Skip to content
banner
Ngôn ngữ

ỦY BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH: Sứ Vụ và Hoạt Động

BTT UBCLHB 03
2023-11-04 12:39 UTC+7 455
Sứ vụ của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bắt nguồn từ sứ vụ của Giáo Hội, cụ thể là những sứ vụ của ủy ban này là một phần sứ vụ Thánh Bộ Phát Triển Con Người Toàn diện.

1. Trách Nhiệm Sứ Vụ

Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có trách nhiệm thực hiện sứ vụ:

-  Cổ võ công lý và hòa bình trên khắp đất nước Việt Nam theo hướng dẫn của Tin Mừng và Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo.

-  Nghiên cứu và phổ biến Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh cho mỗi người và cộng đồng hiểu biết và áp dụng vào mọi lãnh vực đời sống của dân chúng.

-  Thâu nhận và đánh giá các tài liệu hoặc văn kiện liên quan tới lĩnh vực công lý và hoà bình, sự phát triển toàn diện của con người và những gì liên quan tới nhân quyền. Nếu hữu ích chung, Ủy Ban này sẽ phổ biến tới các giáo phận, các tu hội và cộng đồng những hoa trái của các tài liệu hoặc văn kiện đó;

-  Thúc đẩy các giáo phận, các tu hội và các tổ chức nổ lực xây dựng và phát triển những giá trị liên quan tới công lý và hòa bình;

-  Tạo cơ hội để gây ý thức và có nhận thức về tầm quan trọng cần thiết của việc cổ võ và thực hiện công lý và hòa bình, đặc biệt vào những ngày liên quan tới công lý và hòa bình của Hội Thánh và thế giới.

2. Các Lĩnh Vực Hoạt Động

Lĩnh Vực Công Lý - Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có trách nhiệm liên đới với bất cứ sự gì có liên quan tới sự thật và công bằng trong xã hội, bao gồm các quyền lợi, nghĩa vụ, việc làm, tiền lương, phúc lợi xã hội và phát triển, v.v. Uỷ Ban cũng thúc đẩy bảo đảm các giá trị đạo đức trong quá trình phát triển kinh tế và hệ thống tài chính, các tác động của những lĩnh vực này tới môi trường sinh sống của con người và vạn vật, cổ võ sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Lĩnh Vực Hoà Bình - Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình lưu tâm tới những cuộc chiến tranh và những gì liên quan tới chiến tranh, tình trạng bạo lực gia tăng và thay đổi nhanh chóng. Uỷ Ban này cũng nghiên cứu hệ thống chính trị và quân sự, vai trò của người Công Giáo trong lĩnh vực hoạt động chính trị và quân sự. Uỷ Ban cũng có trách nhiệm cổ võ và thực hiện những việc làm thiết thực cho Ngày Thế giới Hòa Bình (21/9), những ngày cầu nguyện cho hoà bình theo đề nghị hoặc chương trình của Hội Thánh Công Giáo đưa ra, tìm ra và phổ biến các chương trình thực hiện cụ thể vào những ngày này, nhằm tôn vinh và củng cố nền hòa bình và sự hoà giải trong nội bộ đất nước, giữa các quốc gia và dân tộc.

Lĩnh Vực Nhân Quyền - Nhân quyền là lĩnh vực quan trọng trong sứ vụ của Hội Thánh, do đó Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình đặc biệt lưu tâm để bảo vệ nhân quyền sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh thực tế của Hội Thánh địa phương. Phẩm giá của con người được nhận biết chân chính và đề cao trong Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh: giá trị căn bản trong sự thăng tiến và bảo vệ những quyền lợi bất khả xâm phạm và tước đoạt hoặc không thể thoả hiệp của con người.

Lĩnh Vực Môi Sinh - Sự lưu tâm bảo vệ và chăm sóc môi sinh vào những thời điểm trước thập niên bảy mươi của thế kỷ trước dường như bị lãng quên hoặc phớt lờ đối với xã hội nói chung. Cho đến khi con người nhìn thấy và phải gánh chịu hậu quả của một thế giới đã trải qua hàng loạt sự cố môi trường sinh thái vô cùng nghiêm trọng như: mưa a-xít phá hoại hàng loạt các chủng loại sinh vật, chất độc Dichloro-Diphenyl-Trichloroethane (DDT) giết chết các loài chim, những sự cố tràn dầu, độc hại do thử nghiệm vũ khí hạt nhân và sự tàn phá môi trường sinh thái do chiến tranh. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm không khí càng thêm nhức nhối khi nó không còn giới hạn trong lãnh thổ của một số quốc gia mà lây lan, trở thành thách thức toàn cầu, Liên Hiệp Quốc đã mở hội nghị về môi trường tổ chức tại Stockholm, Thuỵ Điển, để tìm giải pháp bảo vệ và chăm sóc môi trường sinh thái. Đây là một nỗ lực toàn cầu đầu tiên, coi môi sinh là vấn đề chính sách toàn thế giới và xác định các nguyên tắc cốt lõi để quản lý môi trường sinh thái của con người và vạn vật.

Được thúc đẩy từ Đức Giáo hoàng Phaolô VI, nhưng việc chăm sóc sự toàn vẹn của tạo thành vẫn chưa cụ thể và tiêu biểu. Cho đến lúc, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đẩy mạnh và phổ biến rộng rãi việc bảo vệ và chăm sóc các tạo thành qua các giáo huấn của ngài. Đến triều đại Đức Phanxicô, giáo hoàng đương nhiệm, đặc biệt quan tâm bảo vệ và chăm sóc môi sinh với các giáo huấn của ngài rất cụ thể và hữu ích, nhất là hai tiếng vang lớn dội khắp hoàn cầu, đó là, thông điệp Laudato si (Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con) về việc bảo vệ trái đất như là ngôi nhà chung của nhân loại và tông huấn Laudate Deum (Anh chị em hãy chúc tụng Thiên Chúa) để thức tỉnh nhân loại trước tình trạng thế giới ngày càng bị đe dọa vì sự thay đổi khí hậu, trái đất bị hâm nóng cao hơn và nhanh hơn, đang sụp đổ và có thể đang tiến tới sự tan vỡ. Cuộc khủng hoảng môi sinh, đặc biệt là khủng hoảng khí hậu sẽ làm gia tăng hố phân cách giữa giàu và nghèo. Mọi người đều được mời gọi bảo vệ và chăm sóc môi sinh. Tất cả các nước đều được kêu gọi bảo đảm môi trường sinh sống an toàn, như là việc thiết thực để bảo vệ sự sống và bảo vệ người nghèo. Điều này có liên hệ tới tương lai của mọi người đương đại và cả các thế hệ con em của chúng ta trong tương lai.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bảo vệ và chăm sóc môi sinh đã đạt được những thành tựu nào và đâu là những việc chúng ta cần phải làm trong hiện tại và tương lai? Tám năm sau Thông điệp Laudato si’ ban hành và phổ biến rộng rãi, chúng ta đã thực sự đạt được đến mức mà lẽ ra chúng ta phải đạt tới về ơn gọi và sứ vụ bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại? Trong năm vừa qua, chúng ta đã cùng nhau học tập Thông điệp Laudato si’ với một loạt bài trải dài trong một năm, như là sự gây ý thức và định hướng trong ơn gọi và sứ vụ của chúng ta: bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại. Năm nay, mỗi giáo phận, tu hội, giáo xứ trong Hội Thánh địa phương Việt Nam: xây dựng kế hoạch hành động cụ thể như thế nào để thực thi ơn gọi và sứ vụ của mình trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại, bảo vệ sự toàn vẹn của tạo thành trên đất nước Việt Nam, môi trường sinh sống của chúng ta và đồng bào?

 

 


Chia sẻ