Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực
Ngọc Yến - Vatican News
Cuộc gặp gỡ được bắt đầu với phần trình chiếu một đoạn video. Tiếp đến, lần lượt Ladislas, Bijoux, Désiré, Emelda, đại diện các nạn nhân của bạo lực làm chứng về những đau khổ cùng cực họ phải chịu hoặc chứng kiến người thân bị sát hại, đồng thời cám ơn sự hiện diện của Đức Thánh Cha đến an ủi những đau khổ không kể xiết của họ. Tất cả đều quyết tâm tha thứ cho những người đã gây ra sự dữ và xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho đất nước được bình yên.
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực
Đồng cảm với những đau khổ của các nạn nhân
Sau khi lắng nghe chăm chú, Đức Thánh Cha đáp lời bốn đại diện và những người hiện diện. Ngài nói: “Cám ơn Ladislas, Bijoux, Désiré, Emelda, cám ơn những lời chứng của anh chị em. Chúng tôi tiếp tục bị sốc khi nghe biết về bạo lực vô nhân mà anh chị em đã tận mắt chứng kiến và trải qua. Chúng tôi không thể nói lên lời; chúng tôi chỉ biết khóc trong thầm lặng. Bunia, Beni-Butembo, Goma, Masisi, Rutshuru, Bukavu, Uvira: đây là những nơi mà giới truyền thông quốc tế hầu như không bao giờ đề cập đến. Ở những nơi này và ở những nơi khác, anh chị em của chúng ta, những đứa con của cùng một nhân loại, bị bắt làm con tin bởi sự độc tài của kẻ mạnh nhất, bởi những kẻ nắm trong tay những vũ khí tinh vi nhất, những vũ khí vẫn tiếp tục được lưu hành.”.
Trước sự dữ này, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân, mang đến sự âu yếm, dịu dàng và lòng trắc ẩn của Chúa. Ngài nói: “Anh chị em thân mến, Giáo hội đang và sẽ luôn đứng về phía anh chị em. Thiên Chúa yêu thương anh chị em; Người không quên anh chị em”.
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực
Lên án bạo lực và kêu gọi hoán cải
Đức Thánh Cha nhân danh Thiên Chúa, cùng với các nạn nhân và những người đang hoạt động cho hòa bình, công lý và tình huynh đệ, lên án bạo lực vũ trang, các vụ thảm sát, hãm hiếp, phá hủy và chiếm đóng các làng mạc, cướp bóc ruộng đồng và gia súc vẫn tiếp diễn tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cũng như việc giết người, khai thác bất hợp pháp sự giàu có của đất nước này, và những nỗ lực chia cắt đất nước để kiểm soát nó.
Ngài mạnh mẽ nói: “Thật phẫn nộ khi biết rằng tình trạng mất an ninh, bạo lực và chiến tranh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều người lại được thúc đẩy một cách đáng xấu hổ không chỉ bởi các thế lực bên ngoài, nhưng còn từ bên trong, vì mục đích cá nhân. Tôi hướng về Cha trên trời, Đấng muốn tất cả chúng ta là anh chị em với nhau dưới thế: Tôi khiêm nhường cúi đầu và đau lòng, xin Người tha thứ cho bạo lực của con người đối với con người. Xin Cha thương xót chúng con. Xin Cha ủi các nạn nhân và những người đau khổ. Xin hoán cải tâm hồn những người thực hiện những tội ác tàn bạo, mang lại vết nhơ cho toàn thể nhân loại! Và xin mở mắt những người từ chối, quay lưng lại với những điều ghê tởm này”.
Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể người dân, các tổ chức bên trong và bên ngoài, những người dàn dựng chiến tranh ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhằm cướp bóc, gây bất ổn cho quốc gia, lắng nghe tiếng Thiên Chúa để hoán cải, và lắng nghe tiếng lương tâm để bỏ vũ khí, chấm dứt chiến tranh. Bởi vì đã đủ rồi việc làm giàu bằng cái giá của người nghèo, bằng tài nguyên và đồng tiền vấy máu.
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực
Nói “không” với bạo lực
Trước thảm trạng này, Đức Thánh Cha đưa ra những đề nghị để hành động thúc đẩy hoà bình.
Trước hết nói không với bạo lực. Hận thù và bạo lực không bao giờ được chấp nhận, không bao giờ có thể biện minh, không bao giờ có thể dung thứ được, đặc biệt đối với những ai là Kitô hữu. Thù hận chỉ sinh ra thù hận và bạo lực tạo thêm bạo lực. Rồi phải nói “không” rõ ràng và mạnh mẽ với những người truyền bá chúng nhân danh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chúa của hòa bình và không phải Chúa của chiến tranh. Rao giảng sự thù ghét là báng bổ, và sự thù hận làm hư hỏng tâm hồn con người. Thực tế, những người sống bằng bạo lực không bao giờ sống tốt: họ nghĩ rằng họ đang cứu mạng sống nhưng họ lại bị nhấn chìm trong vòng xoáy tội ác khiến họ phải chiến đấu với những anh chị em đã cùng lớn lên và chung sống trong nhiều năm, và cuối cùng giết chết họ từ bên trong.
Phải loại bỏ tận gốc bạo lực
Nhưng nếu chỉ nói “không” với bạo lực thì không đủ để tránh các hành vi bạo lực; cần phải loại bỏ tận gốc rễ của bạo lực, đó là lòng tham, sự ghen tỵ và oán hận. Cần phải cư xử như anh chị em như bốn nhân chứng can đảm đã thực hiện, những người có can đảm để giải trừ vũ khí khỏi trái tim. Điều này không có nghĩa là ngừng phẫn nộ trước cái ác và không tố cáo nó, điều này phải làm! Cũng không có nghĩa là không trừng phạt và dung túng cho hành vi tàn ác, tiếp tục như thể không có chuyện gì xảy ra. Điều yêu cầu chúng ta, nhân danh hòa bình, nhân danh Thiên Chúa hòa bình, là phi quân sự hóa khỏi trái tim: loại bỏ chất độc, loại bỏ hận thù, tham lam, xóa bỏ oán giận. Nói “không” với tất cả những điều này có vẻ làm cho chúng ta trở nên yếu đuối, nhưng trên thực tế, nó giải phóng chúng ta, bởi vì mang lại cho chúng ta sự bình an. Đúng vậy, hòa bình được sinh ra từ những tâm hồn không hận thù.
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực
Nói “không” với sự cam chịu
Đức Thánh Cha diễn giải tiếp: nói “không” với sự cam chịu. Ngài nhấn mạnh rằng, hòa bình đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh với sự chán nản, nản chí và ngờ vực khiến chúng ta tin rằng tốt hơn không tin tưởng mọi người, sống xa cách nhau hơn là đưa tay ra và cùng nhau bước đi.
Ngài nói: “Một lần nữa, nhân danh Thiên Chúa, tôi lặp lại lời kêu gọi những người đang sống ở Cộng hòa Dân chủ Congo đừng buông xuôi, nhưng hãy dấn thân xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương lai hòa bình sẽ không từ trên trời rơi xuống, nhưng nó có thể đến nếu thuyết định mệnh cam chịu và sợ dính líu đến người khác được loại bỏ khỏi tâm hồn. Một tương lai khác sẽ đến nếu nó vì tất cả mọi người chứ không phải chỉ cho một số ít, nếu nó dành cho tất cả mọi người và không chống lại người khác. Một tương lai mới sẽ đến nếu chúng ta nhìn những người khác, dù là người Tutsi hay Hutu, không còn là đối thủ hay kẻ thù nữa, nhưng là anh chị em, và nếu chúng ta tin rằng trong tâm hồn họ cũng ấp ủ một khát vọng hoà bình, dù có bị ẩn giấu. Ngay cả ở phía Đông, hòa bình là có thể! Chúng ta hãy tin vào điều đó! Và chúng ta hãy làm việc vì điều này, không ủy thác cho người khác!”
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực
Nói “có” với hòa bình
Đức Thánh Cha tiếp tục đề cập đến nói “có” với hòa bình. Để thực hiện được điều này trước hết phải nói “có” với hòa giải. Ngài mời gọi mọi người cùng nhau cầu nguyện, sớm tập hợp quanh cây Thánh giá, đặt những dấu hiệu của bạo lực mà họ đã chứng kiến và chịu đựng: dao rựa, búa, rìu,... Thập giá cũng là một công cụ đau đớn và chết chóc, khủng khiếp nhất vào thời Chúa Giêsu, nhưng được tình yêu Chúa biến đổi, thập giá đã trở thành một khí cụ hòa giải phổ quát, cây sự sống.
Đức Thánh Cha khích lệ: “Tôi muốn nói với anh chị em: anh chị em cũng là những cây sự sống. Anh chị em hãy làm như cây xanh, hấp thụ sự ô nhiễm và trả lại oxy. Hay như tục ngữ có câu: “Ở đời, hãy làm như cây cọ: nhận đá, trả quả”. Đây là lời ngôn sứ Kitô: lấy điều thiện đáp lại sự dữ, lấy tình yêu đáp lại hận thù, hòa giải đáp lại chia rẽ. Đức tin mang trong mình một ý niệm mới về công lý, không bằng lòng với việc trừng phạt và từ bỏ trả thù, nhưng muốn hòa giải, xoa dịu những xung đột mới, dập tắt hận thù, tha thứ. Và tất cả những điều này còn mạnh hơn cả cái ác. Anh chị em có biết tại sao không? Bởi vì nó biến đổi thực tại từ bên trong thay vì phá hủy nó từ bên ngoài. Chỉ bằng cách này, sự dữ mới có thể bị đánh bại, như Chúa Giêsu đã làm trên Thánh giá, vác lấy và biến đổi nó bằng tình yêu của Người. Như thế nỗi đau biến thành niềm hy vọng. Anh chị em thân mến, chỉ có sự tha thứ mới mở ra cánh cửa cho ngày mai, bởi vì nó mở ra cánh cửa cho một nền công lý mới, một nên công lý, mà không được quên rằng, phải tháo gỡ vòng luẩn quẩn của sự trả thù. Hòa giải là tạo ra ngày mai: đó là tin tưởng vào tương lai hơn là bám chặt vào quá khứ; nó đang đặt cược vào hòa bình hơn là cam chịu chiến tranh; đó là thoát khỏi nhà tù của những lý do của chính mình để mở lòng với người khác và cùng nhau hưởng tự do.”.
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực
Nói “có” với hy vọng
Đức Thánh Cha đi đế điểm cuối cùng: nói “có” với hy vọng. Ngài giải thích, nếu có thể ví hòa giải như một cây, như một cây cọ cho hoa trái, thì hy vọng là dòng nước làm cho nó sinh hoa trái. Niềm hy vọng này có một nguồn và nguồn này có một tên, đó là Chúa Giêsu. Với Chúa Giêsu, sự dữ không còn là tiếng nói cuối cùng trên sự sống. Với Người, mọi phiền sầu thành vườn Phục Sinh. Với Chúa Giêsu, niềm hy vọng được sinh ra và không ngừng tái sinh: cho những người đã phải chịu đựng sự dữ và ngay cả cho những người đã gây ra nó.
Hy vọng này dành cho tất cả mọi người. Nhưng hy vọng cũng là một quyền cần phải chinh phục. Bằng cách nào? Gieo hy vọng mỗi ngày, với sự kiên nhẫn. Tôi trở lại với hình ảnh cây cọ. Tục ngữ có câu: “Khi bạn ăn hạt cọ, bạn thấy cây, nhưng người trồng cây thì đã trở về với đất từ lâu”. Nói cách khác, để đạt được những thành quả như mong đợi, người ta phải làm việc với tinh thần giống như những người trồng cọ, nghĩ đến thế hệ tương lai chứ không phải kết quả ngay lập tức.
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn, cám ơn và chúc lành cho tất cả những ai gieo hòa bình và tất cả mọi người. Ngài nói: “Chúa Giêsu, người anh em của chúng ta, Thiên Chúa của sự hòa giải đã trồng cây thánh giá sự sống trong lòng bóng tối tội lỗi và đau khổ, Thiên Chúa của niềm hy vọng, Đấng tin tưởng anh chị em, tin tưởng đất nước và tương lai của anh chị em, xin Người chúc lành và an ủi anh chị em; xin Người ban bình an cho tâm hồn, gia đình anh chị em và toàn thể Cộng hòa Dân chủ Congo.”
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực
Cam kết tha thứ
Buổi gặp gỡ được tiếp tục với hành động cam kết tha thứ của các nạn nhân.
Bốn đại diện lần lượt tiến lên bày tỏ cam kết tha thứ. Tiếp đến, mọi người cùng dâng lời nguyện:
Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã cho chúng con hiện hữu và sự sống. Hôm nay chúng con đặt những dụng cụ đau khổ của chúng con dưới Thánh giá của Con Chúa. Chúng con cố gắng tha thứ cho nhau và tránh mọi con đường chiến tranh và xung đột để giải quyết sự khác biệt. Chúng con cầu xin Cha ân sủng để làm cho đất nước chúng con, Cộng hoà Dân chủ Congo, trở thành một nơi của hoà bình, niềm vui và tình thương, nơi tất cả cùng yêu thương và chung sống huynh đệ. Xin Thánh Thần Cha luôn đồng hành với chúng con và Đức Thánh Cha đang hiện diện nơi đây cầu nguyện cho chúng con.
Nguồn: vaticannews.va/vi