“BẢN CÁO TRẠNG MÁT-THÊU CHƯƠNG 25, TỪ CÂU 41 ĐẾN CÂU 43— PHIÊN BẢN CHO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA”
F.x Nguyễn Văn Nhứt, OP.
Ở Thiên Niên Kỷ Thứ Nhứt, Thánh Mát-thêu viết Chương 25, từ câu 41 đến câu 43 của Quyển Tin Mừng Thứ Nhứt như một bản cáo trạng dành cho những kẻ đã đối xử tệ bạc với Chúa Ki-tô khi họ không tận tình thương yêu cứu giúp người đồng loại lâm cảnh nghèo khổ, bịnh tật và nạn nhân của bất công, áp bức.
“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”.
Vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba nầy, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ghi thêm vào bản cáo trạng nói trên một tội danh nữa.
“Vì xưa Ta từng là nạn nhân bị trộm cướp trấn lột, vất bỏ bên vệ đường, dở sống dở chết, vậy mà các ngươi đã đành đoạn quay lưng bỏ mặc” (Xc “Tứ Hải Giai Huynh Đệ” (“Fratelli Tutti”) chương II, các số 56 đến 86.
Tạm gọi phần trích dẫn bên trên là:
“Bản Cáo Trạng Mát-thêu Chương 25, từ câu 41 đến 43—Phiên Bản Cho Thiên Niên Kỷ Thứ Ba”
Phi bác lập luận của bị cáo cho rằng họ chẳng có mối tương quan nào với nạn nhân, nguyên cáo quả quyết họ thật sự là anh em ruột thịt.
“Ngay sau công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Sách Sáng Thế Chương 4 câu 9 kể chuyện Ông Ca-in giết chết em mình là Ông A-ben. Khi Thiên Chúa tra vấn: “Em con đâu?” Ông trả lời theo cái giọng của hầu hết mọi người chúng ta: “Con có phải là kẻ chăm sóc em con đâu?” Câu chất vấn của Thiên Chúa không cho phép chúng ta vin cớ số phận hay hoàn cảnh để biện minh cho thái độ dửng dưng vô cảm, trái lại, Người khích lệ chúng ta chung tay xây dựng một cung cách ứng xử khác hẳn, để cùng nhau giải quyết mọi khó khăn và cùng chăm sóc lẫn nhau.” (Tứ Hải Giai Huynh Đệ số 57).
“Em con đâu?” tiếp tục tra vấn chúng ta, không chỉ để cáo buộc chúng ta vì một lỗi lầm đã vi phạm, mà quan trọng hơn, buộc chúng ta phải tỉnh ngộ và nhìn nhận sự thật là chúng ta có tương quan ruột thịt với nhau. Mối tương quan huynh đệ đó cao quý và linh thánh vì được Thiên Chúa khởi xướng: chính Thiên Chúa xác lập thực tại của tình huynh đệ giữa hai anh em Ca-in và A-ben, thực tại ấy mang tính chất trường tồn, không thể dễ dàng bị tiêu huỷ tuỳ tiện do quyết định chủ quan, theo cảm tính nông nổi “thích” hay “không thích”. Từ chối trách nhiệm thương yêu, chăm sóc lẫn nhau không thể mặc nhiên phủ nhận tình nghĩa anh em mà chỉ tự hạ thấp phẩm giá của mình xuống hàng các loài vô tri vô giác, vô tâm vô cảm. Trái lại, một tương quan tốt đẹp như vậy phải được mở rộng hơn, vượt khỏi cái khuôn “anh em ruột thịt.” Người xưa đã sớm nhận ra mối tương quan “đồng bào” giữa những con người cùng được chung hưởng phước lành “chung một bọc con,” do Đấng Tạo Hoá ban cho, vì chính bàn tay của Người đã khuôn đúc họ trong dạ mẹ. Người Việt Nam có truyền thuyết “Mẹ Âu Cơ Một Bọc Trăm Trứng”.
Tuy nhiên, Mạc khải Thánh Kinh mở ra một chân trời mới cho mối tương quan nghĩa tình: tương quan có nguồn cội từ chính Đấng Tạo Hoá, Đấng Sáng Tạo muôn loài muôn vật mang dấu ấn Tình Thương của Người. Thiên Chúa Tinh Thương ban phát ơn phước như mưa rào thác chảy xuống muôn loài muôn vật, nhứt là loài người, được sáng tạo giống hình ảnh của Người, tất cả được liên kết thành một “mạng lưới chặt chẽ như tấm áo không có đường khâu của Chúa Giê-su, để trong mạng lưới ấy Tình Thương của Người luôn vận hành sống động, nồng ấm như dòng máu hồng lưu thông trong huyết quản của một cơ thể con người.
Giáo Huấn Cựu Ước về tình nghĩa giữa con người với nhau mở rộng thêm đến biên cương “đồng loại.”
“Sách Ông Gióp ghi nhận: Đấng tạo nên hình hài tôi trong lòng mẹ cũng chính là Đấng đã tạo ra hình hài tất cả moi người đồng loại của tôi” (Tứ Hải Giai Huynh Đệ” số 57).
Vào thế kỷ thừ nhứt trước Chúa Ki-tô, sách Huấn Ca chương 18, câu 13 kêu gọi mọi người học theo gương Thiên Chúa, Đấng thương yêu tất cả các sinh vật Người đã tạo thành.
Thánh Phan-xi-c ô Át-xi-xi cảm nhận được mối tương quan vũ trụ giữa các thụ tạo và coi muôn loài muôn vật như những anh chị em của mình.
Một thân một mình, được Thiên Chúa uỷ thác toàn quyền trồng cấy và bảo vệ Vườn Vũ Trụ Ê-đen bát ngát, với hằng hà sa số muôn loài muôn vật, kỳ hoa dị thảo thiên hình vạn trạng, chẳng phải là tham vọng vô đáy vô thiên mang tính phổ cập— của mọi con người, mọi địa điểm và mọi thời đại hay sao? Vậy mà Ông Tổ A-đam vẫn ôm nỗi sầu cô độc vì thiếu vắng “một người đồng loại.” Chỉ đến khi Thiên Chúa ban cho ông Bà E-và, ông mừng rỡ chào đón bà với tất cả trái tim và khối óc—tình yêu nồng nàn và lý luận minh mẫn: đây là đồng loại, là cốt nhục của tôi”, như được ghi khắc trong Sách Thế Chương 2 từ câu 20 đến 23.
Nhưng chính Sứ Điệp Tin Mừng của Chúa Ki-tô đã thực sự xoá bỏ mọi biên cương địa lý, chủng tộc, văn hoá khi truyền cho các tín hữu của Người phải giữ “luật Bác Ái”, nghĩa là “Tình Yêu Không Biên Giới” như “Giới Luật Mới”, được ghi lại trong Tin Mừng Theo Thánh Gio-an, Chương 13, câu 34: “Chúng con phài yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”.
Các tác giả Tân Ước đồng lòng ủng hộ giáo huấn của Chúa Ki-tô:
- Thư Ga-lát, Chương 5, câu 14: “Toàn thể Lề Luật được tóm kết lại trong một điều luật duy nhứt: ‘Con hãy yêu thương người thân cận như yêu chính mình”.
- Thư Ga-lát, Chương 3, từ câu 27 đến câu 28: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Chúa Ki-tô, đều mặc lấy Chúa Ki-tô. Không chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Ki-tô.”
- Thư Thứ Nhứt của Thánh Gio-an, Chương 2, từ câu 10 đến câu 11: “Ai yêu thương anh chị em thì sống trong ánh sáng, và nơi một người như vậy không có gì khiến người ấy bị vấp ngã. Nhưng hễ ai thù ghét một tín hữu khác thì đang sống trong bóng tối.”
- Thư Thứ Nhứt của Thánh Gio-an, Chương 3 câu 14: “Chúng ta biết mình đã vượt qua cõi chết và bước vào đất sống bởi vì chúng ta yêu thương nhau. Ai không yêu thương thì còn đang sống trong cõi chết”.
- Thư Thứ Nhứt của Thánh Gio-an, Chương 4 câu 20: “Ai không yêu thương người anh chị em mình vẫn luôn nhìn thấy thì không thể yêu thương Thiên Chúa là Đấng mình chưa hề được diện kiến bao giờ.”
“Tuy vậy, lời kêu gọi thương yêu nầy có thể bị ngộ nhận. Thánh Phao-lô thấy được các Ki-tô hữu thế hệ đầu tiên sa vào cơn cám dỗ câu kết lại với nhau thành những phe nhóm khép kín, cô lập, nên trong Thư Thứ Nhứt Tê-xa-lô-ni-ca, Chương 3 câu 12, đã thúc giục họ phải thực thi một “tình tương thân tương ái mở rộng cho hết mọi người”. Giữa công đoàn của Thánh Gio-an, theo Thư Thứ Ba, câu 5, “mọi Ki-tô hữu đều phải được chào đón cho dù họ còn xa lạ đối với anh chị em”. Trong bối cảnh nầy, chúng ta hiểu rõ hơn tầm quan trọng của dụ ngôn Người Sa-ma-ri Nhân Hậu: tình yêu không bận tâm điều tra lý lịch người anh chị em đang cần được giúp đỡ. Bởi lẽ “tình yêu có sức mạnh giựt đứt xích xiềng từng chia rẽ và cô lập chúng ta và giúp chúng ta xây lên những nhịp cầu nối kết với nhau. Tình yêu giúp chúng ta cùng nhau xây dựng một gia đình lớn cho mọi người ai cũng có thể vào đó sinh sống và đều cảm thấy dễ chịu, thân tình…Tình yêu toát ra hương thơm của lòng trắc ẩn và thái độ tôn trọng phẩm giá” (Tứ Hải Giai Huynh Đệ” số 62).
Dụ Ngôn Người Sa-ma-ri Nhân Hậu theo Tin Mừng Thánh Lu-ca Chương 10 từ câu 30 đến 35: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người nầy, ông tránh qua bên kia đường mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy đầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và bang bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người nầy, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”
Phân Vai Diễn Dụ Ngôn
Có 3 vai diễn: bọn trộm cướp, những người qua đường và người bị thương tích.
Bọn trộm cướp:
“Dụ ngôn mở màn với vai bọn cướp. Chúa Giê-su cho kéo màn lên sau khi vụ trấn lột đã xảy ra để tránh cho chúng ta khỏi vướng bận với việc đối đầu với chính tội ác hoặc với bọn trôm cướp. Nhưng chúng ta đều biết rõ bọn nầy. Chúng ta từng chứng kiến chúng tràn xuống trên địa cầu chúng ta dưới bóng đen của vô tâm và bạo hành để phục vụ lợi ích nhỏ nhen, tranh giành quyền lực, và gây chia rẽ. Câu chất vấn thẳng thừng là: liệu chúng ta có bỏ mặc nạn nhân để lo trốn tránh bạo lực hay là sẽ truy đuổi bọn trộm cướp?” (Tứ Hải Giai Huynh Đệ, số 72).
“Bọn trộm cướp thường tìm được đồng bọn ẩn núp trong những kẻ “cứ ngó lơ mà rảo bước qua.” Đây quả là trò tung hứng giữa những kẻ thao túng và lừa đảo cả xã hội, những kẻ tự xưng là vô can, là tiếng nói phản biện không thiên vị, nhưng lại sống bám vào những bả lợi lộc của cái hệ thống đó. Thật đáng đáng buồn trước một thái độ giả hình: tình trạng miễn tố của tội ác, hành vi lạm dụng các cơ chế để thâu tóm lợi ích cá cho nhân hay phe nhóm và đủ loại ác tà khác, vốn đã gần như bất khả triệt căn, lại còn được chống lưng bằng trò chỉ trích dai dẳng, không chừa bất cứ thứ gì, liên tục gieo rắc nghi ngờ, dẫn đến bất tín nhiệm và hoảng loạn. Lời than trách “mọi thứ hư hỏng hết rồi” được phụ hoạ “thôi vô phương cứu vãn,” hoặc “còn làm gì được nữa?” Thái độ nầy tiếp tay cho tâm trạng chán chường, thất vọng và khó lòng mà khuyến khích được một tinh thần liên đới, quảng đại. Dìm người ta vào hố tuyệt vọng là cách khôn khéo để khoá chặt chiếc vòng oan nghiệt: đó chính là mưu đồ của thứ độc tài giấu mặt, họ chiếm giữ các lợi ích ngầm và thống lãnh cả các nguồn tham khảo lẫn khả năng suy nghĩ hay diễn đạt ý tưởng.” (Tứ Hải Giai Huynh Đệ số 75).
Những Người Qua Đường:
“Chúa Giê-su kể câu truyện có người kia bị bọn trộm tấn công và bỏ mặc bên vệ đường, thân mình mang đầy thương tích. Nhiều kẻ đi ngang qua chỗ người ấy nằm nhưng chẳng ai màng dừng lại. Họ là những người giữ các dịa vị quan trọng trong xã hội, nhưng thiếu quan tâm đến công thiện. Không ai thèm thí cho một vài phút để chăm sóc người bị thương hoặc gọi ai đó đến cứu giúp. Chỉ có một người dừng lại, bước đến bên nạn nhân và đích thân chăm sóc anh ấy. thậm chí còn bỏ tiền túi ra trang trải mọi nhu cầu của anh ấy. Ông cũng cho anh ấy luôn một thứ mà mọi người chúng ta đều hết sức tiện tặn trong cái thế giới bận rộn hiện nay: ông cho người ấy thời giờ của mình. Chắc chắn ngày hôm ấy ông hẳn đã có các kế hoạch, các nhu cầu riêng, các cuộc họp hành, các buổi hẹn hò, các thú vui của ông. Vậy mà ông bỏ tất cả qua một bên khi đối diện với một ai đó đang cần cứu giúp. Ông thậm chí chẳng quen biết gì người bị thương mà chỉ cần xem người ấy như một con người đáng được mình dành cho thời giờ và tận tâm chăm sóc.” (Tứ Hải Giai Huynh Đệ số 63).
“Thái độ vừa vô cảm vừa bị căng thẳng đẩy họ bước qua phía bên kia đường—bất kể là ngay tình hay cố ý, do khinh miệt hay chỉ do đãng trí—biến vị tư tế và thầy Lê-vi thành phản ành đáng buồn của cái vũng sâu đang mở rộng giữa chúng ta với thế giới chung quanh. Có nhiều lối để rảo bước qua mà vẫn giữ được khoảng cách an toàn: chúng ta có thể thu mình vào bên trong, mặc kệ kẻ khác, hay làm ngơ không quan tâm đến những nỗi thống khổ của họ, hay chỉ cần quay mặt nhìn ra chỗ khác, như tập tục ở một vài xứ sở nào đó, hay nơi một số giai cấp của họ, vì ở đó, người ta quay mặt đi để tỏ thái độ khinh miệt người nghèo và nếp sống của họ. Họ hành xử dường như thể một kế hoạch phát triển áp đặt từ ngoài có thể tống khứ hết người nghèo đi. Đó là cách một số người biện minh cho thái độ vô cảm của họ: đơn giản bởi vì đám người nghèo với tiếng kêu cứu xé lòng xé ruột kia đâu có hiện hữu. Người nghèo bị lọt ra ngoài tầm ngắm lợi ích của họ”. (Tứ Hải Giai Huynh Đệ số 73).
“Thêm một chi tiết xuất hiện từ đám đông những kẻ qua đường: họ là những người mộ đạo, sùng kính Thiên Chúa: một thầy tư tế và một thầy Lê-vi. Không nên coi nhẹ chi tiết nầy. Người ta thấy tin Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa chưa đủ nền tảng để đoan chắc là chúng ta đang thực sự sống một cuộc đời thuận theo Ý Thiên Chúa. Một tín hữu có thể không sống trung thực với tất cả những gì đức tin của mình đòi buộc vậy mà vẫn cứ nghĩ là mình được thân tình với Thiên Chúa và tốt lành hơn người khác. Hơn nữa, bảo chứng cho một cuộc đời luôn rộng mở đón rước Thiên Chúa đó là biết thực hành những gì mình tin tưởng, sao cho cõi lòng lúc nào cũng cởi mở đón nhận anh chị em. Thánh Gio-an Kim Khẩu diễn đạt điều nầy thật chính xác với lời thách đố các thính giả Ki-tô hữu: “Anh chị em có muốn tôn kính thân thể Cứu Chúa chúng ta không? Vậy xin đừng khinh dể thân thể ấy khi thấy bị trần truồng. Đừng chỉ lo dùng lụa là mà tôn vinh thân thể ấy bên trong thánh đường, còn bên ngoài thánh đường lại để mặc thân thể ấy không một manh áo che thân và lạnh cóng. Thật là nghịch lý khi những người thú nhận mình không phải là tín hữu lại thực thi Thánh Ý Thiên Chúa tốt hơn các tín hữu”. (Tứ Hải Giai Huynh Đệ số 74).
Người Bị Thương Tích:
“Cuối cùng, chúng ta nhìn đến người bị thương tích. Nhiều lần chúng ta cảm thấy mình giống như người ấy, bị trọng thương và bị bỏ rơi bên vệ đường. Chúng ta cũng cảm thấy mình tuyệt vọng vì các cơ chế chúng ta bị bỏ phế và thiếu thốn nguồn lực, hoặc đơn giản chỉ để phục vụ lợi ích của một thiểu số, cả trong lẫn ngoài. Quả tình, một xã hội toàn cầu hoá thường có cách chuyển dịch tầm nhìn thật lịch lãm. Vin cớ kiên định chính kiến hoặc theo sát thời thế, chúng ta đứng nhìn những người đang đau khổ mà không đụng chạm tới họ. Chúng trực tiếp truyền hình họ, thậm chí dùng toàn mỹ từ và làm ra vẻ bao dung khi nói về họ”. (Tứ Hải Giai Huynh Đệ số 76).
Tham Khảo:
- Thánh Kinh bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng V ụ, Ấn Bản 1998
- Thông Điệp Fratelli Tutti, Bản Anh Ngữ của Vatican