TƯ TƯỞNG VỀ NHÂN QUYỀN TRONG THẬP GIỚI
Giáo hội Công giáo, qua Tuyên ngôn về tự do tôn giáo của Công Ðồng Vaticanô II nhìn nhận con người có quyền tự do tôn giáo: “Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng.
Tác giả: Dom. Lê Đức Thiện, O.P.
Thập giới và sách Xuất hành
Ngay từ khi bản Tuyên ngôn Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights - UDHR) được Liên hiệp quốc thông qua, ngày 10-12-1948, nhiều người đã so sánh nó với những tư tưởng về con người trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên UDHR không dựa trên bất kỳ học thuyết tôn giáo nào một cách rõ ràng, nó hoàn toàn mang tính thế tục. Dẫu vậy, không khó để nhận thấy những ý tưởng về nhân quyền trong Kinh Thánh ảnh hưởng đến bản Tuyên ngôn này, nhất là là Sách Sáng thế và Sách Xuất hành, trong đó có Thập giới (Mười giới răn) [1].
Thập giới tiếng Hy Lạp được gọi là Decalogue (deka: mười, logoi: lời) , được coi là mười điều căn bản của Bản Luật pháp mà Thiên Chúa đã ban cho dân Israel tại núi Sinai sau biến cố “Xuất hành” để làm tiêu chuẩn cho cuộc sống của họ.
The
o Thánh Kinh, cuộc “Xuất hành” là biến cố Thiên Chúa giải phóng dân Israel ra khỏi sự áp bức của người Ai Cập (vào khoảng năm 1250 TCN) và dẫn dắt dân tiến về vùng đất tự do mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ tiên họ. Thiên Chúa đã dùng ông Môsê làm người lãnh đạo dân và ban cho ông những khả năng phi thường, nhờ đó Môsê đã đưa dân Israel vượt qua Biển Đỏ.
Trong cuộc hành trình dài này, dân Israel đã gặp nhiều thử thách. Khi họ thiếu lương thực và nước uống, Thiên Chúa đã lo cho họ được no đủ (Xh 16 – 17). Tại núi Sinai, nhờ trung gian của Môsê, Thiên Chúa thiết lập Giao Ước với dân Israel. Ngài ban cho họ Mười giới răn. Tiếp đó là cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc cho đến khi dân Israel về đến Canaan là vùng đất Thiên Chúa đã hứa cho các tổ phụ của họ. Theo truyền thống Do Thái, cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho dân, đưa họ từ thân phận nô lệ trở thành những con người tự do.
Nội
dung của Thập giới
được đề cập trong Sách Xuất Hành và sách Đệ Nhị Luật [2]. Sách Xuất Hành là cuốn thứ hai trong bộ Ngũ thư (hay Ngũ
k
inh, bao gồm: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số
và Đệ Nhị Luật). Năm cuốn này tạo thành Sách Luật chung của Israel – Torah (“Torah” nguyên nghĩa là “Lời dạy”). Danh xưng Xuất Hành lấy theo các dịch giả bản LXX, có nghĩa là “ra đi”. Ở đây, chỉ nói đến “cuộc ra đi khỏi Ai Cập” của dân tộc Israel. Chữ Ngũ kinh, Pentateuch, là do nguyên ngữ Hy Lạp pentateuchos, “năm chỗ chứa”, tức các cuốn sách bằng da hay bằng sậy được chứa trong những thùng đựng. Trong bộ Kinh thánh của Công giáo, cũng chính là năm cuốn sách đầu tiên của Cựu ước.
Truyền thống Do Thái và Kitô Giáo đều coi Môsê là tác giả của Ngũ Kinh, tuy nhiên đây là một cách nói mang tính ước lệ chứ không phải là một quả quyết xác định rằng chính Môsê là tác giả. Nhiều bằng chứng cho thấy các luật được đề cập trong đó đã xuất hiện vào nhiều thời kỳ khác nhau, và một số điểm không thể dung hòa được với nhau. Các nhà chú giải cho rằng việc biên soạn sách Xuất hành có thể kéo dài từ thế kỷ VIII đến thế kỷ V TCN với nhiều dòng truyền thống văn chương khác nhau, chịu ảnh hưởng văn chương từ các nền văn minh vùng Cận đông thời đó [3].
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong cái nhìn của đức tin Kitô giáo thì chính Thiên Chúa mới là tác giả của Kinh Thánh, các tác giả con người chỉ là dụng cụ. Nghĩa là qua ơn linh hứng, các tác giả con người viết ra những mạc khải của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ văn chương của mình[4]. Do đó, để hiểu được ý nghĩa của Kinh Thánh, người đọc phải “xuyên qua” lớp vỏ bọc bên ngoài của lối văn chương mang tính đặc thù văn hóa Do Thái, cũng như của mỗi tác giả riêng biệt để thấy được cái cốt lõi bên trong [5].
Nội dung của Thập giới trong sách Xuất hành
Thập giới (hay Mười giới răn) là điều khoản của giao ước tại núi Sinai giữa Thiên Chúa và toàn dân Israel. Như đã nói, Thập giới không phải là những khoản luật theo nghĩa bình thường đối với con người thời xưa cũng như hôm nay, bởi nội dung của Thập giới chính là mặc khải của Thiên Chúa: Thập giới tỏ lộ ý định của Thiên Chúa cho dân Israel (có thể suy rộng ra là cho con người), và là nền tảng của mọi luật lệ. Luật Thập giới là điều khoản căn bản của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel. Giữ Thập giới là giữ giao ước giữa Thiên Chúa và Israel, không giữ Thập giới là hủy bỏ giao ước giữa Thiên Chúa và Israel.
Nội dung của Thập giới trong sách Xuất hành như sau:
Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây:
“Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.
Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.
Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.
Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.
Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.
Ngươi không được giết người.
Ngươi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian hại người.
Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” (Xh 20, 1-17) [6].
Việc xác định thời điểm xuất hiện của Thập giới bao gồm việc giải thích mục đích của chúng. Một số học giả đề xuất Thập giới được hình thành trong khoảng thế kỷ XVI đến XIII TCN, vì Sách Xuất Hành và Sách Đệ Nhị Luật kết nối Thập giới với Môsê và Giao ước Sinai giữa Thiên Chúa và dân Israel. Thập giới chứa đựng rất ít điều mới mẻ đối với thế giới cổ đại và phản ánh một nền đạo đức phổ biến ở Trung Đông cổ đại, với những nền văn minh nổi tiếng như Ai Cập, Sumer... Tuy nhiên, nếu phân tích và đối chiếu cẩn thận, người ta sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ ràng của Thập giới so với những luật lệ đương thời nơi các dân ngoại, đặc biệt liên quan đến vấn đề quyền con người mà thế giới đương đại rất quan tâm, dù không chối bỏ có những điểm tương đồng mang yếu tố lịch sử.
Giới răn đầu tiên: Vấn đề nhân phẩm con người và tự do tôn giáo
“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,1). Giới răn đầu tiên của Thập giới là một tuyên bố khẳng định niềm tin vào vị Thiên Chúa duy nhất (monotheism – độc thần) của Do Thái giáo. Tư tưởng độc thần này trở thành nền tảng phát xuất các nguyên tắc đạo đức và công lý của Israel. Tuyên bố này hoàn toàn nhất quán với nội dung mà Sách Sáng Thế trước đó đã đề cập khi khẳng định về nguồn gốc thiêng liêng của con người: Xuất phát từ Thiên Chúa và là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26 – 29). Thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” được hiểu như là đại diện của Thiên Chúa, được áp dụng cho nhà vua “thay Trời trị dân”, hành động nhân danh Chúa. Sách Sáng Thế mở rộng tầm nhìn: Không những nhà vua nhưng tất cả mọi người đều được coi là hình ảnh Thiên Chúa, hành động như đại diện Thiên Chúa [7]. Như thế, tự do, bình đẳng và phẩm giá được ban tặng cho con người vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi xúc phạm đến phẩm giá con người cũng là xúc phạm đến Đấng tối cao, Đấng sáng tạo nên con người, xúc phạm chính Thiên Chúa [8].
Mặt khác, tuyên bố của giới răn đầu tiên cũng đảm bảo quyền dành cho Thiên Chúa vị trí đầu tiên trong cuộc sống của con người, hiểu rộng ra đây chính là quyền tự do tôn giáo. Việc Thiên Chúa yêu cầu con người phải đặt Thiên Chúa lên trên tất cả các “vị thần” đương thời khác trong xã hội như của cải, danh vọng hay sự hưởng thụ những tiện nghi vật chất khác là để bảo vệ quyền tự do của con người để con người có thể sống với đức tin của mình như họ mong muốn. Lệnh truyền “Không có thần nào khác ngoài ta” chính là quyền tự do tôn giáo trong đó con người được tự do tôn thờ đấng mình tin như là duy nhất mà không chịu bất kỳ sự áp đặt nào để tôn thờ một vị thần khác.
Giáo hội Công giáo, qua Tuyên ngôn về tự do tôn giáo của Công Ðồng Vaticanô II nhìn nhận con người có quyền tự do tôn giáo: “Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng [9].
Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, Điều 18 cũng khẳng định:
“Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, ý thức và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới hình thức truyền bá, thực hành, thờ phụng hoặc lễ tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, công khai hay riêng tư.”
Giới răn thứ hai: Tôn trọng quyền tự do tôn giáo
“Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.”
Trong bối cảnh ngày nay, giới răn này khẳng định và bảo vệ quyền cơ bản của con người để trau dồi và duy trì một thái độ tôn kính đối với Thiên Chúa. Nói các khác, đó là sự tôn trọng những gì thánh thiện, thiêng liêng nơi các tôn giáo khác nhau, bất chấp sự khác biệt về mặt đức tin của mỗi người. Chẳng hạn, người Kitô hữu xác tín rằng Kitô giáo là tôn giáo duy nhất đem lại cho con người sự cứu chuộc trong máu Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên các Kitô hữu vẫn tôn trọng các tôn giáo khác, tôn trọng niềm tin và sự biểu lộ niềm tin của các tín đồ thuộc mọi tôn giáo. Công đồng Vatican II trong Tuyên ngôn Kitô giáo và các tôn giáo khác cũng nhấn mạnh:
“Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi c
ác tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân
thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại tia sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình."
(x. 2Cr 5,18-19).
Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hoá của các tín đồ thuộc các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo [10].
Đó cũng là điểm được nhắc đến trong Sắc lệnh về truyền giáo: Tất cả những gì là chân lý và ân sủng được tìm thấy nơi các dân tộc như sự hiện diện ẩn khuất của Thiên Chúa [...] bất cứ điều gì tốt đẹp đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy bỏ, nhưng được chữa lành, thăng tiến và hoàn thiện để Thiên Chúa được tôn vinh” [11].
Những điều trên cho thấy, mặc dù không có nghĩa là tôn giáo nào cũng như nhau, nhưng tôn giáo nào cũng cần được tôn trọng, và sự biểu hiện của niềm tin tôn giáo nơi mỗi tín đồ cũng cần được kính trọng như vậy. Vì mục đích của các tôn giáo chân chính đều nhắm mưu cầu điều tốt cho con người, tác động dẫn dắt con người đến chân thiện mỹ, giúp con người tìm ra ý nghĩa và mục đích sống của minh.
Giới răn thứ ba: Quyền tự do thực hành t
ôn giáo và quyền nghỉ ngơi, thư giãn
“Hãy nhớ ngày sa-bát thánh” là lệnh truyền đảm bảo quyền con người được dành thời gian để sống với đức tin của mình. Sách Sáng Thế cho thấy Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất trong sáu giai đoạn (được diễn tả thành 6 ngày) và ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi:
“Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh” (St 2, 2–3). Chính Đức Giêsu cũng đã dạy rằng ngày sa-bát được lập ra vì lợi ích của con người (Mc 2, 27).
Mục đích của ngày sa-bát là cho con người một ngày trong tuần để hướng đến Thiên Chúa một cách trọn vẹn nhất có thể. Bên cạnh đó, việc nghỉ ngày sa-bát còn chỉ ra một nguyên tắc cơ bản: Son người cần phải được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc vất vả để phục hồi sức khỏe, để sống tương quan với nhau trong hòa bình và yêu thương. Theo điều 24 Tuyên ngôn Nhân quyền thì mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và thư giãn. Cụ thể “Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương.”
Giới răn thứ tư: trách nhiệm với đấng s
inh thành
Hiếu thảo cha mẹ là điều rất quan trọng. Giới răn về bổn phận hiếu kính đối với đấng sinh thành chỉ đặt sau ba giới răn về việc thờ phượng Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô trong một lần nói chuyện đã nói:
Tôn kính cha mẹ là thừa nhận giá trị thực tại và tầm quan trọng của các ngài trong cuộc đời chúng ta với các cử chỉ cụ thể diễn tả sự tận tụy, tình yêu thương và săn sóc đối với các ngài. Việc thừa nhận này khiến cho con người sống lâu hạnh phúc. Cả khi không phải mọi cha mẹ đều tốt lành và mọi tuổi thơ đều thanh thản [12].
Trong Tân Ước, Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô cũng đã khuyên dạy các Kitô hữu phải sống cho đúng phép tắc gia phong và đúng luật Thiên Chúa đòi hỏi:
“Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa:Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này ” (Ep 6, 1-3).
Giới răn thứ tư chỉ ra quan điểm cơ bản đối với cuộc sống gia đình, vừa là một đòi buộc phải thực hiện vừa là lời mời gọi để con người nâng niu và bồi dưỡng.
Giới răn thứ năm: Quyền sống và quyền
tự vệ chính đáng
Lệnh truyền “không được giết người” của giới răn này khẳng định quyền sống cũng như quyền được chăm sóc và bảo vệ cuộc sống của mỗi cá nhân. Đây là quyền thiêng liêng và phải được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh.
Trong lịch sử cổ đại, tại Ấn Độ, có những tôn giáo dạy phải tôn trọng sự sống và lên án bạo lực. Nền văn minh Trung Hoa với tư tưởng của Nho giáo đề cao trách nhiệm công dân và lòng vị tha. Trên bờ Địa Trung Hải, những bộ luật nổi tiếng xuất hiện hướng đến thực thi công lý như bộ luật Hammurabi của Balylon. Tuy nhiên, thực tế khó có một bộ luật nào thể hiện được ở cùng một mức độ mà những nguyên tắc đạo đức thể hiện vị trí của con người trong thế giới lại mang tính nhân văn cao như được bày tỏ trong Kinh thánh.
Giới răn thứ năm khẳng định sự sống con người thật quý giá, thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Đây là một quà tặng của Thiên Chúa. Con người mang trong mình “hình ảnh” của Thiên Chúa và là đối tượng của tình yêu vô cùng xuất phát từ Thiên Chúa, dù cho họ sinh ra trong hoàn cảnh nào. Không ai có quyền trên sự sống của con người ngoại trừ Thiên Chúa. Không ai có quyền tước đoạt hay khinh thường sự sống của người khác hay của chính mình. Tôn trọng sự sống là khởi nguồn của mọi tôn trọng các quyền căn bản khác của con người.
Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu cũng nhắc lại điều răn này: “Chớ giết người” (Mt 5,21). Người còn cấm giận dữ oán ghét và báo thù. Đức Giêsu đòi hỏi môn đệ phải “đưa cả má bên kia” (Mt 5,22-39 ), “phải yêu kẻ thù” (Mt 5,44). Do đó, ý nghĩa việc “không được giết người” của giới răn thứ năm còn mở rộng hơn: Không phải chỉ khi tước đoạt sự sống của mình hay của ai đó mới là giết người; chính việc thờ ơ với sự sống, sỉ nhục khinh khi, không tin tưởng, gây tổn thương, không yêu thương, nói hành nói xấu người khác… cũng là những hành động “giết người”. Ngược lại, không giết người là chăm sóc, quan tâm, là nhìn nhận giá trị, tôn trọng phẩm giá và tha thứ lỗi lầm cho tha nhân. Nói cách khác, giới răn “chớ giết người” là lời mời gọi yêu thương [13].
Trên nguyên tắc này, Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định:
Sự sống của con người là điều linh thánh, vì từ ban đầu sự sống này nằm trong quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa và luôn liên kết với cứu cánh duy nhất của mình là chính Đấng Sáng Tạo. Từ khởi thủy cho đến cùng tận đời người, chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống : trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai được phép trực tiếp hủy hoại mạng sống người vô tội (GLHTCG, 2258).
Điều 3 của Tuyên ngôn Nhân quyền gắn kết quyền sống của con người với các khía cạnh có liên quan khác thành một quyền gọi là quyền sống, tự do và an ninh cá nhân:
“Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân.” Đến Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) đã cụ thể hóa quy định về quyền sống trong Điều 6 (Khoản 1) như sau: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện”. [14].
Dĩ nhiên, quyền tự vệ chính đáng của cá nhân hay tập thể không phải là ngoại lệ của luật cấm giết người vô tội, nghĩa là cấm cố sát. Do đó, có quyền bắt kẻ khác tôn trọng mạng sống mình. Nếu vì phải bảo vệ mạng sống mình mà giết kẻ tấn công thì không mắc tội sát nhân (x. GLHTCG, 2263).
Giới răn thứ sáu: Bảo vệ hôn nhân, gi
a đình
Giới răn “không được ngoại tình” này liên quan đến vấn đề hôn nhân, gia đình. Trước tiên, quan niệm khá cởi mở của Sách Sáng Thế (St 2,4b – 3) rất đáng chú ý trong bối cảnh văn hoá cổ đại với chế độ đa phu thê thời đó khi cho thấy cặp vợ chồng hoàn hảo là như thế nào. Đó là sự gắn bó lẫn nhau giữa một người nam và một người nữ. Người nam và người nữ đều bình đẳng như nhau: phụ nữ là “người đối diện” với nam giới và là “trợ tá” của anh ta (St 2,18). Những từ ngữ này diễn tả một cuộc đối thoại, một cuộc gặp gỡ trong tương quan bình đẳng giữa hai người. Việc người phụ nữ được rút ra từ “xương sườn” người nam chứng tỏ người nữ có cùng bản chất như nam giới. Sự bổ túc cho nhau và kết hợp sâu xa thành ngữ “một thân xác”. Điều này gợi lên việc đồng hiện hữu trong bình an do chính ý định của Thiên Chúa.
Trình thuật Sáng Thế chương 1 từ câu 1 – 2, 4a cũng gợi lên cùng một ý tưởng về hôn nhân như trong chương 2, nhưng nó còn nêu bật khả năng sinh sản của vợ chồng, theo đó, việc sinh sản con cái là phúc lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận rằng, cũng như nhiều xã hội vùng Cận đông thời cổ đại, có một thực tế cách biệt với lý tưởng mà Sách Sáng Thế trình bày. Chẳng hạn, trong Kinh Thánh có nhiều vị tổ phụ đa thê, ly dị, hay vai trò của người phụ nữ bị xem nhẹ. Trong hôn nhân, vị trí hàng đầu là sinh sản con cái, thứ hai là thoả mãn sinh lý và thứ ba mới đến tình cảm yêu thương. Hôn nhân trước hết là một thực thể của bộ tộc mang chức năng xã hội. Nhưng không ai có thể chối bỏ một bước tiến rõ rệt của Do Thái giáo so với thế giới dị giáo chung quanh, đó là nhiều hành vi phản tự nhiên đã bị luật pháp Israel lên án và cấm đoán như: Loạn luân (St 19,31-38), những quy tắc về ô uế, đồng tính luyến ái, thiêu sinh trẻ em, giao cấu với súc vật, ngoại tình [15].
Trong thế giới ngày nay, giới răn cấm ngoại tình bảo vệ sự chung thủy của hôn nhân và nghĩa vụ tình dục có trách nhiệm, đồng thời có thể mở rộng ra là cấm bất kỳ sự lạm dụng tình dục nào.
Trong Tuyên ngôn Nhân quyền, quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân đầu tiên được đề cập trong Điều 16. Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân thực chất bao gồm một số quyền có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những quyền này có quan hệ mật thiết với quyền được hỗ trợ để bảo vệ gia đình, quyền của các bà mẹ và trẻ em được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt (được ghi nhận trong Điều 10 của (ICESCR) [16], cũng như với quyền bình đẳng của phụ nữ và quyền trẻ em được nêu ở một số điều khác của Công ước các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
Giới răn thứ bảy: Bảo vệ quyền sở hữ
u
Giới răn thứ bảy nêu lên sự tôn trọng đối với tài sản của người khác. “Ngươi không được trộm cắp” chính là sự khẳng định quyền sở hữu của con người. Con người có quyền sở hữu những gì mình làm ra một cách chính đáng để duy trì và phát triển sự sống, bao gồm tài sản vật chất và văn hóa, tinh thần. Điều này cũng có nghĩa là, con người có quyền được nhận những gì tương xứng do công sức lao động của mình.
Giáo hội Công giáo từ lâu luôn bênh vực quyền tư hữu như là một quyền lợi tự nhiên của con người và không ai có thể tước đoạt. Lao động chính là nguồn gốc của tư hữu, nhờ đó mà mỗi người có phương tiện bảo đảm cho tương lai của bản thân cũng như của gia đình mình. Tuy nhiên, Giáo hội cũng lưu ý, tư hữu không phải là cái gì cứng nhắc gắn liền với nhân phẩm, nhưng cần phải được lồng trong mục tiêu phổ quát của các tài sản được dành cho toàn thể nhân loại [17]. Hiến chế Vui mừng và hy vọng số 69 phát biểu như sau:
Thiên Chúa đã dành trái đất và tất
cả các tài nguyên của nó ch
o hết mọi người và mọi dân sử dụng
. Vì thế, các tài nguyên Chúa tạo dựng cần phải đến tay mọi người dưới sự hướng dẫn của công bằng và sự tháp tùng của bác ái. Dù các hình thức tư hữu có thế nào đi chăng nữa tuỳ theo sự thích ứng của những thể chế hợp pháp của các dân tộc vào những hoàn cảnh thay đổi, nhưng không bao giờ được làm mất đi việc dành các tài sản cho hết mọi người.
Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 177 cũng khẳng định:
Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm: “Ngược lại, truyền thống ấy luôn luôn hiểu quyền này trong khuôn khổ rộng lớn hơn là quyền của hết mọi người được sử dụng tài nguyên của toàn vũ trụ: quyền tư hữu phải lệ thuộc quyền sử dụng chung, lệ thuộc thực tế sau đây: của cải là nhằm phục vụ hết mọi người”. Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải là một cách khẳng định chủ quyền vĩnh viễn và trọn vẹn của Thiên Chúa trên mọi thực tại và yêu cầu phải luôn đặt của cải phục vụ sự phát triển toàn diện con người và toàn thể nhân loại. Nguyên tắc này không đi ngược quyền tư hữu nhưng chỉ cho chúng ta biết bổn phận phải điều hoà quyền ấy. Thật vậy, bất luận thi hành việc điều hoà và áp dụng các chuẩn mực pháp lý liên quan đến tư hữu dưới hình thức cụ thể nào, thì tư hữu tự nó vẫn chỉ là một công cụ giúp chúng ta tôn trọng nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải; bởi đó, phân tích tới cùng, tư hữu không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện.
Mở rộng giới răn thứ bảy này, ở mức độ vĩ mô, không quốc gia nào có thể “ăn cắp” từ các quốc gia khác thông qua việc khai thác tài nguyên hay dưới vỏ bọc đầu tư ở bất cứ hình thức nào. Các quốc gia công nghiệp phát triển không được phép khai thác các quốc gia kém phát triển một cách bất công. Đặc biệt, việc chi tiêu số tiền lớn tiền cho vũ khí của một số quốc gia trong khi nghèo đói và đau khổ vì bệnh tật, chiến tranh vẫn bủa vậy con người đều là tội ác. Vì thế các chính phủ cần có thiện chí để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình. Họ phải tìm kiếm lợi ích chung cho mọi dân tộc và giảm bớt mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân, chạy đua vũ trang, nạn đói nghèo cũng như giải phóng tất cả những người bị áp bức về chính trị và tinh thần.
Giới răn thứ tám: bảo vệ danh dự,
nhân phẩm
Lệnh truyền “Ngươi không được làm chứng dối” nghĩa là mọi người đều có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình khỏi những lời vu khống và bôi nhọ. “Không được làm chứng dối chống” cũng cho thấy hậu quả nghiêm trọng của sự gian dối và vu khống. Do đó, giới răn thứ tám khẳng định nghĩa vụ phải trung thực của tất cả mọi người. Đặc biệt đối với các chính phủ chuyên chế, độc tài, họ không được phép trở thành những kẻ “nói dối có hệ thống” nhằm mục đích kiểm soát và thao túng công dân của mình. Đáng trách không kém là hành vi của những người kiểm duyệt, bóp méo sự thật lịch sử, thông tin nhằm mục đích định hướng, dẫn dắt dư luận. Như vậy, giới răn thứ tám bảo vệ những gì cần thiết cho sự tự do, bảo vệ cho quyền được nói sự thật, nghe sự thật và rộng hơn đó chính là quyền tự do ngôn luận.
Giới răn thứ chín: Bảo vệ hôn nh
ân và gia đình
“Người không được thèm muốn vợ người ta” đảm bảo nền tảng gia đình của bất cứ một người nào đều phải được tôn trọng và được bảo vệ. Đừng thèm muốn vợ hay chồng của người khác không chỉ đơn giản là ham muốn nhục dục về mặt thể xác, nhưng sự thèm muốn làm suy yếu tinh thần kẻ thèm muốn và gia tăng sự bất ổn nơi tâm hồn của con người. Điều đó khiến người ta có thể sa vào những việc làm sai trái mà họ không được phép làm vì xâm phạm đến quyền sống và quyền được mưu cầu hạnh phúc của người khác.
Xã hội ngày nay khuyến khích mọi người tự do thỏa mãn đam mê, nhưng không có nghĩa con người có thể làm bất cứ điều gì mà không quan tâm đến việc điều đó có xâm phạm các quyền của người khác hay không. Sự thỏa mãn đam mê bằng bất cứ giá nào không phải là con đường dẫn người ta đến hạnh phúc đích thực, nhưng đúng hơn, nó dẫn đến sự đổ vỡ, xa cách và gây đau đớn trong tâm hồn con người, thậm chí là sự tuyệt vọng không lối thoát đối với một số người.
Giới răn thứ mười: Không thèm m
uốn tài sản của người khác
Giới răn này nhắc lại nguy cơ rơi vào sự rạn nứt đau đớn trong các mối quan hệ giữa con người với nhau. Giới răn này yêu cầu chúng ta ý thức những gì thuộc về mình và tìm kiếm những gì mang lại hạnh phúc cho mình bằng sự đúng đắn cần thiết.
“Chớ tham của người”, có nghĩa là đừng ham muốn những gì không thuộc về mình. Theo Kinh Thánh, của cải vật chất do con người làm ra là để hoàn thiện thế giới và làm chứng cho sự tốt lành của Thiên Chúa, nhưng sự lệ thuộc vào nó một cách quá đáng sẽ dẫn đến lầm lạc. Vì thế giới răn thứ mười cấm ham muốn, ước ao chiếm hữu thái quá của cải thế trần và thế lực có được do của cải đem lại. Giới răn thứ mười được tách ra, bổ túc điều răn thứ chín và nhắm vào ý hướng trong lòng của mỗi người.
Kết luận
Việc thực hiện Thập giới cho thấy rõ mối liên hệ giữa các quyền và nghĩa vụ của con người trong việc tổ chức đời sống xã hội theo nguyên tắc các quyền cơ bản của con người. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đời sống của con người mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu xã hội. Tư tưởng về quyền con người của Thập giới, một cách nào đó, đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành nên những nguyên tắc nền tảng của luật nhân quyền hôm nay. Tương tự như thế, tư tưởng Nho giáo dựa trên những lời dạy của Khổng Tử, chủ trương xây dựng một xã hội trật tự ổn định, nơi các cá nhân trong xã hội phụ thuộc vào nhau và được khuyến khích thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả mọi người. Cá nhân được yêu cầu có một mức độ đạo đức cần thiết trong gia đình và đồng thời có nghĩa vụ đóng góp cho một xã hội hài hòa, trật tự. Hay trong Hồi giáo, nơi mọi người có nghĩa vụ thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương lẫn nhau. Giáo lý Phật giáo cũng đề cao giá trị của lòng từ bi như một phương thế có thể chấm dứt đau khổ, trong đó chú trọng đến quyền bình đẳng của con người. Các bộ luật như Hammurabi của Babylon, Manu của Ấn Độ giáo… phác thảo các tiêu chuẩn ứng xử cho xã hội của họ cũng đã nêu ra một số quy tắc được hiểu là sự thừa nhận về quyền con người trong một bối cảnh lịch sử cụ thể. Đó cũng chính là “những viên gạch” đầu tiên về nhân quyền.
Dân Israel (và cả các Kitô hữu hôm nay) tin rằng Thập giới không chỉ là những nguyên tắc được tách rời trong bối cảnh lịch sử cụ thể của Do Thái giáo, nhưng đó là những nguyên tắc phổ quát được Thiên Chúa thiết lập liên quan đến toàn thể nhân loại [18]. Trong Tuyên bố Princeton năm 1979 của Hội nghị Thế giới về Tôn giáo và Hòa bình, các đại biểu đều đi đến thống nhất rằng: Tùy thuộc tôn giáo của mình, mỗi người có thể khác nhau về đối tượng của niềm tin và sự thờ phượng. Tuy nhiên, trong cách thức con người thực hành đức tin của mình, tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng Thiên Chúa hoặc Sự Thật mà chúng ta tin tưởng vượt qua quyền lực và sự chia rẽ của thế giới này... Tất cả chúng ta đều phải xác tín rằng, đức tin mỗi người sẽ dẫn lối cho họ tìm được công lý, tự do và bình đẳng giữa thế giới này. trong hành trình tìm kiếm đó, lương tâm mỗi người sẽ tự hướng dẫn họ đến con đường Chân lý chung [19].
Với việc thừa nhận Tuyên ngôn Nhân quyền, người ta không phân biệt có nhân quyền phương Đông và phương Tây, mà chỉ có nhân quyền toàn cầu được Liên hiệp quốc tuyên bố vào năm 1948 và được tất cả các thành viên của tổ chức này chấp nhận và thông qua [20]. Bản chất thực sự về quyền con người được thể hiện trong Tuyên ngôn chung ưu tiên công nhận và bảo vệ các quyền cơ bản của con người mang đậm dấu ấn của Thập giới là điều khó có thể phủ nhận.
Chú thích:
[1] Xt. Đỗ Minh: Mạc khải thiêng liêng về nhân quyền trong sách Sáng thế. http://ubclhb.com/tin-tuc/mac-khai-thieng-lieng-ve-nhan-quyen-trong-sach-sang-the-22820.html
[2] Bản Thập giới đầu tiên trong Sách Xuất Hành, Chương 20, câu 1-17. Bản sau trong Sách Đệ Nhị Luật, Chương 5, câu 6-22. Bản đầu khác bản sau ở hai điểm: nhấn mạnh ý nghĩa tôn giáo cho việc giữ ngày Sabát hơn là theo nghĩa nhân đạo; và trong khi lên án lòng tham, bản của sách Xuất hành xếp người vợ vào cùng loại với những tài sản được sở hữu của người đàn ông chứ không xếp riêng ra.
[3] Nguyễn Thế Thuấn (toàn tập): Giải thích Kinh Thánh, quyển thượng, Nxb. Đồng Nai, 2019, tr135-146; Ngũ Thư, bản dịch để học hỏi, NCGKPV, Nxb. Tôn giáo, 2010, phần Dẫn nhập sách xuất hành.
[4] Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.: Ơn Linh Hứng Kinh Thánh, https://catechesis.net/on-linh-hung-kinh-thanh/
[5] Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng:
Bản hướng dẫn việc giải thích Kinh thánh trong Hội thánh,
bản dịch của Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.; Xt. Ronald D. Witherup. S.S: Tiếp cận thánh kinh theo chủ nghĩa cơ yêu, bản dịch của Lm. Lê Công Đức, Nxb. Tôn giáo, 2009.
[6] Trong sách Đệ Nhị Luật được lặp lại ở chương 5, 6-22.
[7] Lm. Phan Tấn Thành OP: Thuật ngữ: “Con người là hình ảnh Thiên Chúa”. http://conggiao.info/thuat-ngu-con-nguoi-la-hinh-anh-thien-chua-d-25492
[8] ĐGH Gioan Phaolô II: Người tín hữu giáo dân, 37.
[9] Công đồng Vatican II: Dignitatis Humanae– Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, số 2.
[10] Công đồng Vatican II: Nostra Atate – Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, 2.
[11] Công đồng Vatican II: Ad Gentes – Sắc lệnh về truyền giáo, 9.
[12] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-09/ton-kinh-cha-me-thua-nha-tam-quan-trong-cua-cac-ngai.html
[13] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-10/muoi-dieu-ran-cho-giet-nguoi-khong-yeu-la-buoc-dau-giet-nguoi.html
[14] Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị- International Convenant on Civil and Political Rights. (Công ước quốc tế do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966. Có hiệu lực ngày 23/3/1976).
[15] Tình yêu và hôn nhân trong Thánh kinh, Thời sự Thần học – số 32, tháng 6/2003, tr. 7-26.
[16] Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, viết tắt: ICESCR) là một công ước quốc tế được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966, có hiệu lực từ ngày 03 tháng 01 năm 1976.
[17] X. Popularum Progressio – Phát triển các Dân tộc, 22; Rerum Novarum – Tân sự, 3-5, 14; Quadregesima Anno – Năm thứ bốn mươi, 44-56, Mater et Magistra – Mẹ và Thầy, 109.
[18] Jan Muis:Human rights and divine justice, HST Theological Studies, vol.70 n.1 Pretoria Jan. 2014.
[19] “The Princeton Declaration” , 3rd assembly of the World Conference on Religion and Peace, Church and Society 71 (November/December 1980-January/February 1981): 37-39. (https://religionhumanrights.com/)
[20] Robert Traer: Religion and Human Rights- The Universal Declaration of Human Rights. (https://religionhumanrights.com/law/the-universal-declaration.html)