Bài 1: Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại
I. HOẠT ĐỘNG GIẢI PHÓNG CỦA THIÊN CHÚA TRONG LỊCH SỬ DÂN ISRAEL
a. Sự hiện diện vô điều kiện của Thiên Chúa
20. Trong mọi truyền thống văn hoá, bất cứ kinh nghiệm tôn giáo chân chính nào cũng đều dẫn người ta tới chỗ linh cảm một huyền nhiệm nào đó, và huyền nhiệm này thường giúp chúng ta nhận ra một vài nét trong dung mạo Thiên Chúa. Một đàng, Thiên Chúa được coi lànguồn gốc của mọi sự đang hiện hữu, là sự hiện diện bảo đảm cho con người có được những điều kiện sống căn bản để tổ chức thành một xã hội, trao vào tay con người những phương thế cần thiết. Đàng khác, Thiên Chúa xuất hiện như chuẩn mực cho biết mọi sự phải thế nào, như sự hiện diện luôn thách thức các hoạt động của con người – cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội – liên quan đến việc sử dụng các phương thế ấy trong mối tương quan với người khác. Thế nên, trong bất cứ kinh nghiệm tôn giáo nào, người ta cũng phải hết sức chú ý tới chiều hướng ban tặng và cho không, được coi là yếu tố nằm bên dưới mọi kinh nghiệm con người có về cuộc sống của mình cùng với người khác trong thế giới, cũng như phải hết sức chú ý tới những âm hưởng của chiều hướng này trên lương tâm con người, khiến con người cảm thấy mình được kêu gọi để quản lý quà tặng đã nhận được với tinh thần trách nhiệm và cùng với người khác. Bằng chứng cho sự kiện này là ai ai cũng nhận ra một quy luật vàng, cho biết đâu là điều Đấng Huyền Nhiệm muốn dạy con người trong quan hệ với nhau: “Bất cứ điều gì anh em muốn người khác làm cho mình thì chính anh em hãy làm cho họ” (Mt 7,12)23.
21. Trên kinh nghiệm tôn giáo phổ quát nền tảng ấy, được mỗi người cảm nhận mỗi khác, chúng ta thấy nổi rõ sự mạc khải tiệm tiến của Thiên Chúa về bản thân mình cho dân Israel. Mạc khải này đáp ứng nỗi khao khát của con người đi tìm kiếm Chúa, và đáp ứng một cách hết sức bất ngờ theo cung cách của lịch sử – tức là vừa gây ấn tượng vừa thâm nhập sâu xa – qua đó Thiên Chúa cho con người thấy tình thương của Ngài cách cụ thể. Theo sách Xuất Hành, Thiên Chúa nói với Môsê như sau: “Ta đã thấy nỗi khốn khổ của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe thấy tiếng kêu la của chúng vì các tay đốc công; Ta biết những đau khổ của chúng, và Ta sẽ xuống để giải thoát chúng khỏi tay những người Ai Cập, đưa chúng ra khỏi đất ấy để tới miền đất tốt tươi và rộng rãi, miền đất chảy sữa và mật ong” (Xh 3,7-8). Sự hiện diện hoàn toàn vô vị lợi của Thiên Chúa – một điều được ám chỉ qua cái tên của Ngài như Ngài đã mạc khải cho Môsê, “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14) – được biểu lộ qua việc Ngài giải phóng họ khỏi ách nô lệ và qua những lời Ngài hứa. Những việc này đã trở thành những hành động lịch sử, là nguyên nhân đưa tới cách thế mà dân Chúa tự xác định mình, khi nhận được sự tự do và miền đất Chúa ban tặng.
22. Hành động tặng không mà Thiên Chúa đã thực hiện hết sức hiệu quả trong lịch sử ấy luôn có kèm theo việc cam kết thực thi giao ước, do Thiên Chúa đề nghị và được dân Israel chấp nhận. Trên núi Sinai, sáng kiến của Thiên Chúa đã trở thành cụ thể qua giao ước của Ngài với dân Ngài, và kèm theo đó là Mười Điều Răn do Chúa mạc khải (x. Xh 19-24). “Mười Điều Răn” ấy (Xh 34,28; x. Đnl 4,13; 10,4) “diễn tả nội dung bao hàm những việc thuộc về Chúa khi ký kết giao ước. Sống có luân lý chính là một cách đáp trả sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Đó chính là sự tri ân và tôn kính dành cho Thiên Chúa, đồng thời là sự thờ phượng trong tâm tình biết ơn. Đó cũng là cộng tác vào kế hoạch mà Thiên Chúa đang theo đuổi trong dòng lịch sử”24.
Mười Điều Răn tạo nên một con đường sống đặc biệt và an toàn nhất để được tự do khỏi bị nô lệ tội lỗi - cũng là một cách diễn đạt đặc biệt của luật tự nhiên. Mười Điều Răn “dạy chúng ta biết thế nào là làm người thật sự. Chúng chỉ cho chúng ta thấy những nghĩa vụ thiết yếu, và do đó, một cách gián tiếp, chúng cho chúng ta thấy những quyền căn bản nằm trong bản tính con người”25. Chúng mô tả cho chúng ta biết luân lý chung của con người là gì. Trong Tin Mừng, chính Đức Giêsu đã nhắc nhở chàng thanh niên giàu có rằng Mười Điều Răn (x. Mt 19,18) “chính là những quy luật thiết yếu cho mọi đời sống xã hội”26.
23. Từ Mười Điều Răn ấy, chúng ta thấy mình phải cam kết không những trung thành với một Thiên Chúa chân thật duy nhất, mà còn phải có những mối quan hệ xã hội thế nào giữa dân giao ước với nhau. Đặc biệt những mối quan hệ này được quy định bởi điều được gọi làquyền của người nghèo: “Nếu người nào trong các ngươi nghèo, một người trong anh chị em các ngươi…, các ngươi không được đóng lòng hay khoá tay lại, mà phải mở rộng tay với người ấy và cho người ấy vay đủ cái người ấy cần” (Đnl 15,7-8). Những điều này cũng áp dụng cho cả người ngoại quốc: “Khi có người ngoại quốc cư ngụ với các ngươi trên đất các ngươi, các ngươi không được làm hại người ấy. Người ngoại quốc cư ngụ với các ngươi cũng được coi như người bản xứ như các ngươi, các ngươi sẽ yêu thương người ấy như chính mình; vì các ngươi cũng đã từng là người ngoại quốc trên đất Ai Cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19,33-34). Như thế, việc ban tự do và Đất Hứa, ban Giao Ước trên núi Sinai và Mười Điều Răn, tất cả những ân huệ ấy đều được gắn liền với những bổn phận sẽ chi phối quá trình phát triển xã hội Israel, trong công bằng và liên đới.
24. Trong số nhiều chuẩn mực diễn tả cách cụ thể sự cho không của Thiên Chúa và việc chia sẻ sự công bằng như Chúa đã thôi thúc, luật Năm Sabat (cứ bảy năm một lần) và luật Năm Toàn Xá (cứ năm mươi năm một lần)27 được coi là những chỉ dẫn quan trọng cho đời sống xã hội và kinh tế của dân Israel – dù rất tiếc chúng không bao giờ được thực hiện cách hoàn toàn hữu hiệu trong lịch sử. Không kể việc yêu cầu để ruộng đồng nghỉ ngơi, luật còn đòi người Israel xoá hết nợ nần và tha bổng cho cả người lẫn của cải: ai nấy được tự do trở về nguyên quán của mình và lấy lại những tài sản đã được thừa kế một cách tự nhiên.
Luật này nhằm bảo đảm cho thấy biến cố cứu độ Xuất Hành khỏi Ai Cập và việc trung thành với Giao Ước không chỉ là nguyên tắc làm nền cho đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, mà còn là nguyên tắc hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan tới sự nghèo đói về kinh tế và các bất công xã hội. Nguyên tắc này thường được viện đến mỗi khi người ta muốn canh tân đời sống của dân Giao Ước, từ bên trong và liên tục, hầu làm cho đời sống của họ phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Để loại trừ sự kỳ thị và những bất bình đẳng về kinh tế do những sự thay đổi trong kinh tế và xã hội gây ra, cứ bảy năm, người ta nhớ lại biến cố Xuất Hành và Giao Ước bằng những hành vi xã hội và pháp lý, nhằm trả lại ý nghĩa sâu xa nhất cho những khái niệm về nghèo đói, nợ nần, vay mượn và của cải.
25. Các luật cử hành Năm Sabat và Năm Toàn Xá chính là một hình thức “học thuyết xã hội” thu nhỏ28. Chúng cho thấy các nguyên tắc của công lý và liên đới xã hội đã được cảm hứng thế nào từ hành vi cứu độ vô vị lợi của Thiên Chúa. Chúng không chỉ có giá trị sửa chữa những tập tục bị chi phối bởi các quyền lợi và mục tiêu ích kỷ, mà còn như một lời tiên tri cho tương lai, chúng đã trở thành những điểm tham khảo mang tính quy phạm mà mỗi thế hệ Israel phải tuân thủ nếu muốn trung thành với Thiên Chúa của mình.
Những nguyên tắc này cũng trở thành tiêu điểm cho các ngôn sứ nhắm tới khi giảng dạy, bằng cách giúp người ta đưa chúng vào nội tâm. Theo lời dạy của các ngôn sứ, Thần Khí Thiên Chúa, được đổ vào tâm hồn con người, sẽ làm cho những tình cảm về công lý và liên đới ấy, từng hiện diện trong tâm hồn Đức Chúa, bám rễ trong lòng mọi người (x. Gr 31,33 và Ez 36,26-27). Lúc ấy, ý muốn của Thiên Chúa – được diễn tả trong Mười Điều Răn mà Ngài đã ban cho họ trên núi Sinai – sẽ bám rễ trong nơi sâu xa nhất của con người. Nhờ tiến trình nội tâm hoá này mà các hành vi xã hội của con người có được chiều sâu và được hiện thực nhiều hơn, có thể làm cho các thái độ đối với công lý và liên đới dần dần trở thành những thái độ phổ quát, mà dân Giao Ước được mời gọi thi hành đối với hết mọi người trong mọi quốc gia và dân tộc.
b. Nguyên tắc sáng tạo và hành động tặng không của Thiên Chúa
26. Suy tư của các Tiên Tri và suy tư trong Văn Chương Khôn ngoan, để đi tới nguyên tắc mọi sự đều do Thiên Chúa tạo thành, đã đề cập đến lần đầu tiên việc Thiên Chúa bày tỏ kế hoạch của Ngài đối với toàn thể nhân loại và nguyên tắc này cũng trở thành nguồn cội cho toàn thể kế hoạch dành cho con người. Trong cách tuyên xưng niềm tin của người Israel, xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, điều này không có nghĩa chỉ là bày tỏ một niềm tin lý thuyết, mà còn nắm bắt được tầm mức rộng lớn của hành vi tặng không mà Thiên Chúa nhân hậu đã làm cho con người. Thật vậy, Thiên Chúa hoàn toàn tự do khi trao ban sự hiện hữu và sự sống cho tất cả mọi sự đang có. Chính vì lý do đó, người nam cũng như người nữ, đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (x. St 1,26-27), được mời gọi hãy trở thành dấu chỉ hữu hình và dụng cụ hữu hiệu để tỏ lộ hành vi tặng không của Thiên Chúa khi đặt họ vào vườn để canh tác và trông coi các công trình sáng tạo.
27. Chỉ trong hành vi tự do của Thiên Chúa Tạo Hoá, chúng ta mới tìm được ý nghĩa chính xác của việc tạo dựng, dù rằng công trình tạo dựng này đã bị tội lỗi làm biến dạng. Thật vậy, trình thuật về cái tội đầu tiên (x. St 3,1-24) cho thấy nhân loại bị cám dỗ liên tục và sống trong tình cảnh xáo trộn sau khi tổ tiên mình sa ngã. Bất tùng phục Thiên Chúa tức là né tránh sự chăm sóc yêu thương của Ngài và đòi kiểm soát cuộc đời và hành vi của mình trong thế giới. Cắt đứt mối quan hệ hiệp thông với Thiên Chúa là gây ra đổ vỡ trong chính sự thống nhất nội tâm của con người, trong những mối quan hệ giữa người nam và người nữ, cũng như trong những mối quan hệ hài hoà giữa loài người và các thụ tạo khác29. Muốn tìm gốc rễ sâu xa nhất của mọi tệ đoan đang ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau, của tất cả những tình huống trong đời sống kinh tế và chính trị đang tấn công phẩm giá con người, đang hãm hại công lý và tình liên đới, thì phải tìm trong lần xa cách chia lìa đầu tiên ấy.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
23 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1789, 1970, 2510.
24 Ibid., 2062.
25 Ibid., 2070.
26 Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 97: AAS 85 (1993), 1209.
27 Những luật này có thể tìm thấy nơi sách Xh 23, Đnl 15 và Lv 25.
28 x. Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 13: AAS 87 (1995), 14.
29 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 13: AAS 58 (1966), 1035.
II. ĐỨC GIÊSU KITÔ, SỰ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA CHA
a. Nơi Đức Giêsu Kitô, biến cố mang tính quyết định trong lịch sử quan hệ của Thiên Chúa với loài người được thực hiện
28. Lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài hành động, đồng thời đã cho chúng ta chìa khoá để hiểu các hành động ấy, nay trở nên gần gũi con người đến nỗi chúng mang dáng dấp của một con người, tên là Giêsu, tức là Ngôi Lời đã thành xương thành thịt. Trong Tin Mừng thánh Luca, Đức Giêsu mô tả tác vụ cứu thế của mình bằng những lời lẽ của Isaia, cho chúng ta biết ý nghĩa tiên tri của năm toàn xá: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù sáng mắt, giải phóng những ai bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; x. Is 61,1-2). Như thế, Đức Giêsu đã tự xếp mình vào hàng ngũ những người hoàn tất, không phải chỉ vì Người đã thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa và những gì dân Isarel chờ đợi, mà sâu xa hơn còn vì, biến cố mang tính quyết định trong lịch sử, quan hệ của Thiên Chúa với con người đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Vì thế, Người mới dám tuyên bố: “Ai thấy Ta là đã thấy Cha” (Ga 14,9). Nói cách khác, Đức Giêsu chính là bằng chứng để chúng ta thấy tận mắt Thiên Chúa đã hành động quả quyết thế nào đối với con người.
29. Tình yêu thôi thúc Đức Giêsu thi hành sứ vụ giữa loài người chính là tình yêu Người đã nghiệm thấy khi kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Tân Ước giúp chúng ta đi sâu hơn trong kinh nghiệm mà Đức Giêsu đã từng sống và truyền đạt cho chúng ta, kinh nghiệm về tình yêu của Chúa Cha, mà Người gọi là “Abba, Cha ơi!”, và từ đó, giúp chúng ta đi vào chính trung tâm đời sống Thiên Chúa. Đức Giêsu loan báo tình thương giải phóng của Thiên Chúa cho những ai Người gặp trên đường của mình, trước hết là những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề, những người tội lỗi. Người mời gọi tất cả mọi người đi theo Người vì Người là người đầu tiên tùng phục kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, và Người làm việc này một cách hết sức đặc biệt như người sứ giả được Thiên Chúa sai đến thế gian.
Việc Đức Giêsu ý thức mình là Con là một biểu hiện của kinh nghiệm ưu tiên đó. Con được Cha ban cho mọi thứ và được ban cho một cách hoàn toàn tự do: “Mọi sự của Cha đều là của Thầy” (Ga 16,15). Đến lượt mình, sứ mạng của Người là làm cho mọi người chia sẻ hồng ân ấy và chia sẻ quan hệ con cái ấy: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm; nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe thấy nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).
Đối với Đức Giêsu, nhận ra tình yêu của Chúa Cha có nghĩa là phải uốn nắn các hành vi của mình theo lòng thương xót và vô vị lợi của Thiên Chúa; chính những điều này làm cho sự sống mới được khai sinh. Hay có nghĩa là trở nên tấm gương và khuôn mẫu cho các môn đệ từ chính sự hiện hữu của mình. Những ai đi theo Đức Kitô được kêu gọi hãy sống như Người, và sau khi Người vượt qua cái chết và sống lại, còn phải sống trong Người và nhờ Người, dựa vào một hồng ân hết sức phong phú là Chúa Thánh Thần, còn gọi là Đấng An Ủi, Ngài sẽ tìm cách đưa nếp sống riêng của Đức Kitô vào trong tâm hồn con người.
b. Mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi
30. Trước sự ngạc nhiên không ngừng của những người đã từng cảm nghiệm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa (x. Rm 8,26), Tân Ước dựa vào mạc khải đầy đủ về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được bày tỏ trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, để cho chúng ta hiểu đâu là ý nghĩa cuối cùng của mầu nhiệm Chúa Con Nhập thể và sứ mạng của Người giữa muôn người. Thánh Phaolô viết: “Nếu Thiên Chúa đã bênh vực chúng ta, ai dám chống lại chúng ta? Thiên Chúa đã không tha chính Con mình mà đã trao nộp Người vì tất cả chúng ta, chẳng lẽ Thiên Chúa sẽ không trao cho chúng ta mọi sự cùng với Người Con ấy?” (Rm 8,31-32). Thánh Gioan cũng nói tương tự như thế: “Tình yêu cốt ở điều này, là không phải chúng ta yêu Thiên Chúa nhưng chính Ngài yêu thương chúng ta trước và đã gửi Con mình đến đền tội thay cho chúng ta” (1 Ga 4,10).
31. Dung mạo Thiên Chúa, dần dần được tỏ lộ trong lịch sử cứu độ, chiếu sáng trong tất cả đường nét của mình nơi dung mạo Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị đóng đinh và đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần; thật sự riêng biệt và thật sự là một, vì Thiên Chúa là sự hiệp thông vô tận của yêu thương.
Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại được mạc khải trước tiên như một tình yêu xuất phát từ Cha – từ đó mọi sự được khơi nguồn; rồi như một tình yêu được truyền thông tự do cho Con, và đến lượt mình, Con cũng hiến thân cho Cha và cho loài người; cuối cùng như một thành quả luôn mới mẻ của tình yêu Thiên Chúa mà Thánh Thần sẽ đổ vào lòng con người (x. Rm 5,5).
Bằng lời nói và việc làm, cũng như một cách trọn vẹn và dứt khoát, bằng cái chết và sự sống lại của mình30, Đức Giêsu đã mạc khải cho nhân loại thấy Thiên Chúa là Cha và tất cả chúng ta đều được mời gọi trở nên con cái Ngài trong Thánh Thần (x. Rm 8,15; Gl 4,6), và từ đó trở nên anh chị em với nhau. Chính vì lý do này mà Giáo Hội tin chắc rằng “bí quyết, trung tâm và mục tiêu của toàn bộ lịch sử nhân loại đều ở nơi Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Thầy của mình”31.
32. Khi suy niệm về món quà tặng không rất dồi dào là Chúa Con mà Thiên Chúa Cha đã ban, một điều mà Đức Giêsu đã giảng dạy và đã làm chứng bằng cách xả thân vì chúng ta, tông đồ Gioan đã khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất và hiệu quả hợp lý nhất của món quà ấy. “Hỡi các con yêu dấu, nếu Thiên Chúa yêu chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nếu chúng ta yêu thương nhau, Thiên Chúa sẽ ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài đã trở nên tuyệt hảo nơi chúng ta” (1 Ga 4,11-12). Sự trao đổi trong tình yêu là điều được yêu cầu trong lệnh truyền mà Đức Giêsu gọi là “điều răn mới” và cũng là “điều răn của Người”: “đó là anh em hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13,34). Yêu thương nhau chính là cách để chúng ta sống đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Giáo Hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô, và là cách để chúng ta làm thay đổi lịch sử cho tới khi lịch sử ấy hoàn thành mỹ mãn trong Giêrusalem thiên quốc.
33. Điều răn yêu thương nhau, tượng trưng cho luật sống của dân Chúa32, phải là nguồn cảm hứng, nguồn thanh lọc và nâng cao mọi quan hệ nhân loại trong xã hội và trong chính trị. “Làm người có nghĩa là được mời gọi hiệp thông giữa người với người”33, vì được làm hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và giống Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là nền tảng cho toàn bộ “đạo đức học của con người”, đạo đức học này đạt tới cao điểm trong điều răn yêu thương”34. Hiện tượng lệ thuộc nhau về văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị trong thế giới hiện nay làm tăng cường và làm rõ hơn mối dây thống nhất gia đình nhân loại, một lần nữa lại làm nổi bật trong ánh sáng của mạc khải “một mô hình mới của sự hợp nhất nhân loại, mô hình này hẳn phải tạo cảm hứng cho chúng ta liên đới với nhau. Mô hình hợp nhất ấy, phản ánh sự sống thân mật của Thiên Chúa – một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, đó chính là điều mà các Kitô hữu muốn diễn tả khi nói tới “hiệp thông”35.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
30 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 4: AAS 58 (1966), 819.
31 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 10: AAS 58 (1966), 1033.
32 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965), 12-14.
33 Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem, 7: AAS 80 (1988), 1666.
34 Ibid., 7: AAS 80 (1988), 1665-1666.
35 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 569.
III. CON NGƯỜI TRONG KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA
a. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc và là mục tiêu của con người
34. Khi mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô như tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì đồng thời ơn gọi của con người là yêu thương cũng được mạc khải. Mạc khải này soi sáng cho chúng ta hiểu phẩm giá con người và sự tự do của con người trong mọi khía cạnh, cũng như hiểu bản tính xã hội của con người một cách sâu xa. “Là con người theo hình ảnh và giống Thiên Chúa… cũng là được hiện hữu trong một tương quan, trong tương quan với một ‘cái tôi’ khác36, vì bản thân Thiên Chúa – vừa là một vừa là ba – chính là sự hiệp thông giữa Cha, Con và Thánh Thần”.
Con người được mời gọi hãy khám phá nguồn gốc và mục tiêu của cuộc đời và lịch sử đời mình nơi sự hiệp thông yêu thương của Thiên Chúa, vì nơi đó Ba Ngôi yêu thương nhau và chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), các Nghị phụ Công đồng dạy rằng “khi cầu xin Cha ‘cho chúng nên một… như Chúng Ta là một’ (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu Kitô đã mở ra những chân trời mới mà lâu nay trí khôn con người chưa khám phá, đó là nhìn nhận có một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của con cái Thiên Chúa trong sự thật và tình yêu. Sự tương tự này cho thấy nếu con người là thụ tạo duy nhất trên thế gian này mà Thiên Chúa muốn tạo dựng vì chính con người, thì con người chỉ có thể khám phá ra bản ngã đích thực của mình khi chân thành trao ban chính mình (x. Lc 17,33)”37.
35. Mạc khải Kitô giáo đã chiếu ánh sáng mới mẻ cho chúng ta hiểu bản sắc, ơn gọi và định mệnh cuối cùng của con người và của nhân loại. Mỗi người đều do Thiên Chúa tạo dựng, đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và sẽ tự hoàn thành chính mình bằng cách thiết lập mạng lưới quan hệ yêu thương, công bằng và liên đới với những người khác, khi tiến hành các việc làm khác nhau trong thế giới. Bất cứ hoạt động nào của con người mà giúp phát huy phẩm giá và ơn gọi đầy đủ của con người, đẩy mạnh các điều kiện sống cho có chất lượng và giúp các dân tộc, các quốc gia liên đới với nhau, đều là những hoạt động phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng không ngừng bày tỏ tình yêu và sự quan tâm lo lắng cho con cái mình.
36. Các trang đầu tiên của cuốn sách thứ nhất trong Thánh Kinh, khi mô tả con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26-27), đã bao gồm một giáo huấn cơ bản về bản sắc và ơn gọi của con người. Chúng cho chúng ta biết rằng tạo dựng con người là một hành vi hoàn toàn tự nguyện và vô điều kiện của Thiên Chúa; vì là những con người tự do và có hiểu biết, nên con người chính là “tha nhân” do Chúa sáng tạo, và chỉ khi liên hệ với Ngài, con người mới khám phá ra, mới thực hiện được đúng đắn và đầy đủ ý nghĩa của đời sống cá nhân cũng như xã hội của mình. Chúng còn cho ta hiểu rằng chính khi con người bổ túc cho nhau và trao đổi với nhau, con người mới là hình ảnh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong vũ trụ. Đấng Tạo Hoá cũng trao cho con người, chóp đỉnh của công trình tạo dựng, nhiệm vụ sắp xếp thiên nhiên được tạo thành ấy theo ý định của Ngài (x. St 1,28).
37. Sách Sáng Thế còn cung cấp cho chúng ta một số nền tảng làm nên khoa nhân học Kitô giáo như phẩm giá bất khả chuyển nhượng của con người, gốc rễ và bảo chứng của phẩm giá ấy nằm trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa; bản tính xã hội chủ yếu của con người mà mẫu gốc của bản tính ấy là mối quan hệ nguyên thuỷ giữa người nam và người nữ, sự kết hợp của hai người này “chính là hình thức hiệp thông đầu tiên giữa con người với con người”38. Ý nghĩa của những hoạt động con người thực hiện trong thế giới có liên quan tới việc khám phá và tôn trọng các định luật tự nhiên do Thiên Chúa khắc ghi trong vũ trụ mà Ngài đã tạo thành, để con người có thể sống trong vũ trụ ấy và chăm sóc vũ trụ ấy theo ý muốn của Thiên Chúa. Cái nhìn về con người, xã hội và lịch sử này bám rễ rất sâu trong Thiên Chúa và sẽ được thấy rõ hơn nữa khi kế hoạch cứu độ trở thành hiện thực.
b. Sự cứu độ của Kitô giáo: dành cho hết mọi người và cho con người toàn diện
38. Sự cứu độ do sáng kiến của Chúa Cha được gửi tặng cho con người một cách sung mãn trong Đức Giêsu Kitô, rồi được thực hiện và truyền lại cho chúng ta nhờ hoạt động của Thánh Thần, là sự cứu độ dành cho hết mọi người và là sự cứu độ toàn diện con người: đó là sự cứu độ phổ quát và toàn diện. Nó liên quan đến con người trong hết mọi chiều hướng: chiều hướng cá nhân lẫn xã hội, thể lý lẫn tâm linh, lịch sử lẫn siêu việt. Nó đã bắt đầu trở thành một hiện thực trong lịch sử vì bất cứ điều gì được tạo dựng đều tốt và đều do Chúa muốn, cũng như vì Con Thiên Chúa đã trở nên một người giữa chúng ta39. Tuy nhiên, để hoàn tất, nó còn phải chờ đến tương lai khi mọi người chúng ta, cùng với toàn thể thụ tạo (x. Rm 8), được chia sẻ sự sống lại của Đức Kitô và được hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống của Chúa Cha trong niềm vui của Thánh Thần. Quan niệm như thế đã cho thấy rõ sai lầm và dối trá của những cái nhìn thuần tuý nội tại về ý nghĩa của lịch sử và của những ai đòi tự cứu lấy mình.
39. Sự cứu độ mà Thiên Chúa gửi tặng con cái Ngài đòi hỏi họ phải tự nguyện hưởng ứng và chấp nhận. Đức tin cốt ở tại điều ấy, và thông qua việc này, “con người tự nguyện hiến dâng trọn vẹn bản thân mình cho Chúa”40, đáp lại tình yêu đi bước trước và rất dồi dào của Thiên Chúa (x. 1 Ga 4,10) bằng cách yêu thương anh chị em mình một cách cụ thể và bằng cách luôn sống trong hy vọng, vì “Đấng đã hứa với chúng ta là Đấng luôn trung thành” (Dt 10,23). Thật ra, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không khiến con người phải ở thế thụ động hay lép vế khi liên hệ với Đấng Tạo Hoá, vì mối quan hệ của chúng ta với Chúa, như Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta và đã tình nguyện nhờ Thánh Thần biến chúng ta thành những người đồng thừa tự, chính là mối quan hệ của con cái đối với cha mình, cũng chính là mối quan hệ mà Đức Giêsu đã từng sống với Chúa Cha (x. Ga 15-17; Gl 4,6-7).
40. Chính vì ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại vừa phổ quát vừa toàn diện, nên mối quan hệ mà mỗi người chúng ta được mời gọi liên kết với Chúa không thể tách rời khỏi trách nhiệm chúng ta phải thi hành đối với anh em mình trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Điều này chúng ta có thể cảm nhận qua sự tìm kiếm của hết mọi người đi tìm sự thật và ý nghĩa cuộc đời, dù không phải lúc nào cũng tránh được sự hồ đồ hay ngộ nhận. Sự tìm kiếm ấy cũng là nền tảng cho Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Israel, như các tấm bia ghi Mười Điều Răn và giáo huấn của các ngôn sứ đã chứng nhận.
Tương quan này càng trở nên rõ ràng và chính xác hơn trong giáo huấn của Đức Giêsu, đồng thời được xác nhận cách dứt khoát qua bằng chứng tuyệt vời của Người khi hy sinh mạng sống mình vì vâng theo ý muốn của Chúa Cha và vì yêu thương anh chị em mình. Khi nghe một kinh sư hỏi “Điều răn nào là quan trọng nhất?” (Mc 12,28), Đức Giêsu đã trả lời: “Điều răn thứ nhất là: ‘Hỡi Israel, hãy lắng nghe: Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi là Đấng duy nhất; ngươi phải yêu mến Ngài với hết cả tâm hồn, linh hồn, trí khôn, và hết sức lực ngươi’. Còn điều răn thứ hai là: ‘Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình. Không có điều răn nào lớn hơn hai điều răn ấy” (Mc 12,29-31).
Trong tâm hồn con người, hai điều này liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi không thể tách rời nhau: đó là mối quan hệ với Chúa – như là Đấng Tạo Hoá và như là người Cha của mình, mối quan hệ này là nguồn gốc và là đích điểm của sự sống và sự cứu độ – và sự cởi mở để yêu thương con người một cách cụ thể, như yêu thương chính bản thân mình, kể cả khi người ấy là kẻ thù (x. Mt 5,43-44). Phân tích tới cùng, chúng ta sẽ thấy việc cam kết thực thi công bằng và liên đới để xây dựng một cuộc sống xã hội, kinh tế và chính trị theo đúng kế hoạch của Chúa đã bắt nguồn từ nội tâm sâu xa của con người.
c. Môn đệ của Đức Kitô là một thụ tạo mới
41. Đời sống cá nhân và xã hội, cũng như bất cứ hành vi nào của con người trong thế giới, luôn luôn bị tội lỗi đe doạ. Thế nhưng, “bằng cách chịu khổ vì chúng ta…, Đức Giêsu Kitô không những làm gương cho chúng ta để chúng ta bước theo Người, mà Người còn mở ra cho chúng ta một con đường. Nếu đi theo con đường ấy, cuộc sống và cái chết của chúng ta sẽ được thánh hoá và mặc một ý nghĩa mới”41. Trong đức tin và thông qua các bí tích, người môn đệ Đức Kitô gắn bó mật thiết với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu để con người cũ của mình, cùng với những khuynh hướng xấu, chịu đóng đinh với Đức Kitô. Rồi khi trở thành thụ tạo mới, họ được ân sủng tăng sức để có thể “bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4). Điều này “không chỉ đúng với các Kitô hữu, mà còn đúng đối với mọi người thiện chí, vì ân sủng vẫn đang hoạt động cách vô hình trong tâm hồn những người ấy. Vì Đức Kitô đã chết cho mọi người và vì ai ai cũng được mời gọi hưởng chung một định mệnh duy nhất – một định mệnh thần thánh – nên chúng ta phải tin rằng Thánh Thần sẽ ban cho mọi người khả năng trở thành những người tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua, bằng cách nào chỉ có Chúa biết mà thôi”42.
42. Sự biến đổi nội tâm con người, làm cho họ dần dần trở nên giống Đức Kitô, chính là điều kiện tiên quyết cần thiết để các mối quan hệ của họ với người khác được biến đổi thật sự. “Thế nên, cần lưu ý tới những khả năng tâm linh và luân lý của con người, cũng như nhu cầu cần hoán cải nội tâm thường xuyên, để tạo ra những thay đổi về xã hội thực sự có ích cho họ. Nhìn nhận thế ưu tiên của việc hoán cải tâm hồn không có nghĩa là loại bỏ, trái lại còn bắt chúng ta phải tìm những phương dược thích hợp để sửa chữa các tổ chức và các điều kiện sống có nguy cơ dẫn tới tội, để chúng trở nên phù hợp với các chuẩn mực của công bằng, thúc đẩy điều tốt hơn là ngăn cản điều tốt”43.
43. Không thể yêu tha nhân như chính mình và kiên trì giữ vững cách sống ấy nếu không có quyết tâm vững vàng và liên tục để làm cho mọi người và mỗi người được tốt, vì ai trong chúng ta cũng thật sự chịu trách nhiệm về mọi người44. Theo giáo huấn của Công đồng, “mọi người đều có quyền đòi chúng ta phải kính trọng và yêu thương, dù họ suy nghĩ và hành động khác với chúng ta về các vấn đề xã hội, chính trị và tôn giáo. Thật vậy, càng tìm hiểu sâu xa lề lối suy nghĩ của họ qua lòng tốt và yêu thương của mình, chúng ta càng có khả năng đối thoại với họ dễ dàng hơn”45. Muốn theo con đường này, chúng ta cần có ơn Chúa: Chúa sẽ ban cho con người ơn ấy để giúp con người vượt thắng các khuyết điểm, để kéo con người ra khỏi vòng luẩn quẩn của dối trá và bạo động, để nâng đỡ và thôi thúc con người khôi phục lại, với một tinh thần luôn luôn mới mẻ và sẵn sàng, cả một mạng lưới quan hệ trung thực và đúng đắn với anh chị em đồng loại của mình46.
44. Ngay cả mối quan hệ với vũ trụ được tạo dựng và các hoạt động của con người nhằm chăm sóc và biến đổi vũ trụ ấy cũng luôn luôn bị đe doạ bởi tính kiêu ngạo và tình yêu vị kỷ vô trật tự của con người, nên cần phải được thanh luyện và kiện toàn bằng thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô. “Được Đức Kitô cứu chuộc và được Thánh Thần biến đổi thành thụ tạo mới, con người có khả năng, thậm chí có bổn phận yêu thương mọi sự trong công trình tạo dựng của Chúa: con người tiếp nhận chúng từ Thiên Chúa, con người phải ngắm nhìn và tôn trọng chúng như chúng đang được ban ra từ bàn tay Thiên Chúa. Con người phải cám ơn vị ân nhân thần linh ấy về tất cả các điều đó, sử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do. Bằng cách đó, con người thật sự làm chủ thế giới như thể không có gì hết nhưng lại có tất cả: “Mọi sự là của anh em; nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23)47.
d. Ơn cứu độ siêu việt và các thực tại trần thế độc lập
45. Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người, trong Người và nhờ Người, thế giới và con người đạt tới được sự thật đích thực và trọn vẹn của mình. Mầu nhiệm Thiên Chúa vô cùng gần gũi với con người – điều này được thực hiện qua cuộc Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình trên thập giá và đã hy sinh chịu chết – cho thấy càng nhìn các thực tại của con người trong kế hoạch của Thiên Chúa và càng sống các thực tại ấy trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, các thực tại ấy càng được tăng thêm sức mạnh và càng được giải phóng cho hợp với bản sắc riêng của chúng và hợp với tự do riêng của chúng. Chia sẻ đời sống làm con cùng với Đức Kitô, nhờ cuộc Nhập Thể và nhờ quà tặng của Thánh Thần trong mầu nhiệm Vượt Qua, không phải là huỷ hoại mà là giúp giải phóng các đặc điểm và bản sắc thật sự và độc lập, cũng là nét làm nên con người với những sự biểu hiện khác nhau.
Cách nhìn này dẫn đến một cách tiếp cận đúng đắn các thực tại trần thế và sự độc lập của các thực tại ấy, đó là điều đã được Công đồng Vatican II lưu ý mạnh mẽ: “Nếu nói đến sự độc lập của các việc trần thế mà hiểu rằng các sự việc trần thế và xã hội tự chúng có những quy luật riêng và những giá trị riêng, và chúng ta có bổn phận phải khám phá dần dần để sử dụng và điều hoà, thì hoàn toàn hợp lý khi chúng ta đòi hỏi sự độc lập ấy cho các sự việc và xã hội trần thế. Điều ấy… cũng phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hoá. Chính vì được tạo thành như thế mà mọi sự được ban cho có sự ổn định, chân thật, tốt lành, cũng như luật lệ và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng những điều này khi tách rời chúng bằng những phương pháp đặc thù của các khoa học hay nghệ thuật”48.
46. Không có sự xung đột giữa Thiên Chúa và con người, nhưng giữa hai bên có mối quan hệ yêu thương, theo đó, thế giới và các kết quả hoạt động của con người trong thế giới đều là món quà trao tặng cho nhau giữa Cha và con cái, hay giữa con cái với nhau, trong Đức Kitô Giêsu; trong Người và nhờ Người, thế giới và con người tìm được ý nghĩa đích thực và vốn có của cả hai. Nhìn tình yêu Thiên Chúa bao trùm lên tất cả mọi sự hiện hữu như thế, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa đã tỏ mình cho chúng ta nơi Đức Kitô như một người Cha và như người ban tặng cho chúng ta sự sống; còn con người nhận tất cả mọi sự trong Đức Kitô từ nơi Thiên Chúa như nhận những quà tặng, một cách khiêm tốn và tự nguyện; con người cũng thấy mình thực sự đang sở hữu mọi sự như của mình chính khi con người ý thức và cảm nghiệm sự vật nào cũng là của Thiên Chúa, xuất phát từ Thiên Chúa và đang tiến về Thiên Chúa. Về điểm này, Công đồng Vatican II đã nói: “Nếu kiểu nói ‘sự độc lập của các sự việc trần thế’ được hiểu là các thụ tạo không lệ thuộc vào Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không liên hệ gì với Đấng Tạo Thành chúng, thì bất cứ ai nhìn nhận Thiên Chúa đều thấy đó là kiểu nói hết sức sai lầm. Vì không có Đấng Tạo Hoá, thụ tạo sẽ biến mất”49.
47. Tự bản thân và trong ơn gọi của mình, con người vốn vượt lên trên những giới hạn của vũ trụ, xã hội và lịch sử: mục tiêu tối hậu của con người là chính Thiên Chúa50, Đấng đã tự mạc khải mình cho con người để mời gọi và tiếp nhận con người vào hiệp thông với mình51. “Con người không thể trao mình cho một kế hoạch thực tế thuần tuý của con người, cho một lý tưởng trừu tượng hay cho một điều không tưởng sai lầm. Trong tư cách là một ngôi vị, con người chỉ có thể trao mình cho một ngôi vị khác hay cho các ngôi vị khác, và sau cùng, cho Thiên Chúa, là tác giả sự tồn tại của con người và là Đấng duy nhất có thể tiếp nhận sự trao thân gửi phận của con người”52. Vì lý do đó, “một người bị tha hoá khi không chịu vượt lên trên bản thân mình và không chịu sống cái kinh nghiệm tự hiến, kinh nghiệm cùng với người khác làm nên cộng đồng nhân loại đích thực để đạt tới định mệnh cuối cùng của mình, là chính Chúa. Một xã hội bị tha hoá khi do hình thức tổ chức, sản xuất và tiêu thụ của xã hội ấy khiến con người khó tự hiến bản thân mình và khó thực hiện sự liên đới với người khác”53.
48. Không thể và không được dùng các cơ chế xã hội, kinh tế hay chính trị để lèo lái con người, vì mỗi người đều có tự do để tự hướng dẫn mình đạt tới mục tiêu tối thượng của mình. Ngược lại, bất cứ thành quả văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị nào, qua đó bản tính xã hội của con người và những hoạt động biến đổi thế giới của con người được thể hiện ra trong lịch sử, đều phải luôn luôn được xem xét trong bối cảnh đó là những thực tại tương đối và tạm bợ, vì “bộ mặt thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7,31). Ở đây, chúng ta có thể nói tới “tính tương đối theo cánh chung học”, theo nghĩa con người và thế giới đang tiến về cùng đích của mình, đó là hoàn thành định mệnh của mình trong Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể gọi đó là “tính tương đối theo thần học”, vì việc Thiên Chúa tặng ban chính mình – qua đó định mệnh cuối cùng của con người và tạo thành sẽ được thực hiện – luôn lớn lao hơn những gì con người có thể làm được và kỳ vọng. Nếu vậy, bất cứ quan điểm độc tài nào về xã hội và Nhà Nước, cũng như bất cứ ý thức hệ chủ trương tiến bộ nội trong thế giới này thôi đều đi ngược lại sự thật toàn diện về con người và đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
36 Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem, 7: AAS 80 (1988), 1664.
37 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 24: AAS 58 (1966), 1045.
38 Ibid., 12: AAS 58 (1966), 1034.
39 x. Ibid., 22: AAS 58 (1966), 1043.
40 CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 5: AAS 58 (1966), 819.
41 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1043.
42 Ibid.
43 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1888.
44 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 565-566.
45 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 28: AAS 58 (1966), 1048.
46 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1889.
47 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 37: AAS 58 (1966), 1055.
48 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966), 1054;
CĐ Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 7: AAS 58 (1966), 843-844.
49 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966), 1054.
50 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2244.
51 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 2: AAS 58 (1966), 818.
52 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844.
53 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844-845.
IV. KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI
a. Giáo Hội là dấu chỉ và là người bảo vệ sự siêu việt của con người
49. Giáo Hội, cộng đồng những người đã được Đức Kitô Phục Sinh liên kết lại với nhau và đang lên đường bước theo Người, chính là “dấu chỉ và là người bảo vệ chiều hướng siêu việt của con người”54. Giáo Hội ấy là “một loại bí tích trong Đức Kitô – tức là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hợp nhất giữa loài người với nhau”55. Sứ mạng của Giáo Hội là công bố và truyền đạt sự cứu độ đã có được trong Đức Giêsu Kitô, mà Người gọi là “Nước Chúa” (Mc 1,15), tức là sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp thông giữa loài người với nhau. Mục tiêu của ơn cứu độ hay Nước Chúa bao trùm hết mọi người và được thực hiện cách trọn vẹn nơi Thiên Chúa, ở bên kia lịch sử. Giáo Hội tiếp nhận “sứ mạng công bố và thiết lập giữa muôn dân Nước Đức Kitô cũng là Nước Chúa; Giáo Hội cũng là hạt giống hay là bước khởi đầu của Nước ấy trên trần gian”56.
50. Giáo Hội tự đặt mình một cách cụ thể vào vai trò phục vụ Nước Chúa trên hết mọi sự bằng cách loan báo và truyền đạt Tin Mừng cứu độ, cũng như bằng cách thiết lập những cộng đồng Kitô hữu mới. Ngoài ra, “Giáo Hội phục vụ Nước Chúa bằng cách phổ biến trên toàn thế giới các ‘giá trị của Tin Mừng’, cũng là cách diễn tả Nước Chúa và giúp người ta đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự thật thì người ta có thể tìm thấy thực tại còn phôi thai của Nước Chúa bên ngoài biên giới Giáo Hội, nơi các dân tộc ở khắp mọi nơi, tuỳ theo họ sống các ‘giá trị của Tin Mừng’ nhiều tới đâu và tuỳ theo họ mở lòng cho Thánh Thần hoạt động để Ngài thổi khi nào và đi đâu tuỳ ý (x. Ga 3,8). Nhưng phải nói thêm ngay rằng chiều hướng trần thế này của Nước Chúa vẫn còn dang dở bao lâu nó không liên kết với Nước Chúa Kitô đang hiện diện trong Giáo Hội và đang vươn tới mức viên mãn trong ngày cánh chung”57. Từ đó, chúng ta có thể suy ra rằngkhông được lẫn lộn Giáo Hội với bất cứ cộng đồng chính trị nào và không được ràng buộc Giáo Hội vào bất cứ hệ thống chính trị nào58. Thật vậy, cộng đồng chính trị và Giáo Hội là hai thực thể tự trị và độc lập với nhau trong lĩnh vực riêng của mình; cả hai, dù mang danh nghĩa khác nhau, đều đang “xả thân phục vụ thiên chức vừa có tính cá nhân vừa có tính xã hội của cùng một con người”59. Thật vậy, có thể khẳng định rằng sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị, cũng như đưa ra được nguyên tắc tự do tôn giáo, chính là thành quả đặc biệt do Kitô giáo mang lại và là một trong những đóng góp căn bản vào lịch sử và văn hoá của Kitô giáo.
51. Theo kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Kitô, “một mục tiêu cứu độ và cánh chung, chỉ đạt được trọn vẹn trong cuộc sống sau này”, là điều tương xứng với bản chất và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới60. Chính vì lý do này, Giáo Hội đóng góp một cách rất độc đáo, không gì có thể thay thế được, bằng cách lo sao cho gia đình nhân loại và lịch sử nhân loại ngày càng mang tính nhân bản hơn, tự đặt mình làm thành trì chống lại bất cứ toan tính độc tài nào khi Giáo Hội tỏ cho con người thấy ơn gọi toàn vẹn và dứt khoát của họ61.
Bằng việc rao giảng Tin Mừng, bằng ân sủng từ các bí tích và bằng kinh nghiệm sống tình hiệp thông huynh đệ, Giáo Hội đã “chữa lành và nâng cao phẩm giá con người, củng cố xã hội và làm cho những hoạt động thường ngày của con người mang một nhận thức và ý nghĩa sâu xa hơn”62. Do đó, khi nhìn tới sức sống cụ thể trong lịch sử, người ta không thể phân biệt được Nước Chúa đang đến qua một tổ chức xã hội, kinh tế hay chính trị nhất định và rõ rệt nào. Đúng hơn, người ta sẽ thấy Nước Chúa đến thông qua ý thức xã hội của con người ngày càng lớn, như một chất men làm cho con người được phát triển trọn vẹn, sống công bằng và liên đới khi cởi mở đón nhận Đấng Siêu Việt như điểm tham khảo để con người dựa vào mà phát triển bản thân mình cách đầy đủ.
b. Giáo Hội, Nước Chúa và sự đổi mới các quan hệ xã hội
52. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không những cứu chuộc các cá nhân mà còn cứu chuộc các mối quan hệ xã hội đang có giữa con người với nhau. Như tông đồ Phaolô đã dạy, sống trong Đức Kitô sẽ làm cho bản sắc và ý thức xã hội của con người – cùng với những hậu quả cụ thể trên bình diện lịch sử và xã hội – xuất hiện đầy đủ và mới mẻ: “Vì trong Đức Giêsu Kitô, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa, nhờ đức tin. Tất cả anh em đều đã được rửa tội trong Đức Kitô và đã mặc lấy Đức Kitô. Không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em đều là một trong Đức Kitô” (Gl 3,26-28). Nhìn trong viễn tượng ấy, các cộng đồng Giáo Hội, được liên kết nhờ thông điệp của Đức Giêsu Kitô và được quy tụ lại trong Thánh Thần chung quanh Chúa Phục Sinh (x. Mt 18,20; 28,19-20; Lc 24,46-49), đã tình nguyện trở thành những địa điểm hiệp thông, làm chứng và thi hành sứ mạng, cũng như làm thành chất xúc tác để cứu chuộc và biến đổi các mối quan hệ xã hội.
53. Việc biến đổi các mối quan hệ xã hội cho xứng với những đòi hỏi của Nước Chúa không chỉ được thực hiện trong các ranh giới cụ thể một lần là xong. Mà đúng hơn, đó là một nhiệm vụ được giao cho cộng đồng Kitô hữu để cộng đồng ấy khai triển và thực hiện qua những suy tư và thực hành do Tin Mừng soi sáng. Cũng một Thần Khí của Đức Chúa, vừa dẫn dắt dân Chúa vừa thâm nhập khắp vũ trụ63, thỉnh thoảng soi sáng cho nhân loại biết những phương cách vừa mới mẻ vừa thích hợp để thi hành trách nhiệm của mình một cách sáng tạo64. Thần Khí ban cho cộng đồng Kitô hữu ơn soi sáng ấy: họ là một bộ phận của thế giới và của lịch sử nên luôn sẵn sàng đối thoại với hết mọi người thiện chí để cùng nhau tìm kiếm các hạt giống chân lý và tự do đã được gieo vãi trong cánh đồng nhân loại bao la65. Để có được sự canh tân này một cách năng động, người ta phải gắn bó chặt chẽ với các nguyên tắc bất di dịch của luật tự nhiên, mà Thiên Chúa Tạo Hoá đã khắc ghi trong mỗi thụ tạo của Ngài (x. Rm 2,14-15) và đã chiếu ánh sáng cánh chung vào đó nhờ Đức Giêsu Kitô.
54. Đức Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8) và dạy chúng ta rằng “luật căn bản làm con người nên hoàn thiện, và từ đó, giúp cải tạo thế giới, chính là điều răn mới về tình yêu. Người bảo đảm với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa rằng con đường yêu thương ấy là con đường mở ra cho hết mọi người và nỗ lực xây dựng một tình huynh đệ đại đồng không phải là vô ích”66. Luật này được nêu ra để trở thành thước đo sau cùng và trở thành quy luật cho mọi động lực có liên quan tới các mối tương giao của con người. Tóm lại, đó chính là mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Tình yêu Ba Ngôi, là nền tảng làm cho con người, làm cho các quan hệ xã hội và các hoạt động trong thế giới của con người trở nên có ý nghĩa và giá trị, bao lâu con người đón nhận và tham gia vào mạc khải ấy thông qua Đức Kitô và trong Thánh Thần của Người.
55. Cải tạo thế giới cũng là một yêu cầu căn bản trong thời đại chúng ta. Đáp lại nhu cầu này, huấn quyền xã hội của Giáo Hội muốn đưa ra những câu trả lời mà các dấu chỉ của thời đại đòi hỏi, cho thấy tình yêu thương giữa loài người, theo cái nhìn của Chúa, chính là khí cụ mạnh mẽ nhất giúp thay đổi, cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội. Thật vậy, yêu thương nhau, chia sẻ tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, chính là mục tiêu thật sự của nhân loại, mục tiêu trong lịch sử cũng như mục tiêu vượt lên trên lịch sử. Bởi đó, “phải cẩn thận phân biệt các tiến bộ trần gian với sự phát triển của Nước Chúa. Tuy nhiên, bao lâu sự tiến bộ trần gian có thể góp phần làm cho xã hội loài người được trật tự tốt đẹp hơn, thì tiến bộ ấy vẫn có liên quan mật thiết đối với Nước Chúa”67.
c. Trời mới và đất mới
56. Lời hứa của Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã làm sống lại niềm hy vọng chắc chắn nơi các Kitô hữu về một chỗ ở mới mẻ và vĩnh cửu đã được chuẩn bị cho mỗi người, một trái đất mới nơi công lý ngự trị (x. 2 Cr 5,1-2; 2 Pr 3,13). “Sau khi sự chết đã bị khuất phục, con cái Chúa sẽ được sống lại trong Đức Kitô, những gì đã gieo trong yếu đuối và băng hoại sẽ mặc lấy sự bất hoại: đức ái và các việc làm của đức ái sẽ tồn tại và toàn thể vũ trụ mà Chúa đã tạo dựng cho con người sẽ được giải thoát khỏi kiếp phù vân”68. Niềm hy vọng này chẳng những không làm suy yếu mà còn làm tăng mối quan tâm của chúng ta đối với những gì cần làm trong thực tế hiện nay.
57. Những điều tốt đẹp – như phẩm giá con người, tình huynh đệ và sự tự do, tất cả những hoa trái tốt đẹp của thiên nhiên và công lao của con người – đã lan tràn khắp mặt đất nhờ Thánh Thần của Chúa và theo lệnh của Ngài, sau khi được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ, được chiếu sáng và biến đổi, tất cả sẽ thuộc về vương quốc chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân sủng, vương quốc công lý, tình yêu và hoà bình để Đức Kitô trình lên cho Chúa Cha, và tại nơi đó, chúng ta sẽ một lần nữa gặp lại chúng. Những lời sau đây của Đức Kitô lúc bấy giờ sẽ lại vang lên vì tất cả mọi người: “Ôi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến hưởng vương quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ khi tạo dựng trời đất; vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau ốm, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù, các ngươi đã đến thăm… vì khi các ngươi làm các điều ấy cho một anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,34-36.40).
58. Việc hoàn thành con người toàn diện trong Đức Kitô, thông qua ân ban của Thánh Thần, diễn ra trong lịch sử và được thực hiện qua những mối quan hệ cá nhân với những người khác, đến lượt những mối quan hệ này cũng đạt được sự trọn hảo nhờ những con người dấn thân cải thiện thế giới, trong công lý và hoà bình. Các hoạt động của con người trong lịch sử tự chúng cũng rất có ý nghĩa và rất có hiệu quả cho việc thiết lập vĩnh viễn Nước Chúa, cho dù đây vẫn mãi mãi là hồng ân do Chúa tặng ban, hoàn toàn mang tính siêu việt. Nếu biết tôn trọng trật tự khách quan của các thực tại trần thế và nếu được soi sáng bởi sự thật và tình yêu, các việc con người làm sẽ trở thành công cụ để xây dựng công lý và hoà bình được đầy đủ và toàn vẹn hơn, đồng thời thực hiện trước Nước Chúa đã được hứa hẹn ngay từ bây giờ.
Khi làm cho mình trở nên giống Đức Kitô Cứu Thế, con người sẽ thấy mình đúng là thụ tạo mà Chúa đã muốn và đã chọn từ đời đời, đã gọi tới hưởng ân sủng và vinh quang trong mầu nhiệm sung mãn mà họ được chia sẻ nhờ Đức Giêsu Kitô69. Trở nên giống Đức Kitô và được chiêm ngắm thánh nhan Người70 sẽ làm cho các Kitô hữu cảm thấy khao khát cách mãnh liệt được nếm trước ngay trong thế giới này, ngay trong bối cảnh các mối quan hệ của con người, điều sẽ là hiện thực trong thế giới tương lai. Chính vì thế, người Kitô hữu sẵn sàng chia sẻ đồ ăn, thức uống, quần áo, nơi ở, sự chăm sóc, tiếp đón và tình bằng hữu cho Chúa khi Người gõ cửa nhà mình (x. Mt 25,35-37).
d. Đức Maria và lời “xin vâng” trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa
59. Người thừa kế niềm hy vọng thánh thiện trong dân Israel và người đầu tiên trong hàng ngũ các môn đệ Đức Kitô chính là Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu Kitô. Qua lời “Xin vâng” đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), nhân danh toàn thể nhân loại, ngài đã chấp nhận Đấng do Chúa Cha gửi tới trong lịch sử, còn gọi là Đấng Cứu Chuộc loài người. Trong kinh “Magnificat”, ngài ca tụng mầu nhiệm Cứu Độ đến gần, sự xuất hiện của “Đấng Mêsia của người nghèo” (x. Is 11,4; 61,1). Thiên Chúa của Giao Ước, mà Đức Trinh Nữ người Nazareth ca tụng với tinh thần hân hoan, chính là Đấng lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ hèn mọn, cho kẻ nghèo đói được no đủ, đuổi người giàu có trở về tay không, đánh tan tác kẻ kiêu ngạo và tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài (x. Lc 1,50-53).
Khi ngước nhìn tâm hồn Đức Maria, ngước nhìn đức tin sâu thẳm của ngài biểu lộ qua kinh “Magnificat”, các môn đệ Đức Kitô được mời gọi hãy nhớ lại một cách đầy đủ hơn bao giờ hết rằng “không thể tách sự thật về Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa nguồn mạch mọi ơn huệ với Thiên Chúa luôn tỏ lòng ưu ái người nghèo nàn và khiêm tốn – tình thương này đã được ca tụng trong kinh Magnificat và về sau sẽ được bày tỏ trong lời nói và việc làm của Đức Giêsu”71. Đức Maria hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa và hướng trọn vẹn về Thiên Chúa do chính đức tin của ngài thúc đẩy. Ngài là “hình ảnh trọn vẹn nhất của một nhân loại và một vũ trụ được tự do và được giải thoát”72.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
54 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099.
55 CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965), 5.
56 Ibid., 5: AAS 57 (1965), 8.
57 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 20: AAS 83 (1991), 267.
58 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099;
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2245.
59 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099.
60 Ibid., 40: AAS 58 (1966), 1058.
61 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2244.
62 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 40: AAS 58 (1966), 1058.
63 Ibid., 11: AAS 58 (1966), 1033.
64 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 37: AAS 63 (1971), 426-427.
65 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Hominis, 11: AAS 71 (1979), 276: “Các
giáo phụ đã có lý khi nhìn tình trạng có nhiều tôn giáo như có nhiều phản ánh từ
một chân lý duy nhất, như ‘các hạt giống của Ngôi Lời duy nhất’: dù người ta có thể
đi tới đó bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng chỉ có một mục tiêu duy nhất mà
khát vọng sâu xa nhất của tâm trí con người luôn hướng tới”.
66 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 38: AAS 58 (1966), 1055-1056.
67 Ibid., 39: AAS 58 (1966), 1057.
68 Ibid.
69 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 13: AAS 71 (1979), 283-284.
70 x. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 16-28: AAS 93 (2001), 276-285.
71 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, 37: AAS 79 (1987), 410.
72 Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 97: AAS 79 (1987), 597