Bình an của Lễ Phục Sinh - Bài Giáo Lý Hàng Tuần của ĐTC. Phanxicô
Trong diễn từ bằng tiếng Ý, vào trước Tam nhật Phục sinh, Đức Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề: “Bình an của Lễ Phục sinh” (Bài đọc Kinh thánh: Ga 14:27). Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh.
Trong diễn từ bằng tiếng Ý, vào trước Tam nhật Phục sinh, Đức Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề: “Bình an của Lễ Phục sinh” (Bài đọc Kinh thánh: Ga 14:27). Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Chúng ta đang ở giữa Tuần Thánh, kéo dài từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Chúa Nhật Phục Sinh. Cả hai Chúa nhật này đều được đặc trưng bởi ngày lễ diễn ra xung quanh Chúa Giêsu. Nhưng chúng là hai lễ khác nhau.
Chúa nhật tuần trước, chúng ta thấy Chúa Kitô long trọng tiến vào Giêrusalem, như để dự một ngày lễ, được chào đón như Đấng Mêsia: áo choàng (x. Lc 19,36) và cành lá chặt từ cây cối (x. Mt 21: 8) được trải trước mặt Người trên mặt đất. Đám đông vui mừng lớn tiếng chúc tụng "Đức Vua đang ngự đến", và tung hô "Hòa bình trên trời và vinh quang ở nơi cao nhất!" (Lc 19: 38). Những người ở đó mừng vui vì họ coi việc Chúa Giêsu vào thành như việc xuất hiện của một vị vua mới, người sẽ mang lại hòa bình và vinh quang. Đó là nền hòa bình mà mọi người đang chờ đợi: một nền hòa bình huy hoàng, thành quả của sự can thiệp của vương đế, của một đấng cứu thế đầy quyền năng, người sẽ giải phóng Giêrusalem khỏi sự chiếm đóng của La Mã. Những người khác có lẽ mơ ước về việc tái lập một nền hòa bình xã hội và coi Chúa Giêsu như vị vua lý tưởng, người sẽ cho đám đông ăn bánh mì như Người đã làm, và sẽ làm những phép lạ vĩ đại, nhờ đó mang lại nhiều công lý hơn cho thế giới.
Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói về điều đó. Người có một Lễ Vượt Qua khác ở phía trước Người, không phải là một Lễ Vượt Qua khải hoàn. Điều duy nhất mà Người quan tâm khi chuẩn bị vào thành Giêrusalem là cưỡi “một con ngựa con bị trói, trên đó chưa có ai cưỡi” (câu 30). Đây là cách Chúa Kitô mang lại hòa bình cho thế giới: qua sự hiền lành và dịu dàng, được tượng trưng bằng con ngựa con bị cột dây mà chưa ai từng cưỡi trên đó. Không ai cả, vì cách làm việc của Thiên Chúa khác với cách làm việc của thế gian. Thật vậy, ngay trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con; bình an của Thầy, Thầy ban cho các con; Thầy ban cho các con không như thế gian ban”(Ga 14:27). Đó là hai phương thức khác nhau: cách thế giới mang lại hòa bình cho chúng ta và cách Thiên Chúa ban cho chúng ta hòa bình. Chúng khác nhau.
Hòa bình mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta vào ngày Lễ Phục sinh không phải là nền hòa bình theo các chiến lược của thế gian, một chiến lược vốn tin rằng nó có thể có được bằng vũ lực, bằng cách chinh phục và bằng nhiều hình thức áp đặt. Trên thực tế, hòa bình này chỉ là khoảng thời gian giữa các cuộc chiến tranh: tất cả chúng ta đều nhận thức rõ điều này. Sự bình an của Chúa theo đường lối hiền lành và thập giá: đó là gánh vác trách nhiệm cho người khác. Thật vậy, Chúa Kitô đã tự nhận lấy sự xấu xa, tội lỗi và sự chết của chúng ta. Người đã tự mình gánh lấy tất cả những điều này. Bằng cách này, Người đã giải phóng chúng ta. Người đã trả giá cho chúng ta. Sự bình an của Người không phải là kết quả của một sự thỏa hiệp nào đó, mà đúng hơn được phát sinh từ sự tự hiến. Tuy nhiên, hòa bình hiền lành và can đảm này, thật khó chấp nhận. Thực thế, đám đông tôn vinh Chúa Giêsu cũng chính là đám đông, một vài ngày sau đó, sẽ hét lên, "Hãy đóng đinh nó!" và, vì sợ hãi và thất vọng, sẽ không nhấc một ngón tay nào bênh vực Người.
Về mặt này, câu chuyện tuyệt vời của Dostoevsky, gọi là Truyền thuyết Quan Tòa Ly Giáo Vĩ Đại, luôn có liên quan. Nó kể về Chúa Giêsu, Đấng, sau vài thế kỷ, trở lại Trái đất. Ngay lập tức, Người được chào đón bởi đám đông vui mừng, họ nhận ra và tung hô Người. “A, Ngài đã trở về! Hãy đến, đi với chúng con!”. Nhưng rồi Người bị Quan Tòa Ly Giáo, người đại diện cho luận lý học thế gian bắt giữ. Ông ta tra hỏi Người và chỉ trích Người dữ dội. Lý do cuối cùng của sự khiển trách là Chúa Kitô, mặc dù có thể, nhưng không bao giờ muốn trở thành Caesar, vị vua vĩ đại nhất của thế giới này, thích để nhân loại tự do hơn là khuất phục họ và giải quyết các vấn đề của họ bằng vũ lực. Người có thể đã thiết lập hòa bình trên thế giới, bằng cách bẻ cong trái tim tự do nhưng bấp bênh của con người bằng sức mạnh của một quyền lực cao hơn, nhưng Người đã chọn không làm như thế: Người tôn trọng tự do của chúng ta. “Nếu ông chịu chiếm lấy thế giới và áo màu tím của Caesar, thì ông đã thành lập một nhà nước hoàn cầu và mang lại hòa bình hoàn cầu rồi” (The Brothers Karamazov, Milan 2012, 345); và với một câu đả kích, ông kết luận, "Vì thế, nếu có bất cứ ai đáng bị chúng tôi thiêu sống, chính là ông" (348). Đây là sự lừa dối lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử, sự cám dỗ của một nền hòa bình giả tạo, dựa trên quyền lực, do đó, dẫn đến hận thù và phản bội Thiên Chúa, và nhiều cay đắng trong tâm hồn.
Cuối cùng, theo câu chuyện, Người bị Quan tòa Dị giáo “rất mong [Chúa Giêsu] nói điều gì đó, bất chấp cay đắng và khủng khiếp đến đâu”. Nhưng Chúa Giêsu đã phản ứng bằng một cử chỉ nhẹ nhàng và cụ thể: “Người bất ngờ tiến lại gần người đàn ông già trong im lặng và khẽ hôn lên đôi môi già nua không chút máu của ông ta” (352). Sự bình an của Chúa Giêsu không chế ngự người khác; nó không phải là một nền hòa bình có vũ trang, không bao giờ! Các vũ khí của Tin Mừng là lời cầu nguyện, sự dịu dàng, sự tha thứ và tình yêu tự do đối với người lân cận của mình, tình yêu thương dành cho mọi người lân cận. Đó là cách nền hòa bình của Thiên Chúa đã được mang vào thế giới. Đó là lý do tại sao cuộc xâm lược vũ trang ngày nay, giống như mọi cuộc chiến tranh, nói lên sự phẫn nộ chống lại Thiên Chúa, sự phản bội phạm thượng đối với Chúa của Lễ Vượt Qua, sự ưa thích khuôn mặt của thần giả trá của thế giới này hơn vị Thiên Chúa hiền lành của họ. Chiến tranh luôn là một hành vi của con người, nhằm tạo ra sự sùng bái ngẫu thần quyền lực.
Trước Lễ Vượt Qua cuối cùng của Người, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lòng các con đừng xao xuyến, đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Vâng, bởi vì trong khi quyền lực thế gian chỉ để lại sự hủy diệt và chết chóc - chúng ta đã thấy điều này trong những ngày gần đây - sự hòa bình của Người tạo dựng nên lịch sử, bắt đầu từ trái tim của mỗi người chào đón chúng ta. Do đó, lễ Phục sinh là lễ đích thực của Thiên Chúa và nhân loại, bởi vì sự bình an mà Chúa Kitô đã đạt được trên thập giá khi hiến mình được phân phát cho chúng ta. Vì vậy, Chúa Kitô Phục Sinh, trong Ngày Lễ Phục Sinh, hiện ra với các môn đệ, và Người chào đón họ như thế nào? "Bình yên cho các con!" (Ga 20: 19-21). Đây là lời chào của Chúa Kitô chiến thắng, Chúa Kitô Phục sinh.
Anh chị em thân mến, Lễ Phục sinh có nghĩa là “vượt qua”. Năm nay, trước hết, là một dịp may mắn để chuyển từ một thiên chúa của thế gian sang Thiên Chúa của Kitô hữu, từ lòng tham mà chúng ta mang trong mình sang lòng bác ái giải thoát chúng ta, từ kỳ vọng về một nền hòa bình do vũ lực sang cam kết làm chứng thực sự cho nền hòa bình của Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đặt mình trước Đấng bị đóng đinh, là nguồn bình an của chúng ta, và cầu xin Người ban cho sự bình an linh hồn và cho sự bình an trên thế giới.
Vũ Văn An (14/Apr/2022)
(Vietcatholic News)