Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Chiến tranh hạt nhân: Tuyên bố của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh

Administrator
2022-10-02 16:31 UTC+7 322
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã có một bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp cấp cao của Liên Hiệp Quốc kỷ niệm ngày quốc tế Loại bỏ Hoàn toàn Vũ khí Hạt nhân.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã có một bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp cấp cao của Liên Hiệp Quốc kỷ niệm ngày quốc tế Loại bỏ Hoàn toàn Vũ khí Hạt nhân.


Bình luận của Đức Hồng Y được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh một loạt các thất bại nhục nhã trên chiến trường Ukraine.


Trong bài phát biểu hôm thứ Tư 21 tháng 9, ông Putin cảnh báo rằng “Trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta và để bảo vệ nước Nga và nhân dân của chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các hệ thống vũ khí có sẵn cho chúng ta. Đây không phải là một trò đùa”.


Trong một diễn biến đáng lo ngại khác, Dmitry Medvedev, phó chủ tịch diều hâu của hội đồng an ninh Nga, đồng minh của Putin, nguyên là thủ tướng và tổng thống Nga, đã đưa ra một cảnh báo khác về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và phương Tây trong một phát biểu dài trên Telegram.


Ông ta thẳng thừng tuyên bố rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, do tê liệt vì sợ hãi, phương Tây sẽ không dám trả đũa, và sẽ ngưng ngay lập tức với hỗ trợ Ukraine.


Dưới đây là Tuyên bố của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh kiêm Trưởng Phái đoàn Tòa thánh tại Cuộc họp cấp cao của Liên Hiệp Quốc kỷ niệm ngày quốc tế Loại bỏ Hoàn toàn Vũ khí Hạt nhân.


New York, ngày 26 tháng 9 năm 2022


Thưa Ngài chủ tịch,


Vào tháng Hai, cuộc chiến ở Ukraine đã đưa xung đột vũ trang trở lại Âu Châu với quy mô chưa từng thấy trong nhiều thế hệ. Mối đe dọa từ việc sử dụng vũ khí hạt nhân đi kèm với xung đột cho thấy thế giới đã gần đến vực thẳm của chiến tranh hạt nhân như thế nào. Mối đe dọa tiềm tàng này, với những tác động tàn khốc đối với toàn nhân loại, chứng tỏ rằng “vũ khí hạt nhân là một lựa chọn đắt giá và nguy hiểm,” làm suy yếu an ninh quốc tế.


Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, “mục tiêu cuối cùng của việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vừa trở thành một thách thức, vừa là một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo”. Tuy nhiên, hành động của các quốc gia có vũ khí hạt nhân khiến chúng ta còn lâu mới đạt được mục tiêu này. Thông qua việc hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân, các quốc gia này đang tăng cường sự phụ thuộc vào khả năng răn đe hạt nhân, thay vì đáp ứng các nghĩa vụ giải trừ vũ khí theo Điều 6 của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, gọi tắt là NPT.


Thưa Ngài chủ tịch,


Trong khi bày tỏ sự tiếc nuối sâu sắc về việc thiếu một văn bản kết quả nhất trí tại Hội nghị duyệt xét NPT lần thứ mười, Tòa thánh lưu ý với mối quan tâm rằng, ngay cả khi kết quả dự thảo đã được thông qua, việc thiếu các cam kết giải trừ vũ khí mới và có ý nghĩa trong đó sẽ không đưa chúng ta đến gần hơn một thế giới không có vũ khí hạt nhân.


Tuy nhiên, chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân không thiếu định hướng. Tháng 6 này, các quốc gia thành viên của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, gọi tắt là TPNW, đã thông qua Tuyên bố và Kế hoạch hành động bảo đảm rằng có thể đạt được tiến bộ về giải trừ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực xác minh, hỗ trợ nạn nhân và khắc phục môi trường. Tòa thánh nhắc lại hy vọng rằng, bất kể lập trường của họ đối với TPNW như thế nào, các Quốc gia có vũ khí hạt nhân cần phải đóng góp vào những nỗ lực như vậy.


Các quốc gia cũng phải phục hồi các thành phần khác của chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân. Điều này không chỉ bao gồm việc đạt được hiệu lực của Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện, gọi tắt là CTBT, mà còn khởi động các cuộc đàm phán về các hiệp ước về vật liệu phân hạch và về các bảo đảm an ninh cho các quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Nếu không có những tiến bộ hữu hình đối với những mục tiêu này, chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân có nguy cơ bị xói mòn.


Thưa Ngài chủ tịch,


Để đạt được việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đòi hỏi một phản ứng “tập thể và phối hợp, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau,” và xem xét các hậu quả nhân đạo và môi trường thảm khốc của việc sử dụng hạt nhân. Chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng ta không thể loại trừ khả năng sử dụng chúng, điều này đe dọa “bất kỳ tương lai nào có thể xảy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta” cũng như sự tồn tại của loài người.


Vào Ngày xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân này, mỗi chúng ta hãy xem xét cách chúng ta có thể giúp tạo ra một môi trường thuận lợi để đạt được mục tiêu chung của chúng ta.


Xin cảm ơn ngài chủ tịch.


Đặng Tự Do. Vietcatholic News. 29/Sep/2022.


Source: SismografoCardinal Pietro Parolin Speaks at Meeting to Commemorate the International Day for the Total Elimination of Nuclear Weapons

Chia sẻ