Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Đức Thánh Cha: Giáo hội phải xoá bỏ những tình huống bảo vệ người lạm dụng

BTT UBCLHB 03
2024-03-14 09:16 UTC+7 20
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến hội nghị “Tính dễ bị tổn thương và lạm dụng: hướng tới một tầm nhìn rộng lớn hơn về phòng ngừa”, diễn ra tại Parama từ ngày 12 đến 14/3, kêu gọi các tổ chức Giáo hội xoá bỏ những tình huống bảo vệ người lạm dụng ẩn náu sau quyền bính.

Vatican News

Mở đầu sứ điệp, sau khi phó thác nơi Chúa công việc của những người tổ chức và các tham dự viên để tiếp tục tiến bộ trong việc xoá bỏ tai hoạ lạm dụng trong mọi lĩnh vực xã hội, Đức Thánh Cha nhắc lại vào ngày 25/9 năm ngoái khi gặp một phái đoàn của hội nghị này ngài đã nhấn mạnh sự cam kết của Giáo hội trong việc nhìn thấy nơi mỗi nạn nhân khuôn mặt Chúa Giêsu đau khổ. Nhưng cũng cần phải đặt dưới chân Người “những đau khổ mà chúng ta đã phải lãnh nhận và cả những đau khổ do chính chúng ta gây ra”, đồng thời cầu nguyện cho “những tội nhân bất hạnh và tuyệt vọng, cho sự hoán cải của họ, để họ có thể nhìn thấy nơi người khác đôi mắt của Chúa đang chất vấn họ”.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người nhìn vấn đề này với con mắt của Chúa, thiết lập một cuộc đối thoại với Người. Cái nhìn thiêng liêng này có thể giúp chúng ta hiểu được tính dễ bị tổn thương. Chúa mời gọi chúng ta thay đổi tuyệt đối não trạng về quan niệm của các tương quan, ưu tiên những người bé nhỏ, người nghèo, dựa trên khả năng đón nhận ân sủng Chúa đã ban và làm cho mình trở thành món quà cho người khác.

Đức Thánh Cha nhắc nhở không nhìn vào sự yếu đuối của mình như một cái cớ để ngừng trở thành những Kitô hữu nghiêm túc và ngay thẳng, không có khả năng kiểm soát số phận của mình. Trái lại, sức mạnh của Chúa như Thánh Phaolô tự hào về yếu đuối của mình và phó thác trong ân sủng Chúa (2 Cr 12, 8-12) là một hồng ân mà chúng ta phải quỳ gối xin cho chính mình và cho người khác. Với sức mạnh này, chúng ta có thể đối diện với những mâu thuẫn và đóng góp cho công ích trong ơn gọi mà chúng ta đã được kêu gọi.

Liên quan đến việc phòng ngừa, Đức Thánh Cha nói: “Công việc của chúng ta chắc chắn là phải nhằm mục đích xoá bỏ tình huống bảo vệ những người sử dụng địa vị của họ như một lá chắn để áp đặt người khác theo một cách xấu xa, nhưng cũng để hiểu tại sao họ không có khả năng thiết lập tương quan lành mạnh với người khác. Đồng thời, không thể dửng dưng trước lý do tại sao một số người chấp nhận đi ngược lại lương tâm của mình, vì lo sợ, hoặc để mình bị lừa gạt bởi những lời hứa hão huyền, dù trong thâm tâm biết đang đi sai đường. Nhân bản hóa các mối quan hệ trong mọi xã hội, ngay cả trong Giáo hội, có nghĩa là làm việc với lòng can đảm để đào tạo những con người trưởng thành, gắn kết, vững vàng trong đức tin và các nguyên tắc đạo đức, có khả năng đối diện với sự dữ, làm chứng cho sự thật”.

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha khẳng định: một xã hội không dựa trên sự liêm chính đạo đức sẽ là một xã hội bị bệnh, với các mối quan hệ con người và các thể chế bị bóp méo bởi ích kỷ, ngờ vực, sợ hãi và lừa dối. Nhưng chúng ta phó thác sự yếu đuối của chúng ta cho sức mạnh mà Chúa đã ban cho chúng ta. Và chúng ta nhận ra rằng “chúng ta chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng ta” (2Cr 4, 7).

Xem bài viết gốc tại đây

Chia sẻ