Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Người nữ tu Ấn Độ bênh đỡ những phụ nữ chuyển giới bị xã hội khinh thị

BTT UBCLHB 04
2023-07-16 21:08 UTC+7 198
Cuộc gặp gỡ tình cờ với một phụ nữ chuyển giới ban đầu khiến Sơ Amitha Polimetla, một nữ tu Dòng Chúa Cứu Thế, hoảng sợ. Nhưng sau đó không lâu, sơ lại động lòng trắc ẩn. Khi lắng nghe người phụ nữ này, sơ khám phá ra nỗi khổ của những người bị phân biệt

Cuộc gặp gỡ tình cờ với một phụ nữ chuyển giới ban đầu khiến Sơ Amitha Polimetla, một nữ tu Dòng Chúa Cứu Thế, hoảng sợ. Nhưng sau đó không lâu, sơ lại động lòng trắc ẩn. Khi lắng nghe người phụ nữ này, sơ khám phá ra nỗi khổ của những người bị phân biệt đối xử nghiêm trọng ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Từ đó, sơ sẵn sàng hoạt động để họ có thể hoàn thành việc học và sống một cuộc sống xứng đáng mà không phải ăn xin hay làm gái mại dâm để tồn tại.


Gudrun Sailer


Họ sống bằng nghề ăn xin và mại dâm, bị mọi người, kể cả cha mẹ của họ, khinh bỉ vì "khác người". Họ là ai? Họ là những người chuyển giới ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Sơ Amitha Polimetla, dòng Chúa Cứu Độ, đã đồng hành cùng các thành viên của cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội này và đấu tranh để họ được sống trong phẩm giá.


Sơ Amitha Polimetla 39 tuổi, đã làm việc với cộng đồng này trong nhiều năm, giải thích: "Người chuyển giới ở Andhra Pradesh là nhóm bị phân biệt đối xử nhất trong xã hội. Tôi không nghĩ có bất kỳ nhóm người nào khác bị tẩy chay bởi chính cha mẹ của họ, bị anh chị em chế giễu, bị hàng xóm lạm dụng và buộc phải rời bỏ gia đình của mình."


Ước tính có hơn nửa triệu người chuyển giới sống ở Ấn Độ. Sự tồn tại của họ đã được chứng thực trong nền văn hóa đa diện của Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Họ được gọi là Hijras. Về mặt sinh học là nam giới, nhưng họ cảm nhận và hành động như nữ giới


Sơ Amitha giải thích: "Khi còn là thanh thiếu niên, họ khám phá thấy các cách hành xử của phụ nữ. Đôi khi các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè nhận thấy điều đó trước". Rồi cuộc sống của họ thay đổi. Sơ lưu ý rằng họ bắt đầu bị loại trừ ngay lập tức và triệt để. Ngay cả hệ thống trường học cũng không giúp gì cho những người trẻ chuyển giới bị mọi người bắt nạt. "Bị gia đình từ chối, họ chạy trốn để tìm kiếm căn tính của mình, chủ yếu di cư đến các thành phố nơi họ bắt đầu ăn xin và hành nghề mại dâm. Tại sao? Bởi vì đó là cách sống trong thế giới của những người chuyển giới ở xã hội Ấn Độ của chúng tôi. Họ không có cách khác để kiếm sống."


Sơ Amitha đã viết luận án tiến sĩ về cộng đồng chuyển giới ở Andhra Pradesh. Nhưng mãi cho đến vài năm trước, sơ mới biết họ là ai. Một ngày kia, trên chuyến tàu đến Bangalore, sơ nhận thấy những người đàn ông mặc trang phục của phụ nữ, trang điểm và đeo đồ trang sức đang ăn xin và tỏ ra hung hăng. "Mọi người đều quay mặt đi. Không ai muốn nhìn họ, nói chuyện với họ hay thậm chí cho họ tiền. Sau đó, họ chạm vào những người đàn ông để khiến những người này đưa tiền cho họ". Dáng vẻ khiêu khích và hành vi của họ khiến sơ băn khoăn.


Sau đó, Sơ Amitha gửi các sinh viên đi tìm hiểu xem điều gì đang thực sự xảy ra. Các sinh viên được cho biết đó là các hijra, những người ăn xin và hành nghề mại dâm để tồn tại. Sơ chia sẻ: "Tôi đã rất sốc. Tôi bắt đầu đọc sách báo về họ. Một ngày nọ, khi tôi vừa ra khỏi ký túc xá, một người phụ nữ chuyển giới đi thẳng về phía tôi. Tôi hoảng sợ, không biết phải phản ứng thế nào. Vì sợ hãi, tôi chỉ cười và hỏi: "Bạn có khỏe không?' Người phụ nữ bắt đầu khóc và chia sẻ câu chuyện của mình với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu những người này bị phân biệt đối xử như thế nào và họ đã tuyệt vọng thế nào khi mong muốn được chấp nhận."


Là một nữ tu dòng Chúa Cứu Độ, Sơ Amitha Polimetla đã quen suy nghĩ về cách sơ có thể chữa lành và nâng đỡ mọi người. Sơ nói: "Chúa Kitô luôn ở bên cạnh những người bị gạt ra bên lề xã hội: các tội nhân, những người thu thuế, các gái điếm, người bần cùng, người nghèo." Sơ tin rằng Chúa Giêsu sẽ không né tránh các phụ nữ chuyển giới này bởi vì họ sống ở một vùng ngoại vi của cuộc sống vô cùng cực đoan. Tại thành phố cảng Visakhapatnam, sơ và các nữ tu cùng dòng đã thành lập Hiệp hội Nee Thodu, một điểm liên lạc của các hijras. Sơ Amitha cũng đi khắp nơi, cố gắng "tìm xem họ sống ở đâu rồi đến đó. Tôi nói chuyện với họ và ghi lại câu chuyện của họ. Tôi cố gắng làm cầu nối giữa họ với Chính phủ và người thân của họ. Chúng tôi đang cung cấp chương trình đào tạo cho cộng đồng người chuyển giới, cho các bậc cha mẹ và công chúng nói chung," sơ giải thích. Các kế hoạch tương lai của sơ bao gồm việc thiết lập đường dây trợ giúp cho người chuyển giới và cung cấp nơi trú ẩn cho họ.


Vào năm 2014, Ấn Độ đã công nhận người chuyển giới là giới tính thứ ba. Năm 2020, chính phủ bắt đầu cấp thẻ căn cước. Việc có được giấy Chứng nhận và Chứng minh nhân dân của người chuyển giới là chìa khóa quan trọng vì nó cho phép các phụ nữ chuyển giới đăng ký vào hệ thống y tế nhà nước và nhận được tất cả các hỗ trợ khác của chính phủ mà họ đủ điều kiện nhận, ví dụ như thẻ khẩu phần thực phẩm, thẻ cử tri, trợ cấp lương hưu. Nhưng để có được điều này thật khó. Sơ Amitha cho biết: "90% người chuyển giới không có giấy chứng nhận thôi học bởi vì họ bị bắt nạt. Nhiều người mù chữ và không biết gì về quyền công dân của họ. Chúng tôi giúp họ đăng ký chứng minh nhân dân, điều này rất phức tạp. Chúng tôi đi cùng họ đến văn phòng công chứng, ở đó họ khai báo danh tính người chuyển giới của họ."


Sơ tin rằng việc lên án phụ nữ chuyển giới vì hành vi không thích hợp của họ là một cách tiếp cận sai lầm. Họ không chọn xu hướng tự nhiên của mình nhưng lại bị buộc phải chấp nhận sự kỳ thị nặng nề của xã hội vì nó. Chắc chắn, sơ thừa nhận, vấn đề về giới tính thứ ba cũng đặt ra cho Giáo hội những câu hỏi. "Nhưng thực tế là một số trẻ em được sinh ra có xu hướng như thế. Chúng ta nên chấp nhận họ như họ là, giúp đỡ và hỗ trợ họ mà không cố gắng thay đổi họ."


Đồng thời, Sơ Amitha khẳng định rằng việc người chuyển giới không tham gia vào xã hội là vô cùng bất công, theo quan điểm Kitô giáo. "Có những người với xu hướng này, với kiểu mất cân bằng nội tiết tố hoặc mất cân bằng nhiễm sắc thể. Trong nhiều thế kỷ, họ đã bị kìm hãm sự phát triển vì điều này. Chúng ta còn có thể phớt lờ họ theo cách này thêm bao nhiêu năm nữa? Đã đến lúc chúng ta chấp nhận những người này như họ vốn có và giúp đỡ họ bằng các nguồn lực của chúng ta để họ có thể sống một cuộc sống xứng đáng trong xã hội này."


Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ