Skip to content
banner
Ngôn ngữ

LINH ĐẠO CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

BTT UBCLHB 03
2024-01-30 09:55 UTC+7 124
Sứ vụ của những người hoạt động cho lĩnh vực công lý và hòa bình là ‘giữ cho cặp mắt Hội Thánh luôn mở, quả tim luôn nhạy cảm và đôi tay sẵn sàng cho các hoạt động bác ái mà Hội Thánh mời gọi thực hiện trong thế giới.’ Những lời này mang tính định hướng như là một nền linh đạo công lý và hoà bình...

Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.

Bài trước chúng ta đã bàn về sứ vụ và các lĩnh hoạt động của cơ cấu tổ chức công lý và hoà bình trong giáo hội hoàn vũ và từng địa phương. Để chu toàn trách vụ Của Uỷ Ban Công Lý Và Hoà Bình, tổ chức này cần có những định hướng để vạch ra các kế hoạch hành động thích hợp. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh sứ vụ của những người hoạt động cho lĩnh vực công lý và hòa bình là ‘giữ cho cặp mắt Hội Thánh luôn mở, quả tim luôn nhạy cảm và đôi tay sẵn sàng cho các hoạt động bác ái mà Hội Thánh mời gọi thực hiện trong thế giới.’ Những lời này mang tính định hướng như là một nền linh đạo công lý và hoà bình. Bài này, chúng ta cố gắng tìm hiểu nền linh đạo công lý và hoà bình trong các chiều kích như là nhãn quan mở ra, quả tim nhạy cảm và đôi tay hành động.

Nhãn quan mở ra

Chúng ta được mời gọi quan tâm đến những gì đang xảy ra trong môi trường sinh sống hiện tại của mình, sự quan tâm này không chỉ diễn ra qua cặp mắt nhìn thấy các dấu chỉ và sự kiện đang hiển hiện quanh ta, mà còn cả đôi tai lắng nghe những tiếng gào thét thảm thiết trong bối cảnh chúng ta đang sống và nhìn thấy nhân sinh với nhãn quan của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi ghi nhớ hành động của Chúa Thánh Thần trong thế giới, lắng nghe tiếng gọi mà chúng ta nhận được từ thế giới quanh ta cũng như cộng tác với hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được mời gọi trở nên giống Thiên Chúa, Đấng luôn quan tâm và hiện diện với tất cả mọi người và thụ tạo, quan phòng tất cả và luôn dõi mắt nhìn mọi người và mọi sự. Thiên Chúa được nhận biết qua Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu, Người Con (x. Hr 1, 1-4). Chúng ta phải tìm kiếm Người nơi và qua biến cố giáng sinh và máng cỏ (x. Gl 4,4; Rm 1,3; Lc 2, 6-7), trong và xuyên qua tấm bánh được bẻ ra, trong và qua thánh giá (x. Ga 6; Lc 22, 14-20; Ga 13). Và tất cả chúng ta đều nhận ra những con người mà Đức Giêsu thường xuyên đồng hành với họ, đó là: những người nghèo, những người bị loại trừ, những người mà hệ thống xã hội không muốn có, không muốn họ tồn tại hoặc trao quyền vào cho họ, những người bị áp bức và bị bóc lột, v.v. Đây là sự hạ mình của Đức Giêsu, tự hủy, đó là điều chúng ta nghe thấy trong thư gửi giáo đoàn Philípphê. Đức tính khiêm nhường và phục vụ của Kitô giáo dựa trên nền tảng căn bản của Người Con này, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Khiêm nhường và phục vụ là phương thế tiếp cận của Kitô giáo, từ quan điểm này, người Kitô hữu nhìn thực tại, đánh giá có phê bình và tham gia vào. Người nghèo, người cơ cực, người bị đàn áp và bị bóc lột, những người cô thân yếu thế và mất khả năng tự vệ là những đối tượng được Đức Giêsu yêu mến và quan tâm đặc biệt. Đức Giêsu là quà tặng cho thế giới. Với tầm nhìn mở ra và quan sát dưới ánh sáng Tin Mừng, mọi con người và sự vật xung quanh ta sẽ chạm lòng các tín hữu Công giáo.

Quả tim nhạy cảm

Nhận biết hoàn cảnh thực tế và đau khổ của những người nghèo, những người bị bỏ rơi và những người bị đàn áp bóc lột không phải là một công tác có tính cách hời hợt, được thực hiện từ xa hoặc tại nơi văn phòng. Bởi vì việc nhận biết đau khổ thúc đẩy chúng ta hành động để loại trừ nó, điều đó ắt hẳn gây tác động trên chúng ta, nó phải chạm đến tận đáy sâu thẳm hữu thể chúng ta, đến con tim và khiến chúng ta nhạy cảm và đồng cảm. Chúng ta chỉ thực sự hiểu đau khổ khi chúng ta chịu đựng, hoặc đúng hơn, khi chúng ta được chia sẻ đau khổ. Vì đối với Kitô hữu, tri thức đích thực là tri thức khơi gợi nơi chúng ta lòng thương xót. Như nhà triết học và thần học Ignacio Ellacuría từng nói: nó khiến chúng ta đảm nhận và gánh vác đau khổ của tha nhân. Để duy trì con tim nhạy cảm và giữ cho lòng thương xót luôn sống động, chúng ta nhất thiết phải liên hệ với những con người chịu đau khổ và những vấn đề của họ. Địa vị xã hội, nơi ở và lối sống của chúng ta có thể tác động một mức độ khá lớn lên cách đánh giá thực tại của chúng ta, thậm chí là nó có thể ngăn cản chúng ta nhìn thấy thực tại và khiến chúng ta đáng nhận lời khiển trách của Đức Giêsu cho các môn đệ, rằng các anh vẫn chưa hiểu sao, vẫn chưa nhận thấy sao? Tâm trí các anh u tối thế à? Các anh có mắt mà không thấy, có tai mà không chịu nghe à? (x. Mc 8, 17b-18). Những người Công giáo tại Việt Nam nhờ Chúa Giêsu và Tin Mừng mà nhận biết rõ ràng về phẩm giá của con người, về vị trí xã hội của chúng ta và chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót như thế nào. Chúng ta được mời gọi sống khiêm nhường giữa những người nghèo và những người bị bỏ rơi và những người bị đàn áp bóc lột, chấp nhận hậu quả của tình liên đới ấy, điều mà đôi lúc có thể dẫn đến sự hiểu lầm và sự đau khổ của thập giá, và tận tuỵ phục vụ họ.

Đôi tay sẵn sàng

Công tác bác ái hay tông đồ xã hội mà Hội Thánh luôn mời gọi thực thi trong thế giới ngày nay vẫn luôn cần đến đôi bàn tay sẵn sàng của các Kitô hữu. Bác ái là tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta được kêu gọi làm cho hiện diện trong trần gian này. Đón nhận và kinh nghiệm về Thiên Chúa là tình yêu, thôi thúc chúng ta đem lòng yêu mến Ngài và tha nhân, đưa tình yêu này vào trung tâm đời sống Kitô hữu. Yêu mến tha nhân là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, như được trình bày trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ. Đức ái hay tình yêu này hiểu như là mối tương quan anh chị em và liên đới giữa con người với nhau, nỗ lực làm cho những người anh em và chị em của mình tốt hơn, giúp họ có được một cuộc sống sung túc và phong phú hơn. Điều đó thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào tương quan giữa người với người, và có thể phân chia theo những cách thức sau đây:

-         Có loại bác ái diễn tả chính mình trong cách thân mật hơn, những mối tương quan liên vị. Đây là các mối liên hệ mà trong đó tha nhân hiện diện: trong gia đình, bạn bè, người thân cận, trong cộng đoàn, giữa những người nghèo, nơi họ bác ái được diễn tả như là một sự trợ giúp về mặt xã hội.

-         Có một loại bác ái diễn tả chính mình trong xã hội, trong những liên hệ có tính chất cơ chế và chính trị, được gọi là “bác ái chính trị”. Đó là một sự dấn thân tích cực, là hoa trái của tình yêu Đức Kitô đối với mọi người nam nữ, những người được coi là anh em chị em. Mục đích của nó là làm cho thế giới thể hiện nhiều sự thật, công bằng và huynh đệ hơn, nơi mà nhu cầu của những người cùng cực nhất được quan tâm hết mực.

Hoạt động cho công lý và hoà bình nhằm tận lực cho việc cổ võ tất cả những hình thức bác ái trên đây. Tuy nhiên, sứ vụ này mang ơn gọi đặc biệt, đó là cổ võ lòng “bác ái chính trị”, tìm cách loại trừ những nguyên nhân gây nên nghèo đói, gian dối, bất công và bạo lực. Đôi bàn tay sẵn sàng sẽ thúc đẩy việc phát triển toàn vẹn các thành phần này trong xã hội, những người nghèo nhất và những người bị khinh chê nhất, những người bị lường gạt, bị đối xử bất công, bị đàn áp và bóc lột, hoạt động công lý và hoà bình để biến đổi “những cơ cấu sự dữ và tội lỗi” hiện hành đang xúc phạm phẩm giá và bần cùng hóa cuộc sống của biết bao con người.

(Nguồn: Hướng Dẫn Linh Hoạt Công Tác Liên Quan CÔNG LÝ, HOÀ BÌNH VÀ SỰ TOÀN VẸN CỦA TẠO THÀNH, Tủ Sách PHAN SINH, VPTD-2015)

Chia sẻ