Hội nghị về đối thoại, tình huynh đệ và triển vọng hoà bình ở Iraq
Kỷ niệm hai năm cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Iraq, trong hai ngày 8 và 9/3, Cộng đoàn thánh Egidio ở Roma và Học viện Al-Khoei của Hồi giáo Shiite tổ chức Hội nghị quốc tế “Các tín hữu Công giáo và tín đồ Hồi giáo Shiite trước tương lai. Hai năm sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Iraq”.
Ngọc Yến - Vatican News
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, ngày 08/3, dành riêng cho các chủ đề “tình huynh đệ, cầu nguyện, người nghèo và hoà bình”, Đức Hồng Y Miguel Angel Ayuso Guixot, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn nhấn mạnh rằng đối thoại liên tôn, tình huynh đệ nhân loại và triển vọng hoà bình luôn có mối liên hệ với nhau, không tách biệt. Vì thế, các tín đồ gặp gỡ, trao đổi, biết nhau và tham gia vào một hành trình chung.
Đức Hồng Y cũng cho rằng sau Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại, cuộc gặp gỡ cách đây hai năm giữa Đức Thánh Cha và Đại Ayatollah Sistani là một cột mốc quan trọng khác trong hành trình đối thoại. Nhờ những sáng kiến này, mà đối thoại giữa các tôn giáo không phải là một dấu chỉ của sự yếu thế, nhưng là một biểu hiện cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại. Đối với chúng ta, người Công giáo và Hồi giáo Shiite, tình huynh đệ là thách đố đối với toàn nhân loại.
Theo nghĩa này, Đức Hồng Y nhận xét, giáo huấn của Đức Thánh Cha chỉ ra một lộ trình với ba điểm quy chiếu: vai trò của tôn giáo trong xã hội, tiêu chuẩn lòng đạo đức đích thực và cùng nhau bước đi như anh chị em để xây dựng hoà bình. Đối với Đức Thánh Cha, câu trả lời cho những câu hỏi và những đau khổ do căng thẳng và xung đột gây ra gắn liền với tình huynh đệ.
Sau cùng, Đức Hồng Y Tổng trưởng tin chắc cuộc đối thoại giữa hai cộng đoàn Shiite và Công giáo là một bước tiến theo hướng tình huynh đệ, sẽ đem lại kết quả.
Ngày thứ hai của Hội nghị được bắt đầu với sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi cho Đại Ayatollah Sistani thủ lãnh Hồi giáo Shiite tại Iraq. Với chủ đề “Đối thoại về cuộc sống” và “tôn giáo và xã hội”, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Sự sống giải thích “tất cả các tôn giáo, đặc biệt các tôn giáo có nguồn gốc Abraham được kêu gọi đối diện với thế giới công nghệ, vốn đang phát triển nhanh hơn khoa học nhân văn, cung cấp sự đóng góp khôn ngoan cứu nhân loại khỏi rơi xuống vực thẳm”.