Nữ tu Ấn Độ mang ngọn đuốc hy vọng cho những người di cư ở Kerala
Sơ Florina Joseph SCN
Sơ Gracy Thombrakudyil đến từ một thị trấn ở Kerala ở miền nam Ấn Độ và hiện là Nữ tu của Dòng Bác ái Nazareth (SCN).
Trong những năm đầu đời tu trì, Sơ Gracy đã làm việc với các bộ tộc người Santhal ở Jharkhand để giáo dục và giúp họ có khả năng lo cho cuộc sống. Sơ không biết rằng trải nghiệm này sẽ là sự chuẩn bị cho những nỗ lực trong tương lai của sơ.
Hoàn cảnh của những người di cư
Vào cuối những năm 1990, Ấn Độ chứng kiến làn sóng di cư đáng kể từ các tiểu bang phía Bắc đến phía Nam, đặc biệt là đến Kerala, để tìm kiếm việc làm và sự ổn định tài chính. Mặc dù hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe đáp ứng được nhu cầu của họ, nhưng họ thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ cư dân địa phương.
Nhiều người sống trong những căn hộ nhỏ, đông đúc, với các tiện nghi tối thiểu với mức giá đắt đỏ, do chủ lao động của họ tổ chức. Chủ lao động thường áp đặt các hạn chế đối với khách đến thăm, bằng cách đến thăm bất ngờ và đếm số dép để đảm bảo không có thêm thành viên nào có mặt.
Tại nơi làm việc, các nhà thầu đòi hỏi quá mức và thường xuyên lăng mạ công nhân vì những lỗi nhỏ. Người di cư bị buộc phải làm việc mà không có ngày nghỉ và không có thời gian để thư giãn. Nhiều người di cư bị khấu trừ tiền lương, khiến họ dễ bị tổn thương và sợ bị sa thải và bị sỉ nhục, phải chịu đựng sự áp bức để gia đình họ được sống sót.
Đáp lại tiếng kêu của người di cư
Đáp lại tiếng kêu của những người di cư vì kinh tế này, các tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại Ấn Độ, hợp tác với các Nữ tu Bác ái Nazareth, đã khởi xướng một hoạt động mục vụ cho họ. Sơ Gracy được bổ nhiệm làm nhân viên xã hội và dựa vào kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ của các bộ lạc, đặc biệt là 'Santhali' và 'Ho', sơ đã dấn thân giải cứu những cá nhân này khỏi cảnh khốn cùng.
Nhờ nỗ lực, Sơ Gracy đã có thể tập hợp những người di cư Công giáo để tham dự các Thánh lễ và lễ hội văn hóa. Từ năm 2015, Sơ đã chăm sóc những người di cư bất kể tôn giáo của họ, để đảm bảo họ được giáo dục về các chương trình của chính phủ, được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và có khả năng nộp đơn khiếu nại trong trường hợp bị lạm dụng tại nơi làm việc hoặc nơi cư trú.
Người tiên phong trong thay đổi hệ thống
Trong công việc tiên phong của sơ với những người di cư tại Tiểu bang Kerala, hoạt động vận động của Sơ Gracy đã thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của người dân địa phương về người di cư.
Lúc đầu, những người di cư này là nạn nhân của sự phân biệt đối xử của người Malayali địa phương và có một khoảng cách rất lớn giữa cư dân địa phương và người di cư. Nhận thấy thực tế này, Sơ Gracy đã thiết lập một chương trình thúc đẩy cư dân địa phương, những người trước đây chỉ là người quan sát thụ động, tham gia làm tình nguyện viên để hỗ trợ người di cư.
Sơ di chuyển đến nhiều nơi khác nhau của Kerala để giúp các giáo sĩ Công giáo địa phương và các tu sĩ tận hiến học cách kết bạn với người di cư.
Những rào cản trên hành trình
Trong sứ vụ trợ giúp những người bị gạt bên lề, Sơ Gracy đã gặp phải nhiều rào cản. Một thách thức là sự thay đổi của số lượng người di cư; điều này ảnh hưởng đến tính nhất quán của công việc.
Khi bắt đầu công tác mục vụ, một số chủ lao động đã có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với Sơ Gracy và nhóm của sơ, những người đang hành động như những người đại diện cho công lý cho người di cư.
Tuy nhiên, sau nhiều năm sơ làm mục vụ, những người di cư đã có khả năng để tự nộp đơn khiếu nại và không dung thứ cho sự bất công bằng bất cứ giá nào.
Người mẹ của người di cư
Những người di cư ở Kerala đã tìm thấy gia đình nơi Sơ Gracy, và sơ đã trở thành một người mẹ và là ngọn hải đăng hy vọng cho nhiều người dân trong quận Kozhikode. Sơ thể hiện bản chất lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 28 tháng 8 năm 2024, khi ngài kêu gọi một “cái nhìn đổi mới và sâu sắc hơn” để đón nhận khuôn mặt và câu chuyện của những người vượt biên giới để tìm kiếm hy vọng.