũng xuất hiện giữa ngành nông nghiệp, kỹ nghệ cũng như các ngành dịch vụ, và cả giữa những miền khác nhau của cùng một quốc gia. Tình trạng mâu thuẫn giữa các cường quốc kinh tế và các quốc gia khác càng ngày càng trở nên trầm trọng và có thể đe dọa cả nền hòa bình thế giới.

Con người thời đại chúng ta càng ngày càng ý thức rõ rệt hơn về những chênh lệch ấy, khi đã biết chắc chắn rằng những kỹ thuật tân tiến và những năng lực kinh tế mà thế giới ngày nay đang thụ hưởng, có thể và phải sửa đổi được những tệ trạng kia. Muốn vậy, nhiều cải tổ trong đời sống kinh tế xã hội cần phải được thực hiện và mọi người phải đổi mới tâm thức và thái độ của mình. Nhằm mục đích ấy nên qua bao thế hệ, dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo Hội đã nỗ lực giải trình, và đặc biệt trong thời gian gần đây, đã công bố những nguyên tắc về công bình và chính trực trong đời sống cá nhân, xã hội và quốc tế cho hợp với những đòi hỏi của lương tri nhân loại. Thánh Công Đồng muốn xác quyết lại những nguyên tắc đó, đồng thời vạch ra một vài hướng đi phù hợp với tình trạng hiện nay của thời đại, đặc biệt quan tâm đến những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế.138

ĐOẠN 1. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

64

Phát triển kinh tế để phục vụ con người

Ngày nay hơn bao giờ hết, để đối phó với sự gia tăng dân số và đáp ứng những nguyện vọng mỗi lúc một nhiều của nhân loại, chắc chắn phải nghĩ đến việc gia tăng sản lượng nông nghiệp và công nghệ, cũng như khối lượng các dịch vụ. Vì thế, phải cổ võ việc phát triển kỹ thuật, tinh thần canh tân, cố gắng thiết lập và khuếch trương các xí nghiệp, thích nghi các phương pháp sản xuất và động viên sự nỗ lực bền bỉ của các nhà sản xuất, tóm lại là tất cả những yếu tố góp phần vào việc phát triển này. Tuy nhiên, mục đích căn bản của sản xuất không chỉ là gia tăng sản lượng, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng chính là phục vụ con người, và là con người toàn diện, theo đúng cấp bậc giá trị của các nhu cầu vật chất cũng như những đòi hỏi của đời sống tinh thần, luân lý, tu đức và tôn giáo, ở đây phải hiểu là phục vụ tất cả mọi người, mọi đoàn thể, mọi chủng tộc và mọi miền trên thế giới. Bởi thế, hoạt động kinh tế, mặc dù theo phương pháp và luật lệ riêng, vẫn phải được thực hiện trong giới hạn của trật tự luân lý,139 có như thế mới hoàn thành được kế hoạch Thiên Chúa đã sắp đặt cho con người.140

65

Phát triển kinh tế dưới sự kiểm soát của con người

Việc phát triển kinh tế phải luôn đặt dưới sự kiểm soát của con người; không được để mặc cho sự định đoạt tùy ý của một số ít người hoặc của những tập thể, nắm trong tay quyền lực kinh tế quá lớn, hoặc của một cộng đoàn chính trị hay một số quốc gia giàu mạnh. Ngược lại, ở bất cứ cấp độ nào, phải có càng nhiều người càng tốt, và nếu ở cấp quan hệ quốc tế, thì tất cả các quốc gia, cần góp phần tích cực vào việc điều hướng sự phát triển đó. Cũng vậy, những sáng kiến của mỗi cá nhân và của các tập đoàn độc lập phải được phối hợp và điều hòa một cách thích đáng và phù hợp với nỗ lực của chính quyền.

Không thể phó mặc việc phát triển cho diễn tiến gần như máy móc của hoạt động kinh tế cá nhân, cũng không thể để cho một mình chính quyền điều động. Do đó, phải tố giác những sai lầm của các học thuyết nhân danh một thứ tự do sai lạc để ngăn cản những cải tổ cần thiết; và của cả những học thuyết đòi hy sinh quyền lợi căn bản của cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể.141

Ngoài ra, người công dân nên nhớ mình có quyền lợi và bổn phận phải đóng góp tùy theo khả năng vào việc phát triển thực sự cộng đồng mình đang sinh sống, và chính quyền cũng phải công nhận bổn phận và quyền lợi này. Đặc biệt, tại những miền còn kém mở mang là những nơi mà tất cả mọi tài nguyên đều đang rất cần phải được tận dụng, nếu ai để tài sản của mình không sinh lợi, hoặc làm mất đi nguồn hỗ trợ cần thiết về vật chất cũng như tinh thần cho cộng đồng của mình – dĩ nhiên quyền di chuyển chỗ ở của mỗi cá nhân vẫn được duy trì – thì cũng đã gây thiệt hại trầm trọng cho công ích.

66

Phải chấm dứt tình trạng chênh lệch quá lớn trên bình diện kinh tế xã hội

Để đáp ứng những đòi hỏi của công bình và chính trực, trong khi vẫn luôn tôn trọng quyền lợi cá nhân và đặc tính của mỗi dân tộc, cần phải nỗ lực tích cực để sớm chấm dứt những chênh lệch kinh tế quá lớn hiện còn tồn tại và vẫn đang gia tăng, đồng thời lại gắn liền với nạn phân biệt đối xử trong lãnh vực cá nhân và xã hội. Cũng thế, trong những vùng mà việc sản xuất và mậu dịch nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trầm trọng, các nông dân cần được giúp đỡ để vừa có thể gia tăng sản lượng và tiêu thụ được sản phẩm, vừa phải thực hiện những chương trình cải tổ và canh tân cần thiết để thu được lợi tức tương ứng, để không cứ ở mãi trong giai cấp công dân hạ đẳng như vẫn thường thấy. Phần các nông dân, nhất là những người thuộc lớp trẻ, phải cố gắng kiện toàn khả năng chuyên môn rất cần thiết để phát triển nền nông nghiệp.142

Sự di chuyển chỗ ở là điều cần thiết đối với nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên, sự công bình và chính trực đòi hỏi phải tổ chức sự di chuyển ấy thế nào để đời sống cá nhân cũng như gia đình không bị xáo trộn và trở nên bấp bênh. Những công nhân đến từ một quốc gia hay một miền khác, là những người góp phần lao động vào việc phát triển kinh tế của một nước hay một miền, nên cần phải cố gắng tránh mọi hình thức phân biệt đối xử về điều kiện lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền, phải coi họ như những nhân vị, chứ không phải chỉ như những công cụ sản xuất; phải giúp đỡ để họ có thể đưa gia đình đến và có thể tìm được một nơi cư trú xứng hợp; cũng phải giúp họ dễ dàng hội nhập vào đời sống xã hội của quốc gia hay miền đất đang tiếp nhận họ. Tuy nhiên, nếu có thể, nên tạo cho họ có công ăn việc làm ngay tại nguyên quán của họ.

Trong những trạng huống kinh tế đang biến chuyển, cũng như trong những hình thái mới mẻ của xã hội công nghệ đang triển khai hệ thống tự động hoá chẳng hạn, phải liệu sao cho mỗi người có công việc đầy đủ và thích hợp, cũng như hấp thụ được sự huấn luyện thích ứng về kỹ thuật và nghề nghiệp, đồng thời phải bảo đảm đời sống và nhân phẩm, nhất là của những người vì bệnh tật, tuổi tác, phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn hơn.

ĐOẠN 2. NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN TOÀN BỘ ĐỜI SỐNG KINH TẾ XÃ HỘI

67

Việc làm, điều kiện lao động và giải trí

Lao công của con người trong công cuộc sản xuất và trao đổi sản phẩm hay cung ứng dịch vụ kinh tế luôn có giá trị cao hơn những yếu tố khác, xét ra chỉ là dụng cụ trong đời sống kinh tế.

Thật vậy, công việc lao động, hoặc làm cho chính mình hoặc làm mướn cho người khác, đều trực tiếp phát xuất từ con người, qua đó có thể nói, con người để lại dấu ấn của mình trên thiên nhiên và vận dụng thiên nhiên theo ý muốn của mình. Lao động thường là cách thế để con người nuôi sống bản thân và gia đình, để liên kết với anh em và phục vụ họ, để có thể thực thi bác ái đích thực và cộng tác vào việc hoàn tất công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta biết chắc rằng, khi dâng các việc làm cho Chúa, con người được cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã nâng cao giá trị của lao động khi Người làm việc với chính đôi tay của mình tại Nazareth. Do đó, mỗi người có quyền làm việc và có bổn phận phải cần mẫn làm việc; trong những hoàn cảnh cụ thể, chính xã hội có bổn phận góp phần giúp người công dân có thể tìm được công ăn việc làm đầy đủ. Sau cùng, tùy theo phận vụ và khả năng sản xuất của mỗi người cũng như tùy tình trạng của xí nghiệp và công ích, tiền lương phải được chi trả sao cho người lao động có đủ khả năng xây dựng cho mình và gia đình một đời sống xứng hợp cả về phương diện vật chất, xã hội, văn hóa và tinh thần.143

Hoạt động kinh tế thường là kết quả của việc hợp tác giữa nhiều người, do đó, nếu việc tổ chức và điều hành hoạt động này làm thiệt hại cho bất cứ người lao động nào thì đều là bất công và vô nhân đạo. Ngay cả ngày nay, vẫn thường xảy ra tình trạng công nhân, một cách nào đó, trở thành nô lệ cho chính việc làm của mình. Điều ấy không thể được biện minh bằng bất cứ luật kinh tế nào. Vì thế, mọi tiến trình lao động sản xuất cần phải thích hợp với nhu cầu và cuộc sống của con người; đặc biệt với nếp sống gia đình, nhất là trong trường hợp liên quan đến các bà mẹ, và lúc nào cũng phải lưu tâm đến điều kiện phái tính và tuổi tác. Hơn nữa, người lao động cũng phải có cơ hội để phát huy tài năng và nhân cách ngay trong lúc làm việc. Dĩ nhiên họ phải dành thời giờ và sức lực cho công việc với tinh thần trách nhiệm, tuy nhiên, họ cũng phải được nghỉ ngơi và có thời gian nhàn rỗi đầy đủ dành cho đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo. Ngoài ra, họ cũng phải có cơ hội để tự do phát huy những tài nghệ và khả năng mà có thể trong công việc của nghề nghiệp, họ ít có dịp để trau giồi.

68

Tham gia vào xí nghiệp, tổ chức kinh tế toàn cầu, tranh chấp lao động

Trong các xí nghiệp kinh tế, chính các nhân vị đang cùng hợp tác làm việc, đó là những con người tự do và tự lập, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, cần phải cổ võ sự tham gia tích cực của mọi người vào việc quản trị xí nghiệp, bằng những phương thức thích hợp, tùy theo nhiệm vụ của mỗi người, hoặc họ là chủ nhân, nhà thầu, hoặc là đốc công hay công nhân, trong khi vẫn giữ được sự thống nhất cần thiết trong việc điều hành công việc.144 Trong nhiều trường hợp, việc đưa ra những quyết định thuộc lãnh vực kinh tế và xã hội không chỉ giới hạn trong phạm vi xí nghiệp, nhưng với quy mô rộng lớn hơn, và việc này có ảnh hưởng đến số phận tương lai của công nhân cũng như của con cái họ, nên họ cũng phải được tham gia vào những quyết định này, bằng cách hoặc chính họ góp ý hoặc qua những đại diện tự họ bầu chọn.

Trong số những quyền lợi căn bản của con người, cần phải kể đến quyền dành cho giới lao động được tự do lập những hiệp hội để có thể thực sự đại diện cho họ và góp phần vào việc tổ chức đời sống kinh tế một cách tốt đẹp, ngoài ra, cũng cần phải kể đến quyền tự do tham gia vào hoạt động của những hiệp hội này mà không sợ bị trả thù. Nhờ việc tham gia có tổ chức như thế, liên kết với việc huấn luyện dần dần về kinh tế và xã hội, mọi người càng ngày càng ý thức hơn về bổn phận và nhiệm vụ của mình, qua đó, tùy theo khả năng và tài sức cá nhân, tất cả đều cảm thấy mình đang góp phần vào việc phát triển toàn bộ kinh tế và xã hội cũng như vào việc mưu cầu ích chung.

Trong trường hợp xảy ra những tranh chấp về kinh tế xã hội, cần phải cố gắng đi đến một giải pháp ôn hòa. Nhưng điều phải làm trước tiên là luôn luôn tìm cách thực hiện cuộc đối thoại chân thành giữa các nhóm liên hệ, tuy nhiên việc đình công trong hoàn cảnh hiện tại, dù là biện pháp cuối cùng, nhưng vẫn cần thiết để bênh vực quyền lợi riêng và đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của giới lao động. Dù sao cũng cần tìm cách trở lại con đường thương thuyết và đối thoại hòa giải càng sớm càng hay.

69

Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng

Thiên Chúa đã đặt định mục đích của trái đất và muôn loài trong đó là để mọi người và mọi dân tộc sử dụng, sao cho của cải tạo ra phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý, theo sự hướng dẫn của luật công bằng đi kèm với đức bác ái.145 Trong bất cứ hình thức tư hữu nào, đã được các định chế hợp pháp của các dân tộc chấp nhận, tùy theo hoàn cảnh khác biệt và thay đổi, phải luôn luôn lưu ý đến mục đích chung hưởng của cải đó. Vì thế, khi sử dụng của cải, con người phải coi tài sản mà mình sở hữu một cách chính đáng không chỉ là của riêng mình, nhưng còn là của chung, nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác.146 Mặt khác, mọi người đều có quyền nhận được phần của cải đủ sống cho mình và cho gia đình. Đó là điều các Giáo phụ và các Tiến sĩ Giáo Hội đã nghĩ đến khi dạy rằng, mọi người có bổn phận phải giúp đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp bằng của dư thừa.147 Về phần những người đang phải sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền nhận được từ sự giàu có của người khác những gì cần thiết để sinh sống.148 Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh Công Đồng thiết tha kêu gọi mọi người và mọi chính quyền hãy nhớ lại lời sau đây của các Giáo phụ: “hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết họ”,149 và mỗi người nên tùy theo khả năng mà thực tâm san sẻ và dùng tài sản của mình để đặc biệt hỗ trợ, hoặc cho cá nhân, hoặc một quốc gia nào đó phương tiện để chính họ có thể tự túc và phát triển.

Trong những xã hội kinh tế kém mở mang, nhiều khi sự chung hưởng của cải được thực hiện phần nào qua những tập tục và truyền thống riêng của cộng đồng, nhờ đó, mỗi thành viên có được những gì cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, phải tránh đừng cố chấp giữ lại một tập tục nào đó, nếu thực sự không còn đáp ứng những đòi hỏi mới của thời đại này; nhưng ngược lại, cũng đừng vì thiếu khôn ngoan mà phá bỏ những tập tục tốt đẹp vẫn còn đem lại nhiều lợi ích, miễn là được thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Trong khi đó, ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, hệ thống tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội cũng là cách góp phần vào việc thực hiện sự chung hưởng của cải. Hơn nữa, cần phải cổ võ những dịch vụ thuộc lãnh vực gia đình và xã hội, nhất là những dịch vụ liên quan đến văn hóa và giáo dục. Tuy nhiên, trong việc thiết lập những tổ chức trên, cần phải lưu tâm đừng để người công dân rơi vào thái độ phần nào thụ động, trốn tránh trách nhiệm hoặc từ chối phục vụ xã hội.

70

Vấn đề đầu tư và tiền tệ

Về phần các kế hoạch đầu tư, phải làm sao tạo được công ăn việc làm và đem lại lợi tức đầy đủ cho dân chúng trong hiện tại cũng như trong tương lai. Bất cứ ai – hoặc cá nhân, tập thể hay chính quyền – đang nắm giữ vai trò quyết định trong việc đầu tư và tổ chức đời sống kinh tế, cũng phải chú tâm đến những mục tiêu trên, và phải ý thức bổn phận nặng nề của mình, một mặt phải sẵn sàng dự liệu những nhu cầu cần thiết cho mỗi cá nhân hoặc cho cả cộng đồng có một đời sống xứng hợp, mặt khác phải tiên liệu cho tương lai, và thiết lập sự quân bình thích đáng giữa những nhu cầu tiêu thụ của cá nhân hoặc của đoàn thể trong hiện tại, và những đòi hỏi phải đầu tư cho thế hệ mai sau. Họ cũng phải luôn quan tâm đến những nhu cầu cấp bách của các quốc gia hay những miền kinh tế kém mở mang. Trong vấn đề tiền tệ, cũng phải tránh đừng gây nguy hại cho lợi ích của đất nước mình cũng như của các quốc gia khác. Ngoài ra, cũng phải dự liệu sao cho những người yếu kém về kinh tế không bị thiệt thòi một cách bất công do những biến động về trị giá tiền tệ.

71

Tiến tới sở hữu và quyền tư hữu; vấn đề ruộng đất

Quyền sở hữu và những hình thức khác của quyền tư hữu trên của cải vật chất giúp cho con người biểu lộ nhân vị, hơn nữa lại tạo cho họ cơ hội làm tròn phận sự của mình trong phạm vi xã hội cũng như trong lãnh vực kinh tế, vì thế, cần quan tâm hỗ trợ mỗi cá nhân cũng như các đoàn thể sở hữu một số tài sản vật chất nào đó.

Quyền tư hữu hay quyền làm chủ tài sản vật chất bảo đảm cho mỗi người một không gian vô cùng cần thiết cho đời sống tự lập của cá nhân và gia đình, và các quyền này phải được hiểu là gắn liền với quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một trong những điều kiện cho các quyền tự do của người công dân, vì khuyến khích họ đảm trách và thi hành phận vụ của mình.150

Ngày nay chủ quyền hay quyền tư hữu mặc nhiều hình thức khác nhau và sự khác biệt này ngày một gia tăng. Tuy nhiên, nếu không kể đến các công quỹ xã hội, những quyền lợi và dịch vụ do xã hội đảm trách, thì tất cả mọi hình thức tư hữu chính là lý do không thể coi thường để tạo sự an toàn cho con người. Điều vừa nói về quyền tư hữu tài sản vật chất cũng có giá trị đối với những tài sản phi vật chất, chẳng hạn như những khả năng chuyên môn trong nghề nghiệp.

Dù vậy, quyền tư hữu không cản trở những hình thức khác nhau của quyền sở hữu công cộng. Dĩ nhiên chỉ có thẩm quyền hợp pháp mới có thể buộc chuyển nhượng của cải tư nhân vào sở hữu công cộng, tùy theo những đòi hỏi của công ích và chỉ trong phạm vi đó mà thôi, nhưng phải có đền bù thỏa đáng. Ngoài ra, công quyền cũng có bổn phận ngăn ngừa đừng để ai lạm dụng quyền tư hữu mà xâm phạm đến công ích.151

Quyền tư hữu tự bản chất cũng đã có tính cách xã hội, đặt nền tảng trên quyền chung hưởng của cải.152 Nếu tính cách xã hội này không được tôn trọng thì quyền sở hữu dễ trở thành nguy cơ đưa đến tham lam và gây xáo trộn trầm trọng, đến độ đã tạo cớ cho những người chống đối đòi hủy bỏ quyền tư hữu.

Trong nhiều miền kinh tế kém mở mang, vẫn còn những đồng ruộng rộng lớn bao la nhưng chỉ được canh tác sơ sài hay bị bỏ hoang cách uổng phí, trong khi phần lớn dân chúng không có đất hoặc chỉ được hưởng một phần ruộng quá ít ỏi, đang khi đó, việc tăng gia sản xuất nông nghiệp lại rõ ràng là một vấn đề cấp bách. Nhiều khi những người làm thuê cho địa chủ hoặc những nông dân tá canh chỉ lãnh được một số lương hoặc một lợi tức không xứng với nhân phẩm, không có được chỗ ở xứng hợp, lại còn bị bọn trung gian bóc lột. Thiếu mọi bảo đảm an sinh, họ sống trong một tình trạng lệ thuộc hoàn toàn đến nỗi hầu như không còn có thể hành động theo sáng kiến và trách nhiệm của mình nữa, và đối với họ, mọi cuộc phát triển văn hóa và tham gia vào đời sống xã hội, chính trị đều bị cấm chế. Do đó, tùy trường hợp, cần phải có những cuộc cải cách nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện điều kiện lao động, cung ứng những bảo đảm an sinh trong việc thuê mướn, khuyến khích sáng kiến khi làm việc; nhất là để phân chia ruộng đất chưa được canh tác đầy đủ cho những người có khả năng khai thác để sinh lợi. Trong trường hợp này, cần phải cung cấp vật dụng và những phương tiện cần thiết, đặc biệt là hỗ trợ về giáo dục và đào tạo khả năng hợp tác chính đáng trong lao động. Khi phải thi hành việc truất hữu do nhu cầu của công ích, thì việc đền bù cần được lượng định theo đúng lẽ công bình, sau khi đã xét đến mọi hệ quả kèm theo.

72

Hoạt động kinh tế xã hội và vương quốc Chúa Ki-tô

Các Ki-tô hữu đang tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội ngày nay và tranh đấu cho công bình bác ái, cần phải xác tín rằng họ có thể đóng góp nhiều cho nền thịnh vượng của nhân loại và cho hòa bình thế giới. Trong những hoạt động này, dù là cá nhân hay đoàn thể, họ luôn phải nêu gương sáng trong khi vẫn tìm cách để có được khả năng chuyên môn và những kinh nghiệm vô cùng cần thiết. Các Ki-tô hữu phải bảo toàn bậc thang giá trị xác đáng giữa các hoạt động trần thế, luôn trung thành với Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người, sao cho toàn thể cuộc sống của họ, riêng tư cũng như ở giữa xã hội, đều được thấm nhuần tinh thần các mối phúc thật, đặc biệt là tinh thần nghèo khó.

Bất cứ ai nghe theo Chúa Ki-tô, trước tiên phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và từ đó có được một tình yêu mãnh liệt và trong sáng hơn để giúp đỡ các anh em mình và thể hiện công bình dưới sự thúc đẩy của đức ái.153

CHƯƠNG IV. ĐỜI SỐNG TRONG CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ

73

Đời sống công cộng ngày nay

Thời đại chúng ta đã được đánh dấu bằng những biến đổi sâu rộng ngay trong cơ cấu và các tổ chức của các dân tộc, song song với những tiến triển về văn hóa, kinh tế và xã hội; những thay đổi này ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cộng đồng chính trị, nhất là trong những vấn đề liên quan tới quyền lợi và bổn phận của mọi người trong việc hành xử quyền tự do công dân và theo đuổi công ích, cũng như trong việc điều hợp những mối tương quan giữa các công dân với nhau và với chính quyền.

Nhờ ý thức mãnh liệt hơn về phẩm giá con người, ngày nay tại nhiều miền trên thế giới, người ta nỗ lực thiết lập một thể chế chính trị pháp lý để bảo vệ hữu hiệu hơn quyền lợi của cá nhân trong đời sống công cộng, chẳng hạn quyền được tự do hội họp, tự do lập hội, tự do phát biểu ý kiến và tự do tuyên xưng tín ngưỡng cách riêng tư hoặc công khai. Thật vậy, việc đảm bảo những quyền lợi của con người là điều kiện cần thiết để người công dân, với tư cách cá nhân hay đoàn thể, có thể tham gia cách tích cực vào đời sống và vào guồng máy quốc gia.

Cùng lúc với sự tiến bộ về văn hóa, kinh tế và xã hội, ý định muốn đảm nhận hơn nữa phần trách nhiệm trong việc tổ chức cộng đồng chính trị cũng đã nảy sinh nơi nhiều công dân. Một số đông người đã ý thức phải quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ quyền lợi của các sắc tộc thiểu số trong cùng một quốc gia, trong khi chính các thành phần thiểu số ấy cũng không được xao lãng bổn phận của họ đối với cộng đồng chính trị; hơn nữa, sự tôn trọng đối với những người không cùng quan điểm hay tôn giáo đã được thể hiện ngày càng rõ rệt hơn; đồng thời cũng đã có được sự cộng tác rộng rãi hơn để tất cả mọi công dân, chứ không phải chỉ một số người nào đó được ưu đãi, có thể thực sự được hưởng những quyền lợi của con người.

Trái lại, bất cứ thể chế chính trị nào cũng đều bị lên án, nếu thể chế đó, như hiện có ở một vài nơi, ngăn chặn tự do công dân hoặc tôn giáo, làm gia tăng con số nạn nhân của tham vọng và tội phạm chính trị, hay lạm dụng quyền lực để phục vụ cho một tập đoàn hay chính những người cầm quyền, thay vì mưu cầu công ích.

Để xây dựng một đời sống chính trị thực sự mang tính nhân bản, không gì tốt hơn là khơi dậy nơi thâm tâm mỗi người ý thức về công bình, lòng nhân ái, và tinh thần phục vụ công ích, đồng thời củng cố nơi mọi người những xác tín căn bản về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị cũng như về mục đích, về phương thức hành quyền chính đáng và về những giới hạn của công quyền.

74

Bản chất và mục đích của cộng đồng chính trị

Cá nhân, gia đình và tập thể, tức là mọi thành phần của cộng đồng công dân đều ý thức rằng, tự sức mình không một thành phần nào có thể xây dựng được một đời sống thực sự nhân bản, và đều nhận thấy cần phải có một cộng đồng rộng lớn hơn, trong đó tất cả mọi người hằng ngày hợp lực để mưu cầu công ích mỗi lúc một tốt đẹp hơn.154 Do đó họ thành lập nên cộng đồng chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì thế cộng đồng chính trị chỉ hiện hữu là vì công ích, chính công ích là lý do tồn tại, mang lại ý nghĩa và là cơ sở cho các đặc quyền của cộng đồng chính trị. Công ích nói đây bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội, nhờ đó cá nhân, gia đình và đoàn thể có thể triển nở cách trọn vẹn và dễ dàng hơn.155

Tuy nhiên, một cộng đồng chính trị lại gồm nhiều người thuộc nhiều thành phần khác biệt, và họ được phép có nhiều quan điểm khác nhau. Vì thế, để tránh cho cộng đồng chính trị khỏi bị chia rẽ, khi mà mỗi cá nhân đều bênh vực quan điểm riêng của mình, cần phải có một quyền bính để quy hướng nỗ lực của mọi công dân nhằm tới công ích, không phải cách máy móc hay độc đoán, nhưng trên hết như một sức mạnh tinh thần dựa trên tự do và ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm.

Vì cộng đồng chính trị và công quyền đặt nền tảng trên bản tính con người, nên cũng nằm trong trật tự Chúa đã an bài, nhưng việc định đoạt một thể chế chính trị hay lựa chọn người cầm quyền vẫn là quyền tự do của mọi công dân.156

Cũng thế, việc hành xử quyền bính chính trị trong chính cộng đồng hoặc trong các cơ quan đại diện cho quốc gia, luôn phải được triển khai trong giới hạn của trật tự luân lý để hoạt động có hiệu quả, để mưu cầu công ích – công ích ở đây phải hiểu theo nghĩa năng động – tùy theo trật tự pháp lý đã hoặc sẽ được thiết lập cách hợp pháp. Khi ấy, mọi công dân buộc phải theo lương tâm mà tuân phục.157 Điều đó hiển nhiên cho thấy trách nhiệm, thế giá và quyền lực của những người lãnh đạo cộng đồng.

Tuy nhiên, nơi nào công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì người dân đừng từ chối không làm những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi của công ích; họ được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của đồng bào chống lại những lạm dụng của công quyền, nhưng đừng vượt quá những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Tin Mừng.

Những phương thức cụ thể mà mỗi cộng đồng chính trị áp dụng để tổ chức cơ cấu và phân phối quyền hành có thể khác nhau tùy đặc tính và bước tiến lịch sử của mỗi dân tộc; dù vậy, những phương thức này phải luôn hướng đến việc đào tạo con người có văn hóa, yêu chuộng hòa bình và có lòng yêu thương đối với mọi người, để giúp ích cho toàn thể gia đình nhân loại.

75

Sự cộng tác của mọi người trong đời sống công cộng

Thiết lập những cơ cấu chính trị pháp lý là điều phù hợp với bản tính con người, nhờ đó tất cả mọi công dân có được khả năng thiết thực và không hề bị kỳ thị để có thể tham gia cách tự do và tích cực vào việc thiết lập nền tảng pháp lý của cộng đồng chính trị, hoặc tham gia vào việc điều hành quốc gia, xác định phạm vi hoạt động và mục tiêu của những cơ quan khác nhau, cũng như tham gia vào việc lựa chọn người cầm quyền.158 Vì thế mọi công dân cần phải nhớ rằng họ có quyền lợi và bổn phận trong việc tự do sử dụng lá phiếu của mình để mưu cầu công ích. Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những người đang dấn thân lo việc quốc gia và tự nguyện gánh vác trách nhiệm nặng nề đó để phục vụ con người.

Để việc cộng tác trong ý thức trách nhiệm của các công dân đem lại kết quả tốt đẹp trong đời sống chính trị thường ngày, cần phải có một định chế pháp lý thiết thực, trong đó quy định cách thức phân bổ hợp lý các nhiệm vụ và các cơ quan công quyền, đồng thời thiết lập một hệ thống bảo vệ hữu hiệu và độc lập cho những quyền lợi của người công dân. Phải nhìn nhận, tôn trọng và cổ võ các quyền lợi của cá nhân, gia đình và đoàn thể cũng như việc sử dụng những quyền lợi đó, đồng thời cả những bổn phận mà tất cả mọi công dân buộc phải thi hành.159 Trong số những bổn phận công dân, cần nhắc tới việc phải thi hành nghĩa vụ đối với quốc gia trong những đóng góp về tài lực cũng như nhân lực mà công ích đòi hỏi. Chính quyền không nên ngăn cản những hiệp hội có tính cách gia đình, xã hội hay văn hóa, những đoàn thể hay tổ chức trung gian, cũng không nên cấm chế những hoạt động hữu hiệu và chính đáng của các tổ chức ấy, nhưng tốt hơn nên tạo điều kiện thuận lợi và có quy định rõ ràng cho các hoạt động ấy. Về phía người công dân, cá nhân hay đoàn thể, không nên dành cho nhà chức trách một quyền hành quá lớn, nhưng cũng đừng đòi hỏi ở chính quyền những giúp đỡ cũng như những đặc ân quá đáng và không phải lúc, vì như thế là làm giảm trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cả các đoàn thể xã hội.

Hiện nay, do hoàn cảnh ngày càng phức tạp, chính quyền buộc phải can thiệp thường xuyên hơn vào các vấn đề xã hội, kinh tế và cả lãnh vực văn hóa, để tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân cũng như các đoàn thể được tự do phát triển toàn diện con người cách hữu hiệu hơn. Dĩ nhiên, tùy địa phương và tùy sự tiến hóa của mỗi dân tộc, mối tương quan giữa việc xã hội hóa160 và sự tự lập cũng như sự phát triển của cá nhân có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nếu vì công ích mà phải tạm thời hạn chế việc sử dụng các quyền công dân, thì khi hoàn cảnh đã thay đổi, cần phải tái lập tự do sớm hết sức có thể. Tuy nhiên, chính quyền sẽ trở thành vô nhân đạo nếu rơi vào những hình thức chuyên chế hoặc độc tài xâm phạm đến quyền lợi cá nhân hay các đoàn thể.

Người công dân phải nung nấu lòng yêu nước trong tinh thần cao thượng và trung kiên chứ không hẹp hòi ích kỷ, nghĩa là làm sao để đồng thời vẫn quan tâm đến ích lợi của toàn thể gia đình nhân loại, một gia đình được liên kết lại bằng nhiều ràng buộc giữa các nòi giống, chủng tộc và quốc gia.

Tất cả mọi Ki-tô hữu phải ý thức về ơn gọi đặc biệt của mình trong cộng đồng chính trị. Họ phải nêu gương sáng bằng cách làm tăng triển nơi chính mình ý thức trách nhiệm và thái độ tận tâm phục vụ công ích, để cho thấy rằng trong thực tế, người ta vẫn có cách hòa hợp quyền bính với tự do, sáng kiến cá nhân với sự liên đới và những đòi hỏi của toàn thể xã hội, lợi thế của sự hiệp nhất với kết quả phong phú của những dị biệt. Trong lãnh vực hoạt động trần thế, họ phải nhìn nhận rằng có những quan điểm chính đáng và cả những quan điểm đối nghịch nhau, và họ phải biết tôn trọng các công dân hay các đoàn thể khác, khi những người này bênh vực quan điểm của mình cách trung thực. Những đảng phái chính trị có bổn phận cổ võ những gì họ xét thấy cần cho công ích, chứ không bao giờ được đặt quyền lợi riêng lên trên công ích.

Cần phải quan tâm thực hiện việc giáo dục về tư cách công dân và chính trị, điều này hiện nay rất cần thiết cho mọi người, nhất là giới trẻ, để mọi công dân có thể hành xử đúng vai trò của mình trong đời sống cộng đồng chính trị. Những ai đang hoặc có thể sẽ hoạt động chính trị, một công việc khó khăn nhưng cũng rất đáng quý trọng,161 cần được chuẩn bị trước và phải hăng say hoạt động mà không màng tới tư lợi hay bổng lộc vật chất. Họ phải dùng nếp sống liêm chính và sự khôn ngoan để chống lại bất công và áp bức, để phản kháng sự cai trị độc tài và bạo quyền của một cá nhân hay một đảng phái chính trị; họ phải có lòng chân thành và chính trực, nhất là tình thương và lòng dũng cảm cần phải có trong hoạt động chính trị, để tận tâm phục vụ ích lợi của mọi người.

76

Cộng đồng chính trị và Giáo Hội

Điều rất quan trọng là cần nhận thức chính xác về mối tương quan giữa cộng đồng chính trị và Giáo Hội, nhất là trong một xã hội đa nguyên, đồng thời cũng cần phải phân biệt minh bạch giữa hoạt động của cá nhân hoặc đoàn thể các Ki-tô hữu, với tư cách là công dân dưới sự hướng dẫn của lương tâm Ki-tô giáo, và những hành động của các tín hữu khi họ nhân danh Giáo Hội và hợp nhất với các vị chủ chăn của họ.

Do sứ vụ và thẩm quyền của mình, Giáo Hội hoàn toàn không thể nào là một cộng đồng chính trị, và cũng không hề bị trói buộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào, nhưng Giáo Hội vừa là dấu chỉ vừa đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người.

Cộng đồng chính trị và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dù dưới danh hiệu khác nhau, cả hai đều cùng phục vụ cho ơn gọi cá nhân và xã hội của con người. Việc phục vụ đó sẽ hữu hiệu hơn cho thiện ích của nhân loại, nếu cả hai duy trì được sự cộng tác tốt đẹp với nhau, thích ứng với từng thời điểm và từng địa phương. Thật vậy, con người không chỉ thuộc về thế giới chóng qua này, trái lại, tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn luôn hướng đến ơn gọi vĩnh cửu của mình. Được thiết lập trong tình yêu của Chúa Cứu Thế, Giáo Hội có sứ mệnh làm cho công bình và bác ái ngự trị bền vững nơi từng dân tộc và giữa các dân tộc. Trong khi rao giảng chân lý Tin Mừng và dùng giáo lý cũng như chứng tá cuộc sống của các Ki-tô hữu để soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo Hội vẫn luôn tôn trọng và cổ võ cho tự do cũng như trách nhiệm của các công dân trong phạm vi chính trị.

Các Tông đồ và các Đấng kế vị cũng như những cộng tác viên của các ngài, khi được sai đi để loan báo Chúa Ki-tô là Đấng Cứu Thế cho mọi người, luôn phó thác việc tông đồ của mình cho quyền lực của Thiên Chúa, Đấng vẫn thường tỏ rõ sức mạnh của Tin Mừng trong chính sự yếu hèn của các chứng nhân. Thật vậy, bất cứ ai hiến thân phục vụ lời Chúa đều phải sử dụng đường lối cũng như phương thế riêng của Tin Mừng, vốn có nhiều khác biệt với những cách thức thế gian thường làm.

Đã hẳn, các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật thiết với nhau, và chính Giáo Hội cũng sử dụng các thực tại trần thế trong mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên, Giáo Hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền; hơn nữa, Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc sử dụng một số quyền lợi đã thủ đắc một cách chính đáng, nếu thấy rằng việc đó làm cho người ta nghi ngờ về tính chân thực trong chứng từ của Giáo Hội, hoặc khi những hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác. Tuy nhiên, bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào Giáo Hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người; Giáo Hội cũng phải được tự do nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị, khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi, bằng cách chỉ sử dụng những phương tiện nào phù hợp với Tin Mừng và lợi ích của mọi người, được thích nghi tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.

Trung thành theo sát Tin Mừng và trong khi thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo Hội có bổn phận cổ võ và làm thăng tiến bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đồng nhân loại,162 nhờ đó xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa.163

CHƯƠNG V. BẢO VỆ HÒA BÌNH VÀ XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC

77

Nhập đề

Hiện nay, khi những đau khổ và nỗi lo âu trước sự tàn phá và mối đe dọa của hiểm họa chiến tranh vẫn còn đang đè nặng trên con người, toàn thể nhân loại bước vào một giai đoạn hết sức quyết định trong tiến trình trưởng thành của mình. Khi đã dần dần liên kết với nhau và ý thức nhiều hơn về sự hợp nhất, gia đình nhân loại phải bắt tay vào việc xây dựng một thế giới thực sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người ở mọi nơi, công việc này chỉ được tiến hành cách tốt đẹp nếu tất cả mọi người đều đổi mới tâm hồn để hướng về hòa bình đích thực. Lúc đó, hòa với những nỗ lực và khát vọng cao cả của nhân loại, lời Tin Mừng sẽ chiếu tỏa một luồng sáng mới trên thời đại chúng ta, khi loan báo mối phúc thật dành cho những ai kiến tạo hòa bình, “vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Do đó, khi làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực và vô cùng cao đẹp của hòa bình và lên án sự dã man của chiến tranh, Công Đồng muốn tha thiết kêu mời các Ki-tô hữu, nhờ sự trợ giúp của Chúa Ki-tô, Đấng tác tạo hòa bình, hãy cộng tác với tất cả mọi người để củng cố nền hòa bình đích thực trong công lý và tình yêu cũng như để điều động các phương tiện xây dựng hòa bình.

78

Bản chất của hòa bình

Hòa bình không hẳn chỉ là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào thế cân bằng giữa các lực lượng đối nghịch, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng thật chính xác và thích hợp khi định nghĩa hòa bình là “công trình của công lý” (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được ấn định cho xã hội loài người do chính Đấng sáng lập hòa bình, và được trở thành hiện thực nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công lý ngày càng hoàn hảo hơn. Thật thế, mặc dù ý nghĩa sâu xa nhất về công ích của toàn thể nhân loại đã được xác định bởi quy luật đời đời, thì những đòi hỏi cụ thể của công ích vẫn phải chấp nhận những thay đổi không ngừng với diễn biến của thời gian; vì thế, không phải đạt được hòa bình một lần là sẽ được luôn mãi, nhưng phải không ngừng xây dựng hòa bình. Hơn nữa, vì ý chí của con người yếu đuối và đã bị tội lỗi làm tổn thương, nên để có được hòa bình, mỗi người phải luôn luôn kiềm chế tham vọng của mình và chính quyền phải biết thận trọng cảnh giác.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Hòa bình chỉ có được trên thế giới, nếu thiện ích của từng cá nhân được bảo đảm và mọi người đều tin tưởng cũng như tự nguyện san sẻ cho nhau những của cải tinh thần và tài năng của mình. Thái độ thực tâm muốn tôn trọng tha nhân và các dân tộc khác cũng như phẩm giá của họ, và sự ân cần thực thi tình huynh đệ là những điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình. Như thế, hòa bình cũng là kết quả của tình thương, một thứ tình thương vượt xa những gì công bình có thể đem đến.

Phát sinh từ tình yêu tha nhân, hòa bình trần gian là hình ảnh và là kết quả khởi xuất từ sự bình an của Chúa Ki-tô, bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha. Vì chính Chúa Con nhập thể là Thái Tử Hòa Bình đã dùng Thánh Giá của Người để hòa giải mọi người với Thiên Chúa, và khi quy tụ mọi người thành một dân tộc và một thân thể, Người đã hủy diệt hận thù trong chính xác thể Người,164 và sau khi đã khải hoàn phục sinh, Người đã đổ tràn Thánh Thần tình yêu đầy lòng con người.

Do đó, khi “thực thi chân lý trong bác ái” (Ep 4,15), mọi Ki-tô hữu được khẩn thiết kêu mời hợp nhất với những người thực sự yêu chuộng hòa bình để vận động và xây dựng hòa bình.

Cũng trong tinh thần đó, chúng tôi không thể không ca ngợi những ai tranh đấu cho nhân quyền mà không dùng đến bạo động, nhưng sử dụng những phương cách tự vệ sẵn có của những người yếu kém, miễn sao không hại đến quyền lợi và bổn phận của người khác và của cộng đồng.

Bao lâu con người chưa từ bỏ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Ki-tô trở lại, nhưng khi nào con người biết liên kết trong đức ái để thắng vượt tội lỗi, họ cũng sẽ thắng vượt bạo lực, cho tới khi lời sau đây được ứng nghiệm: “Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và sẽ không còn tập luyện để chiến đấu nữa” (Is 2,4).

ĐOẠN 1. NGĂN NGỪA CHIẾN TRANH

79

Giảm thiểu sự vô nhân đạo của chiến tranh

Mặc dù những cuộc chiến tranh gần đây đã gây cho thế giới chúng ta biết bao thiệt hại nặng nề về vật chất cũng như tinh thần, thế mà cho tới nay, hàng ngày chiến tranh vẫn còn tiếp tục tàn phá tại một số nơi trên quả đất này. Hơn nữa, với đủ loại vũ khí khoa học được sử dụng trong chiến tranh, tính cách khốc liệt của cuộc chiến đe dọa sẽ đưa những kẻ tham chiến tới một sự man rợ còn tệ hại hơn các thời đại trước đây. Ngoài ra, hoàn cảnh phức tạp ngày nay và những mối bang giao nhiều rắc rối giữa các quốc gia đã dẫn đến những cuộc chiến âm ỉ kéo dài, với những phương pháp mới đầy xảo quyệt và mang tính phá hoại. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng những phương pháp khủng bố được coi như một hình thức mới của chiến tranh.

Đứng trước thảm trạng này của nhân loại, trước tiên Công Đồng muốn nhắc nhở đến giá trị ngàn đời của quyền lợi tự nhiên của các dân tộc và những nguyên tắc phổ quát của nó. Chính lương tâm nhân loại công bố những nguyên tắc đó càng ngày càng cương quyết hơn. Những hành động ngược lại những nguyên tắc đó, cũng như việc ra lệnh thi hành những hành động như thế đều là tội ác; sự thừa lệnh mù quáng cũng không đủ để bào chữa cho những người tuân hành những mệnh lệnh đó. Trong số những hành động trên, trước hết phải kể đến tội ác tiêu diệt cả một chủng tộc, một quốc gia hay một sắc tộc thiểu số, với bất cứ lý do gì hay bằng bất kỳ cách thức nào; những hành động như thế phải bị lên án gắt gao như những tội ác đáng ghê tởm. Và phải hết sức ca ngợi tinh thần can đảm của những người dám công khai chống lại những kẻ ra lệnh thi hành những tội ác trên.

Về vấn đề chiến tranh, hiện có nhiều hiệp ước quốc tế được khá nhiều quốc gia ký kết nhằm làm giảm bớt tính cách vô nhân đạo của những hoạt động quân sự và các hậu quả của chúng: chẳng hạn có những hiệp ước liên quan đến số phận của thương binh hoặc tù binh, và nhiều thỏa ước khác tương tự. Những hiệp ước như thế cần phải được tôn trọng; hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền và những nhà chuyên môn về vấn đề này, tùy theo khả năng của mình, cần phải cố gắng làm sao cho những hiệp ước đó được hoàn hảo, và như thế tức là họ giúp ngăn chặn một cách tốt đẹp và hữu hiệu hơn tính cách vô nhân đạo của chiến tranh. Vả lại, cũng là một điều hợp lý nếu vì lòng nhân đạo mà có những khoản luật dành cho những người vì lý do lương tâm từ chối không sử dụng khí giới, miễn là họ chấp nhận phục vụ cộng đồng nhân loại dưới một hình thức khác.

Dĩ nhiên, nhân loại chưa trừ được tận gốc chiến tranh. Và bao lâu nguy cơ chiến tranh còn tồn tại, bao lâu thẩm quyền quốc tế chưa có đủ thế lực và sức mạnh, thì các chính phủ, sau khi đã dùng hết mọi phương thế ôn hòa, được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng. Như thế, các thủ lãnh quốc gia và những ai có trách nhiệm trong đất nước có bổn phận phải bảo vệ dân chúng đã được ủy thác cho mình, nhưng phải cân nhắc cẩn thận trong những vấn đề nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, chiến đấu để bảo vệ dân tộc một cách chính đáng là một việc, còn mưu toan đặt ách đô hộ trên các quốc gia khác lại là việc khác. Phải kể là bất hợp pháp mọi hành động sử dụng sức mạnh vũ khí vào mục tiêu chính trị hay quân sự, và khi xảy ra điều đáng buồn là chiến tranh đã khai diễn, thì không phải vì thế mà các phe tham chiến được phép làm gì thì làm.

Đối với những ai đang phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ hãy nghĩ mình là những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc, và nếu chu toàn được bổn phận này, họ thực sự đã góp phần vào việc củng cố hòa bình.

80

Chiến tranh toàn diện

Sự phát triển khí giới khoa học càng làm cho chiến tranh trở nên đáng sợ và tác hại khôn lường. Thật vậy, những hành động hiếu chiến đi đôi với việc sử dụng những thứ vũ khí này có thể mang đến những tàn phá lớn lao và gây hại cho mọi người, do đó vượt xa giới hạn của một hành động tự vệ chính đáng. Hơn nữa, nếu tất cả những phương tiện hiện có trong các kho vũ khí của các cường quốc được đem ra sử dụng, thì sẽ có một cuộc tương tàn hầu như hoàn toàn và cả hai bên tham chiến đều sẽ bị tận diệt, đó là chưa kể đến việc trái đất sẽ hứng chịu cảnh tan hoang và những hậu quả tàn khốc do việc sử dụng những khí giới ấy.

Tất cả những điều nói trên buộc chúng ta phải đổi mới toàn bộ cách nhìn của chúng ta về chiến tranh.165 Con người thời đại này phải biết nghiêm túc quan tâm đến những hành động liên quan đến chiến tranh, vì bước tiến của các thế hệ mai ngày sẽ tùy thuộc nhiều vào những quyết định của họ hôm nay.

Trước tình trạng đó, đồng thuận với những lời kết án về chiến tranh toàn diện của những vị Giáo Hoàng gần đây,166 Thánh Công Đồng tuyên bố:

Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi toàn bộ một thành phố hay một lãnh thổ rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người, vì vậy phải cực lực và không ngần ngại lên án tội ác đó.

Sự tai hại đặc biệt của chiến tranh hiện nay nằm ở chỗ nó tạo cơ hội cho những người có khí giới tối tân phạm vào những tội ác như đã nói và hậu quả gần như khó tránh khỏi, là có thể thúc đẩy ý muốn con người đi tới những quyết định hiểm độc nhất. Vậy, để cho thảm trạng đó không bao giờ xảy đến, các Giám mục trên toàn thế giới đồng tâm tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là những nhà cầm quyền các quốc gia cũng như những vị chỉ huy quân sự, hãy luôn luôn cân nhắc trách nhiệm lớn lao của mình trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.

81

Thi đua vũ trang

Những vũ khí khoa học rõ ràng không phải được thu trữ chỉ để sử dụng khi xảy ra chiến tranh. Thật vậy, chính nhận định cho rằng sức mạnh tự vệ của mỗi phe tùy thuộc vào khả năng nhanh chóng trả đũa đối phương, đã đưa đến việc tích trữ vũ khí mỗi năm một gia tăng, như là phương thức mới nhằm đe dọa đối phương có thể bất thần tấn công. Nhiều người cho rằng đó là cách thức hữu hiệu nhất để bảo toàn hòa bình giữa các quốc gia ngày nay.

Dù cho phương cách ngăn chặn đối phương này mang hình thức nào đi nữa, con người vẫn phải xác tín rằng cuộc chạy đua vũ trang, công việc mà khá nhiều quốc gia đang theo đuổi, không phải là một con đường an toàn để duy trì hòa bình một cách vững chắc, cũng như cái gọi là thế cân bằng lực lượng xuất phát từ việc thi đua đó cũng không phải là hòa bình chắc chắn và đích thực. Với cách thức đó, những nguyên nhân của chiến tranh không hề bị loại bỏ, trái lại còn có nguy cơ trở nên trầm trọng thêm hơn. Khi quá nhiều tài nguyên bị tiêu hao trong việc sáng chế những thứ vũ khí mới, thì những gì cần thiết cho việc chữa trị biết bao khốn khổ hiện tại của thế giới sẽ không được đáp ứng đầy đủ. Thay vì lo hàn gắn thật sự và triệt để những chia rẽ giữa các quốc gia, người ta lại làm cho những chia rẽ ấy lan rộng đến các vùng khác trên thế giới. Phải biết chọn những đường hướng mới bắt đầu từ việc canh tân tâm hồn để chấm dứt tệ trạng đó, để giải thoát thế giới khỏi mối âu lo đang đè nặng, và để hòa bình đích thực có thể được vãn hồi.

Bởi thế, cần phải tuyên bố một lần nữa: cuộc chạy đua vũ trang gây nên thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho nhân loại và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể chấp nhận được. Điều đáng lo sợ là cuộc chạy đua vũ trang, nếu vẫn còn tiếp diễn, đang chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để một ngày nào đó sẽ gây ra những thảm cảnh chết chóc tang thương.

Được cảnh báo trước về những tai họa mà nhân loại có thể gây nên, chúng ta hãy lợi dụng thời gian đang còn đây, để với ý thức rõ rệt hơn về trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ tìm được những phương thế giúp giải quyết các cuộc tranh chấp theo cách thế xứng đáng với con người hơn. Thiên Chúa quan phòng không ngừng đòi hỏi chúng ta phải tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chiến tranh đã có từ xưa. Do đó, nếu khước từ mọi cố gắng nói trên, chúng ta không biết sẽ đi về đâu trên con đường tội ác mà mình đã bước vào.

82

Triệt để cấm gây chiến, cổ võ hoạt động quốc tế nhằm tránh chiến tranh

Bởi thế, rõ ràng là chúng ta phải hết sức nỗ lực để chuẩn bị cho thời điểm mà tất cả các quốc gia đều đồng thuận trong việc triệt để ngăn cấm chiến tranh. Điều đó chắc chắn đòi hỏi phải thiết lập một công quyền quốc tế được mọi người thừa nhận, có thực lực hữu hiệu để bảo đảm cho mọi người cả về an ninh, về nghĩa vụ thực thi công bằng cũng như tôn trọng nhân quyền. Nhưng trước khi thiết lập được quyền bính đáng mong mỏi ấy, các cơ quan tối cao quốc tế hiện hành cần phải đem hết nỗ lực để nghiên cứu các phương thế thích hợp nhất để đem lại an ninh cho cộng đồng. Vì hòa bình phải phát sinh từ sự tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc, chứ không là thứ hòa bình miễn cưỡng giữa các quốc gia do sợ hãi khí giới của nhau, nên tất cả cần phải cố gắng để chặn đứng cuộc chạy đua vũ trang; để bắt đầu thực hiện việc tài giảm binh bị, vốn không thể là một hành động đơn phương nhưng phải có sự thỏa thuận đồng bộ, kèm theo những bảo đảm thực sự và hữu hiệu.167

Trong lúc chờ đợi, không nên coi thường những nỗ lực đã có và đang có cho tới nay để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Điều cần làm là phải nâng đỡ thiện chí của một số đông người, dù đang có rất nhiều bận tâm trong phận vụ lãnh đạo, nhưng vẫn ý thức được trách nhiệm vô cùng nặng nề họ đang đảm nhận, nên đã tận lực loại trừ chiến tranh mà họ vẫn kinh tởm, ngay cả lúc phải đối mặt với những tình huống cụ thể đầy phức tạp. Hơn nữa, phải luôn luôn cầu xin Thiên Chúa ban cho họ nghị lực để bền tâm tiến tới và can đảm hoàn tất công trình của tình yêu thương cao cả đối với con người là kiên quyết xây dựng hòa bình. Ngày nay, chắc chắn công trình đó đòi hỏi họ phải có tâm hồn và tinh thần rộng mở vượt khỏi ranh giới quốc gia, phải từ bỏ tính tự ái dân tộc và tham vọng thống trị các quốc gia khác, phải nuôi dưỡng lòng tôn trọng sâu xa đối với toàn thể nhân loại đang vất vả tiến tới một sự thống nhất hoàn hảo hơn.

Hiện nay đã có những nghiên cứu tỉ mỉ, tích cực và kiên trì cũng như những hội nghị quốc tế thảo luận về vấn đề hòa bình và giải giới, hãy xem đó như là bước đi đầu tiên trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng này, và trong tương lai, càng phải hành động cấp bách hơn nữa để đạt được những kết quả thực tiễn. Tuy nhiên, không được ỷ lại vào cố gắng của một vài người để rồi quên đi tinh thần mà mỗi người cần phải có. Thật vậy, các nhà lãnh đạo quốc gia, những người vừa phải lo cho thiện ích của dân tộc mình, vừa phải đem lại công ích cho toàn thể thế giới, cũng tùy thuộc rất nhiều vào quan điểm và tâm tình của quần chúng. Bao lâu những tâm tình thù hận, khinh miệt và nghi kỵ, những xung đột sắc tộc cũng như những ý thức hệ cố chấp vẫn còn gây nên chia rẽ và đối nghịch giữa con người với nhau, thì các nhà lãnh đạo các quốc gia có cố công xây dựng hòa bình cũng vẫn vô ích. Do đó, cần phải cấp thiết canh tân việc giáo dục tinh thần và khơi dậy ý hướng mới cho dư luận quần chúng. Những ai đang nhiệt tình dấn thân trong công tác giáo dục, nhất là giáo dục giới trẻ, hoặc hướng dẫn dư luận quần chúng phải nhớ rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là ghi khắc vào tâm trí mọi người những cảm thức mới về hòa bình. Tất cả chúng ta đều có bổn phận thay đổi tâm hồn, phải mở rộng tầm nhìn về thế giới và về những hoạt động mà chúng ta có thể cùng nhau đảm nhận để làm cho nhân loại tiến triển tốt đẹp hơn.

Đừng để những hy vọng hão huyền lừa dối chúng ta. Thật vậy, nếu chưa loại bỏ được hiềm khích và hận thù, chưa ký kết được những hiệp ước vững chắc và chân thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng trong tương lai, thì nhân loại hiện đang bị khủng hoảng trầm trọng, dù đã đạt tới một nền khoa học rất cao, vẫn có nguy cơ sẽ tiến dần đến giờ phút bi thảm nhất, lúc mà nhân loại sẽ không còn gặp được hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc. Tuy nhiên, khi nói lên những điều đó, Giáo Hội Chúa Ki-tô đang hiện diện giữa những lo âu của thời đại này vẫn luôn giữ vững niềm hy vọng. Bây giờ cũng như bao nhiêu lần khác, vào lúc thuận lợi hay không thuận lợi, Giáo Hội vẫn muốn loan báo cho thời đại hôm nay sứ điệp của các Tông đồ: “đây là thời thuận tiện” để cải thiện tâm hồn, “đây là ngày cứu độ”.168

ĐOẠN 2. XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

83

Nguyên nhân bất hòa và phương dược chữa trị

Để xây dựng hòa bình, trước hết cần phải tận diệt những nguyên nhân gây bất hòa giữa con người với nhau, đặc biệt là những bất công, vì đó chính là mầm mống của chiến tranh. Một số không ít những nguyên nhân này bắt nguồn từ những chênh lệch thái quá trong lãnh vực kinh tế, cũng như từ việc trì hoãn những phương thức điều chỉnh cần thiết. Một số nguyên nhân khác phát sinh từ đầu óc thống trị và miệt thị con người, và nếu tìm hiểu những lý do sâu xa hơn, thì đó là lòng tham lam, nghi kỵ, kiêu căng và những đam mê ích kỷ khác. Vì con người không thể chịu đựng được bao nhiêu hỗn loạn ấy, cho nên dù không có chiến tranh tàn khốc, thế giới vẫn không ngừng bị xáo trộn bởi những tranh chấp và những hành vi bạo lực giữa con người với nhau. Hơn nữa, những tệ hại này cũng xuất hiện trong chính những tương quan giữa các quốc gia, nên, để vượt qua hay ngăn ngừa những tệ hại đó và chặn đứng không để bùng phát bạo động, nhất thiết phải phối hợp và tổ chức các cơ quan quốc tế một cách tốt đẹp và vững chắc hơn, cũng như phải luôn khuyến khích việc thành lập những cơ quan cổ võ cho hòa bình.

84

Cộng đồng các dân tộc và các cơ quan quốc tế

Ngày nay mối tương quan giữa các công dân và các dân tộc trên thế giới mỗi ngày một thêm chặt chẽ, do đó, để nghiên cứu cách thích ứng và thực hiện cách hữu hiệu hơn những thiện ích của cả nhân loại, cộng đồng các dân tộc cần phải được tổ chức theo một thể thức hợp với những gì phải làm hiện nay, nhất là trong những vấn đề liên quan đến rất nhiều vùng cho tới nay vẫn còn đang chịu cảnh túng thiếu cơ cực.

Để đạt được những mục tiêu ấy, các cơ quan của cộng đồng quốc tế, tùy theo phận vụ của mình, phải đáp ứng những nhu cầu đa dạng của con người trong lãnh vực xã hội như lương thực, sức khỏe, giáo dục, lao động, cũng như trong những hoàn cảnh đặc biệt có thể gặp tại vài nơi, chẳng hạn cần phải hỗ trợ sự tăng trưởng toàn diện của các nước đang phát triển, giải quyết tình trạng khốn khổ của những người tị nạn tại nhiều nơi trên thế giới, hoặc cứu trợ những người di cư và gia đình họ.

Các cơ quan quốc tế đang hoạt động trên toàn thế giới hay tại địa phương thật đáng được nhân loại ghi ơn. Những tổ chức này tựa như những cố gắng đầu tiên nhằm đặt nền móng quốc tế cho cả cộng đồng nhân loại, để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta, đó là cổ võ sự phát triển khắp nơi và ngăn ngừa mọi hình thức chiến tranh. Trong tất cả những lãnh vực này, Giáo Hội vui mừng khi thấy tinh thần huynh đệ đích thực đang nảy nở giữa các Ki-tô hữu và những người ngoài Ki-tô giáo; tinh thần đó nhằm giúp họ gia tăng thêm mãi nỗ lực xoa dịu nỗi thống khổ bao la của nhân loại.

85

Cộng tác quốc tế trong lãnh vực kinh tế

Tình liên đới giữa nhân loại ngày nay cũng đòi hỏi phải thiết lập một sự cộng tác quốc tế rộng rãi hơn trong lãnh vực kinh tế. Thật vậy, mặc dù hầu hết các quốc gia đều đã độc lập, nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi ngay được tình trạng bất bình đẳng quá cách biệt cũng như mọi hình thức lệ thuộc không đáng có, và cả nguy cơ gặp nhiều khó khăn nội bộ nghiêm trọng.

Sự phát triển của mỗi quốc gia tùy thuộc vào những hỗ trợ về nhân sự và tài chánh. Chương trình giáo dục và huấn nghệ rất cần để chuẩn bị cho dân chúng trong mỗi quốc gia đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau trong đời sống kinh tế và xã hội. Việc đó cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia ngoại quốc, và những người này, khi thực hiện công việc ấy, đừng xử sự như những ông chủ, nhưng như những người hỗ trợ và cộng tác. Sự viện trợ vật chất cho các quốc gia đang phát triển sẽ khó thực hiện nếu không có những thay đổi sâu rộng trong chính sách thương mại hiện nay trên thế giới. Ngoài ra, cũng cần có chương trình viện trợ từ các quốc gia tiến bộ dưới nhiều dạng thức khác nhau như tặng phẩm, cho vay hoặc đầu tư tài chánh; trong việc này, bên cho phải làm với lòng quảng đại chứ không vì tham lam, và bên nhận cũng phải thật liêm chính công minh.

Muốn xây dựng một trật tự kinh tế đích thực cho thế giới, cần phải dập tắt lòng ham lợi quá đáng, những tham vọng quốc gia, những âm mưu bá chủ chính trị, những toan tính độc tài quân phiệt cũng như mọi ý đồ tuyên truyền và áp đặt ý thức hệ. Hiện có rất nhiều hệ thống kinh tế và xã hội đã được đề ra, ước gì các nhà chuyên môn có thể dựa vào đó để đặt ra những cơ sở chung cho một nền mậu dịch quốc tế lành mạnh; điều đó sẽ dễ dàng hơn nếu mỗi người từ bỏ thành kiến riêng và không ngại đối thoại một cách chân thành.

86

Vài tiêu chuẩn thích hợp

Những tiêu chuẩn sau đây xem ra thích hợp cho việc cộng tác trên:

a) Các dân tộc đang phát triển cần chú tâm nhiều đến việc khẳng định quyết tâm mưu tìm sự tăng trưởng toàn vẹn cho người công dân như là mục tiêu của sự tiến bộ. Họ phải nhớ rằng sự tiến bộ phát sinh và tăng triển trước tiên nhờ vào lao động và năng lực của chính dân tộc mình; thật vậy, sự tiến bộ không thể chỉ nhờ vào viện trợ của nước ngoài, nhưng trước hết phải dựa trên việc huy động toàn bộ nguồn tài nguyên của đất nước cũng như việc phát triển văn hóa và truyền thống riêng của chính mình. Trong lãnh vực này, những ai có nhiều ảnh hưởng trên người khác cần phải được trọng dụng.

b) Các quốc gia tiến bộ phải đảm nhận trọng trách giúp đỡ các nước đang phát triển hoàn tất các công việc đó. Vì thế, ngay trong đất nước mình, họ phải vận động về tinh thần cũng như vật chất cần thiết để thiết lập sự cộng tác đại đồng này.

Như thế, trong giao dịch thương mại, các nước giàu phải quan tâm đặc biệt đến lợi ích của các quốc gia nghèo yếu hơn, vì chính nguồn lợi từ những sản phẩm bán ra rất cần cho nhu cầu sinh hoạt tại các quốc gia này.

c) Cộng đồng quốc tế có bổn phận phối hợp và cổ võ sự phát triển, tuy nhiên phải liệu sao để tài nguyên dành cho mục đích ấy được phân phối thật hữu hiệu và hoàn toàn công bằng. Phận vụ của cộng đồng này là, trong khi vẫn giữ nguyên tắc liên quan đến việc trợ cấp, phải điều phối sao cho các mối bang giao kinh tế trên toàn thế giới được thể hiện theo đúng quy chuẩn công bình.

Phải thiết lập những tổ chức có thể phát huy và điều hành nền mậu dịch quốc tế, nhất là với các quốc gia kém mở mang, để bù đắp những khuyết điểm do sự chênh lệch thái quá về năng lực giữa các quốc gia. Phương thức tổ chức đó, cùng với những hỗ trợ về kỹ thuật, văn hóa và tài chánh, sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có những phương tiện cần thiết để có thể mở mang kinh tế một cách thích hợp.

d) Nhiều trường hợp đòi hỏi phải cấp bách xét lại các cơ cấu kinh tế và xã hội; tuy nhiên phải coi chừng những giải pháp kỹ thuật chưa được suy xét chín chắn, nhất là những giải pháp đi ngược lại đặc tính thiêng liêng và sự thăng tiến của con người, dù có đem đến những tiện ích vật chất: vì “con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Bất cứ phần tử nào của gia đình nhân loại cũng đều mang trong mình và trong những truyền thống tốt đẹp nhất của mình, một phần kho tàng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại, dù nhiều người chưa nhận biết Đấng đã ban cho họ những điều tốt đẹp đó.

87

Hợp tác quốc tế trong vấn đề gia tăng dân số

Sự hợp tác quốc tế là một vấn đề hết sức cần thiết, khi một số dân tộc ngày nay, ngoài bao nhiêu khó khăn khác, còn rất thường gặp phải một số khó khăn đặc biệt nữa phát sinh từ sự gia tăng dân số quá nhanh. Điều đang cần cấp thiết thực hiện là nhờ vào sự hợp tác toàn diện và đắc lực của mọi quốc gia, nhất là những nước giàu, phải nghiên cứu làm sao để có thể cung cấp và chia sẻ cho toàn thể nhân loại những gì cần thiết cho sự sống và cho việc giáo dục xứng hợp của con người. Thật vậy, một số quốc gia sẽ có thể cải thiện điều kiện sinh sống của họ rất nhiều nếu được huấn luyện đầy đủ, để chuyển từ những phương pháp canh tác nông nghiệp lạc hậu đến những kỹ thuật tối tân, được khéo léo ứng dụng vào những hoàn cảnh thực tế, đồng thời cũng cần thiết lập một trật tự xã hội tốt đẹp hơn và phân chia đất đai cách công bình hơn.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, dĩ nhiên chính phủ có quyền và có bổn phận đối với những vấn đề về dân số trong quốc gia mình: chẳng hạn vấn đề liên quan đến luật xã hội và gia đình, vấn đề di dân từ thôn quê về thành thị, vấn đề thông tin về tình hình và nhu cầu quốc gia. Ngày nay, người ta chú trọng rất nhiều đến vấn đề này, do đó, ước gì những người công giáo chuyên môn trong lãnh vực đó, nhất là trong các Đại học, hãy kiên nhẫn theo đuổi và phát huy sâu rộng hơn nữa việc học hỏi cũng như các công trình nghiên cứu.

Vì có nhiều người chủ trương cần phải giảm thiểu hoàn toàn tình trạng gia tăng dân số trên thế giới, hay ít ra tại một vài quốc gia, bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền, nên Công Đồng khuyến cáo mọi người phải chối từ những giải pháp đi ngược lại luật luân lý nhưng đang được đề cao một cách công khai hay riêng tư và đôi khi có tính cách bắt buộc. Thật vậy, vì kết hôn và sinh sản là quyền bất khả nhượng của con người, nên việc quyết định số con cái sẽ sinh ra tùy thuộc ở phán đoán đúng đắn của cha mẹ chứ không thể để cho chính quyền ấn định. Tuy nhiên, sự phán đoán của cha mẹ phải dựa trên một lương tâm ngay thẳng, do đó điều quan trọng là làm sao cho mọi người đạt được một trình độ trách nhiệm thích đáng và thật sự của một con người, một trách nhiệm biết cân nhắc mọi tình huống trong từng thời điểm nhưng vẫn luôn tôn trọng lề luật Thiên Chúa. Điều này còn đòi hỏi phải cải thiện khắp nơi tình trạng giáo dục và xã hội, nhất là cần phải có một nền giáo dục tôn giáo hay ít ra phải có một nền giáo dục đầy đủ về luân lý. Ngoài ra, dân chúng cần phải được thông tin chính xác về những tiến bộ khoa học trong việc tìm kiếm các phương pháp có thể giúp đôi vợ chồng điều hòa sinh sản, miễn là các phương pháp này được chứng minh rõ ràng là có hiệu quả và được nhìn nhận là phù hợp với luân lý.

88

Bổn phận của ki-tô hữu trong việc cứu trợ

Các Ki-tô hữu phải tự nguyện và quảng đại cộng tác vào việc xây dựng một cơ chế quốc tế biết thật sự tôn trọng những quyền tự do hợp pháp và đầy tình huynh đệ thân ái giữa tất cả mọi người. Họ càng phải sẵn lòng thực hiện việc đó khi đại đa số nhân loại vẫn còn đang đau khổ trong cảnh bần cùng, đến nỗi chính Chúa Ki-tô hiện thân nơi những kẻ nghèo khổ, như đang lớn tiếng đòi hỏi các môn đệ của Người phải thực thi bác ái. Vì thế, đừng để xảy ra gương mù như trường hợp một vài quốc gia có đa số dân chúng mang danh Ki-tô hữu đang thản nhiên hưởng thụ quá nhiều của cải, trong lúc nhiều quốc gia khác sống thiếu thốn cùng cực, bị đói khát, bệnh tật và đủ mọi thứ bất hạnh dày vò. Tinh thần khó nghèo và bác ái mới là vinh dự và dấu chứng của Giáo Hội Chúa Ki-tô.

Thế nên, phải khen ngợi và cổ võ những Ki-tô hữu, nhất là các bạn trẻ, tự nguyện hiến thân phục vụ tha nhân và các dân tộc. Hơn thế nữa, toàn thể Dân Chúa theo gương sống và lời giảng dạy của các Giám mục, có bổn phận dùng mọi khả năng để xoa dịu những nỗi khốn cùng của thời đại ngày nay, và như Giáo Hội thời xưa quen làm, họ không chỉ cho đi những thứ mình có dư thừa, nhưng cả những gì đang cần cho chính bản thân.

Cách thức lạc quyên và phân phối viện trợ có thể linh động và không đồng loạt, nhưng cần phải được thực hiện theo kế hoạch tại các giáo phận, các quốc gia và trên toàn thế giới; và ở bất cứ nơi nào xem ra thuận tiện, các tín hữu công giáo nên hợp tác hoạt động với các anh em Ki-tô hữu khác. Tinh thần bác ái không ngăn trở nhưng trái lại còn đòi hỏi phải tiên liệu và tổ chức thật quy củ các hoạt động xã hội cũng như từ thiện. Vì thế, những người tình nguyện dấn thân phục vụ các quốc gia đang phát triển cần phải được huấn luyện đầy đủ tại các trụ sở đào tạo chuyên môn.

89

Sự hiện diện hữu hiệu của Giáo Hội trong cộng đồng quốc tế

Với sứ mạng do Chúa ủy thác, Giáo Hội rao giảng Tin Mừng và phân phát các kho tàng ân sủng cho tất cả mọi người; và ở bất cứ nơi nào trên hoàn cầu, Giáo Hội cũng góp phần củng cố hòa bình và thiết lập nền tảng vững chắc cho tình liên đới huynh đệ giữa mọi người cũng như giữa các dân tộc bằng cách làm cho mọi người nhận biết lề luật Thiên Chúa và luật tự nhiên. Vì thế, Giáo Hội phải luôn luôn hiện diện giữa lòng các dân tộc để khơi động và thôi thúc sự hợp tác giữa mọi người qua các cơ sở hoạt động chính thức cũng như nhờ sự cộng tác tận lực và chân thành của mọi Ki-tô hữu, phát xuất từ ước nguyện duy nhất là phục vụ tất cả mọi người.

Sự cộng tác ấy sẽ hiệu quả hơn, nếu chính các tín hữu, với ý thức trách nhiệm làm người và làm Ki-tô hữu, nỗ lực phát động thiện chí sẵn sàng cộng tác với cộng đồng quốc tế ngay trong môi trường sinh hoạt của mình. Nên đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo các thế hệ trẻ về vấn đề này trong chương trình giáo dục tôn giáo cũng như huấn luyện công dân.

90

Vai trò của các ki-tô hữu trong những tổ chức quốc tế

Cách thức hoạt động quốc tế tuyệt hảo nhất của các Ki-tô hữu chính là tham gia, hoặc cá nhân hoặc tập thể, vào những tổ chức hiện có hay sắp hình thành nhằm cổ võ việc cộng tác giữa các quốc gia. Ngoài ra, những hiệp hội công giáo quốc tế khác nhau cũng có thể đóng góp nhiều hoạt động để xây dựng một cộng đồng hòa bình và huynh đệ giữa các dân tộc. Phải củng cố các hiệp hội này bằng cách gia tăng số hội viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng, tăng cường các phương tiện cần thiết cũng như phối hợp chặt chẽ các năng lực hoạt động. Thật vậy, trong thời đại chúng ta hiện nay, những sáng kiến tập thể rất cần để có thể vừa hoạt động hữu hiệu vừa thỏa mãn nhu cầu đối thoại. Hơn nữa, những hình thức tổ chức ấy góp phần không ít vào việc gia tăng ý thức đại đồng là điều rất phù hợp với người công giáo, đồng thời cũng làm nảy sinh ý thức liên đới và trách nhiệm quốc tế thực sự.

Sau cùng, ước mong rằng người công giáo, để thực thi trọn vẹn nghĩa vụ của mình trong cộng đồng quốc tế, hãy tìm cách hợp tác tích cực và thiết thực với các anh em ly khai cùng tuyên xưng một tình bác ái theo Tin Mừng, cũng như với tất cả mọi người đang khao khát nền hòa bình đích thực.

Ngày nay, khi nhìn vào nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đa số nhân loại, và để duy trì công lý cũng như tình yêu Chúa Ki-tô đối với người nghèo khổ ở khắp nơi, Công Đồng nhận thấy đây là lúc thích hợp để thiết lập một cơ quan cho Giáo Hội toàn cầu, có nhiệm vụ thôi thúc cộng đoàn công giáo hỗ trợ sự phát triển của các vùng nghèo khổ cũng như cơ chế công bình xã hội giữa các quốc gia.

KẾT LUẬN

91

Bổn phận của mỗi tín hữu và của các Giáo Hội địa phương

Từ những điều được rút ra từ kho tàng giáo lý của Giáo Hội, Thánh Công Đồng vừa đưa ra những đề nghị nhằm mục đích giúp đỡ mọi người thời nay, hoặc tin Thiên Chúa hoặc chưa minh nhiên nhìn biết Ngài, nhận thức rõ ràng hơn về ơn gọi toàn diện của mình, xây dựng thế giới cho hợp với phẩm giá siêu việt của con người hơn, tìm kiếm một tình huynh đệ đại đồng được thiết lập vững chắc hơn, và đáp lại những đòi hỏi khẩn thiết của thời đại hôm nay trong một nỗ lực quảng đại hợp tác dưới sự thúc đẩy của tình yêu.

Thật vậy, trước những hoàn cảnh và những hình thức văn hóa vô cùng đa dạng của nhân loại trên thế giới, những đề nghị trên đây trong nhiều điểm chỉ cố ý trình bày một cách tổng quát; hơn nữa, vì phần lớn có liên hệ đến những vấn đề còn đang biến chuyển không ngừng, nên giáo huấn được trình bày ở đây, tuy đã được Giáo Hội công nhận, cũng cần được khai triển và tiếp tục nghiên cứu thêm nữa. Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc rằng những điều mà chúng tôi loan báo dựa trên Lời Chúa và tinh thần Tin Mừng, có thể giúp ích cho nhiều người, nhất là khi các tín hữu, theo sự hướng dẫn của các vị chủ chăn, cố gắng thực hiện việc thích nghi cần thiết cho từng quốc gia và từng tâm thức khác nhau.

92

Đối thoại giữa mọi người

Với sứ mạng đem sứ điệp Tin Mừng soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, nhân tố tạo điều kiện và củng cố cho cuộc đối thoại chân thành.

Vậy, trước hết, chúng tôi muốn cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quý mến, tôn trọng và đoàn kết với nhau bằng cách chấp nhận mọi dị biệt chính đáng, để cuộc đối thoại giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay Ki-tô hữu, luôn mang lại những lợi ích tốt đẹp. Thật vậy, những điều gây chia rẽ không thể lấn át những yếu tố liên kết các tín hữu, đó là sự hợp nhất trong những điều thiết yếu, tự do trong những điểm còn nghi ngờ, bác ái trong tất cả mọi sự.169

Đồng thời, chúng tôi cũng thân ái nghĩ đến những người anh em và các cộng đồng, tuy chưa hiệp thông trọn vẹn, nhưng vẫn liên kết với chúng ta trong niềm tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cũng như trong cùng một đức ái; và xin đừng quên rằng hiện nay, rất nhiều người, dù không tin vào Chúa Ki-tô, vẫn mong muốn và trông đợi sự hợp nhất giữa các Ki-tô hữu. Thật vậy, khi sự hợp nhất trong chân lý và tình yêu nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần càng tiến triển, thì càng tiên báo rõ rệt hơn sự hợp nhất và hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, chúng ta hãy cùng chung sức đạt đến mục tiêu cao cả ấy bằng những phương thức ngày càng thích hợp hơn, để khi biết kiện toàn nếp sống theo Tin Mừng, chúng ta sẽ cùng hợp tác trong tình huynh đệ nhằm phục vụ gia đình nhân loại, một cộng đồng luôn được mời gọi để gia nhập gia đình con cái Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô.

Chúng tôi cũng thành tâm hướng đến tất cả những ai đã nhận biết Thiên Chúa và đang giữ gìn các yếu tố truyền thống quý giá về tôn giáo và nhân bản, với ước mong tinh thần đối thoại cởi mở, sẽ dẫn đưa tất cả chúng ta đến thái độ chân thành đón nhận và tích cực thực hiện những gì Chúa Thánh Thần thôi thúc.

Trong cuộc đối thoại tìm đến chân lý nhờ bác ái yêu thương, dĩ nhiên với cả sự khôn ngoan thích hợp, chúng tôi không muốn loại trừ ai, dù đó là những người đang chú tâm vào những giá trị tinh thần nhân bản cao quý nhưng lại chưa nhận biết Đấng Tạo Thành, hay đó là những kẻ chống đối và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách. Vì Thiên Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm anh em với nhau. Và vì thế, được kêu gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực.

93

Xây dựng và dẫn đưa thế giới tới cùng đích

Nhớ lại Lời Chúa: “Nếu các con thương yêu nhau, mọi người sẽ căn cứ vào đó mà nhận biết các con là môn đệ Thầy” (Ga 13,35), người Ki-tô hữu chỉ tha thiết ước mong luôn được phục vụ con người trong thế giới ngày nay cách quảng đại và hữu hiệu hơn. Thật vậy, trong khi trung thành gắn bó với Tin Mừng và hoạt động nhờ năng lực của Tin Mừng, cũng như liên kết với tất cả những ai yêu chuộng và thực thi công bình, các Ki-tô hữu nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao mà họ phải chu toàn ở trần gian này và phải trả lẽ với Đấng sẽ phán xét mọi người trong ngày sau hết. Không phải những ai nói “lạy Chúa, lạy Chúa” sẽ được vào Nước trời, nhưng chỉ có những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha170 và can đảm làm việc. Và ý của Chúa Cha là chúng ta nhận ra Chúa Ki-tô như người anh của chúng ta nơi tất cả mọi người, đồng thời thể hiện tình yêu thương thật sự trong lời nói cũng như trong việc làm, đây chính là cách chúng ta làm chứng cho Chân Lý và chia sẻ cho tha nhân mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha trên trời. Nhờ đó, mọi người trên khắp địa cầu sẽ sống mãnh liệt trong niềm hy vọng do Chúa Thánh Thần ban tặng, để sau cùng được hưởng bình an và hạnh phúc tuyệt vời trên quê trời ngập tràn vinh quang Thiên Chúa.

“Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta mà làm nên mọi sự, vượt quá cả những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới, xin tôn vinh Ngài trong Giáo Hội và nơi Đức Giê-su Ki-tô đến muôn thuở muôn đời. A-men” (Ep 3,20-21).

Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Ki-tô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rô-ma, tại Đền Thánh Phê-rô, ngày 7 tháng 12 năm 1965

Tôi, PHAO-LÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo

(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

Chú thích 2

105 x. T. AUGUSTINÔ, De bono conjugali: PL 40, 375-376 và 394; T. TÔ-MA, Summa Theol., Suppl. Quaest. 49, art. 3 ad 1; Decretum pro Armenis: DS 702 (1327); PI-Ô XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1933), tr. 543-555; DS 2227-2238 (3703-3714).

106 x. PI-Ô XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 546-547; DS 2231 (3706).

107 x. Os 2; Gr 3,6-13; Ez 16 và 23; Is 54.

108 x. Mt 9,15; Mc 2, 19-20; Lc 5,34-35; Ga 3,29; 2 Cor 11,2; Ep 5,27; Kh 19,7-8; 21,2 và 9.

109 x. Ep 5,25.

110 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 11. 35. 41.

111 x. PI-Ô XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 583.

112 x. 1 Tm 5,3.

113 x. Ep 5,32.

114 x. St 2,22-24; Cn 5,18-20; 31,10-31; Tb 8,4-8; Dc 1,1-3; 2,16; 4,16-5,1; 7,8-11; 1 Cr 7,3-6; Ep 5,25-33.

115 x. PI-Ô XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 547-548; DS 2232 (3707).

116 x. 1 Cr 7,5.

117 x. PI-Ô XII, Huấn từ Tra le Visite, 20.1.1958: AAS 50 (1958), tr. 91.

118 x. PI-Ô XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 559-561: DS 2239-2241 (3716-3718); PI-Ô XII, Huấn từ cho Đại hội Hiệp hội các Nữ Hộ Sinh Ý, 29.10.1951: AAS 43 (1951), tr. 835-854; PHAO-LÔ VI, Huấn từ cho các Nghị phụ Hồng Y, 23.6.1964: AAS 56 (1964), tr. 581-589. Theo lệnh của Đức Giáo Hoàng, một số vấn đề cần tìm hiểu sâu xa hơn đã được trao cho một ủy ban đặc trách nghiên cứu về dân số, gia đình, tỉ lệ sinh sản, để sau khi có được kết quả, Đức Giáo Hoàng sẽ đưa ra quyết định. Thánh Công Đồng vẫn giữ giáo huấn hiện thời của Giáo Hội, không có ý đưa ra ngay những giải pháp cụ thể.

119 x. Ep 5,16; Cl 4,5.

120 x. Sacramentarium Gregorianum: PL 78, 262.

121 x. Rm 5,15 và 18; 6, 5-11; Gl 2,20.

122 x. Ep 5,25-27.

123 x. Phần Nhập đề của Hiến chế này, số 4-10.

124 x. Cl 3,1-2.

125 x. St 1,28.

126 x. Cn 8,30-31.

127 x. T. IRÊNÊ, Adv Haer. III, 11, 8: Sagnard, tr. 200; x. nt., 16, 6: tr. 290-292; 21, 10-22: tr. 370-372; 22, 3: tr. 378; v.v…

128 x. Ep 1,10.

129 x. Lời Đức Piô XI nói với Đức Giám mục Roland-Gosselin: Semaines sociales de France, Versailles, 1963, tr. 461-462.

130 CĐ VA-TI-CA-NÔ I, Hiến chế tín lý về Đức tin Công giáo Dei Filius, ch. IV: DS 1695, 1799 (3015-3019); x. PI-Ô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 190.

131 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 260.

132 x. nt.: AAS 55 (1963), tr. 283; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh 24.12.1941: AAS 34 (1942), tr. 16-17.

133 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 260.

134 x. GIO-AN XXIII, Diễn văn khai mạc Công Đồng, 11.10.1962: AAS 54 (1962), tr. 792.

135 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánhSacrosanctum Concilium, 123; PHAO-LÔ VI, Discorso agli artisti romani, 7.5.1964: 56 (1964), tr. 439-442.

136 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Sắc lệnh về Đào tạo linh mụcOptatam Totius và Tuyên ngôn về Giáo dục Ki-tô giáo Gravissimum Educationis.

137 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 37.

138 x. PI-Ô XII, Sứ điệp ngày 23.3.1952: AAS 44 (1952), tr. 273; GIO-AN XXIII, Huấn từ cho Đoàn Lao công Công Giáo Tiến Hành Ý, A.C.L.I., 1.5.1959: AAS 51 (1959) tr. 358.

139 x. PI-Ô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 190tt.; PI-Ô XII, Sứ điệp ngày 23.3.1952: AAS 44 (1952), tr. 276tt.; GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 450; CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Sắc lệnh về Các phương tiện truyền thông xã hộiInter Mirifica, ch. I, số 6: AAS 56 (1964), tr. 147.

140 x. Mt 16,26; Lc 16,1-31; Cl 3,17.

141 x. LÊ-Ô XIII, Thông điệp Libertas praestantissimum, 20.6.1888: AAS 20 (1887-1888), tr. 597tt.; PI-Ô XI, Thông điệp Quadragesimo anno: AAS 23 (1931) tr. 191tt.; PI-Ô XI, Thông điệp Divini Redemptoris: AAS 39 (1937), tr. 65tt.; PI-Ô XII, Sứ điệp Giáng Sinh 1941: AAS 34 (1942), tr. 10tt.; GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1964), tr. 401-464.

142 Về những vấn đề nông nghiệp, đặc biệt x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961) tr. 341tt.

143 x. LÊ-Ô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), tr. 649-662; PI-Ô XI, Thông điệp QuadragesimoAnno: AAS 23 (1931), tr. 200-201; PI-Ô XI, Thông điệpDivini Redemptoris: AAS 29 (1937), tr. 92; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh vọng lễ Giáng Sinh 1942: AAS 35 (1943), tr. 20; PI-Ô XII, Huấn từ 13.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 172; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh gửi giới công nhân Tây Ban Nha, 11.3.1951: AAS 43 (1951), tr. 215; GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 419.

144 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 408, 424, 427; chữ “curatione” (điều hành) lấy lại từ bản văn Latinh của Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 199. Về diễn tiến vấn đề, xem thêm: PI-Ô XII, Huấn từ 3.6.1950: AAS 42 (1950), tr. 485-488; PHAO-LÔ VI, Huấn từ 8.6.1964: AAS 56 (1964), tr. 574-579.

145 x. PI-Ô XII, Thông điệp Sertum Laetitia: AAS 31 (1939), tr. 642; GIO-AN XXIII, Allocutio consistorialis: AAS 52 (1960), tr. 5-11; GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 411.

146 x. T. TÔ-MA, Summa Theol. II-II, q.32, a.5 ad 2; T. TÔ-MA, q.66, a.2: x. dẫn giải trong LÊ-Ô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), tr. 651; Xem thêm PI-Ô XII, Huấn từ 1.6.1941: AAS 33 (1941), tr. 199; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh lễ Giáng Sinh 1954: AAS 47 (1955), tr. 27.

147 x. T. BA-SI-LI-Ô, Hom. in illud Lucae “Destruam horrea mea”, số 2: PG 31, 263; LACTANTIO, Divinarum Institutionum, lib. V, về sự công bình: PL 6,565B; T. AUGUSTINÔ,In Joann. Ev. tr. 50, số 6: PL 35, 1760; T. AUGUSTINÔ,Enarratio in Ps. CXLVII, 12: PL 37, 1922; T. GRÊGÔRIÔ CẢ,Hom. in Ev., bài 20, 12: PL 76, 1165; T. GRÊGÔRIÔ CẢ, Regulae Pastoralis liber, phần III, ch. 21: PL 77, 87; T. BÔ-NA-VEN-TU-RA, In III Sent., d. 33 dub. 1: xb. Quaracchi III, 728; T. BÔ-NA-VEN-TU-RA, In IV Sent., d. 15, p. II, a. 2, q. 1: T. BÔ-NA-VEN-TU-RA, IV, 371b; Quaest. de superfluo: ms. Assisi, Bibl. comun. 186, ff. 112a-113a.; T. ALBERTÔ CẢ, In III Sent., d. 33, a.3, sol. 1: xb. Borgnet XXVIII, 611; T. ALBERTÔ CẢ, In IV Sent., d. 15,a. 16: T. ALBERTÔ CẢ, XXIX, 494-497. Về việc xác định của cải dư thừa trong thời đại chúng ta: x. GIO-AN XXIII, Sứ điệp truyền thanh truyền hình 11.9.1962: AAS 54 (1962), tr. 682: “Bổn phận của mọi người và là bổn phận cấp bách của các Ki-tô hữu, là thẩm định của cải dư thừa căn cứ trên định mức về nhu cầu của người khác, và quan tâm lo lắng để việc quản trị và phân phối của cải trần thế đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.”

148 Trong trường hợp này có thể áp dụng nguyên tắc: “Trong lúc cùng quẫn cực độ, mọi sự đều trở thành của chung, nghĩa là phải được chia sẻ”. Đàng khác, những điều liên quan đến lý do, phạm vi và phương cách áp dụng nguyên tắc đề ra trong bản văn, ngoài các tác giả đương thời được công nhận, xem thêm thánh TÔ-MA, Summa Theol., II-II, q.66, a. 7. Hiển nhiên, để áp dụng đúng nguyên tắc ấy, phải tôn trọng mọi điều kiện theo như luân lý đòi hỏi.

149 x. Gratiani Decretum C. 21, dist. LXXXVI: xb. Friedberg I, 302. Câu nói này được tìm thấy trong PL 56, 491A và PL 56, 1132B; X. Antonianum, 27, 1952, tr. 349-366.

150 x. LÊ-Ô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), tr. 643-646; PI-Ô XI, Thông điệp QuadragesimoAnno: AAS 23 (1931), tr. 191; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh 1.6.1941: AAS 33 (1941), tr. 199; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh Lễ Giáng Sinh 1942: AAS 35 (1943), tr. 17; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh 1.9.1944: AAS 36 (1944), tr. 253; GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 428-429.

151 X. PI-Ô XI, Thông điệp Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), tr. 214; GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 429.

152 x. PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh lễ Hiện xuống 1941: AAS 44 (1941), tr. 199; GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961) tr. 430.

153 Về việc sử dụng đúng đắn của cải theo giáo lý của Tân Ước, x. Lc 3,11; 10,30tt.; 11, 41; 1 Pr 5,3; Mc 8,36; 12,29-31; Gc 5,1-6; 1 Tm 6,8; Ep 4,28; 2 Cr 8,13tt; 1 Ga 3,17-20.

154 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 417.

155 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 417.

156 x. Rm 13,1-5.

157 x. Rm 13,5.

158 x. PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh 24.12.1942: AAS 35 (1943), tr. 9-24; 24.12.1944: AAS 37 (1945), tr. 11-17; GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 263, 271, 277-278.

159 x. PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh, 1.6.1941: AAS 33 (1941), tr. 200; GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: 1. c., tr. 273-274.

160 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 415-418.

161 x. PI-Ô XI, Huấn từ cho các vị lãnh đạo Hiệp hội Đại học Công giáo : Discorsi di Pio XI: xb. Bertetto, Torino, q.I (1960), tr. 743.

162 x. CĐ VA-TI-CA-NÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 13.

163 x. Lc 2,14.

164 x. Ep 2,16; Cl 1,20-22.

165 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 291: “Do đó, trong thời đại này, thời đại của chúng ta, thời đại tự phụ về sức mạnh nguyên tử, thực là vô lý khi nghĩ rằng chiến tranh vẫn còn là một phương tiện thích hợp để đối phó với việc xâm phạm quyền lợi”.

166 x. PI-Ô XII, Huấn từ 30.9.1954: AAS 46 (1954), tr. 589; Sứ điệp truyền thanh 24.12.1954: AAS 47 (1955), tr. 15tt.; GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 286-291; PHAO-LÔ VI, Diễn văn ở Liên Hiệp Quốc, 4.10.1965: AAS 57 (1965), tr. 877-885).

167 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris, Đoạn nói về vấn đề giảm binh bị: AAS 55 (1963), tr. 287.

168 x. 2 Cr 6,2.

169 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Ad Petri Cathedram, 29.6.1959: AAS 55 (1959), tr. 513.

170 x. Mt 7,21.

Chia sẻ