Bài 3: Con người và Nhân quyền
I. HỌC THUYẾT XÃ HỘI VÀ NGUYÊN TẮC NHÂN VỊ
105. Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người. Những con người đã nhận được phẩm giá khôn sánh và bất diệt nơi Thiên Chúa ấy chính là những con người mà Giáo Hội muốn ngỏ lời, muốn đem đến cho họ sự phục vụ cao cả nhất và đặc biệt nhất, bằng cách kiên trì nhắc nhở họ về ơn gọi cao quý đó để họ luôn nhớ và sống cho xứng đáng. Đức Kitô, Con Thiên Chúa, “qua sự nhập thể của mình đã tự kết hợp chính mình một cách nào đó với mỗi một con người”197; vì thế, Giáo Hội nhìn nhận nghĩa vụ căn bản của mình là trông coi sao cho mối kết hợp ấy luôn được thực hiện và canh tân. Trong Đức Kitô là Chúa, Giáo Hội chỉ cho người ta thấy và cố gắng làm người đầu tiên bước vào lộ trình ấy – tức là con người198, đồng thời mời gọi mọi người hãy nhìn nhận mỗi người – dù gần hay xa, quen hay lạ, nhất là những người nghèo và đau khổ – là anh chị em của mình, những người “mà Đức Kitô đã chết cho họ” (1 Cr 8,11; Rm 14,15)199.
106. Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Giáo Hội đã nhiều lần nhiều cách làm trạng sư có thẩm quyền giúp người ta hiểu, nhìn nhận và khẳng định con người là trọng tâm của mọi lĩnh vực và mọi biểu hiện trong xã hội: “Bởi đó, xã hội loài người chính là đối tượng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội, vì Giáo Hội không đứng ngoài cũng chẳng đứng trên những con người liên kết thành xã hội, mà Giáo Hội chỉ tồn tại nơi những con người, và bởi đó, Giáo Hội tồn tại vì những con người”200. Nhận thức quan trọng này được phản ánh trong lời khẳng định sau đây: “Thay vì làm đối tượng hay làm nhân tố thụ động của đời sống xã hội”, con người “nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội”201. Vì thế, nguồn gốc của đời sống xã hội là chính con người, và xã hội không thể nào không nhìn nhận chủ thể tích cực và hữu trách của mình; mọi biểu hiện của xã hội đều phải quy hướng về con người.
107. Trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công giáo202. Thật vậy, toàn bộ Học thuyết Xã hội Công giáo chẳng qua chỉ là sự triển khai nguyên tắc: con người có phẩm giá bất khả xâm phạm203. Trong tất cả những nghĩa cử đa dạng bày tỏ nhận thức ấy, Giáo Hội luôn cố gắng bênh vực phẩm giá con người mỗi khi có toan tính xác định lại hay bóp méo hình ảnh ấy; Giáo Hội cũng thường xuyên tố cáo những sự xâm phạm phẩm giá con người. Lịch sử đã xác nhận rằng chính cơ cấu hình thành nên các quan hệ xã hội nổi lên một số khả năng thăng hoa con người, nhưng cũng chính trong cơ cấu ấy lại tiềm tàng những loại bỏ ghê tởm nhất đối với phẩm giá con người.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
197 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1042.
198 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 14: AAS 71 (1979), 284.
199 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1931.
200 Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của
Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 35, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma
1988, tr. 39.
201 Piô XII, Thông điệp Truyền thanh ngày 24-12-1944, 5: AAS 37 (1945), 12.
202 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 11: AAS 83 (1991), 807.
203 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 453, 459.
II. CON NGƯỜI NHƯ “HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA” (IMAGO DEI)
a. Những thụ tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
108. Thông điệp căn bản của Thánh Kinh cho biết con người là thụ tạo của Thiên Chúa (x. Tv 139,14-18), và theo thông điệp ấy, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thiên Chúa đặt con người vào trung tâm và chóp đỉnh của trật tự sáng tạo. Con người (theo tiếng Hipri là “adam”) được tạo dựng từ đất (adamah) và Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào mũi Ađam (x. St 2,7). Bởi đó, “được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị, không phải chỉ là một cái gì đó mà là một ai đó. Con người có khả năng biết mình, làm chủ mình, tự do hiến mình và tự nguyện hiệp thông với người khác. Hơn thế nữa, con người được ơn Chúa mời gọi ký kết giao ước với Đấng Tạo Hoá của mình, lấy đức tin và tình yêu đáp trả Ngài, một sự đáp trả mà không thụ tạo nào có thể làm thay con người”204.
109. Giống Thiên Chúa, điều này chứng tỏ bản chất và hiện hữu của con người có liên quan đến Thiên Chúa một cách hết sức sâu xa205. Đây là một mối quan hệ tự thân, vì thế không phải là một cái gì đó đến sau và được thêm vào từ bên ngoài. Toàn thể cuộc sống con người chẳng qua chỉ là một sự tìm kiếm Thiên Chúa. Mối quan hệ này của con người với Thiên Chúa có thể không được người ta biết, thậm chí bị bỏ quên hay từ chối, nhưng không bao giờ bị loại bỏ hẳn. Thật vậy, trong số các thụ tạo hữu hình của thế giới, chỉ có con người mới “có khả năng tìm Chúa” (homo est Dei capax)206. Con người là một ngôi vị do Chúa tạo dựng để liên hệ với Ngài; chỉ trong mối liện hệ này, con người mới tìm được sự sống, mới thể hiện chính mình và hướng về Thiên Chúa một cách tự nhiên207.
110. Quan hệ giữa Thiên Chúa và con người được phản ánh trong chiều hướng tương quan và xã hội của bản tính con người. Thật vậy, con người không phải là một hữu thể cô độc, mà là “một hữu thể xã hội, không thể nào sống cũng như không thể nào phát triển tiềm năng của mình bao lâu con người không liên hệ với người khác”208. Về điểm này, sự kiện Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (x. St 1,27) thật là ý nghĩa209: “Điều đáng chú ý là sự không thoả mãn, biểu hiện trong cuộc sống con người tại vườn Địa Đàng, vẫn sẽ tồn tại bao lâu con người còn lấy thế giới thảo mộc và động vật làm điểm tham khảo duy nhất của mình (x. St 2,20). Chỉ có sự xuất hiện của người phụ nữ, một hữu thể là thịt lấy từ thịt của Ađam và là xương lấy từ xương của ông (x. St 2,23), cũng là hữu thể mà nơi đó Thần Khí của Thiên Chúa Tạo Hoá đang hoạt động, mới có thể thoả mãn nhu cầu đối thoại liên vị rất quan trọng cho cuộc sống con người. Trong mỗi người thân cận của mình, bất kể là nam hay nữ, đều có sự phản ánh của chính Thiên Chúa, mục tiêu cuối cùng và sự hoàn thành của mỗi một con người”210.
111. Người nam và người nữ có cùng phẩm chất như nhau và bình đẳng về giá trị211, không phải chỉ vì cả hai tuy có những điểm khác biệt nhưng đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mà sâu xa hơn còn vì tác động lực tương tác đem lại sự sống cho ngôi vị, “chúng ta” giữa hai người, cũng chính là một hình ảnh của Thiên Chúa.212 Trong mối quan hệ hiệp thông với nhau, người nam và người nữ làm cho mình được sung mãn một cách hết sức sâu xa, khám phá thấy mình là những ngôi vị nhờ sự hiến thân chân thành ấy213. Giao ước kết hợp giữa hai người được Thánh Kinh trình bày như hình ảnh Giao ước giữa Thiên Chúa với con người (x. Os 1–3; Is 54; Ep 5,21-33), đồng thời như một cách phục vụ cho sự sống214. Thật vậy, vợ chồng có thể tham gia vào hành động sáng tạo của Thiên Chúa: “Thiên Chúa chúc lành cho họ và nói với họ: “Hãy sinh sôi và nảy nở cho đầy mặt đất và hãy thống trị mặt đất” (St 1,28).
112. Người nam và người nữ liên hệ với những người khác như những người được giao cho sự sống của người khác215. “Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu… Ta sẽ đòi con người phải đền mạng sống của người anh em mình” (St 9,5). Đó là điều Chúa phán với Noê sau trận lụt. Nhìn trong viễn tượng ấy, quan hệ với Thiên Chúa đòi người ta phải coi mạng sống con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm.216 Sở dĩ giới răn thứ năm có giá trị (“Ngươi không được giết người”: Xh 20,13; Đnl 5,17) là vì chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể sự sống và sự chết217. Lòng kính trọng đối với sự sống bất khả xâm phạm và vẹn toàn lên tới cao điểm trong giới răn tích cực này: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19,18), qua đó, Đức Giêsu đã ràng buộc thêm bổn phận chăm lo cho các nhu cầu của người khác (x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,27-28).
113. Chính với ơn gọi đặc biệt này đối với sự sống mà người nam và người nữ cũng thấy mình hiện diện với tất cả các thụ tạo khác. Họ có khả năng và bổn phận lấy các thụ tạo khác phục vụ mình và hưởng dùng chúng, nhưng việc chế ngự thế giới đòi hỏi họ phải thi hành trách nhiệm chứ không được tự do khai thác cách tuỳ tiện và ích kỷ. Thật vậy, mọi thụ tạo đều có giá trị và đều “tốt lành” (x. St 1,4.10.12.18.21.25) trước mặt Chúa, tác giả của chúng. Con người phải biết khám phá và tôn trọng giá trị của chúng. Đây là một thách thức lớn lao đối với trí khôn con người; chính trí khôn ấy sẽ nâng con người lên và đưa họ như bay lên218 tới chỗ chiêm ngắm sự thật của tất cả các thụ tạo của Thiên Chúa, tức là chiêm ngắm cái mà Thiên Chúa thấy là “tốt lành” nơi các thụ tạo ấy. Sách Sáng Thế dạy rằng con người thống trị thụ tạo chủ yếu bằng cách “đặt tên cho chúng” (x. St 2,19-20). Khi cho chúng những cái tên, hẳn con người đã nhìn ra chúng đúng như sự thật của chúng và đã có quan hệ trách nhiệm đối với chúng219.
114. Con người cũng quan hệ với chính mình và có khả năng suy tư về chính mình. Về điểm này, Thánh Kinh hay nhắc tới “tâm hồn con người”. Tâm hồn chỉ rõ sự thiêng liêng bên trong con người, phân biệt con người với các thụ tạo khác. Thiên Chúa “làm ra hết mọi sự tốt đẹp vào đúng thời đúng lúc của nó; Ngài cũng đặt vào tâm trí con người ý niệm vĩnh cửu, nhưng con người không thể nào hiểu biết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện từ khởi thuỷ đến cùng tận” (Gv 3,11). Sau cùng, tâm hồn biểu lộ những khả năng thiêng liêng riêng của con người, cũng là những đặc ân con người có được khi được tạo dựng theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, đó là lý trí, sự phân biệt tốt xấu, ý muốn tự do220. Khi con người chú ý lắng nghe những khát vọng sâu xa của tâm hồn mình, con người không thể không thốt lên những lời rất thật sau đây của thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, lạy Chúa, nên tâm hồn chúng con mãi khắc khoải cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”221.
b. Bi kịch của tội
115. Cảnh tượng tuyệt vời mô tả con người được Chúa tạo dựng không thể tách rời khỏi sự xuất hiện bi đát của tội nguyên tổ. Thánh Phaolô đã khẳng định rõ ràng khi tóm tắt sự sa ngã của con người trong những trang đầu của Sách Thánh: “Tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian qua một con người và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5,12). Chống lại lệnh cấm của Thiên Chúa, con người đã để cho mình bị con rắn quyến rũ và đã giơ tay hái trái trên cây sự sống, và thế là đã trở thành nạn nhân của sự chết. Qua cử chỉ ấy, con người đã phá vỡ giới hạn thụ tạo của mình, thách thức Chúa, là Thiên Chúa duy nhất và là nguồn sự sống của mình. Chính tội bất tùng phục ấy (x. Rm 5,19) đã tách con người ra khỏi Chúa222.
Cũng từ mạc khải ấy, chúng ta biết rằng Ađam – con người đầu tiên – đã vi phạm giới răn của Chúa, đánh mất sự thánh thiện và công chính mà mình đã có khi được tạo dựng, một sự thánh thiện và công chính con người đã nhận được không chỉ cho riêng mình mà còn cho hết mọi người: “Khi chiều theo tên cám dỗ, Ađam và Eva đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội này đã ảnh hưởng tới bản tính nhân loại, là bản tính mà nguyên tổ đã truyền lại trong tình trạng sa ngã. Đó là một tội được truyền lại bằng cách làm lan ra tới hết mọi người, nghĩa là được truyền lại một bản tính đã mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ”223.
116. Khi lần tới tận gốc các chia rẽ của cá nhân và xã hội, đang xúc phạm tới giá trị và phẩm chất của con người ở những mức độ khác nhau, chúng ta luôn thấy có một vết thương nằm trong nơi sâu xa nhất của con người. “Trong ánh sáng đức tin, chúng ta gọi đó là tội: từ tội nguyên tổ, mà mọi người chúng ta đều phải mang từ khi sinh ra như một di sản chúng ta thừa kế được nơi tổ tiên chúng ta, cho tới tôi mà mỗi người chúng ta phạm khi lạm dụng sự tự do của mình”224. Hậu quả của tội, bao lâu nó còn là hành vi xa rời Chúa, chính là sự tha hoá, tức là sự xa rời của con người không những với Chúa mà còn với chính mình, với người khác và với thế giới chung quanh. “Sự đoạn tuyệt của con người với Chúa trớ trêu thay đưa chúng ta tới chỗ chia rẽ với nhau. Trong bài mô tả “tội nguyên thuỷ”, chúng ta thấy khi đoạn tuyệt với Giavê thì đồng thời cũng cắt đứt mối thân hữu từng nối kết gia đình nhân loại với nhau. Thế nên, các trang tiếp theo của sách Sáng Thế cho chúng ta thấy người đàn ông và người đàn bà giơ tay tố cáo nhau (x. St 3,12). Về sau, chúng ta lại thấy anh em ghét nhau và sau cùng lấy mạng sống của nhau (x. St 4,2-16). Dựa theo câu chuyện tháp Babel, hậu quả của tội chính là sự tan nát của gia đình nhân loại, đã khởi sự với tội nguyên tổ và nay lên tới hình thức cực đoan nhất trên bình diện xã hội”225. Suy nghĩ về mầu nhiệm của tội, chúng ta không thể không lưu ý tới mối quan hệ bi đát giữa nguyên nhân và hậu quả ấy.
117. Mầu nhiệm tội được cấu thành bởi một vết thương hai mặt, mà tội nhân bộc lộ nơi mình, cũng như thể hiện ra trong quan hệ với người thân cận. Đó chính là lý do tại sao chúng ta nói tội cá nhân và tội xã hội. Tội nào cũng là tội cá nhân xét về một phương diện nào đó; nhưng xét về một phương diện khác, tội nào cũng là tội xã hội, trong mức độ nó cũng gây ra những hậu quả trong xã hội. Nếu xét cho đúng nghĩa thì tội luôn luôn là một hành vi của con người, vì đó là hành vi tự do của một cá thể, chứ không phải là hành vi của một tập thể hay một cộng đồng cách đúng nghĩa. Đành rằng tính xã hội có thể được tìm thấy trong hết mọi tội, nếu xét tới sự kiện “do sự liên đới vừa mầu nhiệm và không thể nắm bắt được, vừa rất thật và rất cụ thể, tội nào của cá nhân cũng tác động tới người khác một cách nào đó”226. Tuy nhiên, thật là không chính đáng hay không thể chấp nhận được nếu hiểu tội xã hội theo cách: nó làm giảm nhẹ hay xoá hết trách nhiệm của cá nhân, dù là hữu ý hay vô tình, do chỉ nhìn nhận sự sai trái và trách nhiệm của xã hội. Lần tới cùng của bất cứ tình huống tội lỗi nào, cũng luôn luôn thấy có những cá nhân đã phạm tội.
118. Ngoài ra, có một số tội do chính đối tượng của chúng là những hành vi trực tiếp xúc phạm đến người thân cận. Những tội đó đặc biệt được gọi là tội xã hội. Tội xã hội là bất cứ tội nào xúc phạm tới sự công bằng phải có trong các quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng, và giữa cộng đồng với cá nhân. Tội xã hội cũng là bất cứ tội nào chống lại các quyền lợi của con người, khởi đi từ quyền được sống, bao gồm cả sự sống trong bụng mẹ, cho đến bất cứ tội nào chống lại sự toàn vẹn thân thể của cá nhân; là bất cứ tội nào chống lại sự tự do của người khác, nhất là sự tự do cao cả nhất để tin vào Thiên Chúa và thờ phượng Ngài; và là bất cứ tội nào chống lại phẩm giá và danh dự của người thân cận. Bất cứ tội nào chống lại ích chung và những đòi hỏi của công ích, trong lĩnh vực rộng lớn của quyền hạn và nghĩa vụ người công dân, cũng đều là tội xã hội. Sau cùng, tội xã hội là tội “liên quan tới các mối quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại khác nhau. Những mối quan hệ ấy không hẳn lúc nào cũng phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng muốn thấy có công lý trên thế giới, có tự do và hoà bình giữa các cá nhân, các tập thể và các dân tộc”227.
119. Các hậu quả của tội làm cho cơ cấu của tội kéo dài mãi mãi. Những cơ cấu này lại ẩn sâu trong tội cá nhân, và bởi đó, luôn có liên quan với các hành vi cụ thể của người phạm tội, làm cho các cơ cấu ấy thêm vững chắc và càng khó tẩy trừ. Bằng cách đó, tội trở nên trầm trọng hơn, dễ lan truyền và trở thành nguồn phát sinh ra các tội khác, chi phối cách ứng xử của con người228. Đó là những trở ngại và là những điều kiện vượt ra khỏi các hành vi và thời gian sống vắn vỏi của cá nhân, để can thiệp vào quá trình phát triển của các dân tộc; việc chậm trễ và trì trệ trong công cuộc phát triển là phải xét đến tình trạng này229. Những hành vi và thái độ chống lại ý muốn của Chúa và ích lợi của tha nhân, cũng như những cơ cấu phát sinh từ những cách ứng xử đó, ngày nay có thể xếp vào hai loại: “một đàng là dành tất cả mọi ước muốn cho việc thu lợi nhuận, và đàng khác, là khát khao quyền lực với ý định áp đặt ý muốn của mình lên người khác. Để xác định thêm tính chất của hai thái độ này, chúng ta có thể dùng thành ngữ sau đây: ‘bằng bất cứ giá nào’”230.
c. Tính phổ quát của tội và tính phổ quát của ơn cứu độ
120. Giáo lý về tội nguyên tổ, cho biết tội mang tính phổ quát, có nền tảng rất quan trọng: “Nếu chúng ta nói mình vô tội là chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không có nơi chúng ta” (1 Ga 1,8). Giáo lý này khuyến khích mọi người đừng ở lại trong tội và đừng coi nhẹ tội, cũng như đừng liên tục đổ lỗi cho người khác và tìm cách biện minh do hoàn cảnh, do di truyền, do tổ chức, do cơ chế và do các mối quan hệ. Giáo lý này vạch trần mọi sự lừa dối ấy.
Tuy nhiên, không được tách rời giáo lý về sự phổ quát của tội với ý thức về sự phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Nếu không, nó sẽ khiến ta lo ngại cách sai lầm về tội và có cái nhìn bi quan về thế giới và cuộc đời, khiến chúng ta khinh chê các thành quả về văn hoá và đời sống dân sự của loài người.
121. Với tinh thần thực tế, người Kitô hữu nhìn thấy vực sâu của tội, nhưng luôn nhìn nó trong ánh sáng hy vọng – còn lớn hơn bất cứ sự xấu xa nào – do công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô mang lại, nhờ đó tội và cái chết đã bị tiêu diệt (x. Rm 5,18-21; 1 Cr 15,56-57): “Trong Ngài, Thiên Chúa đã hoà giải con người với mình”.231 Chính Đức Kitô – hình ảnh của Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,4; Cl 1,15) – đã làm cho hình ảnh và nét tương đồng với Thiên Chúa nơi con người được sáng lên đầy đủ và được thể hiện trọn vẹn. Ngôi Lời, đã trở thành con người nơi Đức Giêsu Kitô, mãi mãi vẫn là sự sống và ánh sáng của nhân loại, ánh sáng soi chiếu từng người một (x. Ga 1,4.9). Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ trong một Đấng trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài (x. 1 Tm 2,4-5). Đức Giêsu vừa là Con Thiên Chúa vừa là Ađam mới, tức là con người mới (x. 1 Cr 15,47-49; Rm 5,14). “Chính trong khi mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Ngài, Đức Kitô Ađam mới đã mạc khải trọn vẹn con người cho chính họ và cho con người thấy ơn gọi cao cả nhất của họ”232. Trong Người, nhờ Thiên Chúa, chúng ta “được tiền định để trở nên giống hình ảnh Con Thiên Chúa, ngõ hầu Người trở thành trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29).
122. Thực tại mới mà Đức Giêsu Kitô mang đến cho chúng ta không được ghép vào bản tính loài người, cũng chẳng được thêm vào từ bên ngoài, nhưng đúng hơn, đó là sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi mà con người luôn khao khát hướng tới tự trong bản chất sâu xa của mình, do mình đã được tạo dựng giống Thiên Chúa. Thế nhưng, đó cũng là một thực tại mà con người không thể đạt được chỉ bằng sức mình. Nhờ Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Nhập thể – nơi Người sự hiệp thông luôn được thực hiện một cách đặc biệt – con người mới được tiếp nhận làm con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,14-17; Gl 4,4-7). Nhờ Đức Kitô, chúng ta được chia sẻ bản tính Thiên Chúa, Đấng ban phát cho chúng ta cách vô hạn định hơn cả “điều chúng ta cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Điều mà nhân loại đã nhận được chẳng qua chỉ là một dấu hiệu hay một “bảo chứng” (2 Cr 1,22; Ep 1,14) cho những gì mình sẽ nhận trọn vẹn khi ra trước mặt Chúa, “diện đối diện” (1 Cr 13,12), tức là bảo chứng của sự sống đời đời: “Và đây là sự sống đời đời, đó là họ biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật và Đức Giêsu Kitô là Đấng Cha đã sai đến” (Ga 17,3).
123. Trong niềm hy vọng phổ quát ấy, bên cạnh những người nam cũng như nữ thuộc mọi dân tộc, còn bao gồm cả trời và đất: “Trời cao hỡi, hãy gieo sương xuống, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính. Đất mở ra đi, nẩy mầm ơn cứu độ; đồng thời chính trực sẽ vươn lên. Ta là Đức Chúa đã làm điều ấy” (Is 45,8). Theo Tân Ước, toàn thể thụ tạo cùng với nhân loại đều chờ đợi Đấng Cứu Chuộc: bị lâm vào cảnh hư ảo nhưng thụ tạo vẫn vươn lên, lòng đầy hy vọng, dù miệng rên xiết than thở, trông mong được giải thoát khỏi tiêu vong (x. Rm 8,18-22).
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
204 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 357.
205 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 356, 358.
206 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, tựa đề chương 1, đoạn 1, phần I; x. CĐ. Vatican II,
Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1966), 1034; Gioan Phaolô II,
Thông điệp Evangelium Vitae, 34: AAS 87 (1995), 440.
207 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 34: AAS 87 (1995), 440.
208 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1966), 1034.
209 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 369.
210 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 35: AAS 87 (1995), 440.
211 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2334.
212 x. Ibid., 371.
213 x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane, 6,8,14,16,19-20: AAS
86 (1994), 873-874, 876-878, 899-903, 910-919.
214 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 50-51: AAS 58 (1966),
1070-1072.
215 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 19: AAS 87 (1995), 421-422.
216 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2258.
217 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 27: AAS 58 (1966), 1047-
1048; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2259-2261.
218 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio: AAS 91 (1999), 5.
219 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 373.
220 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Viate, 34: AAS 87 (1995), 438-440.
221 Thánh Augustinô Confessions, Tự thú, I, 1: PL 32, 661: “Tu excitas, ut laudare te
delectet; quia fecisti nos ad te, et inquietum est cor nostrum, donec requiescat in te”.
222 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1850.
223 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 404.
224 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 2: AAS 77 (1985), 188; x.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1849.
225 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 15: AAS 77 (1985), 212-213.
226 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 16: AAS 77 (1985), 214.
Ngoài ra, Thông điệp này còn giải thích rằng có một thứ luật đi xuống (law of
descent), gần như một sự hiệp thông trong tội lỗi, theo đó linh hồn nào đã tự làm
mình xuống cấp thông qua tội lỗi sẽ kéo Giáo Hội xuống dốc theo cùng với mình và
có thể nói, kéo cả thế giới xuống theo; ngược với luật này có luật đi lên (law of
ascent) tức là mầu nhiệm hiệp thông các thánh rất sâu xa và cao cả, nhờ đó linh
hồn nào vươn lên sẽ nâng thế giới lên theo.
227 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 16: AAS 77 (1985), 216.
228 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1869.
229 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 36: AAS 80 (1988), 561-563.
230 Ibid., 37: AAS 80 (1988), 563.
231 Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 10: AAS 77 (1965), 205.
232 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1042.
III. NHỮNG KHÍA CẠNH ĐA DẠNG CỦA CON NGƯỜI
124. Vì đánh giá cao thông điệp tuyệt vời của Thánh Kinh, Học thuyết Xã hội Công giáo muốn dừng lại để chiêm ngắm trước hết các chiều hướng chính yếu và căn bản của con người; nhờ đó có thể bắt gặp được những khía cạnh ý nghĩa nhất trong mầu nhiệm và phẩm giá con người. Trong quá khứ, đã không thiếu những quan niệm giản lược về con người, mà nhiều quan niệm trong số đó rất tiếc vẫn còn có mặt trên sân khấu của lịch sử hôm nay. Đó là những quan niệm mang tính ý thức hệ hay đơn giản chỉ là kết quả của những thói quen hoặc suy nghĩ phổ biến về con người, về đời sống con người và về định mệnh con người. Mẫu số chung của những quan niệm này là tìm cách làm cho hình ảnh của con người trở nên mơ hồ do chỉ nhấn mạnh một đặc điểm nào đó và bỏ đi các đặc điểm còn lại233.
125. Con người không bao giờ được phép suy nghĩ mình chỉ là một cá thể không hơn không kém, được tạo ra bởi chính mình và hoàn toàn dựa vào chính mình, làm như các đặc điểm chính yếu của con người đều dựa vào chính con người chứ không lệ thuộc một ai khác. Cũng không thể nghĩ con người chỉ là một tế bào đơn thuần trong một cơ thể, mà khuynh hướng nhiều nhất là nhìn nhận nó có vai trò vận hành trong toàn bộ hệ thống. Những quan niệm giản lược về sự thật trọn vẹn của con người như thế đã từng là mối lo của Giáo Hội, và Giáo Hội đã không ngừng lên tiếng phản đối, như đã phản đối các viễn tượng mang tính giản lược tai hại khác, và thay vào đó, Giáo Hội đã mạnh mẽ công bố “con người cá thể không được coi mình là những đơn vị cô lập như những hạt cát, mà là những đơn vị nối kết nhau bằng chính sức mạnh là bản tính và định mệnh nội tại của mình, nối kết với nhau thành những quan hệ rất hữu cơ và hài hoà”234. Giáo Hội đã quả quyết người ta không thể hiểu con người “chỉ là một nhân tố, một phân tử trong cơ thể xã hội”235. Điều Giáo Hội quan tâm là làm sao cho người ta hiểu rằng khi Giáo Hội khẳng định sự ưu việt của con người, Giáo Hội không có ý muốn đề cao nhãn quan cá nhân chủ nghĩa hoặc ô hợp chủ nghĩa.
126. Khi mời gọi phải tìm kiếm bất cứ điều gì tốt lành và xứng đáng với con người ở bất cứ chỗ nào có thể tìm kiếm (x. 1 Ts 5,21), đức tin Kitô giáo “đã tự đặt mình đứng bên trên hay đôi khi chống lại các ý thức hệ, ở chỗ đức tin này nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt và là Đấng Tạo Hoá, là Đấng mời gọi con người, thông qua mọi loài thụ tạo, như một thụ tạo được phú bẩm trách nhiệm và tự do”236.
Học thuyết Xã hội Công giáo tìm cách chỉ ra những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm con người: con người phải được tìm hiểu “trong sự thật toàn vẹn của mình, từ sự hiện hữu của bản thân con người cho đến chiều hướng cộng đồng và xã hội”237, với sự quan tâm đặc biệt sao cho giá trị của con người được mọi người sẵn sàng nhìn nhận.
A. TÍNH THỐNG NHẤT CỦA CON NGƯỜI
127. Con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất của xác và hồn238. “Hồn bất tử và thiêng liêng là nguyên lý thống nhất của con người, làm con người hiện hữu như một tổng thể – một đơn vị duy nhất gồm xác và hồn – và như một ngôi vị. Những xác định này không chỉ cho thấy thân xác, từng được hứa hẹn sẽ sống lại, cũng sẽ được vinh quang; chúng còn nhắc nhở chúng ta rằng lý trí và ước muốn tự do luôn gắn chặt với tất cả những cơ năng của thân xác và giác quan. Con người, kể cả thân xác, được giao phó hoàn toàn cho chính con người, và chính nhờ sự thống nhất xác hồn ấy mà con người là chủ thể của tất cả các hành vi luân lý của mình”239.
128. Thông qua thân xác mình, con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất; những yếu tố ấy “đạt tới đỉnh cao nơi con người và thông qua con người, chúng tự do cất lời ca ngợi Đấng Tạo Hoá”240. Nhờ chiều hướng này, con người có thể tham gia vào thế giới vật chất, không phải như nhốt mình trong một nhà tù hay bắt mình phải lưu đày. Vì thế, không thích đáng chút nào khi chúng ta khinh rẻ đời sống thể xác; mà đúng ra “con người… phải nhìn thân xác mình như một điều tốt lành và đáng quý, vì thân xác ấy do chính Chúa tạo dựng và sẽ được Ngài cho sống lại trong ngày sau hết”241. Tuy nhiên, cũng chính vì có chiều hướng thân xác này, nhất là sau khi thân xác ấy bị tội lỗi gây thương tích, mà con người cảm nghiệm được những sự nổi loạn của thân xác và những xu hướng lệch lạc của tâm hồn mình; con người phải luôn luôn cẩn thận theo dõi chúng, kẻo mình bị nô lệ chúng và trở thành nạn nhân của một nhân sinh quan hoàn toàn trần tục.
Thông qua sự linh thiêng của mình, con người vượt lên trên thế giới của những sự vật và đi vào nơi sâu thẳm nhất của thực tại. Khi bước vào lòng mình, nghĩa là khi suy nghĩ về định mệnh của mình, con người khám phá ra mình trổi vượt hơn thế giới vật chất vì mình có phẩm giá hết sức độc đáo là phẩm giá của một người được trò chuyện với Thiên Chúa, được quyết định về cuộc đời mình dưới con mắt của Thiên Chúa. Trong đời sống nội tâm, con người nhận ra mình có “một linh hồn bất tử và thiêng liêng”, con người không chỉ là “một mảnh vụn của thiên nhiên hay một thành phần vô danh trong đô thị loài người”242.
129. Bởi đó, con người có hai đặc điểm khác nhau: là hữu thể vật chất, có liên quan với thế giới này qua thân xác mình, và là hữu thể thiêng liêng, mở ra với siêu việt và có thể khám phá ra “những chân lý còn sâu xa hơn” nhờ trí khôn của mình, qua đó “con người chia sẻ ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa”243. Giáo Hội khẳng định: “Hồn và xác hợp nhất với nhau sâu xa đến nỗi phải coi hồn là ‘mô thức’ của xác, nghĩa là chính vì hồn thiêng liêng mà thân xác làm bằng vật chất mới trở thành một thân thể của con người sống động; tinh thần và vật chất nơi con người không phải là hai bản tính kết hợp với nhau, mà đúng hơn, nhờ sự kết hợp của chúng với nhau làm thành một bản tính duy nhất”244. Cả chủ nghĩa duy tâm coi thường thực tại của thân xác, lẫn chủ nghĩa duy vật coi tinh thần chỉ là một biểu hiện của vật chất, đều không tôn trọng bản tính phức tạp, sự toàn vẹn và tính thống nhất của hữu thể con người.
B. CON NGƯỜI MỞ RA VỚI SIÊU VIỆT VÀ ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ
a. Mở ra với siêu việt
130. Mở ra với siêu việt là một đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với mọi thụ tạo. Trên hết, con người mở ra với Đấng vô biên, tức là Thiên Chúa, vì nhờ trí khôn và ý chí, con người có thể nâng mình lên trên mọi thụ tạo và cả chính mình; con người có thể độc lập với thụ tạo, tự do trong quan hệ với thụ tạo, vươn tới sự thật toàn diện và điều thiện tuyệt đối. Con người cũng mở ra với tha nhân, với mọi người nam nữ trong thế giới, vì chỉ khi hiểu mình trong tương quan với “ngôi thứ hai”, con người mới xưng mình được là “tôi”. Con người bước ra khỏi chính mình, khỏi việc chỉ lo bảo vệ cuộc sống của chính mình để bước vào một quan hệ đối thoại và hiệp thông với những người khác.
Con người mở ra với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu. Nơi mình, con người có khả năng vượt lên trên những đối tượng cá biệt. Theo một nghĩa nào đó, linh hồn là tất cả mọi sự nhờ chiều hướng nhận thức của nó: “mọi sự vật phi vật chất đều mang tính vô biên một cách nào đó, bao lâu chúng bao trùm lấy mọi sự, hoặc vì đây là vấn đề thuộc về bản chất của thực tại thiêng liêng, mà nó vận hành như một khuôn mẫu và là sự tương đồng của hết mọi sự, như trường hợp của Thiên Chúa, hoặc vì linh hồn có sự tương đồng với mọi sự, một cách ‘hiện thể’ (in actu) như các thiên thần, hay ‘tiềm thể’ (in protentia) như các linh hồn”245.
b. Độc đáo và không thể sao chép
131. Con người hiện hữu như một hữu thể độc đáo và không thể sao chép, con người hiện hữu như một cái “tôi” có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình. Con người là một hữu thể hiểu biết và có ý thức, có khả năng suy nghĩ về mình và bởi đó ý thức về mình và về hành vi của mình. Tuy nhiên, không phải trí khôn, ý thức và tự do xác định con người, mà đúng hơn chính con người là nền tảng cho những hành vi của trí khôn, ý thức và tự do. Những hành vi này có thể thiếu hay ngay cả không có, thì con người vẫn không ngừng là con người.
Phải luôn hiểu con người trong sự độc đáo, không thể sao chép và không thể xâm phạm. Thật vậy, con người hiện hữu trước hết như một thực thể làm chủ thể, như một trung tâm của ý thức và tự do mà những kinh nghiệm sống của mỗi một người, không thể so sánh với kinh nghiệm của bất cứ ai. Điều này cũng nhấn mạnh đến việc không thể chấp nhận bất cứ toan tính nào muốn giản lược thân phận con người bằng cách ép con người đi vào trong các phạm trù đã được dự tính trước hay vào các hệ thống quyền lực đã có sẵn, dù có thuộc ý thức hệ hay không. Sự kiện này trước hết đòi hỏi mọi con người trên trái đất, nam cũng như nữ, không chỉ đơn giản là phải được người khác tôn trọng, nhất là đối với các cơ quan chính trị và xã hội, cũng như các nhà lãnh đạo các cơ quan ấy, mà hơn thế nữa, điều ấy còn có nghĩa là mối bận tâm trước hết của con người đối với người khác, đặc biệt là của các cơ quan nói trên, là phải làm sao để thăng tiến và phát triển toàn diện con người.
c. Tôn trọng nhân phẩm
132. Một xã hội công bằng chỉ trở thành hiện thực khi được xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Con người là mục tiêu tối hậu của xã hội, xã hội được tổ chức là nhắm tới con người: “Thế nên, trật tự xã hội và sự phát triển của xã hội phải luôn luôn nhắm tới lợi ích của con người, vì trật tự sự vật phải lệ thuộc vào trật tự con người, chứ không theo cách ngược lại”246. Không thể tách rời việc tôn trọng phẩm giá con người với việc tuân thủ nguyên tắc trên. Cần phải “coi mọi người thân cận không trừ ai như cái tôi khác của mình, trong đó trước hết phải xét tới đời sống của họ và các phương tiện cần thiết để sống xứng với phẩm giá”247. Mọi chương trình chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học và văn hoá đều phải được soi sáng từ ý thức về sự ưu việt của từng con người vượt trên cả xã hội248.
133. Bởi đó, không bao giờ người ta được lèo lái con người vào những mục tiêu xa lạ với sự phát triển của con người, một sự phát triển chỉ có thể hoàn thành mỹ mãn trong Thiên Chúa và trong kế hoạch cứu độ của Ngài: thật vậy, trong nội tại của mình, con người vượt lên trên vũ trụ và là thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa muốn có vì chính nó249. Chính vì lý do đó, không được hạn chế một cách bất công đối với sự sống của con người, sự phát triển tư duy của con người, tiện ích của con người hay những người tham gia vào những hoạt động cá nhân và xã hội của con người khi họ sử dụng quyền hạn và tự do của mình.
Không thể lấy con người làm phương tiện để thực hiện các dự án kinh tế, xã hội hay chính trị, những dự án do một chính quyền nào đó áp đặt, kể cả khi nhân danh một sự tiến bộ của một cộng đồng dân sự nói chung hay của những người khác, bất kể đó là sự tiến bộ trong hiện tại hay trong tương lai. Bởi đó, chính quyền cần cẩn thận theo dõi để những hạn chế đối với tự do hay một gánh nặng áp đặt trên một hoạt động nào đó của con người không bao giờ làm phương hại tới phẩm giá con người, có như thế mới bảo đảm cho các quyền của con người được thực thi cách hữu hiệu. Tất cả những điều này một lần nữa đều dựa trên quan điểm coi con người là một ngôi vị, tức là một chủ thể tích cực và có trách nhiệm về quá trình tăng trưởng của chính mình, cùng với cộng đồng mà mình là thành viên.
134. Những thay đổi đích thực của xã hội chỉ bền vững và hữu hiệu bao lâu chúng đặt nền tảng trên những thay đổi kiên quyết trong cách sống của con người. Người ta sẽ không bao giờ có thể làm cho đời sống xã hội được phù hợp với luân lý nếu không khởi sự từ con người và không lấy con người làm điểm tham khảo: thật vậy, “sống có luân lý là làm chứng cho phẩm giá của con người”250. Rõ ràng nhiệm vụ của con người là phải phát triển các thái độ luân lý, là những thái độ căn bản đối với bất cứ xã hội nào thật sự muốn trở nên nhân bản (công bằng, liêm khiết, trung thực…), đó cũng là những thái độ mà đơn giản là không thể cứ chờ đợi nơi người khác hay cứ uỷ thác cho các cơ quan. Nhiệm vụ của hết mọi người, đặc biệt là của những người đang nắm giữ các trách nhiệm về chính trị, tư pháp hay chuyên môn, là phải trở thành người đánh thức lương tâm xã hội và là người đầu tiên minh chứng cho người khác thấy các điều kiện xã hội dân sự thì xứng đáng với con người.
C. SỰ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
a. Giá trị và giới hạn của tự do
135. Con người chỉ có thể hướng đến điều tốt trong tự do, đó là ơn mà Chúa đã ban cho con người như một trong những dấu hiệu cao quý nhất cho biết con người giống Thiên Chúa251. “Vì Thiên Chúa muốn con người cứ sống ‘dưới sự kiểm soát theo những quyết định của chính con người’ (Hc 15,14) để con người có thể tìm kiếm Đấng Tạo Hoá một cách tự nhiên và tự do khám phá ra sự hoàn thiện tuyệt vời nhờ trung thành với Ngài. Thế nên, chính phẩm giá con người buộc con người phải hành động phù hợp với sự lựa chọn có hiểu biết và tự do, nghĩa là được thúc đẩy và hướng dẫn một cách rất riêng tư từ bên trong, chứ không do sự thôi thúc của bản năng mù quáng hay bởi áp lực hoàn toàn bên ngoài”252.
Con người có lý khi trân trọng tự do và say mê theo đuổi nó: cũng có lý khi ao ước và khi phải tổ chức cũng như hướng dẫn đời sống cá nhân và xã hội của mình theo sáng kiến riêng, đồng thời dám chịu trách nhiệm về việc đó253. Thật vậy, tự do không những giúp con người sửa chữa tình trạng của sự việc bên ngoài mình thế nào cho đúng, mà còn quyết định sự phát triển của con người thông qua những lựa chọn phù hợp với điều tốt thật sự254. Có như thế, con người mới sinh ra mình, mới làcha của chính mình255, mới xây dựng trật tự xã hội được256.
136. Tự do không phải là một điều gì ngược với sự lệ thuộc vào Thiên Chúa của con người, trong tư cách là một thụ tạo257. Mạc khải dạy rằng quyền quyết định điều tốt hay xấu không thuộc về con người, mà chỉ thuộc về Thiên Chúa (x. St 2,16-17). “Con người chắc chắn có tự do bao lâu con người hiểu biết và chấp nhận giới răn của Chúa. Con người cũng có một sự tự do hết sức rộng lớn vì con người được phép ăn ‘bất cứ cây nào trong vườn’. Nhưng tự do của con người không phải là tự do vô hạn: nó phải dừng lại trước ‘cây biết lành biết dữ’, vì con người được mời gọi để biết chấp nhận luật luân lý do Thiên Chúa ban ra. Thật vậy, sự tự do của con người chỉ được thực hiện trọn vẹn và đầy đủ thật sự khi con người biết chấp nhận luật đó”258.
137. Muốn thực hành đúng đắn sự tự do cá nhân, con người cần có những điều kiện đặc biệt liên quan đến trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị và văn hoá, là những điều kiện rất “hay bị coi thường hoặc vi phạm. Những tình trạng mù quáng và bất công như thế sẽ làm hại tới trật tự luân lý, lôi kéo cả người mạnh lẫn kẻ yếu vào vòng cám dỗ phạm tội chống lại đức bác ái. Khi đi trệch khỏi luật luân lý, con người làm hại chính sự tự do của mình, trở thành tù nhân của chính mình, phá hỏng tình thân hữu với tha nhân và chống lại sự thật của Thiên Chúa”259. Việc loại trừ bất công làm thăng tiến tự do và phẩm giá con người: Tuy nhiên, “điều trước tiên cần làm là vận dụng các khả năng tinh thần và luân lý của cá nhân, cũng như nhắc nhở nhu cầu thường xuyên của con người là phải hoán cải nội tâm, nếu muốn thực hiện những sự thay đổi kinh tế và xã hội thực sự phục vụ con người”260.
b. Tự do liên kết với sự thật và luật tự nhiên
138. Khi thực hành tự do, con người thực hiện những hành vi tốt về mặt luân lý, có giá trị xây dựng con người và xã hội, nếu con người biết tuân theo sự thật, nghĩa là không tự coi mình là tạo hoá và là chủ nhân tuyệt đối của sự thật hay các chuẩn mực đạo đức261. Thật vậy, tự do không “lấy mình làm nguồn gốc tuyệt đối và vô điều kiện…, nhưng nguồn gốc của nó là cuộc sống trong đó tự do được định vị và thể hiện để cùng lúc vừa là giới hạn vừa là khả năng cho tự do hoạt động. Chúng ta có tự do của con người trong tư cách là các thụ tạo; đó là tự do được ban cho như một quà tặng, con người đón nhận tự do như nhận một hạt giống mà mình có bổn phận phải gieo trồng với tinh thần trách nhiệm”262. Còn nếu ngược lại thì tự do sẽ chết, đồng thời huỷ hoại con người và xã hội263.
139. Sự thật liên quan đến điều tốt và điều xấu được nhìn nhận một cách thực tiễn và cụ thể dựa vào phán đoán của lương tâm, sự thật này đưa con người tới chỗ sẵn sàng chịu trách nhiệm về điều tốt đã làm và điều xấu đã phạm. “Bởi đó, khi lương tâm đưa ra lời phán đoán thực tiễn, buộc con người phải thực hiện một hành vi đã quy định, người ta thấy giữa tự do và sự thật rõ ràng có tương quan với nhau. Chính vì lý do này mà lương tâm biểu lộ mình khi đưa ra những lời “phán đoán”, phản ánh sự thật về điều hay lẽ phải, chứ không phải khi có những “quyết định” võ đoán. Sự chín chắn và trách nhiệm của những phán đoán ấy - do một cá nhân là chủ thể đã nói ra hay đã thực hiện - không được đánh giá bởi việc lương tâm có được tự do đối với sự thật khách quan hay không, dù chủ thể được cho là tự mình quyết định, mà tuỳ thuộc vào việc con người có kiên trì tìm kiếm sự thật và có để cho sự thật đó hướng dẫn mình khi hành động hay không”264.
140. Khi hành xử tự do là chúng ta gián tiếp liên hệ đến một luật luân lý tự nhiên, có tính phổ quát, đi trước và liên kết hết mọi quyền lợi và nghĩa vụ của con người265. Luật tự nhiên “không gì khác hơn là chính ánh sáng của trí khôn được Thiên Chúa phú bẩm trong chúng ta. Nhờ đó, chúng ta biết phải làm gì và phải tránh gì. Thiên Chúa đã ban ánh sáng hay luật này cho thụ tạo”266. Luật này tham dự vào luật vĩnh viễn của Thiên Chúa, được đồng hoá với chính Thiên Chúa267. Luật này được gọi là luật “tự nhiên” vì lý trí ban bố luật này là lý trí của bản tính con người. Nó phổ quát và liên hệ với hết mọi người bao lâu nó được thiết lập bởi lý trí. Những mệnh lệnh chính của luật này, cũng là luật Thiên Chúa và luật tự nhiên, được trình bày trong Mười Điều Răn, cho biết những chuẩn mực tiên quyết và thiết yếu điều khiển đời sống luân lý268. Tiêu điểm của đời sống luân lý chính là hành vi hướng lên Thiên Chúa và phục tùng Thiên Chúa, là nguồn phát sinh và là Đấng phân xử tất cả những gì là tốt, đồng thời là hành vi nhìn nhận mọi người đều bình đẳng với mình. Luật tự nhiên phản ánh phẩm giá con người và đặt nền tảng cho các nghĩa vụ căn bản của con người269.
141. Trong tình trạng có nhiều nền văn hoá khác nhau như hiện nay, luật tự nhiên chính là điểm liên kết mọi dân tộc, thống nhất các nguyên tắc chung. Dù khi áp dụng các luật ấy chúng ta cần phải thích nghi cho phù hợp với các điều kiện sống khác nhau theo nơi chốn, thời gian và hoàn cảnh270, nhưng luật tự nhiên vẫn bất biến “dưới làn sóng các tư tưởng và phong tục tập quán khác nhau, đồng thời hỗ trợ sự tiến triển của các tư tưởng và phong tục tập quán ấy… Ngay cả khi người ta chối bỏ các nguyên tắc của luật tự nhiên, luật tự nhiên vẫn không thể bị tiêu diệt hay bị khai trừ khỏi tâm hồn con người. Nó luôn luôn tái hiện trong đời sống các cá nhân và xã hội”271.
Tuy nhiên, các mệnh lệnh của luật tự nhiên không được mọi người nhận thức rõ ràng và ngay từ đầu. Các sự thật tôn giáo và luân lý chỉ có thể được nhận thức “bởi mọi người một cách dễ dàng, chắc chắn và không trộn lẫn với sai lầm”272 là nhờ sự trợ giúp của ơn Chúa và Mạc khải. Luật tự nhiên là nền tảng mà Chúa dọn sẵn để chúng ta tiếp nhận luật mạc khải và ân sủng, trong việc phối hợp hài hoà với hoạt động của Thánh Thần273.
142. Luật tự nhiên, cũng là luật Chúa, không thể bị huỷ bỏ bởi tội con người274. Luật tự nhiên là nền tảng luân lý thiết yếu để con người xây dựng cộng đồng nhân loại và thiết lập dân luật, tức là những kết luận có tính cụ thể và phụ thuộc rút ra từ những nguyên tắc của luật tự nhiên275. Nếu nhận thức của con người về tính phổ quát của luật luân lý trở nên mù mờ thì người ta không thể nào xây dựng sự hiệp thông bền bỉ và chân chính với người khác, vì lúc đó không có sự tương ứng giữa sự thật và điều tốt, “dù có tội hay không, hành vi của chúng ta cũng làm tổn thương sự hiệp thông giữa người với người, và làm hại mỗi người”276. Thật vậy, chỉ khi nào ăn rễ sâu vào bản tính chung, sự tự do mới làm con người trở nên có tinh thần trách nhiệm và mới giúp con người biện minh được đời sống luân lý công khai của mình. Ai tự xưng là chuẩn mực duy nhất để đo lường các thực tại và sự thật, kẻ đó không thể sống bình an trong xã hội với đồng loại và không thể nào hợp tác với họ277.
143. Sự tự do có hướng chiều một cách bí ẩn ngược lại thái độ cởi mở trước sự thật và điều tốt của con người, và thường chuộng điều xấu hơn, thích khép kín cách ích kỷ, muốn nâng mình cao ngang tầm thần thánh, để tự tạo ra điều tốt và điều xấu: “Dù được dựng nên bởi Thiên Chúa trong tình trạng thánh thiện, nhưng ngay từ đầu lịch sử, con người đã lạm dụng tự do của mình, với sự khiêu khích thúc giục của thần dữ. Con người tự đặt mình chống lại Thiên Chúa và tìm cách đạt được mục đích đời mình bên ngoài Thiên Chúa… Thường xuyên từ chối nhìn nhận Thiên Chúa là căn nguyên của mình, con người cũng cắt đứt quan hệ với mục tiêu tối hậu của mình, cũng như với chính mình, với người khác, và với các thụ tạo”278. Bởi đó, cần phải giải phóng sự tự do của con người. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Kitô đã giải thoát con người khỏi sự tự ái lệch lạc279, là nguồn khiến con người khinh bỉ người khác và làm cho mọi mối quan hệ của con người mang sắc thái thống trị người khác. Đức Kitô cho chúng ta thấy sự tự do chỉ trở nên trọn vẹn khi biết hiến dâng bản thân mình280. Nhờ biết hy sinh trên thánh giá, Đức Giêsu đã đưa con người trở về hiệp thông lại với Thiên Chúa và tha nhân.
D. PHẨM GIÁ BÌNH ĐẲNG CỦA MỌI NGƯỜI
144. “Thiên Chúa tỏ ra không thiên vị ai” (Cv 10,34; x. Rm 2,11; Gl 2,6; Ep 6,9), vì mọi người đều có cùng phẩm giá của những thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa281. Việc Nhập thể của Con Thiên Chúa cho thấy mọi người đều bình đẳng về phẩm giá: “Không có Do Thái hay Hy Lạp, không có nô lệ hay tự do, không có nam hay nữ, vì tất cả anh em đều là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28; x. Rm 10,12; 1 Cr 12,13; Cl 3,11).
Vì vinh quang của Thiên Chúa đã sáng lên phần nào trên khuôn mặt của mỗi người, nên phẩm giá của mỗi người trước mặt Chúa chính là nền tảng đem lại phẩm giá của con người trước mặt người khác282. Ngoài ra, đó cũng là nền tảng cuối cùng đưa tới sự bình đẳng và tình huynh đệ căn bản giữa mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia, giới tính, nguồn gốc, văn hoá hay giai cấp.
145. Chỉ khi nào nhìn nhận phẩm giá con người, cá nhân mới có thể phát triển riêng cho mình và chung với người khác (x. Gc 2,1-9). Để thúc đẩy sự phát triển này, cần đặc biệt giúp đỡ những người yếu kém nhất, bảo đảm cho cả nam lẫn nữ có những điều kiện phát triển đồng đều, cũng như sự bình đẳng khách quan giữa các giai cấp xã hội khác nhau trước luật pháp283.
Trong các mối quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia, những điều kiện tiên quyết là các dân tộc và quốc gia phải được bình đẳng và coi trọng như nhau thì cộng đồng quốc tế mới phát triển đích thực284. Về phương diện này, dù có tiến hành thế nào cũng không được quên rằng hiện nay vẫn còn nhiều điều bất bình đẳng và nhiều hình thức lệ thuộc nhau285.
Bên cạnh việc nhìn nhận cách đồng đều phẩm giá của mỗi người và mỗi dân tộc, cũng cần phải nhận thức rằng người ta chỉ có thể bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người nếu việc ấy được thực hiện bởi cả cộng đồng và bởi toàn thể nhân loại. Chỉ khi hành động qua lại giữa các cá nhân và giữa các dân tộc, thật sự nhắm tới ích lợi của hết mọi người, thì tình huynh đệ đại đồng đích thực mới có được286; bằng không tất cả chúng ta sẽ nghèo nàn hơn do các điều kiện bất bình đẳng nghiêm trọng vẫn còn.
146. Dù phái “nam” và phái “nữ” là sự phân biệt hai cá thể có cùng phẩm giá, nhưng đó không phải là sự bình đẳng tĩnh, vì sự cá biệt của nữ giới khác với sự cá biệt của nam giới, sự khác biệt trong bình đẳng như thế sẽ làm phong phú và rất cần để giúp cuộc sống xã hội được hài hoà: “Tạo điều kiện để phụ nữ có mặt cách hợp lý trong Giáo Hội và xã hội chính là một sự quan tâm thấu đáo và sâu sắc hơn về nền tảng nhân học làm nên nam tính và nữ tính trong con người, hầu minh định bản sắc riêng của người phụ nữ trong tương quan với nam giới, tức là khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, không những trong các vai trò phải nắm giữ và chức năng phải thi hành, mà sâu xa hơn, cả trong cơ cấu và ý nghĩa làm cho người phụ nữ trở nên đúng là một ngôi vị”287.
147. Người nữ là phần bổ sung cho người nam, cũng như người nam là phần bổ sung cho người nữ: người nam và người nữ bổ túc cho nhau, không chỉ về mặt thể lý và tâm lý, mà cả về mặt hữu thể. Chính vì tính cách có hai mặt “nam” và “nữ” mà hữu thể con người mới trở thành một thực tại đầy đủ. Con người là “thể thống nhất gồm hai mặt”288, hay nói cách khác, là mối quan hệ “hai trong một”, nhờ đó mỗi người có thể trải nghiệm mối quan hệ liên vị và hỗ tương, vừa như một quà tặng vừa như một sứ mạng: “Thiên Chúa đã giao cho ‘thể thống nhất gồm hai mặt’ này không những việc sinh sản và đời sống gia đình, mà còn cả việc kiến tạo lịch sử”289. “Người nữ là ‘trợ tá’ cho người nam, cũng như người nam là ‘trợ tá’ cho người nữ!”290: khi người nam và người nữ gặp nhau, thì nhận thức thống nhất của con người được hình thành, không dựa trên logic tập trung vào mình và khẳng định mình, mà là dựa trên logic yêu thương và liên đới.
148. Những người thiếu khả năng vẫn là những chủ thể con người trọn vẹn, với những quyền lợi và nghĩa vụ: “Dù có những giới hạn và đau khổ tác động lên thân thể và các khả năng của mình, họ vẫn cho thấy mình có đầy đủ phẩm giá và sự cao cả của con người”291. Vì người khuyết tật vẫn là những chủ thể có đầy đủ quyền hạn, nên cần phải giúp họ tham gia vào đời sống gia đình và xã hội một cách đầy đủ về mọi chiều hướng ở bất cứ cấp độ nào họ có thể tham gia và tuỳ theo khả năng của họ.
Cần phải đẩy mạnh các quyền lợi của những người khuyết tật bằng những biện pháp hữu hiệu và thích đáng: “Thật không xứng đáng chút nào với con người, thậm chí còn phủ nhận đặc tính chung của con người, khi chỉ nhận những người có đầy đủ chức năng vào sinh hoạt cộng đồng và ngành nghề. Làm như thế là kỳ thị một cách nghiêm trọng, phân biệt người mạnh khoẻ với người đau yếu”292. Cần phải chú ý nhiều không những tới các điều kiện thể lý và tâm lý trong lao động, tới việc trả lương công bằng, tới khả năng thăng tiến và việc loại bỏ các trở ngại, mà còn cần chú ý tới những khía cạnh tình cảm và giới tính của những người khuyết tật: “Họ cũng cần yêu và được yêu, cần sự dịu dàng, gần gũi và thân mật”293, tuỳ theo khả năng của họ, đồng thời vẫn tôn trọng trật tự luân lý, là trật tự chung cho cả người lành lặn lẫn người khuyết tật.
E. BẢN TÍNH XÃ HỘI CỦA CON NGƯỜI
149. Tự bản chất, con người là một hữu thể xã hội294 vì Thiên Chúa – Đấng tạo dựng con người – muốn như thế295. Thật vậy, bản tính con người biểu lộ ra như bản tính của một hữu thể tìm cách đáp ứng các nhu cầu của mình. Việc biểu lộ này dựa vào chủ thể tính có tương quan, nghĩa là theo cách của một hữu thể tự do có trách nhiệm, vừa nhìn nhận nhu cầu phải tham gia cộng tác với các hữu thể khác, vừa có khả năng hiệp thông với họ cả trong hiểu biết lẫn yêu thương. “Một xã hội là một tập thể gồm những con người sống liên kết với nhau một cách sống động do có chung một nguyên lý thống nhất, vượt lên trên mỗi người. Là một tập hợp vừa hữu hình, vừa thiêng liêng, xã hội tồn tại qua thời gian: vừa thu thập quá khứ vừa chuẩn bị tương lai”296.
Bởi đó, cần phải nhấn mạnh rằng đời sống cộng đồng là một đặc điểm tự nhiên phân biệt con người với các thụ tạo khác trên trần gian. Chính hoạt động xã hội mang trong mình một dấu hiệu đặc biệt về con người và nhân loại, đó là con người luôn làm việc trong một cộng đồng gồm nhiều người: đây chính là dấu hiệu xác định các đặc điểm bên trong của con người, và theo một nghĩa nào đó, đây chính là cái làm nên bản tính của con người297. Nhìn trong ánh sáng đức tin, đặc điểm đó còn có một ý nghĩa sâu xa và bền vững hơn. Được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26), và được dựng nên hữu hình trong vũ trụ để có thể sống thành xã hội (x. St 2,20.23), đồng thời để làm chủ trái đất (x. St 1,26.28-30), con người được mời gọi ngay từ đầu hướng đến đời sống trong xã hội: “Thiên Chúa không tạo dựng con người như một ‘hữu thể cô độc’, nhưng Ngài muốn tạo con người thành một ‘hữu thể xã hội’. Bởi đó, đời sống xã hội không phải là cái gì nằm ngoài con người: con người chỉ có thể tăng trưởng và thực hiện ơn gọi của mình trong tương quan với người khác”298.
150. Bản tính xã hội của con người không tự động đưa họ tới chỗ hiệp thông với nhau, dâng hiến bản thân cho nhau. Vì tự phụ và ích kỷ, con người khám phá nơi bản thân mình có nhiều mầm mống thích cư xử phi xã hội, thúc giục họ tới chỗ tự giam mình trong cá tính riêng của mình và tìm cách thống trị người khác299. Xã hội nào muốn xứng với tên gọi của mình đều phải tin chắc rằng mình sẽ là xã hội đích thực khi tất cả mọi thành phần trong xã hội có thể theo đuổi điều tốt cho mình và cho người khác, nhờ nhận biết đâu là điều tốt. Chính vì yêu quý điều có ích cho mình và cho người khác mà người ta quy tụ thành những tập thể bền vững nhằm tìm kiếm ích lợi chung. Các xã hội loài người khác nhau cũng phải tạo ra nơi mình những quan hệ liên đới, liên lạc và cộng tác với nhau để phục vụ con người và công ích300.
151. Bản tính xã hội của con người không chỉ có một hình một dạng, nhưng được bộc lộ ra bằng nhiều cách. Thật vậy, công ích có được là tuỳ ở chỗ sự đa nguyên về xã hội có lành mạnh hay không. Mọi thành phần khác nhau của xã hội đều được mời gọi xây dựng một tập thể thống nhất và hoà hợp, trong đó mỗi thành phần đều có thể duy trì và phát triển những đặc tính riêng và sự tự trị của mình. Một số thành phần – như gia đình, cộng đồng dân sự và cộng đồng tôn giáo – đáp ứng trực tiếp hơn bản tính sâu xa của con người, nhưng cũng có những thành phần khác xuất hiện dựa trên căn bản tự nguyện nhiều hơn. “Để đẩy mạnh sự tham gia càng nhiều người càng tốt vào đời sống xã hội, cần khuyến khích thành lập các hiệp hội và các tổ chức tự nguyện ‘trên cấp quốc gia và quốc tế, có liên quan tới các mục tiêu kinh tế và xã hội, các hoạt động văn hoá và giải trí, thể thao, chính trị và các ngành nghề khác’. Việc xã hội hoá này cũng cho thấy khuynh hướng tự nhiên của con người, là nhằm thực hiện các mục tiêu mà các cá nhân tự mình không làm được. Điều này sẽ giúp phát triển các đức tính của con người, nhất là khả năng sáng tạo và ý thức trách nhiệm, đồng thời giúp bảo đảm các quyền lợi của con người”301.
-----------------------------------------------------------------------------------------------
233 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 26-39: AAS 63 (1971), 420-428.
234 Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939), 463.
235 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 13: AAS 83 (1991), 463.
236 Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 27: AAS 63 (1971), 421.
237 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 14: AAS 71 (1979), 284
238 x. Công đồng Chung Lateranô IV, ch.1, De fide Catholica: DS 800, tr. 259; CĐ.
Vatican I, Dei Filius, c. 1: De Deo Rerum omnium Creatore: DS 3002, tr. 587;
Vatican I, các khoản 2, 5: DS 30223, 3025, tr. 592, 593.
239 Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 48: AAS 85 (1993), 1172.
240 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 14: AAS 58 (1966), 1035; x.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 364.
241 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 14: AAS 58 (1966), 1035.
242 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 14: AAS 58 (1966), 1036; x.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 363, 1703.
243 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 15: AAS 58 (1966), 1036.
244 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 365.
245 Thánh Tôma Aquinô, Commentum in tertium librum Sententiarum, d. 27, q. 1, a. 4:
Ex utraque autem parte res immateriales infinitatem habent quo dammodo, quia sunt
qudammodo omnia, sive inquantum essentia rei immaterialis est exemplar et
similitudo omnium, sicut in Deo accidit, sive quia habet similitudinem omnium vel
actu vel potentia, sicut accidit in Angelis et animabus; x. Thánh Tôma Aquinô, Summa
Theologiae, (Tổng luận Thần học) I,q. 75, a.5: Nhà Xuất bản Leon. 5, 201-203.
246 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-1047.
247 Ibid., 27: AAS 58 (1966), 1047.
248 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2235.
249 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 24: AAS 58 (1966), 1045;
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 27, 356 và 358.
250 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1706.
251 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1705.
252 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 17: AAS 58 (1966), 1037; Giáo
lý Giáo hội Công giáo, 1730-732.
253 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 34: AAS 85 (1993), 1160-1161;
CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 17: AAS 58 (1966), 1038.
254 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1733.
255 x. Gregoriô thành Nyssa, De Vita Moysis, II, 2-3: PG 44, 327B-328B: unde fit, ut
nos ipsi patres quodammodo simus nostri… vitii ac virtutis ratione fingentes.
256 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 13: AAS 83 (1991), 809-810.
257 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1706.
258 Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 35: AAS 85 (1993), 1161-1162.
259 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1740.
260 Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 75: AAS 79 (1987), 587.
261 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1749-1756.
262 Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 86: AAS 85 (1993), 1201.
263 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 44, 99: AAS 85 (1993), 1168-
1169, 1210-1211.
264 Ibid., 61: AAS 85 (1993), 1181-1182.
265 x. Ibid., 50: AAS 85 (1993), 1173-1174.
266 Thánh Tôma Aquinô, In Duo Praecepta Caritatis et in Decem Legis Praecepta
Expositio, c. 1: Nunc autem de scientia operandorum intendimus: ad quam tractandan
quadruplex lex invenitur. Prima dicitur lex naturae; et haec nihil aliud est nisi lumen
intellectus insitum nobis a Deo, per quod cognoscimus quid agendum et quid
vitandum. Hoc lumen et hanc legem dedit Deus homini in creatione: Divi Thomae
Aquinatis, Doctoris Angelici, Pouscola Theologica, vol. II: De re spirituali, cura et
studio P. Fr. Raymundi Spiazzi, o.p., Marietti ed., Taurini – Romae 1954, p. 245.
267 x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 91, a.2, c:
Ed. Leon. 7, 154: partecipatio legis aeternae in rationali creatura lex naturalis dicitur.
268 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1955.
269 x. Ibid., 1956.
270 x. Ibid., 1957.
271 Ibid., 1958.
272 CĐ. Vatican I, Dei Filius, c. 2: DS 3005, tr. 588; x. Piô XII, Thông điệp Humani
Generis: AAS 42 (1950), 562.
273 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1960.
274 x. Thánh Augustinô, Confessions (Tự thú), 2,4,9: PL 32, 678: Furtum certe punit lex
tua, Domine, et lex scripta in cordibus hominium, quam ne ipsa quidem delet iniquitas.
275 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1959.
276 Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 51: AAS 85 (1993), 1175.
277 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 19-20: AAS 87 (1995), 421-424.
278 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 13: AAS 58 (1966), 1034-1035.
279 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1741.
280 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 87: AAS 85 (1993), 1201-1203.
281 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1934.
282 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 29: AAS 58 (1966), 1048-1049.
283 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 16: AAS 63 (1971), 413.
284 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 47-48: AAS 55 (1963), 279-281;
Phaolô VI, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (04-10-1965), 5: AAS 57
(1965), 881; Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ
50 (05-10-1995), 13: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 9-10.
285 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 84: AAS 58 (1996), 1107-1108.
286 x. Phaolô VI, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, 5: AAS 57 (1965), 881;
Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 43-44: AAS 59 (1967), 278-279.
287 Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 50: AAS 81
(1989), 489.
288 Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem, 11: AAS 80 (1988), 1678.
289 Gioan Phaolô II, Thư gửi các phụ nữ, 8: AAS 87 (1995), 808.
290 Gioan Phaolô II, Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật (09-07-1995): L’Osservatore
Romano, bản Anh ngữ, 12-07-1995, tr. 1; x. Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các giám
mục Giáo hội Công giáo về sự cộng tác giữa người nam và người nữ trong Giáo Hội
và trên thế giới: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11 đến 18-08-2004, tr. 5-8.
291 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 22: AAS 73 (1981), 634.
292 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 22: AAS 73 (1981), 634.
293 Gioan Phaolô II, Thông điệp cho Hội nghị Chuyên đề Quốc tế về Phẩm giá và
Quyền lợi của Người Thiểu năng về Tinh thần, 05-01-2004, 5: L’Osservatore
Romano, bản Anh ngữ, 21-01-2004, tr. 6.
294 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1996), 1034;
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1879.
295 x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh ngày 24-12-1942, 6: AAS 35 (1943), 11-12;
Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 264-265.
296 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1880.
297 Khuynh hướng xã hội tự nhiên của con người cũng cho thấy rõ xã hội không phải
bắt nguồn từ một “khế ước” hay một sự “thoả thuận”, mà bắt nguồn từ bản tính con
người; rồi từ đó người ta mới có thể tạo ra những thoả thuận thành lập các hiệp hội.
Không được quên rằng các ý thức hệ về khế ước xã hội đã dựa trên một quan điểm
nhân học sai lầm; bởi đó những hậu quả rút ra từ các ý thức hệ ấy không thể nào
– và trong thực tế chưa bao giờ – có ích lợi thật sự cho xã hội hay cho con người.
Huấn Quyền đã tuyên bố thẳng thắn những quan điểm ấy đều phi lý và rất tai hại:
x. Lêô XIII, TĐ. Libertas Praestantissimum: Acta Leonis XIII, 8 (1889), 226-227.
298 Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 32: AAS 79 (1987), 567.
299 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 25: AAS 58 (1966), 1045-1046.
300 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 26: AAS 80 (1988), 544-547;
CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099- 1100.
301 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1882.
IV. NHÂN QUYỀN
a. Giá trị của nhân quyền
152. Phong trào tiến tới chỗ xác định và công bố các quyền của con người là một trong những cố gắng quan trọng nhất nhằm đáp ứng cách hữu hiệu những đòi hỏi tất yếu của phẩm giá con người302. Giáo Hội coi các quyền này là cơ hội hết sức đặc biệt mà thời đại hôm nay đem lại, để phẩm giá con người được nhìn nhận cách hiệu quả hơn và phát huy khắp nơi như một đặc điểm được Thiên Chúa Tạo Hoá khắc ghi nơi các thụ tạo303. Huấn Quyền Giáo Hội không ngừng ghi nhận giá trị tích cực của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận ngày 10-12-1948, và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi như “một cột mốc thực sự trên con đường tiến bộ đạo đức của nhân loại”304.
153. Thật ra, nguồn gốc của các quyền con người nằm ngay trong chính phẩm giá của mỗi một con người305. Phẩm giá này, tồn tại bên trong đời sống con người và bằng nhau trong mỗi một người, đã được nhận thức và lĩnh hội trước tiên là nhờ lý trí. Nền tảng tự nhiên của các quyền này càng trở nên vững chắc hơn khi, nhờ ánh sáng siêu nhiên, người ta nhìn nhận rằng phẩm giá của con người, sau khi được Chúa trao ban và bị thương tổn sâu xa bởi tội, đã được Đức Giêsu Kitô đón nhận và cứu chuộc qua sự nhập thể, qua cái chết và sự sống lại của Người306.
Nguồn gốc sau cùng của các quyền con người không phải ở trong ý muốn thuần tuý của con người307, trong thực thể quốc gia hay chính quyền, nhưng là ở trong chính con người và trong chính Thiên Chúa Tạo Hoá. Những quyền này mang những đặc tính “phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng”308. Phổ quát, vì chúng hiện diện nơi hết mọi người, bất kể thời gian, địa điểm hay chủ thể. Bất khả xâm phạm, bao lâu “chúng tồn tại trong con người và trong phẩm giá con người”309 và vì “thật vô ích khi công bố các quyền mà đồng thời không làm gì để bảo đảm cho chúng được tôn trọng bởi mọi người, mọi nơi và vì mọi người”310. Bất khả nhượng, bao lâu “không ai có thể tước đoạt những quyền ấy khỏi người khác một cách chính đáng, bất kể người đó là ai, vì làm như thế là xâm phạm tới bản tính của chính họ”311.
154. Phải bảo vệ các quyền con người không chỉ một cách riêng lẻ mà còn như một tổng thể bảo vệ chỉ một phần các quyền này thôi sẽ là gián tiếp không nhìn nhận chúng. Các quyền ấy tương ứng với những đòi hỏi của phẩm giá con người, và trên hết, chúng gián tiếp thoả mãn các nhu cầu căn bản của con người trong lĩnh vực vật chất lẫn tinh thần. “Những quyền này đáp ứng cho mỗi giai đoạn của đời sống và cho mỗi tình huống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hoá. Gộp chung lại, chúng làm thành một tổng hợp thống nhất, rõ ràng là nhằm phát huy ích lợi của cả cá nhân lẫn xã hội về mọi mặt… Phát huy đầy đủ mỗi loại nhân quyền là cách bảo đảm cho mỗi một quyền được tôn trọng trọn vẹn”312. Phổ quát và không thể phân chia là những đặc tính riêng của các quyền con người: đó là “hai nguyên tắc vừa mang tính hướng dẫn vừa đòi hỏi các quyền ấy phải được ăn sâu vào mỗi nền văn hoá, các quyền ấy phải có chỗ đứng ngày càng vững vàng hơn trong pháp chế, có thế chúng mới bảo đảm được tuân thủ trọn vẹn”313.
b. Xác định các quyền cách riêng rẽ
155. Giáo huấn của Chân phúc Giáo hoàng Gioan XXIII314, của Công đồng Vatican II315, và của Đức Giáo hoàng Phaolô VI316 đã cống hiến cho chúng ta vô số chỉ dẫn để hiểu khái niệm nhân quyền như Huấn Quyền đã hiểu. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn lập một danh sách các quyền ấy trong Thông điệp Centesimus Annus: “quyền được sống, một phần không thể thiếu trong quyền ấy là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai; quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý giúp phát triển nhân cách của đứa trẻ; quyền được phát huy trí thông minh, được tự do tìm kiếm và hiểu biết sự thật; quyền được chia sẻ công ăn việc làm để sử dụng các nguồn lực vật chất của trái đất cách khôn ngoan, và quyền được lấy từ việc lao động những phương thế để trợ giúp bản thân và những người lệ thuộc vào mình; và quyền được tự do lập gia đình, quyền có con và dạy dỗ con qua việc thực hiện hành vi tính dục một cách có trách nhiệm. Theo một nghĩa nào đó, nguồn gốc và tổng hợp các quyền này chính là quyền tự do tôn giáo, được hiểu như quyền được sống theo sự thật của đức tin và phù hợp với phẩm giá siêu việt của một con người”317.
Quyền đầu tiên được nêu ra trong danh sách này là quyền được sống, từ khi thụ thai cho tới khi chết một cách tự nhiên318, cũng là điều kiện để có thể thi hành tất cả các quyền khác, và đặc biệt, gián tiếp coi mọi hình thức phá thai và làm chết êm ái là bất hợp pháp319. Giáo Hội cũng nhấn mạnh tới giá trị cao cả của quyền tự do tôn giáo: “mọi người phải được miễn không bị một sự cưỡng ép nào từ phía cá nhân hay tập thể xã hội hoặc bất cứ quyền bính nhân loại nào, để không ai bị ép buộc hành động ngược với niềm tin của mình, một cách riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với những người khác, trong giới hạn thích đáng”320. Tôn trọng quyền này là dấu chỉ cho biết “con người đã tiến bộ thật sự trong bất cứ chính thể, xã hội, hệ thống hay môi trường nào”321.
c. Quyền lợi và nghĩa vụ
156. Liên kết hết sức chặt chẽ với đề tài quyền lợi là vấn đề nghĩa vụ của con người, điều này cũng đã được nhấn mạnh cách thích đáng trong các lần can thiệp của Huấn Quyền. Sự bổ túc cho nhau giữa quyền lợi và nghĩa vụ – liên kết với nhau một cách hết sức chặt chẽ – đã được nhắc nhở vài lần, nhất là đối với người sở hữu những quyền lợi và nghĩa vụ ấy322. Mối liên kết này cũng có chiều hướng xã hội: “Trong xã hội loài người, quyền của người này là nghĩa vụ cho hết những người khác: cụ thể là nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng quyền ấy”323. Huấn Quyền đã lưu ý sự mâu thuẫn nội tại khi khẳng định các quyền lợi mà không nhìn nhận các trách nhiệm tương ứng. “Bởi đó, những ai đòi hỏi quyền lợi mà quên hay bỏ qua không thi hành các nghĩa vụ của mình là những người tay này xây dựng nhưng lại tay kia phá hoại”324.
d. Quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia
157. Phạm vi nhân quyền được mở rộng ra để bao gồm cả quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia325: thật vậy, “điều gì đúng với cá nhân thì cũng đúng với các dân tộc”326. Huấn Quyền đã chỉ ra rằng luật quốc tế “dựa trên nguyên tắc phải tôn trọng một cách bình đẳng đối với các quốc gia, đối với quyền tự quyết của mỗi dân tộc và đối với sự hợp tác tự do nhằm đạt được công ích cao hơn cho cả nhân loại”327.
Hoà bình được xây dựng không chỉ dựa trên sự tôn trọng các quyền con người, mà còn trên sự tôn trọng các quyền của dân tộc, nhất là quyền độc lập328.
Các quyền của các quốc gia không là gì khác hơn là “các quyền con người được vun đắp ở cấp đời sống cộng đồng”329. Một quốc gia có “quyền căn bản để tồn tại”, quyền “có ngôn ngữ và văn hoá riêng, để qua đó dân tộc thể hiện và phát huy… ‘chủ quyền’ tinh thần căn bản của mình”, quyền “định hướng cuộc sống của mình theo những truyền thống riêng của quốc gia, dĩ nhiên khai trừ mọi lạm dụng các quyền căn bản của con người và đặc biệt sự đàn áp các người thiểu số”, quyền “xây dựng tương lai mình bằng cách cung cấp một nền giáo dục chính đáng cho thế hệ trẻ”330. Trật tự quốc tế đòi phải có sự quân bình giữa tính đặc thù và phổ quát, mà mỗi quốc gia được mời gọi thể hiện ra, vì nghĩa vụ trên hết của các quốc gia là sống hoà bình, tôn trọng và liên đới với các quốc gia khác.
e. Lấp đầy khoảng cách giữa chữ viết và tinh thần
158. Việc công bố long trọng các quyền con người lại mâu thuẫn với một thực tế rất đáng buồn là các quyền ấy đã bị xâm phạm, với đủ loại chiến tranh và bạo lực, nhất là những cuộc diệt chủng và lưu đày tập thể, việc mở rộng gần như trên toàn thế giới những hình thức chưa từng thấy của sự nô lệ như buôn người, bắt trẻ em làm lính, bóc lột người lao động, buôn bán ma tuý trái phép, mãi dâm. “Ngay tại những nước có chính phủ theo thể thức dân chủ, những quyền này không phải lúc nào cũng được tôn trọng”331.
Tiếc thay, có một khoảng cách giữa “chữ viết” và “tinh thần” của nhân quyền332, mà chúng ta có thể lần ra nguyên do là vì người ta chỉ nhìn nhận các quyền này một cách hết sức hình thức. Khi lưu tâm đến đặc ân mà Tin Mừng dành cho người nghèo, học thuyết Xã hội Công giáo luôn nhắc đi nhắc lại rằng “những ai may mắn hơn nên khước từ một số quyền lợi của mình để lấy của cải mình đang có phục vụ người khác một cách rộng rãi”; và việc đòi bình đẳng một cách gắt gao quá “có thể tạo ra chủ nghĩa cá nhân, trong đó ai cũng đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình mà không thèm chịu trách nhiệm về công ích”333.
159. Giáo Hội, ý thức sứ mạng của mình tuy chính yếu là tôn giáo cũng bao gồm việc bảo vệ và phát huy các quyền con người334, Giáo Hội “đánh giá rất cao phong trào rất mạnh hiện nay là đâu đâu cũng cổ vũ các quyền con người”335. Giáo Hội cảm nghiệm sâu sắc nhu cầu phải tôn trọng công lý336 và các quyền con người337 ngay trong hàng ngũ Giáo Hội.
Giáo Hội dấn thân trong công tác mục vụ này theo hai hướng: bằng cách công bố những nền tảng Kitô giáo của nhân quyền và bằng cách tố cáo những sự vi phạm các quyền này338. Dù sao, “công bố bao giờ cũng quan trọng hơn là tố cáo, và không thể tố cáo mà quên công bố, vì có như thế việc tố cáo mới chắc chắn và có động cơ cao cả”339. Để đạt hiệu quả cao hơn, việc dấn thân này nên có sự cộng tác đại kết, đối thoại với các tôn giáo, tiếp xúc thích đáng với các tổ chức khác, bất luận thuộc chính phủ hay phi chính phủ, ở cấp quốc gia hay quốc tế. Trên hết, Giáo Hội cậy dựa vào sự giúp đỡ của Chúa và của Thánh Thần Ngài, vì khi được đổ vào tâm hồn con người, Thánh Thần ấy chính là bảo đảm chắc chắn nhất cho công bằng và nhân quyền được tôn trọng, cũng như góp phần đem lại hoà bình. “Đẩy mạnh công lý và hoà bình, đưa ánh sáng và men Tin Mừng thâm nhập mọi lĩnh vực của xã hội con người, đó luôn luôn là mục tiêu Giáo Hội ra sức nhắm tới khi thi hành mệnh lệnh của Chúa”340.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
302 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 1: AAS 58 (1966), 929-930.
303 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 41: AAS 58 (1966), 1059-
1060; Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội
của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 32, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma
1988, tr. 36-37.
304 Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 34 (02-10-
1979), 7: AAS 71 (1979), 1147-1148; đối với Đức Gioan Phaolô II, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền “vẫn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của lương tâm nhân loại trong thời đại hôm nay”: Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 2: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 8.
305 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 27: AAS 58 (1966), 1047-
1048; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1930.
306 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259; CĐ. Vatican II,
Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1079.
307 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 278-279.
308 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259.
309 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 3: AAS 91 (1999), 379.
310 Phaolô VI, Thông điệp gửi Hội nghị Quốc tế về Nhân quyền, tại Teheran (15-04-
1968): L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 02-05-1968, tr. 4.
311 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 3: AAS 91 (1999), 379.
312 Ibid.
313 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1998, 2: AAS 90 (1998), 149.
314 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259-264.
315 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-1047.
316 x. Phaolô VI, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (04-10-1965), 10: AAS 57
(1965), 877-885; Phaolô VI, Thông điệp gửi các giám mục tham dự Thượng Hội
đồng (26-10-1974): AAS 66 (1974), 631-639.
317 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1991), 851-852; x.
Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 34 (02-10-1979), 13: AAS
71 (1979), 1152-1153.
318 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 2: AAS 87 (1995), 402
319 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 27: AAS 58 (1966), 1047-
1048; Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 80: AAS 85 (1993), 1197-
1198; Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 7-28: AAS 87 (1995), 408-433.
320 CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 2: AAS 58 (1966), 930-931.
321 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptori Hominis, 17: AAS 71 (1979), 300.
322 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259-264; CĐ. Vatican
II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-1047.
323 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 264.
324 Ibid.
325 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 33: AAS 80 (1988), 557-559;
Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 21: AAS 83 (1991), 818-819.
326 Gioan Phaolô II, Tông thư nhân kỷ niệm 50 năm bùng nổ Thế Chiến Thứ Hai, 8:
L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 04-09-1989, tr. 2.
327 Ibid.
328 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (09-01-1988), 7-8: L’Osservatore
Romano, bản Anh ngữ, 25-01-1988, tr. 7.
329 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 50 (05-10-
1995), 8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr.9.
330 Ibid.
331 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1991), 852.
332 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 17: AAS 71 (1979), 295-300.
333 Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 23: AAS 63 (1971), 418.
334 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 859-860.
335 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 41: AAS 58 (1966), 1060.
336 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các Quan chức và Luật sư của Toà Thượng Thẩm
Roma (17-02-1979), 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, II, 1 (1979), 413-414.
337 x. Giáo Luật, điều 208-223.
338 x. Hộng đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Giáo Hội và Nhân quyền, 70-90,
Vatican City 1975, tr. 45-54.
339 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 572.
340 Phaolô VI, Tự sắc Justitiam et Pacem (10-12-1976): L’Osservatore Romano, 23-12-
1976, tr. 10