Skip to content
banner
Ngôn ngữ

GỢI Ý PHỤNG VỤ THÁNH LỄ Cầu nguyện cho Ngày Quốc Tế Môi Trường (05.06.2021)

BTT UBCLHB
2022-09-01 21:15 UTC+7 1127
GỢI Ý PHỤNG VỤ THÁNH LỄ Cầu nguyện cho Ngày Quốc Tế Môi Trường (05.06.2021) Thứ Bảy, Tuần IX Thường Niên, Năm B. Các bài đọc: Tb 12,1.5-15.20; Mc 12,38-44 Lễ nhớ thánh Bô-ni-phát, Giám mục, Tử đạo.

THỨ BẢY TUẦN IX THƯỜNG NIÊN - 05.06.2021

Thánh Bô-ni-phát, Gm.Tđ. Ngày Môi Trường Thế Giới


Dẫn nhập đầu lễ


Anh chị em thân mến,


1. Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội nhớ tới vị thánh Giám mục tử đạo vào thế kỷ thứ VIII của nước Anh – đó là thánh Bô-ni-phát (673 - 754). Tên khai sinh của ngài là Win-frid, còn Bô-ni-phát hay Bô-ni-fa-ci-ô, có nghĩa “người thi ân” – là tên Đức Giáo Hoàng đặt cho ngài vì những hoa trái truyền giáo ngài thực hiện được tại nhiều vùng miền của nước Đức. Tuy nhiên, cũng chính vì nhiệt huyết truyền giáo mà ngài đã lãnh phúc tử đạo nơi một vùng đất hoang dại có nhiều thổ dân hung dữ. Qua thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa ban thêm niềm khát khao loan báo Tin Mừng – để mỗi người chúng ta có thể trở nên những “người thi ân” của thời đại, giống như thánh Bo-ni-phát, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Chúa. 


2. Ngày 05.06 hôm nay cũng là ngày Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn làm ngày Môi Trường Thế Giới hay còn gọi là ngày Quốc Tế về Môi Trường, để kêu gọi sự tập trung chú ý vào tầm quan trọng của môi trường và những hành động bảo vệ môi trường. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa tạo thành vũ trụ một cách tốt đẹp và Ngài trao công trình tạo dựng ấy cho con người cai quản. Vì thế, việc bảo vệ môi trường xuất phát từ nền tảng Thánh Kinh. Chúng ta có trách nhiệm chăm lo sao cho thụ tạo được hài hòa và phát triển. Đó cũng là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập trong thông điệp Laudato Si’- hãy việc bảo vệ và chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.


Vậy trong thánh lễ này, chúng ta cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, với Giáo Hội toàn cầu trong lời nguyện xin cho việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong lúc môi trường sống của chúng ta đang bị bao phủ bởi bóng đen Covid-19. 


Giờ đây chúng ta cùng nhau sám hối tội lỗi của chúng ta để xứng đáng cử hành thánh lễ. 


 Nghi thức sám hối. 


1. Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội tấm gương anh dũng của thánh Bô-ni-phát - khi hiên ngang đón nhận cành lá tử đạo để làm chứng cho Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con


2. Lạy Chúa Kitô, Chúa ban Thánh Thần để Giáo Hội chu toàn sứ mạng loan truyền Tin Mừng của Chúa cho mọi dân tộc. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. 


3. Lạy Chúa, Chúa sáng tạo vạn vật từ hư vô và dạy chúng con phải ra công làm việc như một người quản lý tốt các công trình của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con. 


Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. 


Lời nguyện nhập lễ  


Lạy Chúa, nhờ ơn Chúa, thánh Bônifaciô giám mục đã dùng lời nói rao giảng đức tin và lấy máu đào để minh chứng. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con giữ vững lòng tin, và lấy cả cuộc đời để can đảm tuyên xưng lòng tin đó. Chúng con cầu xin…. 


Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Máccô (Mc 12, 38-44) 


Khi ấy, Đức Giêsu lên tiếng giảng dạy dân chúng rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”


Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” 

Đó là Lời Chúa.


Gợi ý chia sẻ  


Những đồng tiền dâng cúng vào đền thờ trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một hình ảnh minh họa về cách con người bày tỏ lòng mình đối với Thiên Chúa. 


Dâng cúng cho Đền thờ - để bảo trì công trình, để nuôi dưỡng tư tế, để giúp đỡ người nghèo, để thi hành bác ái… đó vừa là bổn phận vừa là nhân đức. Đó cũng là một cách thực thi trách nhiệm chăm sóc và quản trị những gì Thiên Chúa đã ban cho mỗi người.


Và thoạt nhiên, những diễn tiến trong bài Tin Mừng có vẻ rất hợp lý. Người giàu thì bỏ nhiều tiền, bà góa nghèo, bỏ rất ít – chỉ 2 đồng tiền kẽm, trị giá ¼ xu.


Tuy nhiên, trong phép so sánh của Chúa Giêsu, 2 đồng tiền kẽm lại có giá trị hơn. Và lý do đã được Chúa giải thích rất rõ ràng: bà góa đã cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết.


Trong xã hội Do Thái cổ, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những hạng người xấu số nhất và nghèo nhất. Nhưng trong cái túng thiếu nghèo nàn đến tận đáy xã hội, bà góa lại dâng tất cả cơ nghiệp, tài sản, bữa ăn sinh sống… nghĩa là những gì thiết yếu nhất, cần thiết nhất, và quý giá nhất. Bởi đó, sự dâng cúng này tương đương với việc cho đi chính bản thân mình.


Cho dù mọi cái quan trọng nhất của bà cũng chỉ đáng giá ¼ xu. Nói ¼ xu hay hai đồng tiền kẽm, có lẽ chúng ta không thể hình dung giá trị bao nhiêu vì con số quá nhỏ, nhưng nếu chúng ta hiểu đó là số phận của một con người, thì sẽ thấy quả thật là vô giá.   

  

Dĩ nhiên chúng ta cũng mong có rất nhiều lòng quảng đại với hầu bao rộng lượng. Nhưng Chúa Giêsu lại không đánh giá cao những đồng tiền dư thừa từ các phi vụ làm ăn, mà không xuất phát từ tâm lòng quảng đại và tín thác.


Ấy là chưa kể đến những đồng tiền bẩn, tiền không nguồn gốc, tiền của người khác, tiền tham ô, tiền trốn thuế, tiền làm ăn bất chính… Dâng cúng những đồng tiền như vậy, trước mặt Chúa, có lẽ là hành động rửa tiền và hoang phí chứ không phải là tích công góp đức. Cho dù số tiền ấy có nhiều đến đâu đi nữa.


Hành xử bên ngoài biểu lộ nội tâm bên trong. Nhưng, hành xử bên ngoài cũng có thể che dấu nội tâm bên trong. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: “Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can bí ẩn”, vì thế, hãy xử dụng đồng tiền với lương tâm và trách nhiệm, đồng thời phù hợp với hoàn cảnh và môi trường sống của mỗi người chúng ta.


Thưa anh chị em,


Thiên Chúa không chỉ ban cho chúng ta tiền bạc mà thôi, Ngài còn ban cho chúng ta tất cả tạo vật trong vũ trụ này và trên trái đất này. Ngài cũng mời gọi chúng ta sử dụng tài nguyên môi trường một cách phù hợp với đầy đủ ý thức, lương tâm và trách nhiệm.


Cách chúng ta quan niệm và sử dụng đồng tiền sẽ phản ánh cách chúng ta cư xử với trái đất và môi trường sống của chúng ta. Rất có thể, sự thờ ơ, ích kỷ và cẩu thả lâu nay, đã khiến con người đối đầu lại với công trình sáng tạo, ngôi nhà chung của chúng ta.


Trong Thông điệp Laudato Sí, ĐTC. Phanxicô đã xoay quanh một câu hỏi trọng tâm rằng: “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”. 


Và ngài khẳng định: “Môi trường là điều thiện hảo chung, gia tài của toàn thể nhân loại và một trách nhiệm chung cho mọi người. Nếu một người chiếm hữu một điều gì đó, thì phải quản lý vì ích lợi cho mọi người. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ làm khổ lương tâm của chúng ta vì phủ nhận sự hiện sinh của những người khác"

(Laudato Si, 20).


 Ai trong chúng ta cũng có hai đồng tiền kẽm, đó là ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người khi sống trên trái đất này. Nó không thể qui ra được bao nhiêu đồng bạc hay bao nhiêu tờ đô la, nhưng giá trị được tính bằng sự nỗ lực tận tâm dâng hiến và cam kết thực thi những điều nhỏ nhặt nhất trong việc chăm sóc thụ tạo: từ việc

tránh xả rác bừa bãi, tiết kiệm điện nước

, cho đến

an toàn lao động, thay đổi cách ứng xử và kinh doanh

... và thậm chí

tuân thủ chặt chẽ qui định phòng chống Covid


Bằng cách làm tất cả những việc làm đơn sơ đó, chúng ta sẽ kịp thời tái định hình thế giới, bằng một cuộc

“hoán cải môi sinh”,

nhằm hướng tới một hệ

sinh thái học toàn diện

, phục vụ cho một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn.


Nhân ngày Quốc tế môi trường hôm nay, chúng ta được kêu gọi vượt qua bức tường của cái “dư thừa” để bước vào lãnh vực của tình yêu. Bởi vì, Nước Trời dành cho những ai hiến mạng sống mình cho tha nhân, chứ không phải cho những ai đang lãng phí quăng đi những thứ còn có thể hữu ích cho người khác. 


Hãy ý thức 2 đồng tiền kẽm của mình với một tâm hồn cao thượng, để thực thi trách nhiệm là khí cụ của Thiên Chúa trong việc chăm sóc công trình sáng tạo, để góp phần xây dựng một môi trường đáng sống hơn, và để Mẹ trái đất không còn kêu gào thảm thiết vì bị tàn phá nặng nề, nhưng sẽ là một không gian yên bình, thịnh vượng cho mọi thụ tạo.    


Thánh Bô-ni-phát sẽ tháp tùng chúng ta trong hành trình này. Chính ngài đã đổ máu ra, nhưng giá trị đem lại trên mảnh đất thấm đỏ máu đào là Tin Mừng đã được phủ khắp. Đó là một môi trường đã thực sự biến đổi nhờ ánh sáng Phúc Âm. Xin ngài chúc lành cho những cố gắng của chúng ta trong việc bảo vệ môi trường sống.


Đồng thời, hãy biến ngày kỷ niệm hôm nay thành một thời khắc của sự phản tỉnh, để bước vào sự thay đổi và hoán cải hệ sinh thái của chúng ta, để xây dựng một thế giới mới – phát triển toàn diện mà chúng ta trong tư cách là những quản gia trung tín.



UB. CL & HB - Trực thuộc HĐGM Việt Nam

Chia sẻ