DẤU CHÂN của "CHỊ NƯỚC"
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Nước,
thật lợi ích và khiêm nhu,
quí hóa và trinh trong
(Thánh Phanxicô Assisi )[1].
1. Nguồn Nước ngọt trên trái đất có nhiều không?
Có lẽ ít ai trong chúng ta biết rằng: cứ 100 lít nước trên hành tinh này thì có 97,3 lít nước mặn, 1,8 lít nước ngọt dưới dạng băng tuyết, 0,1 lít nước tồn tại dưới các dạng khác nhau và 0,8 lít nước còn lại là nước ngọt không đóng băng. Như vậy nước ngọt lỏng chiếm tỷ lệ gần 1% (0,8%) trong tổng số 100% tổng lượng nước trên toàn cầu- đó là một con số khá nhỏ bé phải không?
Điều này cho thấy rằng nước ngọt là một thứ tài nguyên rất qúy giá, ít ỏi nên con người không thể khai thác, sử dụng cách phung phí. Tuy nhiên, mỗi ngày chúng ta đã sử dụng một lượng nước nhiều hơn số lượng chúng ta có thể thấy (qua các đơn vị đo lường) và điều này chúng ta cũng làm ô nhiễm đến nguồn nước nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Quả vậy, trong hệ sinh thái có lẽ đối tượng mà chúng ta gây ô nhiễm nhiều nhất đó là “chị nước”. Bởi vì, lượng nước mà chúng ta thải ra cũng gần bằng với lượng nước mà chúng ta tiêu thụ.
Hai khái niệm “nước ảo” và “dấu chân nước” cùng phương pháp tính khối lượng nước ảo và dấu chân nước sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về việc sử dụng nước hằng ngày của mình. Theo định nghĩa:
"Nước ảo" (virtual water): là lượng nước “thật” cần để sản xuất ra lương thực thực phẩm và hàng hóa hay nói cách khác lượng nước cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
"Dấu chân nước" (water footprint): là tổng lượng nước dùng trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ bởi một cá nhân, một cộng đồng... Nói cách khác,“dấu chân nước” được dùng để tính toán số lượng nước mà một người, một nhóm người đã tiêu thụ trong một thời gian nhất định (tính theo năm, tháng hoặc tuần…).
Một vài ví dụ về nước ảo cho chúng ta thấy khối lượng nước ảo trong mỗi sản phẩm mà chúng ta thường sử dụng: để có một ly cà phê chúng ta cần phải tốn 140 lít nước; một lít sữa tươi chúng ta uống mỗi ngày cần đến 1.000 lít nước; để làm ra một kg gạo ta cần phải sử dụng 3400 lít nước. để có kg thịt heo cần tiêu thụ 4.800 lít nước; để làm ra 1 ký thịt bò, phải cần đến 15.340 lít nước;
Ví dụ sau đây cho chúng ta thấy “dấu chân nước” của một ngày mà một người chúng ta sử dụng:
mỗi ngày chúng ta đánh răng rửa mặt ba lần cần 15 lít nước; khoảng 70 lít nước cho việc vệ sinh; 100 lít cho việc tắm giặt; 4500 lít nước cho việc ăn uống; các đồ vật, các dịch vụ mà chúng ta sử dụng hằng ngày tiêu tốn khoảng 500 lít. Như vậy, tính chung lại thì mỗi ngày chúng ta có thể tiêu thụ khoảng 5185 lít nước. Tuy nhiên, ở những mức sống và điều kiện khác nhau chúng ta sẽ có những “dấu chân nước” khác nhau. Chẳng hạn một người Mỹ tiêu thụ khoảng 6800 lít nước ảo cho một ngày, trong khi dấu chân nước ảo trung bình của một người trên thế giới là 657 lít nước một ngày ( chưa bằng 1/10 so với người Mỹ).
Điều đó cho thấy những người nghèo thường có “dấu chân nước” thấp hơn những người giàu và điều đó cũng đồng nghĩa là họ ít gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt là môi trường nước) hơn những người giàu là đối tượng tiêu dùng nhiều của cải hơn.
2. chúng ta phải làm gì để sử dụng nước một cách hiệu quả và có tính bền vững?
Thông điệp “dấu chân nước” nhắc nhở chúng ta hãy sử dụng nước một cách thông minh hơn, tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn để hướng đến mục tiêu là: hạn chế tối đa tình trạng làm ô nhiễm và suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Bằng cách áp dụng nguyên tắc “một giọt nước được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau” . mỗi tháng chúng ta có thể tiết kiệm cả nghìn lít nước sạch. Điều này nghĩa là tùy vào nhu cầu của công việc liên quan đến nước mà ta có thể sử dụng nước một cách thích hợp. Ví dụ: chúng ta sử dụng nguồn nước sạch dùng để vo gạo nấu cơm; nước vo gạo có thể rửa rau (lần 1) nước vo gạo sau khi rửa rau có thể dùng để tưới cây. Nước rửa rau lần 2 có thể dùng để tráng qua nồi chảo trước khi rửa bằng nước nửa chén... Ngoài ra, chúng ta có thể tận dụng nguồn nước mưa để tưới cây, lau sàn nhà…
Điều quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta tiết kiệm tiêu dùng của cải hay hạn chế sử dụng các dịch vụ thì chúng ta có thể tiết kiệm được hàng nghìn lít nước ảo mỗi ngày. Làm như thế, chúng ta sẽ làm giảm “dấu chân nước” của mình, góp phần rất thiết thực trong việc bảo vệ “chị nước” của chúng ta.
[1] Đây là một phiên khúc (đoạn thơ) trong Bài Ca Anh Mặt Trời của Thánh Phanxicô Asisi được sáng tác năm 1223.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hồng Cẩm, OFM.