VATICAN : NẠN BUÔN NGƯỜI, VẤN ĐỀ NẰM Ở NHU CẦU
“Lý do căn bản của vấn nạn buôn người, đó là nhu cầu”, Đức cha Janusz Urbańczyk, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE), khẳng định.
Trong bài tham luận ở Hội nghị lần 21 chống buôn người có tựa đề “Đối diện với nhu cầu: giải quyết nguyên nhân sâu xa của nạn buôn người”, ngày 14/6/2021, Đức cha Janusz Urbańczyk nhắc nhớ rằng “hai nhân tố chủ yếu” nuôi dưỡng nhu cầu và “quyết định bối cảnh” trong đó “các nạn nhân của việc buôn người” đang sống, là “sự nghèo khổ, nạn thất nghiệp và việc thiếu cơ hội” và “ một hệ thống kinh tế, chỉ quan tâm việc tối đa hóa lợi nhuận”.
Bất chấp “một nỗ lực đáng kể của các chính phủ và các nghị viện quốc gia, chúng ta ghi nhận cách đáng buồn, còn hơn nữa trong thời kỳ đại dịch hiện nay, rằng việc buôn bán người tiếp tục gia tăng, nuôi dưỡng lợi nhuận và nô lệ hóa con người”.
Ngài giải thích: các tiêu chuẩn lập pháp “ hoặc được áp dụng kém, hoặc không phản ảnh đủ thực tại của hiện tượng, chúng không đủ hữu hiệu”. Những yếu tố khác chứng minh “sự xa rời của những quy định này so với thực tế”.
Ngài trích dẫn phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Nạn buôn người tìm thấy một mảnh đất màu mỡ nơi lối tiếp cận của chủ nghĩa tư bản tân tự do, trong việc bãi bỏ quy định thị trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận mà không có giới hạn đạo đức, không có giới hạn xã hội, không có giới hạn môi trường…Nếu lôgíc này được theo đuổi, thì chỉ có tính toán thuận lợi và không thuận lợi…Các chọn lựa được thực hiện mà không nhìn đến con người: con người là những con số để khai thác”.
Bởi thế, “một nền kinh tế không còn nạn buôn bán con người là một nền kinh tế với những quy luật thị trường đề cao công lý, chứ không phải những lợi ích riêng biệt độc quyền”.
Cần có luật pháp chặt chẽ hơn
Trong bài tham luận khác cũng ở Hội nghị này, ngày 15/6/2021, Đức Cha nhấn mạnh rằng nạn buôn người “chồng chéo với nạn buôn bán ma túy quốc tế”. “Hai hiện tượng này liên kết với nhau, được nuôi dưỡng và biện mình cho nhau”.
Vả lại, theo ngài, “việc khai thác tính dục càng ngày càng kết hợp với nạn buôn bán ma túy. Hai tai họa này mỗi ngày cướp đi sinh mạng bao người trên thế giới”.
Đức Cha mô tả việc khai thác tính dục này như là một sự “thiếu văn hóa, hạ thấp thân xác người khác, chủ yếu là phụ nữ và càng ngày càng nhiều trẻ em, thành một đối tượng có thể được sử dụng, chối bỏ nhân phẩm”.
Theo ngài, hạn chế “sự vô văn hóa này” đòi hỏi “sự thăng tiến một nền văn hóa tôn trọng và phẩm giá, một sự nhận thức và đào tạo liên lỉ” cũng như “một luật pháp ngày càng chặt chẽ hơn để dẹp bỏ nạn khai thác tính dục”.
Ngài nhận xét, đại dịch “đã không hạn chế nhu cầu thúc đẩy nạn buôn người với mục đích khai thác tính dục; trái lại, nó đã gia tăng lên”. Nhu cầu thường được thực hiện qua Internet. Từ đó lời kêu gọi có “những biện pháp…để bảo đảm rằng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội thăng tiến phẩm giá con người và không trở thành một phương tiện truyền thông nuôi dưỡng vi phạm nhân quyền”.
Sau cùng, Đức cha Urbańczyk nhắc lại rằng « Giáo hội Công giáo, qua các cơ quan khác nhau của mình, từ lâu nay, đã dấn thân bảo vệ các nạn nhân bị khai thác tính dục ». Vả lại, “Giáo hội đã dấn thân trong việc giáo dục và đào tạo con người, để có thể vượt qua những bản sao mà xã hội thường xác nhận và thúc đẩy”.
Written by xbvn on Tháng Sáu 19th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh