Trung tâm đa tôn giáo tại Thế vận hội Olympic Paris 2024
Vatican News
Phó tế Jason Nioka, đảm trách điều hành các hoạt động của trung tâm, cho biết, trung tâm mở cửa từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, hỗ trợ các vận động viên của 5 tôn giáo: Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo và Ấn giáo. Tại đây, các vận động viên sẽ có thể gặp các vị tuyên uý theo tôn giáo của mình.
Đối với các vận đông viên Công giáo, họ sẽ được phục vụ bởi các linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân. Theo phó tế Jason Nioka, đây thực sự la một thời điểm quan trọng trong cuộc đời các vận động viên, vì đã chuẩn bị trong thời gian kéo dài 4 năm, hoặc đối với một số người, còn nhiều năm hơn nữa.
Giáo hội Công giáo Pháp đã có một cuộc gặp gỡ các vị tuyên uý chuẩn bị cho sứ vụ này tại nhà thờ Thánh Germain l’Auxerrois ở Paris. Christine Rey, một cựu vô địch môn Judo, giải thích, các vận động viên sẽ cố gắng hết mình nhưng một số sẽ không thành công. Chúng ta phải giúp họ đón nhận điều này
Phó tế Jason Nioka bảo đảm, đối với các vận động viên, đời sống đức tin sẽ là yếu tố quyết định, cả trong quá trình chuẩn bị lâu dài và thời điểm thi đấu. Về điều này, ngoài việc được lắng nghe chăm chú, họ còn có thể tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Ouen-le-Vieux, với các ngôn ngữ khác nhau.
Trung tâm đa tôn giáo sẽ mở cửa cho các vận động viên muốn đến cầu nguyện, hoặc để lại ý chỉ cầu nguyện, và có cả những giờ cầu nguyện đại kết.
Thánh lễ khai mạc cầu nguyện cho Thế vận hội vào ngày 19/7, buổi cầu nguyện chúc lành cho các vận động viên vào ngày 25/7, và một Thánh lễ bế mạc Thế vận hội dành cho người khuyết tật vào ngày 08/9.
Đối với phó tế Jason Nioka, ở một khía cạnh nào đó, các giá trị thể thao kết nối các nhân đức Kitô giáo. Chương trình Holy Games, sáng kiến của Giáo hội Công giáo dành cho Thế vận hội Olympic đã nhấn mạnh điều này bằng một tập sách nhỏ có tựa đề “Get ready”, trong đó phát triển song song giữa thể thao và các nhân đức Kitô.