Những Câu Truyện Từ Vatican (1): Phục hồi sau đại dịch kêu gọi trách nhiệm hoàn cầu
Trang mạng của Tòa Thánh, Vatican News có mục “Stories” tường trình các sáng kiến khắp thế giới nhằm thi hành, quảng diễn các dự án của Đức Giáo Hoàng nói riêng và của Tòa Thánh nói chung, nhất là trong hai lãnh vực môi trường và tình huynh đệ nhân bản (Laudato si’ và Fratelli Tutti). Chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy một số Câu Truyện này, tạm gọi là Những Câu Truyện Từ Vatican.
Trang mạng của Tòa Thánh, Vatican News, ngoài các thông tin liên quan đến sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các bộ sở giáo triều, còn có rất nhiều mục đề cập đến tác động gần xa của các sinh hoạt này, trong đó có mục “Stories” tường trình các sáng kiến khắp thế giới nhằm thi hành, quảng diễn các dự án của Đức Giáo Hoàng nói riêng và của Tòa Thánh nói chung, nhất là trong hai lãnh vực môi trường và tình huynh đệ nhân bản (Laudato si’ và Fratelli Tutti). Chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy một số Câu Truyện này, tạm gọi là Những Câu Truyện Từ Vatican. Câu truyện đầu tiên là câu truyện về đại dịch do Giada Aquilino trình bầy.
Phục hồi sau đại dịch kêu gọi trách nhiệm hoàn cầu
Trong gần ba mươi năm, Quỹ Vatican “Centesimus Annus pro Pontifice” (Năm Thứ Một Trăm Cho Đức Giáo Hoàng) đã tập trung vào việc nghiên cứu, xem xét và áp dụng các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Theo 'thông điệp Laudato Si' của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tổ chức này đã bắt đầu đối thoại với các doanh nghiệp trên khắp thế giới để đánh giá cao hơn việc thực hiện cụ thể các nguyên tắc của thông điệp. Tổng thư ký, Eutimio Tiliacos nói với Vatican News rằng đó là vấn đề "trách nhiệm với toàn thế giới".
Trong thời đại đại dịch này, những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Laudato si' của ngài về việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta càng cấp thiết hơn khi đối diện với "sự phát triển kỹ thuật to lớn" mà trong những năm qua "đã không đi kèm với việc phát triển trách nhiệm, giá trị và lương tâm con người" và sự hiểu biết về cách sử dụng quyền lực đúng đắn (Laudato si', 105). Tổ chức Centesimus Annus pro Pontifice, một tổ chức của Vatican được thành lập thông qua một văn kiện viết tay (chirograph) của Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1993, cam kết nghiên cứu, hiểu và áp dụng các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội trong mọi bối cảnh của thế giới hiện đại, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính.
Môi trường và con người
Hiện tại, Quỹ này, do Anna Maria Tarantola làm chủ tịch, đang theo đuổi sáng kiến "Một cho nhiều" (one to many), nhằm làm mọi người biết các thực tại kinh doanh, học thuật, giáo dục, chính trị và lĩnh vực thứ ba đang thực hiện cụ thể như thế nào các nguyên tắc được đề ra trong Thông điệp riêng của Đức Giáo Hoàng công bố năm 2015. Điều này cũng đã được thảo luận tại hội nghị quốc tế năm 2021 do Centesimus Annus tổ chức vào tháng 10 và dành riêng cho các chủ đề liên đới, hợp tác và trách nhiệm như cơ sở để xây dựng một thế giới hòa nhập hơn. Các cuộc hội họp đã được tổ chức với các công ty năng lượng Enel, Eni, Snam, cũng chuyên phát triển kỹ thuật liên quan đến tính bền vững môi trường và chuyển đổi năng lượng.
Eutimio Tiliacos, tổng thư ký của Centesimus Annus pro Pontifice, cho biết: “Đại dịch đã nêu bật giới hạn của kỹ thuật và mối quan hệ của nó với con người. Ông giải thích, kỹ thuật "đặt ra những vấn đề rất mạnh mẽ về bản chất đạo đức và mối quan hệ với đạo đức: chúng được khẳng định trong Laudato si' và được tiếp nối mạnh mẽ trong Fratelli tutti ....”. Ông lưu ý, “một cách đặc biệt, chủ đề trung tâm liên kết hai điều này là trách nhiệm của con người đối với việc sử dụng kỹ thuật, việc sử dụng điều một mặt mang lại lợi ích và mặt khác có thể nêu lên vấn đề, vì chúng ta không chỉ thay đổi môi trường, nhưng trong các trường hợp cực đoan, thay đổi cả con người bởi hành động của chúng ta. "
Một cách đặc biệt, Quỹ xem xét Laudato si' không “chỉ " từ quan điểm "xanh" mà còn là "một thông điệp xã hội”... Tiliacos nhắc lại, “Đức Thánh Cha nhấn mạnh một cách rất mạnh mẽ rằng không chỉ có khủng hoảng môi trường hay xã hội mà thôi, chúng còn là hai khía cạnh của cùng một vấn đề. Để làm điều này, điều rõ ràng là chúng ta cần can thiệp vào cách mọi người suy nghĩ, vào não trạng, vào tinh thần của mỗi cá nhân và đặc biệt của những người có trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh, cả từ quan điểm chính trị lẫn kinh tế ở bình diện hoàn cầu, ở bình diện quốc gia mà nghiêm ngặt hơn ở cả bình diện địa phương nữa. "
Ông nói thêm, con đường tiếp theo là tiếp nhận "phương pháp trao trách nhiệm cho cá nhân để họ có thể can thiệp vào những gì không hoàn hảo, sai lầm hoặc đã làm trong quá khứ, nhằm khắc phục các tình huống trong quá khứ ấy." Nói cách khác, một phương pháp "không nên giới hạn ở việc ghi nhận các hiệu quả của những gì người ta làm trong tương lai tức khắc, khi tiếp xúc với những người mà với họ người ta có mối quan hệ và những tình huống cụ thể, nhưng - như Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta làm - dựa trên quan điểm rộng hơn về trách nhiệm đối với toàn thế giới, với nhân loại nói chung. Điều này bao gồm cả những người mà chúng ta không nhìn thấy và sẽ không bao giờ nhìn thấy vì họ sống ở những nơi khác nhau trên thế giới nhưng phải chịu những hiệu quả của những gì chúng ta làm, y hệt như chúng ta có thể chịu ảnh hưởng bởi những gì người khác làm ".
Tiliacos giải thích thêm, từ quan điểm này, "chủ đề bền vững là chủ đề đưa chúng ta trở lại mối quan hệ giữa cá nhân và các bên thứ ba, nơi các bên thứ ba không phải là vợ, con của chúng ta hoặc đồng nghiệp của chúng ta, mà là toàn thể nhân loại. " Ông lưu ý rằng "không có biên giới, hay rào cản chính trị hoặc xã hội nào cho phép chúng ta tự cô lập mình", như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại trong thông điệp, và cũng vì lý do đó "càng ít chỗ hơn cho việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ" (Laudato si', 52).
Một vấp ngã mà từ đó chúng ta phải chỗi dậy
Từ viễn ảnh này, các nỗ lực mới cũng đang được tập trung vào việc giải quyết tình trạng khẩn cấp do coronavirus đang diễn ra mà Quỹ đã huy động để khuyến khích các hình thức bác ái cụ thể. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến chúng trong một bức thư gửi tới Chủ tịch Tarantola vào năm ngoái, cảm ơn bà "vì bà đã sẵn lòng đáp ứng cụ thể với đại dịch bằng cách tìm cách hỗ trợ, đồng hành và kích thích các dự án giúp chống lại" cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19.
Trong Thánh lễ Chúa nhật Hiện xuống năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng “tệ hơn cuộc khủng hoảng này” chính là “thảm kịch lãng phí nó”. Paolo Garonna, giáo sư Kinh tế Chính trị tại Đại học Luiss Guido Carli và là thành viên của ủy ban khoa học của Quỹ Centesimus Annus, nhận định, trong Laudato si', "chúng ta tìm thấy ý tưởng này là trong thiên nhiên và trong các quá trình sản xuất tự nhiên và nhân bản và việc phân phối của cải, mọi thứ đều có thể được sử dụng, mọi thứ đều có ý nghĩa: đó là một tầm nhìn có tính quan phòng, thậm chí mang tính cánh chung, về các diễn trình kinh tế và xã hội nhằm mời gọi chúng ta bác bỏ nền kinh tế lãng phí và một nền kinh tế phần nào chỉ nhìn xem ai là kẻ mạnh và đang thắng thế. "
Ông nói thêm "chúng ta cũng có thể học hỏi từ thất bại, do đó, ngay cả thất bại cũng có thể coi là cú vấp ngã mà từ đó chúng ta phải chỗi dậy, nó được coi là cuộc khủng hoảng mà từ đó chúng ta cần học cách cố gắng nắm bắt mọi cơ hội." Giáo sư Garonna cũng nhận định rằng "cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ dẫn chúng ta đến những kiểu sản xuất mới, kiểu tổ chức xã hội mới và cách sống chung mới. Nó sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ. Và trên hết, nó sẽ đòi hỏi những nền tảng đạo đức cho các diễn trình chung sống xã hội, kinh tế và chính trị của chúng ta được củng cố, và nếu thiếu nó, chúng ta không thể định hướng và điều hành tương lai "mà không có nguy cơ bị "áp đảo bởi sự không chắc chắn".
Vũ Văn An