Skip to content
banner

Bài 4: Các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo

BTT UBCLHB
2021-01-22 16:21 UTC+7 480
Những nguyên tắc trường tồn của Học thuyết Xã hội Công giáo341 chính là trọng tâm của giáo huấn xã hội Công giáo. Đó là những nguyên tắc: phẩm giá con người, đã được đề cập trong chương trước, đây là nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác đồng thời là nộ

I. Ý NGHĨA VÀ SỰ THỐNG NHẤT


160. Những nguyên tắc trường tồn của Học thuyết Xã hội Công giáo341 chính là trọng tâm của giáo huấn xã hội Công giáo. Đó là những nguyên tắc: phẩm giá con người, đã được đề cập trong chương trước, đây là nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác đồng thời là nội dung của Học thuyết Xã hội Công giáo342; công ích; bổ trợ; và liên đới. Những nguyên tắc này, diễn tả toàn bộ sự thật về con người theo sự nhận biết của lý trí và đức tin, được khai sinh từ “cuộc gặp gỡ giữa thông điệp Tin Mừng và những đòi hỏi của Tin Mừng được tóm tắt trong giới răn tối thượng về lòng mến Chúa và yêu người trong công lý, với những vấn đề phát sinh từ đời sống xã hội”343. Trải qua dòng lịch sử và được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã khôn ngoan suy tư ngay từ trong khuôn khổ truyền thống đức tin của mình, để có thể cung cấp một nền tảng và một hình thù chính xác hơn cho những nguyên tắc ấy, lần lượt giải thích những nguyên tắc ấy để đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thời đại và những sự phát triển liên tục của đời sống xã hội.


161. Đây là những nguyên tắc mang tính tổng quát và căn bản vì chúng liên quan tới xã hội trong toàn bộ thực tại của nó: liên quan đến các mối quan hệ, từ những quan hệ gần gũi và trực tiếp tới những quan hệ bị chi phối bởi chính trị, kinh tế và luật pháp hay những quan hệ giữa các cộng đồng và các tập thể, hoặc những quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia. Chính vì những tương quan này luôn tồn tại trong thời gian và mang ý nghĩa phổ quát, nên chúng được Giáo Hội giới thiệu như những thông số đầu tiên và căn bản để mọi người phải tham khảo hầu giải thích và đánh giá các hiện tượng xã hội, mà đây chính là nguồn cần thiết để rút ra những tiêu chuẩn giúp phân biệt và định hướng cho những sự tương tác trong xã hội thuộc mọi lĩnh vực.


162. Các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo phải được đánh giá trong thể thống nhất, trong tính quan hệ và liên kết mạch lạc với nhau của chúng. Sở dĩ có đòi hỏi trên là vì đích thân Giáo Hội đã gán cho học thuyết xã hội của mình ý nghĩa này: đó là coi nó như một tổng hợp giáo lý thống nhất giải thích các thực tại xã hội hiện nay một cách hệ thống344. Nếu có xét riêng rẽ từng nguyên tắc thì việc này không được dẫn đến việc dùng các nguyên tắc ấy từng phần riêng biệt hay dùng một cách sai lạc; đó là trường hợp khi chúng ta dẫn chứng các nguyên tắc ấy một cách rời rạc và không liên kết mạch lạc với những nguyên tắc khác. Khi hiểu biết một cách sâu xa về mặt lý thuyết, rồi áp dụng cách cụ thể chỉ một trong các nguyên tắc trên thôi, chúng ta sẽ thấy tính chất hỗ tương, bổ túc và liên hệ với nhau giữa các nguyên tắc, như một phần làm nên cơ cấu của các nguyên tắc ấy. Ngoài ra, các nguyên tắc căn bản của Học thuyết Xã hội Công giáo không phải chỉ là một di sản suy tư bền vững, mà còn là một phần cốt yếu trong thông điệp Kitô giáo, vì chúng chỉ cho chúng ta thấy những đường hướng có thể giúp chúng ta xây dựng một đời sống xã hội tốt đẹp, đích thực và mới mẻ345.


163. Nhìn trong toàn thể, các nguyên tắc của học thuyết xã hội chính là sự phát biểu đầu tiên về sự thật của xã hội, mà qua đó mỗi lương tâm được khuyến khích, cũng như được mời gọi cộng tác với các lương tâm khác trong sự thật, trong sự chia sẻ trách nhiệm với mọi người và chịu trách nhiệm về mọi người. Thật vậy, con người không thể né tránh vấn đề tự do và ý nghĩa của đời sống xã hội, vì xã hội không phải là một thực tại ở bên ngoài hay xa lạ với con người.

Các nguyên tắc này có ý nghĩa luân lý sâu xa vì chúng liên hệ tới những nền tảng cuối cùng, mang tính cơ cấu của cuộc sống xã hội. Muốn hiểu trọn vẹn các nguyên tắc này, cần hành động phù hợp với những nguyên tắc ấy, đi theo con đường phát triển mà chúng đã vạch ra để có một cuộc sống xứng đáng với con người. Yêu cầu đạo đức nằm trong chính các nguyên tắc xã hội xuất sắc ấy là yêu cầu có liên quan tới cách ứng xử của mỗi cá nhân mà trong đó họ là chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên và quan trọng của đời sống xã hội, bất kể ở cấp độ nào, và đồng thời cũng liên quan tới các định chế được biểu hiện bởi luật pháp, bởi các quy phạm đã trở thành thông lệ và bởi các cấu trúc dân sự, vì những nhân tố này có thể ảnh hưởng và chi phối các sự lựa chọn của con người trong một thời gian dài. Thật vậy, các nguyên tắc ấy nhắc chúng ta nhớ rằng một xã hội có mặt trong lịch sử là do có nỗ lực liên kết những sự tự do của tất cả những người đang hoạt động trong xã hội ấy, họ đóng góp qua những lựa chọn của mình để xây dựng xã hội hay làm cho nó nghèo đi.

----------------------------------------------------------------------------------------------

341 x. Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội

của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 29-42, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican,

Roma 1988, tr. 35-43.

342 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 453.

343 Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 72: AAS 79 (1987), 585.

344 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 1: AAS 80 (1988), 513-514.

345 x. Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội

của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 47, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican,

Roma 1988, tr. 47.

II. NGUYÊN TẮC CÔNG ÍCH


a. Ý nghĩa và những hệ luận đầu tiên


164. Nguyên tắc công ích: mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Hiểu theo nghĩa ban đầu, và được chấp nhận rộng rãi, công ích là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn”346.

Công ích không chỉ đơn giản là tổng số các thiện ích riêng của mỗi người trong một thực thể xã hội. Dù là thuộc về mọi người và mỗi người, công ích vẫn là và mãi mãi là ích lợi “chung”, vì nó không thể phân chia được và vì khi cùng chung như thế người ta mới có thể có được nó, mới phát triển và bảo vệ được hiệu quả của nó, với tầm nhìn hướng về tương lai. Cũng như hành vi luân lý của một người được thực hiện chính khi người ấy làm điều tốt, các hành vi của xã hội cũng chỉ có tầm vóc tương xứng khi chúng đem lại ích lợi chung. Thật vậy, có thể hiểu công ích là khía cạnh xã hội và cộng đồng của luân lý.


165. Một xã hội mong muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp độ là một xã hội phải lấy công ích – tức là ích lợi của hết mọi người và của con người toàn diện347 – làm mục tiêu tiên quyết của mình. Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân mình, nếu bỏ qua sự kiện là con người hiện hữu “với” người khác và “vì” người khác. Sự thật này không chỉ bắt con người phải sống với người khác ở các cấp độ khác nhau trong đời sống xã hội, mà còn bắt con người phải không ngừng tìm kiếm – không chỉ tìm kiếm trong ý tưởng mà cả trong thực tế cụ thể – điều tốt, tức là ý nghĩa và sự thật, được tìm thấy trong hết mọi hình thức đang có của đời sống xã hội. Không có tổ chức nào của đời sống xã hội – từ gia đình đến các tập thể xã hội trung gian, các hiệp hội, các tổ chức mang bản chất kinh tế, các thành thị, các khu vực, các quốc gia, cho đến cộng đồng các dân tộc và các quốc gia – có thể tránh né việc tìm kiếm công ích, vì đó chính là yếu tố làm nên ý nghĩa và là lý do hiện hữu của các tổ chức ấy348.


b. Trách nhiệm của mọi người đối với công ích


166. Những yêu cầu của công ích tuỳ thuộc vào những điều kiện xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử và có liên hệ chặt chẽ với việc tôn trọng và thăng tiến con người toàn diện cũng như các quyền căn bản của con người349. Những yêu cầu này trước hết bao gồm việc dấn thân xây dựng hoà bình, tổ chức các cơ quan quyền lực của quốc gia, xây dựng một hệ thống tư pháp lành mạnh, bảo vệ môi trường và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho hết mọi người, mà một số trong đó cũng là các quyền lợi của con người: lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục và tiếp cận văn hoá, di chuyển, chăm sóc sức khoẻ căn bản, tự do truyền đạt và bày tỏ quan điểm, bảo vệ sự tự do tôn giáo350. Người ta cũng không được quên sự đóng góp mà mỗi quốc gia có bổn phận phải đưa ra để tiến tới việc hợp tác toàn cầu cho công ích của toàn thể nhân loại và cả của các thế hệ tương lai351.


167. Bởi đó, công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tuỳ theo khả năng của mỗi người352. Phải phục vụ công ích một cách đầy đủ, chứ không theo những chủ trương giản lược mà một số dân tộc đưa ra nhằm lợi ích riêng của mình; trái lại, phải xây dựng công ích dựa trên một logic sẽ đưa người ta tới chỗ chịu trách nhiệm nhiều hơn. Công ích là điều đáp ứng bản năng cao cả nhất trong số các bản năng của con người353, nhưng đó cũng là một giá trị rất khó thực hiện vì đòi phải có năng lực và cố gắng liên tục trong việc mưu cầu ích lợi cho người khác, như thể đó là ích lợi của bản thân mình.

Mỗi người cũng có quyền hưởng những điều kiện của đời sống xã hội do việc tìm kiếm công ích đem lại. Giáo huấn của Đức Giáo hoàng Piô XI vẫn còn xác đáng: “Như mọi người có óc nhận định đều biết, ngày nay của cải của thế giới thụ tạo đang được phân phối dưới ảnh hưởng của những tệ đoan nặng nề, xuất phát từ chỗ có sự chênh lệnh khổng lồ giữa một thiểu số cực kỳ giàu có với vô số người không có tài sản; cần phải tổ chức lại sự phân phối ấy cách hiệu quả và phù hợp với các chuẩn mực về công ích, tức là công bằng xã hội”354.


c. Các nhiệm vụ của cộng đồng chính trị


168. Trách nhiệm đạt tới công ích không những thuộc về các cá nhân, mà còn là trách nhiệm của Nhà Nước, vì công ích là lý do khiến quyền hành chính trị tồn tại355. Thật vậy, Nhà Nước phải bảo đảm cho xã hội dân sự, mà Nhà Nước là một biểu hiện356, được trật tự, thống nhất và có tổ chức, để công ích có thể được thực hiện với sự cộng tác của mỗi công dân. Cá nhân, gia đình hay các tập thể trung gian không thể tự mình phát triển bản thân trọn vẹn để sống một cuộc sống nhân bản thật sự. Vì thế, cần phải có các cơ quan chính trị giúp đỡ, vì mục đích của những cơ quan này là làm sao sẵn sàng cống hiến cho con người những thiện ích cần thiết cho đời sống vật chất, văn hoá, luân lý và tâm linh. Thật vậy, mục tiêu của đời sống xã hội là công ích mà người ta có thể đạt được trong thực tế lịch sử357.


169. Để bảo đảm công ích, chính phủ mỗi nước có nghĩa vụ đặc biệt là làm hài hoà các quyền lợi khác nhau của các thành phần xã hội với các đòi hỏi của công lý358. Thật vậy, điều hoà cách thích hợp các lợi ích của các tập thể với các lợi ích của các cá nhân là một trong những nhiệm vụ tế nhị nhất của chính quyền. Ngoài ra, không được quên rằng trong các quốc gia dân chủ, nghĩa là trong các nước mà các quyết định thường được đưa ra do đa số các đại biểu được dân chúng bầu lên, những ai có trách nhiệm lãnh đạo đất nước đều phải biết thể hiện công ích của quốc gia, không chỉ theo hướng đi của đa số mà còn theo ích lợi thật sự của mọi thành phần trong cộng đồng, kể cả các nhóm thiểu số.


170. Công ích của xã hội không phải là một mục tiêu tự thân: nó chỉ có giá trị khi có liên quan với việc thực hiện các mục tiêu tối hậu của con người và ích lợi chung của toàn thể thụ tạo. Thiên Chúa là mục tiêu tối hậu của các thụ tạo do Ngài dựng nên, và vì thế, không thể vì bất cứ lý do gì mà công ích mất đi chiều hướng siêu việt, tức là chiều hướng vừa vượt lên trên lịch sử vừa hoàn thành lịch sử359. Viễn cảnh này đạt đến sự viên mãn của nó nhờ tin vào cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, một mầu nhiệm cho chúng ta thấy rõ ích lợi chung thực sự của nhân loại đã được thực hiện như thế nào. Lịch sử của chúng ta – tức là nỗ lực cá nhân cũng như tập thể để nâng cao thân phận con người – bắt đầu và kết thúc nơi Đức Giêsu: nhờ Người, với Người và trong ánh sáng của Người, mọi thực tại, kể cả xã hội loài người, có thể được đưa tới Sự Thiện Tối Thượng, tới mức thành toàn của công ích. Một nhãn quan thuần tuý lịch sử và vật chất sẽ kết thúc bằng cách biến công ích thành một sự an vui đơn thuần về mặt kinh tế và xã hội mà không hướng tới một mục tiêu siêu việt nào, tức là không có lý do hiện hữu sâu xa nào của chính công ích.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

346 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046; x.

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1905-1912; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra:

AAS 53 (1961), 417-421; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963),

272-273; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 46: AAS 63 (1971), 433-435.

347 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1912.

348 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 272.

349 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1907.

350 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-1047.

351 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 421.

352 x. Id., Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 417; Phaolô VI, Tông thư

Octogesima Adveniens, 46: AAS 63 (1971), 433-435; Giáo lý Giáo hội Công giáo,

1913.

353 Thánh Tôma Aquinô đặt “hiểu biết sự thật về Thiên Chúa” và “đời sống xã hội” là

mức cao nhất và đặc biệt nhất của các “inclinationes naturales” (các khuynh hướng

tự nhiên) (Summa Theologiae, I-II, q. 94, a. 2: Ed. Leon. 7, 170: Secundum igitur

ordinem inclinationum naturalium est ordo praeceptorum legis naturae… Tertio modo

inest homini inclinatio ad bonum secundum naturam rationis, quae est sibi propria;

sicut homo habet naturalem inclinationem ad hoc quod veritatem cognoscat de Deo,

et ad hoc quod in societate vivat).

354 Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 197.

355 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1910.

356 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 74: AAS 58 (1966), 1095-

1097; Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 17: AAS 71 (1979), 295-300.

357 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 133-135; Piô

XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum Novarum:

AAS 33 (1941), 200.

358 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1908.

359 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 843-845.

III. MỤC TIÊU PHỔ QUÁT CỦA CỦA CẢI


a. Nguồn gốc và ý nghĩa


171. Trong số rất nhiều hệ luỵ rút ra từ công ích, quan trọng nhất là nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát: “Thiên Chúa đã tiền định cho trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng đều là cho mọi người và cho mọi dân tộc, ngõ hầu mọi thụ tạo đều được chia sẻ cách tương xứng cho hết mọi người dựa vào công lý, được điều tiết bởi bác ái”360. Nguyên tắc này dựa trên sự kiện “nguồn cội sau hết của mọi điều tốt lành là chính Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng cả trái đất lẫn con người, và đã trao trái đất cho con người để con người dùng lao động mà thống trị nó và hưởng dùng hoa trái của nó (St 1,28-29). Thiên Chúa ban trái đất cho toàn thể nhân loại để nuôi sống mọi người trong nhân loại, không loại trừ người nào mà cũng không ưu đãi người nào. Đây chính là nền tảng của mục tiêu phổ quát được gán cho các của cải trên trái đất. Vì mang lại nhiều hoa trái và có khả năng thoả mãn các nhu cầu của con người, nên trái đất chính là quà tặng đầu tiên Chúa ban cho để bảo tồn sự sống con người”361. Con người không thể làm gì mà không có của cải vật chất, là thứ đáp ứng các nhu cầu căn bản của con người và cũng là điều kiện căn bản cho con người tồn tại. Những của cải này tuyệt đối cần thiết nếu như con người phải tự nuôi thân, lớn lên, liên lạc, hợp tác với người khác, và thực hiện các mục tiêu cao cả nhất mà con người được mời gọi thi hành362.


172. Quyền sử dụng của cải trên trái đất là quyền dựa trên nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải. Mỗi người phải đạt được mức an sinh cần thiết để có thể phát triển trọn vẹn. Quyền dùng chung của cải là “nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự đạo đức và xã hội”363 và là “nguyên tắc điển hình của giáo huấn xã hội Công giáo”364. Chính vì lý do này, Giáo Hội thấy mình có nghĩa vụ phải xác định bản chất và đặc tính của nguyên tắc này. Trước hết, đó là một quyền tự nhiên, được khắc ghi trong bản tính con người chứ không chỉ là một quyền thiết định có liên quan với hoàn cảnh xã hội hay thay đổi. Ngoài ra, đó còn là một quyền “nội tại”365. Đó là một quyền bẩm sinh nơi mỗi cá nhân trong mỗi con người, và có trước khi con người can thiệp bằng bất cứ cách nào liên quan đến tài sản, có trước bất cứ hệ thống pháp luật nào liên quan đến vấn đề này, có trước bất cứ hệ thống hoặc bất cứ phương pháp nào trong lĩnh vực kinh tế hay xã hội: “Mọi quyền lợi khác, kể cả quyền tư hữu và quyền buôn bán tự do, đều phải lệ thuộc chuẩn mực này (tức là mục tiêu phổ quát của của cải); chúng không được cản trở, mà phải tìm cách áp dụng chuẩn mực này vào thực tế nữa. Chúng ta phải coi việc quy chiếu các quyền này về với mục tiêu ban đầu của chúng là một bổn phận xã hội hết sức cấp thiết và nghiêm trọng”366.


173. Đưa nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải vào thực tiễn, tuỳ theo những bối cảnh văn hoá và xã hội khác nhau, là phải xác định thật chính xác các phương pháp, các giới hạn và các đối tượng. Phân phối và sử dụng của cải một cách phổ quát không có nghĩa là mọi sự đều dành cho mỗi người và cho mọi người sử dụng cách tuỳ tiện, cũng không có nghĩa là cùng một vật nhưng có thể có ích hay thuộc về mỗi người hoặc thuộc về hết mọi người. Nếu đúng là mọi người đều được sinh ra với quyền sử dụng của cải trên trái đất, thì cũng đúng không kém là để bảo đảm cho quyền này được thi hành một cách công bằng và trật tự, cần phải có những sự can thiệp để điều hoà, theo sau những thoả thuận cấp quốc gia và quốc tế, và phải có một trật tự pháp lý để phán đoán và xác định việc thi hành quyền ấy.


174. Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải chính là lời mời gọi chúng ta hãy triển khai một tầm nhìn kinh tế, được gợi hứng từ các giá trị luân lý, nhờ đó con người không đánh mất nguồn gốc và mục tiêu của của cải, ngõ hầu từ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới, trong đó việc tạo ra của cải có thể mang một chức năng tích cực. Thật vậy, của cải cho thấy lý tưởng trên đây có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn của cải có thể xuất hiện như kết quả của một tiến trình sản xuất, một tiến trình đã được thực hiện có sự giúp đỡ của các nguồn công nghệ và kinh tế có sẵn, cả tự nhiên lẫn phi tự nhiên. Kết quả này có được là do có năng lực kinh tế, biết lập kế hoạch và cách làm việc, đồng thời biết sử dụng kết quả ấy làm phương tiện đẩy mạnh sự an sinh cho hết mọi người, mọi dân tộc, cũng như ngăn chặn sự khai trừ và bóc lột mọi người, mọi dân tộc.


175. Muốn thực hiện được mục tiêu phổ quát cho của cải, cần phải có nỗ lực chung hầu tạo cho mỗi người và mọi dân tộc những điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện, hầu ai cũng có thể góp phần làm cho thế giới nhân bản hơn. “Trong thế giới ấy, mỗi cá nhân có thể cho và nhận, và trong thế giới ấy, sự tiến bộ của người này không còn cản trở sự phát triển của những người khác, cũng không còn là chiêu bài để bắt người khác làm nô lệ”367. Nguyên tắc này phù hợp với tiếng gọi mà Tin Mừng không ngừng loan báo cho con người và xã hội mọi thời, dù con người luôn luôn bị cám dỗ bởi ước muốn chiếm hữu, những cám dỗ mà chính Chúa Giêsu đã chọn để trải nghiệm (x. Mc 1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,1-13) hầu dạy chúng ta biết làm thế nào để thắng vượt các cám dỗ ấy cùng với ơn Người ban.


b. Mục tiêu phổ quát của của cải và quyền tư hữu


176. Nhờ lao động và nhờ tận dụng khả năng trí tuệ, người ta có khả năng thống trị trái đất và biến nó thành một nơi ở thích hợp: “Bằng cách đó, con người biến một phần trái đất thành của mình, chính xác hơn là biến phần trái đất mà mình đã thu được thông qua lao động; đây chính là nguồn gốc của tư hữu”368. Nhờ tư hữu và các hình thức khác trong việc làm chủ của cải cách cá nhân, con người đã “bảo đảm cho mình có một không gian hết sức cần thiết để thực hiện sự độc lập cho cá nhân và gia đình, có thể coi đó là sự nối dài tự do của con người… thúc giục con người thi hành trách nhiệm, và là một trong những điều kiện để có được sự tự do dân sự”369. Tư hữu chính là một yếu tố căn bản làm nên chính sách kinh tế và xã hội thực sự dân chủ; đó cũng là một bảo đảm để có một trật tự xã hội đúng đắn. Học thuyết Xã hội Công giáo đòi việc làm chủ của cải phải được mở ra một cách đồng đều cho hết mọi người370, để mọi người đều có thể trở thành chủ nhân, ít là trong một chừng mực nào đó, và tránh được tình trạng phải chấp nhận những hình thức “làm chủ một cách chung chạ và hỗn độn”371.


177. Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm: “Ngược lại, truyền thống ấy luôn luôn hiểu quyền này trong khuôn khổ rộng lớn hơn là quyền của hết mọi người được sử dụng tài nguyên của toàn vũ trụ: quyền tư hữu phải lệ thuộc quyền sử dụng chung, lệ thuộc thực tế sau đây: của cải là nhằm phục vụ hết mọi người”372. Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải là một cách khẳng định chủ quyền vĩnh viễn và trọn vẹn của Thiên Chúa trên mọi thực tại và yêu cầu phải luôn đặt của cải phục vụ sự phát triển toàn diện con người và toàn thể nhân loại373. Nguyên tắc này không đi ngược quyền tư hữu374 nhưng chỉ cho chúng ta biết bổn phận phải điều hoà quyền ấy. Thật vậy, bất luận thi hành việc điều hoà và áp dụng các chuẩn mực pháp lý liên quan đến tư hữu dưới hình thức cụ thể nào, thì tư hữu tự nó vẫn chỉ là một công cụ giúp chúng ta tôn trọng nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải; bởi đó, phân tích tới cùng, tư hữu không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện375.


178. Ngoài ra, Học thuyết Xã hội Công giáo còn kêu gọi nhìn nhận vai trò xã hội của quyền tư hữu dưới bất cứ hình thức nào376, và quy chiếu rõ ràng mối quan hệ tất yếu giữa tư hữu với công ích377. Con người nên “nhìn các sự vật bên ngoài mà mình đang sở hữu cách hợp pháp không chỉ như các sự vật của mình mà còn như của chung, theo nghĩa chúng phải làm lợi không chỉ cho mình mà còn cho những người khác”378. Mục tiêu phổ quát của của cải kéo theo những bổn phận liên quan đến việc các sở hữu chủ hợp pháp phải sử dụng của cải ấy thế nào. Các cá nhân không được phép sử dụng các tài nguyên của mình mà không xét tới các hiệu quả mà việc sử dụng ấy có thể đem lại; tốt hơn, họ phải hành động thế nào để chúng có lợi không những cho họ và gia đình họ mà còn có lợi cho công ích. Từ đó, chúng ta có thể rút ra một nghĩa vụ dành cho các chủ nhân, đó là không được để tài sản mà mình đang sở hữu hoá thành vô ích, nhưng đúng hơn phải làm sao đưa chúng vào hoạt động sản xuất, thậm chí còn giao các tài sản ấy cho những người nào mong ước và có khả năng đưa chúng vào sản xuất.


179. Trong giai đoạn lịch sử hiện nay, có nhiều của cải mới để cho xã hội sử dụng mà trước đây xã hội hoàn toàn không biết đến. Tình hình này kêu gọi chúng ta phải đọc lại nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải trên trái đất theo một cách mới và cần phải mở rộng nguyên tắc ấy sao cho nó bao gồm được cả những sự phát triển mới nhất do các tiến bộ kinh tế và công nghệ mang lại. Quyền làm chủ các tài sản mới mẻ – như các kết quả của kiến thức, công nghệ và kỹ năng thực hành – càng ngày càng trở nên có tính quyết định, vì “sự thịnh vượng của các quốc gia công nghiệp được xây dựng dựa trên hình thức sở hữu loại này hơn là dựa trên các tài nguyên thiên nhiên”379.

Phải đưa các kiến thức mới mẻ về công nghệ và khoa học phục vụ các nhu cầu căn bản của con người, để dần dần gia tăng di sản chung của nhân loại. Bởi đó, muốn cho nguyên tắc phân phối phổ quát của cải này mang lại hiệu quả đầy đủ, cần phải có những hành động ở cấp quốc tế và phải đưa ra những chương trình làm việc có sự góp phần của mọi nước. “Cần phải phá bỏ các rào cản và các tổ chức độc quyền, đã khiến cho rất nhiều nước phải đứng bên lề cuộc phát triển, và phải cung cấp cho các cá nhân và quốc gia những điều kiện căn bản, giúp họ tham gia vào sự phát triển”380.


180. Nếu có nhiều hình thức sở hữu không được biết đến trong quá khứ, thì nay chúng lại trở nên quan trọng đặc biệt trong tiến trình phát triển kinh tế và xã hội. Tuy vậy, không được quên các hình thức tư hữu truyền thống. Tài sản cá nhân không phải là hình thức hợp pháp duy nhất cho người ta làm chủ. Hình thức sở hữu chung ngày xưa cũng có tầm quan trọng đặc biệt; dù người ta cũng có thể tìm thấy hình thức này tại các nước tiến bộ về kinh tế, nhưng đó là hình thức điển hình trong cơ cấu xã hội của nhiều dân tộc bản địa. Đây là một hình thức sở hữu có ảnh hưởng sâu xa trên đời sống kinh tế, văn hoá và chính trị của những dân tộc ấy, đến nỗi đó chính là nhân tố căn bản giúp họ tồn tại và sống tốt đẹp. Tuy nhiên, không được vì bảo vệ và đánh giá cao việc sở hữu chung mà quên rằng kiểu sở hữu này cũng phải thay đổi. Nếu làm nhiều cách chỉ để duy trì hình thức hiện tại của kiểu sở hữu này, sẽ có nguy cơ trói buộc kiểu sở hữu chung này với quá khứ và như vậy sẽ làm cho nó bị tổn hại381.

Việc phân chia đất đai cho công bằng vẫn là một vấn đề nan giải, đặc biệt tại các nước đang phát triển và các nước mới chuyển đổi từ một hệ thống được xây dựng dựa trên các tập thể hay chế độ thực dân382. Tại những khu vực nông thôn, khả năng có được đất đai thông qua các cơ hội mà lao động và thị trường tín dụng đem lại chính là điều kiện cần thiết để có thể đạt được các của cải và dịch vụ khác. Ngoài việc tạo ra một phương cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, khả năng này còn cho thấy một hệ thống an ninh xã hội có thể tổ chức tại các nước có cơ cấu hành chính quá yếu.


181. Việc thi hành quyền làm chủ dưới những hình thức khác nhau sẽ giúp cho các chủ thể, cá nhân hay cộng đồng, được hưởng thêm nhiều lợi ích khách quan như điều kiện sống tốt hơn, tương lai được an toàn hơn, và có khả năng lựa chọn nhiều hơn. Nhưng của cải cũng có thể mang lại nhiều hứa hẹn hão huyền, là nguồn cám dỗ nhiều người. Những dân tộc và xã hội nào đi xa tới mức tuyệt đối hoá vai trò của của cải không sớm thì muộn sẽ kinh nghiệm được thế nào là bị nô lệ một cách cay đắng nhất. Thật vậy, không có loại của cải nào được cho là không có ảnh hưởng gì đối với cá nhân và cơ chế. Chủ nhân nào biến của cải thành ngẫu tượng một cách thiếu thận trọng (x. Mt 6,24; 19,21-26; Lc 16,13) sẽ bị của cải làm chủ và biến họ thành nô lệ383. Chỉ khi nào nhìn nhận mọi của cải đều lệ thuộc Thiên Chúa Tạo Hoá và sử dụng chúng cho công ích, mới có thể trả lại cho của cải vật chất chức năng đúng đắn của chúng, tức là công cụ hữu ích giúp cá nhân và dân tộc phát triển.


c. Mục tiêu phổ quát của của cải và sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo


182. Nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát buộc chúng ta phải coi người nghèo, người bị gạt ra bên lề và người bị ngăn cản không phát triển được do các điều kiện sống của họ, là những tiêu điểm cần quan tâm đặc biệt. Muốn vậy, cần phải tái xác nhận cách mạnh mẽ sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo384. “Đây là một lựa chọn hay là một hình thức đặc biệt của việc sắp xếp ưu tiên trong khi thi hành đức bác ái Kitô giáo, như toàn bộ truyền thống Giáo Hội đã làm chứng. Sự lựa chọn ấy không những ảnh hưởng trên đời sống của mỗi Kitô hữu khi họ tìm cách bắt chước cuộc sống của Đức Kitô, mà còn ảnh hưởng đến các trách nhiệm xã hội của chúng ta, và từ đó, ảnh hưởng đến cách sống và các quyết định hợp lý của chúng ta liên quan tới việc làm chủ và sử dụng của cải. Hơn thế nữa, hiện nay, với chiều hướng toàn cầu mà các vấn đề xã hội đều có, tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo và những quyết định phát sinh từ đó chắc hẳn bao trùm lên vô số người đói khát, người túng thiếu, người vô gia cư, người không được chăm sóc y tế, và trên hết, người không hy vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn”385.


183. Sự khốn khổ của con người chính là một dấu chỉ rõ ràng rằng thân phận tự nhiên của con người thật yếu đuối và cần được cứu độ386. Về mặt này, Đức Kitô Cứu Thế đã tỏ ra rất thông cảm, khi Người tự đồng hoá mình với người “nhỏ nhất” trong loài người (x. Mt 25,40.45). “Chính qua những gì người ta làm cho người nghèo mà Đức Kitô sẽ nhận ra họ là người được Người chọn lựa. Khi ‘người nghèo được nghe những tin tốt lành’ (Mt 11,5), đó chính là dấu cho thấy Đức Kitô đang hiện diện”387.

Đức Kitô tuyên bố: “Anh em sẽ luôn luôn có người nghèo bên cạnh, nhưng anh em sẽ không luôn luôn có Thầy đâu” (Mt 26,11; x. Mc 14,7; Ga 12,8). Người nói ra điều này không phải để đối chọi việc quan tâm tới Người với việc phục vụ người nghèo. Quan điểm hiện thực của Kitô giáo vừa trân trọng các nỗ lực đáng khen trong việc đánh bại sự nghèo đói, vừa dè dặt đối với những lập trường chịu ảnh hưởng bởi những ý thức hệ và những niềm tin cứu thế luôn nuôi ảo tưởng rằng có thể loại bỏ hoàn toàn vấn đề nghèo đói ra khỏi thế giới này. Điều này sẽ chỉ xảy ra khi Đức Kitô trở lại để ở với chúng ta một lần nữa và ở mãi mãi. Còn trong lúc này, người nghèo vẫn được ký thác cho chúng ta và chúng ta sẽ bị xét xử trong ngày tận thế dựa trên chính trách nhiệm này (x. Mt 25,31-46): “Chúa đã cảnh cáo chúng ta là chúng ta sẽ bị chia cách với Người nếu chúng ta không đáp ứng các nhu cầu nghiêm trọng của người nghèo và những người bé nhỏ, vì họ là anh em của Người”388.


184. Lòng yêu thương mà Giáo Hội dành cho người nghèo được cảm hứng từ Tin Mừng Tám Mối Phúc, từ đời sống khó nghèo của Chúa Giêsu và từ sự quan tâm của Người đối với người nghèo. Lòng yêu thương này không những có liên quan tới sự khó nghèo vật chất, mà còn liên quan tới nhiều hình thức khác nhau của sự nghèo nàn về văn hoá và tôn giáo389. “Từ lúc khởi đầu và dù có nhiều phần tử của Giáo Hội đã không làm, Giáo Hội vẫn không ngừng làm việc để xoa dịu, bảo vệ và giải phóng những người cùng khổ qua biết bao việc làm bác ái, mà thời nào và ở đâu vẫn luôn luôn cần thiết”390. Được lời mời gọi của Tin Mừng thôi thúc – “Các ngươi đã nhận không thì cũng phải cho không” (Mt 10,8) – Giáo Hội yêu cầu chúng ta phải giúp đỡ đồng loại của mình trong mọi nhu cầu khác nhau và phải làm cho cộng đồng nhân loại tràn ngập các việc thương xác và thương linh hồn. “Trong số các việc ấy, bố thí cho người nghèo là một trong những chứng từ chủ yếu cho tình bác ái huynh đệ: đó cũng là một việc làm của đức công bằng mà Chúa rất hài lòng”391, dù thi hành bác ái không chỉ là bố thí mà còn liên hệ tới khía cạnh xã hội và chính trị của vấn đề nghèo nàn. Trong giáo huấn của mình, Giáo Hội thường xuyên nhắc tới mối tương quan giữa lòng bác ái và sự công bằng: “Khi chúng ta chăm lo các nhu cầu của những người đang cần là chúng ta đã trả cho họ cái của họ, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót mà là đang trả một món nợ công bằng”392. Các Nghị phụ Công đồng đã mạnh mẽ nhắn nhủ chúng ta phải chu toàn nghĩa vụ này cách đúng đắn và luôn nhớ rằng “điều gì phải làm theo sự công bằng thì không được biếu như quà của lòng bác ái”393. Lòng yêu thương người nghèo chắc chắn “không thể đi đôi với sự yêu thích các của cải cách thái quá hay sử dụng của cải một cách ích kỷ”394 (x. Gc 5,1-6).

------------------------------------------------------------------------------------------------------

360 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966), 1090.

361 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 31: AAS 83 (1991), 831.

362 x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum

Novarum: AAS 33 (1941), 199-200.

363 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 525.

364 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 42: AAS 80 (1988), 573.

365 Piô XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum

Novarum: AAS 33 (1941), 199.

366 Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22: AAS 59 (1967), 268.

367 Bộ Giáo lý Đức tin, Thông điệp Libertatis conscientia, 90: AAS 79 (1987), 594.

368 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 31: AAS 83 (1991), 832.

369 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 71: AAS 58 (1966), 1092-1093;

x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 103-104; Piô

XII, Thông điệp Truyền thanh nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum Novarum:

AAS 33 (1941), 199; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh ngày 24-12-1942: AAS 35

(1943), 17; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh ngày 01-09-1944: AAS 36 (1944),

253; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 428-429.

370 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 6: AAS 83 (1991), 800-801.

371 Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 102.

372 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14: AAS 73 (1981), 613.

373 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966), 1090-

1092; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2402-2406.

374 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892),102.

375 x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 22-23: AAS 59 (1967), 268-269.

376 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 430-431; Gioan

Phaolô II, Diễn văn gửi Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh lần thứ ba,

Puebla, Mexico (28-01-1979), III/4: AAS 71 (1979), 199-201.

377 x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 191-192, 193-194, 196-197.

378 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966), 1090.

379 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 32: AAS 83 (1991), 832.

380 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 837.

381 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 69: AAS 58 (1966),

1090-1092.

382 x. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tiến tới chỗ phân phối đất đai tốt

đẹp hơn. Thách thức của việc cải cách ruộng đất (23-11-1997), 27-31: Libreria

Editrice Vaticana, Vatican City 1997, tr. 28-31.

383 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 27-34, 37: AAS 80 (1988),

547-560; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 843-845.

384 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh lần

thứ ba, Puebla, Mexico (28-01-1979), I/8: AAS 71 (1979), 194-195.

385 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollitudo Rei Socialis, 42: AAS 80 (1988), 572-573; x.

Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 32: AAS 87 (1995), 436-437; Gioan

Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 51: AAS 87 (1995), 36; Gioan

Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 49-50: AAS 93 (2001), 302-303.

386 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2448.

387 Ibid., 2443.

388 Ibid., 1033.

389 x. Ibid., 2444.

390 Ibid., 2448.

391 Ibid., 2447.

392 Thánh Gregoriô Cả, Regula Pastoralis, 3, 21: PL 77, 87: Nam cum qualibet necessaria

indigentibus ministramus, sua illis reddimus, non nostra largimur; justitiae potius

debitum soluimus, quam misericordiae opera implemus.

393 CĐ. Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 8: AAS 58 (1966), 845; x. Giáo

lý Giáo hội Công giáo, 2446.

394 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2445.

IV. NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ


a. Nguồn gốc và ý nghĩa


185. Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên395. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới gia đình, các tập thể, các hiệp hội, các thực thể địa phương; nói khác đi, không quan tâm tới toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao, giải trí, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng đã tự động tạo ra vì chúng giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội một cách hiệu quả396. Đây chính là thực tế của xã hội dân sự, có thể hiểu là tổng số các mối quan hệ giữa cá nhân với các tập thể xã hội làm trung gian, cũng là những mối quan hệ đầu tiên, nảy sinh do “tính chủ thể sáng tạo của người công dân”397. Nhờ mạng lưới các quan hệ ấy, cơ cấu xã hội mới vững mạnh và cộng đồng các ngôi vị mới có nền tảng, từ đó chúng ta có thể nhận ra những hình thức cao hơn của hoạt động xã hội398.


186. Giáo Hội từng nhấn mạnh tới nhu cầu cần bảo vệ và phát huy các biểu hiện nguyên thuỷ của đời sống xã hội trong Thông điệp Quadragesimo Anno, theo đó Giáo Hội cũng chỉ ra bổ trợ chính là một nguyên tắc quan trọng nhất của “triết học xã hội”. “Thật là sai lầm trầm trọng khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của mình để trao cho cộng đồng; cũng vậy, thật là bất công và tai hại nghiêm trọng, làm trật tự đúng đắn bị xáo trộn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ”399.

Dựa trên nguyên tắc này, mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) – tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Có như thế, các thực thể xã hội trung gian mới có thể chu toàn các vai trò của mình mà không cần phải giao chúng cho các đơn vị xã hội khác thuộc đẳng cấp cao hơn, để rồi cuối cùng bị tiêu tán và bị thay thế, để rồi phải chứng kiến cảnh tượng phẩm giá và vị trí căn bản của mình cũng bị phủ nhận.

Bổ trợ hiểu theo nghĩa tích cực là sự giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý cho các đơn vị xã hội nhỏ hơn, nhưng có thể dẫn đến hàng loạt hậu quả tiêu cực như cấm Nhà Nước làm bất cứ điều gì mà thật sự hạn chế không gian sống của các đơn vị xã hội căn bản nhỏ bé đó. Không ai được phế bỏ sáng kiến, tự do và trách nhiệm của các đơn vị căn bản ấy.


b. Những chỉ dẫn cụ thể


187. Nhờ nguyên tắc bổ trợ, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Kinh nghiệm cho thấy chối bỏ sự bổ trợ hay hạn chế sự bổ trợ nhân danh việc dân chủ hoá hoặc nhân danh sự bình đẳng giữa các thành phần xã hội sẽ làm giảm bớt và đôi khi phá huỷ luôn tinh thần tự do và sáng kiến.

Nguyên tắc bổ trợ chống lại một số hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của Nhà Nước trong guồng máy công cộng. “Khi can thiệp một cách thẳng thắn và lấy đi khỏi xã hội trách nhiệm phải thi hành, cơ quan cứu trợ xã hội của Nhà Nước sẽ làm phí tổn nhiều năng lực và gia tăng quá mức các tổ chức công cộng, là những tổ chức hay suy nghĩ theo thói quan liêu giấy tờ hơn là thực sự quan tâm tới việc phục vụ đối tượng của chúng, và từ đó kéo theo việc gia tăng chi tiêu thật đáng kể”400. Không nhìn nhận hay nhìn nhận không đầy đủ sáng kiến cá nhân – kể cả trong lĩnh vực kinh tế – và không nhìn nhận chức năng công cộng của sáng kiến tư nhân sẽ dần dần phá hoại nguyên tắc bổ trợ, như các tổ chức độc quyền đã làm.

Để áp dụng nguyên tắc bổ trợ vào thực tiễn, có một nhu cầu tương ứng cần thoả mãn: đó là tôn trọng và thăng tiến con người và gia đình; trân trọng ngày càng nhiều hơn các hiệp hội và các tổ chức trung gian trong những lựa chọn căn bản của họ, trong những lựa chọn không thể uỷ thác cho người khác hay không thể được thực hiện bởi người khác; cổ vũ các tổ chức tư nhân sao cho bất cứ đơn vị xã hội nào cũng phục vụ công ích, mỗi tổ chức với những nét riêng của mình; sao cho có sự đa nguyên trong xã hội và cho các thành phần quan trọng làm nên xã hội đều có người đại diện; bảo vệ nhân quyền và quyền lợi của các nhóm thiểu số; dẹp bỏ tình trạng trung ương tập quyền về hành chính và bàn giấy; tạo thế cân bằng giữa khu vực công cộng và khu vực tư nhân, đồng thời nhìn nhận vai trò xã hội của khu vực tư nhân; dùng những phương pháp thích hợp để giúp các công dân ngày càng có trách nhiệm tích cực “tham gia” vào thực tế chính trị và xã hội của đất nước.


188. Một số hoàn cảnh có thể thích hợp để Nhà Nước tham gia trợ giúp thực hiện một vài chức năng401. Chẳng hạn, có những tình huống mà trong đó Nhà Nước cần phải đích thân đứng ra khởi động nền kinh tế vì xã hội dân sự ở đó không đủ sức hỗ trợ các sáng kiến của họ. Cũng có thể có trường hợp vì tình trạng mất cân bằng xã hội hay bất công xã hội quá nghiêm trọng mà chính quyền cần can thiệp để tạo ra những điều kiện bình đẳng, công bằng và hoà bình hơn. Tuy nhiên, theo nguyên tắc bổ trợ, sự thay thế mang tính cơ chế này không được tiếp tục khi không còn cần thiết tuyệt đối nữa, vì lý do biện minh cho những sự can thiệp này chỉ là do tình hình bất thường. Dù sao, nếu hiểu công ích đúng đắn – những đòi hỏi của công ích không bao giờ đi ngược lại việc bảo vệ và đẩy mạnh thế ưu việt của cá nhân, cũng như cách thức bày tỏ những điều này trong xã hội – thì công ích vẫn phải là tiêu chuẩn mà con người cần dựa vào để đưa ra những quyết định có liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc bổ trợ.

------------------------------------------------------------------------------------------

395 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 101-102,123.

396 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1882.

397 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 529; x. Piô

XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 203; Gioan XXIII, Thông điệp

Mater et Magistra: AAS 53 91961), 439; CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et

Spes, 65: AAS 58 (1966), 1086-1087; Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis

Conscientia, 73, 85-86: AAS 79 (1987), 586, 592-593; Gioan Phaolô II, Thông điệp

Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1883-1885.

398 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 49: AAS 83 (1991), 854-856;

Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 528-530.

399 Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 203; x. Gioan Phaolô II,

Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854

400 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 854.

401 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854

V. SỰ THAM GIA


a. Ý nghĩa và giá trị


189. Một hệ luận điển hình của nguyên tắc bổ trợ là sự tham gia402, được thực hiện chủ yếu qua một loạt hoạt động mà nhờ đó các công dân – trong tư cách cá nhân hay liên kết với người khác, trực tiếp hay thông qua đại diện – góp phần vào đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên403. Tham gia là một nghĩa vụ mà mọi người phải chu toàn một cách ý thức, với tinh thần trách nhiệm và nhắm tới công ích404.

Bổn phận tham gia không thể bị giới hạn hay bị thu hẹp trong một lĩnh vực nào đó của đời sống xã hội, lấy lý do là lĩnh vực ấy quan trọng đối với sự phát triển - nhất là phát triển nhân bản - như trong thế giới lao động và hoạt động kinh tế, cách riêng trong các vận hành nội bộ của các hoạt động này405; trong lĩnh vực thông tin và văn hoá; hay xa hơn nữa, trong lĩnh vực xã hội và chính trị, kể cả ở những cấp cao nhất. Mọi dân tộc cộng tác với nhau và cộng đồng quốc tế được xây dựng trong khuôn khổ của tình liên đới, những điều này tuỳ thuộc sự tham gia vào đời sống xã hội và chính trị406. Chính vì thế, tuyệt đối cần cổ vũ sự tham gia đặc biệt của các thành phần kém may mắn nhất, cũng như cần ủng hộ việc luân phiên theo từng lần giữa các nhà lãnh đạo chính trị để phòng tránh việc tạo ra những đặc ân ngầm. Ngoài ra, cần phải tạo những áp lực luân lý mạnh mẽ để việc quản trị đời sống công cộng là kết quả của việc mỗi cá nhân cùng nhau chia sẻ trách nhiệm đối với công ích.


b. Tham gia và dân chủ


190. Tham gia vào đời sống cộng đồng không chỉ là một trong những ước nguyện lớn lao nhất của người công dân, đã được mời gọi thi hành vai trò công dân của mình cùng với người khác và vì người khác một cách tự nguyện và có trách nhiệm407, mà đó còn là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn được bền vững. Thật vậy, một chính phủ dân chủ, được xác định trước tiên là một chính phủ do nhân dân uỷ thác quyền hành và nhiệm vụ, thi hành các điều ấy nhân danh nhân dân, quan tâm đến nhân dân và thay mặt nhân dân. Bởi đó, rõ ràng là chế độ dân chủ nào cũng phải là chế độ có sự tham gia408. Nói thế có nghĩa là các chủ thể của cộng đồng dân sự ở bất cứ cấp nào cũng phải được thông tin, được lắng nghe và tham gia vào việc thi hành các chức vụ.


191. Có thể thực hiện việc tham gia này qua mọi mối quan hệ khác nhau giữa người công dân và các cơ quan: muốn vậy, cần phải chú ý đặc biệt tới các bối cảnh xã hội và lịch sử, trong đó sẽ diễn ra những việc tham gia ấy. Muốn vượt qua những trở ngại về văn hoá, luật lệ và xã hội – là những rào cản thực sự không cho các công dân cùng tham gia với nhau vào định mệnh của cộng đồng – cần phải nỗ lực nhiều trong các lĩnh vực thông tin và giáo dục409. Về điểm này, tất cả những thái độ nào thúc đẩy các công dân tham gia một cách không xứng hợp hay không đúng đắn, hoặc làm cho các công dân đâu đâu cũng ác cảm với bất cứ điều gì liên quan đến đời sống xã hội và chính trị, đều đáng được chúng ta quan tâm và suy xét cẩn thận. Chẳng hạn, một số công dân đã tính toán “mặc cả” với các cơ quan để có thể nhận được những điều kiện ưu đãi cho bản thân mình, làm như các cơ quan ấy có mục đích là phục vụ các nhu cầu ích kỷ của họ; hoặc có nhiều công dân chỉ giới hạn việc tham gia vào tiến trình bầu cử, và nhiều khi còn bỏ luôn không tham gia vào việc bỏ phiếu410.

Về việc tham gia đời sống xã hội và chính trị, còn một lý do đáng quan tâm nhiều hơn nữa ở các nước sống dưới các chế độ chuyên chế và độc tài: tại đây, quyền căn bản là được tham gia vào đời sống công cộng đã bị chối bỏ tận gốc vì bị coi là mối đe doạ cho chính quốc gia411. Tại một số nước, quyền này chỉ được công bố cho có, còn trong thực tế không hề được thi hành cụ thể. Còn ở một số quốc gia khác, tình trạng quan liêu bàn giấy, thực tế (de facto) mà nói, đã làm các công dân không thể tham gia tích cực vào đời sống xã hội và chính trị nữa412.

----------------------------------------------------------------------------------------------

402 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 22,46: AAS 63 (1971), 417, 433-

435; Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội

của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 40, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican,

Roma 988, tr. 41-42.

403 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 75: AAS 58 (1966),

1097-1099.

404 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1913-1917.

405 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra AAS 53 (1961), 423-425; Gioan

Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14: AAS 73 (1981), 612-616; Thông điệp

Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 836-838.

406 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 44-45: AAS 80 (1988),

575-578.

407 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 278.

408 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 46: AAS 83 (1991), 850-851.

409 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1917.

410 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 30-31; AAS 58 (1966), 1049-

1050; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1931) 851-852.

411 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 44-45: AAS 83 (1991), 848-849.

412 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 528-

530; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh ngày 24-12-1952: AAS 45

(1953), 37; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 47: AAS 63 (1971), 435-437.

VI. NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI


a. Ý nghĩa và giá trị


192. Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn. Trước đây, chưa hề có một sự nhận thức phổ biến như thế về mối quan hệ lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc, có thể tìm thấy ở mọi cấp độ413. Sự bành trướng nhanh chóng về cách thế và phương tiện truyền thông “trong thực tế hiện nay”, như những cách thế và phương tiện do công nghệ thông tin, do các tiến bộ vượt bậc trong công nghệ điện toán, do sự gia tăng khối lượng trao đổi thương mại và thông tin đã mang lại, tất cả đều minh chứng cho sự thật này là lần đầu tiên kể từ khi lịch sử nhân loại bắt đầu, người ta đã có thể thiết lập – ít là về mặt kỹ thuật – các mối quan hệ giữa những người ở cách nhau rất xa và hoàn toàn không quen biết nhau.

Tuy nhiên, trước hiện tượng lệ thuộc nhau và bành trướng liên tục về cách thức và phương tiện truyền thông như thế, khắp nơi trên thế giới vẫn còn thấy sự bất bình đẳng sâu sắc giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, những sự bất bình đẳng do các hình thức bóc lột, đàn áp và tham nhũng gây ra, từng gây ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống quốc nội và quốc tế của nhiều nước. Việc gia tăng các quan hệ lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực khẩn trương không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hại là đưa bất công lên tới cấp toàn cầu. Điều này sẽ gây những âm hưởng rất tiêu cực cả tại các nước đang có lợi thế hơn414.


b. Liên đới, một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý


193. Những mối quan hệ mới mẻ về sự lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc, mới là những hình thức liên đới trong thực tế, cần phải được biến thành những quan hệ nhằm tạo ra sự liên đới đích thực trên bình diện đạo đức xã hội. Đây là một yêu cầu luân lý vốn tồn tại trong hết mọi mối quan hệ của con người. Bởi đó, cần phải nhìn sự liên đới dưới hai khía cạnh bổ sung cho nhau: liên đới là một nguyên tắc xã hội415 và là một đức tính luân lý416.

Trên hết, phải nhìn sự liên đới trong giá trị của nó như một đức tính luân lý, nhằm xác định trật tự của các định chế. Dựa trên nguyên tắc này, “các cơ cấu tội lỗi”417 từng chi phối các quan hệ giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được khắc phục. Các cơ cấu ấy cần được thanh tẩy và biến thành “các cơ cấu liên đới” bằng cách thành lập hay điều chỉnh thích đáng các luật lệ, các sự điều tiết thị trường và các hệ thống tư pháp.

Liên đới cũng là một đức tính luân lý thực sự, không phải là một “cảm giác thông cảm mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ. Ngược lại, liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn vừa kiên định muốn dấn thân lo cho công ích. Tức là lo cho ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người”418. Liên đới được nâng lên hàng đức tính xã hội căn bản, vì đó là đức tính nằm trong phạm vi của công bằng. Đó là một đức tính ưu tiên nhắm tới công ích và được tìm thấy nơi những người “dấn thân lo cho ích lợi của người thân cận tới mức, theo nghĩa của Tin Mừng, sẵn sàng “liều mất bản thân mình” vì người khác thay vì khai thác người khác, và sẵn sàng “phục vụ người khác” thay vì áp bức người khác vì ích lợi riêng (x. Mt 10,40-42; 20,25; Mc 10,42-45; Lc 22,25-27)”419.


c. Liên đới và sự phát triển chung của nhân loại


194. Thông điệp của Học thuyết Xã hội Công giáo về sự liên đới đã cho thấy rõ có một mối tương quan mật thiết giữa liên đới và công ích, giữa liên đới với mục tiêu phổ quát của của cải, giữa liên đới với bình đẳng giữa con người và giữa các dân tộc, giữa liên đới và hoà bình trên thế giới420. Thuật ngữ “liên đới”, mà Huấn Quyền dùng rất nhiều421, diễn tả cách tóm tắt nhu cầu phải nhận ra trong những mối liên kết con người với nhau và các tập thể xã hội với nhau, có cả một không gian cho con người được tự do xây dựng sự phát triển chung, trong đó mọi người cùng chia sẻ và cùng tham gia. Sự dấn thân cho mục tiêu này được diễn tả thành việc tích cực đóng góp bằng cách lưu ý làm sao cho trong sự nghiệp chung không thiếu điều gì, cũng như tìm ra những điểm có thể giúp hai bên đồng thuận với nhau thay vì chia rẽ và tan rã. Sự dấn thân cho mục tiêu này cũng được diễn tả thành việc sẵn sàng thí mạng vì ích lợi của tha nhân, vượt lên trên những ích lợi cá nhân và cá biệt422.


195. Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng họ chính là người mắc nợ xã hội mà trong đó họ là thành viên. Họ là những người mắc nợ vì tất cả những điều kiện đã làm cho cuộc sống của họ trở nên đáng sống, và vì những di sản không thể phân chia được nhưng rất cần thiết do văn hoá, do sự hiểu biết khoa học và kỹ thuật, do của cải vật chất và phi vật chất cũng như do tất cả những gì mà điều kiện con người mang lại. Chúng ta cũng phải nhận ra món nợ tương tự như thế trong sự tương tác xã hội dưới nhiều hình thức, nhờ đó hành trình của nhân loại không bị gián đoạn mà luôn mở ra cho các thế hệ hiện tại và tương lai, mọi thế hệ này đều được mời gọi chia sẻ món quà ấy trong tinh thần liên đới.


d. Liên đới trong cuộc đời và thông điệp của Đức Giêsu Kitô


196. Tột đỉnh của viễn tượng mà chúng ta đang nói đến ở đây là chính cuộc đời Đức Giêsu Nazareth, Con Người Mới, Đấng đã kết hợp với nhân loại sâu xa tới mức “chết trên thập giá” (Pl 2,8). Nơi Người, chúng ta luôn luôn nhận ra dấu chỉ sống động của một tình yêu khôn lường và siêu việt của “Thiên-Chúa-với-chúng-ta”, Đấng đã mang lấy những tật bệnh của dân mình, cùng đồng hành với họ, cứu thoát họ và hợp nhất họ thành một423. Trong Người và nhờ Người, cuộc sống xã hội, dù có đầy mâu thuẫn và mơ hồ, cũng trở thành nơi chan chứa sự sống và hy vọng: đó là dấu hiệu của ân sủng không ngừng được ban tặng cho mọi người, và đó cũng là lời mời gọi con người chia sẻ cuộc sống ấy bằng những hình thức ngày càng cao cả và tích cực hơn.

Đức Giêsu Nazareth đã làm cho mối dây liên kết sự liên đới với bác ái được sáng tỏ trước mặt mọi người, bằng cách làm sáng lên ý nghĩa của mối dây liên kết này424: “Trong ánh sáng đức tin, sự liên đới tìm cách vượt lên trên chính nó, mang lấy chiều hướng điển hình của Kitô giáolà trao ban hoàn toàn vô điều kiện, tha thứ và hoà giải. Lúc ấy, người thân cận của chúng ta không phải chỉ là một con người có những quyền lợi và sự bình đẳng căn bản cùng với hết mọi người, mà còn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha, đã được máu Đức Giêsu Kitô cứu chuộc và được đặt dưới tác động trường kỳ của Thánh Thần. Thế nên, phải yêu thương tha nhân, dù đó là kẻ thù, bằng cùng một tình yêu như tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương họ; và chính vì ích lợi của người ấy mà người ta sẵn sàng hy sinh, thậm chí tới mức cuối cùng là hy sinh tính mạng vì anh em (x. 1 Ga 3,16)”425.

---------------------------------------------------------------------------------------------

413 Có thể lấy chủ đề cổ điển là ‘xã hội hoá’ liên kết với khái niệm “lệ thuộc nhau”;

chủ đề ‘xã hội hoá’ đã thường xuyên được giáo huấn xã hội Công giáo duyệt xét; x.

Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 415-417; CĐ. Vatican II,

Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 42: AAS 58 (1966), 1060-1061; Gioan Phaolô II,

Thông điệp Laborem Exercens, 14-15: AAS 73 (1981), 612-618.

414 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 11-22: AAS 80 (1988),

525-540.

415 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1939-1941.

416 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1942.

417 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 36, 37: AAS 80 (1988), 561-

564; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Reconciliatio et Paenitentia, 16: AAS 77 (1985),

213-217.

418 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 565-566.

419 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 566; x.

Gioan Phaolô II, Thông điệp Laboerem Exercens, 8: AAS 73 (1981), 594-598; Gioan

Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 57: AAS 83 (1991), 862-863.

420 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 17, 39, 45: AAS 80 (1988),

532-533, 566-568, 577-578. Sự liên đới quốc tế cũng là điều mà trật tự luân lý đòi

phải có; hoà bình trên thế giới phần lớn tuỳ thuộc vào điều này: x. CĐ. Vatican II,

Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 83-86: AAS 58 (1966), 1107-1110; Phaolô VI.

Thông điệp Populorum Progressio, 48: AAS 59 (1967), 281; Hội đồng Giáo hoàng về

Công lý và Hoà bình, Để phục vụ cộng đồng nhân loại: một cái nhìn đạo đức học về vấn đề nợ quốc tế (27-12-1986), I, 1, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Vatican City 986, tr. 11; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1941, 2438.

421 Liên đới – dù chưa được gọi một cách minh bạch bằng từ ngữ ấy – đã là một trong những nguyên tắc căn bản của Rerum Novarum (x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 [1961], 407). “Cái mà hiện nay chúng ta gọi là nguyên tắc liên đới… đã thường được Đức Lêô XIII nói tới khi dùng thuật ngữ ‘hữu nghị’, một khái niệm đã có trong triết học Hy Lạp. Đức Piô XI cũng ám chỉ nguyên tắc ấy khi dùng thuật ngữ cũng rất có ý nghĩa là ‘bác ái xã hội’. Đức Phaolô VI thì nói tới ‘văn minh tình thương’ để mở rộng khái niệm bác ái xã hội hầu có thể bao gồm nhiều khía cạnh mới của vấn đề xã hội” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 10: AAS 83 [1991], 805). Liên đới là một trong những nguyên tắc căn bản của toàn bộ giáo huấn xã hội Công giáo (x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis conscientia, 73: AAS 79 [1987], 586). Kể từ Đức Piô XII (x. Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 [1939], 426-427) thuật ngữ ‘liên đới’ càng được dùng thường xuyên hơn và mang ý nghĩa rộng rãi hơn: từ chỗ là ‘luật’ trong cùng Thông điệp ấy đến chỗ trở thành ‘nguyên tắc’ (x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 [1961], 407), hay ‘nghĩa vụ’ (x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 17, 48: AAS 59 [1967], 265-266,281) và ‘giá trị’ (x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 [1988], 564-566), cuối cùng trở thành một ‘đức tính’ (x. Gioan Phaolô II, Thông điệpSollicitudo Rei Socialis, 38, 40: AAS 80 [1988], 564-566, 568-569).

422 x. Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của

Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 38, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma

1988, tr. 40-41.

423 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 32: AAS 58 (1966), 1051.

424 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 568:

Không hồ nghi gì nữa: liên đới là một đức tính của Kitô giáo. Theo những gì đã nói

cho tới hôm nay, chúng ta có thể nhận ra nhiều điểm gặp nhau giữa liên đới và bác

ái – vốn là dấu hiệu phân biệt các môn đệ Đức Kitô (x. Ga 13,35).

425 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 569.

VII. CÁC GIÁ TRỊ CĂN BẢN CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI


a. Quan hệ giữa các nguyên tắc và các giá trị


197. Không kể những nguyên tắc phải dùng để hướng dẫn việc xây dựng một xã hội cho xứng với con người, Học thuyết Xã hội Công giáo còn nêu ra các giá trị căn bản. Quan hệ giữa các nguyên tắc và các giá trị chắc chắn là một quan hệ hỗ tương, ở chỗ các giá trị xã hội chính là một cách diễn tả sự quý trọng đối với các khía cạnh đặc biệt của một điều tốt luân lý mà các nguyên tắc ấy đang cổ vũ, dùng các khía cạnh ấy như những điểm tham chiếu khi muốn tổ chức đúng đắn và hướng dẫn đời sống trong xã hội một cách trật tự. Bởi đó, các giá trị này đòi hỏi vừa phải thực hành các nguyên tắc căn bản của đời sống xã hội vừa phải thực tập các nhân đức một cách cá nhân, hay nói cách khác, phải thể hiện các thái độ luân lý phù hợp với các giá trị này426.

Mọi giá trị xã hội đều nằm sẵn trong phẩm giá con người, và chúng tạo điều kiện cho con người được phát triển thực sự. Các giá trị chủ yếu ấy là sự thật, tự do, công bằng và yêu thương427. Đem các giá trị ấy ra thực hành chính là phương cách chắc chắn và cần thiết để cá nhân được hoàn thiện và cuộc sống xã hội được nhân bản hơn. Các giá trị ấy chính là điểm tham chiếu không thể thiếu cho chính quyền vì họ là những người được mời gọi hãy tiến hành “cải cách có thực chất các cơ cấu kinh tế, chính trị, văn hoá và công nghệ, đồng thời tạo ra những thay đổi cần thiết trong các định chế”428. Chính vì tôn trọng sự tự trị chính đáng của các thực tại trần thế mà Giáo Hội đã không đòi cho mình thẩm quyền chuyên môn trong trật tự kỹ thuật hay trần thế429, nhưng không vì thế mà Giáo Hội không được quyền can thiệp để chỉ cho thấy các giá trị trên đây đã được nhìn nhận hay chối bỏ như thế nào trong các lựa chọn khác nhau của con người430.


b. Sự thật


198. Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm431. Sống trong sự thật là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội. Thật vậy, khi việc sống chung của con người trong cộng đồng được xây dựng trên sự thật, đời sống chung ấy sẽ được trật tự và có kết quả, xứng với phẩm giá của những con người432. Càng nhiều người và nhiều tập thể xã hội cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội theo đúng sự thật, họ càng tránh được những lạm dụng và càng dễ hành động phù hợp với các đòi hỏi khách quan của luân lý.

Thời đại hôm nay đòi phải có những nỗ lực giáo dục hết sức cao độ433 và phải có sự dấn thân tương xứng của hết mọi người, có như thế việc tìm kiếm sự thật mới không bị quy thành việc tổng hợp các ý kiến khác nhau hoặc xoay quanh một hai ý kiến nào trong số đó. Việc tìm kiếm này sẽ được cổ vũ trong mọi lĩnh vực và sẽ vượt lên trên mọi toan tính muốn tương đối hoá đòi hỏi của sự thật hay chống lại sự thật434. Đây là một vấn đề liên can đến thế giới truyền thông đại chúng và thế giới kinh tế một cách đặc biệt. Trong các lĩnh vực này, việc sử dụng đồng tiền một cách không chút áy náy tạo ra những vấn đề càng ngày càng cấp bách, đòi phải có sự minh bạch và liêm khiết nhiều hơn nữa cả trong các hoạt động cá nhân lẫn hoạt động xã hội.


c. Tự do


199. Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó, cũng là dấu chỉ cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người435. “Tự do diễn ra trong các quan hệ giữa người với người. Mỗi người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có quyền tự nhiên là được nhìn nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm. Mọi người đều phải có nghĩa vụ tôn trọng điều ấy. Quyền thể hiện sự tự do, nhất là trong các vấn đề luân lý và tôn giáo, là một đòi hỏi không thể bỏ được trong phẩm giá con người”436. Không được nhìn sự tự do theo viễn ảnh hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa, rút gọn nó thành việc tuỳ tiện thể hiện sự độc lập của cá nhân một cách không kiềm chế: “Thay vì dừng lại với sự tự mãn hoàn toàn và dẹp bỏ mọi quan hệ, tự do chỉ thực sự có ở những nơi nào mọi người được liên kết với nhau bằng các mối quan hệ hỗ tương, xây dựng trên sự thật và công lý”437. Người ta sẽ càng ngày càng hiểu sâu rộng hơn về sự tự do khi người ta biết bảo vệ sự tự do trong mọi chiều hướng khác nhau của nó, kể cả trên bình diện xã hội.

200. Giá trị của tự do – một biểu hiện cho tính độc đáo của mỗi con người – sẽ được tôn trọng khi nào mọi thành phần trong xã hội đều có điều kiện hoàn thành ơn gọi riêng của mình; tìm kiếm sự thật và bày tỏ các tư tưởng tôn giáo, văn hoá và chính trị của mình; lựa chọn bậc sống, và nếu có thể, lựa chọn hướng nghề nghiệp cho mình; theo đuổi các sáng kiến mang bản chất kinh tế, xã hội hay chính trị. Những điều này phải được thực hiện trong “một khung pháp lý vững chắc”438, nghĩa là trong những giới hạn do ích chung và trật tự xã hội đặt ra, nhưng dù trong bất cứ trường hợp nào cũng phải thực hiện theo phương cách đề cao tinh thần trách nhiệm.

Ngược lại, cũng phải bày tỏ sự tự do như một khả năng biết khước từ điều tiêu cực về mặt luân lý, dù nguỵ trang dưới chiêu bài nào439, chẳng hạn khả năng tránh xa những gì có thể gây trở ngại cho sự phát triển cá nhân, gia đình và xã hội. Tự do sung mãn chính là có khả năng làm chủ bản thân bằng cách nhìn đến ích lợi thật sự, trong khuôn khổ công ích phổ quát440.


d. Công lý


201. Công lý là một giá trị đi kèm với việc thực hành đức tính luân lý căn bản tương ứng441. Theo cách hiểu cổ điển nhất, công lý chính là “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân”442. Nếu nhìn từ phía chủ thể, công lý là thái độ xuất phát từ chỗ muốn nhìn nhận người khác như một ngôi vị; còn nếu nhìn từ phia khách thể, công lý tạo nênnhững tiêu chuẩn mang tính quyết định cho biết giá trị luân lý của một hành vi trong quan hệ liên chủ thể và xã hội”443.

Huấn quyền xã hội Công giáo thường xuyên kêu gọi phải tôn trọng những hình thức cổ điển nhất của công lý: công lý giao hoán, công lý phân phối và công lý pháp lý444. Càng ngày người ta càng coi trọng công lý xã hội445, là một tiến bộ thật sự trong công lý nói chung, tức là công lý nhằm điều hoà các quan hệ xã hội theo tiêu chuẩn tuân thủ luật pháp. Công lý xã hội – một đòi hỏi có liên quan tới vấn đề xã hội là vấn đề hiện nay đang có tầm mức rất rộng – liên quan đến các khía cạnh xã hội, chính trị và kinh tế, và đặc biệt liên quan đến khía cạnh cơ cấu của các vấn nạn và các giải pháp cho từng vấn nạn446.


202. Công lý trở nên quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị riêng của con người, phẩm giá và quyền lợi của con người – dù đã được khẳng định nhiều – vẫn đang bị đe doạ trầm trọng bởi khuynh hướng phổ biến muốn áp dụng tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá, đó là có lợi và có quyền làm chủ hay không. Dựa trên những tiêu chuẩn này, người ta cũng xem xét công lý một cách hết sức giản lược. Đang khi đó khái niệm công lý được nhân học Kitô giáo hiểu một cách đầy đủ và trung thực hơn. Thật vậy, công lý không phải chỉ là một sự thoả thuận suông giữa con người với nhau, vì muốn biết điều gì là “công lý” (nghĩa là phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội), trước tiên chúng ta không dựa vào sự ấn định của lề luật, mà phải xem điều đó có phù hợp với bản chất sâu xa của con người hay không447.


203. Hiểu được sự thật trọn vẹn về con người sẽ giúp chúng ta vượt lên trên nhãn quan xem công lý như một hợp đồng không hơn không kém – một nhãn quan hết sức giản lược – đồng thời cũng mở ra cho công lý chân trời mới về liên đới và yêu thương. “Tự một mình, có công lý thôi chưa đủ. Thật vậy, công lý có thể phản bội chính mình trừ khi nó biết mở ra cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái”448. Thật vậy, học thuyết xã hội của Giáo Hội đặt giá trị của công lý song song với giá trị liên đới, coi đó là con đường đặc biệt dẫn tới hoà bình. Nếu hoà bình là kết quả của công lý thì “ngày nay người ta cũng có thể nói một cách chính xác và mạnh mẽ không kém với cùng sức mạnh gợi ý của Thánh Kinh (x. Is 32,17; Gc 3,18) rằng ‘Hoà bình là thành quả của liên đới’ (Opus solidaritatis pax)”449. Thật vậy, mục tiêu hoà bình “sẽ chắc chắn đạt được không những thông qua việc thi hành công lý xã hội và quốc tế, mà còn qua cách thực hành các đức tính nhằm cổ vũ sự đoàn kết và dạy chúng ta sống hợp nhất, cũng như xây dựng một xã hội mới và một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách vừa trao ban vừa đón nhận”450.

-------------------------------------------------------------------------------------

426 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1886.

427 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-

1047; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 265-266.

428 Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của

Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 43, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma

1988, tr. 44.

429 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966),

1053-1054.

430 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1: AAS 58 (1966), 1025-

1026; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 13: AAS 59 (1967), 263-264.

431 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2467.

432 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 265-266, 281.

433 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 61: AAS 58 (1966), 1081-1082; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 35, 40: AAS 59 (1967), 274-275, 277; Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 44: AAS 80 (1988), 575-577. Muốn cải tạo xã hội, “nhiệm vụ ưu tiên, sẽ ảnh hưởng tới sự thành công của tất cả các nhiệm vụ khác, chính là nhiệm vụ nằm trong lĩnh vực giáo dục”: Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis conscientia, 99: AAS 79 (1987), 599.

434 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 16: AAS 58 (1966), 1037;

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2464-2487.

435 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 17: AAS 58 (1966), 1037-

1038; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1705, 1730; Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị

Libertatis Conscientia, 28: AAS 79 (1987), 565.

436 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1738.

437 x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 26: AAS 79 (1987), 564-565.

438 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 42: AAS 83 (1991), 846. Câu này

được đưa ra trong bối cảnh các sáng kiến kinh tế, nhưng xem ra cũng đúng nếu

đem áp dụng cho các lĩnh vực khác của hoạt động con người.

439 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 17: AAS 83 (1991), 814-815.

440 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 289-290.

441 x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 6: Ed. Leon. 6,55-63.

442 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1807; x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II,

q. 58, a.1: Ed. Leon. 9,9-10: justitia est perpetua et constans voluntas jus suum

unicuique tribuendi.

443 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 282-283.

444 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2411.

445 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1928-1942, 2425-2449, 2832; Piô XI, Thông điệp

Divini Redemptoris: AAS 29 (1937), 92.

446 x.Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 2: AAS 73 (1981), 580-583.

447 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 568; x.

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1929.

448 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10: AAS 96

(2004), 121.

449 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 39: AAS 80 (1988), 568.

450 Ibid.

VIII. CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU


204. Giữa các đức tính nói chung, và đặc biệt giữa các đức tính, các giá trị xã hội và tình yêu, có một mối liên kết rất sâu xa mà chúng ta cần phải nhận thức càng ngày càng đầy đủ hơn. Tình yêu thường bị giới hạn vào những quan hệ gần gũi thân xác hay bị thu hẹp vào những khía cạnh hoàn toàn chủ quan trong hành động vì người khác; nay chúng ta cần phải nhìn lại tình yêu trong giá trị thật của nó, coi đó như tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội. Trong mọi con đường sống của nhân loại, kể cả những con đường đã được tìm kiếm và đón nhận để đáp ứng những vấn đề xã hội hiện hành, bằng những hình thức càng ngày càng mới mẻ, có một con đường “trổi vượt hẳn” (x. 1 Cr 12,31), đó chính là con đường mang đậm nét yêu thương.


205. Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển. Đời sống con người trong xã hội có trật tự, sinh nhiều kết quả tốt và đáp ứng đúng phẩm giá con người khi đời sống ấy được xây dựng dựa trên sự thật; khi người ta sống cuộc sống ấy trong công lý, tức là biết tôn trọng các quyền hạn của con người cách cụ thể và trung thành thi hành các nghĩa vụ tương ứng; khi cuộc sống ấy được sinh động bởi lòng vị tha, khiến người ta coi các nhu cầu và đòi hỏi của người khác là của mình và khiến người ta tăng cường việc chia sẻ các giá trị thiêng liêng và quan tâm tới các nhu cầu vật chất; khi cuộc sống ấy được kiến tạo trong sự tự do thích hợp với phẩm giá con người, những người biết hành động theo bản tính lý trí của mình, để dám nhận trách nhiệm về các hành vi của mình451. Các giá trị trên đây tạo thành các cột trụ mang lại sức mạnh và sức bền cho toà nhà sự sống và các nghĩa cử phục vụ sự sống: chúng chính là những giá trị xác định phẩm chất của mọi hành động xã hội và mọi định chế xã hội.


206. Tình yêu vừa giả thiết có công lý vừa vượt lên trên công lý, công lý “phải được hoàn tất trong bác ái”452. Nếu công lý “tự nó thích hợp cho chúng ta dựa vào mà phân xử giữa con người với nhau mỗi khi đụng chạm đến việc phân phối các thiện ích khách quan sao cho công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả tình yêu nhân hậu mà chúng ta quen gọi là “lòng thương xót”) mới có khả năng khôi phục con người trở lại với chính mình”453. Các mối quan hệ giữa người với người không thể chỉ được xử lý bằng tiêu chuẩn công lý: “Kinh nghiệm trước đây và bây giờ chứng minh cho thấy chỉ mình công lý mà thôi thì không đủ, thậm chí có thể đi xa tới mức chối bỏ và huỷ hoại chính công lý nữa… Cũng chính kinh nghiệm lịch sử đã đưa người ta tới chỗ phải đưa ra câu cách ngôn sau: ‘càng đòi công lý, càng nhiều bất công’ (summum jus, summa injuria)”454. Thật vậy, “trong bất cứ lĩnh vực quan hệ liên vị nào, có thể nói, công lý phải được điều chỉnh thật nhiều bởi tình yêu, vì như thánh Phaolô nói, tình yêu hay bác ái vốn ‘nhẫn nại và nhân hậu’ hoặc có thể nói, đó là tình yêu mang những đặc điểm của lòng thương xót, là cốt tuỷ của Tin Mừng và của Kitô giáo”455.


207. Không có pháp chế nào, không có hệ thống luật lệ nào hay không có sự thương lượng nào sẽ thuyết phục được con người và các dân tộc sống trong sự hợp nhất, trong tình anh em và trong hoà bình; không có lý luận nào có thể trổi vượt hơn được sức thu hút của tình yêu. Chỉ có tình yêu, ngay trong đặc tính của nó là “mô thức của mọi đức tính”456, mới có thể làm sinh động và định hình cho các sự tương tác trong xã hội, đưa chúng tới sự hoà hợp trong bối cảnh một thế giới ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, để tất cả những điều này có thể xảy ra, cần lưu ý làm sao để không chỉ bày tỏ tình yêu trong vai trò thúc đẩy các hành vi cá nhân của nó, mà còn phải bày tỏ tình yêu thế nào cho người ta thấy đó là một sức mạnh có khả năng khơi gợi những cách tiếp cận mới mẻ các vấn đề của thế giới hôm nay, có khả năng đổi mới các cơ chế, các tổ chức xã hội, các hệ thống luật pháp cách sâu xa, từ bên trong. Trong viễn tượng đó, tình yêu mang dáng dấp đặc biệt của lòng bác ái chính trị và xã hội: “Bác ái xã hội sẽ khiến chúng ta yêu quý công ích”457, thúc đẩy chúng ta nỗ lực tìm kiếm điều có ích cho hết mọi người, không chỉ là những con người cá thể riêng rẽ mà còn trong chiều hướng xã hội nối kết những con người ấy lại với nhau.


208. Bác ái chính trị và xã hội không chỉ diễn ra trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, mà còn trải rộng vào trong mạng lưới do các quan hệ ấy làm nên, tức là cộng đồng chính trị và xã hội. Bác ái ấy can thiệp vào trong khuôn khổ đó bằng cách đi tìm điều lợi ích lớn nhất cho cộng đồng nói chung. Với nhiều khía cạnh như thế, người thân cận mà chúng ta yêu mến sẽ được chúng ta tìm gặp “trong chính xã hội”, nhờ đó chúng ta có thể yêu thương họ cách cụ thể, giúp đỡ họ trong những nhu cầu hay trong cơn túng thiếu, khác với cách chúng ta chỉ yêu thương họ trên bình diện quan hệ cá nhân với cá nhân. Yêu thương tha nhân trên bình diện xã hội có nghĩa là tuỳ theo hoàn cảnh mà sử dụng các trung gian xã hội để cải thiện đời sống của họ hoặc xoá bỏ những nhân tố xã hội đã gây ra cảnh túng thiếu ấy. Chắc chắn đây là một hành vi yêu thương, một việc làm tỏ lòng thương xót, nhờ đó người ta có thể đáp ứng ngay lúc này và tại đâymột nhu cầu thực sự và cấp bách của người thân cận. Nhưng đây cũng là một hành vi yêu thương rất cần thiết nhằm tổ chức và kiến trúc xã hội thế nào cho người thân cận của chúng ta không còn ở trong cảnh nghèo đói, điều này càng quan trọng khi đây là tình cảnh của vô số người hay thậm chí cả toàn thể một dân tộc đang phải tranh đấu, hay khi tình cảnh ấy mang tầm cỡ của một vấn đề xã hội toàn cầu thật sự.

--------------------------------------------------------------------------------------

451 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 265-267.

452 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10: AAS 96

(2004), 120.

453 Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia. 14: AAS 72 (1980), 1223.

454 Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia,12: AAS 72 (1980),1216.

455 Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, 14: AAS 72 (1980), 1224; x.

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2212.

456 Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 23, a. 8: Ed. Leon. 8, 72; x. Giáo

lý Giáo hội Công giáo, 1827.

457 Phaolô VI, Diễn văn gửi Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc nhân kỷ niệm 25

năm thành lập (16-11-1970): Insegnamenti di Paolo VI, vol. VIII, tr. 1153.

Chia sẻ