Skip to content
banner
Ngôn ngữ

BẢO VỆ MÔI SINH

BTT UBCLHB 04
2024-06-19 17:25 UTC+7 569
Con bước vào kỳ tĩnh tâm cuối tuần tại cộng đoàn Bác Ái Cao Thái với chủ đề “Trái đất đang hấp hối và trách nhiệm của người Ki-tô hữu trong việc bảo vệ môi sinh” bằng bài hát và giọng ca đầy tâm tình của anh chị em giáo dân: Muôn tạo vật ơi cùng tôi hát lên một bài. Ca mừng Thượng Đế quyền uy tác sinh muôn loài. Hỡi người công chính hãy cất cao lên muôn lời Ngợi khen Chúa Trời chan hòa ngàn tiếng nơi nơi

Con bước vào kỳ tĩnh tâm cuối tuần tại cộng đoàn Bác Ái Cao Thái với chủ đề “Trái đất đang hấp hối và trách nhiệm của người Ki-tô hữu trong việc bảo vệ môi sinh” bằng bài hát và giọng ca đầy tâm tình của anh chị em giáo dân:

Muôn tạo vật ơi cùng tôi hát lên một bài.

Ca mừng Thượng Đế quyền uy tác sinh muôn loài.

Hỡi người công chính hãy cất cao lên muôn lời

Ngợi khen Chúa Trời chan hòa ngàn tiếng nơi nơi

Vâng, điều mà tất cả nhân loại có thể làm chỉ là “Ngợi khen Chúa Trời” vì tất cả công trình tạo dựng của Ngài cho chúng ta.

Chúa tạo nên ánh sáng. Chúa thấy ánh sáng là tốt đẹp. Ngài tách ánh sáng ra khỏi bóng tối để tạo ra ngày và đêm. Đó là ngày thứ nhất.

“Mây hãy tụ lại trên trời và hãy làm mưa tưới xuống đất”. Chúa phán với tầng trên: “Ngươi là bầu trời”. Đó là ngày thứ hai.

Ngày thứ ba, Chúa phân tách biển và đất liền. Đất hãy sinh mọi thứ cỏ cây.

Ngày thứ tư, Chúa phân tách ngày và đêm. Mặt Trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng và tinh tú sáng ban đêm để con người biết thời giờ, ngày và đêm, tuần, tháng và các mùa.

Ngày thứ năm, Chúa dựng nên các sinh vật trên mặt đất, cũng như dưới lòng biển.

Lời ca lại miên mang trong lòng con:

Ngài ban cho tôi biển khơi núi cao sông dài

Trời mây tinh tú trong mát suối reo rừng sâu

Vầng dương chiếu ban ngày, vầng trăng sáng đêm dài

Xuân hạ thu đông, chan chứa biết bao hồng ân

Chúng ta có lý do để ngợi khen Chúa, vì Ngài là Đấng dựng nên và ban cho con người chúng ta biết bao hồng ân tốt đẹp.

Cuối cùng, Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là ngày thứ sáu, ngày mà Thiên Chúa nhìn lại mọi tạo vật của mình và nói rằng: “Mọi thứ rất tốt đẹp!”

Ngày nay, chúng ta nhìn lại công trình tạo dựng của Thiên Chúa, tất cả vẫn còn đó: ánh sáng, ngày và đêm, mặt trời, trăng sao và tinh tú cùng mọi loài sinh vật trên bờ cũng như dưới biển… Tuy nhiên, do đâu chúng ta lại nói rằng “trái đất đang hấp hối”. Hấp hối là gì? Một con người hấp hối là một người đang tiến dần đến cái chết và đối diện với cái chết. Người ta đang tiến đến sự biến dạng. Vậy hãy nhìn xem những biến dạng trong công trình của Thiên Chúa khi Người tin tưởng “trao phó” cho chúng ta cai quản là gì:

-      Trái đất đang nóng lên, tầng ozone đang bị thủng. ..

-      Biển đang lấn đất liền, những quy hoạch thủy điện đang làm biến đổi hệ sinh thái…

-      Rừng là lá phổi của hành tinh, đang bị chặt phá để lấy gỗ, làm khu công nghiệp, hoặc khu du lịch. Khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp làm ô nhiễm nguồn không khí và nguồn nước nghiêm trọng.

-      Ngày đêm, thời tiết đang bị đảo lộn, mùa màng bị thay đổi…

-      Thú vật quý hiếm đang dần tuyệt chủng, sinh vật dưới biển đang bị đánh bắt hàng loạt, côn trùng tàn phá hoa màu…

-      Thức ăn bị nhiễm bẩn do ấp ủ các loại hóa chất và phân bón. Động vật nuôi được cho ăn thức tăng trọng.

-      Mạng xã hội nhiễm bẩn bởi những lời lẽ thô tục, ném đá hàng loạt. Những bình luận thiếu tôn trọng, những chia sẻ tin tức hay video bạo hành…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em và thanh thiếu niên.

-      Chiến tranh vẫn đang diễn ra trên từng phần của trái đất, vì tranh giành, vì đúng-sai, vì quyền bính, muốn thống trị trên người khác…

Tệ hại hơn, ngày nay, người ta quên rằng Thiên Chúa dựng nên con người, chỉ có Người mới có quyền năng trên tất cả. Tuy nhiên, con người hiện đại tự dựng nên con người bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, loại bỏ thai nhi. Do đó, người ta cũng có quyền định đoạt sự sống con người bằng phương pháp an tử hay án tử hình.

 Đó là một thế giới đang tiến dần đến sự chết. Đó là cơn hấp hối mà trái đất đang đau đớn, quằn quại như một người đang bị khối u ác tính trong giai đoạn cuối. Đó là cơn đau đớn của con người mà thánh Phao-lô đã nói tới về ơn cứu độ của ngày cánh chung:

“Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như phụ nữ sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa”. Rm8,22-23

Trước cơn đau đớn khủng hoảng đó, con người như bất lực trước những thực tại hết sức đau lòng. Con người khao khát thoát ra bằng mọi cách nên mới quằn quại trong đau đớn. Nhưng, ai có thể giải thoát chúng ta đây? Ai có thể cho chúng ta những sáng kiến để giải quyết những điều tồi tệ đó. Khối u ác tính của một người có thể chỉ mỗi cá nhân mới có thể chịu đựng. Đằng này, khối u trong môi sinh, tất cả chúng ta cùng hứng chịu chung một bầu không khí, một cơn nhức nhối, một cái chết đang đến gần.

Do đó, để có thể “chăm sóc” thụ tạo của Thiên Chúa trao ban, con người còn cần có một đức tin mà cũng chính Đấng tạo thành đã ban cho chúng ta. Nhờ đó, con người biết mình cần có Thiên Chúa trợ giúp trong đời.

Ngài ban cho tôi một Đức tin không phai nhòa

Ngài ban cho tôi một trái tim đầy tình yêu

Niềm mơ ước thiên đình, triền miên phúc an bình

Dâng Ngài câu hát cảm mến tri ân ngày đêm

Quả thật, nhờ Đức tin, dưới con mắt Đức tin, chúng ta – những người ki-tô hữu – có một cách nhìn rất khác về thế giới này. Chúng ta sẽ thấy được rằng mình được Thiên Chúa yêu thương nhiều dường bao. Nếu tính theo bản tính sự vật, chúng ta không có cấp bậc trong Bài ca thụ tạo. Con người chúng ta, dù được sinh ra sau cùng (vào ngày thứ 6), chúng ta vẫn như những anh chị em khác. Thậm chí, chúng ta còn quý giá hơn họ, khi được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu tính theo thời gian, chúng ta là đứa em Út,  phải gọi những tạo vật khác bằng anh/ chị, do chúng ta được dựng nên sau hết. Rất có lý khi thánh Phan-xi-cô thành Assisi gọi các anh chị thụ tạo là anh Mặt Trời, chị Mặt trăng, anh Gió, chị Nước, chị Đất hay ngay cả chị Chết nữa. Đó không chỉ là cách xưng hô trang trong hay lịch sự trong giao tiếp. Sự thật, quả đúng là như vậy. Hãy nhìn xem các anh chị đã chăm sóc loài người chúng ta thế nào:

Mặt trời luôn soi sáng cho cả người tốt lẫn kẻ xấu, gió thổi đến với người hiền lẫn kẻ dữ, cây luôn tỏa bóng mát cho cà người tưới cây lẫn người chặt cây, nước cho chúng ta uống, tưới tiêu, cá tôm cho chúng ta thịt để làm của ăn, các phương tiện internet cho chúng ta thông tin để học tập…

Tất cả những anh chị thụ tạo được ban cho chúng ta, đã khiêm tốn hạ mình, vô tư chăm lo cho con người bằng bản thân của các anh chị. Thậm chí, Chúa còn cho cả ngôi Hai xuống thế làm người, để cùng sống với chúng ta và chết vì tội lỗi chúng ta, làm của ăn nuôi sống chúng ta, để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa. Dưới lăng kính Đức tin, con người được Thiên Chúa yêu thương nhiều biết bao nhiêu.

Ngài cho Ngôi Hai trời cao giáng sinh ra đời

Cửa trời vinh phúc rộng đón những ai thành tâm

Vì tôi vướng tội tình, Ngày mang lấy thập hình

Rửa sạch thân tôi trong máu ước giao đồi xưa.

 Bằng đôi mắt Đức tin, hấp hối không còn là con đường dẫn đến cái chết nữa. Tuy nhiên, hấp hối là giờ của sự chuyển đổi, sự giao nhau giữa sự sống này sang sự sống khác, ngang qua cái chết. Cơn hấp hối như là hồi chuông cảnh tỉnh những con người u mê chúng ta biết cách sống có ích hơn trong một môi sinh đang bị thương tổn này. Có người cho rằng, làm sao một người nhỏ bé có thể thay đổi được cả một hệ thống quy cũ và nề nếp. Ai sẽ lắng nghe? Ai sẽ thực hành? Đôi mắt Đức tin dẫn đưa con người nhỏ bé đến những việc làm rất nhỏ bé và gần gũi mà bất cứ ai, dù sống ở đâu cũng thực hiện được, để góp phần cho môi trường xung quanh mình, ngôi nhà mình, cơ quan mình, giáo xứ mình, cộng đồng mình, đất nước mình, châu lục mình, trái đất mình hay vũ trụ mình ngày càng văn minh và tươi đẹp hơn.

-      Một thùng rác phân loại theo hữu cơ và vô cơ được đặt trong nhà cấm phòng. Việc phân loại rác giúp cho việc xử lý rác thải trở nên nhẹ nhàng hơn và hợp lý hơn. Rác hữu cơ có thể dung làm phân bón cho cây, rác vô cơ có thể tái chế lại. Hạn chế rác thải vào môi trường.

-      Tắt thiết bị điện không cần thiết hay sau khi sử dụng xong

-      Sửa vòi nước bị hư hay bị gỉ nước, tắt nước sau khi sử dụng

-      Thay đổi thói quen ăn uống: ăn vừa đủ, tránh thừa mứa, lãng phí

-      Tránh mua sắm những thứ không cần thiết.

-      Trồng thêm cây xanh quanh nhà, hay trong môi trường làm việc

Để tránh làm ô nhiễm mạng xã hội, người ta có thể:

-      Không chia sẻ tin tức bạo lực

-      Không bình luận tiêu cực hay tấn công những bài viết hay bình luận trái ý

-      Chia sẻ thông tin hữu ích, lời hay ý đẹp, những câu chuyện nhân văn, Lời Chúa…

Để làm cho môi trường sống được lành mạnh hơn, mang tính thánh thiên hơn, tất cả phải nhờ sự cộng tác của từng con người chúng ta.

 

Câu hỏi được bỏ ngõ trong tâm hồn:

Xung quanh mình đang có loại ô nhiễm nào? Chúng ta làm gì để hạn chế chúng?

Là ki-tô hữu, những người con của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi nhận ra tình yêu vô biên của Người đối với chúng ta. Quả thật, Chính Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, Người chăm sóc chúng ra qua những thụ tạo của Người. Chúng ta – những đứa con được Chúa yêu thương – cũng có bổn phận yêu thương mọi người xung quanh và thụ tạo khác như cách chúng ta được Ngài yêu thương. Để mà, con người được bước sang một cuộc sống mới ngang qua cái chết của cơn hấp hối, cơn hoán cải sinh thái sẽ giúp chúng ta phục sinh trong Chúa. Xin mượn đoạn cuối cùng của bài hát MUÔN TẠO VẬT ƠI để kết thúc buổi tĩnh tâm hết sức thú vị và rất hữu ích này, một thế giới vẫn đầy màu sắc và sự sống:

Ngài ban cho tôi ruộng nương lúa thơm bao mùa

Ngàn muôn hoa lá khoe sắc thắm tươi bình minh

Đàn chim hót vang trời, đàn bươm bướm bay lượn

Xanh màu thời gian ôi biết bao nhiêu tình thương

Maria Tuyết Tơ

Tĩnh tâm Cao Thái 14/06 – 16/06 năm 2024


Chia sẻ