Bài 10: Bảo vệ Môi trường
I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
451. Kinh nghiệm sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử chính là nền tảng làm nên đức tin của dân Chúa: “Chúng ta đã từng làm nô lệ cho vua Pharaô tại Ai Cập, nhưng Chúa đã dùng bàn tay mạnh mẽ dẫn đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập” (Đnl 6,21). Đọc lại lịch sử, chúng ta có thể có một cái nhìn thoáng qua về quá khứ và khám phá ra Chúa đang hoạt động trong lịch sử ấy ngay từ ban đầu: “Tổ tiên tôi là một người Aram phiêu bạt” (Đnl 26,5); Thiên Chúa cũng nói về dân Ngài như sau: “Ta đã đem cha ông các ngươi là Abraham từ bên kia sông về” (Gs 24,3). Nhờ những nhận định ấy mà chúng ta có thể nhìn về tương lai một cách hy vọng, dựa vào lời hứa và giao ước mà Chúa liên tục lặp lại.
Người Israel sống niềm tin ấy trong không gian và thời gian của thế giới này, thế giới mà họ không hề coi là môi trường thù nghịch hay một chỗ xấu xa mà người ta cần được giải thoát, nhưng chính là ân huệ Chúa ban, là đất đai và kế hoạch Chúa giao cho họ quản lý và làm việc với tinh thần trách nhiệm của một con người. Thiên nhiên, một công trình sáng tạo của Thiên Chúa, không phải là một kẻ thù nguy hiểm. Chính Chúa đã làm nên mọi sự, và khi nhìn từng thụ tạo “Chúa đều thấy nó tốt đẹp” (x. St 1,4.10.12.18.21.25). Và Ngài đặt con người lên chóp đỉnh công trình sáng tạo mà Ngài thấy là “rất tốt đẹp đó” (St 1,31). Chỉ có con người, nam cũng như nữ, trong số mọi thụ tạo, được Thiên Chúa tạo dựng “theo hình ảnh Ngài” (St 1,27). Chúa giao cho con người chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo, bắt họ chăm lo sao cho thụ tạo được hài hoà và phát triển (x. St 1,26-30). Mối quan hệ hết sức đặc biệt của con người với Thiên Chúa chính là lý do giải thích tại sao cặp vợ chồng đầu tiên được đặt vào một vị thế ưu tiên như vậy trong trật tự sáng tạo.
452. Mối quan hệ của con người với thế giới là một yếu tố cấu thành lai lịch của con người. Mối quan hệ này nối tiếp kết quả của một mối quan hệ khác còn sâu đậm hơn, đó là quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho con người trở thành cộng sự của Ngài trong cuộc đối thoại. Chỉ khi đối thoại với Thiên Chúa, con người mới tìm ra sự thật của mình, và từ sự thật này con người mới có được nguồn cảm hứng và tìm được các chuẩn mực để lập kế hoạch cho tương lai của thế giới, mà biểu tượng là khu vườn Chúa đã trao cho con người trông coi và canh tác (x. St 2,15). Ngay cả khi phạm tội rồi, con người cũng không mất bổn phận ấy, dù có thể kể từ đó thế giới này đã bị tội lỗi đè nặng với bao khổ đau và vất vả (x. St 3,17-19).
Công trình sáng tạo luôn luôn là một đối tượng được dân Israel ca ngợi trong kinh nguyện của mình: “Ôi lạy Chúa, công trình Ngài quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24). Còn cứu độ được coi là cuộc tạo dựng mới, tái lập lại sự hài hoà và tiềm năng phát triển đã bị tội làm hư hao: “Ta sẽ tạo dựng trời mới đất mới” (Is 65,17), trong đó “sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái… và đức công chính [sẽ] ở trong vườn cây ăn trái ấy… Rồi dân Ta sẽ sống an bình” (Is 32,15-18).
453. Sự cứu độ dứt khoát mà Chúa ban cho toàn thể nhân loại thông qua Con của Ngài sẽ không xảy ra ngoài thế giới này. Đã bị tội làm thương tổn nên thế giới cần phải trải qua một sự thanh tẩy tận gốc rễ (x. 2 Pr 3,10) để trở thành một thế giới được đổi mới (x. Is 65,17; 66,22; Kh 21,1), và sau cùng trở thành nơi cho “công chính ngự trị” (2 Pr 3,13).
Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giêsu đã tận dụng các yếu tố tự nhiên. Không những Người diễn giải về thiên nhiên cách thấu đáo, nói về thiên nhiên bằng hình ảnh và dụ ngôn, mà Người còn làm chủ thiên nhiên nữa (x. đoạn kể Đức Giêsu dẹp yên bão tố trong Mt 14,22-33; Mc 6,45-52; Ga 6,16-21). Chúa đã bắt thiên nhiên phục vụ kế hoạch cứu độ của Người. Người yêu cầu các môn đệ nhìn thẳng vào sự vật, mùa màng và con người với thái độ tin tưởng của trẻ thơ luôn biết rằng mình không bao giờ bị người Cha an bài bỏ rơi (x. Lc 11,11-13). Thay vì làm nô lệ cho các sự vật, người môn đệ Đức Giêsu phải biết cách sử dụng chúng để đem lại sự chia sẻ và tình huynh đệ (x. Lc 16,9-13).
454. Việc Đức Giêsu bước vào lịch sử thế giới đạt tới điểm tận cùng trong mầu nhiệm Vượt Qua; trong mầu nhiệm này, chính thiên nhiên cũng tham dự vào thảm kịch Con Chúa bị khai trừ và vào chiến thắng của Đấng Phục Sinh (x. Mt 27,45.51; 28,2). Khi vượt qua cái chết và ghép vào đó ánh vinh quang mới mẻ của sự phục sinh, Đức Giêsu đã khai mở một thế giới mới, trong đó mọi sự đều phục tùng Người (x. 1 Cr 15,20-28); Người cũng tái tạo lại những mối quan hệ trật tự và hài hoà đã bị tội phá vỡ. Đã biết giữa con người và thiên nhiên đã xảy ra sự mất cân bằng, thì cũng phải biết rằng nơi Đức Giêsu, con người và thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, đến nỗi bất cứ ai nhận thức được tình thương Thiên Chúa đều có thể tìm lại được bình an đã mất. “Bởi đó, người nào ở trong Đức Kitô, người ấy là thụ tạo mới; cái cũ đã qua, và này cái mới đã đến” (2 Cr 5,17). Thiên nhiên đã được tạo dựng trong Ngôi Lời, thì cũng do Ngôi Lời đã làm người ấy mà thiên nhiên được hoà giải với Thiên Chúa và được trả lại ơn bình an (x. Cl 1,15-20).
455. Không những con người nội tâm chúng ta được tái tạo một lần nữa, mà toàn thể bản tính của con người – một hữu thể có thân xác – cũng đã được quyền năng cứu độ của Đức Kitô chạm tới. Toàn thể thụ tạo đều tham gia vào trào lưu canh tân phát xuất từ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, dù thụ tạo vẫn còn phải chờ được giải thoát hoàn toàn khỏi sự hư nát, thụ tạo vẫn rên rỉ trong lao nhọc (x. Rm 8,19-23) và chờ đợi việc khai sinh “trời đất mới” (Kh 21,1), tức là sự cứu độ mỹ mãn, được ban trong ngày tận thế. Còn tạm thời lúc này, không có gì đứng ngoài tầm ảnh hưởng của ơn cứu độ đó. Dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Kitô hữu luôn được kêu gọi để phục vụ Đức Kitô, để sống theo Thần Khí của Người, rồi nhờ được hướng dẫn bởi tình yêu – là nguyên lý của đời sống mới – họ sẽ đưa thế giới và con người trở về lại vận mệnh nguyên thuỷ: “dù… cả thế giới này, sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai… tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23).
II. CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ CỦA THỤ TẠO
456. Quan điểm của Thánh Kinh sẽ soi sáng cho người Kitô hữu biết phải có thái độ nào trong việc sử dụng trái đất, cũng như đối với các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Công đồng Vatican II khẳng định con người “có lý khi nhận định rằng nhờ trí khôn của mình, con người vượt lên trên vũ trụ vật chất, vì đã chia sẻ ánh sáng của trí khôn Thiên Chúa”946. Các Nghị phụ Công đồng đã nhìn nhận các tiến bộ do sự chuyên cần trau dồi tài năng của con người qua bao thế kỷ, bất kể trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm, các ngành công nghệ hay trong các bộ môn nghệ thuật tự do947. Hiện nay, “nhất là với sự giúp đỡ của khoa học và công nghệ, con người đã mở rộng quyền làm chủ của mình gần như trên toàn thể thiên nhiên và còn tiếp tục đi xa hơn nữa”948.
Vì con người, “được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, đã nhận được mệnh lệnh chinh phục trái đất và mọi sự chứa đựng trong đó, đồng thời cai trị thế giới trong công lý và thánh thiện; nhờ thi hành mệnh lệnh ấy, con người và toàn thể sự vật được liên kết với Đấng mà mọi người nhìn nhận là Chúa Tể và Tạo Hoá muôn loài. Như thế, khi đặt mọi sự vào tay con người là danh Chúa được tôn vinh trên khắp trái đất. [Công đồng dạy rằng] qua bao thế kỷ, con người đã lao động để cải thiện hoàn cảnh sống của mình nhờ những nỗ lực rất lớn của cá nhân lẫn tập thể. Đối với những tín hữu, điểm sau đây đã rõ ràng: tự bản thân nó, hoạt động cải thiện này của con người phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa”949.
457. Những thành quả của khoa học và công nghệ tự chúng là tích cực. “Chẳng những không cho rằng những công trình do tài năng và nghị lực của con người làm ra là chống lại quyền năng Chúa, cũng như không cho rằng thụ tạo có lý trí như chúng ta luôn là một loại đối thủ của Tạo Hoá, người Kitô hữu còn xác tín những chiến thắng của nhân loại chính là dấu hiệu Thiên Chúa đang ban ơn và đang khai triển kế hoạch mầu nhiệm của Ngài”950. Các Nghị phụ Công đồng cũng nhấn mạnh “quyền uy con người càng lớn, trách nhiệm của con người – cá nhân hay cộng đồng – càng cao”951, hoạt động nào của con người cũng phải đáp ứng ích lợi thật của con người, như Thiên Chúa đã hoạch định và mong muốn952. Về điểm này, Huấn Quyền đã thường xuyên lưu ý rằng Giáo hội Công giáo không hề chống lại sự tiến bộ953, mà thậm chí còn coi “khoa học và công nghệ là một sản phẩm kỳ diệu của óc sáng tạo mà Chúa đã ban cho con người, và vì chúng đã cung cấp cho chúng ta những khả năng tuyệt vời nên tất cả mọi người chúng ta đều được hưởng lợi ích từ những công trình ấy”954. Vì lý do đó, “là những người tin vào Thiên Chúa, Đấng đã thấy mọi sự do mình tạo ra là ‘tốt đẹp’, chúng ta vui mừng trước những tiến bộ của công nghệ và kinh tế mà con người đã sử dụng trí khôn để làm ra”955.
458. Những gì Huấn Quyền suy nghĩ về khoa học và công nghệ nói chung đều có thể áp dụng cho vấn đề môi trường và nông nghiệp. Giáo Hội đánh giá cao “những lợi ích thu được – và sẽ tiếp tục thu được – do con người đã nghiên cứu và ứng dụng khoa sinh học nguyên tử, có sự đóng góp thêm của các khoa khác như di truyền học và những ứng dụng công nghệ của nó trong nông nghiệp và công nghiệp”k956. Thật vậy, công nghệ “có thể là một công cụ vô giá dùng để giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng, trước tiên là vấn đề nghèo đói và bệnh tật, bằng cách sản xuất những loài thảo mộc cao cấp và mạnh mẽ hơn, cũng như bằng việc sản xuất các dược phẩm giá trị”l957. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại khái niệm “ứng dụng cách thích hợp” vì “chúng ta biết rằng tiềm năng ấy không phải là vô thưởng vô phạt: vì người ta có thể dùng nó hoặc để giúp con người tiến bộ hoặc sẽ đẩy con người đi xuống”958. Chính vì lý do đó, “cần giữ thái độ thận trọng và chú ý sàng lọc ra bản chất, mục đích và các phương thế của mỗi hình thức công nghệ ứng dụng”959. Bởi vậy, các nhà khoa học phải “tận dụng khả năng nghiên cứu và kỹ thuật của mình một cách trung thực để phục vụ nhân loại”960, phải biết cách bắt các khả năng ấy tuân theo “các nguyên tắc và các giá trị luân lý, vốn luôn tôn trọng và giúp thực hiện trọn vẹn phẩm giá con người”961.
459. Một điểm quan trọng mà mỗi khi ứng dụng khoa học và công nghệ người ta phải tham chiếu là phải tôn trọng con người, và cũng kèm theo đó là thái độ cần phải tôn trọng các sinh vật khác. Ngay cả khi cần phải thay đổi điều gì đó nơi chúng, người ta cũng “phải xét tới bản chất của mỗi hữu thể và những mối liên kết hỗ tương của hữu thể ấy trong một hệ thống đã được sắp đặt”962. Theo cách hiểu này, phải nhìn nhận rằng những khả năng đáng nể sợ của công trình nghiên cứu sinh học đang gây ra nhiều điều lo ngại, trong khi “chúng ta chưa ở trong vị thế sẵn sàng để tiếp nhận các sự đảo lộn trong sinh học do vận dụng khoa di truyền một cách thiếu thận trọng và do phát triển một số hình thức mới của sự sống thực vật và động vật một cách bừa bãi, đó là chưa nói tới những thử nghiệm không thể chấp nhận được về nguồn gốc của chính sự sống con người”963. Thật vậy, “bây giờ đã rõ rằng việc ứng dụng các khám phá mới trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng đem đến những hậu quả tai hại lâu dài. Từ đó, chúng ta phải đau đớn nhìn nhận rằng mình không thể can thiệp vào lĩnh vực hệ thống sinh thái mà không chú ý đủ tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh phúc của các thế hệ tương lai”964.
460. Vì thế, con người không bao giờ được quên rằng “khả năng biến đổi, và theo một nghĩa nào đó, khả năng sáng tạo thế giới thông qua lao động của mình… luôn luôn dựa trên một điều có trước và có ngay từ đầu là Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tất cả những gì đang hiện hữu”965. Con người không được “sử dụng trái đất cách tuỳ tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách không giới hạn, như thể nó không có những yêu cầu riêng và không có một mục tiêu mà Chúa đã ban cho từ trước, một mục tiêu mà con người thật sự có thể triển khai ra nhưng không được phép phản bội”966. Khi hành động như thế, “con người thay vì thi hành vai trò của người cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo, sẽ tự đặt mình thay thế Chúa và rốt cuộc làm cho thiên nhiên phải phản lại, vì đã hành hạ hơn là cai trị thiên nhiên”967.
Nếu con người can thiệp vào thiên nhiên mà không lạm dụng hay phá hoại thiên nhiên, thì ta có thể nói “con người đã can thiệp không phải để làm thay đổi cho bằng tạo điều kiện cho thiên nhiên phát triển theo sự sống riêng của mình, sự phát triển của thụ tạo mà Thiên Chúa đã nhắm tới. Khi làm việc trong lĩnh vực hết sức tế nhị này, nhà nghiên cứu phải bám sát kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài muốn con người phải là chúa tể các thụ tạo”968. Cuối cùng, chính Thiên Chúa đã ban cho con người vinh dự được cộng tác vào công trình tạo dựng bằng tất cả năng lực của trí khôn mình.
--------------------------------------------------------------------------------------
946 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 15: AAS 58 (1966), 1036.
947 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 15: AAS 58 (1966), 1036.
948 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 33: AAS 58 (1966), 1052.
949 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 34: AAS 58 (1966), 1052.
950 Ibid. 1053.
951 Ibid. 1053.
952 Ibid. 34: AAS 58 (1966), 1053.
953 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Bệnh viện Mẹ Nhân Ái, Melbourne (28-11-1986):
L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-12-1986, tr. 13.
954 Gioan Phaolô II, Gặp gỡ các nhà khoa học và các đại diện của Đại học Liên Hiệp
Quốc tại Hiroshima (25-02-1981), 3: AAS 73 (1981), 422.
955 Gioan Phaolô II, Gặp gỡ công nhân các xí nghiệp thuộc Công ty Olivetti tại Ivrea,
Italia (19-03-1990), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 26-03-1990, tr. 7.
956 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Giáo hoàng Học viện Khoa học (03-10-1981), 3:
L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 12-10-1981, tr. 4.
957 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các người tham dự hội nghị do Học viện Khoa học
Quốc gia bảo trợ, nhân kỷ niệm 200 năm thành lập (21-09-1982), 4: L’Osservatore
Romano, bản Anh ngữ, 04-10-1982, tr. 3.
958 Gioan Phaolô II, Gặp gỡ các nhà khoa học và các đại diện của Đại học Liên Hiệp
Quốc tại Hiroshima (25-02-1981), 3: AAS 73 (1981), 422.
959 Gioan Phaolô II, Gặp gỡ công nhân các xí nghiệp thuộc Công ty Olivetti tại Ivrea,
Italia (19-03-1990), 4: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 26-03-1990, tr. 7.
960 Gioan Phaolô II, Bài giảng thánh lễ tại Câu lạc bộ Đua xe Victoria, Melbourne (26-
11-1986), 11: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IX, 2 (1986), 1730.
961 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Giáo hoàng Học viện Khoa học (23-10-1982), 6:
Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V, 3 (1982), 892-893.
962 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis:, 34: AAS 80 (1988), 559.
963 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1990, 7: AAS 82 (1990), 151.
964 Ibid. 6: AAS 82 (1990), 150.
965 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 37: AAS 83 (1991), 840.
966 Ibid.
967 Ibid.
968 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Tổng Đại hội lần thứ 35 Hội Y khoa Thế giới (29-10-
1983): L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 05-12-1986, tr. 11.
III. KHỦNG HOẢNG TRONG QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG
461. Thông điệp của Thánh Kinh cũng như Huấn Quyền của Giáo Hội đã đưa ra nhiều điểm tham khảo cơ bản để chúng ta dựa vào mà đánh giá các vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ giữa con người và môi trường969. Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề ấy có thể là tham vọng của con người muốn thống trị trên sự vật một cách vô điều kiện, không chú ý tới bất kỳ đòi hỏi nào về mặt luân lý, mà trái lại, những đòi hỏi này mới chính là yếu tố giúp phân biệt các hoạt động của con người.
Khuynh hướng khai thác “bệnh hoạn”970 các tài nguyên thiên nhiên chính là hậu quả của một quá trình lịch sử và văn hoá lâu dài. “Kỷ nguyên hiện đại đã chứng kiến khả năng ngày càng cao của con người trong việc can thiệp mang tính biến đổi. Khía cạnh chinh phục và khai thác này đã trở nên nổi trội và ngày càng lấn chiếm, thậm chí hiện nay nó đã lên tới mức đe doạ khía cạnh thân thiện của môi trường: vai trò làm ‘tài nguyên’ của môi trường đang đe doạ vai trò làm ‘nơi ăn chốn ở’ của môi trường. Chính vì các phương tiện làm biến đổi môi trường do nền văn minh công nghiệp đem lại ngày càng mạnh, nên đôi khi thế cân bằng giữa con người và môi trường dường như đã lên tới mức nguy kịch”971.
462. Thiên nhiên xuất hiện như một công cụ trong tay con người, và như một thực tại mà con người phải liên tục vận dụng, nhất là qua các phương tiện kỹ thuật. Đó là quan niệm giản lược tối đa mà ngày nay đang được phổ biến nhanh chóng. Quan niệm ấy bắt đầu từ giả thiết – mà ai cũng thấy là sai lầm – rằng phải có sẵn một lượng năng lượng và tài nguyên vô hạn, mà người ta có thể khôi phục lại nhanh chóng và có thể dễ dàng làm giảm bớt các hậu quả tiêu cực của việc khai thác trật tự thiên nhiên. Quan niệm giản lược này đã nhìn thế giới tự nhiên theo lăng kính máy móc và nhìn sự phát triển theo lăng kính của chủ nghĩa tiêu thụ. Người ta dành ưu tiên cho hành động và sở hữu hơn là cho hiện hữu; và đây chính là nguyên nhân gây ra sự tha hoá con người dưới những hình thức nghiêm trọng972.
Những thái độ này không phát sinh từ nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhưng là do chủ nghĩa duy khoa học và ý thức hệ duy kỹ thuật đã có ý chi phối những việc nghiên cứu ấy. Những tiến triển của khoa học và công nghệ không loại bỏ nhu cầu tìm đến cái siêu việt và tự chúng không phải là nguyên nhân đưa tới tình trạng tục hoá thái quá, tình trạng này đưa con người tới chủ nghĩa hư vô. Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, càng ngày người ta càng thắc mắc về ý nghĩa của chúng và càng ngày người ta càng cảm thấy có nhu cầu phải tôn trọng chiều hướng siêu việt của con người và của chính thụ tạo.
463. Hiểu đúng đắn về môi trường sẽ ngăn chặn sự giản lược mang tính thực dụng rằng thiên nhiên chỉ là một đồ vật không hơn không kém mà con người được sử dụng và khai thác tuỳ ý. Đồng thời, chúng ta cũng không được tuyệt đối hoá thiên nhiên, đặt nó lên trên cả phẩm giá con người. Trong trường hợp thứ hai này, người ta có thể đi xa tới mức thần thánh hoá thiên nhiên hay trái đất như đã thấy trong một số phong trào sinh thái, đang tìm cách có được quy chế mang tính cơ chế được quốc tế bảo đảm đối với các xác tín của phong trào973.
Huấn Quyền đã tìm ra động cơ để chống lại quan niệm về môi trường dựa trên chủ nghĩa độc tôn sinh thái và độc tôn sinh học, với sự kiện là các chủ nghĩa ấy đề nghị “loại bỏ sự khác biệt về hữu thể và đạo đức giữa con người với các sinh vật khác, vì theo các chủ nghĩa này sinh quyển được coi như là một thể thống nhất về mặt sinh học có giá trị không thể phân biệt rõ rệt. Từ đó, người ta có thể giảm thiểu trách nhiệm cao cả của con người để cổ vũ cho quan niệm nhìn ‘phẩm giá’ của mọi sinh vật đều bằng nhau”974.
464. Cách nhìn về con người và sự vật mà không tham chiếu chút nào tới sự siêu việt sẽ dẫn tới chỗ chối bỏ luôn khái niệm sáng tạo và dẫn tới việc gán cho con người và thiên nhiên một sự hiện hữu hoàn toàn độc lập. Như thế, mối liên kết thế giới với Thiên Chúa đã bị cắt đứt. Sự chia cắt này cũng gây ra tình trạng tách con người ra khỏi thế giới, và triệt để hơn, làm con người nghèo đi tự trong bản sắc của mình. Con người có ý nghĩ cho rằng chính mình hoàn toàn xa lạ với môi trường mà trong đó mình đang sống. Hậu quả của tình trạng này cũng quá rõ: “chính mối quan hệ của con người với Thiên Chúa xác định mối quan hệ của con người với đồng loại và môi trường. Đó cũng là lý do tại sao văn hoá Kitô giáo luôn nhìn nhận các thụ tạo chung quanh con người cũng là những ân huệ Chúa ban để con người nuôi dưỡng và bảo vệ như một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo Hoá. Cách riêng, linh đạo Beneđictô và Phanxicô đã cho thấy sự gần gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”975. Hiện nay, người ta đang có nhu cầu nhấn mạnh càng nhiều hơn nữa tới mối quan hệ mật thiết giữa khoa sinh thái đề cao môi trường và “khoa sinh thái đề cao con người”976.
465. Huấn Quyền nhấn mạnh tới trách nhiệm của con người trong việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người977. “Nếu nhân loại hôm nay thành công trong việc kết hợp các khả năng khoa học mới mẻ với chiều hướng đạo đức lành mạnh, thì chắc chắn người ta sẽ có thể phát triển môi trường thành nơi cư ngụ và thành tài nguyên cho con người và cho hết mọi người, đồng thời sẽ có thể loại bỏ các nguyên nhân gây ô nhiễm, bảo đảm các điều kiện thích đáng để giữ gìn vệ sinh và sức khoẻ cho các nhóm nhỏ cũng như cho các vùng rộng lớn có con người định cư. Công nghệ làm ô nhiễm thì cũng có thể tẩy rửa, sản phẩm thu gom vào thì cũng có thể phân phối ra cho công bằng, với điều kiện là phải phổ biến rộng rãi khoa đạo đức tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, cũng như tôn trọng quyền lợi của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau”978.
---------------------------------------------------------------------------------------------------
969 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 21: AAS 63 (1971), 416-417.
970 Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 21: AAS 63 (1971), 417.
971 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các người tham dự hội nghị về “Môi trường và Sức
khoẻ” (24-03-1997), 2: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-04-1997, tr. 2.
972 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 28: AAS 80 (1988), 548-550.
973 x. Chẳng hạn, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá và Hội đồng Giáo hoàng về Đối
thoại Liên tôn, Huấn thị Đức Giêsu Kitô, Đấng đem lại Nước Hằng Sống. Huấn thị
Một suy tư của Kitô giáo về Phong trào “Thời đại mới”, Libreria Editrice Vaticana,
Vatican City 2003, tr. 33.
974 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi những người tham dự hội nghị về “Môi trường và Sức
khoẻ” (24-03-1997), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-04-1997, tr. 2
975 Ibid. 4: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-04-1997, tr. 2.
976 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 38: AAS 83 (1991), 841.
977 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 34: AAS 80 (1988), 559-560.
978 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi những người tham dự hội nghị về “Môi trường và Sức
khoẻ” (24-03-1997), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 09-04-1997, tr. 2.
IV. MỘT TRÁCH NHIỆM CHUNG
a. Môi trường, một tài sản tập thể
466. Chăm sóc môi trường là một thách thức đối với toàn thể nhân loại hôm nay. Đó là một vấn đề thuộc nghĩa vụ chung và phổ quát, nghĩa vụ tôn trọng một tài sản chung979, được dành cho hết mọi người, bằng cách ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác – như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên – hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình”980. Đó là một trách nhiệm phải được thi hành cách chín chắn trên cơ sở cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay đã mang phạm vi toàn cầu, và từ đó dẫn tới nhu cầu cần phải đối phó với cuộc khủng hoảng sinh thái này trên cấp độ thế giới, vì tất cả mọi hữu thể đều sống lệ thuộc lẫn nhau trong trật tự chung do Tạo Hoá sắp đặt. “Ta cần phải xem xét bản chất của mỗi vật mỗi loài và mối tương quan của nó trong một hệ thống có trật tự, hệ thống này gọi chính xác là ‘vũ trụ’”981.
Viễn tượng này mang tầm quan trọng đặc biệt kể từ khi người ta xét đến giá trị của sự đa dạng sinh học trong môi trường trên cơ sở những mối quan hệ gần gũi đã ràng buộc các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái. Đây là một giá trị cần được quản lý với ý thức trách nhiệm và phải được bảo vệ cách thích đáng, vì đó là tài sản hết sức đặc biệt của toàn thể nhân loại. Về điểm này, mỗi người có thể dễ dàng nhận ra tầm quan trọng của vùng Amazon chẳng hạn, là “một trong những khu vực thiên nhiên quý giá nhất của thế giới vì có sự đa dạng sinh học, vốn là điểm sống còn cho sự cân bằng môi trường của toàn thể hành tinh”982. Rừng chính là yếu tố giúp duy trì sự cân bằng tự nhiên rất cần cho cuộc sống983. Phá hoại rừng qua những vụ làm cháy rừng do ác ý và thiếu suy xét càng làm tăng nhanh tiến trình sa mạc hoá, để lại những hậu quả rất nguy hiểm cho việc dự trữ nước và làm phương hại đến đời sống của nhiều dân bản địa, cũng như hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Mọi cá nhân cũng như mọi chủ thể theo định chế cần phải cảm thấy có bổn phận bảo vệ di sản rừng, và nếu cần, phải xúc tiến các chương trình tái tạo rừng cách thích đáng.
467. Trách nhiệm đối với môi trường – di sản chung của nhân loại – không chỉ liên quan tới các nhu cầu hiện tại mà còn mở rộng tới các nhu cầu tương lai. “Chúng ta đã thừa kế từ các thế hệ trước, và chúng ta đã hưởng được lợi ích từ lao động của những người đương thời: chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người, và không thể từ chối quan tâm tới những người sẽ sống sau chúng ta, không thể từ chối mở rộng gia đình nhân loại”984. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với các thế hệ tương lai985, một trách nhiệm cũng liên hệ tới mỗi quốc gia và cộng đồng nhân loại.
468. Trách nhiệm đối với môi trường còn phải được diễn tả một cách thích đáng trên bình diện pháp lý. Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế cần đặt ra những luật lệ thống nhất, cho phép các quốc gia kiểm soát hữu hiệu hơn các hoạt động có thể gây hậu quả tiêu cực trên môi trường và cho phép các quốc gia bảo vệ hệ sinh thái bằng cách ngăn chặn những tai nạn có thể xảy ra. “Quốc gia cũng cần nỗ lực tích cực trong lãnh thổ mình để ngăn chặn những sự phá hoại khí quyển và sinh quyển, bằng cách kiểm soát cẩn thận, cùng với các công việc khác, ảnh hưởng của những tiến bộ mới về khoa học và công nghệ… [và] bảo đảm cho các công dân nước mình không phải chịu những chất ô nhiễm nguy hiểm hay những chất thải độc hại”986.
Nội dung pháp lý của “quyền được có một môi trường tự nhiên an toàn và lành mạnh”987 đang dần dần hình thành, do công luận ngày càng quan tâm làm sao kiểm soát việc sử dụng các thụ tạo theo yêu cầu của công ích và theo ước nguyện chung muốn trừng phạt những người gây ra ô nhiễm. Tuy nhiên, các biện pháp pháp lý tự chúng vẫn chưa đủ988. Song song với những biện pháp ấy, cần phải tăng cường ý thức trách nhiệm cũng như phải thay đổi cách suy nghĩ và lối sống một cách hữu hiệu.
469. Các chính quyền, khi được yêu cầu đưa ra những quyết định có liên quan tới sức khoẻ và những rủi ro của môi trường, đôi khi phải đối đầu với một tình huống là chỉ nhận được những dữ kiện khoa học mâu thuẫn nhau hay quá ít ỏi về số lượng dữ kiện. Lúc đó, có lẽ điều thích hợp là đưa ra những sự đánh giá dựa trên “nguyên tắc dự phòng”, tức là không áp dụng các luật lệ mà chỉ đưa ra những đường hướng nhằm giải quyết tình huống không chắc chắn ấy. Nói thế có nghĩa là chúng ta cần phải đưa ra những quyết định tạm thời, có thể sửa đổi dựa trên những sự kiện mới mẻ mà cuối cùng mới biết được. Những quyết định ấy phải cân xứng với những khoản luật đã được đưa ra cho những rủi ro khác. Những chính sách thận trọng, dựa trên nguyên tắc dự phòng, đòi chúng ta phải quyết định căn cứ trên việc so sánh các rủi ro và lợi ích được tiên đoán cho những giải pháp khác nhau có thể có, kể cả quyết định không can thiệp. Biện pháp dự phòng này gắn liền với nhu cầu cần cổ vũ mọi nỗ lực hiểu biết nhiều hơn, vì ý thức rằng khoa học không thể nhanh chóng đưa ra những kết luận mà không kéo theo chút rủi ro nào. Những hoàn cảnh thiếu chắc chắn và những giải pháp dự phòng càng cho thấy tiến trình quyết định cần phải hết sức minh bạch.
470. Các chương trình phát triển kinh tế cần phải cẩn thận lưu ý tới “nhu cầu tôn trọng sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên”989, vì các tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được. Nhịp độ khai thác thiên nhiên hiện nay đang làm phương hại trầm trọng tới nguồn dự trữ của một số tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ hiện nay lẫn tương lai990. Muốn có những giải pháp cho vấn đề sinh thái thì hoạt động kinh tế cần phải tôn trọng môi trường ở mức cao, bằng cách dung hoà nhu cầu phát triển kinh tế với nhu cầu bảo vệ môi trường. Mọi hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên đều phải quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và phải dự kiến những phí tổn kèm theo, điều này đã trở thành “một yếu tố quan trọng trong chi phí thật sự của hoạt động kinh tế”991. Trong bối cảnh này, người ta sẽ xem xét các mối quan hệ giữa hoạt động của con người với những thay đổi về khí hậu, là những quan hệ hết sức phức tạp cần được theo dõi kịp thời và thường xuyên trên các bình diện khoa học, chính trị và pháp lý, quốc gia và quốc tế. Khí hậu là một tài sản cần phải được bảo vệ; nó nhắc nhở các người tiêu thụ và những ai tham gia hoạt động công nghiệp hãy có ý thức trách nhiệm nhiều hơn về thái độ cư xử của mình992.
Một nền kinh tế biết tôn trọng môi trường sẽ không lấy việc gia tăng tối đa lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất của mình, vì việc bảo vệ môi trường không thể được bảo đảm nếu chỉ dựa trên những tính toán tài chính giữa phí tổn bỏ ra và lợi nhuận thu vào. Môi trường là một trong các tài sản không thể nào được bảo vệ hay được phát huy cách thích đáng chỉ nhờ các lực lượng thị trường993. Mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đã phát triển, phải ý thức bổn phận cấp thiết là xem xét lại cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình. Tìm ra những phương cách mới để làm giảm tác động ảnh hưởng trên môi trường, do việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, là điều rất đáng được cổ vũ.
Cần phải dành sự chú ý đặc biệt cho các vấn đề phức tạp liên quan đến các nguồn năng lượng994. Các tài nguyên không thể tái tạo, mà các nước công nghiệp hoá cao và các nước mới công nghiệp hoá đang khai thác, cần phải dành để phục vụ cho toàn thể nhân loại. Đứng trên quan điểm luân lý, dựa trên sự công bằng và tình liên đới giữa các thế hệ, chúng ta cần tiếp tục phát hiện những nguồn năng lượng mới, phát triển các nguồn thay thế và nâng cao mức an toàn của năng lượng hạt nhân, thông qua sự đóng góp của cộng đồng khoa học995. Trong bối cảnh năng lượng có liên hệ tới sự phát triển và môi trường, việc sử dụng năng lượng cần phải được các quốc gia, cộng đồng quốc tế và các nhà kinh tế đứng ra chịu trách nhiệm. Người ta phải luôn luôn dựa vào công ích toàn cầu để soi sáng và định hướng trách nhiệm ấy.
471. Mối quan hệ của những dân bản địa với đất đai của họ và tài nguyên là một điều rất đáng chú ý, vì đó là cách biểu hiện cốt yếu nhất bản sắc của họ996. Vì những nguồn lợi lớn lao về công - nông nghiệp hay vì tiến trình đồng hoá và đô thị hoá quá cao, nên nhiều người trong số các dân này đã đành để mất hay liều mất đất đai mà họ đang sống trên đó997, những mảnh đất đã từng gắn chặt với ý nghĩa của cuộc đời họ998. Quyền lợi của các dân bản địa cần phải được bảo vệ cách thích đáng999. Các dân tộc này cho ta một điển hình về đời sống hài hoà với môi trường mà họ đã rất quen thuộc và đã bảo tồn từ bấy lâu nay1000. Kinh nghiệm đăc biệt của họ, vốn là một nguồn di sản tinh thần không thể thay thế được cho toàn thể nhân loại, đang có nguy cơ bị đánh mất cùng với môi trường đã khai sinh ra họ.
b. Sử dụng công nghệ sinh học
472. Trong những năm gần đây, người ta đã đặt ra những vấn đề cấp bách liên quan đến việc sử dụng các hình thức mới của khoa công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, y học và bảo vệ môi trường. Những khả năng mới do các kỹ thuật sinh học và sinh học di truyền hiện hành mang lại chính là nguồn vừa đem lại hy vọng và phấn khởi vừa gây ra sự cảnh giác và thù nghịch. Việc ứng dụng các kiểu công nghệ sinh học khác nhau, tính cách có thể chấp nhận chúng theo quan điểm luân lý, những hậu quả do chúng gây ra cho sức khoẻ con người và ảnh hưởng của chúng trên môi trường và trên nền kinh tế chính là các đề tài được nghiên cứu thấu đáo và tranh luận gắt gao. Đây là những vấn đề đang gây tranh cãi, mà các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu, các nhà chính trị và các nhà lập pháp, các nhà kinh tế và các nhà môi trường học, cũng như các nhà sản xuất và các người tiêu dùng cần phải tham gia vào cuộc. Các Kitô hữu không được thờ ơ với các vấn đề này, vì họ nhận thức được tầm quan trọng của các giá trị đang bị lâm nguy1001.
473. Quan điểm Kitô giáo về thụ tạo đưa ra một phán đoán tích cực về khả năng chấp nhận việc con người can thiệp vào thiên nhiên, vốn cũng bao gồm các sinh vật khác, đồng thời kêu gọi mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm1002. Thật vậy, thiên nhiên không phải là một thực tại thiêng liêng hay thần linh mà con người không được can thiệp vào. Nhưng đúng hơn, thiên nhiên là một món quà được Tạo Hoá ban cho cộng đồng nhân loại, được giao phó cho trí khôn và trách nhiệm luân lý của con người, cả nam lẫn nữ. Vì thế, con người không hề hành động sai trái khi phải can thiệp để sửa đổi một vài đặc điểm hay tính chất của chúng do lòng tôn trọng trật tự, vẻ đẹp và sự hữu ích của các sinh vật, cũng như vai trò của chúng trong hệ sinh thái. Những sự can thiệp nào của con người mà làm hại các sinh vật hay môi trường thiên nhiên thì đều đáng bị lên án, còn những sự can thiệp nào giúp cải thiện chúng đều đáng ca ngợi. Việc sử dụng các kỹ thuật sinh học và sinh học di truyền sao cho có thể chấp nhận được chỉ là một phần trong vấn đề đạo đức: cũng như đối với mọi cách ứng xử của con người, người ta cũng cần đánh giá cho đúng những lợi ích thật cũng như những hậu quả có thể mang lại rủi ro. Mỗi khi có những sự can thiệp bằng khoa học và công nghệ nào có thể tác động mạnh mẽ và phổ biến trên các cơ thể sống, thậm chí có khả năng tác động lâu dài, người ta không thể hành động một cách nhẹ dạ hay vô trách nhiệm.
474. Các công nghệ sinh học hiện đại đều có ảnh hưởng mạnh mẽ trên bình diện xã hội, kinh tế và chính trị, ở cấp quốc gia và quốc tế. Người ta cần phải đánh giá chúng theo những tiêu chuẩn đạo đức, mà những tiêu chuẩn đạo đức này phải luôn luôn hướng dẫn các hoạt động và các mối quan hệ của con người trong lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị1003. Nhất là phải xét đến các tiêu chuẩn của công lý và liên đới. Các cá nhân và các tập thể tham gia vào việc nghiên cứu và thương mại hoá lĩnh vực công nghệ sinh học cần phải tuân thủ đặc biệt các tiêu chuẩn ấy. Trong bất cứ trường hợp nào, người ta cũng phải tránh đừng để mình rơi vào sai lầm khi tin rằng chỉ có việc phổ biến các lợi ích có liên quan đến các kỹ thuật mới của công nghệ sinh học là có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách như nghèo đói và chậm phát triển, là những vấn đề đang hành hạ nhiều quốc gia trên hành tinh này.
475. Trong tinh thần liên đới quốc tế, cần phải sử dụng các biện pháp khác nhau đối với việc ứng dụng các công nghệ sinh học mới. Trước hết, phải tạo điều kiện để có sự trao đổi thương mại cách công bằng, không áp đặt những điều khoản bất công. Tuy nhiên, đẩy mạnh sự phát triển của các dân tộc bị thiệt thòi nhất sẽ không có kết quả hay sẽ không xác thực, nếu người ta rút gọn việc phát triển vào việc trao đổi các hàng hoá không hơn không kém. Cần cổ vũ việc phát huy sự tự trị cần thiết cho khoa học và công nghệ về phía các dân tộc ấy, đẩy mạnh sự trao đổi kiến thức công nghệ và khoa học, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.
476. Liên đới cũng có nghĩa là kêu gọi các nước đang phát triển phải gánh lấy trách nhiệm, đặc biệt các nhà lãnh đạo chính trị của các nước ấy, để xúc tiến các chính sách thương mại có lợi cho người dân của họ và xúc tiến việc trao đổi công nghệ có thể giúp cải thiện các điều kiện cung cấp lương thực và sức khoẻ. Trong các quốc gia ấy, cần gia tăng đầu tư nghiên cứu, chú ý đặc biệt tới các đặc điểm riêng và nhu cầu riêng của lãnh thổ và dân cư của các quốc gia này, nhất là phải ghi nhớ rằng một số nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, dù có thể có tiềm năng về lợi ích, nhưng chỉ cần đầu tư ở mức độ vừa phải. Để đạt mục đích này, nên thành lập các cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm bảo vệ công ích bằng cách xử lý các rủi ro một cách cẩn thận.
477. Các nhà khoa học và kỹ thuật tham gia vào lĩnh vực công nghệ sinh học được mời gọi hãy làm việc một cách thông minh và kiên trì để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho các vấn đề nghiêm trọng và khẩn cấp như vấn đề cung cấp lương thực và chăm sóc sức khoẻ. Họ không được quên rằng hoạt động của họ có liên quan đến các tài nguyên – sống động cũng như vô tri vô giác – thuộc về di sản của nhân loại và cũng được dành cho các thế hệ tương lai. Đối với người tín hữu, đây còn là một vấn đề liên quan đến quà tặng đã được Tạo Hoá ban cho và phó thác cho trí khôn và tự do của con người, và chính trí khôn và tự do này cũng là những món quà từ trời cao ban tặng. Chúng ta hy vọng rằng các nhà khoa học sẽ sử dụng nghị lực và khả năng của mình vào việc nghiên cứu ấy – được biểu hiện bằng sự nhiệt tình và được hướng dẫn bởi một lương tâm trong sáng và trung thực1004.
478. Các chủ doanh nghiệp và các giám đốc của các cơ quan công cộng tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất và mua bán các sản phẩm làm ra từ các công nghệ sinh học mới cần quan tâm không chỉ tới lợi nhuận chính đáng mà cả tới công ích nữa. Nguyên tắc này, luôn đúng cho hết mọi hình thức hoạt động kinh tế, trở nên quan trọng đặc biệt cho các hoạt động liên quan đến việc cung cấp lương thực, thuốc men, chăm sóc sức khoẻ và môi trường. Bằng những quyết định của mình, các chủ doanh nghiệp cũng như các giám đốc của các cơ quan công cộng tham gia vào lĩnh vực này có thể dẫn dắt những bước tiến triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đưa chúng tới những mục tiêu đầy hứa hẹn, như chống lại nghèo đói, đặc biệt tại các nước nghèo hơn, chống lại bệnh tật và bảo vệ hệ sinh thái là gia sản chung của hết mọi người.
479. Các nhà chính trị, lập pháp và quản lý hành chính phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá các lợi ích tiềm tàng và rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng công nghệ sinh học. Một điều không ai muốn là những quyết định của họ, ở cấp quốc gia hay quốc tế, bị áp đặt bởi sức ép từ những tập thể có đặc quyền đặc lợi. Chính quyền cũng phải tạo điều kiện cho có một công luận được thông tin đúng đắn, để đưa ra những quyết định phù hợp nhất với công ích.
480. Các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực thông tin cũng có một nhiệm vụ quan trọng, mà họ cần thi hành một cách thận trọng và khách quan. Xã hội chờ đợi những thông tin đầy đủ và khách quan, có thể giúp các công dân có được một dư luận đúng đắn về các sản phẩm của công nghệ sinh học, trước hết vì đây là một vấn đề có liên quan trực tiếp tới họ, với tư cách là người tiêu thụ có thể sẽ dùng các sản phẩm ấy. Cần phải tránh để không rơi vào cơn cám dỗ của những thông tin hời hợt, được thổi phồng lên do quá bồng bột hay do hốt hoảng vô cớ.
c. Môi trường và việc chia sẻ của cải
481. Đối với vấn đề sinh thái, giáo huấn xã hội Công giáo nhắc lại rằng của cải trên trái đất là do Thiên Chúa tạo thành để mọi người sử dụng cách khôn ngoan. Chúng phải được chia sẻ một cách công bằng, phù hợp với công lý và bác ái. Vấn đề chủ yếu ở đây là phải ngăn chặn sự bất công trong việc tích trữ các tài nguyên: tham lam, dù là cá nhân hay tập thể, luôn luôn là điều đi ngược với trật tự tạo thành1005. Các vấn đề sinh thái hiện nay đã mang chiều hướng toàn cầu và chỉ có thể được giải quyết cách hữu hiệu thông qua sự hợp tác quốc tế, bảo đảm cho có sự phối hợp rộng rãi hơn trong việc sử dụng các tài nguyên của địa cầu.
482. Khủng hoảng môi trường và sự nghèo đói là những vấn đề có liên quan đến cả một tổng thể các nguyên nhân phức tạp và bi đát, mà chúng ta có thể giải quyết được dựa vào nguyên tắc của cải là dành cho hết mọi người, và đây chính là một định hướng văn hoá và luân lý căn bản. Khủng hoảng môi trường hiện nay có tác động đặc biệt đến những người nghèo nhất, bất kể họ đang sống trong những vùng đất đang bị xói mòn và bị sa mạc hoá, hoặc đang bị lôi kéo vào các cuộc xung đột vũ trang hay bị cưỡng bách nhập cư, hoặc vì họ không có phương tiện công nghệ và kinh tế để tự bảo vệ mình khỏi những thiên tai khác.
Biết bao nhiêu người nghèo ấy đang sống trong các khu ngoại ô bị ô nhiễm của các thành phố lớn, trong các nơi ở tạm hay trong các khu chung cư to lớn (khu nhà ổ chuột, khu phố thùng thiếc, khu nhà nghèo bị an ninh theo dõi, khu favelas) gồm những căn nhà đang xuống cấp trầm trọng và không an toàn. Mỗi khi cần tái định cư những người ấy, để họ khỏi phải chịu hết đau khổ này đến đau khổ khác, cần cho họ biết trước các thông tin cần thiết và được quyền lựa chọn nơi ăn ở tương xứng; những người bị liên luỵ trực tiếp phải được tham gia vào tiến trình tái định cư này.
Ngoài ra, cũng cần nhớ đến tình cảnh của những quốc gia đang phải chịu thua thiệt do những quy luật thương mại quốc tế bất công, và những quốc gia khan hiếm những hàng hoá chủ lực, lại bị gánh nặng nợ nước ngoài gây thêm bi đát. Trong những tình trạng thiếu thốn và đói nghèo như thế, người ta không thể nào tránh khỏi việc khai thác cật lực và thái quá môi trường.
483. Giữa sự phát triển của các nước nghèo nhất, sự thay đổi dân số và việc sử dụng bền vững môi trường có một mối quan hệ chặt chẽ, nhưng không được lấy đó làm chiêu bài để đưa ra những lựa chọn chính trị và kinh tế làm hại tới phẩm giá con người. Tại các nước đã phát triển đang có tình trạng “giảm sút tỷ lệ sinh sản, gây ảnh hưởng tới độ tuổi trung bình của dân số, thậm chí không thể đổi mới dân số về mặt sinh học”1006. Ở những nước đang phát triển thì lại khác, với mức dân số ngày càng gia tăng. Mặc dù đúng là sự phân phối không đồng đều về dân số và các nguồn tài nguyên có sẵn sẽ gây cản trở cho việc phát triển và cho việc sử dụng bền vững môi trường, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng tăng trưởng dân số là điều hoàn toàn thích hợp với sự phát triển toàn diện và được chia sẻ cho hết mọi người1007. Hầu như ai ai cũng đồng ý rằng chính sách dân số chỉ là một phần trong toàn bộ chiến thuật phát triển toàn diện. Vì thế, mỗi khi bàn cãi về các chính sách dân số, chúng ta phải luôn nhớ đến sự phát triển thực tế và theo dự kiến của các quốc gia và các vùng. Đồng thời, cũng không thể không xét đến chính bản chất của những gì được gọi là ‘phát triển’. Sự phát triển nào xứng đáng với danh nghĩa của mình đều phải là sự phát triển toàn diện, tức là phải hướng tới ích lợi thật của mỗi người và của con người toàn diện”1008.
484. Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải cũng được áp dụng cách tự nhiên cho vấn đề nước, mà Thánh Kinh coi là biểu tượng của sự thanh tẩy (x. Tv 51,4; Ga 13,8) và của sự sống (x. Ga 3,5; Gl 3,27). “Là ơn Chúa ban, nước là thành phần cơ bản tối cần thiết đối với việc sống còn; vì thế, ai cũng có quyền đối với nước”1009. Thoả mãn nhu cầu của hết mọi người, nhất là những người đang nghèo đói, chính là nguyên tắc hướng dẫn việc sử dụng nước và những dịch vụ có liên quan đến nước. Việc không có đầy đủ nước uống an toàn ảnh hưởng đến an sinh của đông đảo dân chúng, đồng thời là nguyên nhân của bệnh tật, đau khổ, xung đột, nghèo đói và cả cái chết. Để giải quyết vấn đề này cho thích đáng, “cần phải đặt mình trong bối cảnh cụ thể để lập ra những tiêu chuẩn luân lý được đặt nền tảng chính xác trên giá trị của sự sống và sự tôn trọng các quyền lợi và phẩm giá của mọi người”1010.
485. Tự chính bản chất của nó, nước không thể được xem như một trong nhiều hàng hoá của con người; nó cần phải được sử dụng cách hợp lý và liên đới với những người khác. Theo truyền thống, việc phân phối nước là trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, vì nước được coi là một tài sản công. Dù việc phân phối nước có được giao cho khu vực tư nhân, thì nước vẫn được coi như là một tài sản công. Quyền có nước1011, cũng như các quyền khác của con người, được đặt trên nền tảng là phẩm giá con người, chứ không phải dựa trên bất cứ việc đánh giá đơn thuần theo định lượng nào mà coi nước chỉ như một hàng hoá kinh tế không hơn không kém. Không có nước, sự sống bị đe doạ. Thế nên, quyền có nước uống an toàn là quyền của mọi người trên thế giới và là quyền không thể chuyển nhượng.
d. Những lối sống mới
486. Những vấn đề sinh thái nghiêm trọng đòi mọi người phải thay đổi hữu hiệu cách suy nghĩ để đón nhận những lối sống mới1012; “theo những lối sống này, việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ và hiệp thông với người khác vì công ích sẽ là những nhân tố quyết định cho những việc lựa chọn để tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư”1013. Những lối sống này sẽ được xây dựng dựa trên những đức tính thanh đạm, điều độ và tự chủ ở cấp cá nhân lẫn cấp xã hội. Cần phải dẹp bỏ cái logic chỉ biết có tiêu thụ, đồng thời phải xúc tiến các hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp biết tôn trọng trật tự sáng tạo và thoả mãn các nhu cầu căn bản của mọi người. Được duy trì bằng việc nhận thức lại sự lệ thuộc lẫn nhau giữa mọi người trên trái đất, những thái độ vừa nói sẽ góp phần loại bỏ nhiều nguyên nhân gây ra các thảm hoạ sinh thái cũng như bảo đảm khả năng đáp ứng nhanh chóng khi có những thảm hoạ ấy xảy ra cho các dân tộc và lãnh thổ1014. Người ta không được đối phó vấn đề sinh thái chỉ vì những viễn tượng đáng sợ mà sự huỷ hoại môi trường mang lại; nhưng đúng hơn vấn đề sinh thái phải trở thành động cơ mạnh mẽ thúc đẩy mọi người liên đới thực sự với nhau trên phạm vi toàn cầu.
487. Thái độ điển hình cho lối xử sự của con người trong mối quan hệ với thụ tạo chính là thái độ biết ơn và quý trọng; thật vậy, thế giới mạc khải mầu nhiệm một Thiên Chúa sáng tạo và bảo vệ công trình sáng tạo. Nếu gạt bỏ mối quan hệ với Thiên Chúa sang một bên, thiên nhiên kể như đã bị tước mất ý nghĩa sâu xa của nó và sẽ trở nên nghèo nàn. Ngược lại, nếu thiên nhiên được tái khám phá trong chiều hướng như là thụ tạo của nó, thì các ngả đường liên lạc với thiên nhiên có thể được thiết lập, các ý nghĩa phong phú và tượng trưng của nó có thể được hiểu ra, chúng sẽ giúp ta bước vào lĩnh vực huyền nhiệm của nó. Và lĩnh vực này sẽ mở con đường của con người đến với Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất. Thế giới sẽ xuất hiện trước mắt con người như một bằng chứng về Thiên Chúa, là nơi bày tỏ quyền năng sáng tạo, an bài và cứu chuộc của Ngài.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
979 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 40: AAS 83 (1991), 843.
980 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 34: AAS 80 (1988), 559.
981 Ibid.
982 Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in America, 25: AAS 91 (1999), 760.
983 x. Gioan Phaolô II, Bài giảng tại Val Visdende nhân lễ thánh Gualberto (12-07-
1987): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, X, 3 (1987) 67.
984 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 17: AAS 59 (1967), 266.
985 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 37: AAS 83 (1991), 840.
986 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1990, 9: AAS 82 (1990), 152.
987 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Uỷ ban châu Âu và Toà án Nhân quyền, Strasbourg
(08-10-1988), 5: AAS 81 (1989), 685; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới
Hoà bình năm 1999, 10: AAS 91 (1999), 384-385.
988 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 10:AAS 91
(1999), 384-385.
989 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 26: AAS 80 (1988), 546.
990 Ibid., 34: AAS 80 (1988), 559-560.
991 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Hội nghị Toàn thể lần thứ 25 của tổ chức FAO (16-
11-1989), 8: AAS 82 (1990), 673.
992 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi nhóm nghiên cứu của Giáo hoàng Học viện Khoa
học (06-11-1987): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, X, 3 (1987), 1018-1020.
993 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 40: AAS 83 (1991), 843.
994 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi những người tham dự Phiên họp Khoáng đại của
Giáo hoàng Học viện Khoa học (28-10-1994): Insegnamenti di Giovanni Paolo II,
XVII,2 (1994), 567-568.
995 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi những người tham dự Hội nghị Chuyên đề về Vật
lý (18-12-1992): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V, 3 (1982), 1631-1634.
996 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các dân bản địa vùng Amazon, Manaus (10-07-
1980): AAS 72 (1980), 960-961.
997 x. Gioan Phaolô II, Bài giảng trong buổi cử hành Phụng vụ Lời Chúa cùng với các
dân bản địa thung lũng Amazon thuộc nước Peru (05-02-1985), 4:AAS 77 (1985),
897-898; x. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Huấn thị Hướng tới việc
phân phối đất đai tốt hơn. Thách thức của việc cải cách ruộng đất (23-11-1997),
11, Libreria Editrice Vaticana, Vatican City 1997, tr. 17.
998 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các dân bản địa nước Australia (29-11-1986), 4:
AAS 79 (1987), 974-975.
999 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các dân bản địa nước Guatemala (07-03-1983), 4: AAS 75 (1983), 742-743; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các dân bản địa nước Canada (18-09-1984), 7-8: AAS 77 (1988), 421-422; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các dân bản địa nước Ecuador (31-01-1985), II, 1: AAS 77 (1985), 861; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các dân bản địa nước Australia (29-11-1986), 10: AAS 79 (1987), 976-977.
1000 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các dân bản địa nước Australia (29-11-1986), 4:
AAS 79 (1987), 974-975; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi người Mỹ bản địa (14-09-
1987), 4: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 21-09-1987, tr. 21.
1001 x. Giáo hoàng Học viện về Sự sống, Công nghệ sinh học cho động vật và thực
vật: Những ranh giới mới và những trách nhiệm mới, Libreria Editrice Vaticana,
Vatican City 1999.
1002 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Giáo hoàng Học viện Khoa học (23-10-1982), 6:
Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V, 3 (1982), 892-893.
1003 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Giáo hoàng Học viện Khoa học (03-10-1981): AAS
73 (1981), 668-672.
1004 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Giáo hoàng Học viện Khoa học (23-10-1982): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V, 3 (1982), 889-893. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi những người tham dự Hội nghị do Học viện Khoa học Quốc gia bảo trợ nhân kỷ niệm 200 năm thành lập (21-09-1982): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V, 3 (1982), 511-515.
1005 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966), 1090-
1092; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22: AAS 59 (1967), 268.
1006 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 25: AAS 80 (1988), 543; x.
Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 16: AAS 87 (1995), 418.
1007 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 25: AAS 80 (1988), 543-544.
1008 Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi ông Nafis Sadik, Tổng Thư ký Hội nghị Quốc tế
năm 1994 về Dân số và Phát triển (18-03-1944), 3: AAS 87 (1995), 191.
1009 Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Đức Hồng y Geraldo Majella Agnelo nhân dịp phát
động chiến dịch huynh đệ năm 2004 của Thượng Hội đồng Giám mục Brazil (19-
01-2004): L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 17-03-2004, tr. 3.
1010 Ibid.
1011 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2003, 5: AAS 95
(2003), 343; Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Huấn thị Nước, một
nhân tố thiết yếu cho sự sống. Đóng góp của phái đoàn Toà Thánh nhân dịp tổ
chức Diễn đàn về nước lần thứ 3, tại Kyoto, từ ngày 16 đến 23-03-2003.
1012 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 36: AAS 83 (1991), 834-840.
1013 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 36: AAS 83 (1991), 839.
1014 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Trung tâm Liên Hiệp Quốc ở Nairobi, nước Kenya
(18-08-1985), 5: AAS 78 (1986), 92.