Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình

BTT UBCLHB
2021-01-09 03:55 UTC+7 1728
Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser, Chương 8: Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình Sức mạnh mà không có lòng thương xót là bạo lực Lòng thương xó

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser, Chương 8: Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình 


Sức mạnh mà không có lòng thương xót là bạo lực

Lòng thương xót mà không có công lý chỉ là cảm tính đơn thuần

Công lý mà không có tình yêu là chủ nghĩa Mác

Và… tình yêu mà không có công lý là chuyện vớ vẩn!

(Đức Cố Hồng Y James SIN)


Thực thi Công lý – Mệnh lệnh cao cả


Thiên Chúa yêu cầu chúng ta chỉ có một điều, đó là chúng ta “thực thi công bình, yêu chuộng nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa.” Như chúng ta vừa thấy ở trên, làm sao để điều đầu tiên trong các mệnh lệnh này, lời mời gọi cộng tác cho công bằng xã hội, là một trong các rường cột thiết yếu không tranh cãi của Linh đạo Kitô giáo. Tuy nhiên vẫn còn một số câu hỏi khá quan trọng liên quan chính xác đến công bằng xã hội là gì, động lực nào sẽ thúc đẩy được nó, và cần thực thi công lý cách nào để nó ôn hòa bất baọ động).


Thực thi công bình là gì? Công bằng khác với đức ái riêng tư thế nào? Thêm nữa, làm sao để năng lực đằng sau hành động cho công lý của chúng ta không là mô phỏng bạo lực và bất công mà chính chúng đang cố gắng thay đổi? Làm thế nào để chúng ta giúp đỡ các nạn nhân mà không làm cho chính mình thành những nạn nhân kế tiếp?


Thực thi công bằng đòi hỏi phải làm sáng tỏ một vài điều về những gì là công bằng xã hội và làm thế nào để công bằng xã hội được thực thi trong vai trò Kitô hữu.


Công bằng xã hội Kitô giáo là gì?


Công bằng vượt trên đức ái riêng tư – một dụ ngôn


Có một câu chuyện đã được kể, đến nay cũng khá nổi tiếng trong phạm vi công bằng xã hội:


Ngày xưa có một thị trấn được xây dựng trên khúc quanh của dòng sông lớn. Ngày nọ, những đứa trẻ thị trấn chơi bên cạnh dòng sông và thấy ba người nổi trên mặt nước. Chúng chạy đi kêu cứu và dân trong vùng nhanh chóng kéo các xác đó lên.


Một người đã chết nên được chôn cất. Một người còn sống, nhưng khá yếu nên được đưa vào bệnh viện. Người thứ ba là một đứa trẻ khỏe mạnh, vì vậy em được đưa vào một gia đình để được chăm sóc và được đi học…


Từ đó, mỗi ngày lại có một số người trôi trên sông, và mỗi ngày, những người tốt bụng trong thị trấn lại kéo lên để rồi tùy theo đó mà đưa người yếu sức đến bệnh viện, đưa các trẻ em vào các gia đình mới, và chôn cất những người đã chết.


Chuyện này xảy ra trong nhiều năm, từng ngày lại có một số người trôi sông, và dân cư trong vùng không chỉ dự tính là sẽ có những người trôi nổi mà còn làm việc theo một cơ chế vận hành tinh vi phát triển hơn để lo liệu cho họ. Một số cư dân trở nên khá quảng đại trong việc chăm sóc này, có một vài ngoại lệ phi thường đã bỏ công việc riêng của mình để toàn tâm toàn ý lo cho việc này. Cả thị trấn cảm thấy một niềm tự hào lành mạnh nhất định về lòng quảng đại của mình.


Tuy nhiên, trong suốt những năm đó và bất kể tất cả lòng quảng đại và cố gắng này, tuyệt nhiên không một ai nghĩ đến việc đi ngược lên dòng sông, vượt khúc quanh mà bao năm ẩn khuất khỏi tầm mắt của họ để biết cái gì trên đó, và tìm hiểu lý do tại sao, mỗi ngày, có những xác người trôi xuống khúc sông của họ.


Công bằng như một đòi hỏi Biến đổi các hệ thống


Dụ ngôn này làm nổi bật cách khá đơn giản thế nào là khác biệt giữa đức ái riêng tư và công bằng xã hội. Đức ái riêng tư đáp ứng nhu cầu cho người vô gia cư, người bệnh, người chết nhưng tự nó không thử đi tìm vì sao các nạn nhân lâm vào cảnh này. Công bằng xã hội nỗ lực đi ngược lên khúc sông trên cao, tìm cách thay đổi nguyên nhân gây nên cảnh có kẻ không nhà, người bệnh, và người chết.


Vì thế, công bằng xã hội nỗ lực nhìn nhận vào hệ thống (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo và thần nhiệm) mà chúng ta đang sống để định danh và thay đổi những điều thuộc kết cấu đã gây nên sự thật rằng một số trong chúng ta chịu đau khổ trừng phạt quá mức trong khi một số khác được hưởng đặc ân quá mức. Vì vậy, công bằng xã hội phải hành động với các vấn đề như nghèo đói, bất công, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, phá thai, thiếu quan tâm đối với sinh thái, bởi vì những gì liên hệ đến gốc rễ các vấn đề trên không phải là lỗi phạm riêng tư của một vài người hoặc sự bất xứng riêng lẻ của một số cá nhân mà đúng hơn chính là do một hệ thống mù quáng khổng lồ vốn tự nó đã không công bằng.


Do đó công bằng khác với đức ái cá nhân: Bác ái là cho người đói ăn, trong khi công bằng thì cố gắng thay đổi hệ thống để không ai thừa mứa thức ăn trong khi người khác lại đói; làm từ thiện chỉ đơn thuần đối xử tử tế với người thân cận, trong khi công bằng thì nỗ lực vươn tới gốc rễ sâu xa hơn của sự phân biệt đối xử; bác ái là giúp đỡ các nạn nhân cụ thể của chiến tranh, trong khi công bằng xã hội cố gắng thay đổi những sự kiện dẫn đến chiến tranh trên thế giới. Bác ái nhân nhượng khi người giàu cho người nghèo tiền, trong khi công bằng chất vấn tại sao một người lại có thể giàu như thế trong khi rất nhiều người lại quá nghèo.


Vì vậy, một ví dụ rằng, bài bình luận gần đây của tạp chí Sojourners không ấn tượng lắm về việc ông Ted Turner, tỷ phú người Mỹ, đã tặng một tỷ đô la cho Liên Hiệp Quốc: “Tôi làm cho người giàu quan tâm. Họ sẽ lắng nghe tôi về việc cho đi của cải mình.” Thay vì ca tụng món quà khổng lồ của ông Turner, tờ báo Sojourners bình luận “Thiên Chúa đã làm cho người giàu biết quan tâm trước khi ông Turner làm như vậy” và chất vấn quan trọng hơn là “tại sao có người lại có nhiều đến mức thừa mứa (lại còn được khen vì giàu) trong một đất nước mà nạn nghèo đói tăng lên (đặc biệt là ở trẻ em!)” Đây là kiểu bình luận nhằm làm sáng tỏ công bằng xã hội là gì.


Công bằng xã hội là phải thay đổi đường lối để tổ chức làm sao cho mỗi người có một chỗ đứng bình đẳng trên thế giới này. Nói một cách đơn giản, công bằng xã hội là cố gắng để tổ chức cơ cấu kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới đi theo con đường nhằm đạt đến sự bình đẳng giữa mỗi cá nhân và các giá trị tương xứng với môi sinh. Đạt được đến điều này thì sẽ có tác dụng lớn hơn là bác ái cá nhân. Các bất công tồn tại không phải vì các cá nhân hành động không đúng hay thiếu bác ái, nhưng vì các hệ thống vô nhân khổng lồ (dường như nó thoát ra ngoài ý muốn của các cá nhân làm việc bên trong chúng) đã tước bỏ đặc ân của một số người trong khi những người khác lại có quá thừa mứa. Đây là những gì ngôn ngữ của công bằng xã hội gọi là bất công có hệ thống và bạo lực có hệ thống.


Để lấy một ví dụ duy nhất cho điều này, đó là vấn đề phá thai. Dù cho luôn luôn có những cuộc thảo luận gay gắt giữa những người ủng hộ phá thai hợp pháp và những người chống đối, nhưng cuối cùng, không ai muốn phá thai và mọi người ở cả hai phía đều công nhận bất cứ khi nào có một vụ phá thai xảy ra thì vẫn là một cái gì đó rất xa lý tưởng. Dù thường thường, không bên nào thấu hiểu sự việc một cách sâu xa hơn, là chính các vấn đề có tính cách hệ thống ở ngầm dưới vấn đề này. Rốt cuộc, phá thai vẫn xảy ra vì có sự sai lầm trong văn hóa, trong hệ thống, không đơn giản chỉ vì người đàn bà này, hay người đàn bà kia muốn chấm dứt một cái thai ngoài ý muốn. Khi một người phụ nữ vào một bệnh viện hoặc phòng khám phá thai, cô không phải chỉ đơn giản là một phụ nữ riêng lẻ có một quyết định riêng. Cô là phần chóp của một hệ quả văn hóa. Đằng sau cô, góp phần thúc đẩy cô bước chân vào phòng khám và có quyết định đó là cả một hệ thống (kinh tế, chính trị, văn hóa, huyền thoại và giới tính). Vấn đề của cô vừa có tính cách chính trị cũng như riêng tư. Vì sao như vậy?


Đầu tiên hết, đó là cơ cấu chính trị của chúng ta, tự chính nền dân chủ này, ít nhất là trong cách hiểu nó và sống nó hiện nay. Chúng ta biết, không có đường lối nào để chúng ta tổ chức nền chính trị tốt hơn là việc thông qua tiến trình dân chủ, nhưng nền dân chủ còn xa sự hoàn thiện. Ở một mức độ, nó hoạt động qua sự trao đổi tự do của các quyền và các năng lực. Vốn, lao động, quản lý, công nhân, các tập đoàn, các chính quyền hợp pháp, các hãng xưởng và những người sa cơ thất thế, tất cả đều mặc cả và tranh giành nhau về tài nguyên, quyền lợi, và quyền lực. Trong ý tưởng, đó là một hệ thống công bằng, nhưng trong thực tế thì không. Những người nhập cuộc với đặc quyền có sẵn, với tiếng nói mạnh hơn, với nhiều năng lực giá trị hơn thì đạt được nhiều lợi ích hơn so với người khác. Ngược lại, những người không có đặc quyền có sẵn, tiếng nói yếu hơn, hoặc có ít năng lực giá trị hơn sẽ không có đặc quyền nào và họ ở dưới đáy nấc thang xã hội. Như thế, không phải ngẫu nhiên mà nền dân chủ sống chết mặc bay rất hiếm khi là một cơ chế tốt cho những người nghèo.


Trong một chế độ như vậy, những người chưa sinh ra là những người hoàn toàn không có tiếng nói, quá dễ bị làm hại và luôn có nguy cơ bị tước mất quyền được hiện hữu. Đó là một trong những vấn đề hệ thống cơ sở của việc phá thai. Còn có một vấn đề khác, quan trọng hơn.


Chúng ta sống trong một chế độ, một chế độ văn hóa, chấp nhận cho đàn ông, đàn bà quan hệ tình dục với nhau ngay cả khi họ không có ràng buộc nào với nhau và không muốn có con với nhau. Trong chế độ như vậy, phá thai là không thể tránh khỏi, không có luật pháp và không áp dụng luật nào ngăn chận việc đó, vì cơ chế sẽ tiếp tục tiến trình cho một ai đó (bất cứ ai), khi thấy mình có thai, họ bị cô lập theo kiểu suy nghĩ, rằng sinh đứa bé bởi người đàn ông này, bây giờ, là chuyện không thể đối với cô. Trong một bối cảnh như vậy, sẽ luôn luôn có cảnh phá thai và người muốn phá thai dính dáng đến cả vấn đề chính trị chứ không chỉ là vấn đề riêng tư của mình. Cô chỉ là cái chóp nổi lên, đàng sau cô là cả một nền văn hóa chọn tách rời tình dục ra khỏi hôn nhân và truyền sinh. Trong cơ chế như thế, nơi mà quan hệ tình dục là phần tiếp theo của hẹn hò, thì phá thai luôn còn. Chỉ có thể dừng việc phá thai khi thay đổi cơ chế. Điều này không bào chữa cho việc phá thai, nhưng nó giải thích cho việc đó.


Cũng một cách như vậy đối với các vấn đề công bằng xã hội khác: chiến tranh, nghèo đói, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, hệ sinh thái môi trường. Không thể có hoà bình, thịnh vượng chung, bình đẳng, hòa hợp giữa hai giới, và tôn trọng môi sinh đúng mực cho đến khi nào có công lý phổ quát, nghĩa là, cho đến khi cơ chế chúng ta đang sống trở nên công bằng và tôn trọng đối với mọi người và với tất cả mọi thứ.


Cha cựu giám tỉnh dòng Tên Pedro Arrupe, khi được hỏi tại sao ngày nay lại nhấn mạnh đến công bằng xã hội, khi, trong quá khứ, những người thánh thiện về những bài viết linh thiêng lại loại bỏ điều này, ít nhất là về mặt triển khai rõ ràng. Cha trả lời khá đơn giản: “Hôm nay chúng ta biết nhiều hơn!”


Cha nói đúng. Hôm nay chúng ta biết nhiều hơn, không chỉ vì truyền thông hiện đại hàng ngày cho chúng ta thấy các nạn nhân của bất công trên báo chí, truyền hình, nhưng, đặc biệt, chúng ta ít ngây thơ về mặt xã hội hơn. Nói một cách tích cực, chúng ta không còn ngây thơ vì chúng ta hiểu hơn về cách thức hệ thống xã hội ảnh hưởng lên chúng ta như thế nào, cả tốt và xấu. Công bằng xã hội là cách hệ thống xã hội ảnh hưởng lên chúng ta, đặc biệt về phía bất lợi.


Hiểu rõ điều này thật là quan trọng. Là người tốt trong đời sống riêng tư thôi chưa đủ. Chúng ta có thể hoàn hảo về mặt đạo đức riêng (đi lễ, cầu nguyện, tốt lành, trung thực, tử tế và quảng đại trong cách cư xử với người khác) nhưng đồng thời, làm mà không biết, chúng ta tham dự và hỗ trợ các cơ chế đi ngược với đức ái, lòng tử tế, cầu nguyện, và đạo đức (qua công việc, chủ trương chính trị, ý tưởng kinh tế, đầu tư, hay chỉ đơn giản qua lối sống tiêu thụ của chúng ta). Trong khi cơ chế xã hội cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp, nhưng người khác nhận được ít hơn rất nhiều. Trong bối cảnh như vậy, tình trạng đạo đức của chúng ta giống như tinh thần bà vợ của ông chồng vũ phu, đã không làm gì để ngăn chặn sự lộng hành – chính chúng ta có thể tốt bụng và không lộng hành, nhưng chúng ta hỗ trợ cho chỗ dựa hợp pháp của một người đang hành hạ người khác.


Khi cha Pedro Arrupe nói: “Hôm nay chúng ta biết nhiều hơn!”, cha đã ám chỉ chính xác, qua các phân tích hiện nay về xã hội và kinh tế đã cho chúng ta thấy quá rõ, dù đã giải trừ mọi lý lẽ sâu xa, cách mà hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế, giáo hội của chúng ta đã bất công và làm tổn thương đến nhiều người, dù chúng ta có trung thực đến đâu, chúng ta cũng đã hỗ trợ họ. Với cái nhìn thấu suốt này, mỗi ngày, sự vô tâm của chúng ta không phải là không có tội.


Do đó người ta có thể xác định việc thực thi công bằng xã hội như sau: Thực thi công bằng xã hội là xem xét, thử thách, cũng như từ chối tham dự vào, và cố gắng thay đổi các cơ chế (kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, huyền thoại và tôn giáo), các cơ chế đã trừng phạt cũng như tưởng thưởng không công bằng đối với nhiều người.


Tuy nhiên, đó là một định nghĩa chung chung, chưa hoàn toàn đầy đủ với một Kitô hữu. Đối với Kitô hữu, việc thực thi công bằng xã hội không chỉ đòi hỏi những điều đã nêu trên, mà còn đòi hỏi nhiều điều khác nữa.


Đối với Kitô hữu, vấn đề công bằng xã hội không phải chỉ là hành động với sự thật, mà còn với cả sinh lực, với động lực cho nghĩa vụ này. Không phải mọi động lực cho công lý đều thích đáng, vì công bằng không phải là vấn đề hàng đầu của chính trị và kinh tế, nhưng là vấn đề của việc cộng tác với Thiên Chúa để xây dựng vương quốc của hòa bình và niềm vui cho tất cả. Vì vậy, đối với Kitô hữu, động lực tối hậu trong việc làm cho công lý không bao giờ đơn giản chỉ là ý tưởng, dù ý tưởng cụ thể đó có thể cao thượng như thế nào. Đúng hơn, cả chân lý thúc đẩy cho việc tìm kiếm công lý lẫn nguồn lực vận hành nó phải cắm rễ trên một điều gì đó vượt lên trên mọi ý tưởng.


Cuối cùng, cả công lý và động lực tìm kiếm công lý của chúng ta phải được dựa trên sự bình đẳng của mọi người trước mặt Thiên Chúa và trong sự tôn trọng bản chất con Thiên Chúa của mỗi người. Điều này có sự phân nhánh quan trọng, cụ thể là, bất kỳ động lực cho công lý chỉ đơn giản dựa trên lý tưởng tự do hoặc vì căm phẫn và tức giận về bất bình đẳng thì cuối cùng sẽ không thay đổi cốt lõi của thế giới, dù có làm thay đổi được một vài điều trong cấu trúc của nó. Sự thất bại của chủ nghĩa Mác và của hầu hết các phong trào chính trị và xã hội khác cho công lý (đã nỗ lực xây nền tảng trên cơ sở hoàn toàn thế tục) đã là một bằng chứng phong phú về điều này.


Để có một thế giới công bằng chúng ta cần một trật tự thế giới mới. Tuy nhiên, vì là một trật tự, nên không được để bất cứ một quyền lực nào áp đặt, nhưng phải chinh phục được cốt lõi thế giới bằng chính giá trị luân lý nội tại. Nói một cách khác, thay đổi thế giới làm sao để mọi người muốn công bằng và sẵn sàng tự nguyện sống cho công bằng, điều này cần tiếng gọi thật sâu đậm, phổ quát và mang tính đạo đức mà không người có lương tâm tốt đẹp nào có thể đi trệch ra ngoài. Không lý tưởng nhân bản nào, không vận động cá nhân nào, không nguyên do nào bắt nguồn từ mặc cảm tội lỗi hay tức giận có thể mang lại được điều đó. Người ta có thể đi ra khỏi lý tưởng tự do, như đã thấy trong chủ nghĩa Mác, Tổ chức Hòa Bình Xanh, phong trào nữ quyền, hoặc bất cứ quyền lực chủ yếu nào cho công bằng trên hành tinh này – với một ý thức chân thành. Thật sự, một phần quá lớn những người với lương tâm tốt đẹp lại đi quá xa điều này. Tại sao? Bởi vì, cho dẫu họ có công trạng rõ ràng trong việc thúc đẩy sự thật về công lý, động lực thúc đẩy họ lại không được thuyết phục về mặt luân lý. Nói một cách đơn giản, chân lý luôn đúng, nhưng năng lực thường lại không đúng. Đáng buồn thay, các Giáo Hội Kitô giáo và các nhóm công bằng xã hội của chúng ta cũng vướng vào điều đó khi chúng ta cố gắng làm cho thế giới công bằng hơn.


Nhưng điều này không thể có trong Đức Giêsu, trong nhân cách và trong Phúc âm Ngài để lại cho ta. Không ai đi xa Bài Giảng trên Núi hay đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã đặt ra là cho kẻ đói ăn, cho người rách rưới ăn mặc, cho đi cuộc sống và của cải của chúng ta cho người kém may mắn hơn ta với một lương tâm trong sáng. Như vậy, nguồn lực thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm công lý của chúng ta phải có cùng nguồn với sự thật của chính công lý, cụ thể là từ nhân cách và lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Chỉ khi cắm rễ sâu trong nguồn cội này hoặc trong các nguyên lý tương tự bắt nguồn từ Thiên Chúa, chúng ta mới có cái nhìn đúng đắn, và nghị lực đúng đắn để mang đến một trật tự mới, một trật tự công bằng, cho thế giới.


Nếu điều này là đúng, và nó đúng thật, thì quan trọng là chúng ta trở về với Kinh Thánh để xem trong đó nói gì về công bằng xã hội.


Nền tảng Kinh Thánh về Công Bằng Xã Hội


Các nền tảng về công bằng xã hội đã được đặt trong chính công trình sáng tạo. Sách Sáng Thế đưa ra bốn điểm chính, các khẳng định thâm nhập cung cấp nền tảng tối hậu cho công bằng xã hội. Điều đó xác quyết rằng Thiên Chúa tạo dựng mọi người bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi; trái đất và mọi tạo vật thuộc về mọi người cách công bằng, và mọi người, bình đẳng, đồng trách nhiệm với Thiên Chúa trong việc cộng tác bảo vệ phẩm giá của mọi người và mọi vật, và chính bản thân trái đất này cũng có quyền và nhu cầu được tôn trọng, nó không phải chỉ là nơi cho hoạt động của con người. Các khẳng định trên là cơ sở cho mọi giáo huấn luân lý nối tiếp liên quan đến trật tự xã hội.


Các ngôn sứ Israel đã quả quyết và đào sâu những nguyên tắc này. Tám trăm năm trước Chúa Kitô, hầu như tất cả các ngôn sứ Do Thái đã bắt đầu khẳng định, lặp đi lặp lại, một sự thật duy nhất, tối hậu, gói gọn và tập trung trong cuộc sống thực tế các nguyên tắc được thiết lập từ thuở khai thiên lập địa. Phẩm chất đức tin chúng ta phụ thuộc vào bản tính công bằng trong xứ sở và bản tính này phải được đo lường bằng cách mà chúng ta đối xử với ba nhóm người: góa phụ, mồ côi, và khách lạ (những người ở địa vị thấp nhất trong xã hội). Vì vậy, theo các ngôn sứ Do Thái, tư thế của chúng ta với Thiên Chúa tùy thuộc vào cách chúng ta đối xử với người nghèo, chứ không tùy thuộc vào đức tin và lòng mộ đạo của chúng ta, vì dù cho đức tin và lòng mộ đạo của chúng ta có trong sáng và chân thành đến đâu, nó cũng không thể giảm nhẹ mệnh lệnh này.


Chúa Giêsu khẳng định rõ điều này. Giống như các ngôn sứ Do Thái, Người cũng khẳng định tương quan của chúng ta với Thiên Chúa phụ thuộc vào tương quan chúng ta trong mối quan hệ với những người bé mọn nhất trong xã hội. Thật sự, Người còn đi xa hơn. Người dạy rằng, vào ngày chung thẩm, khi đứng trước mặt Thiên Chúa trong cuộc phán xét, chúng ta sẽ bị phán xét theo cách chúng ta đối xử với người nghèo trong cuộc đời này. Người cho thấy việc thực hành công lý chính là tiêu chuẩn cực kì cho ơn cứu độ. 4 Hơn nữa, Người đồng nhất sự hiện diện của Thiên Chúa với người nghèo. Theo quan điểm của Chúa Giêsu, nếu bạn muốn tìm Thiên Chúa, bạn nên đi tìm nơi người nghèo. Ngược lại, Người nói cho chúng ta biết, khi giàu có và được ưu tiên chúng ta dễ rơi vào một mối nguy vô cùng về tâm linh và thể lý.


Công bằng xã hội và các Giáo Hội


Qua nhiều thế kỷ, các Giáo Hội Kitô đã phát triển các nguyên tắc xã hội như một phần chính yếu của linh đạo Kitô giáo. Rõ ràng, giống như trong hầu hết các chuyện, có một số khác biệt chính yếu giữa các giáo hội khác nhau, cũng như làm sao để lời dạy của Chúa Giêsu được hiểu và áp dụng. Tuy nhiên, dù có khác biệt, vẫn có một đồng thuận cốt yếu trên những điểm chính. Chỉ trừ một vài ngoại lệ, tất cả các giáo hội Kitô giáo cùng giữ và cùng giảng dạy các nguyên tắc sau đây:


1. Tất cả mọi người trên thế giới này đều có phẩm giá bình đẳng và phải hưởng quyền bình đẳng về sự tôn trọng, tiếp cận với các nguồn tài nguyên, và tiếp cận với cơ hội.


2. Thiên Chúa hoạch định quả đất này cho tất cả mọi người cách bình đẳng. Vì vậy, sự phong phú của thế giới này phải chuyển lưu cách bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người. Tất cả các quyền khác, kể cả quyền sở hữu cá nhân và tích lũy của cải được làm ra cách ngay chính, phải được đặt dưới nguyên tắc chính yếu này.


3. Quyền sở hữu cá nhân và tích lũy của cải không phải là một quyền tuyệt đối, quyền này phải phụ thuộc vào lợi ích chung, cụ thể là, phải biết là của cải của quả đất cũng được hoạch định cho mọi người.


4. Không một cá nhân, một nhóm người, hay một quốc gia có thể có quá dư thừa trong khi những người khác lại quá thiếu các nhu cầu cơ bản. Đó là tình hình hiện nay trong thế giới của chúng ta, nơi mà một số cá nhân và một số nước thừa mứa trong khi người khác thiếu các nhu cầu cơ bản. Như thế là trái luân lý, nó trực tiếp đối nghịch với lời dạy của Chúa Kitô, và cần phải được khắc phục.


5. Về mặt luân lý, chúng ta buộc phải giúp đỡ cho người đang thiếu thốn. Khi giúp đỡ như vậy, không phải chúng ta làm từ thiện, nhưng phục vụ công lý. Giúp đỡ người nghèo không phải là công việc của lòng quảng đại và đạo đức cá nhân, nhưng là điều mà quy luật của mọi thứ đòi hỏi chúng ta.


6. Các luật cung cầu, doanh nghiệp tự do, cạnh tranh không kiểm soát, vòng quay lợi nhuận, sở hữu cá nhân các phương tiện sản xuất không thể được xem như không được đụng đến về mặt luân lý, khi lợi ích chung và công lý đòi hỏi, nó phải được cân bằng bởi các nguyên tắc khác. Không ai có cái quyền luân lý làm giàu tối đa bất kể đến lợi ích chung (dù họ có là người đầy danh tiếng đi nữa).


7. Vật chất tự nhiên cũng có các quyền vốn có của nó, cụ thể là các quyền nội tại của chính nó, chứ không phải do mối liên hệ với con người đưa lại. Trái đất không phải chỉ là “sàn diễn” cho con người. Nó cũng là tạo vật của Thiên Chúa với quyền riêng của nó, mà con người không được vi phạm.


8. Việc lên án bất công là một phần trong sứ vụ trọng yếu rao giảng của Giáo Hội, và là một khía cạnh quan trọng trong vai trò ngôn sứ của Giáo Hội.


9. Đến với người nghèo là con đường cao trọng để đến Chúa và hướng đến một đời sống thiêng liêng lành mạnh. Không có được một đời sống thiêng liêng lành mạnh, dù cá nhân hay cộng đoàn, khi không dấn thân đấu tranh cho người nghèo thật sự. Ngược lại, sự giàu có, bất kỳ loại nào, cũng là một nguy hiểm về mặt thiêng liêng.


Điều đáng lưu ý là làm thế nào các lời giảng dạy về công bằng – các nguyên tắc luân lý nhấn mạnh đến đạo đức xã hội hơn là đạo đức riêng tư – cùng hội tụ trong các giáo huấn của các giáo hội khác nhau. Khi được hỏi vì sao giáo hội ngày nay quan tâm nhiều đến công bằng xã hội (trong khi trước đây họ chú ý đến đạo đức cá nhân nhiều hơn) cha Pedro Arrupe cũng sẽ trả lời theo cách này.


Thế giới đã thay đổi theo cách buộc phải chú tâm ngày càng nhiều về công bằng xã hội: Từ trước cho đến cuộc cách mạng công nghiệp, trọng tâm luân lý của các giáo hội đều nhắm đến gia đình. Đó là trọng tâm đáng được nhấn mạnh. Sự tồn tại của nền văn hóa phụ thuộc vào gia đình. Do đó nó thu hút hầu hết các lời dạy và suy nghĩ đạo đức. Rồi, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp hoàn toàn thay đổi mọi thứ, thần học luân lý Kitô giáo đã tập trung khá mạnh chung quanh đạo đức gia đình – hôn nhân một vợ một chồng, tính dục liên kết trong hôn nhân và truyền sinh, tôn trọng lẫn nhau trong hôn nhân, các nhiệm vụ của cha mẹ và con cái đối với nhau và các điều tương tự như thế.


Rồi, vì cuộc cách mạng công nghiệp sinh ra một làn sóng các vấn đề mới (khai thác người lao động, nạn nghèo ở đô thị, các khu nhà ổ chuột, sống vô gia cư, cô lập với cấu trúc gia đình), các vấn đề chủ chốt của luân lý Kitô giáo cũng được mở rộng. Các Giáo Hội bắt đầu giảng dạy về sự cần thiết của mức lương công bằng, kìm hãm luân lý đối với chủ nghĩa tư bản không cương tỏa, các quyền của công đoàn, trách nhiệm của chính phủ và cá nhân đối với người nghèo, và hầu hết các nguyên tắc công bằng xã hội khác chúng ta vừa nêu ra. Vì các vấn đề luân lý trên thế giới được mở rộng, linh đạo của Giáo Hội cũng mở theo.


Cuối cùng, chỉ trong vòng một, hai thế hệ vừa qua, đã có một phát triển chủ yếu khác. Vì các vấn đề của cộng đồng thế giới, giới tính, chủng tộc, gia tăng dân số, môi sinh và phá thai bắt đầu hội tụ lại theo một cách mới, những nghị sự về luân lý của Giáo Hội có liên quan đến công bằng xã hội cũng được mở rộng và hoàn thiện theo cách tương xứng với sự phát triển này. Vì vậy, ngày nay các giáo hội Kitô giáo quan tâm nhiều vào các vấn đề luân lý xung quanh giới tính, chủng tộc, tầng lớp, và đặc quyền lịch sử.


Bà Elizabeth Johnson đã tóm tắt rất đúng phát triển gần đây nhất trong linh đạo Kitô giáo. Theo quan điểm của bà, ngày nay linh đạo Kitô “tìm kiếm sự khôn ngoan, không phải trong các ý tưởng rõ ràng và riêng biệt của những gì được cho là nguyên do phổ quát, nhưng, thực sự là trên tư tưởng của những người có quyền, đúng hơn, nó chạy theo đa số và theo cái nhập nhằng của lương tâm con người, nhạy cảm với sự khác biệt mà sự khác biệt dựa trên vị trí xã hội của một người về giới, chủng tộc, tầng lớp và văn hóa. Kim chỉ nam của các giá trị thiêng liêng hậu hiện đại không nhấn mạnh trên chủ nghĩa cá nhân và các bùng nổ dữ dội của nó nhưng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cộng đồng và truyền thống, tôn vinh của con người về tình đoàn kết và hòa bình. Nó cao quý không phải vì con người có quyền tối thượng trên quả đất nhưng vì tình liên đới tác động với toàn bộ cộng đồng của vũ trụ. Nói tóm lại, giá trị của kinh nghiệm tôn giáo thời hậu hiện đại không ở sự cô lập, nhưng nối kết thiết yếu; không trong phân thể thân xác-tâm hồn, nhưng trong nhất thể, một con người hiển hiện; không chỉ có phụ hệ mà cả mẫu hệ; không chủ nghĩa đàn áp độc đoán mà là chủ yếu cải thiện cuộc sống; không chủ nghĩa dân tộc bộ lạc, mà là công lý toàn cầu.”


Nhưng làm sao có được nền công lý toàn cầu này?


Kiến tạo hoà bình bất bạo động


Sự ngây thơ của chúng ta


Chúng ta không thành công trong việc đạt được một trật tự thế giới công bằng hơn không phải lúc nào cũng do thiếu cố gắng. Các nhóm công lý và hòa bình, trong đó có nhiều Kitô hữu trong một thời gian dài đã cố gắng trong tinh thần ngôn sứ mang công bằng hơn đến cho thế giới. Tuy nhiên thường thường nó không có hiệu quả ngay. Tại sao? Câu trả lời quá đơn giản là công lý ít làm tiến triển vì sự cứng lòng của thế giới không phải dễ dàng biến mất và sức mạnh bảo thủ của quyền lợi không dễ dàng bị bỏ qua. Dù lý do này đúng, cũng có một lý do khác làm cho các tổ chức công lý và hòa bình không được hiệu quả. Đơn giản, chúng ta thường có phần ngây thơ về những gì thực sự đòi hỏi chúng ta nếu chúng ta muốn cho thế giới hướng đến hòa bình và công bằng hơn.


Sự ngờ nghệch này là gì? Nó có thể được tóm tắt trong sáu ảo tưởng ngấm sâu tràn ngập trong các tổ chức công lý và hòa bình. Những sai lầm, như đã nói rõ trong phần tương tự chủ yếu, nghe có vẻ như thế này:


1. “Vấn đề của tôi đưa ra rất khẩn cấp, nên nếu tôi có du di luật là chuyện bình thường, Do đó tôi có thể thiếu tôn trọng, kiêu ngạo, và xấu xa đối với những người chống đối tôi.”

2. “Chỉ duy nhất sự thật của đại nghĩa mới quan trọng ở đây, chứ không phải cuộc sống riêng tư của tôi. Cuộc sống riêng tư của tôi, cho dù nó có giận dữ, dục tình, ganh tị, thì chẳng có liên quan gì đến mục đích của công lý mà tôi đang chiến đấu; trong thực tế, mọi trọng tâm nhắm vào đạo đức riêng tư của cá nhân là một trở ngại để hành động cho công lý.”


3. “Chỉ tư tưởng đúng đắn mới có thể biện minh cho việc làm này, tôi không cần phải nói chuyện với Thiên Chúa và Chúa Giêsu. Tôi không cần phải cầu nguyện cho hòa bình, tôi chỉ cần làm việc cho nó.”


4. “Tôi đánh giá thành công và thất bại trên cơ sở thành tựu thấy được về mặt chính trị. Tôi ít quan tâm đến Nước Trời xa xôi lâu dài, tôi quan tâm đến những gì thu được về mặt chính trị, xã hội thực tế trước mắt và ngắn hạn.”


5. “Tôi có thể thổi phồng và bóp méo sự kiện một chút để làm cho công lý được rõ ràng hơn, nhưng tình huống quá khủng khiếp nên tôi không buộc phải rất thận trọng về sự thật chính xác.”


6. “Tôi là một nạn nhân, vì thế tôi đứng ngoài luật pháp!”


Sự thật đau đớn


Tuy nhiên, những gì chúng ta đang ngày càng nhận ra là một trong các lý do tại sao thế giới không đáp trả nhiều hơn cho thách đố chúng ta đối với công lý, chính vì các hành động vì công lý của chúng ta thường giống với bạo lực, bất công, cố chấp, và ích kỷ mà chính chúng đang cố gắng để thách thức.


Sự phẫn nộ về mặt luân lý của chúng ta thường dẫn đến lối ứng xử khơi dậy lại phẫn nộ. Như Gil Bailie viết trong kiệt tác về bất bạo động: “Xúc phạm luân lý là mơ hồ về luân lý. Càng lăng nhục, thì càng ít có khả năng nâng cao luân lý thực sự. Phẫn nộ chính đáng thường là triệu chứng di căn đầu tiên của khối ung bạo lực. Nó có khuynh hướng gây thêm baọ lực căm phẫn với một sự cho phép hay bỏ qua những hành vi trong cấu trúc toàn thể một cách mập mờ đánh lận với những gì đã gây ra sự phẫn nộ.


Đáng buồn thay, thường thường chứ không phải không, đây là trường hợp xảy ra trong các cuộc đấu tranh công lý của chúng ta, ngay cả khi chúng ta làm dưới danh nghĩa Kitô giáo. Sự tức giận, thói ích kỷ thô bỉ, cay đắng, cố chấp, hung hăng của nhiều nhóm hòa bình và phong trào công lý sẽ không bao giờ phục vụ như là nền tảng cho một trật tự thế giới mới. Nó chỉ chuyển hóa vài tâm hồn, dù nó có hiệu năng chính trị. Cuối cùng, như Bailie diễn đạt, sự phẫn nộ về mặt luân lý, về căn gốc là nhập nhằng với chủ nghĩa cá nhân, sự gây hấn và bất công mà nó đang cố gắng thay đổi.


Một mệnh lệnh về bất bạo động


Một tiên tri, Daniel Berrigan trình bày, phải làm một lời thề nguyện cho tình yêu chứ không phải cho thù hận. Các tiên tri cao cả về công bằng xã hội của thời hiện đại (những người như Gandhi, Dorothy Day, Thomas Merton, Gustavo Gutiérrez, William Stringfellow, Oscar Romero, Jim Wallis và Richard Rohr) tất cả đều đồng ý với điều này. Tình yêu, không thù hận, là cơ sở cho bất bạo động và bất bạo động là nền tảng có thể duy nhất cho một trật tự thế giới mới của công lý và hòa bình.


Vì thế, ví dụ, Jim Wallis đề nghị mệnh lệnh sau đây cho bất cứ nỗ lực đấu tranh bất bạo động nào để tạo nên công lý và hòa bình:


Tất cả các hành động của chúng ta cho hòa bình phải bắt nguồn từ mãnh lực của tình yêu và sự thật, và phải được thực hiện với mục đích làm sao cho mãnh lực đó được biết đến chứ không phải để cho chính chúng ta được biết đến. Động lực của chúng ta phải luôn luôn tỏ ra cho mọi người biết sự thật chứ không phải thể hiện chúng ta đúng, họ sai. Những hành động tốt nhất của chúng ta là những điều chúng ta đồng tình công nhận và được đánh dấu bằng tinh thần ăn năn và khiêm nhường chân thành. Hành động xấu nhất của chúng ta là hành động làm để chứng tỏ chúng ta đúng, trong sáng, đạo đức, xa với bạo lực mà chúng ta đang phản kháng.


Bất cứ khi nào niềm kiêu hãnh vượt qua sự phản kháng, thì chúng ta chỉ đơn giản lặp lại theo kiểu chính sách tự phán xét công bình của người theo trào lưu chính thống: “Tôi được cứu còn bạn thì không.” Hành động thực hiện công khai luôn mang theo nó mối nguy hiểm to lớn của kiêu căng. Do đó nó luôn luôn phải được làm trong tinh thần khiêm nhường và mời gọi.


Phán xét, kiêu ngạo, độc đoán, đặc nét thường có trong sự phản kháng của chúng ta, là dấu hiệu của tinh thần chưa trưởng thành và nếu thể hiện qua những nét như vậy, thì chỉ có tác dụng làm dân chúng chai cứng trong quan điểm hiện có của họ. Phản kháng dễ duy trì cũng như dễ tan biến trong mù quáng của dân chúng.


Hơn nữa, chưa bao giờ chúng ta cần một bất bạo lực chân chính như bây giờ. Tuy nhiên, dụng cụ chính của nó là ứng dụng sức mạnh tinh thần chứ không phải sử dụng áp bức. Một vấn đề rất nghiêm trọng trong tiến trình hòa bình là đôi khi các cuộc tấn công ẩn giấu, sự lèo lái, cái tôi quyết đoán, khát vọng khiêu khích có thể hoạt động dưới bề mặt của luân lý bình thường về các cam kết bất bạo động. Những chiếc mặt nạ hoa mỹ của bất bạo động có thể được sử dụng để che đậy ý chí quyền lực vốn là nền tảng của bạo lực. Mong muốn giành chiến thắng trên người khác, đánh bại kẻ thù, làm nhục đối thủ, tất cả là đặc điểm của bạo lực và vẫn là còn là vết thương đau đớn trong hầu hết các nỗ lực hòa bình của chúng ta.


Sự tức giận, đấu đá và thiếu tôn trọng người khác của chúng ta, chỉ là bằng chứng xấu cho thấy ý chí quyền lực đã vượt trội. Từ bây giờ chúng ta nên biết bạo lực cũng chỉ là một cái cớ. Nếu điều đó đúng, thì bạo lực của bất đồng trực tiếp liên hệ đến bạo lực của trật tự đã được thiết lập. Trong thực tế, nó chỉ đơn thuần là một phản chiếu của nó. Chúng ta cũng không thể biện minh cho những thái quá trong tiến trình hòa bình và trong chính bản thân mình bằng cách dùng đến một thứ bạo lực lớn hơn trong hệ thống. Sự cấp bách của tình hình hiện nay kêu gọi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến các hành động chúng ta thực hiện. Trọng tâm là, bất bạo lực không cố gắng vượt lên đối thủ để đánh gục họ nhưng làm sao thuyết phục họ. Nó cố gắng để biến kẻ thù thành bạn, không phải bằng chiến thắng trên họ, nhưng bằng việc có được họ.


Đồng thời, kiên nhẫn là trọng tâm của bất bạo động. Bất bạo lực dựa trên kiên nhẫn mà Kinh Thánh gọi là “chịu đựng mọi thứ.” Thomas Merton nói rằng gốc rễ của chiến tranh là sự sợ hãi. Nếu điều đó là đúng, thì chúng ta phải hiểu biết hơn về các nỗi sợ hãi mà mọi người có. Người kiến tạo hòa bình hữu hiệu nhất là người có thể hiểu các nỗi lo sợ của người khác.


Cuối cùng, việc kiến tạo hòa bình ôn hòa phải bắt nguồn từ hy vọng chân thành vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng thay đổi vạn vật. William Stringfellow một lần đã trách cứ một nhóm hòa bình về tác dụng này: “Tôi nhận thấy trong các đối thoại của các người có một thiếu sót chủ chốt, đó là không đề cập đến sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chiến thắng của Chúa trên sức mạnh của sự chết đã là một sự đảm bảo và nhiệm vụ khiêm tốn trong việc kiến tạo hoà bình của chúng ta chỉ đơn giản là sống sao cho biểu lộ được điều này. Chúng ta không phải chiến thắng trên sức mạnh của sự chết bằng chính động lực, nỗ lực, chiến lược của chúng ta. Chúng ta không cần phải đánh bại sự chết một lần nữa. Thánh Vịnh 58 nói với chúng ta: “Duy chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng cai quản thế giới.” Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Hy vọng, chứ không phải giận dữ, dẫn đường cho công việc phản kháng của chúng ta. Hơn nữa, niềm hy vọng đó, tin nơi quyền năng của sự sống lại, không phải chỉ là cảm nhận hay tâm trạng mà là một chọn lựa cần thiết cho sự sống còn.”


Đương nhiên, Chúa Giêsu là gương mẫu tối cao của người kiến tạo hòa bình ôn hòa. Người không bao giờ làm theo bạo lực và bất công mà Người đang cố gắng để thay đổi. Vì thế, qua biến cố, chúng ta thấy Người hóa giải và cải hóa đám đông, một đám đông đã thiên về bạo lực, điều đó minh họa cho thấy cấu trúc của bạo lực và bất bạo lực một cách rõ ràng.


Biến cố diễn ra khi đám đông giận dữ mang đến cho Chúa Giêsu người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Để hiểu toàn bộ hành động bất bạo động của Chúa Giêsu ở đây, chúng ta xem lại sự tương phản giữa câu chuyện này với một sự kiện tương tự (tuy kết cục khác nhau) trong sách tiên tri Đa-ni-en. Cả hai chuyện giống nhau lạ lùng. Trong mỗi câu chuyện, người phụ nữ vô tội bị đám đông đe dọa, được một người trung gian can thiệp và sự việc được thay đổi. Tuy nhiên, kết thúc mỗi chuyện khác nhau, một trong ôn hòa, một trong bạo lực.


Sách Đa-ni-en ghi lại câu chuyện Đa-ni-en cứu Susanna, người phụ nữ xinh đẹp và vô tội. Câu chuyện như sau: Có một hôm, hai vị trưởng lão thấy bà Susanna tắm và thèm khát bà. Họ đến gần bà với ý xấu, nhưng bà cự tuyệt và quyết giữ đạo đức. Cay cú và ghen tỵ với sự mạnh mẽ của bà, họ vu cáo bà về tội ngoại tình, dẫn bà đến trước đám đông và luật sĩ để chống bà. Bà bị lên án tử hình và khi đang dẫn đi xử thì Đa-ni-en thấy gian dối và bất công, ông can thiệp với đám đông. Ông tố cáo hai ông già nói dối và minh chứng bằng cách tách họ ra để hỏi cung. Tất nhiên, họ nói ngược nhau, chứng minh bà Susanna vô tội. Tuy vậy, Đa-ni-en không làm đến cùng. Ông làm cho đám đông chống lại những kẻ vu cáo, lên án họ chết, và đám đông, trong cơn điên cuồng cảm xúc buộc những kẻ vu cáo phải chết. Hai người đàn ông đã bị ném đá đến chết, chính cái chết mà họ đã định cho bà Susanna.


Câu chuyện giống nhau nhưng cách làm khác nhau, Chúa Giêsu bình tĩnh bác bỏ yêu cầu của những kẻ tố cáo người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Bà bị lên án tử hình, vì tội ngoại tình. Không giống bà Susanna, bà này phạm tội thật, nhưng tội chỉ chuyện phụ so với những gì xảy ra. Rõ ràng, cũng như bà Susanna, người phụ nữ này bị lôi ra ở đây là do ghen tức và đám đông cuồng loạn, vì thế, về mặt cơ cấu là vô tội, dù cho bà phạm tội. Và cũng như Đa-ni-en, Chúa Giêsu đối mặt với đám đông. Phản kháng của Ngài với đám đông thì xuyên thấu lương tâm hơn Đa-ni-en – “Ai vô tội thì ném đá trước đi!” và điều này đã có một hiệu quả rất khác biệt.


Cũng như bà Susanna, người phụ nữ được cứu, nhưng không có cảnh đám đông theo bà. Những gì xảy ra theo sau là một cảnh trái ngược hoàn toàn với một đám đông cuồng nộ khát máu:


“Tất cả bọn họ bỏ đi từng người một, bắt đầu từ người già nhất”. Lời Chúa Giêsu không chỉ cứu người phụ nữ nhưng còn hóa giải một ngòi nổ tiềm ẩn. Không ai phải chết trong ngày đó. Thay vào đó, mọi người về nhà trong tâm tư nhạy cảm hơn với lòng khiêm nhường và sự thật.


Các nỗ lực bất bạo động cho công lý và hòa bình được thực hiện theo cách này. Cũng như Chúa Giêsu, chúng không làm cho đám đông chống lại bất cứ ai, vô tội hay có tội. Hơn thế nữa, chúng nhẹ nhàng chạm đến phần lương tâm vốn là nơi nhạy cảm và bất khả xâm phạm, nơi mà chân lý vang dội sự thật và nơi mà hòa bình vẫn là một khao khát dịu dàng.


Một Thiên Chúa bất bạo động, Đấng bảo trợ cho công lý và hòa bình


G.K.Chesterton, phê bình về học thuyết Giáo Hội, một lần nọ đã nói: “Giáo Hội công bố những ý tưởng kinh khủng và các giáo điều tai hại, từng điều trong đó đủ mạnh để trở thành một tôn giáo sai lầm và tàn phá thế giới… Vì thế, nếu có một vài sai lầm nhỏ được làm trong giáo điều, thì những sai lầm nghiêm trọng lớn hơn có thể đem lại hạnh phúc cho nhân loại.”


Đây là một sự thật cá biệt khi nó liên quan đến thần học và khái niệm của chúng ta về Thiên Chúa. Rốt cùng, cách chúng ta quan niệm về Thiên Chúa sẽ có ảnh hưởng trên cách chúng ta nhìn sự việc, đặc biệt là công lý và hòa bình và con đường đưa dẫn đến đó. Nếu chúng ta hình dung Thiên Chúa như một cái gì đó bạo lực, đến mức tưởng tượng bạo lực đó là cứu độ, thì chúng ta cũng sẽ quan niệm con đường dẫn đến hòa bình cũng dựa trên bạo lực.


Đáng buồn là thường như vậy trong phạm vi Kitô giáo cũng như trong thế tục. Chúng ta thường nghĩ về Thiên Chúa như một người sẽ dùng bạo lực để lật đổ sự ác và mang lại công lý và hòa bình. Chúng ta nhận thức Thiên Chúa như một thế lực bạo lực cứu rỗi.


Bạo lực cứu rỗi là gì? Là những gì xảy ra ở đoạn kết của một cuốn phim, một cuốn truyện hay một bài hát khi cuối cùng người anh hùng hạ gục kẻ ức hiếp đã đàn áp mọi người. Về cơ bản, chúng ta thấy điều này được mô tả trong vô số phim ảnh, sách vở, bài hát, bạo lực cứu rỗi thực hiện theo cách thức này:

Một số người hiền lành thấy mình bị người hung dữ đàn áp. Trong số những người tốt, có một người đàn ông tốt (luôn luôn là đàn ông, vì sức mạnh cơ bắp cuối cùng sẽ là cứu tinh), người đích thực mạnh hơn kẻ xấu. Rốt cuộc, anh sẽ là anh hùng và cứu vãn được tình hình. Nhìn vậy là chúng ta biết ngay, vì cuối cùng, anh mạnh hơn tên khủng bố. Nhưng, cho đến bây giờ, tên hung dữ vẫn tiếp tục theo con đường hung bạo của nó, tăng cường cuộc chiến chống người tốt. Thêm vào, kẻ hung dữ thấy có sự hiện diện của người tốt và nó bắt đầu hạ nhục người tốt. Tuy nhiên, người tốt không đánh trả lại, câu chuyện làm cho chúng ta thêm bực mình và sốt ruột. Người tốt chấp nhận bắt nạt, một cách lặng lẽ, vì thời gian của anh chưa đến.


Cuối cùng, câu chuyện đạt tới đỉnh cao của nó. Kẻ hung dữ dồn người tốt vào một góc, anh không còn chọn lựa, hoặc chiến đấu hoặc chết. Sau đó sự giải cứu diễn ra. Người anh hùng, bị đẩy liệt đến chân tường, bình tĩnh xăn tay vén áo, đánh tên hung dữ cho đến chết và chúng ta bật khóc, vì bây giờ, cuối cùng thì công lý mới được thực hiện. Sự dữ bị nghiền nát và lòng tốt được phục hồi.


Chúng ta không ngừng lại để suy nghĩ, sự thật bây giờ điều tốt trở nên hung bạo còn hơn cả sự dữ. Chúng ta không nhận ra, anh hùng của chúng ta mới đầu giống Mẹ Têrêxa, nhưng hồi kết thì lại giống Rambo và Batman. Chắc chắn chúng ta không thấy hồi kết câu chuyện giải cứu này hoàn toàn đi ngược với câu chuyện của Chúa Giêsu. Khi ấy, Chúa Giêsu, đã bị dồn ép đến tận cùng và phải lựa chọn hoặc chiến đấu hoặc chết (“Nếu ngươi là con Thiên Chúa, ngươi xuống khỏi thập giá đi!”), Người, không giống như các anh hùng huyền thoại của chúng ta, Người đã chọn cái chết.


Chúng ta phải cẩn thận, đặc biệt trong nỗ lực kiến tạo công lý và hòa bình, không nhầm lẫn giữa lịch sử cứu rỗi Kitô giáo với huyền thoại cứu thoát người ta bằng bạo lực. Chúng ta phải cố gắng để mang lại công lý và hòa bình như Chúa Giêsu đã làm, với nhận thức Thiên Chúa mà Chúa Giêsu gọi là “Cha” không làm hại ai. Người không diệt trừ kẻ xấu và phục hồi điều tốt bằng sức mạnh cơ bắp, tốc độ nhanh, hay bắn súng thần tốc. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu được mô tả là người đầy quyền năng, quyền năng hơn bất cứ ai mà đám đông đã từng gặp. Tuy nhiên, từ được sử dụng để mô tả quyền năng của Chúa Giêsu là exousia (tiếng Hy Lạp), không ám chỉ đến sức mạnh của cơ bắp, tốc độ, hoặc ngay cả ân sủng phi thường hoặc tài giỏi. Nó mang một ý nghĩa mà, chúng tôi không thể dịch dễ dàng trong tiếng Anh. Exousia là gì? Điều gì tạo nên quyền năng thật sự của Chúa Giêsu? Điều gì cuối cùng đem lại công lý và hòa bình?


Daniel Berrigan cho một câu trả lời hay cho câu hỏi này. Ông đã từng được yêu cầu nói chuyện trong một cuộc họp ở trường đại học. Chủ đề là một cái gì đó với ảnh hưởng của “Sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay.” Tôi ngờ, cuộc nói chuyện của ông đã gây ngạc nhiên không ít cho cử tọa, vừa về nội dung vừa về sự khúc chiết.


Ông chỉ đơn giản nói với cử tọa cách mà mỗi tuần ông đến ngồi bên đầu giường một cậu bé liệt hoàn toàn, từ thể xác đến tinh thần, trong bệnh viện dành cho những người bệnh ở giai đoạn cuối. Em chỉ nằm ở đó. Em không nói, không có cách nào để em có thể diễn tả được. Em nằm yên, bất lực, vì bị cắt đứt với mọi giao tiếp có thể. Sau đó, Berrigan mô tả mình phải đến thường xuyên thế nào, ngồi bên giường của em để lắng nghe những gì em đang nói trong im lặng và trong bất lực của mình.


Sau khi chia sẻ điều này, Berrigan nói thêm một điểm khác: Cách cậu bé nằm trong thế giới chúng ta, im lặng và bất lực, cũng là cách mà Thiên Chúa nằm trong thế giới của chúng ta. Để nghe những gì Thiên Chúa đang nói, chúng ta phải học để nghe những gì mà cậu bé đang nói.


Đây là một hình ảnh rất hữu ích giúp chúng ta hiểu quyền năng của Thiên Chúa và thể hiện của quyền năng này trong thế giới chúng ta. Quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới cũng như cậu bé kia. Nó không chế ngự ai hay bất cứ điều gì. Nó im lặng, ở tận sâu trong nền tảng luân lý và tâm hồn của mọi vật. Nó không chế ngự bằng cơ bắp, bằng hấp dẫn, xuất sắc, hoặc ân huệ, như tốc độ và cơ bắp của vận động viên Thế Vận Hội, như vẻ đẹp thể hình của ngôi sao điện ảnh trẻ, hay bài diễn văn tài ba, hoa mỹ của các nhà hùng biện hoặc tác giả xuất chúng. Những điều như cơ bắp, tính nhanh nhẹn, sắc đẹp, rực rỡ, ân huệ là phản ánh vinh quang của Thiên Chúa, nhưng chúng không phải là cách chính yếu Thiên Chúa thể hiện quyền năng trong thế giới này. Quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới có một cái nhìn rất khác và một cảm nhận khác biệt để nhận ra.


Quyền năng của Thiên Chúa giống như cái gì? Làm sao cảm nhận nó như Thiên Chúa cảm nhận nó trong thế giới này?


Nếu bạn đã từng bị chế ngự về thể lý và đã từng cảm thấy bất lực, nếu bạn đã từng bị ai đánh hoặc tát bạn và bạn không cách nào tự vệ hay chống trả, thì bạn cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.


Nếu bạn đã từng mơ một giấc mơ và nhận ra mọi nỗ lực bạn làm đều vô vọng, nghĩ rằng giấc mơ của mình sẽ không bao giờ thực hiện được, nếu bạn đã từng khóc và cảm thấy tủi hổ về sự bất toàn của mình thì bạn đã cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.


Nếu bạn đã từng hổ thẹn về nhiệt tình của mình và không có cơ hội để giải thích, nếu bạn đã từng bị nguyền rủa về lòng tốt của mình do hiểu lầm và đã không có cách nào làm cho mọi người thấy sự việc theo cách nhìn của bạn, thì bạn đã cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.

Nếu bạn đã từng cố gắng lôi cuốn một ai đó để họ chú ý đến bạn mà bạn không thể làm được, nếu bạn đã từng yêu thương ai và hết lòng muốn cho người đó để ý đến bạn và bạn nhận ra bạn không thể nào làm được, bạn đã cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.


Nếu bạn đã từng thấy mình già, mất dần sức khỏe, mất sức sống thời trẻ, cơ hội dần dần trôi xa cũng như không thể quay ngược thời gian, nếu bạn đã từng cảm thấy thế giới trôi tuột khỏi tay bạn khi bạn càng lúc càng già, càng ở bên lề cuộc sống, bạn đã cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.


Và nếu như bạn đã từng cảm thấy mình chỉ là một thiểu số nhỏ trước đám đông điên cuồng, nếu bạn từng có cảm nhận, trực tiếp, về bệnh hoạn xấu xa của hiếp dâm tập thể, bạn đã có cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này… cũng như Chúa Giêsu đã cảm nhận thế nào trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.


Thiên Chúa không bao giờ chế ngự. Quyền năng của Thiên Chúa trong thế giới này không bao giờ là quyền lực của cơ bắp, tốc độ, hấp dẫn bên ngoài, sáng chói hay ân huệ (như cách thời đại này hay nói) vốn thổi bay bạn và làm cho bạn kêu lên: “Ừ, đúng rồi! Đó là Thiên Chúa!” Quyền lực của thế giới này cố tình hành động theo hướng này. Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa thì thầm lặng hơn, có vẻ như không giúp được gì, tủi nhục hơn, bên lề hơn. Nhưng quyền năng ấy dựa trên một tầm mức sâu xa hơn, ở nền tảng thiết yếu nhất của mọi vật và cuối cùng sẽ nhẹ nhàng có lời nói cuối cùng.


Để kiến tạo công lý và hòa bình trong thế giới này không phải là chuyển từ Mẹ Têrêxa qua Rambo hay Batman. Thiên Chúa Đấng nâng đỡ công lý và hòa bình không đánh phạt ai, và lý do Ngài làm vậy cũng không phải là quá xa so với những gì chúng ta làm.


Trụ vững chính mình cho một tiến trình lâu dài


Sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Jim Wallis, người sáng lập Sojourners, được đài phát thanh quốc gia Hoa Kỳ phỏng vấn. Wallis đã trình bày những dè dặt lớn lao về cuộc chiến đó và đặc biệt là về các lễ kỷ niệm chiến thắng được tổ chức sau đó. Có một lúc, người phỏng vấn nói với ông: “Lúc này, những người phản đối cuộc chiến đã chấp nhận mình sai. Dân tộc Mỹ ủng hộ cuộc chiến, không phải những người phản kháng.” Wallis chỉ trả lời:“Chúng ta không sai, chúng ta chỉ mất mát! Đó là sự khác biệt.”


Lời của Wallis thật hữu ích, để là điểm tựa cho chính mình trong cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình của người Kitô hữu. Cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình không phải hướng đến cuối cùng chiến thắng hay thất bại, nhưng hướng đến trung thành.


Tin Mừng của Chúa Giêsu đặt ra một đòi hỏi không nhân nhượng là chúng ta thực thi công lý và hòa bình trên thế giới, nhưng không buộc chúng ta phải thắng. Hiệu quả chính trị ngắn hạn không quan trọng bằng lòng trung thành lâu dài với lương tâm, niềm tin, đức ái cá nhân. Chúng ta không biết cuối cùng mọi sự sẽ như thế nào, nhưng chúng ta biết những gì Tin Mừng nói với chúng ta, nghĩa là chính chúng ta phải yêu thương, bác ái, hiểu biết, đồng cảm, tha thứ và sống đời luân lý nội tại ngay trong chính đời sống riêng tư của mình. Chúng ta không phải lúc nào cũng biết chiến lược chính trị nào là tốt nhất nhưng cần biết rằng Thiên Chúa chăm sóc tất cả mọi nạn nhân, rằng Chúa Giêsu ở trong chính những tâm hồn tan vỡ và chúng ta phải trung thành với Tin Mừng, chính chúng ta cũng ở trong đó.


Có câu chuyện của một mục sư Na Uy, người Tin Lành trong Thế chiến thứ hai đã bị Gestapo bắt và bị tra hỏi. Khi nhân viên Gestapo bước vào phòng, ông đặt khẩu súng lục trên bàn và nói: “Thưa Cha, điều này cho cha biết đây là một việc nghiêm trọng!” Người mục sư Tin Lành, một cách thật tự nhiên, lấy ra quyển Thánh Kinh đặt bên cạnh khẩu súng lục. Tên nhân viên hỏi: “Vì sao ông như vậy?” Vị mục sư trả lời: “Anh đưa ra vũ khí của anh, tôi đưa ra vũ khí của tôi.”


Ở Nam Phi, trước khi xóa bỏ nạn kỳ thị chủng tộc, người dân thường đốt một ngọn nến và để ở cửa sổ nhà họ như một dấu hiệu của hy vọng, dấu hiệu có một ngày sự dữ này sẽ được chế ngự. Có một lúc, nó bị cho là bất hợp pháp, cũng như mang súng là bất hợp pháp. Trẻ con thường nói đùa về điều này: “Chính phủ chúng ta sợ ngọn nến thắp sáng!” Cuối cùng, như chúng ta biết, nạn kỳ thị chủng tộc đã bị xóa bỏ. Khi suy nghĩ về những gì rốt cuộc đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thật công bằng khi cho rằng “những ngọn nến thắp sáng” (mà chính phủ đã sợ hãi một cách khôn ngoan) đã mạnh mẽ hơn súng ống. Trong cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình vũ khí thật sự của chúng ta, người Kitô hữu, không phải tư tưởng và súng ống, nhưng là ngọn nến, hy vọng, nhân phẩm, bác ái và cầu nguyện.


Kinh Lạy Cha cho Công lý


Trong mô hình thế giới của sự vật, người nào mạnh là người đó sống. Trong mô hình của Thiên Chúa thì ngược lại. Thiên Chúa luôn luôn đứng về phía kẻ yếu và nơi đó, trong số những kẻ yếu hèn, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa.


Với sự thật đó, thỉnh thoảng chúng ta có thể cầu nguyện với Kinh Lạy Cha theo cách này:


Lạy Cha chúng con… Đấng luôn đồng hành với người yếu đuối, bất lực, nghèo khổ, bị bỏ rơi, bệnh tật, già nua, thơ bé, thai nhi, và những người phơi lưng quần quật vì hoàn cảnh bắt ép.


Ở trên trời… nơi mà tất cả mọi thứ sẽ bị đảo ngược, kẻ trước hết sẽ nên sau hết và kẻ sau hết sẽ nên trước hết, nhưng cũng là nơi mà tất cả sẽ nên tốt đẹp và tất cả lề lối cũng sẽ nên tốt đẹp.


Chúng con nguyện danh Cha cả sáng… xin cho chúng con luôn luôn nhận ra sự thánh thiện của Cha, cũng như tôn kính rằng đường lối của Cha không giống đường lối chúng con, chuẩn mực của Cha không giống chuẩn mực chúng con. Xin cho lòng tôn kính của chúng con đối với danh Cha kéo chúng con ra khỏi sự ích kỷ đã ngăn không cho chúng con nhìn nỗi đau của người anh em bên cạnh chúng con.


Nước Cha trị đến… xin giúp chúng con tạo ra một thế giới vượt ra ngoài các nhu cầu và khổ đau của riêng chúng con, nơi chúng con sẽ thực thi công lý, tình yêu nhân hậu, và bước đi trong khiêm tốn với Cha và với người khác.


Ý Cha thể hiện. . . xin mở rộng tự do của chúng con để Cha đến, sao cho kết hiệp hòa hợp hoàn toàn của Cha có thể tuôn chảy trong huyết mạch chúng con, qua đó cuộc sống chúng con có thể tỏa lan tình yêu công bình của Cha cho mọi người, và tình yêu đặc biệt Cha dành cho người nghèo.


Dưới đất cũng như trên trời… xin cho các công trình do tay chúng con, đền đài, kiến trúc chúng con xây ở thế gian này, phản ảnh đền thánh và công trình của vinh quang Cha để niềm vui, ân sủng, dịu êm và công lý tự trời cao sẽ tỏ lộ ra trong tất cả các công trình của chúng con trên mặt đất này.


Xin ban… cuộc sống và tình thương cho chúng con và giúp chúng con luôn thấy mọi sự là tặng vật. Xin giúp cho chúng con nhận ra, không có gì chúng con có được là do quyền của chúng con, chúng con phải biết cho vì chúng con đã nhận. Xin giúp chúng con nhận ra rằng chúng con phải biết trao ban người nghèo, không phải vì họ cần, nhưng vì sự lành mạnh của chúng con tùy thuộc vào việc chúng con cho họ.


Cho chúng con… chúng con ở số nhiều. Xin ban cho không chỉ riêng chúng con nhưng cho tất cả mọi người, kể cả những người rất khác biệt với chúng con. Xin ban hồng ân Cha cho tất cả chúng con đồng đều.


Hôm nay… không phải ngày mai. Đừng để chúng con đẩy mọi thứ vào một tương lai bất định, để chúng con tiếp tục sống cuộc sống chân chính khi đối diện với bất công, vì chúng con có những biện bạch hay ho cho tình trạng bất động của chúng con.


Lương thực hằng ngày… để mỗi người trên thế giới có đủ lương thực, đủ nước sạch, đủ không khí trong lành, được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, được giáo dục hoàn chỉnh để có một cuộc sống khỏe mạnh. Xin dạy cho chúng con biết cho với những gì chúng con có, chứ không phải chỉ cho những gì chúng con dư thừa.


Và tha nợ chúng con… xin tha thứ cho sự mù tối của chúng con đối với tha nhân, tính ích kỷ, nạn kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, khuynh hướng bất trị của chúng con vốn chỉ lo lắng về bản thân và những gì của chính chúng con. Xin tha thứ cho chúng con vì việc chúng con xem tin tức buổi tối và chẳng làm gì về điều đã thấy.


Như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con… xin giúp chúng con tha thứ cho những ai làm hại chúng con. Xin làm cho tâm hồn chúng con hiền lành, không trở nên cay đắng vì tuổi tác, để tha thứ cho bậc cha mẹ không hoàn hảo của chúng con và những cơ chế đã làm tổn thương, nguyền rủa, và để mặc chúng con.


Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ… xin đừng xét xử chúng con chỉ với tiêu chuẩn cho kẻ đói khát ăn uống, cho người trần trụi áo mặc, thăm nom người bệnh hoạn, hoặc cố gắng sửa quy chế đã gây bất công cho người nghèo. Xin cứu chúng con khỏi phán xét này, vì không ai trong chúng con có thể đứng vững trước phán xét này. Thay vào đó, xin cho chúng con thêm thời gian để sửa chữa đường lối, tính ích kỷ và các cơ chế của chúng con.


Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ… đó là, cứu chúng con khỏi sự mù quáng làm chúng con tiếp tục tham dự vào các cơ chế vô danh, trong đó chúng con không cần biết ai nhận ít hơn, miễn là chúng con nhận nhiều hơn. Amen.


Nguyễn Kim Long dịch

Chia sẻ