Một vài khía cạnh diễn tả phẩm giá con người
Antôn Nguyễn Văn Nam, CSSR
Con người sinh ra ai cũng khao khát đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời. Ai cũng muốn tìm cho mình một lý tưởng sống, một con đường để dấn thân. “Đâu là ý nghĩa cuộc đời tôi? Đâu là hạnh phúc đích thực mà tôi phải theo đuổi?”...
Tất cả những câu hỏi ấy sẽ có giải đáp khi ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi lớn hơn, căn bản hơn: “Phẩm giá làm ‘người’ của tôi là gì?” Một khi xác định được phẩm giá của mình, con người sẽ tìm thấy nguồn hạnh phúc và bình an đích thực; con người sẽ biết sống ra sao và quy hướng cuộc đời mình về điều gì. Vậy phẩm giá của con người là gì? Nhìn dưới khía cạnh Kitô giáo, chỉ có duy nhất Thiên Chúa – Đấng tự mạc khải chính Ngài cho con người – mới có thể cho chúng ta biết được mầu nhiệm về phẩm giá con người.
Mà “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8) nên tự bản chất của con người cũng là “tình yêu” – nên “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4, 8), còn những ai yêu thương thì nhận biết Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng tạo dựng nên mình.
Con người xuất phát từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tương quan trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi, nên tự bản chất con người là hữu thể tương quan. Ngay từ buổi đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã tạo nên một cộng đoàn đầu tiên giữa người với người:
“Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27).
Công Đồng Vatican II đã nói rằng: “Tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng mình” (MV.12). Do đó, sống trong ích kỷ và tư lợi, sống trong cô lập hay sống độc đoán là con người đang phá hủy bản chất tương quan và xã hội trong chính phẩm giá của mình.
Một điều đặc biệt nhất, con người “mang trong mình một mầm mống thần linh” (x. MV.3), được tạo dựng bởi Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và tất cả sẽ quy hướng về Ngài (x. Ga 1, 3; x. Rm 11, 36). Nên quê hương đích thực của chúng ta là quê hương trên trời (x. Mt 6, 20), là sự sống đời đời; mà sự sống đời đời đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô (x. Ga 17, 3).
Thêm một đặc tính cao quí của phẩm giá con người là tự do. Tự do không phải là muốn làm bất cứ điều gì thì làm. Con người tự bản chất là thụ tạo (là hữu hạn, là bất tất) nên chỉ tự do khi hành xử đúng với bản chất đó. Tự do đích thực phải là lựa chọn có trách nhiệm một điều gì đó phù hợp dưới sự soi sáng của Thần Khí, để làm triển nở nhân phẩm con người; còn không chỉ là thứ “tự do” ảo tưởng dẫn đến sự hủy hoại, sự đau khổ, thậm chí là sự chết. “Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống (Rm 8, 13).
Tự do tuyệt đối chỉ có nơi Thiên Chúa, và con người không thể kiêu ngạo “chiếm ngôi của Ngài” (x. St 3, 1-24). Khi tự do vâng phục thánh ý Thiên Chúa con người được tự do nhất. Nhiều người bảo: nếu vậy, chúng ta đang nô lệ Thiên Chúa và không còn tự do nữa. Thưa không, đó không phải là tình trạng nô lệ nhưng là sự khiêm tốn nhìn nhận tương quan giữa “thụ tạo” với Thiên Chúa là “Đấng Sáng Tạo” - trong Ngài ta được hiện hữu và được hưởng sự sống đời đời (x. Rm 6, 23).
Phẩm giá con người cao quí vô cùng, không gì trong vũ trụ tạo thành này có thể so sánh với con người (x. Tv 8, 7). Một khi chúng ta nhận biết phẩm giá cao quí của mình thì ta sẽ phải đặt niềm hy vọng cuộc đời mình vào Ai? Câu trả lời: Đó là Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và phục sinh để ban ơn cứu độ cho con người và mọi loài thụ tạo (x. 1Tx 5, 9; Cl 1, 27).
Như vậy, phẩm giá đích thực của con người chỉ được nhìn nhận đúng đắn khi đặt trong tương quan với Thiên Chúa. Phẩm giá ấy cho thấy con người mang bản chất: là tình yêu, là tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, là mang nơi mình “mầm mống thần linh” và có tự do để nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta chỉ sống đích thực phẩm giá của mình khi khiêm tốn sống theo những giá trị của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã công bố và trao ban cho Hội thánh. Vì mang bản tính yếu đuối, chúng ta cần hối cải liên tục qua đời sống cầu nguyện để bước vào mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô, vì chính Người là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Bài viết : Antôn Nguyễn Văn Nam
Thiết kế : Hồng Nhật
Nguồn: https://ymagazine.net/