Skip to content
banner
Ngôn ngữ

QUYỀN TỰ DO VÀ QUYỀN SỐNG TRONG BỘ LUẬT GIAO ƯỚC – SÁCH XUẤT HÀNH, CHƯƠNG 21 - 22

BTT UBCLHB 00
2023-06-24 16:45 UTC+7 499
Sách Xuất Hành một bản văn có giá trị lịch sử quan trọng, chứa đựng nhiều yếu tố mang tính nhân văn sâu sắc, trong đó có những tư tưởng về nhân quyền. Nội dung chương 20 và 21 mô tả và chỉ ra cho chúng ta thấy quyền sống và quyền tự do của con người.


Ngọc Đức, OP.

Sách Xuất Hành

Sách Xuất Hành là cuốn sách thứ hai trong Ngũ Thư của Do Thái giáo (hay Kinh Thánh Cựu Ước của Kitô giáo). Bên cạnh ý nghĩa tôn giáo, thần học, sách Xuất hành còn là một bản văn có giá trị lịch sử quan trọng, chứa đựng nhiều yếu tố mang tính nhân văn sâu sắc, trong đó có những tư tưởng về nhân quyền.

Sách được chia thành 40 chương, được viết vào khoảng năm 1450-517 TCN. Truyền thống vẫn gán cho ông Moses là tác giả. Sách có tên gọi là Xuất Hành theo bản dịch Hy Lạp (Exodos) vì sách kể lại biến cố dân Israel xuất hành khỏi Ai Cập để tới núi Sinai. Trong bộ Kinh Thánh Do thái, sách Xuất hành được gọi là Shemot (Các Tên) [1]. Một số bản văn mô tả cuộc xuất hành khỏi Ai cập như một cuộc trục xuất, một số bản văn khác lại coi đó là một cuộc trốn chạy. Do đó nhiều học giả cho rằng có lẽ có hai cuộc xuất hành mà sau đó dân Israel đã hoà lẫn lại làm một trong ký ức của họ.


Cuộc xuất hành thứ nhất diễn ra khoảng năm 1550 TCN. Một số người thuộc chủng Sêmit (những người Hyksos) đã lên nắm quyền ở Ai cập vào khoảng năm 1720 TCN. Nhưng họ đã bị đuổi vào năm 1552 TCN. Con cháu Giacob cũng thuộc chủng Sêmít, đã lợi dụng sự hiện diện của người Hyksos ấy để tới Ai cập định cư, nhưng khi những người Hyksos bị truất phế thì họ cũng bị đuổi đi. Họ đi theo con đường phía Bắc rồi vòng xuống phía Nam hướng về Ốc đảo Cadès. Một ngày kia họ sẽ vào miền Nam xứ Canaal.


Cuộc xuất hành thứ hai, tức cuộc chạy trốn khỏi Ai Cập xảy ra khoảng năm 1250 TCN. Một nhóm người Sêmit khác đã ở lại Ai cập cho đến khi có sự xuất hiện của Moses. Dưới sự hướng dẫn của Moses, họ lợi dụng một cuộc lễ mùa Xuân (và có lẽ có một vài tai hoạ giáng xuống Ai cập trong sự kiện này khiến nhiều trẻ con bị chết) để trốn khỏi đất Ai Cập. Họ đi con đường phía Bắc. Khi họ tới gần hồ Sirbonis thì bị một toán quân Ai cập đuổi kịp, nhưng các chiến xa của toán quân này bị lún cát, nhờ vậy nhóm Sêmit ấy được cứu, họ rời con đường nguy hiểm ấy để đi xuống hướng Cadès.


Như thế, cuộc xuất hành do Moses lãnh đạo là cuộc thứ 2. Tại Sikem, nhóm người này đã kết hợp với nhóm xuất hành thứ nhất, đồng thời kết hợp với 1 số nhóm khác đã có mặt sẵn ở xứ Canaan cùng nhau ký 1 thoả ước (thoả ước Sikem) để làm thành một dân thống nhất [2].

Trong 40 chương của sách Xuất Hành, các chương 1–12 tường thuật lịch sử của Isrel khi còn ở đất Ai Cập và làm nô lệ cho người Ai Cập; từ chương 13 – 18 tường thuật cuộc xuất hành khỏi Ai Cập và hành trình đến Núi Sinai dưới sự lãnh đạo của Moses. Nửa sau của sách kể từ chương 19 – 31 tường thuật về Giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Israel tại Sinai, cũng như việc ban hành các luật lệ đầu tiên trong bộ luật Moses; phần còn lại từ chương 32 – 40 nói về hành trình sau đó của Israel.


Luật Giao ước


Trên hết, cuộc Xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập vốn là nền tảng cho sự hình thành văn hóa Do Thái và luật Do Thái, đặc biệt liên quan đến quyền tự do của con người. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, vào thời đại của sách Xuất Hành, vùng Cận Đông cổ đại đã tồn tại những bộ luật khác nhau, nổi bật trong đó có Bộ luật Hammurabi của nền văn minh Babylon nổi tiếng (thế kỷ XVIII TCN) hay bộ luật của Ai Cập cổ đại (thế kỷ XIV TCN). Điều đó có nghĩa là những cư dân sống ở Cận Đông vào thời kỳ Xuất hành (thế kỷ XV TCN) đã biết những bộ luật này và ít nhiều đã chịu sự ảnh hưởng chúng [3].


Tuy nhiên, luật Moses (hay Luật giao ước) hình thành mang những sắc thái riêng của Israel mà trong đó, yếu tố tôn giáo là không thể tách rời. Bởi luật ấy được trình bày không như là những luật lệ do con người tự nghĩ ra, nhưng nó được đặt nền tảng trên mạc khải của Thiên Chúa Tối Cao, đó chính là Thập Giới. Thập Giới là một loạt các chỉ dẫn mà Thiên Chúa đã ban cho dân với tư cách là vua và Israel dân riêng của Người. Thập Giới chính là luật nền tảng để xây dựng một bộ luật cho Israel trên cơ sở xác nhận một số luật hiện hành, hủy bỏ một số luật khác và thay đổi một số luật hiện hành cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, điều đầu tiên trong câu chuyện về sự Xuất hành của dân Israel cung cấp cho chúng ta một khuôn mẫu để chấp nhận trách nhiệm xã hội. Nó giới thiệu các khái niệm rằng sự bất công không cần thiết phải kéo dài và con người có khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình. Dân Israel không thể làm nô lệ mãi cho người Ai Cập. Họ có quyền cư trú tại một miền đất khác và tự do mưu cầu hạnh phúc cho chính mình.


Phần này đặt nền tảng để khám phá cách chúng ta có thể sử dụng câu chuyện về xuất hành như một cơ sở trong việc theo đuổi một nền công lý lớn hơn trên thế giới trong thời đại của mình. Nó cho thấy khái niệm về tự do không phải chỉ là những ý tưởng hay quan niệm, mà nó còn thúc đẩy trách nhiệm lớn hơn đối với việc theo đuổi công lý cho con người. Việc theo đuổi công lý không phải là việc dễ dàng mà phải trải qua muôn ngàn khó khăn gian khổ, thậm chí phải trả bằng giá máu. Nhưng tiếng gọi tự do là không thể cưỡng lại. Việc khám phá vai trò, ý nghĩa của câu chuyện Xuất Hành trong lịch sử và truyền thống của người Do Thái có thể xem như một mô hình cho các phong trào giải phóng khác.


Luật Giao ước là tên gọi do người thời nay đặt căn cứ trên đoạn văn 24, 7 của sách Xuất Hành: “Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”. Bộ Luật giao ước được trình bày từ cuối chương 20 đến hết chương 23 của sách Xuất hành (20, 22 – 23, 33). Thực tế, nền tảng của Luật giao ước là từ Thập Giới, hay nói cách khác, Luật giao ước chính là cách thức áp dụng luật của Thập Giới cho những trường hợp cụ thể để mọi người đều có thể được hưởng sự bình đẳng của công lý, mà nguyên tắc nẳm ở những câu 22-25. Không ai có quyền lèo lái luật theo cách thức riêng của mình.


Về quyền Tự do và quyền bảo vệ sự sống trong Luật giao ước


Trước tiên, nguyên tắc của quyền tự do này được đặt trên nền tảng các giới răn của Thập giới, đặc biệt liên quan mật thiết đến các giới răn thứ bảy, thứ chín và mười của thập giới: “không được giết người, không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,17) [4]. Giới răn thứ bảy “Ngươi không được trộm cắp”(Xh 20, 14) không đơn thuần chỉ liên quan đến tiền bạc, của cải nhưng nhìn rộng ra còn nhắm đến việc bảo vệ những quyền lợi cơ bản của con người được đề cập trong Thập giới như: bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền trong hôn nhân, bảo vệ tự do, bảo vệ thanh danh, bảo vệ tài sản…


Cấm xâm phạm sự sống tha nhân: Luật về bắt cóc


Sách Tadmul cho rằng [5], đối tượng của giới răn thứ Năm liên quan đến việc cấm bắt cóc người trong thời kỳ mà chế độ nô lệ vẫn thịnh hành. Trên tinh thần của Thập giới, Luật Giao ước nhấn mạnh hơn về vấn đề này:“Ai bắt cóc người – dù đã bán đi hay còn giữ trong tay, thì phải bị giết chết.” (Xh 21,16) ; Đệ Nhị Luật cũng nhắc lại điều này một cách nghiêm khắc:“Nếu thấy ai bắt cóc một người anh em mình trong hàng con cái Ít-ra-en, hành hạ và bán người đó đi, thì kẻ bắt cóc phải chết. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh (em)” (Đnl 24,7). Sở dĩ tội bắt cóc người được quan tâm nhiều như vậy là vì thời đó việc này rất thường xảy ra [6]. Vấn đề tôn trọng quyền tự do của con người là một hệ quả tất yếu của biến cố Xuất hành: vì dân Israel đã được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập nên họ không được bắt cóc người khác và biến người đó thành nô lệ của mình.


Vấn đề nô lệ và quyền tự do


Quả thật, một trong những điều cao quý nhất mà bất kỳ người nào cũng có là sự tự do được Thiên Chúa ban. Cưỡng đoạt tự do của một người là một hành vi trộm cắp nghiêm trọng. Vì vậy, Luật Giao ước quy định quyền sở hữu vĩnh viễn đối với nô lệ là không được phép. Theo luật, người nô lệ phải được trả tự do sau bảy năm phục vụ chủ nô:“Nếu ngươi mua một người nô lệ Híp-ri, người đó sẽ hầu hạ sáu năm; đến năm thứ bảy, người đó sẽ được tự do ra đi, mà không phải trả tiền”

(Xh 21, 2). Trừ khi chính người nô lệ đó tự nguyện làm nô lệ suốt đời:“Nhưng nếu người nôlệ nói: Tôi mến chủ tôi và thương vợ thương con, tôi không muốn được tự do ra đi, thì chủ sẽ dẫn người đó đến trước mặt Thiên Chúa, dẫn đến sát cánh cửa hoặc khung cửa, và lấy dùi xỏ tai người đó. Như thế, người đó sẽ hầu hạ chủ suốt đời”(Xh 21, 5–6). Như vậy, thân phận người nô lệ ở Israel thực sự giống như một người hầu hơn.


Chế độ nô lệ là một hình thức kéo dài trong lịch sử qua nhiều nền văn hóa và tôn giáo với những hình thức khác nhau. Chế độ nô lệ với tư cách là một định chế xã hội trở nên xấu xa khi những người nô lệ bị tước đoạt mọi quyền cơ bản của con người. Dù trong bối cảnh đó, Luật giao ước của Israel vẫn công nhận chế độ nô lệ nhưng nó đã có những quy định rõ ràng để bảo vệ quyền của những người nô lệ tại đất nước của họ. So với những luật lệ được áp dụng cho người nô lệ đương thời, rõ ràng những luật lệ của Israel bảo vệ nô lệ tốt hơn tại những quốc gia khác, nơi mà người nô lệ thường phải làm nô lệ suốt đời.

Với Israel, một xã hội hoàn thiện là nó phải được tạo thành từ những con người tự do, như chính kinh nghiệm của họ là những con người luôn khao khát tự do. Do đó, những lợi ích về mặt kinh tế không thể khiến họ từ bỏ di sản thực sự của mình. Luật không sở hữu nô lệ suốt đời không phải là điều khoản nhân đạo thông thường, nhưng thể hiện sự hiểu biết cơ bản của Israel về ý nghĩa của sự tự do và quyền tự do đích thực của con người. Thực tế lịch sử cho thấy ý nghĩa đó được tái khẳng định nhiều lần trong các bộ luật sau đó của Israel, như Đệ Nhị Luật hay Bộ Luật Thánh thiện (Lv 25, 39-43).


Vấn đề nô lệ và quyền của phụ nữ


Do yếu tố trên, theo Luật Giao ước, những người nô lệ, không chỉ nam giới, nhưng ngay cả nữ cũng đều có thể được trả tự do bất cứ lúc nào. Trong quá khứ, vai trò của phụ nữ tại nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây thường ít được xem trọng như nam giới. Phụ nữ Cận Đông cổ đại nói chung và ở Israel nói riêng cũng không được hưởng nhiều tự do như nam giới. Họ phải phục tùng người cha hoặc người chồng có thẩm quyền đối với họ cũng như đối với Thiên Chúa. Luật được ghi trong sách Xuất hành: “Nếu có ai bán con gái làm nàng hầu, người con gái đó sẽ không được ra đi như các nô lệ nam. Nếu người con gái đó không vừa ý chủ, và chủ không muốn giữ lại cho mình, thì chủ phải cho chuộc, chứ không có quyền bán cho dân nước ngoài, vì như vậy là phản bội người con gái đó. Nếu muốn dành người con gái đó cho con trai mình, thì chủ sẽ xử sự theo luật áp dụng cho con gái của mình. Nếu chủ lấy một người khác, thì không được giảm bớt lương thực, quần áo và quyền làm vợ của người trước. Nếu chủ không thi hành ba khoản đó, thì nàng được ra đi, khỏi cần trả tiền trả bạc” (Xh 21, 7-11).


Đoạn này gây khó chịu cho độc giả hiện đại, nhưng với cách thức mà các cuộc hôn nhân được giao ước và cách mọi người sống trong thế giới cổ đại, thì đó là một điều khoản tốt cho những người có thể muốn tìm một cuộc sống tốt hơn cho con gái của họ.Theo phong tục thời đó, một người đàn ông có thể bán con gái của mình cho một người đàn ông khác với mục đích cô ấy trở thành một người vợ lẽ hay một người hầu, nhưng các cô gái ấy có thể được chuộc với số tiền hợp lý. Trong trường hợp cha mẹ hoặc bạn bè của cô ấy không thể trả tiền chuộc lại, chủ sở hữu của cô ấy không có quyền bán cô ấy đi nơi khác. Nếu cô ấy đã được hứa hôn với con trai người chủ, hoặc sau đó có thay đổi ý định, thì cô ấy vẫn phải được đối xử phù hợp với tình trạng của cô ấy hoặc phải trả tự do cho cô gái ấy ngay lập tức. Điều này cách nào đó chính là sự công nhận danh dự của cô với tư cách là một phụ nữ Israel, một người có thể làm vợ, ngay cả khi thực tế phải vất vả phục vụ gia đình chồng.


Đặt trong bối cảnh đương thời, những điều này thực sự có ý nghĩa đối với phụ nữ. Thường họ được mua để làm vợ lẽ hoặc người hầu của chủ nhân. Những điều khoản này tuy không cung cấp một giải pháp khắc phục tất cả những bất công đối với một tầng lớp yếu thế, và chắc chắn là bị áp bức; nhưng chúng là những biện pháp giảm thiểu quan trọng của tập quán hà khắc hiện có, và bảo vệ nô lệ ở một mức độ đáng kể [7].


Luật về cấm tước đoạt mạng sống người khác


Luật Giao ước duy trì hình phạt tử hình cho tội giết người

: “Ai đánhchết người, thì phải bị giết chết” (Xh 21, 12). Đây là luật đã được nhắc tới trước đó trong sách Sáng thế như một lệnh truyền của Thiên Chúa cho Nôê:

“Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 9, 6 ) và được lặp lại trong Thập điều (Xh 20,13). Luật Giao ước khẳng định hình phạt tử hình đối với kẻ giết người nhưng nó không cho phép hình phạt tử hình trong trường hợp ngộ sát (giết người không chủ ý) mà Bộ luật Hammurabi cho phép:“Nhưng nếu không có mưu tính trước, mà chỉ vì Thiên Chúa đã để lỡ tay, thì Ta sẽ chỉ cho ngươi một nơi mà kẻ giết người có thể vào trú ẩn”(Xh 21, 13)[8].


Nhiều nơi tại phương Đông cổ đại, một kẻ phạm tội sẽ tìm được sự an toàn khi trú ẩn ở một nơi linh thiêng (trong các đền thờ) ngay cả khi người đó đã cố ý sát hại một ai đó. Luật Giao ước đã loại bỏ sự bảo vệ đó trong trường hợp cố ý giết người. Thiên Chúa coi sự thánh khiết của đời sống con người lớn hơn sự thánh khiết của một nơi chốn:“Nếu có ai cố tình hại người thân cận tới mức dùng mưu mà giết nó, thì ngươi sẽ lôi kẻ ấy ra khỏi bàn thờ của Ta mà giết chết”(Xh 21, 14). Luật giao ước nghiêm khắc với những tội nặng như vậy vì chúng xâm phạm đến sự sống và sự tự do của con người, vi phạm quyền cơ bản của một con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, và như thế cũng có nghĩa là biểu hiện của sự phản nghịch chống Thiên Chúa. Về bản chất, sự sống là quà tặng của Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền định đoạt. Khi một người kiêu ngạo với những mình quyền sở hữu trong cuộc sống của con người và cản trở quyền được hưởng cuộc sống của người khác bằng cách tước đoạt nó nghĩa là anh ta đã vi phạm một trong những luật thiết yếu của Thiên Chúa và do đó đã tước bỏ quyền sở hữu sự sống của chính mình.


Xâm phạm thân thể người khác


Luật cấm xâm phạm thân thể người khác. Nếu sự xâm phạm không gây ra cái chết thì kẻ xâm phải phải bồi thường cho sự tổn hại của đối phương cho đến khi được lành lặn để có thể làm việc được:“Trong một cuộc cãi lộn, nếu người này ném đá hoặc đấm người kia mà không làm người kia chết, nhưng phải liệt giường, và nếu người kia trỗi dậy, còn chống gậy ra ngoài đi lại được, thì kẻ đã đánh được tha; chỉ phải bồi thường cho người kia trong thời gian người ấy phải nghỉ việc, và lo chữa người ấy cho lành”(Xh 21, 18-19).Ngay cả những người nô lệ cũng được bảo vệ khỏi những kẻ giết người: “Nếu có ai lấy gậy đánh tôi tớ nam nữ của mình, làm cho nó chết ngay dưới tay mình, thì nó phải được báo oán” (Xh 21, 20). Điều này nhằm hạn chế việc các chủ nô giết hại các nô lệ. Tuy nhiên, chủ nô cũng được bảo vệ khỏi bị hành quyết nếu việc anh ta trừng phạt nô lệ không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nô lệ. Trong trường hợp này, luật pháp coi việc mất nô lệ là hình phạt đủ đối với chủ (Xh 21, 21). Luật Giao ước cũng bảo vệ các nô lệ trước sự hà khắc của chủ nô, tránh việc các chủ nô hành hạ hay đánh đập nô lệ của mình một cách thái quá (Xh 21, 26-27). Ngược lại điều này, Bộ luật Hammurabi quy định rằng trong trường hợp như vậy, người phạm tội phải trả cho chủ nô lệ một nửa giá của nô lệ [9]. Nếu chủ nhân làm mù mắt nô lệ của mình, bộ luật này không cần bị phạt. Như thế, rõ ràng Xuất Hành cho thấy mối quan tâm lớn hơn đối với nô lệ và tìm cách hạn chế các chủ nhân lạm dụng thân thể nô lệ của họ. Ngoài ra, điều đặc biệt là Xh 21, 31-32 cho thấy sự coi trọng mạng sống của nô lệ nam và nữ là như nhau. Một con bò húc chết người dù người đó là nô lệ chăng nữa thì cũng bị ném đá phải chết, bên cạnh việc chủ nhân của nó phải bi phạt tùy theo mức độ, cho thấy Xuất Hành nhìn nhận mọi người như nhau – đều là những con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 9, 5). Trong nền tự do mới của họ, Israel không được đối xử với nô lệ như cách mà họ đã từng làm bị đối xử tại Ai Cập. Họ không được đi vào vết xe đổ của những dân ngoại khác. Vương quốc của Thiên Chúa hoàn toàn khác. trong đó, mọi ngưới đều được tôn trọng và có quyền cơ bản của mình, dù trong thân phận nào. Ngay cả nữ nô lệ cũng có quyền tối thiểu của mình. Thật khó có bộ luật cổ nào khác trao quyền cho nô lệ hoặc cho phụ nữ hoặc cho phụ nữ nô lệ theo cách đặc biệt này.


Mọi người đều có phẩm giá ngang nhau


Khi một người đàn ông gián tiếp làm một người ngoài phụ nữ đang mang thai và làm người ấy sẩy thai thì phải chịu sự bồi thường theo thỏa thuận và trước mặt nhân chứng (Xh 21, 22). Nếu người phụ nữ bị tổn thương đến thân thể, thì người gậy tổn thương phải chịu sự trừng phạt ngang bằng (Xh 21, 23-24). Điều này nhằm hạn chế sự thái quá trong việc báo oán của người bị hại [10]. Thật thế, luật “mắt đền mắt” là một yếu tố để hạn chế sự trả thù cách thái quá mà hầu như được áp dụng phổ biến tại hầu hết các nền văn hóa Cận Đông cổ đại. Nó là một nỗ lực để kiểm soát xu hướng trả thù cách bất công của những người bị hại nhưng không quá nặng nề.


Nhưng phân đoạn này dạy gì — và điều cần phải có trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về lời dạy của Kinh Thánh về chế độ nô lệ — là chế độ nô lệ luôn có hồi kết. Nó không bao giờ là vĩnh viễn (mặc dù chúng ta có thể ngụy biện về tính lâu dài của chế độ nô lệ tự nguyện với một chủ nhân rộng lượng, nhân đạo và đầy cảm hứng trong Xh 21, 4-6 ). Vào năm thứ bảy, nô lệ được tự do. Khi bị ngược đãi hoặc từ chối quyền của họ, nô lệ được tự do. Và bắt cóc người ta để buôn bán nô lệ là một hành vi phạm tội (Xh 21, 16).


Tạm kết


Thiên Chúa mà Israel tôn thờ không giống như các vị thần của các quốc gia khác. Thiên Chúa ấy quan tâm đến những người thường không được chăm sóc và những người không thể chăm sóc cho bản thân. Thiên Chúa coi trọng sự sống, hòa bình và công lý cho tất cả mọi người, nhất là những người thấp cổ bé miệng trong xã hội. Chính Thiên Chúa ban cho con người các quyền cơ bản để được sống, được hưởng tự do và tìm kiếm hạnh phúc.

Vì vậy, con người sẽ tìm thấy công lý và bình đẳng nếu họ trung thành bước đi trong đường lối của Thiên Chúa. Martin Luther King đã sử dụng câu chuyện về cuộc Xuất hành của người Israel để truyền cảm hứng cho cộng đồng người da đen cùng nhau nỗ lực vì bình đẳng chủng tộc [11], nhưng có thể nói, sách Xuất Hành gợi hứng cho tất cả những ai mong muốn công lý và hòa bình, cho quyền của con người được tôn trọng, dù là ờ bất cứ nơi đâu.


CHÚ THÍCH:


[1]

Kinh Thánh, ấn bản 2011, bản dịch của NCGKPV, phần Dẫn nhập sách Xuất Hành, Nxb. Tôn giáo, tr. 117-119; Tiểu ban Từ vựng – UBGLĐT/HĐGMVN: Xuất hành.

[2] John H. Hayes: Nhập môn Kinh Thánh, bản dịch: Nguyễn Kiên Trường, Nxb. Tôn giáo, 2008, tr. 93-98; Etienne Charpentier: Hướng dẫn đọc Cựu Ước, Chuyển ngữ: Lm Carôlô Hồ Bạc Xái, NXB: Phương Đông, 2014, tr. ch. 1, b3.

[3] Ngũ thư, Bản dịch để học hỏi, Nhóm CGKPV, 2008, Mục chú thích v, tr. 235-236.

[4] Lê Đức Thiện, OP: Tư tưởng về nhân quyền trong thập giới (http://giaophanthanhhoa.net/chuyen-de/tu-tuong-ve-nhan-quyen-trong-thap-gioi-38878.html).

[5] Talmud là một tập hợp các văn bản cổ của các bậc thầy người Do Thái trong suốt hơn 10 thế kỷ. Đây củng được xem là kết tinh của trí tuệ và là những chỉ dẫn cụ thể cho đời sống của dân tộc Do Thái. Về sách Talmud, xt: Từ Quang Á: Talmud - Tinh Hoa Trí Tuệ Do Thái, Nxb. Hồng Đức, 2017 ; Vũ Văn An: Một số nét về Bộ Talmud của Do Thái Giáo, http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/1-mot-so-net-ve-bo-talmud-cua-do-thai-giao-55986.html.

[6] Etienne Charpentier: Hướng dẫn đọc Cựu Ước, Chuyển ngữ: Lm Carôlô Hồ Bạc Xái, NXB: Phương Đông, 2014, phần Chú giải Thập giới.

[7] Anthony Phillips: The Laws of Slavery: Exodus 21.2-11, Journal for the Study of the Old Testament.

[8] Trong Bộ luật Hamunari, nguyên tắc trả thù ngang bằng (đồng thái phục thù) hay còn gọi là “luật pháp talion”, thậm chí cho phép trừng trị cả những người không liên quan đến tội phạm. Nguyên tắc này chỉ căn cứ vào hậu quả xảy ra trên thực tế để áp dụng trách nhiệm pháp l‎ý, chứ không xét trên phương diện mức độ lỗi và chủ thể thực hiện hành vi vi phạm. Ví như điều 196: “Nếu dân tự do làm hỏng mắt của con của bất cứ người dân tự do nào, thì phải làm hỏng mắt của y”. Điều 197: “Nếu y làm gãy xương của dân tự do, thì phải làm gãy xương của y”. x: Lương Ninh (cb): Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục, 2012, phần Phụ lục: Bộ luật Hammurabi; Nguyễn Minh Tuấn: Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2020, tr. 68-76.

[9] Bộ luật Hammurabi, điều 199 (x: Lương Ninh (cb): Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục, 2012, phần Phụ lục: Bộ luật Hammurabi).

[10] Những người ủng hộ việc phá thai thường xuyên trích dẫn Xh 21, 22 và cho rằng bào thai không phải là người và do đó, phá thai không phải là giết người. Họ lấp luận: Xuất hành 21, 22 cho thấy nếu một người gây ra cái chết cho thai nhi, người đó chỉ phải trả một khoản tiền phạt; nếu một người gây ra cái chết cho người phụ nữ, người ấy mới bị trả báo bằng mạng sống. Như vậy Kinh thánh cho thấy rõ rằng một bào thai chưa được coi là người. Nếu thai nhi được coi là một con người, thì hình phạt cho việc làm chết thai nhi phải giống như cho việc giết chết một phụ nữ. Thật ra điều này mâu thuẫn với tinh thần của Cựu Ước. Bời trong nhiều đoạn Kinh Thánh, thai nhi vẫn được coi như một con người thực sự, chẳng hạn như trong sách Gióp 10, 8-12; 15, 14 ; TV 51, 5; 58, 3 ; 139, 13-16; Giêrêmia 1, 5… Đây cũng là quan điểm phổ biến ở Cận Đông cổ đại. Vấn đề này, xt: Đaminh Maria Vũ Ngọc Thạch, CM - Tại sao phá thai thì trái đạo đức theo quan điểm Kinh Thánh, (https://vinhson.net/tai-sao-pha-thai-thi-trai-dao-duc-theo-quan-diem-kinh-thanh.html).

[11] Ramon Tuason: The Biblical Exodus in the Rhetoric of Martin Luther King (https://stanfordfreedomproject.com/multi-media-essays-on-freedom/the-biblical-exodus-in-the-rhetoric-of-martin-luther-king/).


THƯ MỤC:


1.    Kinh Thánh, ấn bản 2011, bản dịch của NCGKPV, Nxb. Tôn giáo, 2011.

2.    Ngũ Thư, Bản dịch để học hỏi, Nhóm CGKPV, Nxb. Tôn giáo, 2008.

3.     John H. Hayes: Nhập môn Kinh Thánh, bản dịch: Nguyễn Kiên Trường, Nxb. Tôn giáo, 2008.

4.    Etienne Charpentier: Hướng dẫn đọc Cựu Ước, Chuyển ngữ: Lm Carôlô Hồ Bạc Xái, NXB: Phương Đông, 2014.

5.    Từ Quang Á: Talmud - Tinh Hoa Trí Tuệ Do Thái, Nxb. Hồng Đức, 2017.

6.    Vũ Văn An: Một số nét về Bộ Talmud của Do Thái Giáo, (http://gpbanmethuot.com)

7.    Lương Ninh (cb): Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục, 2012.

8.    Nguyễn Minh Tuấn: Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2020.

9.    Đaminh Maria Vũ Ngọc Thạch, CM: Tại sao phá thai thì trái đạo đức theo quan điểm Kinh Thánh (https://vinhson.net/tai-sao-pha-thai-thi-trai-dao-duc-theo-quan-diem-kinh-thanh.html).

10 Lê Đức Thiện, OP: Tư tưởng về nhân quyền trong thập giới (http://giaophanthanhhoa.net).

11. Đỗ Minh: Mạc khải thiêng liêng về Nhân quyền trong sách Sáng thế (https://hdgmvietnam.com).

12.   Anthony Phillips: The Laws of Slavery: Exodus 21.2-11, Journal for the Study of the Old Testament.

13.   Peter Krol: Exodus 20:22-21:32: Basic Human Rights (https://www.knowableword.com).

14.  https://www.studylight.org

 https://www.jewishvirtuallibrary.org

Chia sẻ