Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Bài 2: Sứ mạng của Giáo hội và Học thuyết Xã hội

BTT UBCLHB
2021-01-22 15:40 UTC+7 981
Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo Hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ, Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại.

I. CÔNG CUỘC PHÚC ÂM HOÁ VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI


a. Giáo Hội, nơi Thiên Chúa ở với con người


60. Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo Hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ, Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. Giữa lòng nhân loại và trong thế giới ấy, Giáo Hội chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, và bởi thế, Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất, khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng và dấn thân của con người nhằm giải phóng và thăng tiến con người. Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại, tựa như túp lều hội ngộ của Thiên Chúa, tựa như “nơi Thiên Chúa ở với con người” (x. Kh 21,3), để con người không cô đơn, lạc lõng hay khiếp sợ trong lúc thi hành nhiệm vụ làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn; nhờ đó, con người tìm được sự hỗ trợ nơi tình thương cứu chuộc của Đức Kitô. Là thừa tác viên của ơn cứu độ, Giáo Hội không sống trong trừu tượng hay thuần tuý thiêng liêng, mà ở trong chính bối cảnh của lịch sử và thế giới mà con người đang sống74. Chính tại nơi đây, con người gặp được tình thương Thiên Chúa và được mời gọi cộng tác vào kế hoạch của Ngài.


61. Dù độc đáo và không thể sao chép trong nét riêng của mình, mỗi người vẫn là một hữu thể mở ra cho mối quan hệ với những người khác trong xã hội. Sống với nhau thành xã hội, sống với nhau trong mạng lưới quan hệ nối kết các cá nhân, gia đình và các tập thể trung gian lại với nhau, bằng cách gặp gỡ, truyền thông và trao đổi, đó chính là cách thế bảo đảm cho con người có một cuộc sống với chất lượng cao hơn. Công ích mà con người tìm kiếm và đạt được khi thành lập các cộng đồng xã hội chính là bảo đảm cho con người tìm được ích lợi cho cá nhân, gia đình và xã hội75. Đây chính là những lý do khiến cho xã hội sinh ra và hình thành, cùng với những cơ cấu của mình, tức là cùng với các cơ cấu chính trị, kinh tế, pháp luật và văn hoá của mình. Giáo Hội gửi học thuyết xã hội của mình đến cho con người “đang sống trong một mạng lưới phức tạp với vô số quan hệ trong khuôn khổ các xã hội hiện nay”76. Như một chuyên gia về nhân học77, Giáo Hội thừa sức hiểu con người trong thiên chức và khát vọng, trong những giới hạn và khiếm khuyết, cũng như trong các quyền lợi và nghĩa vụ của con người; Giáo Hội cũng thừa sức công bố lời đầy sức sống, đủ sức vang vọng trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội của cuộc sống con người.


b. Lấy Tin Mừng thâm nhập và làm phong phú xã hội


62. Với giáo huấn xã hội của mình, Giáo Hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ xã hội. Không phải chỉ là làm sao đem Tin Mừng đến được với con người trong xã hội – con người là kẻ tiếp nhận Tin Mừng được công bố – mà còn là làm sao cho xã hội được thấm nhuần Tin Mừng và được phong phú lên nhờ Tin Mừng78. Bởi đó, đối với Giáo Hội, chăm lo cho các nhu cầu của con người chính là đưa xã hội vào trong công cuộc truyền giáo và cứu độ của mình. Cách con người sống với nhau trong xã hội thường chi phối chất lượng cuộc sống của họ, nghĩa là chi phối các điều kiện sống, trong đó con người hiểu nhau và đưa ra những quyết định về bản thân họ và về thiên chức của họ. Chính vì lý do đó, Giáo Hội không thể thờ ơ với những gì con người quyết định, thực hiện hay trải nghiệm trong xã hội; Giáo Hội quan tâm tới tính chất luân lý của đời sống xã hội, tức là quan tâm tới những khía cạnh đúng là của con người và làm nhân bản hoá đời sống xã hội của con người. Xã hội – và cùng với xã hội, chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hoá – không phải chỉ đơn thuần là một cái gì trần tục ở thế gian này và vì thế xa lạ đối với thông điệp cứu độ và nhiệm cục cứu độ. Thật vậy, xã hội, và tất cả những gì được thực hiện trong xã hội, luôn có liên quan tới con người. Xã hội được thiết lập bởi những con người, mà con người lại cũng chính là “lộ trình quan trọng nhất và căn bản của Giáo Hội”79.


63. Nhờ học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội đảm nhận công việc loan báo những gì Chúa trao phó cho mình. Giáo Hội tìm cách làm cho thông điệp về sự tự do và cứu chuộc do Đức Kitô đem lại, tức là Tin Mừng về Nước Trời, được hiện diện trong lịch sử nhân loại. Khi loan báo Tin Mừng, Giáo Hội “làm chứng cho con người nhân danh Đức Kitô, làm chứng cho phẩm giá và thiên chức của con người là hiệp thông với những người khác. Giáo Hội dạy cho con người biết những đòi hỏi của công lý và hoà bình phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa”80.

Giống như nhờ Giáo Hội mà Tin Mừng vang lên trong cuộc sống hôm nay của con người81, học thuyết xã hội cũng là lời đem lại tự do cho con người. Nói thế có nghĩa là học thuyết xã hội có hiệu quả như chân lý và ân sủng xuất phát từ Thánh Thần Thiên Chúa; Ngài là Đấng thâm nhập các tâm hồn, chuẩn bị các tâm hồn đón nhận các suy nghĩ và ý định yêu thương, công bằng, tự do và hoà bình. Vì vậy, Phúc Âm hoá xã hội có nghĩa là đưa vào tâm hồn con người sức mạnh của ý nghĩa và sự tự do tìm thấy trong Tin Mừng, để xây dựng một xã hội phù hợp với con người, vì phù hợp với Đức Kitô: có nghĩa là xây dựng một đô thị cho con người có tính người hơn bởi vì nó phù hợp hơn với Nước Chúa.

64. Với học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội chẳng những không đi lạc khỏi sứ mạng của mình mà còn trung thành sít sao với sứ mạng ấy. Ơn cứu chuộc do Đức Kitô mang lại và được giao cho sứ mạng cứu độ của Giáo Hội chắc hẳn thuộc trật tự siêu nhiên. Xác định chiều hướng này không phải là đặt giới hạn cho ơn cứu độ, nhưng đúng hơn là muốn diễn tả ơn cứu độ một cáchtoàn diện82. Không được hiểu siêu nhiên như một thực thể hay một địa điểm khởi đi từ nơi mà tự nhiên kết thúc, nhưng phải hiểu siêu nhiên là nâng tự nhiên lên một bình diện cao hơn. Nếu thế thì không có gì thuộc về trật tự tạo thành hay nhân loại mà xa lạ hay bị loại khỏi trật tự siêu nhiên hay trật tự thần học của đức tin và ân sủng, trái lại, tất cả đều tìm thấy trong trật tự này, đều được đảm nhận và nâng cao. “Trong Đức Giêsu Kitô, thế giới hữu hình do Chúa tạo thành cho con người (x. St 1,26-30) – thế giới ‘đã bị rơi vào tình trạng phù phiếm’ kể từ khi có tội xâm nhập vào (Rm 8,20; x. Rm 8,19-22) – đã lấy lại mối liên hệ nguyên thuỷ của mình với nguồn mạch Khôn Ngoan và Yêu Thương là Thiên Chúa. Thật vậy, ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi tặng ban Con Một của mình’ (Ga 3,16). Mối liên hệ này đã bị phá vỡ trong con người Ađam, nay được hàn gắn lại trong con người Đức Kitô (x. Rm 5,12-21)”83.


65. Công cuộc cứu chuộc bắt đầu bằng việc nhập thể, qua đó Con Thiên Chúa mặc lấy tất cả những gì là của con người, ngoại trừ tội lỗi, thể theo tinh thần liên đới mà Thiên Chúa Tạo Hoá đã khôn ngoan đặt ra, và đón nhận lấy tất cả mọi sự trong tình thương cứu chuộc của mình. Con người được tình thương này chạm tới trong trọn vẹn cuộc hiện hữu của nó; một con người vừa có xác lẫn hồn, một con người có mối quan hệ liên đới với người khác. Toàn bộ con người – chứ không phải chỉ riêng linh hồn hay chỉ là một hữu thể khép kín trong cá tính riêng của mình, mà là con người toàn diện và là một xã hội loài người – đã được đưa vào trong nhiệm cục cứu độ của Tin Mừng. Là người cưu mang thông điệp Nhập Thể và Cứu Chuộc của Tin Mừng, Giáo Hội không thể đi con đường nào khác hơn: cùng với học thuyết xã hội và những hành động hữu hiệu xuất phát từ đó, Giáo Hội chẳng những không che giấu dung mạo của mình hay hạ thấp sứ mạng của mình, mà còn trung thành với Đức Kitô và tìm cách tỏ cho mọi người thấy Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ”84. Điều này càng đúng trong những thời đại như hôm nay, một thời đại được đánh dấu bằng sự lệ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn và mọi vấn đề xã hội đều mang tính toàn cầu.


c. Học thuyết xã hội, Phúc Âm hoá và việc thăng tiến con người


66. Học thuyết xã hội là một phần cần thiết để cho tác vụ Phúc Âm hoá của Giáo Hội nên trọn vẹn. Không có gì liên quan đến cộng đồng nhân loại – những tình huống và những vấn đề liên quan đến công lý, tự do, phát triển, quan hệ giữa các dân tộc, hoà bình – mà nằm ngoài công cuộc Phúc Âm hoá; việc Phúc Âm hoá sẽ thiếu sót nếu không xét tới các đòi hỏi liên tục của Tin Mừng đối với đời sống cá nhân và xã hội cụ thể của con người85. Giữa việc Phúc Âm hoá và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ hết sức sâu xa: “Trong đó có mối liên hệ thuộc phạm vi nhân học, vì con người được Phúc Âm hoá không phải là một hữu thể trừu tượng mà là một hữu thể lệ thuộc các vấn đề kinh tế và xã hội. Trong đó cũng có mối liên hệ thuộc phạm vi thần học, vì chúng ta không thể tách rời bình diện sáng tạo với bình diện cứu chuộc. Bình diện cứu chuộc đụng chạm tới chính những tình huống bất công cụ thể cần phải đấu tranh và những tình huống công bằng cụ thể cần phải được khôi phục. Trong đó còn có mối liên hệ nổi bật thuộc phạm vi Tin Mừng, tức là phạm vi đức ái: làm sao có thể công bố điều răn mới mà không tìm cách thăng tiến con người một cách đích thực trong công lý và hoà bình?”86.


67. Học thuyết xã hội của Giáo Hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hoá”87, và học thuyết ấy được khai sinh là bởi những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội. Nếu hiểu như thế thì học thuyết xã hội chính là một phương cách đặc biệt để Giáo Hội thi hành tác vụ rao giảng Lời Chúa và làm ngôn sứ88. “Thật vậy, giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là những việc làm có liên quan tới sứ mạng Phúc Âm hoá của Giáo Hội và là một phần thiết yếu trong thông điệp Kitô giáo, vì học thuyết ấy cho biết những hậu quả cụ thể của thông điệp này trong đời sống xã hội, cũng như đặt những việc làm hằng ngày và những cuộc đấu tranh cho công lý mỗi ngày vào trong bối cảnh làm chứng cho Đức Kitô Cứu Thế”89. Đây không phải là một bận tâm hay một hoạt động bên lề, hoặc chỉ là một bận tâm hay một hoạt động gắn thêm vào sứ mạng của Giáo Hội, mà đúng hơn đó chính là trọng tâm công tác phục vụ của Giáo Hội: với học thuyết xã hội, Giáo Hội “công bố Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong Đức Kitô cho hết mọi người, và đó cũng chính là cách để giúp con người biết mình là ai”90. Đây là một tác vụ không chỉ xuất phát từ việc công bố mà còn phát xuất từ việc làm chứng.


68. Giáo Hội không lãnh lấy trách nhiệm về hết mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội mà chỉ lên tiếng trong phạm vi chuyên môn của mình, tức là công bố Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc91: “Đức Kitô không để lại cho Giáo Hội một sứ mạng thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội; mục tiêu Người trao cho Giáo Hội là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Giáo Hội tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa”92. Nói thế có nghĩa là Giáo Hội không can thiệp vào các vấn đề kỹ thuật qua học thuyết xã hội của mình, cũng không đề xuất hay thiết lập những hệ thống hoặc những mô hình tổ chức xã hội93. Đó không phải là sứ mạng Đức Kitô muốn trao cho Giáo Hội. Sở trường chuyên môn của Giáo Hội bắt nguồn từ Tin Mừng: từ thông điệp làm cho con người được tự do, đã từng được Con Thiên Chúa làm người công bố và làm chứng.


d. Các quyền hạn và nghĩa vụ của Giáo Hội


69. Với học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội nhằm “giúp con người trên đường cứu độ”94. Đây là mục tiêu quan trọng nhất và duy nhất của Giáo Hội. Giáo Hội không hề có ý định chiếm đoạt hay giành lấy các nghĩa vụ của người khác, cũng không có ý định muốn bỏ bê nghĩa vụ của mình; Giáo Hội cũng chẳng có ý tưởng muốn theo đuổi những mục tiêu xa lạ với sứ mạng của mình. Sứ mạng ấy được dùng để ấn định hình thức cho Giáo Hội thi hành quyền hạn và nghĩa vụ của mìnhkhi triển khai học thuyết xã hội riêng của mình và cố gắng làm cho học thuyết ấy tác động đến xã hội và các cơ chế xã hội, thông qua những trách nhiệm và nghĩa vụ mà học thuyết xã hội đó đặt ra.


70. Giáo Hội có quyền làm người thầy cho nhân loại, một người thầy dạy sự thật đức tin: sự thật này không chỉ qua các tín điều mà qua cả luân lý vì nằm trong chính bản tính của con người và Tin Mừng95. Thật vậy, lời Tin Mừng không phải chỉ để nghe mà còn để tuân giữ và thi hành (x. Mt 7,24; Lc 6,46-47; Ga 14,21.23-24; Gc 1,22). Cư xử kiên định là dấu chứng tỏ điều mình tin và điều đó không chỉ giới hạn trong những việc có liên quan chặt chẽ với Giáo Hội hay thuần tuý thiêng liêng, mà còn liên hệ đến con người trong toàn bộ kinh nghiệm sống của họ và trong các trọng trách của họ. Nhưng dù các trách nhiệm này có mang tính trần thế đến đâu, người thi hành các trách nhiệm ấy vẫn là con người, nghĩa là một người được Chúa kêu gọi tham gia vào ơn cứu độ, thông qua Giáo Hội.

Vì thế, con người phải đáp lại ơn cứu độ không phải một cách nửa vời, trừu tượng hay chỉ bằng lời nói suông, mà phải đáp lại bằng toàn bộ đời sống của mình – trong tất cả mọi mối quan hệ làm nên đời sống – đến nỗi không bỏ bê điều gì, không để điều nào nằm trong lĩnh vực trần thế và phàm tụcmà lại không có liên quan hay xa lạ với ơn cứu độ. Vì thế, học thuyết xã hội của Giáo Hội không phải là một đặc ân dành riêng cho Giáo Hội, cũng không phải là một dịp nói lạc đề, một lần nói tuỳ tiện hay một sự can thiệp vào việc người khác: loan báo Tin Mừng trong khuôn khổ xã hội chính là quyền của Giáo Hội, quyền làm cho Lời Chúa có sức giải phóng ấy vang lên trong các thế giới phức tạp của sản xuất, lao động, kinh doanh, tài chính, thương mại, chính trị, luật pháp, văn hoá, truyền thông xã hội, tức là những thế giới con người đang sống.


71. Quyền này cũng đồng thời là nghĩa vụ của Giáo Hội, vì Giáo Hội không thể bỏ bê trách nhiệm này mà đồng thời không chối bỏ chính mình và bất trung với Đức Kitô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Lời cảnh cáo mà thánh Phaolô đưa ra cho mình đang vang lên trong ý thức của Giáo Hội như một lời mời gọi mọi người hãy lên đường truyền giáo, không chỉ trên những nẻo đường dẫn tới các lương tâm cá nhân mà cả trên những nẻo đường đi vào các cơ quan công cộng: vì một đàng, tôn giáo không chỉ giới hạn “trong lĩnh vực thuần tuý riêng tư”96, mà đàng khác, thông điệp Kitô giáo không thể bị gạt sang một bên, trở thành một sự cứu độ hoàn toàn thuộc về một thế giới khác, không đủ sức chiếu giãi ánh sáng lên cuộc sống trần thế này97.

Vì Tin Mừng và đức tin có liên hệ đến đời sống chung như thế, vì các hậu quả của bất công hay của tội rất tai hại, nên Giáo Hội không thể giữ thái độ thờ ơ với các vấn đề xã hội:98“Giáo Hội có quyền rao giảng những nguyên tắc luân lý mọi nơi mọi lúc, bao gồm cả những nguyên tắc có liên quan tới trật tự xã hội, và có quyền đưa ra các lời phê phán về bất cứ việc làm nào của con người chừng nào các quyền căn bản của con người hay việc cứu độ các linh hồn đòi hỏi”99.


------------------------------------------------------------------------------------------------------

73 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1: AAS 58 (1966), 1025-1026.

74 x. Ibid., 40: AAS 58 (1966), 1057-1059; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus

Annus, 53-54: AAS 83 (1991), 859-860; Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 1: AAS

80 (1988), 513-514.

75 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 32: AAS 58 (1966), 1051.

76 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 859.

77 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 13: AAS 59 (1967), 263.

78 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 40: AAS 58 (1966), 1057-1059.

79 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemtor Hominis, 14: AAS 71 (1979), 284.

80 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2419.

81 x. Gioan Phaolô II, Bài giảng trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống nhân kỷ niệm

100 năm Thông điệp Rerum Novarum (19-05-1991): AAS 84 (1992), 282.

82 x. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 9, 30: AAS 68 (1976),10-11; Gioan

Phaolô II, Diễn văn tại Tổng Đại hội lần thứ ba các giám mục châu Mỹ Latinh,

Puebla, Mexico (28-01-1979), III/4-7: AAS 71 (1979), 199-204; Bộ Giáo lý Đức tin,

Huấn thị Libertatis Conscientia, 63-64, 80: AAS 79 (1987), 581-582, 590-591.

83 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 8: AAS 71 (1979), 270.

84 CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965), 53.

85 x. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 29: AAS 68 (1976), 25.

86 Ibid., 31: AAS 68 (1976), 26.

87 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 860.

88 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 570-572.

89 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 5: AAS 83 (1991), 799.

90 Ibid., 54: AAS 83 (1991), 860.

91 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2420.

92 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 42: AAS 58 (1966), 1060.

93 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 570-572.

94 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991),860.

95 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 14: AAS 58 (1966), 940; Gioan

Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 27, 64, 110: AAS 85 (1993), 1154-1155,

1183-1184, 1219-1220.

96 Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhân 30 năm ngày

công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (02-12-1978): Insegnamenti di

Giovanni Paolo II, I (1978), 261.

97 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 5: AAS 83 (1991), 799.

98 x. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 34: AAS 68 (1976), 28.

99 Giáo Luật, điều 747, 2.

II. BẢN CHẤT CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO


a. Một sự hiểu biết được soi sáng bởi đức tin


72. Học thuyết xã hội của Giáo Hội ban đầu không được dự tính là một hệ thống quy củ, nhưng được thành hình theo dòng thời gian, qua nhiều lần can thiệp của Huấn Quyền trước các vấn đề xã hội. Cách thức hình thành học thuyết ấy giúp chúng ta hiểu rằng có thể đã có vài thay đổi xảy ra liên quan tới bản chất, phương pháp và cơ cấu nhận thức của học thuyết. Với những lời ám chỉ đáng chú ý được đề cập đến trong Thông điệp Laborem Exercens100, có một chỗ minh định rất rõ về điều này trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis: học thuyết xã hội của Giáo Hội “không thuộc về lĩnh vực ý thức hệ, mà thuộc về lĩnh vực thần học, hay nói rõ hơn là thần học luân lý”101. Vì thế, chúng ta không thể định nghĩa học thuyết này theo những thông số của kinh tế và xã hội. Đó không phải là một hệ thống ý thức hệ hay một hệ thống thực dụng nhằm định nghĩa và khai sinh ra các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội, mà đó là một phạm trù riêng hoàn toàn. Đó là “một sự trình bày chính xác những thành quả suy tư nghiêm túc về các thực tế phức tạp của đời sống con người, trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dựa vào ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của sự trình bày này là lý giải các thực tại ấy, xác định xem chúng có phù hợp hay không với đường hướng giáo huấn của Tin Mừng liên quan đến con người và thiên chức của con người, một thiên chức vừa trần thế vừa siêu việt; mục đích là để hướng dẫn người Kitô hữu biết cách cư xử cho đúng”102.


73. Bởi đó, học thuyết xã hội của Giáo Hội mang bản chất thần học, chính xác là thần học luân lý, “vì đó là học thuyết nhằm hướng dẫn cách cư xử của con người”103. “Phải tìm giáo huấn này ở chỗ giao tiếp giữa đời sống và lương tâm Kitô hữu với thế giới thật. Người ta có thể nhận ra học thuyết ấy trong những nỗ lực của cá nhân, gia đình và con người đang tham gia vào đời sống văn hoá và xã hội, cũng như trong những nỗ lực của các nhà chính trị đang tìm cách đem lại cho đời sống văn hoá và xã hội một hình thức cụ thể và một sự ứng dụng cụ thể trong lịch sử”104. Thật vậy, học thuyết xã hội này phản ánh ba cấp độ của thần học luân lý: cấp nền tảng là các động cơ; cấphướng dẫn là các chuẩn mực cho đời sống trong xã hội; cấp quyết định là lương tâm, được mời gọi đưa các chuẩn mực khách quan và tổng quát vào các tình huống xã hội đặc thù. Ba cấp độ này cũng ngầm vạch ra phương pháp riêng và cơ cấu nhận thức đặc trưng của Học thuyết Xã hội Công giáo.


74. Học thuyết xã hội của Giáo Hội đặt nền tảng trên mạc khải Thánh Kinh và Truyền thống Giáo Hội. Từ nguồn ấy, xuất phát từ trên cao, Giáo Hội rút ra ánh sáng và cảm hứng để hiểu, để phê phán và để hướng dẫn các kinh nghiệm của con người cũng như lịch sử. Trước tiên và trên hết là kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế giới thụ tạo, và cách riêng, đối với đời sống và định mệnh của con người, đã được Chúa mời gọi hiệp thông với Ba Ngôi.

Đức tin tiếp nhận Lời Chúa và đem ra thực hành chính là đức tin đã hoạt động cùng với lý trí một cách rất hữu hiệu. Sự hiểu biết của đức tin, nhất là một đức tin dẫn tới hành động cụ thể, được tổ chức nhờ lý trí và tận dụng tất cả những gì lý trí cung cấp. Bao lâu còn là sự hiểu biết áp dụng vào hành động với những khía cạnh khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh và lịch sử, học thuyết xã hội cũng làm cho “đức tin và lý trí”105 xích lại gần nhau và là bằng chứng hùng hồn về mối tương quan phong phú giữa đức tin và lý trí ấy.


75. Đức tin và lý trí diễn tả hai con đường nhận thức khác nhau của Học thuyết Xã hội Công giáo: đó là mạc khải và bản tính con người. Sự “hiểu biết” của đức tin là sự hiểu biết thấu đáo hướng dẫn cuộc sống con người theo ánh sáng của mầu nhiệm cứu độ trong lịch sử, theo mạc khải của Thiên Chúa và theo việc Thiên Chúa hiến mình cho chúng ta trong Đức Kitô. Trong sự hiểu biết này đã có sự can thiệp của lý trí, nhờ đó đức tin lĩnh hội được càng lúc càng sâu xa các chân lý mạc khải và đưa chúng hoà nhập với sự thật của bản tính con người, mà chúng ta có thể tìm thấy trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, phản ánh nơi thụ tạo106. Đây chính là sự thật toàn diện về con người, như là hữu thể vừa thiêng liêng vừa xác thịt, có liên hệ với Thiên Chúa, với những người khác và với các thụ tạo khác107.

Ngoài ra, tập trung vào mầu nhiệm Đức Kitô như thế sẽ không làm suy yếu hay loại bỏ vai trò của lý trí, và từ đó không làm cho học thuyết xã hội của Giáo Hội mất đi lý tính hay mất đi khả năng ứng dụng phổ quát. Vì mầu nhiệm Đức Kitô soi sáng cho chúng ta hiểu mầu nhiệm con người, nên mầu nhiệm Đức Kitô cũng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho phẩm giá con người và các đòi hỏi đạo đức học nhằm bảo vệ phẩm giá ấy. Học thuyết xã hội của Giáo Hội chính là sự hiểu biết được soi sáng bởi đức tin, cho thấy khả năng hiểu biết rộng lớn hơn của con người. Học thuyết xã hội giải thích cho mọi người biết những chân lý mà nó khẳng định và những nghĩa vụ mà nó đòi hỏi; học thuyết đó có thể được mọi người đón nhận và chia sẻ.


b. Trong sự đối thoại thân tình với mọi ngành kiến thức


76. Học thuyết xã hội của Giáo Hội sẽ tận dụng các đóng góp của mọi ngành kiến thức, bất kể chúng xuất phát từ nguồn gốc nào, và học thuyết này mang chiều hướng liên ngành rất quan trọng. “Để đưa chân lý duy nhất về con người hội nhập tốt hơn vào các bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị luôn thay đổi, học thuyết xã hội của Giáo Hội tìm cách đối thoại với các bộ môn khác nhau có liên quan đến con người. Học thuyết này tiếp thu những gì các bộ môn ấy đóng góp”108. Học thuyết xã hội tận dụng những đóng góp quan trọng của triết học cũng như những đóng góp mang tính mô tả của các khoa học nhân văn.


77. Trên hết, phải kể đến sự đóng góp rất thiết yếu của triết học. Sự đóng góp này được thể hiện qua việc học thuyết xã hội của Giáo Hội thường hay lấy bản tính con người làm nguồn gốc và dùng lý trí làm con đường nhận thức của chính đức tin. Nhờ lý trí, học thuyết xã hội của Giáo Hội đã kết hợp với triết học theo logic riêng của mình, hay nói cách khác, kết hợp bằng những lập luận đặc thù của học thuyết xã hội.

Khẳng định rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội là một bộ phận của thần học hơn là triết học không có nghĩa là chối bỏ hay đánh giá thấp vai trò hay sự đóng góp của triết học. Thật vậy, triết học là một công cụ phù hợp và cần thiết để hiểu biết đúng đắn các khái niệm căn bản của Học thuyết Xã hội Công giáo, những khái niệm như ngôi vị, xã hội, tự do, lương tâm, đạo đức, luật pháp, công bằng, công ích, liên đới, bổ trợ, Nhà Nước. Sự hiểu biết ấy là nguồn cảm hứng để sống hài hoà trong xã hội. Cũng nhờ triết học mà một lần nữa chúng ta lại thấy việc lấy ánh sáng Tin Mừng soi sáng xã hội là một việc làm hợp lý và có thể chấp nhận được; cũng nhờ triết học mà mọi tinh thần và lương tâm đều được cởi mở và ưng thuận chân lý.


78. Một sự đóng góp rất ý nghĩa cho Học thuyết Xã hội Công giáo là từ các khoa học xã hội và nhân văn109. Vì mỗi ngành khoa học đều có thể giúp đạt đến một phần riêng biệt của chân lý, cho nên không một ngành kiến thức nào lại bị loại trừ. Giáo Hội nhìn nhận và tiếp thu mọi sự có thể góp phần giúp hiểu biết con người trong mạng lưới các quan hệ xã hội ngày càng rộng lớn, luôn biến chuyển và phức tạp hơn. Giáo Hội ý thức rõ muốn hiểu biết con người sâu xa không thể chỉ dựa vào thần học mà bỏ quên những đóng góp của nhiều ngành kiến thức khác, mà chính thần học phải tham khảo.

Nhờ biết cởi mở với các ngành kiến thức khác một cách chăm chú và bền bỉ mà Học thuyết Xã hội Công giáo mới càng thêm đáng tin, cụ thể và thích đáng. Nhờ các ngành khoa học này, Giáo Hội có thể hiểu chính xác hơn con người trong xã hội, có thể ngỏ lời với con người hiện nay một cách thuyết phục hơn và thực hiện có kết quả hơn nhiệm vụ của mình là đưa Lời Chúa và đức tin, nơi xuất phát học thuyết xã hội, hội nhập vào trong lương tâm và trách nhiệm xã hội của thời đại chúng ta110.

Cuộc đối thoại liên ngành học thuật cũng thách thức các khoa học phải nắm vững các nhãn giới của ý nghĩa, giá trị và sự dấn thân theo như Học thuyết Xã hội Công giáo bày tỏ, cũng như đòi hỏi chính các ngành khoa học phải “mở ra cho một chân trời rộng lớn hơn, nhằm phục vụ từng con người riêng tư, là thành phần được nhìn nhận và yêu mến trong thiên chức đầy đủ của người ấy”111.


c. Là một cách biểu hiện tác vụ giảng dạy của Giáo Hội


79. Học thuyết xã hội thuộc về Giáo Hội vì Giáo Hội là chủ thể thiết lập, phổ biến và giảng dạy học thuyết ấy. Đó không phải là đặc quyền của riêng một bộ phận nào trong Giáo Hội mà là của toàn thể cộng đồng; nó là cách biểu hiện đường lối Giáo Hội hiểu xã hội và cho biết lập trường của Giáo Hội liên quan đến các cơ chế xã hội và những thay đổi trong xã hội. Toàn thể cộng đồng Giáo Hội – từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân – đều tham dự vào việc hình thành giáo huấn ấy, mỗi người tuỳ theo nhiệm vụ, đoàn sủng và thừa tác vụ của mình trong Giáo Hội.

Những đóng góp vừa nhiều vừa đa dạng này – tự bản thân là những biểu hiện “sự đánh giá của đức tin cách siêu nhiên ‘cảm thức đức tin’ của toàn dân”112 – được Huấn Quyền tiếp thu, giải thích và làm thành một tổng thể thống nhất, khi công bố học thuyết xã hội ấy là học thuyết của chính Giáo Hội. Tất cả những người nào đã lãnh nhận “nhiệm vụ giảng dạy” (munus docendi) hay thừa tác vụ giáo huấn trong lĩnh vực đức tin và luân lý với thẩm quyền đã nhận được từ Đức Kitô đều được kể vào Huấn Quyền Giáo Hội. Học thuyết xã hội của Giáo Hội không chỉ là sự suy tư hay công trình của những người có trình độ, mà là tư duy của Giáo Hội bao lâu còn là công trình của Huấn Quyền, tức là cơ quan giảng dạy với thẩm quyền do Đức Kitô trao cho các Tông đồ và các đấng kế vị, tức là Đức Giáo hoàng và các Giám mục hiệp thông với ngài113.


80. Trong học thuyết xã hội của Giáo Hội có Huấn Quyền làm việc cùng với tất cả những thành viên làm nên Huấn Quyền dưới những hình thức khác nhau. Quan trọng hơn hết là Huấn Quyền phổ quát của vị Giáo hoàng và Công đồng: đây là Huấn Quyền xác định đường hướng và đánh dấu sự tiến triển của học thuyết xã hội. Đến lượt mình, học thuyết ấy lại được hoà hợp vào trong Huấn Quyền của các Giám mục; các ngài sẽ làm cho giáo huấn ấy có được nội dung chính xác, thông dịch và áp dụng học thuyết ấy trong những tình hình cụ thể và đặc thù của các địa phương khác nhau114. Giáo huấn xã hội của các Giám mục là những đóng góp và lực đẩy hữu hiệu cho Huấn Quyền của Đức Giáo hoàng Roma. Bằng cách đó, có một sự xoay vòng cho thấy tính tập đoàn của các chủ chăn Giáo Hội liên kết với Đức Giáo hoàng trong giáo huấn xã hội chung của cả Giáo Hội. Cũng bằng cách đó, toàn bộ giáo lý được đưa ra sẽ bao gồm và hoà hợp giáo huấn phổ quát của Đức Giáo hoàng và giáo huấn riêng của các Giám mục.

Bao lâu còn là một phần trong giáo huấn luân lý của Giáo Hội, bấy lâu học thuyết xã hội của Giáo Hội sẽ có cùng phẩm giá và thẩm quyền như giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Đây đúng là Huấn Quyền đích thực, buộc các tín hữu phải gắn bó115. Các giáo huấn khác nhau có trọng lượng giáo lý thế nào và đòi buộc các tín hữu ưng thuận ra sao là tuỳ vào bản chất của từng giáo huấn, tuỳ vào mức độ bền vững – không bị thay đổi dễ dàng – và tuỳ vào giáo huấn ấy được viện dẫn thường xuyên tới mức nào116.


d. Dành cho một xã hội đã được hoà giải trong công lý và tình yêu


81. Đối tượng của Học thuyết Xã hội Công giáo về cơ bản vẫn là cái làm nên lý do hiện hữu của Giáo Hội: đó là con người được mời gọi hưởng ơn cứu độ, và con người ấy được Đức Kitô trao cho Giáo Hội chăm sóc và chịu trách nhiệm117. Thông qua học thuyết xã hội, Giáo Hội tỏ rõ sự quan tâm của mình đối với đời sống con người trong xã hội, đồng thời ý thức rằng chất lượng của đời sống xã hội ấy – nghĩa là chất lượng của những mối quan hệ công bằng và yêu thương, dệt thành xã hội – tuỳ thuộc một cách quyết định vào việc con người được bảo vệ và thăng tiến thế nào, vì cộng đồng ra đời là từ những con người ấy. Thật vậy, phẩm giá và quyền lợi của con người đang bị đưa ra đánh cược trong xã hội, và hoà bình trong các quan hệ giữa người với người và giữa các cộng đồng với nhau cũng đang lâm vào tình cảnh này. Đó chính là những điều thiện hảo mà cộng đồng xã hội phải theo đuổi và bảo đảm. Nhìn trong viễn tượng này, học thuyết xã hội của Giáo Hội không chỉ có nhiệm vụ công bố, mà còn có nhiệm vụ tố cáo.

Trước tiên, học thuyết này chính là sự công bố những điều Giáo Hội đang có như của riêng mình: đó là một “cái nhìn về con người và về các việc làm của con người trong toàn bộ vấn đề”118. Giáo Hội làm việc này không chỉ trên bình diện các nguyên tắc mà cả trong thực hành cụ thể. Thật vậy, học thuyết xã hội của Giáo Hội không chỉ cung cấp cho chúng ta ý nghĩa, giá trị và các tiêu chuẩn để phê phán, mà cả những chuẩn mực và chỉ dẫn để hành động, rút ra từ những nguyên tắc đó119. Với học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội không hề muốn tìm cách cơ cấu hoá hay tổ chức xã hội, mà chỉ kêu gọi, hướng dẫn và đào tạo các lương tâm.

Học thuyết xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội120. Nhờ biết tố cáo, học thuyết xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của người nghèo, người yếu kém121. Các quyền này càng bị làm ngơ hay bị xâm phạm, thì tầm mức bạo lực và bất công càng lan rộng, ảnh hưởng đến cả một loạt người hay những khu vực đia lý rộng lớn, từ đó làm gia tăng các vấn đề xã hội, tức là đưa tới những lạm dụng và mất quân bình, khiến cho xã hội bị xáo trộn. Một phần lớn giáo huấn xã hội của Giáo Hội được yêu cầu và được quyết định bởi các vấn đề quan trọng của xã hội, và công bằng xã hội chính là giải đáp thích hợp cho các vấn đề ấy.


82. Ý hướng của Học thuyết Xã hội Công giáo là ý hướng thuộc trật tự tôn giáo và luân lý122. Thuộc trật tự tôn giáo vì sứ mạng Phúc Âm hoá và cứu độ của Giáo Hội bao trùm lên con người “trong toàn bộ sự thật về sự hiện hữu của con người, về hữu thể cá nhân và cả hữu thể xã hội hay cộng đồng của con người”123. Thuộc trật tự luân lý vì Giáo Hội nhắm xây dựng “một hình thức hoàn bị của chủ nghĩa nhân bản”124, tức là tìm cách “giải thoát con người khỏi mọi áp bức”125 và nhằm “phát triển toàn diện con người và tất cả mọi người”126. Học thuyết xã hội của Giáo Hội chỉ ra cho chúng ta thấy con đường để một xã hội đã được hoà giải đi theo và sống hài hoà nhờ công bằng và yêu thương, một xã hội đang tham dự vào lịch sử nhưng lại chuẩn bị và tiên báo một “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).


e. Một thông điệp gửi cho con cái Giáo Hội và gửi cho nhân loại


83. Chủ thể đầu tiên tiếp nhận học thuyết xã hội của Giáo Hội chính là cộng đồng Giáo Hội với tất cả mọi thành viên, vì ai ai cũng có những trách nhiệm xã hội cần phải chu toàn. Thông qua học thuyết xã hội này, lương tâm mọi người được kêu gọi hãy nhìn nhận và chu toàn các bổn phận công bằng và bác ái trong xã hội. Học thuyết này chính là ánh sáng của luân lý đích thực soi sáng cho mọi người tìm ra những sự đáp trả thích hợp tuỳ theo thiên chức và tác vụ của mỗi Kitô hữu. Trong khi thi hành công cuộc Phúc Âm hoá, tức là giảng dạy, huấn giáo và đào tạo mà giáo huấn này gợi ý, mỗi Kitô hữu sẽ tiếp nhận Học thuyết Xã hội Công giáo tuỳ theo thẩm quyền chuyên môn, đoàn sủng, chức vụ và sứ mạng công bố của mình127.

Học thuyết xã hội này cũng hàm chứa những trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và vận hành xã hội, tức là những bổn phận chính trị, kinh tế và hành chính – những bổn phận mang bản chất trần thế – vốn thuộc về người tín hữu giáo dân chứ không thuộc về các linh mục hay tu sĩ128. Những bổn phận ấy thuộc về hàng giáo dân một cách hết sức đặc biệt vì thân phận trần thế của bậc sống và vì bản chất trần thế của thiên chức mà họ đang theo đuổi129. Khi thi hành các trách nhiệm ấy, người tín hữu giáo dân đã đưa giáo huấn xã hội của Giáo Hội vào thực hành, và như thế, giúp hoàn thành sứ mạng trần thế của Giáo Hội130.


84. Học thuyết xã hội Công giáo không chỉ được gưi trước hết và đặc biệt tới con cái Giáo Hội mà nó còn có mục tiêu phổ quát. Ánh sáng của Tin Mừng mà học thuyết xã hội của Giáo Hội soi chiếu trên xã hội sẽ soi sáng cho hết mọi người; mỗi lương tâm và trí óc con người được ở trong tư thế thuận lợi để nắm bắt được chiều sâu của ý nghĩa và các giá trị của con người diễn tả trong học thuyết ấy, cũng như sẽ khám phá tiềm năng nhân loại và khả năng nhân bản hoá chứa đựng trong các chuẩn mực hành động của học thuyết ấy. Học thuyết xã hội của Giáo Hội được gửi tới mọi dân tộc – nhân danh nhân loại, và phẩm giá con người, vừa duy nhất vừa độc đáo, nhân danh sự chăm sóc loài người và việc thăng tiến xã hội – và được gửi tới cho từng người nhân danh Thiên Chúa duy nhất, vừa là Đấng Tạo Hoá vừa là cứu cánh của con người131. Học thuyết xã hội này đúng là một giáo huấn công khai gửi cho mọi người thiện chí132, và thật vậy, nó đã được tiếp nhận không phải chỉ bởi thành viên các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác, mà còn bởi các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác và cả bởi những người không thuộc về tập thể tôn giáo nào.


f. Vừa liên tục vừa đổi mới


85. Học thuyết Xã hội Công giáo luôn được ánh sáng ngàn đời của Tin Mừng hướng dẫn và luôn quan tâm tới sự tiến hoá của xã hội, nên nó có đặc điểm là vừa liên tục vừa đổi mới133.

Trước hết, học thuyết ấy chứng tỏ có một sự liên tục khi nó luôn tham khảo các giá trị phổ quát rút ra từ mạc khải và bản tính con người. Chính vì lý do này mà Học thuyết Xã hội Công giáo không lệ thuộc các nền văn hoá, các ý thức hệ hay các chính kiến khác nhau; đó là một giáo huấn bền vững“trước sau như một xét theo cảm hứng căn bản, xét theo ‘các nguyên tắc suy tư’, ‘các tiêu chuẩn phê phán’, ‘các chỉ dẫn cơ bản để hành động’, và trên hết, xét theo mối liên hệ hết sức quan trọng của học thuyết ấy với Tin Mừng của Chúa”134. Đây chính là phần cốt lõi nền tảng và cố định của Học thuyết Xã hội Công giáo, nhờ đó, học thuyết ấy có thể trải qua lịch sử mà vẫn không bị lịch sử chi phối hay có nguy cơ phai nhạt dần.

Đàng khác, khi thường xuyên hướng tới lịch sử và tham gia vào các biến cố đã xảy ra trong lịch sử như thế, Học thuyết Xã hội Công giáo chứng tỏ mình có khả năng đổi mới liên tục. Vững vàng trong các nguyên tắc không có nghĩa là phải trở thành một hệ thống giáo huấn cứng nhắc, mà là một Huấn Quyền có thể cởi mở với các điều mới, nhưng vẫn không vì thế mà thay đổi bản chất135. Đó là một giáo huấn “được thích nghi một cách hết sức cần thiết và đúng lúc dựa trên những thay đổi trong những hoàn cảnh lịch sử và dựa trên chuỗi sự kiện diễn ra không bao giờ ngừng, làm thành khung cảnh sống của con người và xã hội”136.


86. Học thuyết xã hội của Giáo Hội được giới thiệu như một “địa chỉ làm việc”, tại đó công việc vẫn đang tiến hành, chân lý ngàn đời vẫn đang thâm nhập và lan toả vào các hoàn cảnh mới, chỉ ra những con đường dẫn tới công lý và hoà bình. Đức tin không có ý định giam hãm các thực tại chính trị và xã hội luôn thay đổi trong một khuôn khổ đóng kín137. Trái lại, đức tin là chất men tạo ra sự đổi mới và sáng tạo. Giáo huấn này luôn lấy đó làm điểm xuất phát, rồi “triển khai thêm thông qua suy nghĩ được áp dụng vào các tình thế luôn thay đổi của thế giới, dưới lực đẩy của Tin Mừng là nguồn của sự đổi mới”138.

Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội không tự đóng kín vào mình cũng không trốn tránh, mà luôn luôn cởi mở, vươn ra ngoài và hướng tới con người, vì định mệnh cứu độ của con người cũng chính là lý do tồn tại của Giáo Hội. Giáo Hội ở giữa con người như một bức tranh sống động của Người Mục Tử Tốt Lành, đang tìm kiếm con người và gặp được con người tại nơi con người ở, tức là trong hoàn cảnh hiện sinh và lịch sử của chính cuộc sống con người. Chính tại chỗ đó mà Giáo Hội trở thành điểm cho con người tiếp xúc được Tin Mừng, tiếp xúc được thông điệp giải phóng và hoà giải, công lý và hoà bình.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

100 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 3: AAS 73 (1981), 583-584.

101 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 571.

102 Ibid.

103 Ibidem: AAS 80 (1988), 572.

104 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 59: AAS 83 (1991), 864-865.

105 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio: AAS 91 (1999), 5-88.

106 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 14: AAS 58 (1966), 940.

107 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 13,50,79: AAS 85 (1993), 1143-

1144, 1173-1174, 1197.

108 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 59: AAS 83 (1991), 864.

109 Về điểm này, việc thành lập Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội thật có ý nghĩa;

trong Tự sắc thành lập học viện người ta đọc thấy: “Các nghiên cứu của các khoa xã

hội có thể đóng góp thiết thực vào việc cải thiện các quan hệ nhân bản, như đã

được chứng minh qua những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực khác nhau của xã

hội, đặc biệt trong thế kỷ sắp kết thúc này. Chính vì thế, luôn quan tâm tới ích lợi

thật của con người, Giáo Hội đã quay sang và ngày càng chú ý tới lĩnh vực nghiên cứu

khoa học này để có được thông tin cụ thể hầu chu toàn nghĩa vụ của Huấn Quyền”:

Gioan Phaolô II, Tự sắc Socialium Scientiarum (01-01-1994): AAS 86 (1994), 209.

110 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 860.

111 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 59: AAS 83 (1991), 864.

112 CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965), 16.

113 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2034.

114 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 3-5: AAS 63 (1971), 402-405.

115 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2037.

116 x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Veritatis, 16-17, 23: AAS 82 (1990),

1557-1558, 1559-1560.

117 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 53: AAS 83 (1991), 859.

118 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 13: AAS 59 (1967), 264.

119 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 4: AAS 63 (1971), 403-404; Gioan

Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 570-572; Giáo lý

Giáo hội Công giáo, 2423; Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 72:

AAS 79 (1987), 586.

120 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 25: AAS 58 (1966), 1045-1046.

121 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099-

1100; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum

Novarum: AAS 23 (1931), 196-197.

122 x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 190; Piô XII, Thông

điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum Novarum: AAS 23

(1931), 196-197; CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 42: AAS 58

(1966), 1079; Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80

(1988), 570-572; Thông điệp Centesimus Annus, 53: AAS 83 (1991), 859; Bộ Giáo

lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 72: AAS 79 (1987), 585-586.

123 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 14: AAS 71 (1979), 284; x. Diễn

văn tại Tổng Đại hội lần thứ ba các giám mục châu Mỹ Latinh, Puebla, Mexico (28-

01-1079), III/2: AAS 71 (1979), 199.

124 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 42: AAS 59 (1967), 278.

125 Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 9: AAS 68 (1976), 10.

126 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 42: AAS 59 (1967), 278.

127 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2039.

128 x. 2442.

129 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Chritifideles Laici, 15: AAS 81

(1989), 413; CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 31: AAS 57 (1965), 37.

130 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 43: AAS 58 (1966), 1061-

1064; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 81: AAS 59 (1967), 296-297.

131 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 453.

132 Bắt đầu từ Thông điệp Pacem in Terris của Đức Gioan XXIII, người nhận sẽ được

xác định danh tính rõ ràng ở lời thưa đầu Thông điệp.

133 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 3: AAS 80 (1988), 515; Piô

XII, Diễn văn với những người tham dự hội nghị của Phong trào Công giáo Tiến hành

(29-04-1945), trong Discorsi e Radiomessaggi di Pio XII, vol. VII, 37-38; Gioan

Phaolô II, Diễn văn tại Hội nghị Chuyên đề Quốc tế từ Thông điệp Rerum Novarum

đến Thông điệp Laborem Exercens: tiến tới năm 2000 (03-04-1982), trong

Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V, I, 1095-1096.

134 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 3: AAS 80 (1988), 515.

135 x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 72: AAS 79 (1987), 585-586.

136 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 3: AAS 80 (1988), 515.

137 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 46: AAS 83 (1991), 850-851.

138 Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 42: AAS 63 (1971), 431.

III. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA: CÁC GHI CHÚ LỊCH SỬ


a. Khởi đầu một lộ trình mới


87. Thuật ngữ “học thuyết xã hội” đến từ Đức Giáo hoàng Piô XI139 và chỉ “tập hợp” giáo lý liên quan đến các vấn đề xã hội; giáo huấn này khởi sự với Thông điệp Rerum Novarum (Các sự việc mới)140 của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, được triển khai trong Giáo Hội thông qua Huấn Quyền của các Đức Giáo hoàng và các Giám mục hiệp thông với các ngài141. Chắc hẳn Giáo Hội quan tâm tới các vấn đề xã hội không phải chỉ với văn kiện ấy, vì Giáo Hội không ngừng quan tâm tới xã hội. Nhưng Thông điệp Rerum Novarum đã đánh dấu sự khởi đầu của một lộ trình mới. Dù gắn kết với một truyền thống hàng mấy trăm năm, Thông điệp ấy vẫn báo hiệu một sự khởi đầu mới và một sự triển khai đặc biệt giáo huấn Giáo Hội trong lĩnh vực xã hội142.

Trong lúc không ngừng quan tâm tới con người sống trong xã hội, Giáo Hội đã tích luỹ được cả một kho tàng giáo lý phong phú. Kho tàng này có gốc rễ trong Thánh Kinh, nhất là trong các sách Tin Mừng và các bút tích của các Tông đồ, được thành hình và hoàn chỉnh bắt đầu từ các Giáo phụ và các vị Tiến sĩ thời Trung Cổ, rồi làm thành một học thuyết, mà dù trong đó không có những lời tuyên bố minh bạch và trực tiếp của Huấn Quyền, Giáo Hội vẫn dần dần nhận ra thẩm quyền chuyên môn của mình.


88. Vào thế kỷ XIX, các biến cố mang bản chất kinh tế đã tạo ra một tác động bi đát trên xã hội, chính trị và văn hoá. Các biến cố có liên quan với cuộc Cách mạng Công nghiệp đã làm thay đổi sâu xa những cơ cấu xã hội có từ hàng mấy thế kỷ, đặt ra những vấn đề công bằng rất nghiêm trọng, trong đó vấn đề xã hội đầu tiên có tầm cỡ là vấn đề lao động, được cấp tốc nêu lên do cuộc xung đột giữa phe tư bản và giới lao động. Trong bối cảnh ấy, Giáo Hội cảm thấy cần phải can thiệp theo một cách thức mới: những “sự việc mới” (res novae) do các biến cố ấy mang đến giống như một thách đố cho giáo huấn của Giáo Hội, bắt Giáo Hội phải có sự quan tâm mục vụ đặc biệt tới đông đảo quần chúng. Cần phải có một sự phân định mới về tình hình, một sự phân định có thể tìm ra những giải pháp thích hợp cho các vấn đề lạ lẫm, chưa một lần khám phá.


b. Từ Thông điệp Rerum Novarum đến hôm nay


89. Để trả lời cho vấn nạn xã hội nghiêm trọng đầu tiên, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã ban hành Thông điệp xã hội đầu tiên là “Rerum Novarum”143. Thông điệp này xem xét tình trạng của các người lao động ăn lương, một tình trạng hết sức đáng buồn đối với các người lao động trong ngành công nghiệp đang vất vả trong cảnh cùng khốn phi nhân. Thông điệp đã đề cập đến vấn đề lao động về các khía cạnh khác nhau. Vấn đề này đã được khảo sát qua tất cả các biểu hiện của nó trên bình diện chính trị và xã hội, nhờ đó ta có thể đưa ra sự đánh giá đúng đắn dựa vào các nguyên tắc giáo lý, căn cứ trên mạc khải, luật tự nhiên và luân lý.

Thông điệp Rerum Novarum liệt kê các sai lầm, mà từ đó phát sinh biết bao tệ nạn xã hội; Thông điệp không thừa nhận chủ nghĩa cực quyền, phủ định quyền tư hữu và ngôi vị cá thể của con người, không lấy đó làm phương dược điều trị, rồi trình bày một cách chính xác và theo ngôn ngữ đương thời “học thuyết Công giáo về lao động, về quyền tư hữu, về nguyên tắc hợp tác thay vì lấy việc đấu tranh bạo động làm phương thế căn bản để thay đổi xã hội, về quyền lợi của những người yếu kém, về phẩm giá của người nghèo và nghĩa vụ của người giàu, về việc đức ái kiện toàn công lý, quyền thành lập các hiệp hội ngành nghề”144.

Thông điệp trở thành văn kiện thôi thúc các Kitô hữu hoạt động trong lĩnh vực xã hội và trở thành điểm tham chiếu cho các Kitô hữu khi hoạt động145. Chủ đề chính của Thông điệp là làm sao sắp xếp trật tự đúng đắn cho xã hội, và muốn thế cần phải xác định các tiêu chuẩn phê phán để giúp đánh giá các hệ thống chính trị - xã hội hiện hành và để đề ra các hướng hành động hầu biến đổi các hệ thống ấy cách thích đáng.


90. Thông điệp đề cập tới vấn đề lao động bằng cách sử dụng một phương pháp luận, mà về sau sẽ trở thành một “định thức vững bền”146 để sau này triển khai thành học thuyết xã hội của Giáo Hội. Những nguyên tắc do Đức Giáo hoàng Lêô XIII đưa ra sẽ được lấy lại và nghiên cứu sâu xa hơn trong các thông điệp xã hội tiếp theo sau này. Có thể coi toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo Hội như một hành động cập nhật hoá, một sự phân tích sâu sắc hơn và như môt sự triển khai rộng rãi hơn phần cốt lõi ban đầu là các nguyên tắc đã được trình bày trong Rerum Novarum. Nhờ bản văn dũng cảm và có tầm nhìn xa trông rộng, Đức Giáo hoàng Lêô XIII “đã đem lại cho Giáo Hội ‘địa vị công dân’ đích thực, giữa muôn vàn thực tế thay đổi của đời sống chung”147, cũng như đã “đưa vào được và đã ra một bản tuyên bố sắc sảo”148 mà sau này sẽ trở thành “một yếu tố thường xuyên trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội”149. Đức Giáo hoàng còn khẳng định “chỉ có thể giải quyết các vấn đề xã hội nghiêm trọng bằng sự hợp tác giữa tất cả các thế lực”150; ngài còn nói thêm rằng “về phần Giáo Hội, sự hợp tác ấy sẽ không bao giờ thiếu”151.


91. Vào đầu thập niên 1930, tiếp theo sau cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng vào năm 1929, Đức Giáo hoàng Piô XI ban hành Thông điệp Quadragesimo Anno (Năm thứ 40)152, kỷ niệm năm thứ 40 Thông điệp Rerum Novarum. Ngài đọc lại quá khứ dựa vào tình hình kinh tế và xã hội lúc bấy giờ, trong đó, bên cạnh những hậu quả của việc công nghiệp hoá còn có sự kiện các tập thể tài chính đang mở rộng ảnh hưởng, cả trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Đó còn là thời kỳ hậu chiến, trong đó các chính thể độc tài đang ra sức khống chế châu Âu dù cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng trở nên quyết liệt. Thông điệp cảnh cáo mọi người về tình trạng thiếu tôn trọng tự do trong việc thành lập các hiệp hội và nhấn mạnh tới nguyên tắc liên đới và hợp tác để khắc phục các mâu thuẫn xã hội. Các quan hệ giữa giới tư bản và giới lao động phải có tính cách hợp tác153.

Thông điệp Quadragesimo Anno tái xác nhận nguyên tắc lương bổng phải cân xứng không chỉ với các nhu cầu của người lao động mà còn với các nhu cầu của gia đình người lao động. Trong các mối quan hệ với khu vực tư nhân, Nhà Nước cần phải áp dụng nguyên tắc bổ trợ, một nguyên tắc sẽ trở thành nhân tố thường xuyên có mặt trong giáo huấn xã hội Công giáo. Thông điệp bác bỏ chủ nghĩa tự do, được quan niệm như một chủ nghĩa chủ trương cạnh tranh vô giới hạn giữa các lực lượng kinh tế, và tái khẳng định giá trị của tư hữu, nhưng không quên vai trò xã hội của tư hữu. Trong một xã hội đang cần được tái thiết từ các nền tảng kinh tế, một xã hội tự nó đã hoàn toàn trở thành “vấn đề” cần phải giải quyết, “Đức Piô XI cảm thấy mình có nghĩa vụ và trách nhiệm phải đẩy mạnh cho người ta ý thức hơn, giải thích chính xác hơn và khẩn trương áp dụng luật luân lý liên quan tới các quan hệ nhân bản… nhằm khắc phục sự xung đột giữa các giai cấp và tiến tới một trật tự xã hội mới dựa trên công bằng và bác ái”154.


92. Đức Giáo hoàng Piô XI không quên lên tiếng phản đối những chế độ độc tài đang tìm cách thống trị châu Âu dưới triều đại giáo hoàng của ngài. Ngay từ ngày 29-6-1931, ngài đã phản đối sự lạm quyền của chế độ độc tài phátxít ở Italia qua Thông điệp Non Abbiamo Bisogno155. Ngài còn ban hành Thông điệp Mit Brennender Sorge đề cập đến tình hình Giáo hội Công giáo dưới thời Đức Quốc Xã, ngày 14-3-1937156. Văn kiện này đã được đọc trên giảng đài các nhà thờ Công giáo Đức, sau một thời gian được phân phát hết sức kín đáo. Thông điệp ra đời sau những năm chính phủ lạm quyền và bạo lực. Thông điệp này đã được chính các giám mục Đức yêu cầu Đức Giáo hoàng Piô XI ban hành, sau khi Đức Quốc Xã thi hành những biện pháp mang tính áp bức và cưỡng ép nhiều hơn nữa vào năm 1936, nhất là đối với thanh niên, bắt buộc họ tham gia làm hội viên Phong trào Thanh niên Hitler. Đức Giáo hoàng đã ngỏ lời trực tiếp với các linh mục, tu sĩ và giáo dân, động viên và kêu gọi họ phản kháng cho tới khi hoà bình thực sự giữa Giáo Hội và Nhà Nước được vãn hồi. Năm 1938, trước sự lan tràn của chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism), Đức Giáo hoàng Piô XI đã khẳng định: “Về mặt tinh thần, tất cả chúng ta đều là người sêmít”157.

Với Thông điệp Divini Redemptoris (Đấng Cứu Chuộc Thần linh)158, đề cập đến chủ nghĩa cộng sản vô thần và học thuyết xã hội Kitô giáo, Đức Giáo hoàng Piô XI đã trình bày một bài phê bình rất hệ thống về chủ nghĩa cộng sản, mô tả chủ nghĩa ấy “tự bản chất khác biệt với Giáo Hội về thế giới quan”159, và chỉ ra rằng phương thế chính yếu để sửa sai các hạn chế mà chủ nghĩa ấy đã đưa vào xã hội chính là canh tân đời sống Kitô hữu, thực hành bác ái theo Tin Mừng, chu toàn các nghĩa vụ công bằng cả trên bình diện tương quan con người lẫn xã hội nhằm mưu cầu công ích, và thể chế hoá các tập thể chuyên nghiệp và liên hiệp các ngành nghề.


93. Trong các Thông điệp Truyền thanh nhân dịp lễ Giáng Sinh của Đức Giáo hoàng Piô XII160, cùng với các sự can thiệp quan trọng khác của ngài trong các vấn đề xã hội, suy tư của Huấn Quyền Giáo Hội về một trật tự xã hội mới được hướng dẫn bởi luân lý và luật pháp, tập trung vào công lý và hoà bình, trở nên sâu sắc hơn. Triều đại giáo hoàng của Đức Piô XII trùng vào những năm kinh khủng của Thế chiến Thứ Hai và những năm tái thiết khó khăn. Ngài không công bố một thông điệp xã hội nào, nhưng trong nhiều tình huống khác nhau, ngài luôn tỏ ra quan tâm tới trật tự quốc tế đã bị lung lay tận gốc. “Trong thời kỳ chiến tranh và hậu chiến, nhiều người trên các châu lục và hàng triệu tín đồ tôn giáo hay không tôn giáo đã coi giáo huấn xã hội của Đức Piô XII như tiếng nói của lương tâm thế giới… Với thẩm quyền và uy tín tinh thần, Đức Giáo hoàng Piô XII đã mang ánh sáng của sự khôn ngoan Kitô giáo đến cho biết bao người thuộc đủ mọi hạng và tầng lớp xã hội”161.

Một trong những đặc điểm về các sự can thiệp của Đức Piô XII là tầm quan trọng ngài gán cho tương quan giữa luân lý và luật pháp. Ngài nhấn mạnh vào khái niệm luật tự nhiên, coi đó là linh hồn của một hệ thống xã hội cần thiết lập cả trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Một khía cạnh quan trọng khác trong giáo huấn của Đức Piô XII là ngài chú ý tới các giới chuyên môn và kinh doanh, mời gọi họ hãy cộng tác với nhau cách đặc biệt để phục vụ ích chung. “Nhờ sự nhạy bén và thông minh trong việc nắm bắt các ‘dấu chỉ thời đại’, Đức Piô XII có thể được coi là người tiên phong trực tiếp của Công đồng Vatican II và của giáo huấn xã hội do các giáo hoàng kế vị ngài đưa ra”162.


94. Thập niên 1960 mang lại khá nhiều triển vọng hứa hẹn: sự khôi phục sau cuộc tàn phá của chiến tranh, khởi sự tiến trình xoá bỏ thuộc địa, và những dấu hiệu đầu tiên, tuy còn dè dặt, của sự bớt lạnh nhạt trong mối quan hệ giữa hai khối Hoa Kỳ và Xô Viết. Đây chính là bối cảnh trong đó Chân phúc Giáo hoàng Gioan XXIII đã đọc được “các dấu chỉ của thời đại” một cách sâu sắc163. Vấn đề xã hội đang trở nên có tính toàn cầu, liên hệ đến mọi quốc gia: cùng với vấn đề lao động và cuộc Cách mạng Công nghiệp, nay lại xuất hiện các vấn đề nông nghiệp, vấn đề các nước đang phát triển, vấn đề gia tăng dân số và những vấn đề liên quan tới nhu cầu hợp tác kinh tế toàn cầu. Những sự bất bình đẳng trước đây chỉ được trải nghiệm trong nội bộ các quốc gia, nay đang trở nên mang tính quốc tế và càng làm cho tình hình bi đát của Thế giới Thứ Ba thêm rõ rệt hơn bao giờ hết.

Trong Thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy)164, Chân phúc Giáo hoàng Gioan XXIII “nhằm mục đích cập nhật các văn kiện đã có và tiến xa thêm một bước trong tiến trình đưa toàn thể cộng đồng Kitô hữu hội nhập vào thế giới”165. Những từ khoá trong thông điệp này là “cộng đồng” và “xã hội hoá”166: Giáo Hội được mời gọi hợp tác với mọi người xây dựng một sự hiệp thôngđích thực trong chân lý, công bằng và bác ái. Có như thế, sự tăng trưởng kinh tế sẽ không bị giới hạn trong việc chỉ nhằm thoả mãn các nhu cầu của con người, mà còn giúp thăng tiến phẩm giá con người.


95. Với Thông điệp Pacem in Terris (Hoà bình trên Thế giới)167, Chân phúc Giáo hoàng Gioan XXIII nêu lên hàng đầu vấn đề hoà bình trong một kỷ nguyên được đánh dấu bằng việc phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, thông điệp còn chứa đựng một trong những suy tư sâu sắc đầu tiên về quyền của Giáo Hội; đó đúng là thông điệp của hoà bình và phẩm giá con người. Nó tiếp nối và bổ sung cuộc tranh luận trong Thông điệp Mater et Magistra. Và cũng theo chiều hướng mà Đức Lêô XIII đã vạch ra, thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa mọi người. Đây là lần đầu tiên một văn kiện Giáo Hội cũng được gửi cho “mọi người thiện chí”168, mời gọi mọi người tham gia vào một nhiệm vụ cao cả là “lập ra những phương pháp mới để quan hệ với nhau trong xã hội loài người trong chân lý, công bằng, yêu thương và tự do”169. Thông điệp nói nhiều đến thẩm quyền chung của cộng đồng thế giới, mời gọi họ hãy “tiếp cận và giải quyết các vấn đề mang tính kinh tế, xã hội, chính trị hay văn hoá do ích lợi chung của thế giới đặt ra”170. Nhân kỷ niệm mười năm Thông điệp Pacem in Terris, Đức Hồng y Maurice Roy, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, đã gửi cho Đức Giáo hoàng Phaolô VI một lá thư kèm theo một tài liệu với một loạt những suy nghĩ về các khả năng mà thông điệp trên đây của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII có thể cung cấp để soi sáng những vấn đề mới liên quan đến việc xây dựng hoà bình171.


96. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng)172 của Công đồng Vatican II là một sự đáp ứng quan trọng của Giáo Hội trước các sự chờ mong của thế giới đương thời. Trong hiến chế ấy, “để hài hoà với sự canh tân Giáo Hội, đã có một quan niệm mới về việc làm thế nào để trở thành cộng đồng các tín hữu và cộng đồng dân Chúa. Nó thúc đẩy người ta quan tâm lại nền giáo huấn chứa đựng trong các văn kiện trước về việc làm chứng và đời sống của các Kitô hữu, được coi như những phương thế đích thực làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới hữu hình này”173. Hiến chế giới thiệu khuôn mặt của một Giáo Hội “thấy mình thật sự liên đới sâu xa với loài người và lịch sử nhân loại”174, một Giáo Hội cùng đi chung một hành trình với nhân loại và cùng chia sẻ số phận trần gian với thế giới, nhưng đồng thời cũng cố gắng “làm chút men và làm linh hồn của xã hội loài người đang muốn được Đức Kitô canh tân và biến đổi thành gia đình Thiên Chúa”175.

Gaudium et Spes trình bày một cách hệ thống các chủ đề về văn hoá, về đời sống kinh tế và xã hội, hôn nhân và gia đình, về cộng đồng chính trị, về hoà bình và cộng đồng các dân tộc, dựa trên quan điểm nhân học Kitô giáo và sứ mạng Giáo Hội. Mọi sự đều được xem xét bắt đầu từ con người và hướng tới con người, “thụ tạo duy nhất mà Thiên Chúa muốn vì chính nó”176. Xã hội, cơ cấu và sự phát triển xã hội phải được hướng tới chỗ giúp “con người tiến bộ”177. Lần đầu tiên, Huấn Quyền Giáo Hội, ở cấp cao nhất, nói nhiều về các khía cạnh thế trần khác nhau của đời sống Kitô hữu: “Phải công nhận rằng sự quan tâm của Hiến chế đối với những sự thay đổi về xã hội, tâm lý, chính trị, kinh tế, luân lý và tôn giáo càng ngày càng thúc đẩy… mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội đối với các vấn đề của con người và việc đối thoại với thế giới”178.


97. Một văn kiện quan trọng khác của Công đồng Vatican II trong tổng hợp giáo huấn xã hội của Giáo Hội là Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (Phẩm giá Con người)179, trong đó Công đồng công bố rất minh bạch quyền tự do tôn giáo. Văn kiện trình bày đề tài này trong hai chương. Chương thứ nhất, có tính cách tổng quát, khẳng định rằng tự do tôn giáo là quyền xây dựng trên phẩm giá con người và phải được phê chuẩn như một quyền dân sự trong trật tự pháp lý của xã hội. Chương thứ hai cũng bàn về chủ đề ấy nhưng dưới ánh sáng Mạc khải và tìm cách làm sáng tỏ những kết luận mục vụ rút ra từ chủ đề ấy, đồng thời chỉ ra rằng đó là một quyền liên quan đến con người không chỉ trong tư cách cá nhân mà cả trong tư cách các cộng đồng con người khác nữa.

98. “Phát triển là tên gọi mới của hoà bình”180, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã long trọng tuyên bố như thế trong Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các Dân tộc)181, được xem là sự khai triển của chương nói về đời sống kinh tế và xã hội trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, dù thông điệp có đưa thêm vào một số yếu tố mới rất có ý nghĩa. Cách riêng, thông điệp đưa ra những nét khái quát về một sự phát triển con người toàn diện và về việc phát triển trong sự liên đới với toàn thể nhân loại: “Cần phải coi hai chủ đề này như các trục mà Thông điệp được kết cấu xoay quanh đó. Trong ước muốn thuyết phục những người tiếp nhận Thông điệp này cần hành động khẩn cấp trong tinh thần liên đới, Đức Giáo hoàng trình bày phát triển là ‘sự chuyển tiếp từ những điều kiện kém nhân bản sang những điều kiện nhân bản hơn’, đồng thời cho thấy những đặc tính của sự phát triển ấy”182. Sự chuyển tiếp này không chỉ diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ, mà còn gợi ý cho mỗi người trong việc tiếp thu nền văn hoá, việc tôn trọng phẩm giá người khác, việc nhìn nhận “điều thiện cao đẹp nhất, nhận ra chính Chúa là tác giả và là cùng đích của những ơn ích ấy”183. Phát triển mà làm lợi cho mọi người là sẽ đáp ứng các đòi hỏi của công lý trên phạm vi toàn cầu, điều này bảo đảm một nền hoà bình thế giới và tạo điều kiện để thực hiện một “nền nhân bản toàn diện”184 dưới sự hướng dẫn của các giá trị tinh thần.


99. Về điểm này, năm 1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình (Justitia et Pax), và như thế thoả mãn các nguyện vọng của các Nghị phụ Công đồng, các ngài coi đây là cơ hội thuận tiện nhất để thành lập một cơ quan của Giáo Hội toàn cầu, hầu có thể triển khai công lý và tình yêu của Đức Kitô đối với người nghèo ở khắp nơi. Vai trò của cơ quan ấy sẽ là thúc đẩy cộng đồng Công giáo đẩy mạnh sự tiến bộ tại các nơi nghèo đói và đẩy mạnh công lý xã hội trên thế giới”185. Đầu năm 1968, theo sáng kiến của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Giáo Hội cử hành ngày đầu tiên trong năm là Ngày Thế giới Hoà bình. Cũng chính vị Giáo hoàng này khởi sự truyền thống viết thông điệp hằng năm bàn về một chủ đề được chọn choNgày Thế giới Hoà bình ấy. Các thông điệp này triển khai và làm phong phú thêm cho tập hợp giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

100. Đầu thập niên 1970, trong bầu khí sôi sục và tranh cãi quyết liệt về ý thức hệ, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã trở lại với giáo huấn xã hội của Đức Lêô XIII và cập nhật giáo huấn ấy, nhân kỷ niệm 80 năm Thông điệp Rerum Novarum, qua Tông thư Octogesima Adveniens (Tiến đến 80 năm) của mình186. Đức Giáo hoàng suy nghĩ về xã hội thời hậu công nghiệp cùng với tất cả các vấn đề phức tạp của nó, nhìn nhận sự thật là các ý thức hệ không đủ khả năng đáp ứng các thách đố sau đây: hiện tượng đô thị hoá, tình trạng của giới trẻ, tình trạng của phụ nữ, tình trạng thất nghiệp, nạn kỳ thị, tình trạng di dân, sự gia tăng dân số, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội, vấn đề sinh thái.


101. Chín mươi năm sau Thông điệp Rerum Novarum, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dành Thông điệp Laborem Exercens (Người lao động)187 cho vấn đề lao động, là giá trị căn bản của con người, là nhân tố trên hết của hoạt động kinh tế và là chìa khoá của toàn bộ vấn đề xã hội. Thông điệp Laborem Exercens vạch ra một nền linh đạo và đạo đức cho việc lao động trong toàn bộ suy tư thần học và triết học sâu sắc. Lao động được hiểu không chỉ theo nghĩa khách quan và vật chất, mà còn phải ghi nhớ chiều kích chủ quan của lao động, như một sự biểu hiện bản thân con người. Bên cạnh vai trò là một hệ biến hoá mang tính quyết định cho đời sống xã hội, lao động còn có giá trị ở chỗ nó là khung cảnh trong đó thiên chức tự nhiên và siêu nhiên của con người được hoàn thành.

102. Với Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến Vấn đề Xã hội)188, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II kỷ niệm 20 năm Thông điệp Populorum Progressio và một lần nữa bàn tới chủ đề phát triển theo hai hướng căn bản: “một đàng là tình hình bi đát của thế giới hiện nay với sự thất bại của Thế giới Thứ Ba trong việc phát triển, và đàng khác là ý nghĩa của những điều kiện và những đòi hỏi để có được sự phát triển xứng đáng với con người”189. Thông điệp này cho thấy những sự khác nhau giữa tiến bộ và phát triển, đồng thời nhấn mạnh rằng “phát triển thực sự không phải chỉ là gia tăng của cải và dịch vụ – gia tăng những gì người ta có – mà còn phải là góp phần làm cho người ta được ‘làm người’ cách sung mãn. Có như thế, bản chất luân lý của một sự phát triển đích thực mới được biểu lộ rõ ràng”190. Khi liên tưởng tới châm ngôn của triều Giáo hoàng Piô XII là opus justitiae pax (hoà bình là hoa trái của công lý), Đức Gioan Phaolô II đã bình luận: “Ngày nay, người ta cũng có thể nói một cách chính xác và mạnh mẽ như đã cảm hứng từ Thánh Kinh (x. Is 32,7; Gc 3,8): opus solidaritatis pax (hoà bình là hoa trái của tình liên đới)”191.

103. Nhân kỷ niệm 100 năm Thông điệp Rerum Novarum, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành thông điệp xã hội thứ ba của mình, mang tên Centesimus Annus (Bách Chu Niên)192, cho thấy sự liên tục về mặt giáo lý của Huấn quyền Xã hội Công giáo suốt 100 năm. Lấy lại một trong những nguyên tắc căn bản trong quan điểm Kitô giáo về tổ chức xã hội và chính trị, đã từng là chủ đề chính của Thông điệp trước đó, Đức Giáo hoàng viết: “Cái mà ngày nay chúng ta gọi là nguyên tắc liên đới… đã từng là điều mà Đức Giáo hoàng Lêô XIII thường xuyên muốn nói khi dùng từ ngữ ‘hữu nghị’… Đức Piô XI cũng liên tưởng đến điều ấy khi dùng thuật ngữ hết sức ý nghĩa là ‘bác ái xã hội’. Còn Đức Phaolô VI đã mở rộng khái niệm này để tóm gọn nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề xã hội, khi nói đến ‘văn minh tình yêu”193. Đức Gioan Phaolô II đã chứng minh làm thế nào giáo huấn xã hội của Giáo Hội có thể phát triển theo trục qua lại giữa Thiên Chúa và con người: nhận ra Chúa nơi mọi người và nhìn mọi người trong Chúa chính là điều kiện để phát triển con người cách đích thực. Sự phân tích một cách mạch lạc và sâu sắc “những sự việc mới”, cách riêng biến cố năm 1989 với sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết, cho thấy sự am hiểu của ngài về nền dân chủ và kinh tế tự do, trong bối cảnh của một sự liên đới hết sức cần thiết.


c. Dưới ánh sáng và sự thúc đẩy của Tin Mừng


104. Các văn kiện nêu trên đây chính là những cột mốc đánh dấu cuộc hành trình mà học thuyết xã hội của Giáo Hội đã đi qua, kể từ thời Đức Giáo hoàng Lêô XIII cho đến hôm nay. Bản đúc kết ngắn gọn này có thể sẽ dài hơn, nếu chúng ta xét đến tất cả các sự can thiệp, hơn là theo một chủ đề đặc biệt, vì “mối quan tâm mục vụ muốn giới thiệu cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu và với mọi người thiện chí các nguyên tắc căn bản, các tiêu chuẩn phổ quát và các đường hướng phù hợp để có những sự lựa chọn căn bản và những việc làm cụ thể trong mỗi tình huống cụ thể”194.

Khi soạn thảo và giảng dạy học thuyết xã hội này, Giáo Hội đã và vẫn đang làm việc không phải do một động cơ lý thuyết nào mà do những mối quan tâm mục vụ. Giáo Hội được thúc đẩy bởi những âm hưởng mà các biến cố xã hội gây ra trên con người, trên quần chúng, trên phẩm giá con người, trong bối cảnh là “loài người đang vất vả tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn nhưng lại không hành động với cùng một nhiệt tâm để cải thiện chính tinh thần của mình”195. Chính vì lý do đó, học thuyết xã hội này đã ra đời và đã được triển khai thành một “‘tổng hợp’ giáo lý cập nhật…, được xây dựng từ từ cùng lúc với Giáo Hội khi Giáo Hội dựa vào lời đã được Đức Kitô Giêsu mạc khải trọn vẹn và được Chúa Thánh Thần nâng đỡ (x. Ga 14,16.26; 16,13-15), để xem xét các biến cố như chúng đang diễn ra trong dòng lịch sử”196.

----------------------------------------------------------------------------------------------------

139 x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 179; Piô XII, trong

Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum Novarum: AAS

33 (1941), 197, có nói tới “Giáo huấn Xã hội Công Giáo” và, trong Thông điệp

“Menti Nostrae” ngày 22-09-1950: AAS 42 (1950), 657, có nói tới “Giáo huấn xã

hội của Giáo Hội”. Gioan XXIII giữ lại kiểu nói “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội”

(Mater et Magistra: AAS 53 [1961], 453; TĐ Pacem in Terris: AAS 55 [1963], 300-

301). Ngài cũng nói “Giáo huấn Xã hội Kitô giáo” TĐ (Mater et Magistra: AAS

53[1961], 453) hay “Giáo huấn Xã hội Công giáo” TĐ (Mater et Magistra: AAS 53

[1961], 454).

140 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 97-144.

141 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 3: AAS 73 (1981), 583-584;

Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 1: AAS 80 (1988), 513-514.

142 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2421.

143 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 97-144.

144 Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của

Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 20, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma

1988, tr. 24.

145 x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno, 39: AAS 23 (1931),189; Piô XII,

Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum Novarum:

AAS 33 (1941), 198.

146 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 5: AAS 83 (1991), 799.

147 Ibid.

148 Ibid., Thông điệp Centesimus Annus, 56: AAS 83 (1991), 862.

149 Ibid., Thông điệp Centesimus Annus, 60: AAS 83 (1991), 865.

150 Ibid.

151 Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 143; x. Gioan

Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 56: AAS 83 (1991), 862.

152 x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 177-228.

153 Id., Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 186-189.

154 Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của

Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 21, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma

1988, tr. 24.

155 x. Piô XI, Thông điệp Non Abbiamo Bisogno: AAS 23 (1931), 285-312.

156 Có thể tìm bản Đức ngữ chính thức trong AAS 29 (1937), 145-167.

157 Piô XI, Diễn văn gửi các ký giả truyền thanh nước Bỉ (06-09-1938), trích lại trong

Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các nhà lãnh đạo thế giới trong Liên minh Chống

bôi nhọ B’nai B’rith (22-03-1984): L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 26-03-

1984, tr. 8.11.

158 Có thể tìm bản La ngữ chính thức trong AAS 29 (1937), 65-106.

159 x. Piô XI, Thông điệp Divini Redemptoris: AAS 29 (1937), 130.

160 x. Piô XI, Các thông điệp truyền thanh dịp lễ Giáng Sinh: về hoà bình và trật tự thế

giới, năm 1939, AAS 32 (1940), 5-13; năm 1940, AAS 33 (1941), 5-14; năm 1941,

AAS 34 (1942), 10-21; năm 1945, AAS 38 (1946), 15-25; năm 1946, AAS 39

(1947), 7-17; năm 1948, AAS 41 (1949), 8-16; năm 1950, AAS 43 (1951), 49-59; năm

1951, AAS 44 (1952), 5-15; năm 1954, AAS 47 (1955), 15-28; năm 1955, AAS 48

(1956), 26-41; về trật tự trong nội bộ các quốc gia, 1942, AAS 35 (1943), 9-24; về

dân chủ, 1944, AAS 37 (1945), 10-23; về vai trò của văn minh Kitô giáo, 01-09-

1944, AAS 36 (1944), 249-258; về việc quay trở lại với Chúa trong lòng quảng đại

và trong tình anh em, 1947, AAS 40 (1948), 8-16; về năm đại hoán cải và đại tha

thứ, 1949, AAS 42 (1950), 121-133; về tình trạng con người đánh mất chính mình, 1952,

AAS 45 (1953), 33-46; về vai trò tiến bộ trong công nghệ và hoà bình giữa các dân

tộc, 1953, AAS 46 (1954), 5-16.

161 Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của

Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 22, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma

1988, tr. 25.

162 Ibid.

163 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 267-269, 278-279,

291, 295-296.

164 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 460-464.

165 Bộ Giáo dục Công giáo, Ibid. 23, tr. 26.

166 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 415-418.

167 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 257-304.

168 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, Tựa đề: AAS 55 (1963), 257.

169 Ibid. 301.

170 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 294.

171 x. Hồng y Maurice Roy, Thư gửi Đức Phaolô VI và Thông điệp nhân kỷ niệm 10 năm

Thông điệp Pacem in Terris, L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 19-04-1973, tr. 1-8.

172 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes: AAS 58 (1966), 1025-1120.

173 Bộ Giáo dục Công giáo, Ibid. 24, tr. 28.

174 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1: AAS 58 (1966), 1026.

175 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 40: AAS 58 (1966), 1058.

176 Ibid. 24, 1045.

177 Ibid. 25, 1045.

178 Bộ Giáo dục Công giáo, Ibid. 24, tr. 29.

179 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae: AAS 58 (1966), 929-946.

180 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 76-80: AAS 59 (1967), 294-296.

181 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio: AAS 59 (1967), 257-299.

182 Bộ Giáo dục Công giáo, Ibid. 25, tr. 29.

183 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 21: AAS 59 (1967), 267.

184 Ibid. 42, 278.

185 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 90: AAS 58 (1966), 1112.

186 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens: AAS 63 (1971), 401-441.

187 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens: AAS 73 (1981), 577-647.

188 x. Idem, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis: AAS 80 (1988), 513-586.

189 Bộ Giáo dục Công giáo, Ibid. 26, tr. 32.

190 Ibid.

191 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 39: AAS 80 (1988), 568.

192 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus: AAS 83 (1991), 793-867.

193 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 10: AAS 83 (1991), 805.

194 Bộ Giáo dục Công giáo, Ibid. 27, tr. 33.

195 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 4: AAS 58 (1966), 1028.

196 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 1: AAS 80 (1988), 514; x. Giáo

lý Giáo hội Công giáo, 2422.

Chia sẻ