CHẤM DỨT Ô NHIỄM NHỰA – TIẾNG GỌI TỪ TRÁI TIM VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA ĐÔI TAY
“Ngôi nhà chung của chúng ta đang oằn mình vì đau đớn, và tiếng khóc của trái đất cũng là tiếng khóc của người nghèo” (Laudato Si’, số 49). Câu nói ấy của Đức Thánh Cha Phanxicô vang lên như một hồi chuông thức tỉnh trong Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2025, với chủ đề mạnh mẽ: “Chấm dứt ô nhiễm nhựa”.
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, con người lại đối diện với một mối đe dọa vô hình nhưng bền bỉ như nhựa, một vật liệu mà chúng ta thấy là tiện lợi lại hóa thành tai họa cho muôn loài thụ tạo. Những dòng sông từng trong lành giờ trôi đầy chai lọ. Biển cả, ngôi nhà của bao hải vật đang bị bóp nghẹt bởi từng mảnh vi nhựa vô hình. Mỗi ngày, thế giới thải ra hàng triệu tấn nhựa, và hầu hết trong số đó sẽ ở lại đây, hàng trăm năm sau khi chúng ta đã qua đời, chúng vẫn hãy còn đó. Ngày Môi trường Thế giới hôm nay không chỉ là một dịp để kêu gọi, mà là một tiếng gọi cấp bách: Hãy đứng dậy, hãy thay đổi, và hãy bắt đầu từ chính nơi ta đang sống từ ngôi nhà thân yêu, xóm làng, trường học, giáo xứ, đến cộng đoàn của chúng ta.
Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Thánh Cha mời gọi ta “trả lại vẻ đẹp cho thiên nhiên như một món quà thánh thiêng được trao ban” (LS số 221). Ngài cảnh báo về nền văn hóa vứt bỏ, nơi con người sẵn sàng hy sinh thiên nhiên cho sự tiện nghi của bản thân. Và, rác nhựa chính là biểu tượng rõ ràng của nền văn hóa ấy: tiện lợi, rẻ tiền, nhưng để lại hậu quả lâu dài cho môi trường và sức khỏe con người.
Còn trong Laudate Deum, Đức Thánh cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không thể giả vờ là không thấy những gì đang xảy ra... Tình trạng này là một thách đố luân lý và thiêng liêng” (LD, số 3). Đối diện với khủng hoảng môi trường – trong đó có ô nhiễm nhựa – là đối diện với trách nhiệm lương tâm và lòng đạo đức sinh thái.
Nhìn về Linh đạo Phan Sinh, khởi đi từ cái nhìn trìu mến của Thánh Phanxicô Assisi, dạy chúng ta yêu từng bông hoa, từng con chim sẻ, từng giọt nước. Ngài gọi mặt trời là “anh”, mặt trăng là “chị”, và đất là “mẹ”. Trong linh đạo ấy, không có chỗ cho sự lãng phí, không có chỗ cho thứ tiện nghi gây tổn hại đến công trình tạo dựng. Là con cái của Thánh Phanxicô, chúng ta không thể vô cảm trước cảnh đại dương bị ngộp thở, chim chóc nuốt nhầm rác nhựa, hay người nghèo sống bên bãi rác sinh tồn.
Chấm dứt ô nhiễm nhựa – đó không phải là chuyện của các hội nghị quốc tế xa vời, nhưng là hành động nhỏ bé, cụ thể, mỗi ngày của bạn và tôi. Là nói “không” với túi nylon khi đi chợ. Là mang theo chai nước cá nhân thay vì mua chai nhựa. Là dạy con em mình biết yêu môi trường như yêu chính mái nhà mình.
Mỗi người là một mảnh ghép của hy vọng. Nếu ta thay đổi, thế giới sẽ thay đổi. Nếu cộng đoàn ta làm gương, xã hội sẽ chuyển mình. Nếu các Kitô nói riêng và anh chị em trong ngôi nhà chung sống đúng tinh thần khiêm nhu, khó nghèo và yêu mến tạo thành, thì “tiếng khóc của trái đất” sẽ dần được xoa dịu. Chấm dứt ô nhiễm nhựa – bắt đầu từ trái tim tỉnh thức, đôi tay hành động, và lòng yêu mến thiên nhiên như yêu chính Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.
Tổng hợp: Phêrô Lê Minh Hải, OFM
