Bình an dưới thế cho người thiện tâm
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Trong đêm Giáng Sinh đầu tiên, các thiên thần đã loan báo tin mừng này cho các mục đồng ở gần hang Bê-lem. Kể từ đó, Mùa Giáng Sinh luôn được coi là khoảng thời gian của bình an. Người ta nói rằng, vì Con Thiên Chúa đã xuống thế gian, nên Người chia sẻ sự bình an của mình cho toàn thể nhân loại. Nhưng nếu Chúa Ki-tô đến để mang lại bình an, thì tại sao thế giới của chúng ta vẫn chưa được hưởng một nền hòa bình phổ quát?
Tôi nghĩ rằng câu trả lời cho câu hỏi này có thể được tìm thấy bằng cách đọc đoạn Thánh Kinh vừa nêu dựa vào ngữ cảnh trong bản dịch gốc của nó. Chỉ những người thiện tâm mới có thể nhận được ân huệ bình an. Sự bình an khởi đầu cách nội tâm và chỉ có thể được lãnh nhận bởi những người có khả năng tiếp nhận; để rồi, sự bình an ấy được lan tỏa.
Nhưng thiện tâm là gì? Thiện tâm, hay thiện chí, là một từ mà tôi đã đọc và nghe rất nhiều lần, tuy nhiên, hiếm có khi nào thấy nó được định nghĩa. Trong các văn cảnh Công Giáo chính thức, từ này được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, nhưng thường được đặt trong lời chào mở đầu các văn kiện và tuyên ngôn của các Đức Giáo Hoàng, chẳng hạn, trong Evangelium Vitae, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Gửi các Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, giáo dân và mọi người thiện chí.”
Sách từ điển định nghĩa thiện chí là “một cảm xúc tốt về việc chấp thuận và giúp đỡ [người khác]: một sự lo lắng hay quan tâm nhân từ”. Những từ đồng nghĩa với nó được liệt kê bao gồm: lòng nhân từ, lòng trắc ẩn, lòng tốt, sự quan tâm, lòng bác ái, sự hợp tác, tình bằng hữu, sự ân cần, và sự tao nhã. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thực sự hiểu rõ ý nghĩa của từ này cho đến gần đây, khi các nhân viên ở trường chúng tôi cùng nhau đọc cuốn “Tìm kiếm và giữ lấy bình an: Một luận thuyết nhỏ về bình an trong tâm hồn” của Cha Jacques Philippe. Chính trong lần đọc sách chung đó, tôi đã tìm ra góc nhìn và hiểu biết đúng đắn về sự cân bằng giữa bình an và thiện chí.
Ai đó sẽ không thể được hưởng một sự bình an sâu thẳm và lâu bền nếu người ấy xa cách Thiên Chúa, nếu ý muốn tận đáy lòng của anh ta không hướng trọn về Người. “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Người” (Thánh Augustinô)… Sự bình an nội tâm mà chúng ta đang xét đến chắc chắn không thể được sẻ chia bởi mọi con người cách độc lập với thái độ mà họ hướng về Chúa… Từ đó, một điều kiện thiết yếu cho sự bình an nội tâm chính là cái mà chúng ta gọi là thiện chí. Chúng ta cũng có thể gọi nó là sự trong sạch của tâm hồn. Nó là thiên hướng vững vàng và kiên định của một người đã quyết tâm yêu mến Chúa hơn bất cứ điều gì khác, người khao khát cách chân thành trong mọi hoàn cảnh để chọn ý Chúa hơn là ý mình; người không muốn từ chối cách có chủ ý bất cứ điều gì với Chúa…
Từ đó, đây là cái mà chúng ta gọi là thiện chí. Nó không phải là sự hoàn hảo, cũng không phải là sự thánh thiện đã có, vì nó có thể tồn tại đồng thời với những do dự, bất toàn và ngay cả lầm lỗi. Nhưng nó là con đường, bởi lẽ chính thiên hướng thường xuyên này của tâm hồn (với nền tảng được tìm thấy nơi đức tin, đức cậy và đức mến) cho phép ân sủng của Thiên Chúa đưa chúng ta từng chút một tiến tới sự hoàn thiện.
Thiện chí, sự quyết tâm thường xuyên để luôn nói “vâng” với Chúa, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, là một điều kiện tiên quyết cho sự bình an nội tâm. Bao lâu chúng ta chưa có được sự quyết tâm này, thì một nỗi bất an và buồn bã nhất định sẽ không ngừng ở lại trong chúng ta—bất an vì không yêu Chúa nhiều như Người mời gọi, và buồn vì vẫn chưa dâng mọi sự cho Người.
Nhưng… ngay cả khi… ai đó vẫn còn những lỗi lầm và thất bại, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng sự thiện chí là đủ để có thể duy trì bình an trong tâm hồn người ấy. Như bản văn Latinh của Thánh Kinh Vulgate đã nói, Pax hominibus bonae voluntatis (Bình an dưới thế cho người thiện tâm) (Jacques Philippe, Searching for and Maintaining Peace, 2002, tr. 16-18).
Cha Philippe chỉ ra rằng chúng ta không thể có được bình an nếu không có sự chuẩn bị tâm hồn với một thiện chí nội tâm. Chúng ta phải hợp tác và trở nên sẵn sàng đón nhận ân sủng của Chúa. Sách Giáo lý Công Giáo nói về ân sủng, sự công chính hóa, sự hợp tác, và công trạng ở Phần III, Chương 3, Mục 2, #1987–2029.
Tôi bắt đầu ngạc nhiên rằng tại sao mình chưa bao giờ nghĩ về nó trước đây, khi mà Kinh Vinh Danh vẫn được cất lên ở hầu hết Chúa Nhật hàng tuần. Nhưng sau đó, tôi nhớ ra rằng bản dịch Sách Lễ Rôma phiên bản thứ ba chỉ mới được ban hành vào năm 2011. Trong khi trước đó, kể từ năm 1970, lời kinh này được dịch là “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” Sách Lễ mới đã chỉnh sửa để trùng khớp với bản dịch Thánh Kinh Vulgate.
Cách nghĩ về việc mình phải hợp tác để nhận được bình an này quả thực rất khác với suy nghĩ của anh em Tin Lành. Bản dịch King James của câu này là: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế và thiện chí cho loài người.” Cách dịch này chuyển sự hợp tác từ phía con người hoàn toàn thành một thứ được tiếp nhận. Trên thực tế, có rất nhiều ca khúc Giáng Sinh của chúng ta cũng sử dụng cách dịch tương tự như thế.
Tuy nhiên, những suy nghĩ này của tôi không có gì độc đáo. Tôi đã tìm thấy một Diễn văn của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII vào dịp Giáng Sinh năm 1959, trong đó, ngài đã trình bày chi tiết và giải thích rằng tại sao “Bình An Đích Thực” từ Thiên Chúa không thể đến với con người trừ khi họ nỗ lực và cộng tác [với Người] để lãnh nhận.
Ngài giải thích rằng sự bình an đích thực có ba khía cạnh: bình an của tâm hồn, bình an xã hội, và bình an toàn cầu. Cách giải thích về thiện chí của ngài đơn giản hơn của cha Philippe một chút:
Bình an của tâm hồn: Trước hết, bình an là một điều nội tâm, thuộc về tinh thần, và trạng thái cơ bản của nó là một sự phụ thuộc đầy tình yêu và tình con thảo vào ý muốn của Thiên Chúa. “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Người”…
Về phần mình, thiện chí đơn thuần là quyết tâm chân thành để tôn trọng luật vĩnh cửu của Thiên Chúa, để tự mình tuân theo các giới răn và bước theo con đường của Người—nói tắt một lời, để ở lại trong sự thật. Đây là vinh quang mà Thiên Chúa mong đợi nhận được từ con người. “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
Bình an bắt đầu cách nội tâm, và từ đó, nó có thể xây dựng nên bình an xã hội và bình an toàn cầu, nhưng chỉ khi, Đức Gioan XXIII nhấn mạnh, con người hợp tác với Thiên Chúa, và điểm mấu chốt ở đây là:
Khi nào cũng vậy, vì bình an đích thực là không thể phân tách theo nhiều khía cạnh khác nhau, nên nó không thể thiết lập chính mình trên bình diện xã hội và toàn cầu, trừ khi cũng là, và trước hết là, một thứ [bình an] nội tâm. Do đó, điều này đòi hỏi trước hết—cần thiết phải nhắc lại—“những người thiện chí”. Họ chính xác là những người mà các thiên thần ở Bê-lem đã nhắm tới khi loan báo: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Quả thực, chỉ riêng họ mới có thể biến những điều kiện có trong định nghĩa về bình an mà Thánh Tô-ma đưa ra trở thành hiện thực—sự hoà hợp có trật tự của các công dân—và do đó, là tính trật tự và sự hoà hợp.
Sứ điệp Giáng Sinh này nhấn mạnh rằng có những công việc mà chúng ta có thể làm [để cộng tác với Chúa]:
Ở hang Bê-lem, mọi người đều phải tìm ra chỗ của mình. Ở hàng đầu tiên, nên là những người Công Giáo. Giáo Hội ngày nay đặc biệt ước mong được thấy các tín hữu cam kết nỗ lực để biến sứ điệp bình an của Chúa trở thành một phần nơi chính họ. Và sứ điệp này mời gọi họ hướng mọi hành vi của mình theo những mệnh lệnh của luật thiêng liêng, vốn đòi hỏi sự gắn bó không do dự của tất cả mọi người, bất chấp những hy sinh. Đi kèm với một hiểu biết sâu sắc như vậy, phải là hành động. Người Công Giáo dứt khoát không thể chấp nhận việc tự giới hạn mình ở vị trí của những quan sát viên đơn thuần. Họ nên cảm thấy như được mặc lấy một sự ủy thác từ trên cao.
Đây là một nỗ lực trường kỳ và gian khổ, điều không có gì phải nghi ngờ. Tuy nhiên, mầu nhiệm Giáng Sinh cho tất cả chúng ta sự chắc chắn rằng không có điều gì trong thiện chí của con người sẽ bị mất đi, có nghĩa là, không có điều gì trong bất cứ hành vi nào được thực hiện trong thiện chí (dù có thể [chúng ta] không hoàn toàn nhận thức được) vì sự hiện diện của Nước Trời trên mặt đất, cũng như để thành phố của con người có thể họa theo thành phố của Thiên Chúa. Đó là thành phố mà Thánh Augustinô ca ngợi là rạng ngời, với chân lý cứu độ, với đức ái ban sự sống, và với sự vĩnh cửu giúp an lòng!
Chủ đề về sự hợp tác và cộng tác với Thiên Chúa để đạt tới bình an này vẫn tiếp tục được triển khai trong các sứ điệp và thông điệp khác của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Nhưng sứ điệp năm 1959 này của ngài nhấn mạnh cách rõ ràng đến tin mừng của đêm Giáng Sinh, đó là “bình an cho những người thiện chí”.
Âm thầm và không báo trước, đó là cách mà Chúa chúng ta đã xuống thế gian nơi hang đá Bê-lem. Người đến với tư cách là “Hoàng Tử Bình An”, nhưng sự bình an đó không chỉ được tặng ban cách đơn thuần. Việc thay đổi vị trí của từ “thiện tâm”, hay “thiện chí”, trong lời loan báo của các thiên thần đã biến sứ điệp bình an thụ động trở thành một tuyên ngôn kêu gọi hành động và sự tham gia. Bình an dưới thế, hay hòa bình trên trái đất, là một món quà, một ân huệ đến từ Thiên Chúa, nhưng nó chỉ đến cùng với sự hợp tác và cộng tác của chúng ta, khởi đi từ bình an nội tâm và thiện chí.
Lược dịch từ bài viết “Peace on Earth, Good Will to Men” trên catholicculture.org của chị Jennifer Gregory Miller, một giáo lý viên đên từ Virginia, Hoa Kỳ.