Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Bài 9: Cộng đồng Quốc tế

BTT UBCLHB
2021-01-22 19:46 UTC+7 583
Các bài tường thuật của Thánh Kinh về công trình tạo dựng đã làm nổi rõ sự thống nhất của gia đình nhân loại và đã dạy rằng Thiên Chúa của Israel vừa là Chúa tể lịch sử vừa là Chúa tể vũ trụ. Các việc Thiên Chúa làm liên quan đến toàn thế giới và toàn thể

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH


CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ


a. Sự thống nhất của gia đình nhân loại


428. Các bài tường thuật của Thánh Kinh về công trình tạo dựng đã làm nổi rõ sự thống nhất của gia đình nhân loại và đã dạy rằng Thiên Chúa của Israel vừa là Chúa tể lịch sử vừa là Chúa tể vũ trụ. Các việc Thiên Chúa làm liên quan đến toàn thế giới và toàn thể gia đình nhân loại, và gia đình này là đối tượng mà công trình tạo dựng của Thiên Chúa nhắm tới. Khi quyết định tạo dựng con người theo hình ảnh của mình và giống mình (x. St 1,26-27), Thiên Chúa đã ban cho con người phẩm giá độc nhất vô nhị; phẩm giá này sẽ trải rộng cho mọi thế hệ (x. St 5) và trên khắp địa cầu (x. St 10). Ngoài ra, sách Sáng Thế còn cho thấy con người không được tạo dựng để sống cô lập mà sống trong một khung cảnh, và một phần trong khung cảnh ấy là những không gian sống bảo đảm cho con người được tự do (thửa vườn), có nhiều loại có thể làm lương thực (các cây trong vườn), được lao động (được lệnh canh tác vườn) và trên hết là đời sống cộng đồng (được ban cho có người giống mình) (x. St 2,8-24). Suốt trong Cựu Ước, các phúc lành của Thiên Chúa chính là những điều kiện bảo đảm cho cuộc sống con người được sung túc. Thiên Chúa muốn bảo đảm cho con người có tất cả những gì cần để phát triển bản thân, để được tự do bộc lộ mình, để được thành công trong lao động và để có được sự phong phú trong những mối quan hệ mang tính nhân bản.


429. Tiếp theo sau sự tàn phá do lũ lụt gây ra, Thiên Chúa ký kết giao ước với Noê (x. St 9,1-17), và qua ông, Ngài ký kết với toàn thể nhân loại. Giao ước ấy cho thấy rằng Thiên Chúa muốn gìn giữ cho cộng đồng con người phúc lành đông con nhiều cháu, gìn giữ nhiệm vụ khuất phục tạo vật và gìn giữ phẩm giá tuyệt đối cũng như tính bất khả xâm phạm của sự sống con người, là những đặc điểm của cuộc tạo dựng đầu tiên. Đó là điều Thiên Chúa muốn, dù theo chân tội lỗi, sự suy đồi với bạo lực và bất công đã đột nhập vào thụ tạo, kể cả sau khi đã bị Thiên Chúa trừng phạt bằng cơn hồng thuỷ. Sách Sáng Thế giới thiệu sự đa dạng của các dân tộc với sự thán phục, như là kết quả hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa (x. St 10,1-32). Đồng thời, sáchSáng Thế cũng tố giác việc con người không chịu chấp nhận thân phận thụ tạo của mình, qua đoạn kể về tháp Babel (x. St 11,1-9). Theo kế hoạch của Thiên Chúa, mọi dân tộc lẽ ra đều có “cùng một ngôn ngữ và cùng một tiếng nói” (x. St 11,1), nhưng nhân loại đã bị chia năm xẻ bảy và quay lưng lại với Đấng Tạo Hoá (x. St 11,4).


430. Giao ước mà Chúa thiết lập với Abraham – người được chọn làm “cha của nhiều dân tộc” (St 17,4) – đã mở đường cho gia đình nhân loại quay về với Đấng Tạo Hoá của mình. Lịch sử cứu độ đã đưa dân Israel tới chỗ tin tưởng rằng Thiên Chúa chỉ hoạt động trong lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, dần dần người ta xác tín rằng Thiên Chúa cũng hành động nơi các dân tộc khác nữa (x. Is 19,18-25). Các tiên tri đã loan báo vào thời cánh chung sẽ có một đoàn hành hương gồm nhiều dân tộc tiến về đền thờ Thiên Chúa và thế là bắt đầu một kỷ nguyên hoà bình cho các dân tộc (x. Is 2,2-5; 66,18-23). Khi bị phân tán trong thời gian lưu đày, dân Israel đã nhận thức vai trò của mình là làm chứng rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất (x. Is 44,6-8), Thiên Chúa là Chúa tể thế giới và là Chúa tể lịch sử các dân tộc (x. Is 44,24-28).


b. Đức Giêsu Kitô, nguyên mẫu và nền tảng của nhân loại mới


431. Chúa Giêsu là nguyên mẫu và nền tảng của nhân loại mới. Trong Người, “hình ảnh thật sự giống Thiên Chúa” (2 Cr 4,4), tức là con người – được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa – tìm được sự trọn vẹn của mình. Trong lời chứng cuối cùng của tình yêu mà Chúa đã làm hiện rõ nơi thập giá của Đức Kitô, mọi hàng rào thù địch đã bị phá đổ hoàn toàn (x. Ep 2,12-18), và đối với những ai sống đời sống mới trong Đức Kitô, thì mọi khác biệt về chủng tộc và văn hoá không còn là nguyên nhân gây ra chia rẽ nữa (x. Rm 10,12; Gl 3,26-28; Cl 3,11).

Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhận ra kế hoạch thống nhất của Thiên Chúa là kế hoạch bao gồm toàn thể nhân loại (x. Cv 17,26), một kế hoạch nhằm quy tụ lại tất cả mọi thụ tạo đã bị chia rẽ và phân tán trong mầu nhiệm cứu độ sẽ diễn ra trong triều đại của Đức Kitô (x. Ep 1,8-10). Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần, tức là kể từ khi mầu nhiệm Chúa Phục Sinh được loan báo cho các dân tộc khác nhau nhưng ai nấy đều hiểu điều đó bằng ngôn ngữ của mình (x. Cv 2,6), Giáo Hội mới hoàn thành sứ mạng của mình là khôi phục và minh chứng cho sự thống nhất đã đánh mất vào thời xây tháp Babel. Nhờ tác vụ quy tụ này của Giáo Hội, gia đình nhân loại được mời gọi khôi phục lại sự thống nhất và nhìn ra sự phong phú của những điểm dị biệt nơi mình, hầu có thể đạt tới “mức thống nhất trọn vẹn trong Đức Kitô”873.


c. Thiên chức phổ quát của Kitô giáo


432. Thông điệp của Kitô giáo cho chúng ta một cái nhìn chung về cuộc sống con người và các dân tộc trên trái đất874, nhờ đó chúng ta sẽ làm nên sự thống nhất của gia đình nhân loại875. Sự thống nhất này không được xây dựng dựa trên sức mạnh vũ khí, khủng bố hay lạm quyền, mà là kết quả của “mô hình thống nhất tối cao, phản ánh đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, của một Thiên Chúa trong Ba Ngôi,… mà người Kitô hữu chúng ta quen gọi là sự “hiệpthông”876; đó chính là sự hoàn thành sức mạnh đạo đức và văn hoá của tự do877. Thông điệp Kitô giáo đã tỏ ra dứt khoát khi tìm cách làm cho nhân loại hiểu rằng các dân tộc cố gắng thống nhất với nhau không chỉ vì có nhiều hình thức tổ chức, chính trị, kế hoạch kinh tế khác nhau hay vì muốn nhân danh chủ nghĩa quốc tế mang tính ý thức hệ trừu tượng, mà chính là vì họ tự nguyện tìm cách cộng tác với nhau do ý thức rằng “mình là những phần tử sống động của toàn thể gia đình nhân loại”878. Phải giới thiệu cộng đồng quốc tế cách liên tục và ngày càng rõ ràng hơn, như đó là hình ảnh cụ thể của sự hợp nhất do chính Đấng Tạo Hoá muốn. “Gia đình nhân loại vẫn luôn luôn là một, vì mọi thành viên của gia đình ấy đều là những con người bình đẳng với nhau theo phẩm giá tự nhiên. Từ đó, luôn luôn có một nhu cầu khách quan là đẩy mạnh, trong khả năng có thể, công ích cho toàn cầu, cũng là công ích của toàn thể gia đình nhân loại”879.

-------------------------------------------------------------------------------------

873 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965), 5.

874 x. Piô XII, Diễn văn gửi các Luật gia Công giáo họp bàn về các Cộng đồng Quốc

gia và Dân tộc (06-12-1953), 2: AAS 45 (1953), 795.

875 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 42: AAS 56 (1966), 1060-1061.

876 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 569.

877 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-

10-1995), 12: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 9.

878 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-

10-1995), 12: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 9.

879 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, AAS 55 (1963), 292.

II. CÁC QUY TẮC CĂN BẢN CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ


a. Cộng đồng quốc tế và các giá trị


433. Lấy con người làm trọng tâm và thiết lập các mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa các dân tộc với nhau theo khuynh hướng tự nhiên, đó chính là những yếu tố căn bản cần thiết để xây dựng một cộng đồng quốc tế đích thực, mà cộng đồng này phải nhắm đến việc bảo đảm cho có công ích toàn cầu cách hữu hiệu880. Dù khát vọng xây dựng một cộng đồng quốc tế đích thực đã được phổ biến khắp nơi, nhưng việc thống nhất gia đình nhân loại vẫn chưa thực hiện được. Sở dĩ như thế là do những trở ngại xuất phát từ các ý thức hệ duy vật và duy dân tộc, là những ý thức hệ đi ngược lại các giá trị của con người, được cứu xét cách toàn diện trong mọi chiều hướng của mình: cả vật chất lẫn tinh thần, cả cá nhân lẫn cộng đồng. Cách riêng, bất cứ lý thuyết hay hình thức nào của chủ nghĩa chủng tộc và sự kỳ thị chủng tộc đều không thể chấp nhận được về mặt luân lý881.

Việc sống chung giữa các dân tộc được xây dựng dựa trên các giá trị cũng từng làm nền tảng để xây dựng các mối quan hệ giữa người với người: đó là sự thật, công lý, liên đới tích cực và tự do882. Theo giáo huấn của Giáo Hội, khi đề cập đến các nguyên tắc thiết định làm nên cộng đồng quốc tế, người ta phải liệu điều hoà các quan hệ giữa các dân tộc và giữa các cộng đồng chính trị một cách đúng đắn, theo các nguyên tắc của lý trí, công bằng, luật lệ và thương thảo, loại trừ việc sử dụng bạo động và chiến tranh, cũng như các hình thức kỳ thị, đe doạ hay lừa dối883.


434. Luật quốc tế trở thành người bảo đảm cho trật tự quốc tế884, tức là cho việc chung sống của các cộng đồng chính trị, là những cộng đồng vừa đang tìm cách đẩy mạnh công ích của các công dân nước mình vừa đang cùng nhau cố gắng bảo đảm công ích của mọi dân tộc885, vì ý thức rằng không thể tách rời công ích của một quốc gia với công ích của toàn thể gia đình nhân loại886.

Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý xây dựng trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không có những ràng buộc lệ thuộc làm mất đi hay hạn chế sự độc lập của mỗi quốc gia887. Hiểu cộng đồng quốc tế như thế không có nghĩa là phải tương đối hoá hay tiêu diệt những đặc điểm khác nhau và đặc thù của mỗi dân tộc, trái lại còn cổ vũ việc biểu hiện những đặc điểm ấy888. Việc đánh giá cao các đặc điểm khác nhau ấy sẽ giúp khắc phục các hình thức chia rẽ, đang có khuynh hướng tách biệt các dân tộc và làm cho các dân tộc ấy chỉ biết quy hướng về mình, và điều này tạo nên những hậu quả mất ổn định.


435. Huấn Quyền nhìn nhận tầm quan trọng của chủ quyền mỗi quốc gia, được hiểu chủ quyền đó như biểu hiện sự tự do cần có để điều khiển các quan hệ giữa các quốc gia với nhau889. Chủ quyền tượng trưng cho chủ thể tính890 của mỗi quốc gia, hiểu theo nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và cả văn hoá. Khía cạnh văn hoá có tầm quan trọng đặc biệt, được coi như nguồn sức mạnh để chống lại những hành vi gây hấn hay những hình thức thống trị sẽ ảnh hưởng tới sự tự do của một đất nước. Văn hoá là nguồn bảo đảm để gìn giữ bản sắc của một dân tộc, đồng thời biểu lộ và phát huy chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ấy891.

Tuy nhiên, chủ quyền quốc gia không phải là một điều gì tuyệt đối. Các quốc gia có thể tự nguyện từ khước thi hành một số quyền nào đó vì công ích, do ý thức rằng tất cả các quốc gia đều làm nên “một gia đình”892, trong đó phải ưu tiên cho sự tin tưởng, nâng đỡ và tôn trọng nhau. Trong viễn cảnh đó, chúng ta cần lưu ý đặc biệt tới sự kiện này là hiện nay vẫn chưa có một thoả ước quốc tế nào bàn tới “các quyền của các quốc gia” một cách thích đáng893, và để chuẩn bị cho thoả ước ấy, chúng ta rất nên bàn tới các vấn đề công lý và tự do trong thế giới hiện nay.


b. Các quan hệ phải được xây dựng trên sự hài hoà giữa trật tự pháp lý và trật tự luân lý


436. Để tạo ra và củng cố một trật tự quốc tế bảo đảm có được các quan hệ hoà bình giữa các dân tộc với nhau, luật luân lý từng điều khiển đời sống con người cũng phải điều hoà các quan hệ giữa các quốc gia: “Việc tuân giữ luật luân lý cần phải được ghi khắc và xúc tiến nhờ công luận của mọi dân tộc và mọi quốc gia cách đồng tâm nhất trí đến nỗi không ai dám xét lại hay giảm nhẹ sức ràng buộc của luật luân lý ấy”894. Phải coi luật luân lý phổ quát, được khắc ghi trong tâm hồn con người, là luật hữu hiệu và không thể xoá bỏ như một biểu hiện sống động của lương tri được chia sẻ của nhân loại, một “quy tắc thành văn” để chúng ta dựa vào đó mà xây dựng tương lai thế giới895.


437. Mọi người cùng tôn trọng các nguyên tắc ẩn đằng sau “cấu trúc pháp lý phù hợp với trật tự luân lý”896, đó chính là điều kiện cần thiết để đời sống quốc tế được ổn định. Việc tìm kiếm sự ổn định như thế, một sự ổn định đã dẫn đến việc soạn thảo dần một loại “quyền của các quốc gia”897 (ius gentium), có thể được coi như là “tiền thân của luật quốc tế”898. Từ những suy tư mang tính pháp lý và thần học, dựa trên luật tự nhiên, người ta đã nêu ra “các nguyên tắc phổ quát, có trước và ở trên luật riêng của mỗi quốc gia”899, thí dụ như sự duy nhất của nhân loại, phẩm giá bình đẳng của mọi dân tộc, không lấy chiến tranh làm phương thế giải quyết các tranh chấp, phải cộng tác với nhau để đạt công ích và cần phải trung tín với những thoả ước đã ký kết (pacta sunt servanda). Cần phải nhấn mạnh nguyên tắc sau cùng này cách đặc biệt để tránh “bị cám dỗ sử dụng luật của sức mạnh thay vì nhờ tới sức mạnh của luật”900.


438. Để giải quyết những căng thẳng giữa các cộng đồng chính trị khác nhau mà có thể làm phương hại đến sự ổn định của các quốc gia và an ninh thế giới, cần phải sử dụng các luật chung khi tham gia thương thảo, đồng thời dứt khoát gạt bỏ ý nghĩ có thể tìm được công lý bằng cách sử dụng chiến tranh901. “Nếu chiến tranh có thể kết thúc mà không có kẻ thắng người thua như trong một cuộc tự sát tập thể của nhân loại, thì chúng ta phải loại bỏ cái logic đã đưa chúng ta đến chiến tranh: đó là ý tưởng cố gắng tìm cách tiêu diệt kẻ thù, ý tưởng dám đối đầu và ý tưởng cho rằng chính chiến tranh là những nhân tố đưa tới tiến bộ và tăng trưởng về lịch sử902.

Không những hiến chương Liên Hiệp Quốc gạt bỏ việc sử dụng chiến tranh, mà còn phản đối việc đe doạ sử dụng vũ lực903. Điều khoản này được đưa ra sau kinh nghiệm bi đát của Thế Chiến Thứ Hai. Trong cuộc xung đột ấy, Huấn Quyền không ngừng xác nhận một số nhân tố cần thiết để xây dựng một trật tự thế giới mới: như quyền tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, bảo vệ quyền của các sắc tộc thiểu số, chia sẻ công bằng các nguồn lợi của trái đất, loại bỏ chiến tranh và lên kế hoạch hữu hiệu cho việc giải trừ quân bị, trung tín với các thoả ước đã ký kết và chấm dứt việc bách hại tôn giáo904.


439. Để củng cố thế ưu việt của luật pháp, nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau là vô cùng quan trọng905. Theo viễn tượng ấy, cần phải tái lập các phương thế mang tính quy phạm để giải quyết các tranh cãi cách hoà bình, cũng như để củng cố phạm vi và sức mạnh ràng buộc của các phương thế ấy. Các tiến trình thương thuyết, làm trung gian, hoà giải và làm trọng tài – đã được đưa vào trong luật pháp quốc tế – phải được hỗ trợ bằng việc lập ra “một quyền bính pháp lý hết sức hữu hiệu trong thế giới hoà bình”906. Có tiến theo chiều hướng này thì cộng đồng quốc tế mới không còn bị coi như một sự tập hợp đơn thuần của các quốc gia trong những giai đoạn tồn tại khác nhau, mà phải được coi như một cấu trúc để giải quyết các cuộc xung đột cách hoà bình. “Như trong đời sống nội bộ của mỗi quốc gia… hệ thống báo thù và trả đũa cá nhân phải nhường chỗ cho luật pháp, cũng vậy, để xây dựng cộng đồng quốc tế, hiện nay cũng rất cần phải có bước đi tương tự như thế”907. Tóm lại, “luật quốc tế phải bảo đảm rằng từ nay luật của kẻ mạnh hơn không còn chiếm ưu thế nữa”908.

---------------------------------------------------------------------------------


880 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1911.

881 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, 5: AAS 58 (1966), 743-744; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 268,281; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 63: AAS 59 (1967), 288; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 16: AAS 63 (1971), 413; Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Huấn thị Giáo Hội và nạn Kỳ thị Chủng tộc. Đóng góp của Toà Thánh cho Hội nghị Quốc tế chống Phân biệt Chủng tộc, nạn bài ngoại và sự bất khoan dung, 11, Thông Tấn Xã Vatican, Vatican City 2001, tr. 15.

882 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 279-280.

883 x. Phaolô VI, Diễn văn gửi Liên Hiệp Quốc (04-10-1965), 2: AAS 57 (1965), 879-880.

884 x. Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus, 29: AAS 31 (1939), 438-439.

885 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 292; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 52: AAS 83 (1991), 857-858.

886 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 284.

887 x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh về một nền hoà bình chân chính trên thế giới (24-12-1939) 5: AAS 32 (1940), 9-11; Piô XII, Diễn văn gửi các Luật gia Công giáo họp bàn về các Cộng đồng Quốc gia và Dân tộc (06-12-1953) 2: AAS 45 (1953), 395-396; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 289.

888 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 9-10: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 9.

889 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 289-290; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995) 15: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 10.

890 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 528-530.

891 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi UNESCO (02-06-1980), 14: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 23-06-1980, tr.11.

892 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 14: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 10; x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (13-01-2001), 8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 17-01-2001, tr. 2.

893 Gioan Phaolô II, Diễn Văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 6: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 8.

894 Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1941): AAS 34 (1942), 16.

895 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 3: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 8.

896 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 277.

897 x. Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939), 438-439; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1941): AAS 34 (1942) 1617; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 290, 292.

898 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (12-01-1991), 8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 14-01-1991, tr. 3.

899 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 5: AAS 96 (2004), 116.

900 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 5: AAS 96 (2004), 117; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Viện trưởng Trường Đại học Lateran (21-03-2002), 6: L’Osservatore Romano, 22-03-2002, tr. 6.

901 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 23: AAS 83 (1991), 820-821.

902 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 18: AAS 83 (1991), 816.

903 x. Hiến chương Liên Hiệp Quốc (26-06-1945), điều 2.4; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 6: AAS 96 (2004), 117.

904 x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1941): AAS 34 (1942), 18.

905 x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1945): AAS 38 (1946), 22; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 287-288.

906 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Toà án Quốc tế, The Hague (13-05-1985), 4: AAS 78 (1986), 520.

907 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 52: AAS 83 (1991), 858.

908 Gioan PhaolôII, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 9: AAS 96 (2004), 120.

III. TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ


a. Giá trị của các tổ chức quốc tế


440. Giáo Hội là người bạn đường trong cuộc hành trình nhằm thành lập một “cộng đồng” quốc tế đích thực, một cộng đồng đã có một hướng đi rõ rệt khi Tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1945. Liên Hiệp Quốc “đã đóng góp đáng kể vào việc đẩy mạnh sự tôn trọng phẩm giá con người, sự tự do của các dân tộc và những yêu cầu của sự phát triển, từ đó chuẩn bị vùng đất văn hoá và định chế để xây dựng hoà bình”909. Nói chung, Học thuyết Xã hội Công giáo nhìn rất tích cực vai trò của các tổ chức liên chính phủ, nhất là những tổ chức đang hoạt động trong những lĩnh vực chuyên biệt910. Tuy nhiên, giáo huấn có những dè dặt khi thấy các tổ chức ấy đề cập tới nhiều vấn đề một cách không đúng911. Huấn Quyền nhắc nhở rằng hoạt động của các cơ quan quốc tế phải đáp ứng các nhu cầu con người trong đời sống xã hội và trong các lĩnh vực quan trọng đặc biệt đối với việc chung sống hòa bình và trật tự của nhiều quốc gia và nhiều dân tộc912.


441. Vì quan tâm tới việc chung sống hoà bình và trật tự trong gia đình nhân loại, nên Huấn Quyền đã phải nhấn mạnh tới nhu cầu thiết lập “một thẩm quyền chung mang tính quốc tế nào đó, được mọi quốc gia nhìn nhận và được trao cho quyền lực hữu hiệu, để bảo vệ an ninh nhân danh mọi quốc gia, chăm lo cho công lý và tôn trọng nhân quyền”913. Trong dòng lịch sử, dù mỗi thời có những quan điểm khác nhau, nhưng luôn luôn có một nhận thức chung là cần phải có một quyền hành tương tự để giải quyết các vấn đề thế giới, phát sinh từ việc cùng nhau tìm kiếm công ích: điểm cơ bản vẫn là quyền hành ấy phải bắt nguồn từ một sự thoả thuận chung, chứ không bị áp đặt, cũng không phải là một loại “quyền lực toàn cầu siêu quốc gia”914.

Quyền hành chính trị thi hành ở cấp cộng đồng quốc tế ấy phải được luật pháp điều phối, nhằm phục vụ công ích và luôn tôn trọng nguyên tắc bổ trợ. “Quyền hành chung của cộng đồng quốc tế này không được đặt ra để hạn chế phạm vi hoạt động của quyền hành thuộc mỗi cộng đồng chính trị, càng không nhằm thay thế quyền hành của cộng đồng này. Ngược lại, mục đích của quyền hành ấy là tạo ra – trên cơ sở là thế giới – một môi trường cho các chính quyền của mỗi cộng đồng chính trị, các công dân và các tổ chức trung gian có thể thi hành nhiệm vụ của mình, chu toàn các nghĩa vụ và thực thi quyền hạn của mình một cách an toàn hơn”915.


442. Vì các vấn đề hiện nay mang tính toàn cầu, nên hơn bao giờ hết cần phải khẩn trương khởi động các hoạt động chính trị mang tính quốc tế để theo đuổi mục tiêu hoà bình và phát triển bằng cách chấp nhận những biện pháp có phối hợp với nhau916. Huấn Quyền nhìn nhận sự lệ thuộc lẫn nhau giữa con người và các quốc gia hiện nay đang mang chiều hướng luân lý, và đang là nhân tố quyết định cho các quan hệ trong thế giới hiện nay về mặt kinh tế, văn hoá, chính trị và tôn giáo. Trong bối cảnh ấy, người ta hy vọng sẽ có một sự duyệt xét lại các tổ chức quốc tế, một tiến trình “đòi người ta phải vượt qua những sự ganh đua về chính trị và phải từ bỏ mọi tham vọng muốn lèo lái các tổ chức ấy, để các tổ chức này chỉ nhắm tới công ích”917 với mục đích là làm sao “giúp thế giới được trật tự hơn”918.

Cách riêng, các cơ cấu liên chính phủ phải thực hiện các chức năng của mình thật hữu hiệu, là kiểm soát và hướng dẫn trong lĩnh vực kinh tế, vì việc đạt cho được công ích đã trở thành mục tiêu vượt ra ngoài khả năng của mỗi quốc gia, dù các quốc gia ấy có thể rất trổi vượt về quyền lực, sự thịnh vượng và sức mạnh chính trị919. Ngoài ra, các cơ quan quốc tế phải bảo đảm có sự bình đẳng, là nền tảng để mọi quốc gia được quyền tham gia vào tiến trình phát triển toàn diện, nhưng vẫn tôn trọng những dị biệt chính đáng920.


443. Huấn Quyền đánh giá cách tích cực các hiệp hội được hình thành trong xã hội dân sự nhằm hướng dẫn công luận nhận thức các khía cạnh khác nhau của đời sống quốc tế, chú ý đặc biệt tới việc tôn trọng các quyền con người, như chúng ta đã chứng kiến nơi “nhiều hiệp hội tư nhân mới được thành lập, nơi một số hiệp hội có hội viên trên toàn thế giới, hầu như tất cả đều chú tâm theo dõi một cách cẩn thận và khách quan đáng khen ngợi những gì đang xảy ra trên thế giới trong lĩnh vực nhạy cảm này”921.

Các chính phủ nên phấn khởi trước những sự dấn thân của các tổ chức ấy, là những tổ chức tìm cách thực hiện các lý tưởng còn tiềm ẩn của cộng đồng quốc tế, “nhất là qua những cử chỉ cụ thể diễn tả sự liên đới và hoà bình của nhiều cá nhân tham gia các Tổ chức Phi Chính phủ (NGO) hay các Phong trào đòi Nhân quyền”992.


b. Tư cách pháp nhân của Toà Thánh


444. Toà Thánh, hay Tông Toà923, có đầy đủ chủ thể tính quốc tế như một quyền hành tối thượng để thực thi các hành động mà xét theo pháp lý là những việc của chính mình. Toà Thánh thể hiện chủ quyền của mình ra bên ngoài, được nhìn nhận trong khuôn khổ cộng đồng quốc tế, cộng đồng này phản ánh điều được thi hành trong nội bộ Giáo Hội, và được đánh dấu bằng hai đặc điểm là thống nhất và độc lập về mặt tổ chức. Giáo Hội sử dụng các phương thế pháp lý cần thiết và hữu ích để thi hành sứ mạng của mình.

Hoạt động quốc tế của Toà Thánh được bày tỏ cách khách quan dưới nhiều bộ mặt khác nhau: quyền cử đại biểu chủ động hay thụ động; được thi hành quyền phản đối (ius contrahendi) khi ký kết các hiệp ước; được tham dự vào các tổ chức quốc tế như những tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc; quyền đưa ra những sáng kiến hoà giải trong các tình huống xung đột. Những hoạt động này nhằm mục đích cống hiến cho cộng đồng thế giới một sự phục vụ phi đảng phái của Giáo Hội, vì Giáo Hội không tìm kiếm lợi ích nào cho mình nhưng chỉ mưu cầu ích lợi cho toàn thể gia đình nhân loại. Toà Thánh tận dụng cách đặc biệt số cán bộ ngoại giao của mình để họ thực hiện các hoạt động theo hướng đó.


445. Công tác ngoại giao của Toà Thánh, thành quả của một cách thức làm việc từ xưa đã được thời gian minh chứng, chính là công cụ hoạt động không những để Giáo Hội được tự do (libertas Ecclesiae) mà còn để bảo vệ và phát huy phẩm giá con người, cũng như phục vụ một trật tự xã hội dựa trên các giá trị công lý, sự thật, tự do và tình yêu. “Dựa vào một quyền bẩm sinh nằm ngay trong chính sứ mạng tinh thần của mình và được đẩy mạnh do sự phát triển của các biến cố lịch sử trong nhiều thế kỷ qua, chúng tôi cũng gửi các sứ thần Toà Thánh đến với chính quyền tối cao của những nước mà trong đó Giáo hội Công giáo đã bám rễ sâu hay đang có mặt cách nào đó. Dĩ nhiên, đúng là các mục tiêu mà Giáo Hội và quốc gia theo đuổi thuộc về các trật tự khác nhau, và cả hai đều là những xã hội hoàn bị, vì thế có đủ các phương tiện riêng để hoạt động, đồng thời được tự trị trong lĩnh vực hoạt động riêng của mình. Tuy nhiên, cũng đúng là cả hai đều nhắm phục vụ ích lợi của một đối tượng chung là con người. Con người này được Thiên Chúa kêu gọi hưởng ơn cứu độ vĩnh cửu và được Thiên Chúa đặt trên trần gian để nhờ ơn Chúa giúp có thể đạt tới ơn cứu độ thông qua các việc mình làm, nhờ đó được hạnh phúc trong môi trường xã hội hoà bình”924. Ích lợi của dân tộc và của các cộng đồng nhân loại sẽ được đáp ứng nhờ việc đối thoại có tổ chức giữa Giáo Hội và chính quyền dân sự, điều này cũng được diễn tả qua việc ký kết những thoả ước song phương. Nhờ đối thoại như thế, các mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau và cộng tác với nhau mới xuất hiện và mới được củng cố, cũng như ngăn chặn hay giải quyết được các cuộc tranh chấp. Mục đích của đối thoại là góp phần làm cho mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại được tiến bộ trong công lý và hoà bình.

----------------------------------------------------------------------------------------------------

909 x. Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 7: AAS 96 (2004), 118.

910 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 426, 439; Gioan

Phaolô II, Diễn văn gửi Đại hội FAO lần thứ 20 (12-11-1979), 6: L’Osservatore

Romano, bản Anh ngữ, 26.11.1979, tr. 6; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi UNESCO

(02-06-1980), 5,8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 23-06-1980, tr. 9-10; Gioan

Phaolô II, Diễn văn gửi Hội đồng các Bộ trưởng Hội nghị bàn về An ninh và Hợp tác

tại Âu Châu (CSDE) (30-11-1993), 3, 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 08-12-

1993, tr. 1-2.

911 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi cho ông Nafis Sadik, Tổng Thư ký Hội nghị Quốc

tế năm 1994 về Dân số và Phát triển (18-03-1994): AAS 87 (1995), 191-192; Gioan

Phaolô II, Thông điệp gửi bà Gertrude Mongella, Tổng Thư ký Hội nghị Quốc tế lần

thứ tư của Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ (26-05-1995): L’Osservatore Romano, bản Anh

ngữ, 31-05-1995, tr. 2.

912 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 84: AAS 58 (1966), 1107-1108.

913 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 81: AAS 58 (1966), 1105; x.

Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 293; Phaolô VI, Thông

điệp Populorum Progressio, 78: AAS 59 (1967), 295.

914 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2003, 6: AAS 95 (2003), 344.

915 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 294-295.

916 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 51-55 và 77-79: AAS 59 (1967),

282-284, 295-296.

917 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 43: AAS 80 (1988), 575.

918 Ibid.; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 7: AAS 96

(2004), 118.

919 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 58: AAS 83 (1991), 863-864.

920 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 33. 39: AAS 80 (1988), 557-

559, 566-568.

921 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 26: AAS 80 (1988), 544-547.

992 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 7: AAS 96 (2004), 118.

923 x. Giáo Luật, điều 361.

924 Phaolô VI, Tông thư Sollicitudo Omnium Ecclesiarum: AAS 61 (1969), 476.

IV. SỰ CỘNG TÁC QUỐC TẾ ĐỂ GIÚP PHÁT TRIỂN


a. Cộng tác để bảo đảm quyền phát triển


446. Để giải quyết vấn đề phát triển, cần có sự cộng tác giữa các cộng đồng chính trị cá thể. “Các cộng đồng chính trị chi phối nhau và chúng ta có thể khẳng định rằng mỗi cộng đồng sẽ thành công trong việc phát triển của mình khi biết góp phần vào sự phát triển của các cộng đồng khác. Muốn điều đó xảy ra, điều thiết yếu là phải hiểu biết và cộng tác với nhau”925. Dường như không thể loại trừ hẳn tình trạng kém phát triển, như thể đó đã là bản án tử hình, nhất là phải nhìn nhận một sự thật là tình trạng ấy không phải chỉ là kết quả của những sự lựa chọn sai lầm của con người, mà còn là hậu quả của “các bộ máy kinh tế, tài chính và xã hội”926 và của “các cấu trúc tội lỗi”927, vốn cản trở sự phát triển đầy đủ của con người và các dân tộc.

Tuy nhiên, phải đối diện với các khó khăn này với một quyết tâm vừa mạnh mẽ vừa cương quyết, vì phát triển không phải chỉ là một khát vọng mà còn là một quyền lợi928, và cũng như mọi quyền lợi, nó cũng bao hàm một nghĩa vụ. “Cộng tác để phát triển con người toàn diện và phát triển tất cả mọi người là một nghĩa vụ của mỗi người đối với hết mọi người, và phải được cả bốn phương trời thế giới tham gia, từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam”929. Như Huấn Quyền đã nhận xét, quyền phát triển là quyền dựa trên những nguyên tắc sau đây: gia đình nhân loại chỉ có một nguồn gốc và cùng chung một vận mệnh; phải có sự bình đẳng giữa mọi người và giữa mọi cộng đồng dựa trên phẩm giá con người; của cải trần thế dành cho hết mọi người; phải hiểu phát triển trong toàn bộ nội dung của nó; và phải lấy con người làm trọng tâm và phải liên đới với nhau.


447. Học thuyết Xã hội Công giáo cổ vũ các hình thức cộng tác nào có thể giúp các nước nghèo và kém phát triển tham gia thị trường quốc tế. “Ngay trong những năm gần đây, người ta vẫn nghĩ rằng các nước nghèo nhất sẽ phát triển bằng cách đứng tách riêng khỏi thị trường thế giới và chỉ dựa vào các nguồn lực riêng của mình. Nhưng kinh nghiệm mới đây cho thấy, những nước nào làm như thế đều bị trì trệ và suy thoái, còn các nước phát triển được là các nước thành công trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế liên kết ở cấp độ quốc tế. Bởi đó, vấn đề chính ở đây có lẽ là làm sao đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường thế giới cách công bằng, dựa trên nguyên tắc không phải đơn phương là khai thác các tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia này nhưng dựa vào việc sử dụng thích đáng nguồn nhân sự của các nước đó”930. Trong số những nguyên nhân góp phần lớn vào tình trạng chậm phát triển và nghèo đói, ngoài nguyên nhân không có khả năng tham gia vào thị trường thế giới, còn có nguyên nhân thất học, thiếu an toàn thực phẩm, thiếu các cơ sở hạ tầng và dịch vụ, thiếu các biện pháp thích đáng để bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ căn bản, thiếu nước sạch và thiếu vệ sinh, nạn tham nhũng, tình trạng không ổn định của các định chế và cả đời sống chính trị. Tại nhiều nước, có một mối dây liên hệ giữa tình trạng nghèo đói với tình trạng thiếu tự do, thiếu khả năng để đưa ra những sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế, cũng như không có một nền hành chính quốc gia đủ khả năng để lập ra một hệ thống giáo dục và thông tin thích đáng.


448. Tinh thần hợp tác quốc tế đòi mọi người không những phải có tư duy đúng đắn về thị trường, mà còn có khả năng nhận thức về bổn phận phải liên đới, bảo vệ công lý và bác ái phổ quát932. Thật vậy, có “một điều gì đó phải trả cho con người vì họ là con người, vì phẩm giá cao đẹp của con người”933. Hợp tác là con đường mà toàn thể cộng đồng thế giới phải bước vào, theo một quan niệm rất thích đáng về công ích đối với toàn thể gia đình nhân loại”934. Từ con đường cộng tác đó ta có thể thấy nhiều thành quả tích cực; chẳng hạn, gia tăng sự tín nhiệm vào tiềm năng của người nghèo, và do đó, vào tiềm năng của các nước nghèo, đồng thời việc phân phối của cải cũng được công bằng.


b. Đấu tranh chống nghèo đói


449. Vào đầu thiên niên kỷ mới này, sự nghèo đói của hàng tỷ người nam cũng như nữ chính là “một vấn đề thách thức nhất cho các lương tâm con người cũng như các lương tâm Kitô hữu”935. Nghèo đói đặt ra một vấn đề đầy kịch tính về công lý dưới nhiều hình thức khác nhau và với những hậu quả khác nhau của nó. Tình hình nghèo đói mang đặc điểm là có sự tăng trưởng không bình đẳng, vì chưa nhìn nhận “quyền bình đẳng của mọi người được ngồi dự ‘trong bàn tiệc chung’”936. Nghèo đói như thế sẽ khiến chúng ta không thể thực hiện nền nhân bản trọn vẹn mà Giáo Hội hằng hy vọng và theo đuổi để các cá nhân và dân tộc được “là người hơn”937 và sống trong những điều kiện nhân bản hơn938.

Cuộc đấu tranh chống nghèo đói tìm được một động cơ mạnh mẽ khi biết rằng Giáo Hội chọn lựa và dành tình thương ưu tiên cho người nghèo939. Trong toàn bộ giáo huấn xã hội của mình, Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi khi nhấn mạnh một số nguyên tắc căn bản của giáo huấn, mà trước nhất và trên hết là nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải940. Học thuyết Xã hội Công giáo liên tục tái xác nhận nguyên tắc liên đới, đòi người ta phải hành động để đẩy mạnh “ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với hết mọi người”941. Ngay trong lúc đấu tranh chống nghèo đói, nguyên tắc liên đới phải luôn luôn đi kèm một cách thích hợp với nguyên tắc bổ trợ, vì nhờ nguyên tắc bổ trợ, chúng ta mới có thể thúc đẩy tinh thần sáng kiến, là nền tảng căn bản cho tất cả sự phát triển xã hội và kinh tế tại các nước nghèo942. Không nên coi người nghèo “như một vấn đề, mà như những con người có thể trở thành những nhà kiến thiết chính của một tương lai mới mẻ và mang tính người hơn cho mọi người”943.


c. Nợ nước ngoài


450. Phải để ý tới quyền phát triển mỗi khi có dịp bàn tới các vấn đề có liên quan đến khủng hoảng nợ nần của nhiều quốc gia nghèo944. Nhiều nguyên nhân phức tạp thuộc đủ loại nằm trong nguồn gốc của khủng hoảng nợ nần. Ở cấp quốc tế đó là sự trôi nổi của tỷ giá hối đoái, của việc đầu cơ tài chính và chủ nghĩa thực dân mới trong kinh tế; còn trong nội bộ các nước nợ nần đó có thể là tham nhũng, quản lý lợi tức công cộng kém hay sử dụng sai các khoản vay tín dụng đã nhận được. Những nỗi đau khổ lớn nhất – có thể là do những vấn đề về cơ cấu cũng như hành vi cá nhân – lại giáng xuống những người dân tại các nước nghèo và nợ nần, là những người vốn không phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Cộng đồng quốc tế không thể không biết điều này: một đàng vẫn khẳng định nguyên tắc nợ thì phải trả, nhưng đàng khác, các giải pháp đưa ra phải làm sao không phương hại tới “quyền căn bản của các dân tộc là được tồn tại và tiến bộ”945.

----------------------------------------------------------------------------------------------------

925 Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 499; x. Piô XII, Thông

điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1945): AAS 38 (1946), 22.

926 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 16: AAS 80 (1988), 531.

927 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 36-37, 39: AAS 80 (1988),

561-564, 567.

928 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22: AAS 59 (1967), 268; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 43: AAS 63 (1971), 431-432; Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 32-33: AAS 80 (1988), 556-559; Gioan Phaolô II, Thông điệpCentesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 836-838; x. Phaolô VI, Diễn văn gửi Tổ chức Lao động Quốc tế (10-06-1969), 22: AAS 61 (1969), 500-501; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi cho những Người Tham dự Hội nghị châu Âu về Giáo huấn Xã hội Công giáo (20-06-1997), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 23-07-1997, tr. 3; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các nhà lãnh đạo Liên đoàn Kinh doanh và Thương mại Italia (02-05-2000), 3: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 10-05-2000, tr. 5.

929 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 32: AAS 80 (1988), 556.

930 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 33: AAS 83 (1991), 835.

931 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 56-61: AAS 59 (1967), 285-287.

932 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 44: AAS 59 (1967), 279.

933 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 34: AAS 83 (1991), 836.

934 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 58: AAS 83 91991),863.

935 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 14: AAS 92

(2000), 366; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1993,

1: AAS 85 (1993), 429-430.

936 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 33: AAS 80 (1988) 558; x.

Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 47: AAS 59 (1967), 280.

937 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 6: AAS 59 (1967), 260; x. Gioan

Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 28: AAS 80 (1988), 548-550.

938 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 20-21: AAS 59 (1967), 267-268.

939 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi cho Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh

lần thứ 3, Puebla, Mexico (28-01-1979), I/8: AAS 71 (1979), 194-195.

940 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22: AAS 59 (1967), 268.

941 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 566.

942 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 55: AAS 59 (1967), 284; Gioan

Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 44: AAS 80 (1988), 575-577.

943 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 14: AAS 92

(2000), 366.

944 x. Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 51: AAS 87 (1995), 36;

Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1998, 4: AAS 90 (1998),

151-152; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Hội nghị Hiệp hội Liên Nghị viện (30-11-

1998): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXI, 2 (1998), 1162-1163; Gioan Phaolô

II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 9: AAS 91 (1999), 383-384.

945 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 838; x. Để

phục vụ cộng đồng nhân loại: một cái nhìn đạo đức học về vấn đề nợ quốc tế, do

Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản (27-12-1986), Vatican City 1986.

Chia sẻ