Skip to content
banner

Cựu Tổng thống Sri Lanka phải bồi thường cho các nạn nhân trong cuộc tấn công lễ Phục Sinh 2019

Administrator
2023-01-15 21:26 UTC+7 145
Ngày 12/01/2023, Tòa án Tối cao Sri Lanka đã ra phán quyết buộc cựu Tổng thống Sri Lanka và một số quan chức nhà nước phải bồi thường cho các nạn nhân trong cuộc tấn công vào lễ Phục Sinh 2019.

Gia đình nạn nhân (AFP or licensors)


Ngọc Yến - Vatican News


Vào Chúa nhật Phục Sinh 21/4/2019, 9 kẻ đánh bom tự sát liên kết với nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương National Thowheed Jamath đã làm nổ tung hai nhà thờ Công giáo thánh Sebastiano ở Negombo và thánh Antôn ở Kotahena và nhà thờ Tin Lành Sion ở Batticaloa, và 3 khách sạn sang trọng, giết chết ít nhất 279 người, trong đó có 37 người nước ngoài và làm bị thương khoảng 500 người.


Từ đó, Giáo hội Công giáo đã nhiều lần cáo buộc chính quyền Sri Lanka không đưa ra một giải thích rõ ràng về việc bằng cách nào những kẻ khủng bố có thể thực hiện cuộc tấn công mặc dù đã có tin tình báo cho biết cuộc tấn công sắp xảy ra. Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Colombo đã nêu vấn đề này trong nước cũng như tại các diễn đàn toàn cầu, gồm cả ở Vatican và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cáo buộc rằng vụ việc “không hoàn toàn là hoạt động của những kẻ cực đoan, nhưng là một âm mưu chính trị lớn”.


Với phán quyết đưa ra hôm 12/01, Toà Tối cao nhằm vào ông Maithripala Sirisena, cựu Tổng thống Sri Lanka, ông Pujith Jayasundara, cựu Tổng thanh tra Cảnh sát, ông Hemasiri Fernando, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, và cựu Giám đốc Dịch vụ An ninh Nilantha Jayawardena và Sisira Mendis, tất cả đều bị kết tội không ngăn chặn vụ thảm sát. Tòa buộc cựu tổng thống Maithripala Sirisena bồi thường số tiền 100 triệu rupee, tương đương 250 ngàn euro cho các nạn nhân. Những người có trách nhiệm khác với mức bồi thường cao nhất là 188 ngàn euro và thấp nhất là 25 ngàn euro.


Phán quyết được đưa ra bởi một hội đồng gồm bảy thẩm phán trên cơ sở 13 đơn kiến nghị của các nạn nhân vụ tấn công, các linh mục Công giáo và Hiệp hội Luật sư Sri Lanka. Các thẩm phán cho rằng nhà nước phải bồi thường công bằng cho những đau khổ và sự tàn phá mà các nạn nhân và gia đình phải gánh chịu.


Luật sư Jagath Gamini Perera, người đại diện cho những người khởi kiện, cho rằng đây là phán quyết lịch sử và không thể thay đổi. Phán quyết của Tòa án Tối cao có ý nghĩa quan trọng đối với những người sống sót và gia đình của những người đã chết trong vụ nổ trong khi các cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.


Nguồn: vaticannews.va/vi


Chia sẻ