Skip to content
banner

Bài 5: Gia đình, Tế bào sống động của Xã hội

BTT UBCLHB
2021-01-22 16:43 UTC+7 398
Tầm quan trọng và vị trí trung tâm của gia đình so với con người và xã hội là những điều thường xuyên được Thánh Kinh nhấn mạnh. “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18). Đọc các bản văn tường thuật việc tạo dựng con người (x. St 1,26-28; 2,7-24), chúng

I. GIA ĐÌNH, XÃ HỘI TỰ NHIÊN ĐẦU TIÊN


209. Tầm quan trọng và vị trí trung tâm của gia đình so với con người và xã hội là những điều thường xuyên được Thánh Kinh nhấn mạnh. “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18). Đọc các bản văn tường thuật việc tạo dựng con người (x. St 1,26-28; 2,7-24), chúng ta mới hiểu làm thế nào – theo kế hoạch của Thiên Chúa – Ađam và Eva trở thành “hình thức hiệp thông đầu tiên giữa con người với nhau”458. Eva được tạo dựng giống Ađam như người sẽ làm cho Ađam được hoàn bị trong tính chất khác biệt của mình (x. St 2,18) để cùng với Ađam làm thành “một xương một thịt” (St 2,24; x. Mt 19,5-6)459. Đồng thời, cả hai cùng tham gia vào việc sinh sản, khiến họ trở thành người cộng sự với Đấng Tạo Hoá: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, làm cho đầy mặt đất” (St 1,28). Trong kế hoạch của Đấng Tạo Hoá, gia đình được coi là “nơi đầu tiên diễn ra quá trình ‘nhân hoá’ cá nhân và xã hội”, là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu”460.


210. Chính trong gia đình, người ta học biết thế nào là tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, và nhu cầu phải đáp lại tình yêu và lòng trung thành đó (x. Xh 12,25-27; 13,8.14-15; Đnl 6,20-25; 13,7-11; 1 Sm 3,13). Gia đình chính là nơi con cái học những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về sự khôn ngoan thiết thực, một sự khôn ngoan có liên quan đến các đức tính (x. Cn 1,8-9; 4,1-4; 6, 20-21; Hc 3,1-16; 7,27-28). Chính vì lý do này mà Thiên Chúa đã đích thân đứng ra bảo đảm cho tình yêu và sự trung tín của vợ chồng trong đời sống hôn nhân (x. Ml 2,14-15).

Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cụ thể, chấp nhận những đặc điểm của gia đình461 và đem lại cho định chế gia đình phẩm giá cao quý nhất, đó là biến gia đình thành một bí tích của giao ước mới (x. Mt 19,3-9). Vợ chồng tìm được phẩm giá sung mãn của mình, cũng như gia đình tìm được nền tảng vững chắc cho mình là nhờ đặt trong viễn tượng mới mẻ ấy.


211. Được thông điệp Thánh Kinh chói ngời ấy soi sáng, Giáo Hội coi gia đình như là xã hội tự nhiên đầu tiên, với những quyền lợi tự nhiên riêng của gia đình, đồng thời đặt gia đình làm trung tâm đời sống xã hội. Đẩy gia đình vào “một vai trò phụ thuộc hay thứ yếu, loại gia đình khỏi vị trí đúng đắn của nó trong xã hội sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự phát triển thật sự của toàn thể xã hội”462. Thật vậy, gia đình được khai sinh từ sự hiệp thông thân tình trong cuộc sống và trong tình yêu, dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ463. Gia đình vốn có chiều hướng xã hội riêng biệt và độc đáo, đó là nơi chủ yếu diễn ra các mối quan hệ liên vị, là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội464. Gia đình là một định chế thần linh làm nền tảng cho cuộc sống con người, là nguyên mẫu đầu tiên của mọi tổ chức xã hội.


a. Gia đình quan trọng đối với con người


212. Gia đình có một tầm quan trọng cốt yếu liên quan đến con người. Chính trong chiếc nôi cuộc sống và tình yêu này mà con người được sinh ra và lớn lên. Khi một đứa trẻ được thụ thai,xã hội tiếp nhận được một món quà là một con người mới, con người này được mời gọi “từ trong nơi sâu thẳm nhất của chính mình để hiệp thông với những con người khác và trao ban bản thân mình cho những con người khác”465. Bởi đó, chính trong gia đình mà việc hiến thân cho nhau giữa người đàn ông và người đàn bà được liên kết trong hôn nhân tạo nên một môi trường sống, trong đó con cái “phát triển các tiềm năng của mình, ý thức về phẩm giá của mình và chuẩn bị đối mặt với định mệnh độc đáo và duy nhất của mình”466.

Trong bầu khí thân mật tự nhiên ấy, nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau, mỗi người được nhìn nhận và học biết trách nhiệm của mình trong toàn bộ cuộc đời mình. “Cơ cấu đầu tiên và căn bản làm nên ‘môi sinh nhân loại’ chính là gia đình, trong đó con người tiếp nhận những ý tưởng đầu tiên mang tính giáo dục về sự thật và sự tốt lành, cũng như học được thế nào là yêu và được yêu, và từ đó biết được làm người thực ra là gì”467. Thật vậy, các bổn phận của mỗi người trong gia đình không chỉ dừng lại với những gì được quy định trong một hợp đồng, mà rút ra từ chính bản chất của gia đình, dựa trên giao ước hôn nhân không thể thay đổi và dựa trên cơ cấu có sẵn trong các mối quan hệ, xuất hiện trong gia đình kể từ khi sinh con hay nhận con.


b. Gia đình quan trọng đối với xã hội


213. Gia đình, một cộng đồng tự nhiên trong đó người ta nghiệm ra bản tính xã hội của mình, chính là một đóng góp độc nhất vô nhị, không thể thay thế được, cho ích lợi xã hội. Thật vậy, đơn vị gia đình được sinh ra do sự hiệp thông giữa các ngôi vị. “‘Hiệp thông’ là một điều có liên hệ tới quan hệ ngôi vị giữa ‘tôi’ và ‘anh’. Nhưng ‘cộng đồng’ lại là một điều vượt lên trên khuôn khổ ấy, hướng tới một ‘xã hội’, hướng tới ‘chúng ta’. Thế nên, trong tư cách là một cộng đồng các ngôi vị, gia đình đúng là ‘xã hội’ đầu tiên của con người”468.

Một xã hội xây dựng trên gia đình chính là một sự bảo đảm tốt nhất cho xã hội khỏi bị cuốn hút theo chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể, vì chỉ trong gia đình, con người mới luôn luôn là trung tâm của mọi sự quan tâm, con người được coi như một mục tiêu chứ không bao giờ bị coi như một phương tiện. Rõ ràng là ích lợi của cá nhân và sự vận hành tốt đẹp của xã hội đều có liên quan mật thiết với “tình trạng lành mạnh của đời sống hôn nhân và gia đình”469. Không có những gia đình hiệp thông mạnh mẽ và cam kết ổn định thì các dân tộc sẽ trở nên yếu kém. Trong gia đình, các giá trị luân lý được dạy dỗ ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời, cũng như di sản thiêng liêng của cộng đồng tôn giáo và di sản văn hoá của quốc gia được lưu truyền. Trong gia đình, người ta học biết trách nhiệm xã hội và tình liên đới470.


214. Gia đình phải được đặt trên xã hội và quốc gia: đó là một điều cần phải được khẳng định. Thật vậy, ít là trong chức năng sinh sản, gia đình chính là điều kiện để cho xã hội và quốc gia tồn tại. Còn đối với các chức năng khác có lợi cho mỗi người trong gia đình, gia đình sẽ giúp làm tăng giá trị và tầm quan trọng cho các chức năng mà xã hội và quốc gia được mời gọi để chu toàn471. Gia đình có những quyền lợi bất khả xâm phạm và những quyền lợi ấy được coi là chính đáng, đó là do bản tính con người chứ không phải do được Nhà Nước nhìn nhận. Vì thế, gia đình không hiện hữu vì xã hội hay quốc gia, nhưng xã hội hay quốc gia hiện hữu vì gia đình.

Mô hình xã hội nào muốn phục vụ ích lợi của con người đều không được xem nhẹ vai trò trung tâm và trách nhiệm xã hội của gia đình. Khi liên hệ với gia đình, xã hội và quốc gia có nghĩa vụ nặng nề là tuân thủ nguyên tắc bổ trợ. Theo nguyên tắc ấy, chính quyền không được lấy khỏi gia đình những nhiệm vụ mà gia đình có thể hoàn thành tốt, một mình hay liên kết tự nguyện với các gia đình khác, đồng thời phải bảo đảm cho gia đình được mọi sự hỗ trợ cần thiết để chu toàn đúng đắn các trách nhiệm của mình472.

--------------------------------------------------------------------------------------------

458 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58(1966), 1034.

459 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1605.

460 Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 40: AAS 81

(1989), 469.

461 Thánh Gia là một mẫu gương cho đời sống gia đình: “Ước chi Nazareth sẽ nhắc cho

chúng ta nhớ gia đình là gì, thế nào là hiệp thông trong tình yêu, vẻ đẹp đơn sơ

mà đậm đà của gia đình, tính chất linh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình;

ước chi Nazareth giúp chúng ta thấy được sự giáo dục trong gia đình là một điều hết

sức êm ái và không thể thay thế được; ước chi Nazareth dạy chúng ta hiểu vai trò tự

nhiên của gia đình trong trật tự xã hội. Ước chi chúng ta học được bài học lao động

của Nazareth”: Phaolô VI, Diễn văn tại Nazareth (5-1-1964): AAS 56 (1964), 168.

462 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 17: AAS 86 (1994), 906.

463 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966),

1067-1069.

464 x. CĐ. Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem 11: AAS 58 (1966), 848.

465 Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 40: AAS 81

(1989), 468.

466 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39: AAS 83 (1991), 841.

467 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39: AAS 83 (1991), 841.

468 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 7: AAS 86 (1994), 875; x.

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2206.

469 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 58 (1966), 1067; x. Giáo lý

Giáo hội Công giáo, 2210.

470 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2224.

471 x. Toà Thánh, Hiến chương về Quyền của gia đình, Lời Phi Lộ, D-E, Nhà Xuất bản

Đa ngữ, Vatican 1983, tr. 6.

472 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 45: AAS 74 (1982), 136-137; x.

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2209.

II. HÔN NHÂN, NỀN TẢNG CỦA GIA ĐÌNH


a. Giá trị của hôn nhân


215. Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân, đồng thời trên sự tôn trọng ý nghĩa và các giá trị của định chế này, một định chế không tuỳ thuộc con người mà tuỳ thuộc chính Thiên Chúa: “Vì ích lợi của vợ chồng và con cái, cũng như vì ích lợi của xã hội, dây liên kết linh thiêng này không còn tuỳ thuộc một mình quyết định của con người nữa. Chính Thiên Chúa là tác giả của cuộc hôn nhân; Ngài đã ban cho hôn nhân những ơn ích và mục tiêu khác nhau”473. Bởi đó, định chế hôn nhân – tức là “sự cộng tác thân mật trong sự sống và tình yêu… do Đấng Tạo Hoá thiết lập và đã được Ngài ấn định cho những quy luật riêng”474 – không phải là kết quả của những thoả thuận giữa con người với nhau, cũng không phải là kết quả của những quy định pháp lý, nhưng nó có được sự ổn định như thế là do quyết định của Thiên Chúa475. Đó là một định chế được khai sinh – kể cả trước mắt xã hội – “do một hành vi nhân linh, qua đó hai bên trao phó bản thân mình cho nhau”476, và được xây dựng dựa trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng, một tình yêu được xem như một sự trao tặng toàn vẹn và độc quyền mà người này dành cho người kia, khiến hai bên dứt khoát dấn thân cho nhau, và điều này được biểu lộ qua việc hai bên bày tỏ sự ưng thuận với nhau cách công khai và không thể rút lại477. Việc dấn thân ấy muốn nói lên rằng mọi mối quan hệ giữa các thành phần trong gia đình đều in đậm ý thức công lý, và từ đó, cũng in đậm sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của nhau.


216. Không quyền lực nào có thể xoá bỏ quyền tự nhiên của con người là được kết hôn, cũng không quyền lực nào có thể thay đổi các đặc tính và mục tiêu của hôn nhân. Thật vậy, hôn nhân được phú cho những đặc tính riêng, bẩm sinh và vĩnh viễn. Dù có nhiều thay đổi đã xảy ra qua bao thế kỷ trong các nền văn hoá, trong các cơ chế xã hội và thái độ tinh thần khác nhau, nhưng trong nền văn hoá nào cũng tồn tại một nhận thức rằng kết hợp hôn nhân là một việc có phẩm giá rất cao, mặc cho nhận thức ấy không phải ở chỗ nào cũng rõ ràng và sáng sủa như nhau478. Phẩm giá này phải được tôn trọng trong những đặc điểm riêng của nó và phải được tìm bảo vệ khỏi bất cứ toan tính nào muốn phá hoại nó. Xã hội không thể tự do áp đặt luật lệ, liên quan đến dây ràng buộc hôn nhân, qua đó hai vợ chồng đã hứa hẹn với nhau sẽ trung tín, giúp đỡ và đón nhận con cái, nhưng xã hội được quyền điều chỉnh các hệ quả dân sự của dây ràng buộc hôn nhân đó.


217. Những nét đặc thù của hôn nhân là: toàn vẹn, tức là vợ chồng trao thân cho nhau trong mọi khía cạnh của con người mình, về thể lý cũng như về tinh thần; hợp nhất, để hai vợ chồng trở nên “một xương một thịt” (St 2,24); bất khả phân ly và trung tín như việc dứt khoát trao thân cho nhau đòi hỏi; sinh con cái như một điều mà chính hôn nhân tự nhiên hướng tới479. Kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa về hôn nhân – một kế hoạch mà trí khôn con người có thể lĩnh hội được dù gặp nhiều khó khăn do “sự cứng lòng” của con người (x. Mt 19,8; Mc 10,5) – không thể được đánh giá chỉ dựa trên cách hành xử thực tế (de facto) và những hoàn cảnh cụ thể đi ngược lại kế hoạch ấy. Một trong những sự chối bỏ triệt để kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa là đa thê, “vì đa thê đi ngược lại phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ đã trao thân cho nhau trong hôn nhân bằng một tình yêu toàn vẹn, và bởi đó, duy nhất và không chia sẻ”480.


218. Theo đúng sự thật “khách quan” của hôn nhân, hôn nhân được sắp xếp nhắm tới việc sinh sản và giáo dục con cái481. Thật vậy, sự kết hợp trong hôn nhân đem lại cho việc chân thành tự hiến một sức sống sung mãn, và kết quả của sự kết hợp ấy là con cái, rồi đến lượt mình, con cái trở thành quà tặng cho cha mẹ, cho cả gia đình và cho cả xã hội482. Tuy nhiên, hôn nhân không được lập ra chỉ vì lý do sinh sản483. Tính bất khả phân ly và giá trị hiệp thông của hôn nhân vẫn còn nguyên vẹn, kể cả khi con cái, dù cha mẹ hết sức mong muốn, không được sinh ra để làm cho đời sống vợ chồng nên trọn vẹn. Trong trường hợp này, vợ chồng “có thể diễn tả lòng quảng đại của mình bằng cách nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi hay bằng cách thực hiện những công tác phục vụ theo nhu cầu cần thiết của người khác”484.


b. Bí tích Hôn Nhân


219. Theo sự thiết lập của Đức Kitô, thì người đã được rửa tội sống thực tại của hôn nhân vốn tiềm ẩn nơi con người dưới hình thức siêu nhiên của một bí tích, tức là một dấu chỉ và là một công cụ của ân sủng. Chủ đề giao ước hôn nhân được xem như là biểu hiện hết sức ý nghĩa của sự hiệp thông tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, và như là chìa khoá tượng trưng giúp chúng ta hiểu các giai đoạn khác nhau trong lịch sử giao ước vĩ đại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, chủ đề này có thể tìm thấy trong suốt dòng lịch sử cứu độ485. Và ngay chính tại trung tâm mạc khải kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta thấy món quà Thiên Chúa trao cho nhân loại là Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô, “vị hôn phu yêu thương và tự hiến mình làm Đấng Cứu Chuộc nhân loại, kết hợp nhân loại với mình như thể đó là thân thể mình. Người mạc khải cho thấy sự thật nguyên thuỷ của hôn nhân, sự thật của ‘thuở ban đầu’ (x. St 2,24; Mt 19,5), và sau khi giải thoát con người khỏi sự cứng lòng, Người làm cho con người có khả năng thực hiện sự thật ấy cách trọn vẹn”486. Tính bí tích của hôn nhân có được là do tình yêu phu thê mà Đức Kitô dành cho Giáo Hội, tình yêu ấy đạt đến mức viên mãn khi Người tự hiến trên thập giá. Ơn bí tích này sẽ giúp cho tình yêu của vợ chồng trở nên giống tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội. Hôn nhân, trong tư cách là bí tích, chính là giao ước trong tình yêu giữa một người nam và một người nữ487.


220. Bí tích Hôn Nhân thu nhận thực tại nhân loại của tình yêu vợ chồng với tất cả những hệ luận của tình yêu ấy và “mang lại cho các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo một khả năng và một sự cam kết sống trọn ơn gọi giáo dân của mình, và từ đó ‘tìm kiếm Nước Chúa bằng cách tham gia vào các việc trần thế và sắp xếp chúng theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa’”488. Khi được kết hợp mật thiết với Giáo Hội nhờ bí tích Hôn Nhân – bí tích đã làm cho gia đình Kitô giáo trở thành một “Giáo Hội tại gia” hay một “Giáo Hội thu nhỏ” – gia đình Kitô giáo được mời gọi hãy “trở nên dấu chỉ hợp nhất cho thế giới, và bằng cách đó, thi hành vai trò ngôn sứ của mình qua việc làm chứng cho Nước Trời và bình an của Đức Kitô, mà cả thế giới này đang trên đường tiến về đích điểm đó”489.

Bác ái hôn nhân, xuất phát từ chính bác ái của Chúa Kitô, được ban qua bí tích Hôn Nhân, giúp vợ chồng Kitô giáo trở thành chứng nhân của một ý thức xã hội mới, do Tin Mừng và mầu nhiệm Vượt Qua khơi gợi. Tình yêu tự nhiên của họ sẽ liên tục được thanh tẩy, củng cố và nâng cao nhờ ơn bí tích. Bằng cách đó, không những vợ chồng Kitô giáo giúp đỡ nhau trên đường nên thánh, mà còn trở thành dấu hiệu và công cụ cho tình yêu của Đức Kitô trong thế giới. Qua chính cuộc sống của mình, họ được mời gọi làm chứng và công bố ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân, một điều mà xã hội hôm nay càng ngày càng cảm thấy khó nhận ra, nhất là khi xã hội ấy chấp nhận những quan điểm theo chủ nghĩa tương đối về chính nền tảng tự nhiên của định chế hôn nhân.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

473 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966), 1067.

474 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966), 1067.

475 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1603.

476 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966), 1067.

477 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1639.

478 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1603.

479 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 13: AAS 74 (1982), 93-96.

480 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 19: AAS 74 (1982), 102.

481 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48, 50: AAS 58 (1966),

1067-1069, 1070-1072.

482 x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 11: AAS 86 (1994),

883-886.

483 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 50: AAS 58 (1966), 1070-1072.

484 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2379.

485 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 12: AAS 74 (1982), 93: Vì lý do đó, những lời trọng yếu của mạc khải, “Thiên Chúa yêu thương dân Ngài” cũng được công bố qua chính lời lẽ vừa sống động vừa cụ thể mà một người nam và một người nữ dùng để bày tỏ tình yêu vợ chồng của mình. Dây liên kết tình yêu của họ trở thành hình ảnh và biểu tượng cho giao ước nối kết Thiên Chúa với dân Ngài (x. Os 2,21; Gr 3,6-13; Is 54). Cũng thế, tội lỗi làm hại tới khế ước hôn nhân của hai vợ chồng trở thành hình ảnh của tội bất trung mà dân Chúa lỗi phạm với Chúa: thờ ngẫu tượng cũng là mãi dâm (x. Ez 16,25), bất trung cũng là ngoại tình, bất tuân lề luật cũng là ruồng bỏ tình yêu phu phụ của Chúa. Nhưng sự bất trung của Israel vẫn không phá vỡ sự trung thành muôn đời của Chúa, và bởi đó tình yêu luôn luôn trung thành của Chúa được nêu ra làm mẫu mực cho tình yêu trung tín phải có giữa hai vợ chồng (x. Os 3)”.

486 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 13: AAS 74 (1982), 93-94.

487 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966),

1067-1069.

488 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 47: AAS 74 (1982), 139: trích dẫn

trong Tông huấn này lấy từ Hiến chế Tín lý Lumen Gentium của Công đồng

Vatican II, số 31: AAS 57 (1965), 37.

489 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 48: AAS 74 (1982), 140; x. Giáo

lý Giáo hội Công giáo, 1656-1657, 2204.

III. CHỦ THỂ TÍNH XÃ HỘI CỦA GIA ĐÌNH


a. Tình yêu và việc đào tạo một cộng đồng các ngôi vị


221. Gia đình hiện diện như một nơi cho sự hiệp thông được khai sinh – sự hiệp thông này rất cần thiết đối với một xã hội ngày càng theo chủ nghĩa cá nhân như xã hội hôm nay. Gia đình là nơi cho cộng đồng các ngôi vị đích thực được phát triển và lớn lên490, nhờ tính năng động không ngừng của tình yêu, là chiều hướng căn bản trong kinh nghiệm con người, và chính trong gia đình, tình yêu này tìm được nơi ưu tiên để tự thể hiện chính mình. “Tình yêu làm cho con người có được sự sung mãn nhờ biết chân thành trao ban chính mình. Yêu có nghĩa là cho và nhận một điều gì đó không thể mua cũng không thể bán, mà chỉ có thể cho một cách tự nguyện và hỗ tương”491.

Chính nhờ tình yêu – vốn là thực tại căn bản để định nghĩa hôn nhân và gia đình – mà mỗi người, nam hay nữ, được nhìn nhận, được chấp nhận và được tôn trọng theo đúng phẩm giá của mình. Từ tình yêu ấy sẽ nảy sinh những mối quan hệ mà hai bên sẽ trải nghiệm một cách hoàn toàn không cầu lợi. Thái độ không cầu lợi này, “qua việc tôn trọng và cổ vũ phẩm giá riêng trong mỗi người và mọi người như là nền tảng duy nhất có giá trị..., có thể được biểu lộ qua việc chấp nhận nhau thật lòng, gặp gỡ và đối thoại, sẵn sàng cống hiến cách vô vị lợi, phục vụ quảng đại và liên đới sâu xa”492. Sự có mặt của các gia đình sống theo đường lối ấy sẽ vạch trần những khuyết điểm và mâu thuẫn của một xã hội mà hầu hết, dù không phải là tuyệt đối, chỉ biết dựa trên hiệu quả và năng suất. Khi hằng ngày xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ liên vị, cả bên trong lẫn bên ngoài, gia đình sẽ trở thành “trường học đầu tiên và không thể thay thế về đời sống xã hội, là tấm gương và động lực cho những quan hệ cộng đồng rộng lớn hơn, những mối quan hệ mang đậm dấu ấn của lòng kính trọng, công lý, đối thoại và yêu thương”493.


222. Tình yêu cũng được biểu lộ qua việc quan tâm rộng rãi tới những người cao tuổi sống trong các gia đình: sự có mặt của họ có thể mang giá trị rất lớn. Họ chính là tấm gương cho thấy những sự liên kết giữa các thế hệ là nguồn cho gia đình và toàn thể xã hội được ấm no hạnh phúc: “Không những họ chỉ cho thấy có những khía cạnh của sự sống – như những giá trị nhân bản, văn hoá, luân lý và xã hội – không thể nào được phán xét dựa trên hiệu năng kinh tế, mà họ còn đóng góp rất hiệu quả cho môi trường lao động và các vai trò lãnh đạo. Tóm lại, đây không chỉ là vấn đề làm một việc gì đó cho người cao tuổi, mà còn là đón nhận họ một cách thực tế như những người cùng tham gia các dự án chung – để cùng suy nghĩ, trao đổi và hành động”494. Như Thánh Kinh đã nói: “Họ già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả” (Tv 92,15). Người cao tuổi chính là một trường đời quan trọng, có thể truyền đạt nhiều giá trị và truyền thống, có thể tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ phát triển, và bởi đó, các thế hệ này phải tập tìm kiếm những ích lợi không chỉ cho mình mà còn cho những người khác. Nếu người cao tuổi nào đang sống trong những hoàn cảnh đau khổ và lệ thuộc, thì họ không chỉ cần sự chăm sóc y tế và sự trợ giúp thích hợp, nhưng – và trên hết – họ cần được đối xử bằng tình yêu.


223. Con người được tạo dựng để yêu và không thể sống không có tình yêu. Một khi tình yêu được biểu lộ như một sự dâng hiến trọn vẹn của hai con người với những sự bổ túc cho nhau, thì tình yêu không thể bị giản lược thành những cảm xúc hay tình cảm, càng không thể bị rút gọn thành những biểu hiện tính dục đơn thuần. Trong một xã hội ngày càng có khuynh hướng tương đối hoá và tầm thường hoá chính kinh nghiệm yêu thương và tính dục, đề cao những khía cạnh thoáng qua và làm lu mờ những giá trị căn bản của tình yêu, thì càng cấp thiết hơn bao giờ hết phải công bố và minh chứng rằng sự thật của tình yêu vợ chồng và tính dục chỉ hiện hữu ở nơi nào có sự dâng hiến trọn vẹn và đầy đủ con người với hai đặc điểm là duy nhất và trung tín495. Sự thật này, là nguồn đem lại hoan lạc, hy vọng và sức sống, sẽ mãi mãi không thể nào thăm dò và hiểu thấu được bao lâu người ta còn khép kín lòng mình trong chủ nghĩa tương đối và hoài nghi.


224. Đứng trước những lý thuyết coi bản sắc giới tính đơn thuần chỉ là sản phẩm văn hoá và xã hội do sự tương tác giữa cộng đồng và cá nhân, hoàn toàn độc lập với bản sắc tính dục của mỗi người, không có liên hệ gì đến ý nghĩa đích thực của tính dục, Giáo Hội vẫn không mệt mỏi nhắc lại giáo huấn sau đây của mình: “Mọi người, dù là nam hay nữ, đều cần nhận ra và chấp nhận bản sắc tính dục của mình. Sự khác biệt và những sự bổ sung về thể lý, luân lý và tinh thần, giữa người nam và người nữ là nhằm hướng đến những ích lợi của hôn nhân và làm thăng hoa đời sống gia đình. Vợ chồng được hoà thuận và xã hội được hài hoà phần nào tuỳ thuộc vào cách người ta trải nghiệm những sự bổ sung, thoả mãn các nhu cầu và sự tương trợ giữa hai giới tính”496. Theo viễn tượng ấy, các luật thiết định đặt ra cần phải phù hợp với luật tự nhiên; theo luật tự nhiên này, bản sắc giới tính là tuyệt đối cần thiết, vì đó chính là điều kiện khách quan để làm nên vợ chồng trong hôn nhân.


225. Chính bản chất của tình yêu vợ chồng đòi hỏi quan hệ hôn nhân phải bền vững và bất khả phân ly. Thiếu những đặc tính này, mối quan hệ của một tình yêu trọn vẹn và độc quyền sẽ bị tổn thương, mà đây lại là thứ tình yêu riêng biệt của quan hệ hôn nhân, đồng thời sự thiếu vắng đó sẽ gây đau khổ cho con cái, cũng như tạo ra những âm hưởng tai hại cho cơ cấu xã hội.

Sự bền vững và bất khả phân ly của sự kết hợp trong hôn nhân không được giao phó hoàn toàn cho ý hướng và nỗ lực của những cá nhân có liên hệ. Trách nhiệm bảo vệ và phát huy gia đình thành một định chế căn bản tự nhiên, nhất là khi nhìn tới những khía cạnh quan trọng và căn bản của gia đình, phải là trách nhiệm của toàn thể xã hội. Nhu cầu cần phải đem đến cho hôn nhân tính cơ chế, dựa trên một hành vi công khai được xã hội và luật pháp nhìn nhận, là nhu cầu xuất phát từ những đòi hỏi căn bản của bản tính xã hội nơi con người.

Đưa ly dị vào trong pháp chế dân sự là tiếp sức thêm cho quan niệm tương đối hoá sự ràng buộc của hôn nhân và việc nó được phổ biến khắp nơi trở thành “một nạn dịch thực sự cho xã hội”497. Những vợ chồng nào đang tìm cách bảo vệ và phát huy tính bất khả phân ly của hôn nhân “một cách khiêm tốn và can đảm… là đang chu toàn vai trò được giao cho họ, đó là trở thành ‘dấu hiệu’ trong thế giới – một dấu hiệu nhỏ bé và quý giá, đôi khi cũng bị cám dỗ, nhưng luôn được đổi mới – về lòng trung thành không chút suy suyển mà Thiên Chúa và Đức Kitô vẫn gìn giữ khi yêu thương mỗi một con người và hết thảy mọi người”498.


226. Giáo Hội không hề bỏ rơi những người đã tái kết hôn sau khi ly dị. Giáo Hội cầu nguyện cho họ và khích lệ họ vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trong đời sống thiêng liêng, đồng thời nâng đỡ họ trong đức tin và đức cậy. Về phần mình, những người này – trong tư cách là những người đã chịu phép rửa – có thể và cần phải tham dự vào đời sống Giáo Hội. Giáo Hội khuyến khích họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự hy tế Thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, làm các việc bác ái và tham gia vào các dự án của cộng đồng phục vụ công lý và hoà bình, giáo dục con cái trong đức tin, nuôi dưỡng tinh thần sám hối và làm các việc đền tội để ngày ngày cầu xin ơn Chúa.

Chỉ có thể ban sự hoà giải qua bí tích Sám Hối – là bí tích mở đường cho họ đến với bí tích Thánh Thể – cho những ai sau khi ăn năn, đã thật lòng quyết tâm sống một nếp sống mới, không còn đi ngược lại sự bất khả phân ly của hôn nhân nữa499.

Làm như thế là Giáo Hội tuyên xưng lòng trung thành với Đức Kitô và chân lý của Người; đồng thời biểu lộ tình mẫu tử đối với con cái mình, nhất là những người không do lỗi mình mà bị người bạn đời chính thức của mình ruồng bỏ. Giáo Hội tin tưởng cách chắc chắn rằng ngay cả những người đã lìa bỏ giới răn của Chúa và vẫn đang sống trong tình trạng ấy đều có thể được Chúa ban ơn hoán cải và cứu độ, nếu họ kiên trì cầu nguyện, đền tội và sống bác ái500.


227. Những sự “kết hợp đã rồi”, mà số này ngày càng gia tăng, đều dựa trên một quan niệm sai lạc về sự tự do lựa chọn của cá nhân501 và dựa trên một cái nhìn hoàn toàn riêng rẽ về hôn nhân và gia đình. Hôn nhân không chỉ là một sự đồng ý đơn giản để sống chung với nhau, mà còn là một quan hệ có chiều hướng xã hội, hoàn toàn độc đáo so với mọi thứ quan hệ khác, vì gia đình – nơi chăm sóc và giáo dục con cái – là công cụ chính yếu để giúp mỗi người trưởng thành một cách toàn diện và đưa mỗi người hội nhập tích cực vào đời sống xã hội.

Đặt những sự “kết hợp đã rồi” ngang bằng với gia đình trước mặt luật pháp là đã không tín nhiệm đủ kiểu mẫu gia đình, vì gia đình vốn là một định chế không thể được khai sinh từ những quan hệ tạm bợ giữa những con người502, mà chỉ được khai sinh do những sự kết hợp bền vững xuất phát từ hôn nhân, tức là xuất phát từ giao ước giữa một người nam với một người nữ, dựa trên sự chọn lựa đồng thuận và tự nguyện của cả hai, đưa tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa vợ chồng nhằm hướng tới việc sinh sản.


228. Liên quan tới những sự “kết hợp đã rồi” này là một vấn đề đặc biệt: vấn đề đòi luật pháp nhìn nhận sự kết hợp giữa những người đồng tính luyến ái, việc này ngày càng trở thành đề tài tranh luận công khai. Chỉ có quan điểm nhân học phản ánh sự thật trọn vẹn về con người mới có thể đưa ra câu trả lời đầy đủ cho vấn đề này với những khía cạnh khác nhau cả trên bình diện xã hội lẫn Giáo Hội503. Quan điểm nhân học ấy sẽ cho chúng ta thấy “không thích hợp chút nào khi đòi hỏi dành quy chế ‘hôn nhân’ cho những sự kết hợp giữa những người đồng giới. Điều ấy bị chống đối trước tiên bởi một sự thật khách quan là không thể nào làm cho sự cộng tác giữa hai người ấy sinh hoa kết quả qua việc thông truyền sự sống theo như kế hoạch đã được Thiên Chúa khắc ghi trong chính cơ cấu của hữu thể con người. Một trở ngại khác là không có những điều kiện để có được sự bổ sung liên vị giữa người nam và người nữ như Tạo Hoá đã muốn cả trên bình diện sinh-thể lý lẫn bình diện vượt trội của tâm lý. Chỉ khi có sự kết hợp giữa hai người khác nhau về giới tính, mỗi cá nhân mới có thể đạt tới tình trạng hoàn hảo nhờ vừa có sự hợp nhất giữa hai người vừa có sự bổ túc về tâm sinh lý giữa hai người ấy”504.

Phải tôn trọng những người đồng tính luyến ái một cách đầy đủ trong chính nhân phẩm của họ505, và phải khích lệ họ tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa bằng cách quan tâm đặc biệt tới việc thực hành đức khiết tịnh506. Thi hành bổn phận tôn trọng ấy không có nghĩa là bênh vực sự hợp pháp hoá một hành vi không phù hợp với luật luân lý, càng không có nghĩa là bênh vực việc nhìn nhận quyền kết hôn giữa những người đồng giới và coi việc ấy ngang hàng với gia đình507.

“Nếu đứng trên quan điểm luật pháp, hôn nhân giữa một người nam và một người nữ phải được coi là hình thức duy nhất được phép của hôn nhân, thì trong thực tế, khái niệm về hôn nhân đang bị biến đổi cách triệt để, gây thiệt hại nặng nề cho công ích. Khi đặt những sự kết hợp đồng tính luyến ái ngang hàng về mặt pháp luật với những sự kết hợp trong hôn nhân và gia đình, Nhà Nước đã hành động một cách tuỳ tiện và đi ngược lại các nghĩa vụ của mình”508.


229. Sự bền vững của hạt nhân gia đình chính là nguồn mang tính quyết định làm cho cuộc sống trong xã hội có chất lượng; bởi đó, cộng đồng dân sự không thể cứ thờ ơ bỏ qua những khuynh hướng làm mất ổn định đang đe doạ tới tận gốc rễ nền tảng xã hội, tức là gia đình. Dù luật pháp có thể khoan dung đối với những hành vi không thể chấp nhận được về mặt luân lý509, nhưng luật pháp không được vì thế mà làm suy yếu sự nhìn nhận lâu nay rằng hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly là hình thức đúng đắn duy nhất của gia đình. Bởi đó, chính quyền cần phải “chống lại các khuynh hướng ấy, là những khuynh hướng đang chia rẽ xã hội và đang làm hại tới phẩm giá, an ninh và hạnh phúc của các công dân, xét như những cá thể; và phải cố gắng làm sao cho công luận không bị lèo lái tới chỗ coi nhẹ tầm quan trọng của định chế hôn nhân và gia đình”510.

Nhiệm vụ của cộng đồng Kitô giáo và tất cả những ai tha thiết với ích lợi của xã hội là phải tái khẳng định rằng “gia đình không chỉ là một đơn vị pháp lý, xã hội và kinh tế, mà còn là một cộng đồng yêu thương và liên đới, là môi trường duy nhất thích hợp để dạy dỗ và truyền đạt những giá trị văn hoá, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, một việc rất cần để phát triển và xây dựng hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình và cho xã hội”511.


b. Gia đình là thánh điện của sự sống


230. Tình yêu vợ chồng tự bản chất luôn mở ra để đón nhận sự sống512. Phẩm giá của con người – là hữu thể được mời gọi để công bố sự tốt lành và phong phú xuất phát từ Thiên Chúa – được biểu lộ một cách cao cả nhất qua nhiệm vụ sinh sản: “Việc làm cha làm mẹ của con người, tuyvề mặt sinh học có giống với việc sinh sản của các sinh vật khác về bản chất, vẫn có một điều gì đó ‘giống’ Thiên Chúa một cách hết sức độc đáo và căn bản, và chính điểm giống này là nền tảng làm cho gia đình trở thành một cộng đồng sự sống nhân loại, một cộng đồng các ngôi vị hợp nhất với nhau trong tình yêu (communio personarum)”513.

Sinh sản biểu lộ chủ thể tính xã hội của gia đình và khởi động một sức mạnh của tình yêu và liên đới giữa các thế hệ, mà trên đó xã hội được thành lập. Cần khám phá lại giá trị xã hội củaphần công ích tiềm ẩn nơi mỗi con người mới. Đứa trẻ nào cũng “trở thành quà tặng cho anh chị em, cha mẹ và toàn thể gia đình của nó. Sự sống của nó trở thành quà tặng cho chính những người đã ban cho nó sự sống, những người không thể nào không cảm nhận nó đang có mặt, đang tham gia vào cuộc sống của họ và đang đóng góp vào công ích của họ, cũng như của cộng đồng gia đình”514.


231. Gia đình xây dựng trên hôn nhân đúng là thánh điện của sự sống, “là nơi trong đó sự sống - một quà tặng của Thiên Chúa - có thể được tiếp đón và bảo vệ thích đáng khỏi rất nhiều sự tấn công mà sự sống có nguy cơ gặp phải, cũng như có thể được phát triển phù hợp với những gì làm nên sự tăng trưởng nhân bản đích thực”515. Vai trò của gia đình trong việc cổ vũ và xây dựng nền văn hoá sự sống516 chống lại “khả năng hình thành một tình trạng ‘phản văn minh’ có sức phá hoại, như nhiều xu hướng và tình cảnh hiện nay xác nhận”517, là một vai trò mang tính quyết định và không thể thay thế được.

Vì thế, dựa vào bí tích đã lãnh nhận, các gia đình Kitô giáo có một sứ mạng đặc biệt là làm chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống. Đây là một sự dấn thân, mà trong xã hội hôm nay, có giá trị như một lời tiên tri đích thực và can đảm. Chính vì lý do đó, “phục vụ Tin Mừng sự sống… có nghĩa là các gia đình, thông qua việc tham gia vào các hiệp hội gia đình, ra sức làm việc thế nào để bảo đảm cho luật lệ và định chế của quốc gia chẳng những không xâm phạm quyền sống, từ khi thụ thai cho tới khi chết cách tự nhiên, mà còn bảo vệ và phát triển quyền sống đó”518.

232. Gia đình đóng góp vào ích lợi xã hội một cách hết sức đặc biệt qua việc làm cha làm mẹ, như một cách cho phép hai vợ chồng tham gia đặc biệt vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa519. Không được viện cớ trách nhiệm ấy nặng nề để biện minh cho sự khép kín ích kỷ, mà phải dựa vào đó để hướng dẫn các quyết định của vợ chồng quảng đại đón nhận sự sống. “Vợ chồng phải xét tới những điều kiện thể lý, kinh tế, tâm lý và xã hội khi thực hiện việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm, như khi phải quyết định một cách quảng đại nhưng có cân nhắc kỹ lưỡng nên có một gia đình đông con hay không, và khi phải quyết định tránh sinh thêm con trong một thời gian hay thậm chí vĩnh viễn, vì những lý do nghiêm trọng và vẫn tôn trọng luật luân lý”520. Những động cơ hướng dẫn hai vợ chồng thi hành việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm bắt nguồn từ chỗ họ đã nhìn nhận đầy đủ các nghĩa vụ của mình đối với Chúa, đối với bản thân, đối với gia đình và xã hội theo đúng thứ tự các giá trị.


233. Đối với các “phương pháp” giúp thực hành việc sinh sản có trách nhiệm, phương pháp đầu tiên cần phải loại bỏ vì bất hợp pháp về luân lý là triệt sản và phá thai521. Đặc biệt, phá thai là một tội ác đáng ghê tởm và là một sự phá hoại trật tự luân lý một cách đặc biệt nghiêm trọng522; thay vì là quyền lợi, phá thai chính là một hiện tượng đáng buồn góp phần đáng kể vào việc phổ biến não trạng chống lại sự sống, là một sự đe doạ nguy hiểm cho việc chung sống trong xã hội một cách công bằng và dân chủ523.

Cũng cần loại bỏ những phương pháp ngừa thai dưới nhiều hình thức khác nhau524: việc loại bỏ ấy dựa trên một sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về con người và tính dục của con người525, cũng như tượng trưng cho lời kêu gọi luân lý muốn mọi người bảo vệ sự phát triển chân chính của các dân tộc526. Mặt khác, cũng dựa vào những lý do vừa kể của trật tự nhân học, người ta được phép vận dụng sự tiết dục định kỳ trong thời gian có thể mang thai của người phụ nữ527. Loại bỏ việc ngừa thai và sử dụng các phương pháp tự nhiên để điều hoà sinh sản chính là quyết định xây dựng những quan hệ liên vị giữa hai vợ chồng dựa trên sự tôn trọng và chấp nhận nhau toàn diện, đưa tới những hiệu quả tích cực là tạo ra một trật tự xã hội nhân bản hơn.


234. Quyết định về thời gian cách quãng giữa các lần sinh con và về số con muốn có là quyền riêng của hai vợ chồng. Đây là một trong những quyền không thể chuyển nhượng, sẽ được thi hành trước mặt Chúa sau khi suy xét đủ về những bổn phận đối với bản thân, đối với con cái đã sinh ra, đối với gia đình và xã hội528. Chính quyền muốn can thiệp trong phạm vi chuyên môn của mình là cung cấp thông tin và đưa ra những biện pháp thích hợp trong lĩnh vực dân số thì phải làm sao cho mọi người và sự tự do của vợ chồng vẫn được tôn trọng đầy đủ. Không bao giờ được phép lấy sự can thiệp ấy thay cho quyết định của hai vợ chồng529. Mọi tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực này càng phải tránh làm điều như vậy.

Tất cả mọi chương trình trợ giúp kinh tế nhằm tài trợ các chiến dịch triệt sản và ngừa thai, cũng như việc bắt các chương trình trợ giúp kinh tế lệ thuộc các chiến dịch này, cần phải bị lên án về mặt luân lý vì xâm phạm tới phẩm giá của con người và gia đình. Thay vào đó, chúng ta nên tìm lời giải đáp cho những vấn đề liên quan tới sự gia tăng dân số bằng cách vừa tôn trọng luân lý tính dục vừa bảo đảm nền đạo đức xã hội, đẩy mạnh sự công lý và liên đới nhiều hơn nữa, để sự sống luôn có được phẩm giá trong bất cứ hoàn cảnh nào, bắt đầu với những điều kiện kinh tế, xã hội và văn hoá.


235. Ước muốn làm cha làm mẹ không có nghĩa là được “quyền có con” bằng bất cứ cách nào, vì con cái chưa sinh ra cũng có quyền của mình. Đứa trẻ chưa sinh ra phải được bảo đảm cho có những điều kiện tốt nhất để tồn tại, nhờ sự ổn định của một gia đình được xây dựng trên hôn nhân, nhờ những sự bổ sung của hai người, là cha và mẹ530. Những nghiên cứu được triển khai nhanh chóng và những kỹ thuật được áp dụng trong lĩnh vực sinh sản đã đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ và tế nhị, có liên hệ tới xã hội và những chuẩn mực được dùng để điều hành đời sống xã hội của con người.

Cần nhắc lại rằng đạo đức học không thể chấp nhận mọi kỹ thuật sinh sản – như cung cấp tinh dịch hay trứng, mang thai thế cho người mẹ, thụ tinh nhân tạo với tinh trùng lạ – sử dụng tử cung một người phụ nữ khác hay sử dụng các tế bào sinh dục của những người không phải là vợ chồng đã kết hôn, vì như thế là đã làm hại tới quyền của đứa trẻ phải được sinh ra từ một người cha và một người mẹ, là cha là mẹ của nó xét về mặt sinh học cũng như về mặt pháp luật. Cũng không thể chấp nhận những phương pháp nào đã tách rời hành vi kết hợp vợ chồng khỏi hành vi sinh sản bằng cách sử dụng các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm như gieo tinh hay thụ tinh nhân tạo đồng nguồn, như thể đứa trẻ sinh ra là kết quả của một hành vi công nghệ hơn là kết quả tự nhiên của một hành vi nhân linh, trong đó hai bên trao thân trọn vẹn và hoàn toàn cho nhau531. Không dùng những hình thức của cái gọi là “sinh sản có hỗ trợ”, thay thế hành vi của vợ chồng, là tôn trọng phẩm giá toàn vẹn của con người, cả nơi cha mẹ lẫn nơi đứa con mà họ dự tính sinh ra532. Mặt khác, những phương pháp nào có mục đích trợ giúp hành vi vợ chồng của hai người hay giúp cho hành vi ấy đạt được kết quả, đều được coi là hợp pháp533.

236. Một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt về xã hội và văn hoá hiện nay, vì kéo theo nhiều hệ luỵ luân lý nghiêm trọng, chính là nhân bản vô tính. Thuật ngữ này tự nó muốn ám chỉ việc tạo ra một thực thể sinh học hoàn toàn giống với cơ quan đã sinh ra nó, xét về mặt di truyền. Còn trong suy tư và thực hành, thuật ngữ ấy mang nhiều ý nghĩa khác nhau, có thể kéo theo những tiến trình thực hiện khác nhau tuỳ theo các kỹ thuật được dùng cũng như tuỳ theo những mục tiêu nhắm tới. Đó có thể là việc mô phỏng các tế bào hay một phần ADN trong phòng thí nghiệm. Nhưng hiện nay, người ta hay dùng thuật ngữ ấy để chỉ việc tạo ra các cá thể ở giai đoạn phôi bằng những phương pháp khác với những phương pháp thụ tinh tự nhiên, và bằng cách đó, những sinh vật mới được tạo ra giống y hệt với cá thể gốc mà từ đó chúng được tạo thành, xét về mặt di truyền. Loại nhân bản này có thể nhằm mục đích sinh sản, tức là tạo ra những phôi người, hoặc có thể nhằm mục đích gọi là trị liệu, tức là dùng những phôi ấy để nghiên cứu khoa học hay một cách đặc biệt hơn, để sản sinh ra những tế bào gốc.

Đứng trên quan điểm đạo đức, mô phỏng đơn thuần các tế bào bình thường hay một phần ADN không đặt ra một vấn đề đạo đức đặc biệt nào. Tuy nhiên, đánh giá của Huấn Quyền Giáo Hội về việc nhân bản vô tính đúng nghĩa lại hoàn toàn khác. Nhân bản như thế là đi ngược lại phẩm giá của việc sinh sản thuộc về con người, vì nó đã diễn ra mà không hề có một hành vi yêu thương nào giữa vợ chồng, mà chỉ là một sự sinh sản phi giới tính và phi tính dục534. Thứ đến, kiểu sinh sản này là một hình thức thống trị hoàn toàn trên cá thể được sinh ra của người đã sinh ra cá thể ấy535. Ngay cả việc nhân bản để tạo ra các phôi, rồi từ đó lấy một số tế bào để trị bệnh, việc làm này cũng không làm nhẹ bớt tính trầm trọng về luân lý của hành vi, vì để có thể lấy những tế bào ấy thì trước tiên phải tạo ra phôi, rồi sau đó tiêu huỷ chúng536.


237. Các cha mẹ, trong tư cách là những thừa tác viên của sự sống, không bao giờ được quên rằng cần phải chú ý tới chiều hướng thiêng liêng của việc sinh sản hơn bất cứ chiều hướng nào khác: “Vai trò làm cha làm mẹ là một trách nhiệm, về bản chất, nó không đơn thuần là trách nhiệm thể lý mà là trách nhiệm thiêng liêng. Thật vậy, thông qua những thực tại ấy, chúng ta có thể tìm ra gia phả của một con người, một gia phả khởi đầu từ đời đời trong Thiên Chúa và phải đưa người ta trở về với Thiên Chúa”537. Khi tiếp nhận sự sống con người trong toàn bộ các mặt với những chiều hướng thể lý lẫn thiêng liêng như thế là các gia đình đã góp phần vào sự “hiệp thông giữa các thế hệ”, và bằng cách đó đem lại một sự hỗ trợ vừa cần thiết vừa không thể thay thế được để xã hội được phát triển. Chính vì lý do đó, “gia đình có quyền được xã hội hỗ trợ khi sinh con và nuôi con. Những vợ chồng nào có con đông sẽ có quyền được trợ giúp thích đáng và không thể bị phân biệt đối xử”538.


c. Nhiệm vụ giáo dục


238. Trong việc giáo dục, gia đình đào tạo con người đạt tới phẩm giá viên mãn, theo tất cả mọi chiều hướng, kể cả chiều hướng xã hội. Thật vậy, gia đình chính là “cộng đồng yêu thương và liên đới, nơi duy nhất thích hợp để dạy dỗ và truyền đạt các giá trị văn hoá, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, rất cần cho các thành viên của gia đình và xã hội được phát triển và hạnh phúc”539. Khi thi hành sứ mạng giáo dục, gia đình đã đóng góp vào công ích và trở thành ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính xã hội, là điều mà xã hội nào cũng cần540. Trong gia đình, mọi người đều được giúp đỡ để lớn lên trong tự do và trách nhiệm, là những đòi hỏi cần thiết cho bất cứ vai trò nào trong xã hội. Nhờ việc giáo dục, một số giá trị căn bản đã được truyền đạt và tiếp thu541.


239. Gia đình đóng một vai trò hoàn toàn độc đáo và không thể thay thế được trong việc dạy dỗ con cái542. Tình yêu của cha mẹ – dành để phục vụ con cái bằng cách làm phát sinh ra từ chúng (e-ducere) những điều tốt đẹp nhất – sẽ được biểu lộ trọn vẹn nhất trong việc giáo dục. “Không những là nguồn mạch, tình yêu của cha mẹ còn là nguyên lý làm sinh động, và bởi đó, cũng là chuẩn mực khơi gợi và hướng dẫn mọi hoạt động giáo dục cụ thể, làm cho các hoạt động ấy thêm phong phú nhờ những giá trị như nhân hậu, kiên trì, tốt bụng, phục vụ, vô vị lợi và hy sinh bản thân, là những hoa trái quý giá nhất của tình yêu”543.

Quyền lợi và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là quyền lợi và nghĩa vụ “thiết yếu, vì nó liên kết với việc lưu truyền sự sống; đó cũng là quyền lợi và nghĩa vụ nguyên thuỷ và ưu tiên so với vai trò giáo dục của những người khác, vì giữa cha mẹ và con cái có một quan hệ yêu thương độc đáo; đó cũng là quyền hạn và nghĩa vụ không thể thay thế và không thể chuyển nhượng, do đó, không thể uỷ thác hoàn toàn cho người khác hay không thể bị người khác chiếm đoạt”544. Cha mẹ có nghĩa vụ và có quyền cung cấp một nền giáo dục tôn giáo và một sự đào tạo luân lý cho con cái mình545, một quyền mà Nhà Nước không thể huỷ bỏ và phải tôn trọng, cũng như phải phát huy. Đây là một quyền ưu tiên mà gia đình không được phép coi thường hay uỷ thác cho người khác.


240. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên, nhưng không phải là nhà giáo dục duy nhất, đối với con cái. Bởi đó, cha mẹ có bổn phận thi hành việc giáo dục một cách có trách nhiệm bằng cách cộng tác chặt chẽ và sáng suốt với các cơ quan dân sự và Giáo Hội. “Bản chất cộng đồng của con người – cả về dân sự lẫn Giáo Hội – đòi buộc con người phải làm việc một cách rộng rãi hơn và hài hoà hơn, nhờ cộng tác một cách có tổ chức với các nhân viên giáo dục khác nhau. Tất cả các nhân viên này đều quan trọng, dù mỗi người có thể cũng như cần phải đóng vai trò của mình phù hợp với khả năng chuyên môn và phần đóng góp của mình vào việc giáo dục ấy”546. Cha mẹ có quyền chọn những phương thế đào tạo nào đáp ứng với những xác tín của mình và có quyền tìm kiếm những phương tiện nào giúp mình chu toàn nghĩa vụ của người giáo dục cách tốt nhất, kể cả trong lĩnh vực tâm linh và tôn giáo. Chính quyền có nghĩa vụ bảo đảm cho quyền ấy được thực hiện và bảo đảm cho có những điều kiện cụ thể cần thiết để thực hiện quyền ấy547. Trong bối cảnh ấy, sự cộng tác giữa gia đình và các cơ sở học đường có tầm quan trọng ưu tiên.


241. Cha mẹ có quyền thành lập và hỗ trợ các cơ sở giáo dục. Chính quyền phải liệu sao cho “các trợ cấp chung được phân phối để các bậc phụ huynh được tự do thực sự mà thi hành quyền này, không phải chịu đựng những gánh nặng bất công. Cha mẹ không cần phải trực tiếp hay gián tiếp gánh chịu những phí tổn phụ thêm, khiến cho quyền tự do ấy không còn hay đã bị giới hạn”548. Từ chối cung cấp sự hỗ trợ kinh tế chung cho những trường không phải là trường công đang cần sự giúp đỡ và đang giúp ích cho xã hội phải được coi là một hành vi bất công. “Mỗi khi Nhà Nước đòi độc quyền về giáo dục là Nhà Nước đã vượt quá quyền hạn của mình và đã vi phạm sự công lý… Nhà Nước không thể không gây bất công khi chỉ đành lòng chấp nhận các trường mệnh danh là trường tư. Những trường ấy cũng phục vụ xã hội và bởi đó cũng có quyền được trợ giúp tài chính”549.

242. Gia đình có trách nhiệm cung cấp một sự giáo dục toàn diện. Thật vậy, mọi nền giáo dục chân chính “đều nhằm đào tạo con người trong cái nhìn hướng tới mục tiêu cuối cùng của con người và ích lợi của xã hội mà con người thuộc về, cũng như trong các nghĩa vụ mà con người sẽ phải tham gia gánh vác khi trưởng thành”550. Sự giáo dục toàn diện này chỉ được bảo đảm khi con cái – thông qua chứng cớ của đời sống và lời nói – được giáo dục trong đối thoại, gặp gỡ, sinh hoạt xã hội, tình trạng hợp pháp, liên đới và hoà bình, bằng cách vun trồng các đức tính căn bản là công lý và bác ái551.

Trong việc giáo dục con cái, vai trò của người cha và của người mẹ đều cần thiết như nhau552. Bởi đó, cha mẹ phải làm việc chung với nhau. Họ phải thi hành quyền bính với lòng tôn trọng và sự dịu dàng, nhưng nếu cần thì cũng phải kiên quyết và cứng rắn: phải thi hành quyền bính một cách đáng tin cậy, ổn định và khôn ngoan; phải luôn thi hành quyền bính trong sự lưu tâm đến ích lợi toàn diện của con cái.


243. Cha mẹ cũng có trách nhiệm đặc biệt trong việc giáo dục giới tính. Một điều quan trọng mang tính nền tảng đối với sự trưởng thành quân bình của con cái là chúng được dạy dỗ một cách trật tự và tuần tự về ý nghĩa của tính dục, cũng như được học để biết quý trọng những giá trị luân lý và nhân bản đi đôi với tính dục. “Vì có sự liên quan mật thiết giữa khía cạnh tính dục với những giá trị đạo đức của con người, nên việc giáo dục phải giúp con cái hiểu biết và tôn trọng các chuẩn mực luân lý, coi đó như những nguồn bảo đảm cần thiết và hết sức giá trị để con người được trưởng thành một cách có trách nhiệm trong tính dục của mình”553. Cha mẹ có bổn phận tìm hiểu các phương pháp được sử dụng để giáo dục giới tính trong các cơ sở giáo dục để chắc chắn rằng đề tài quan trọng và tinh tế ấy được trình bày một cách thích đáng.


d. Phẩm giá và quyền lợi của con cái


244. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không ngừng cho thấy nhu cầu cần phải tôn trọng phẩm giá của con cái. “Trong gia đình, là một cộng đồng các ngôi vị, người ta cần phải quan tâm đặc biệt tới con cái bằng cách phát triển lòng quý mến sâu xa phẩm giá riêng của chúng, tôn trọng và quảng đại lưu tâm đến các quyền lợi của chúng. Đây là điều phải làm đối với mọi đứa con, nhưng nó trở nên cấp bách hơn khi đứa trẻ còn nhỏ và càng cần mọi sự hơn khi chúng đau ốm, buồn khổ hay tật nguyền”554.

Quyền lợi của con cái phải được luật pháp bảo vệ trong hệ thống luật pháp. Trước hết, giá trị xã hội của con cái cần phải được công khai nhìn nhận trong hết mọi quốc gia: “Không có quốc gia nào trên trái đất, không có hệ thống chính trị nào có thể suy nghĩ về tương lai của mình mà không thông qua hình ảnh của các thế hệ mới này, là thế hệ sẽ thừa kế từ cha mẹ mình di sản phong phú gồm các giá trị, nghĩa vụ và khát vọng của chính quốc gia mà các thế hệ ấy thuộc về, cũng như của toàn thể gia đình nhân loại”555. Quyền đầu tiên của con cái là quyền “được sinh ra trong một gia đình thực sự”556, một quyền không phải luôn luôn được tôn trọng và hiện nay đang bị xâm phạm bằng nhiều cách do đã có sự phát triển trong công nghệ di truyền.


245. Tình hình của đông đảo trẻ em trên thế giới hiện nay, thật không thoả đáng chút nào, do thiếu những điều kiện thuận lợi để chúng được phát triển toàn diện, dù đã có một công cụ tư pháp quốc tế đặc biệt bảo vệ quyền của các trẻ em557, một công cụ ràng buộc hầu hết mọi thành viên trong cộng đồng quốc tế. Những điều kiện thuận lợi mà trẻ em bị thiếu ấy là những điều kiện có liên quan đến việc thiếu chăm sóc sức khoẻ, lương thực không được cung cấp thoả đáng, có rất ít cơ hội hay hoàn toàn không có cơ hội để tiếp nhận một sự đào tạo trường lớp ở mức tối thiểu, chỗ ở không tương xứng. Ngoài ra, còn có một số vấn đề nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết: buôn bán trẻ em, lao động trẻ em, hiện tượng “trẻ em đường phố”, sử dụng trẻ em vào các cuộc xung đột có vũ trang, tảo hôn, sử dụng trẻ em vào việc kinh doanh phim ảnh khiêu dâm, cũng như đưa trẻ em tham gia các phương tiện truyền thông xã hội hết sức hiện đại và tinh vi. Cần tham gia vào cuộc chiến, ở cấp quốc gia và quốc tế, chống lại việc xâm phạm phẩm giá của các trẻ em, trai lẫn gái, do việc khai thác tính dục, do những người mắc chứng đam mê tính dục với trẻ em và do những bạo động dưới mọi hình thức gây ra cho các thành phần ít có khả năng tự vệ nhất như các trẻ em này558. Đó là những tội ác cần phải được chống trả một cách hữu hiệu bằng những biện pháp đề phòng và những biện pháp trừng phạt thích hợp do các thẩm quyền liên hệ đưa ra.

----------------------------------------------------------------------------------------

490 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 18: AAS 74 (1982), 100-101.

491 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 11: AAS 86 (1994), 883.

492 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 43: AAS 74 (1982), 134.

493 Gioan Phaolô II, Ibid.

494 Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Đại hội Thế giới lần 2 về Tuổi già, Madrid (3-4-

2002): L’Osservatore Romano, 24-4-2002, tr. 6; x. Gioan Phaolô II, Tông huấn

Familiaris Consortio, 27: AAS 74 (1982), 113-114.

495 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966), 1067-

1069; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1644-1651.

496 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2333.

497 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2385; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1650-1651, 2384.

498 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 20: AAS 74 (1982), 104.

499 Vì phải kính trọng bí tích Hôn Nhân, cũng như chính các vợ chồng, gia đình họ và

cộng đồng đức tin của họ, nên các chủ chăn không được lập ra bất cứ nghi thức

nào cho những người đã ly dị muốn tái kết hôn, bất kể vì lý do gì và dưới chiêu bài

gì, kể cả mục vụ; x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 20: AAS 74

(1982), 104.

500 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 77, 84: AAS 74 (1982), 175-

178, 184-186.

501 x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 14: AAS 86 (1994), 893-

896; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2390.

502 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2390.

503 x. Bộ Giáo lý Đức tin, Thư bàn về việc Chăm sóc Mục vụ đối với Người Đồng tính

Luyến ái (1-10-1986), 1-2: AAS 79 (1987), 543-544.

504 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Toà án Tối cao Roma (21-1-1999), 5: L’Osservatore

Romano, 10-2-1999, tr. 3.

505 x. Bộ Giáo lý Đức tin, Tài liệu Một vài Suy nghĩ về Thư Trả lời cho các Dự luật về

việc Không Phân biệt Đối xử những Người Đồng tính Luyến ái (23-7-1992):

L’Osservatore Romano, 24-7-1992, tr. 4; x. Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn Persona

Humana, (29-12-1975), 8: AAS 68 (1976), 84-85.

506 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2357-2359.

507 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các giám mục Tây Ban Nha nhân chuyến viếng thăm ad limina (19-12-1998), 4: L’Osservatore Romano, 11-3-1998, tr. 5; Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, Gia đình, hôn nhân và những sự ‘kết hợp đã rồi’ (26-7- 2000), 23, Libreria Editrice Vaticana, Vatican 2000, tr. 40-43; Bộ Giáo lý Đức tin, Một vài suy nghĩ về đề nghị công nhận trước pháp luật những sự kết hợp giữa những người đồng tính luyến ái (3-6-2003).

508 Bộ Giáo lý Đức tin, ibid., số 8, Libreria Editrice Vaticana, Vatican 2003, tr. 9.

509 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 71: AAS 87 (1995), 483; Thánh

Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 96, a. 2 “Utrum ad

legem humanam pertineat omnia vitia cohibere”: Ed. Leon. 7, 181.

510 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 81: AAS 74 (1982), 183.

511 Toà Thánh, Hiến Chương về Quyền Gia đình (14-11-1983), Lời Phi Lộ, Nhà Xuất

bản Đa ngữ, Vatican 1983, tr. 6.

512 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1652.

513 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 6: AAS 86 (1994), 874; x.

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2366.

514 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 11: AAS 86 (1994), 884.

515 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39: AAS 83 (1991), 842.

516 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 92: AAS 87 (1995), 505-507.

517 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 13: AAS 86 (1994), 891.

518 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 93: AAS 87 (1995), 507-508.

519 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 50: AAS 58 (1966): 1070-1072;

x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2367.

520 Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 10: AAS 60 (1968), 487; x. CĐ. Vatican II,

Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 50: AAS 58 (1966), 1070-1072.

521 x. Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 14: AAS 60 (1968), 490-491.

522 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 51: AAS 58 (1966), 1072-

1073; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2271-2272; Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia

đình Gratissimam Sane 21: AAS 86 (1994), 919-920; Gioan Phaolô II, Thông điệp

Evangelium Vitae, 58, 59, 61-62: AAS 87 (1995), 466-468, 470-472.

523 x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 21: AAS 86 (1994), 919-

920; Thông điệp Evangelium Vitae, 72, 101: AAS 87 (1995), 484-485, 516-518; x.

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2273.

524 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 51: AAS 58 (1966), 1072-

1073; Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 14: AAS 60 (1968), 490-491; Gioan

Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 32: AAS 74 (1982), 118-120; Giáo lý

Giáo hội Công giáo 2370; Piô XI, Thông điệp Casti Connubii, (31-12-1930): AAS 22

(1930), 559-561.

525 x. Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 7: AAS 60 (1968), 485; Gioan Phaolô II,

Tông huấn Familiaris Consortio, 32: AAS 74 (1982), 118-120.

526 x. Phaolô VI, Thông điệp Humanae Viate, 17: AAS 60 (1968), 493-494.

527 x. Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 16: AAS 60 (1968), 491-492; Gioan Phaolô

II, Tông huấn Familiaris Consortio, 32: AAS 74 (1982), 118-120; Giáo lý Giáo Hội

Công giáo, 2370.

528 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 50: AAS 58 (1966), 1070-

1072; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2368; Phaolô VI, Thông điệp Populorum

Progressio, 37: AAS 59 (1967), 275-276.

529 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2372.

530 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2378.

531 x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae, (22-2-1987), II,

2,3,5: AAS 80 (1988), 88-89, 92-94; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2376-2377.

532 x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae (22-2-1987), II, 7: AAS 80 (1988), 95-96.

533 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2375.

534 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện Sự sống (21-2-2004), 2:

L’Osservatore Romano, 3-3-2004, tr. 7.

535 x. Giáo hoàng Học viện Sự sống, Vài suy nghĩ về việc nhân bản vô tính: Libreria Editrice Vaticana, Vatican 1997; Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Giáo Hội và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đóng góp của Toà Thánh cho Hội nghị Thế giới chống lại Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc, Việc Kỳ thị Chủng tộc, Việc Kỳ thị Người nước ngoài và những sự Bất khoan nhượng có Liên quan, 21, Thông Tấn Xã Vatican, Vatican 2001, tr. 22.

536 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 18 về Hội Cấy ghép Bộ

phận (29-8-2000), 8: AAS 92 (2000), 826.

537 Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 10: AAS 86 (1994), 881.

538 Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 3c, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican,

Vatican 1983, tr. 9. Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (10-

12-1948) khẳng định rằng “gia đình là đơn vị tập thể tự nhiên và căn bản của xã

hội và có đủ tư cách để được Nhà Nước và Giáo Hội bảo vệ” (điều 16.3).

539 Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, Lời Phi Lộ, E, Nhà Xuất bản Đa ngữ

Vatican, Vatican 1983, tr. 6.

540 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, 3: AAS 58 (1966), 731- 732; Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 52: AAS 58 (1966), 1073-1074: Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 37, 43: AAS 74 (1982), 127-129; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1653, 2228.

541 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 43: AAS 74 (1982), 134-135.

542 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, 3: AAS 58 (1966), 731- 732; Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 61: AAS 58 (1966), 1081-1082; Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 5, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Vatican 1983, tr. 10-11; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2223. Bộ Giáo luật đã dành các điều 793-799 và điều 1136 để nói về quyền hạn và bổn phận của cha mẹ.

543 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 36: AAS 74 (1982), 127.

544 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 36: AAS 74 (1982), 126; x. Giáo lý

Giáo hội Công giáo, 2221.

545 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 5: AAS 58 (1966), 933; Gioan

Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1994, 5: AAS 86 (1994), 159-160.

546 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 40: AAS 74 (1982), 131.

547 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, 6: AAS 58 (1966), 733- 734; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2229.

548 Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 5b, Nhà Xuất bản Đa ngữ

Vatican, Vatican 1983, tr. 11; x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae,

5: AAS 58 (1966), 933.

549 Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 94: AAS 79 (1987), 595-596.

550 CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, 1: AAS 58 (1966), 729.

551 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 43: AAS 74 (1982), 134-135.

552 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 52: AAS 58 (1966),

1073-1074.

553 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 37: AAS 74 (1982), 128; x. Hội

đồng Giáo hoàng về Gia đình, Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người: Những chỉ

dẫn cho việc giáo dục trong gia đình (8-12-1995), Libreria Editrice Vaticana 1995.

554 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 26: AAS 74 (1982), 111-112.

555 Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (2-10-1979), 21: AAS

71 (1979), 1159; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc

nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Trẻ em (22-9-1990): AAS 83 (1991), 360.

556 Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Hội nghị Uỷ ban các Ký giả châu Âu về Quyền Trẻ em

(13-1-1979): L’Osservatore Romano, 22-1-1979, tr. 5.

557 x. Công ước về Quyền Trẻ em, bắt đầu hiệu lực năm 1990 và có sự phê chuẩn của

Toà Thánh.

558 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1996, 2-6: AAS 88 (1996), 104-107.

IV. GIA ĐÌNH LÀ CHỦ THỂ TÍCH CỰC THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI


a. Liên đới trong gia đình


246. Chủ thể tính xã hội của gia đình, xét như một đơn vị duy nhất hay như một số người liên kết thành một nhóm, được biểu lộ qua những hình thức liên đới không những giữa các gia đình với nhau mà cả khi tham gia vào đời sống xã hội và chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này sẽ xảy ra khi gia đình được xây dựng trên tình yêu: vì được sinh ra trong tình yêu và lớn lên trong tình yêu, nên các thành viên trong gia đình sẽ thấy sự liên đới là một yếu tố làm nên gia đình và cơ cấu hoá gia đình.

Đây là một sự liên đới có thể mang hình thức phục vụ và quan tâm tới những người nghèo khổ và túng thiếu, những người mồ côi, tàn tật, ốm đau, cao tuổi, những người sầu não, đang sống trong nghi ngờ, cô đơn hay bị bỏ rơi. Đó là một sự liên đới đưa người ta tới chỗ sẵn sàng đón nhận, bảo trợ, nhận nuôi; liên đới cũng có thể là làm cho các cơ quan và tổ chức quan tâm tới mọi tình cảnh nghèo khổ để họ có thể can thiệp tuỳ theo khả năng của mình.


247. Thay vì chỉ làm những đối tượng của hoạt động chính trị, gia đình có thể và cần phải trở thành những chủ thể tích cực, hoạt động “sao cho luật lệ và định chế quốc gia không những không xâm phạm mà còn hậu thuẫn và tích cực bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của gia đình. Theo chiều hướng ấy, các gia đình cần phải ngày càng ý thức rằng mình là ‘vai chính’ trong những cái được gọi là ‘chính sách gia đình’ và gánh lấy trách nhiệm biến đổi xã hội”559. Để đạt được mục đích ấy, cần phải thúc đẩy và củng cố các hiệp hội gia đình. “Các gia đình có quyền thành lập các hiệp hội cùng với các gia đình và tổ chức khác, để chu toàn vai trò của gia đình một cách thích hợp và hiệu quả, cũng như để bảo vệ quyền lợi của mình, cổ vũ điều tốt và đại diện cho các lợi ích của gia đình. Trên bình diện kinh tế, xã hội, pháp luật và văn hoá, phải làm sao cho người ta nhìn nhận vai trò đúng đắn của các gia đình và các hiệp hội gia đình trong việc thiết lập và thực hiện các chương trình liên quan đến đời sống gia đình”560.


b. Gia đình, đời sống kinh tế và lao động


248. Quan hệ giữa gia đình và đời sống kinh tế là một điều có ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, một đàng, kinh tế (theo nguyên ngữ “oiko-nomia”, nghĩa là quản trị gia đình) được sinh ra từ những việc làm trong gia đình. Từ lâu – và hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn – nhà ở vừa là nơi sản xuất vừa là trung tâm của đời sống. Đàng khác, đời sống kinh tế phát triển được là nhờ sáng kiến của con người và được thực hiện theo những vòng tròn đồng tâm, theo những mạng lưới càng ngày càng rộng lớn của sản xuất, trao đổi hàng hoá và dịch vụ, lôi kéo các gia đình tham gia ngày càng nhiều hơn. Bởi đó, gia đình phải được nhìn một cách đúng đắn là tác nhân chính yếu của đời sống kinh tế, tác nhân này làm việc không phải theo xu hướng thị trường mà theo tinh thần chia sẻ và liên đới giữa các thế hệ.


249. Gia đình và lao động được liên kết với nhau bằng một mối quan hệ hết sức đặc biệt. “Gia đình là một trong những điểm quy chiếu quan trọng nhất để làm nên trật tự xã hội và đạo đức cho lao động con người”561. Quan hệ này bắt nguồn từ mối quan hệ đã có giữa con người với quyền được hưởng thành quả lao động của mình, và có liên hệ không chỉ với con người xét như một cá thể đơn lẻ mà còn như một thành viên trong gia đình, được hiểu như một “xã hội tại gia”562.

Lao động vẫn là điều thiết yếu bao lâu nó còn là điều kiện để người ta có thể xây dựng một gia đình, vì các phương tiện nuôi sống gia đình có được là nhờ lao động. Lao động cũng là điều kiện cho quá trình phát triển bản thân, vì một gia đình bị thất nghiệp sẽ có nguy cơ không hoàn thành được mục tiêu của mình563.

Sự đóng góp mà gia đình có thể đem lại cho thực tế lao động thật đáng giá, và trong nhiều trường hợp, là điều không thể thay thế được. Sự đóng góp ấy có thể được thấy qua những chỉ số của nền kinh tế, cũng như qua sự liên đới phong phú mà gia đình có được, thường là sự hỗ trợ rất lớn cho những người trong gia đình không có việc làm hay đang kiếm việc làm. Trên hết và còn căn bản hơn nữa, gia đình đóng góp vào đời sống kinh tế bằng cách dạy cho mọi người trong gia đình biết ý nghĩa của lao động, cũng như bằng cách chỉ dẫn và hỗ trợ cho mọi người trong gia đình có những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn.


250. Để bảo vệ quan hệ giữa gia đình và lao động, cần phải trân trọng và bênh vực một điều, đó là tiền lương gia đình, tiền lương đủ nuôi sống gia đình và cho phép gia đình sống xứng đáng564. Tiền lương ấy cũng cho phép gia đình tiết kiệm hầu sau này có thể mua sắm được một tài sản nào đó như một vật bảo đảm sự tự do của mình. Quyền có tài sản là quyền gắn bó mật thiết với sự sống còn của gia đình, nhờ đó gia đình có thể thoát khỏi sự túng thiếu, bằng cách biết tiết kiệm và xây dựng được một tài sản cho gia đình565. Có thể có nhiều phương cách khác nhau để làm cho tiền lương gia đình trở thành một thực tế cụ thể. Những sự tài trợ xã hội dưới nhiều hình thức sẽ giúp thực hiện điều ấy, chẳng hạn các tiền trợ cấp gia đình và những đóng góp khác cho những thành phần còn phải lệ thuộc gia đình, cũng như tiền lương trả cho việc nội trợ do cha hoặc mẹ đảm đương566.


251. Trong mối tương quan giữa gia đình và lao động, cần chú ý đặc biệt tới vấn đề lao động của phụ nữ trong gia đình, hay nói tổng quát hơn, cần chú ý tới việc công nhận loại lao động được gọi là “nội trợ”, hiện nay cũng đang là trách nhiệm của những người nam với tư cách làm chồng và làm cha trong gia đình. Lao động nội trợ, bắt đầu là việc của người mẹ, chính xác vì đó là một sự phục vụ tận tuỵ nhằm làm cho cuộc sống có chất lượng, là một kiểu lao động mang tính hết sức cá nhân và có sức nhân bản hoá, và nó cần phải được xã hội công nhận và đánh giá cao567, cũng bằng cách đền bù về mặt kinh tế như các loại hình lao động khác568. Đồng thời, cần phải quan tâm loại bỏ mọi trở ngại khiến cho vợ chồng không thể đưa ra những quyết định tự do liên quan đến trách nhiệm sinh sản của họ, và đặc biệt, những quyết định không cho phép người phụ nữ thực hiện đầy đủ vai trò làm mẹ569.

-------------------------------------------------------------------------------------------

559 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 44: AAS 74 (1982), 136; x. Toà

Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 9, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican,

Vatican 1983, tr. 13.

560 Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 8 ab, Nhà Xuất bản Đa ngữ

Vatican, Vatican 1983, tr. 12.

561 Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 10: AAS 73 (1981), 601.

562 Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 104.

563 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 10: AAS 73 (1981), 600-602.

564 x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 200; CĐ. Vatican II, Hiến

chế Mục vụ Gaudium et Spes, 67: AAS 58 (1966), 1088-1089; Gioan Phaolô II,

Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629.

565 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 105; Piô XI,

Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 193-194.

566 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629; Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 10 a, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Vatican 1983, tr.14.

567 x. Piô XII, Huấn từ với các phụ nữ về phẩm giá và sứ mạng của người phụ nữ (21- 10-1945): AAS 37 (1945), 284-295; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629; Tông huấn Familiaris Consortio, 23: AAS 74 (1982), 107-109; Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 10b, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Vatican 1983, tr. 14.

568 x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 17: AAS 86 (1994),

903-906.

569 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629;

Tông huấn Familiaris Consortio, 23: AAS 74 (1982), 107-109.

V. XÃ HỘI PHỤC VỤ GIA ĐÌNH


252. Muốn có mối tương quan đúng đắn và mang tính xây dựng giữa gia đình và xã hội, cần phải bắt đầu từ việc nhìn nhận chủ thể tính và thế ưu tiên của gia đình trong xã hội. Mối thân tình ấy đòi “xã hội không bao giờ được bê trễ nhiệm vụ căn bản là tôn trọng và hỗ trợ các gia đình”570. Xã hội, nhất là các tổ chức quốc gia, muốn tôn trọng thế ưu tiên và thế “thượng phong” của gia đình, cần phải bảo đảm và phát huy bản sắc đích thực của đời sống gia đình, đồng thời phải tránh và chống lại tất cả những gì có thể làm biến chất hay phương hại tới gia đình. Muốn thế, cần có những hoạt động chính trị và pháp luật để bảo vệ các giá trị gia đình, từ việc cổ vũ sự thân mật và hài hoà trong chính gia đình cho đến việc tôn trọng các thai nhi, cũng như quyền tự do lựa chọn cách giáo dục con cái. Vì thế, cả xã hội lẫn Nhà Nước đều không được lấy đi, thay thế hay rút gọn chiều hướng xã hội của gia đình, mà phải tôn trọng, nhìn nhận và phát huy chiều hướng ấy theo đúng nguyên tắc bổ trợ571.


253. Sự phục vụ mà xã hội dành cho gia đình sẽ trở nên cụ thể khi xã hội nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các quyền lợi của gia đình572. Nói thế có nghĩa là xã hội phải đưa ra các chính sách gia đình vừa hữu hiệu vừa chân chính, với những sự can thiệp khả dĩ đáp ứng các nhu cầu nảy sinh từ quyền lợi của gia đình. Theo chiều hướng đó, có một đòi hỏi vừa thiết yếu vừa hết sức cần thiết là: phải công nhận – kèm theo đó là phải bảo vệ, trân trọng và phát huy – bản sắc của gia đình là xã hội tự nhiên được xây dựng trên hôn nhân. Sự công nhận ấy là một cách cho thấy có một sự phân biệt rạch ròi giữa gia đình, được hiểu một cách đúng đắn, với tất cả những hình thức sống chung khác mà theo bản chất không xứng đáng gọi là gia đình và không xứng đáng hưởng danh nghĩa cũng như quy chế của gia đình.


254. Sự nhìn nhận của xã hội dân sự và của Nhà Nước về vị thế ưu tiên của gia đình so với mọi cộng đồng khác, kể cả thực tại quốc gia, chính là một cách vượt qua những quan niệm cá nhân chủ nghĩa thuần tuý, và là một cách chấp nhận chiều hướng gia đình như là viễn tượng văn hoá và chính trị cần thiết trong việc quan tâm đến các ngôi vị. Điều này không được đề nghị như một sự lựa chọn, mà như một sự hậu thuẫn và bênh vực các quyền lợi của con người, xét như những cá thể. Nhờ viễn tượng này, chúng ta có thể đưa ra những tiêu chuẩn quy phạm để tìm kiếm những giải pháp đúng đắn cho các vấn đề xã hội, vì không được coi con người chỉ như những cá thể mà còn phải nhìn con người trong tương quan với hạt nhân gia đình mà họ thuộc về, với những giá trị và nhu cầu đặc biệt cần phải cứu xét hợp tình hợp lý.

---------------------------------------------------------------------

570 Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 45: AAS 74 (1982), 136.

571 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2211.

572 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 46: AAS 74 (1982), 137-139

Chia sẻ