Đức Thánh Cha: Yếu đuối thể lý cần tình liên đới chứ không phải lòng thương hại
Đức Thánh Cha tiếp Hiệp hội người Khiếm thị Ý (ANSA)
Ngọc Yến - Vatican News
Thánh quan thầy của Hiệp hội người Khiếm thị của Ý là thánh Lucia, lễ nhớ ngày 13/12. Vì thế trong bài nói chuyện với các thành viên của Hiệp hội, Đức Thánh Cha nhắc đến vị thánh quan thầy. Ngài nói cuộc đời của thánh Lucia cho thấy phẩm giá cao nhất của con người hệ tại làm chứng cho sự thật, sống theo lương tâm, không thoả hiệp. Điều này có nghĩa là đứng về phía ánh sáng, phục vụ ánh sáng, như được gợi lên từ chính tên “Lucia” nghĩa là “ánh sáng”. Trở thành ánh sáng, minh bạch, thành thật, giao tiếp với người khác một cách cởi mở, rõ ràng, tôn trọng, giúp lan toả ánh sáng trong môi trường sống, làm cho nơi đó nhân văn hơn.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi nói đến khuyết tật người ta thường gắn liền với ý tưởng về nhu cầu, giúp đỡ. Nhưng Giáo hội không nhìn như thế. Ngài nói: “Quan điểm của Kitô giáo về khuyết tật không còn và không phải là thái độ thương hại và trợ giúp, nhưng là sự nhận thức rằng sự yếu đuối, được đảm nhận với trách nhiệm và tình liên đới, là nguồn lực cho toàn thể xã hội và cho cộng đoàn giáo hội”.
Theo Đức Thánh Cha, những người khiếm thị, nếu được đào tạo tốt về các nguyên tắc đạo đức và lương tâm công dân, là những người đi đầu trong việc xây dựng cộng đồng hoà nhập, nơi mỗi người có thể tham gia và không xấu hổ về những giới hạn và yếu đuối của mình, hợp tác với người khác để bổ sung và hỗ trợ nhau. Ngài khẳng định: “Tất cả chúng ta đều cần đến nhau, không chỉ những người có vấn đề về thể chất, nhưng tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ của người khác để bước đi, bởi vì tất cả chúng ta đều yếu đuối trong tâm hồn. Khi bảo vệ quyền của những người khuyết tật, anh chị em đã hợp tác trong sự phát triển dân sự của đất nước”.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khuyến khích các thành viên của Hiệp hội theo gương thánh Lucia, một thiếu nữ không có vũ khí nhưng không nhượng bộ trước những lời đe doạ và xu nịnh, trái lại đã can đảm trả lời trước vị thẩm phán đang xét hỏi. Xã hội cần những người như vậy, những người không chỉ nghĩ đến mình nhưng cùng dấn thân với người khác để mọi sự trở nên tốt hơn. (CSR_5291_2022).
Nguồn: vaticannews.va/vi