Skip to content
banner
Ngôn ngữ

ĐHY Pizzaballa: Công lý mà không tha thứ có thể trở thành sự trả thù

BTT UBCLHB 04
2024-08-21 20:26 UTC+7 65
Phát biểu tại Cuộc gặp gỡ Rimini lần thứ 45, ngày 20/8, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh của Giêrusalem đề cập đến cuộc xung đột đang diễn ra, mời gọi thực thi công lý trong sự tha thứ, đồng thời kêu gọi không loại trừ ai.

Vatican News

Đức Hồng Y nói: “Cộng đoàn Kitô giáo ở Thánh Địa phải đưa tha thứ vào cuộc tranh luận công khai. Có lẽ bây giờ điều đó không thể thực hiện được. Chúng ta cần chờ đợi và làm việc ở cấp độ cá nhân, cộng đoàn và công cộng”.

Theo ngài, nói về sự tha thứ không phải là một điều trừu tượng. Công lý, tha thứ là những từ ngữ quan trọng, khó khăn, chạm đến thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, đức tin Kitô không thể tách rời ý tưởng về sự tha thứ. Đức tin là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng cứu độ và tha thứ cho chúng ta. Ý thức mình là tội nhân không phải là một sự lên án mà là một lời loan báo ơn cứu độ. Tha thứ và công lý, ở bình diện cá nhân, gần như đồng nghĩa nếu được đức tin soi sáng: Trên thập giá, Chúa Giêsu đã không chờ đợi công lý được thực thi để tha thứ. Tha thứ không tuỳ thuộc vào phẩm giá và bình đẳng. Sự tha thứ cũng cần một lời nói thật. Vì nếu không nói rõ ràng thì tha thứ điều gì?

Ngài khẳng định thêm: “Công lý mà không tha thứ sẽ trở thành một sự phản kháng, sự trả thù. Mục đích không phải là đẩy người khác vào chân tường, nhưng là để vượt qua tình trạng này và chỉ có sự tha thứ mới có thể làm được điều này”.

Trong bài tham luận, Đức Hồng Y còn đề cập đến chủ nghĩa bài Do Thái. Ngài nói: “Chủ nghĩa bài Do Thái là một thảm kịch. Phê bình chính sách của một chính phủ là một chuyện, điều này có thể hợp pháp. Vấn đề ở chỗ nói rằng bạn không thể là người Do Thái. Đây là điều không thể chấp nhận được và cần phải lên án. Đó là những câu chuyện loại trừ, ủng hộ Palestine, ủng hộ Israel, bên này loại trừ bên kia”.

Theo ngài, chủ nghĩa bài Do Thái cũng là một phép thử để hiểu các mô hình mà xã hội được duy trì và xây dựng trên đó. Khi nói: “Vì bạn là người Do Thái, Hồi giáo hay Kitô giáo, nên bạn không có quyền gì, bạn bị loại trừ”, đó là thời điểm suy đồi nghiêm trọng của nền văn minh. Một nền văn minh được xây dựng “với” chứ không phải “chống lại”.

Đức Thượng Phụ nói thêm: “Ở đây trách nhiệm của các tu sĩ là quan trọng. Cần phải tránh - ngay cả khi chủ nghĩa bài Do Thái hiện nay mang dấu ấn chính trị hơn là tôn giáo - trở thành công cụ cho điều này, nhưng tạo ra một nền văn hóa của các mối quan hệ, chào đón lẫn nhau, nơi không ai bị loại trừ”.

Về sự dấn thân của các Kitô hữu đối với việc hòa giải ở Thánh Địa, Đức Hồng Y Pizzaballa khẳng định: “Không ai chờ đợi cộng đoàn Kitô hữu làm điều gì đó và giải quyết các vấn đề. Về mặt chính trị, chúng tôi ít nhiều không liên quan, nếu tôi có thể nói như vậy: điều này có thể khiến một số người tức giận, nhưng nó là như vậy. Điều đầu tiên là ở lại đó, hiện diện ở đó. Không rơi vào cám dỗ muốn có một vai trò trong tình huống này. Chúng ta không thể giải quyết mọi vấn đề nhưng chúng ta phải hiện diện”.

Đọc bài viết tại đây

Chia sẻ