Người di cư, Báo cáo của IOM: 539 nạn nhân ở Địa Trung Hải hiện nay
Vatican News
Chuyển ngữ: Bonum
Địa Trung Hải được xác nhận là tuyến đường di cư chết chóc nhất thế giới. Theo báo cáo mới do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Libya cung cấp, ít nhất 255 người đã chết và 284 người mất tích kể từ đầu năm cho đến ngày 21 tháng 6. Bản cập nhật mới nhất của cơ quan Liên Hợp Quốc, được công bố trên các trang mạng xã hội của cơ quan này, cũng báo cáo rằng, trong cùng thời kỳ, 11.129 người di cư đã bị chặn lại trên biển và được đưa trở về Libya - trong bối cảnh vẫn còn rất bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này - bao gồm ít nhất 369 trẻ vị thành niên.
Những vụ đắm tàu mới nhất
Tuần trước, IOM đã báo cáo hai vụ đắm tàu riêng biệt ngoài khơi bờ biển Libya, một vụ không xa cảng Alshab và vụ còn lại gần Tobruk: ít nhất 60 người mất tích, chủ yếu là người Eritrea, Pakistan, Ai Cập và Sudan. Vào dịp đó, liên quan đến khu vực trung tâm Địa Trung Hải, Liên Hợp Quốc đã một lần nữa lên án "các hoạt động buôn người ngày càng nguy hiểm, khả năng cứu hộ hạn chế và các hạn chế ngày càng tăng đối với các hoạt động nhân đạo", kêu gọi "cộng đồng quốc tế tăng cường các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ và đảm bảo những người sống sót được đưa lên bờ an toàn".
Cùng lúc đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đã ghi nhận sự gia tăng trong số lượng người di cư khởi hành đến Ý: tính đến ngày 15 tháng 6, số lượng người đổ bộ vào bờ biển Ý đã tăng 15% so với năm trước, với 26.781 người di cư, trong đó 24.560 người đến từ Libya và 1.505 người đến từ Tunisia.