Skip to content
banner
Ngôn ngữ

Giờ Chầu Thánh Thể Cầu Nguyện cho Hòa Bình tại Thánh Địa

Administrator
2023-10-17 06:35 UTC+7 1130
Đây là nội dung giờ chầu cho hòa bình tại thánh địa được soạn sẵn, nhằm giúp các dòng tu, tu hội, các giáo xứ, giáo họ ...có thể dùng để cử hành chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa và thế giới.

CHẦU THÁNH THỂ

Cử hành

Giờ Cầu Nguyện cho Hòa Bình tại Thánh Địa

I.  Lời Dẫn


Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần hoặc bài hát thích hợp


Người hướng dẫn

(Cộng đoàn ngồi trong khi nghe lời dẫn)


Hòa bình là một trong những giá trị của Vương quốc Thiên Chúa và là mục đích chính yếu mà mọi người cần theo đuổi. Giữa lúc mọi sự đang yên ổn, những con người ở trên Thánh Địa, đặc biệt dọc theo dãi Gaza, đột nhiên bị ném vào một biển bạo lực chưa từng có trong cuộc xung đột giữa những người Israel và người Palestine. Một lần nữa dân chúng bị nhấn chìm vào cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự. Sự hận thù gia tăng và vòng xoáy bạo lực tạo ra nhiều hủy diệt. Mọi tin tức dường như đều nói về cái chết và cho thấy sự tàn phá. Tuy nhiên, trong thời điểm đau buồn và mất tinh thần này, chúng ta không thất vọng và không bất lực. Chúng ta không thể để cái chết và nỗi đau thương đó bên ngoài sự quan tâm liên đới của mình với những người Israel và người Palestine, đặc biệt là những anh chị em ki-tô hữu đang sống và phục vụ tại Thánh Địa. Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy cần phải cầu nguyện, phải hướng lòng mình về Thiên Chúa. Bằng cách này, chúng ta có thể thực sự liên đới với những con người đang trong nỗi thống khổ chiến tranh, tàn phá và chết chóc. Chúng ta tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, khẩn khoản nài xin Thiên Chúa đoái thương ban hoà bình và hoà giải cho dân Ngài trên dãi Gaza.


Kính mời cộng đoàn đứng.


Chủ sự: tiến ra cung thánh, đặt Mình Thánh Chúa.


Thánh ca: bài hát về tôn thờ Thánh Thể


II. Công bố Tin Mừng: Mt 5,1-12 (Chủ sự)


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu


Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại

và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.


Đó là Lời Chúa.


III.      Phần suy niệm: (Cộng đoàn ngồi)


1.     Suy niệm I: Đức Giê-Su, Hoàng Tử Hòa Bình


Trong Cựu Ước, đặc biệt sách ngôn sứ Isaia đã tiên báo kỉ nguyên hòa bình của thời đại Mê-si-a (Is 11, 6-9) và đấng Mê-si-a được mệnh danh là hoàng tử hòa bình (Is 9,5). Viễn tượng một nền hòa bình được ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ khi dân Israel còn trong thời gian lưu đày nay vẫn còn giá trị và đáng được khai triển trong việc xây dựng tại dãi Gaza hôm nay: "Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến" (Is 2,4). Hình ảnh thời đại Mê-si-a cánh chung, khi thái tử hòa bình xuất hiện mà các vịnh gia đã tiên báo “Triều đại Người đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 71,7) đã được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su. Thánh Mát-thêu trong trình thuật truyền tin cho thánh Giuse đã tiên báo về Hài Nhi sẽ sinh ra là dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 1, 23.) Ngày Hài Nhi Giê-su chào đời, thánh Lu-ca đã mô tả cả một ca đoàn thiên quốc đã cất lên: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Lc 2,11). Thánh Gio-an cũng đã loan báo cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho trần gian…” (Ga 3,16) và “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thiên Chúa ở cùng con người là dấu chỉ của hòa bình, nhưng vì con người không nhận ra sự hiện diện của Người nên vẫn còn đắm chìm trong hận thù chiến tranh, như lời thánh Gio-an đã nói: “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).


Chính Chúa Giê-su trong buổi đầu công khai rao giảng, đã công bố tám mối phúc, trong đó nói đến mối phúc được trở nên con Thiên Chúa khi họ biết xây dựng hòa bình: “Phúc thay những kẻ xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Vì thế, mối phúc thứ bảy như những lời đang đổ xuống đời chúng ta với một sự khẩn thiết đến độ chúng ta biết rằng đã đến lúc ta phải cùng nhau lên tiếng “ủng hộ hòa bình”. Đức Giê-su không chỉ có giáo huấn hòa bình, nhưng cả cuộc đời Ngài đã đem hòa bình và thực thi hòa giải. Đỉnh cao của đời sống hòa bình, hòa giải mà Ngài đã thực hiện là cái chết trên thập giá để hòa giải con người với Thiên Chúa, con người với con người (Lc 23,33-42).


Kính mời cộng đoàn đứng


Hát: Lạy Chúa, Con đường Chúa đã đi qua… (Hát xong xin mời ngồi)


2.    Suy niệm II: Thánh Phanxicô – sứ giả hoà bình của Thiên Chúa


Là người yêu mến Tin Mừng và muốn họa lại cuộc đời của Chúa Giê-su, thánh Phanxicô đã sống một cuộc đời làm sứ giả hòa bình của Vua Tối Cao. Phanxicô không những mơ về một thế giới hoà bình và hoà hợp mà hơn nữa Ngài đã dấn thân cổ võ và hoạt động cho một thế giới như thế. Năm 1226, vào những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, Phanxicô rất đau lòng khi nghe tin Đức Giám Mục và ông Thị trưởng Assisi kình địch nhau. Vị Giám mục ra vạ tuyệt thông cho ông thị trưởng, còn ông này cấm không ai được mua bán hoặc ký kết khế ước với Đức giám mục. Theo sách Gương Trọn Lành, Phanxiô nói với anh em: “Thật xấu hổ cho chúng ta những người làm tôi Chúa, vì Đức giám mục và ông Thị trưởng thù ghét nhau như thế mà chẳng ai đứng ra hoà giải” (GTL, 101). Mặc dù có một ước muốn hòa giải giữa đức Giám mục Assisi và ông thị trưởng nhưng bản thân Ngài làm được gì khi mà đôi mắt đã gần mù và thân xác kiệt quệ phải nằm một chỗ? Nhưng thật lạ lùng thay! Phanxicô đã làm một việc bất ngờ và độc đáo, đó là thêm vào Bài Ca Anh Mặt Trời mà Ngài đã sáng tác trước đó ít lâu, một phiên khúc ca ngợi Hoà bình và Tha thứ:


Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

vì những người biết thứ tha

nhân danh tình yêu Chúa,

và cam chịu bệnh tật, ưu phiền.

Phúc cho ai chấp nhận trong an hoà,

vì, lạy Đấng Tối Cao, Ngài sẽ thưởng triều thiên.”


Ngài bảo anh em đi mời ông Thị trưởng tới Toà Giám mục. Khi ông tới nơi và trước mặt hai người, các môn đệ thánh Phanxicô đã cất tiếng hát bài ca với phiên khúc mới. Và điều không ai ngờ đã xảy ra: khi tiếng hát vừa dứt, ông Thị trưởng và Đức Giám mục đã nắm tay nhau nói lời hoà giải và ôm hôn nhau thắm thiết.


Có thể nói rằng thánh Phanxicô hằng ấp ủ và thực hiện suốt cả cuộc đời lời chào chúc bình an mà Đức Giê-su đã dạy. Là một người sống Tin Mừng triệt để, Ngài không thể làm ngơ trước một xã hội đang bị xâu xé, đầy bất công và hận thù, bạo lực và chiến tranh. Mỗi lần bắt đầu giảng, Ngài đều nhắc tới Hoà bình với lời chào như lời sử gia Tô-ma Xê-la-nô kể: “Xin Chúa ban bình an cho anh chị em” (1Cel 23). Ngài quan niệm nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng như một sứ mạng hoà bình và giao cho các anh em ngài sứ mạng đó. Ngài nói với họ: “Nếu Anh em rao giảng hoà bình bằng lời nói, thì cũng phải an hoà trong lòng mình. Đừng làm dịp cho người khác tức giận và vấp ngã, nhưng chớ gì mọi người thấy thái độ hiền hoà của anh em cũng sẽ biết sống hoà bình, nhân hậu và thuận hoà, bởi vì ơn gọi của chúng ta là săn sóc người bị thương, băng bó kẻ bị dập gãy và kêu gọi kẻ lầm lạc trở về”. (Ba người bạn, 58). Bản thân Ngài nhiều lần can thiệp để hoà giải những phe nhóm kình địch và những thành phố lâm chiến, như Pê-ru-si-a, Bô-lô-nha, A-rê-giô, Si-en-na và Át-xi-di.


Đỉnh cao cho thấy thái độ yêu chuộng hòa bình của thánh Phanxicô là sự kiện Thánh nhân đi Palestin cùng với đoàn quân Thập Tự năm 1219. Vì tinh thần tôn trọng con người và các nền văn hoá, thánh Phanxicô cảm thấy ngỡ ngàng phần nào trước chỉ thị của Đức Giáo Hoàng In-nô-xen-tio III loan báo cuộc Thập Tự chinh lần thứ 5 chống lại người Hồi Giáo nhằm chiếm lại Thánh Địa. Bởi thế, tuy Ngài cùng đi nhưng không phải như một chiến binh, mà trong tư cách một sứ giả Hoà Bình. Không vũ khí tự vệ, Ngài đến trước đạo quân Hồi giáo và xin phép được gặp vua Ma-lik al-Ka-mil vua Ai Cập. Sử sách kể rằng thái độ bao dung và kính trọng của thánh Phanxicô cũng như tinh thần yêu chuộng hoà bình của ngài đã để lại ấn tượng tốt đẹp sâu sắc, hơn nữa đã gây được lòng thiện cảm của nhà Vua. Tuy Phanxicô đã không thành công hơn, nhưng cử chỉ của Ngài đã mở đường cho một cách thức quan hệ mới với người Hồi giáo, dựa trên sự hiểu biết, thông cảm và đối thoại thay cho sức mạnh, dù là sức mạnh của vũ khí, của quyền lực, hay của con người tự biết là có chân lý và có văn hoá để ban phát cho kẻ khác. Về cuối đời, Thánh nhân đã đúc kết những kinh nghiệm sống tinh thần của sứ giả hoà bình của Thiên Chúa trong những lời khuyên nhủ: anh em phải sống như những người “anh em” và những người “hèn mọn”, đúng như tên gọi là Anh Em Hèn Mọn. Ngài viết trong Luật Dòng: “Tôi khuyên bảo, lưu ý và khuyến khích anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô, khi anh em đi ra giữa đời thì đừng gây sự và cãi cọ với ai, cũng đừng xét đoán ai. Nhưng hãy tỏ ra dịu dàng, hiền hòa và từ tốn, nhân hậu và khiêm nhường, ăn nói tử tế với hết mọi người sao cho xứng hợp”.


Kính mời cộng đoàn đứng


Hát: Trèo lên Cao Sơn (Trèo trèo lên, ai được trèo…) (Hát xong xin mời ngồi)


3. Suy niệm III: Chúng ta là khí cụ hoà bình trong thời đại hôm nay


“Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…” Lời Kinh Hòa bình là một lời thách đố đối với các Ki-tô hữu. Trong bối cảnh đầy những mâu thuẫn và tranh chấp hôm nay, cụ thể sự là hận thù giữa người Israel và người Palestine, vòng xoáy bạo lực chiến tranh hiện đại sẽ tạo ra nhiều sự hủy diệt kinh khủng nhiều hơn nữa. Chúng ta hãy cùng thánh Phanxicô cố gắng hàn gắn những đổ vỡ do tội lỗi con người gây nên, đó là lòng tham lam, óc chiếm hữu và khát vọng thống trị kẻ khác.


Trước một viễn tượng như thế, chúng ta được mời gọi trở nên những khí cụ đem lại sự hòa bình và hòa giải bằng phương thế cầu nguyện, ăn chay và hy sinh. Chúng ta hãy cầu nguyện, ăn chay và hy sinh cho công cuộc hoà bình ở Israel và Palestine hiện nay.


4. Cầu nguyện (Kính mời cộng đoàn quỳ)


(1) Cầu nguyện riêng (Mỗi người tự cầu nguyện riêng ít phút)


(2) Cầu nguyện chung


Chủ sự: Anh em thân mến, trong tâm tình lắng đọng và linh thiêng này, chúng ta tin rằng thánh Phanxicô đang muốn cùng chúng ta dâng lên Thiên Chúa là Cha những tâm tình chân thành của mình. Vậy chúng ta cùng sốt sắng dâng lời nguyện xin.

-  Cầu cho hoà bình trên dãi đất Gaza. Lạy Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực của con người, xin nhìn đến dân Chúa ở dãi Gaza đang ở trong tình trạng chết chóc, bất an vì chiến tranh và hận thù. Xin cho họ sớm có bình an và ổn định cuộc sống.

-  Cầu cho sự hoà giải giữa người Israel và người Palestine. Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng hoà giải và nguồn mạch của mọi sự hoà giải, đoái thương soi sáng những người có trách nhiệm tìm ra các phương kế hoà giải sự hận thù giữa những con người ở hai quốc gia Israel và Palestine.

-  Cầu cho các nạn nhân, gia đình và bạn bè của những người phải gánh chịu cuộc chiến thảm khốc đang xảy ra giữa Israel và Hamas. Xin Thiên Chúa thương xót tha thứ mọi tội lỗi và dẫn đưa những người đã qua đời về sự sống muôn đời và xin an ủi xoa dịu nỗi đau thương của các nạn nhân đang chịu tang tóc, tàn phá và tổn thương trong cuộc chiến tranh này.

-  Cầu cho các nhà lãnh đạo đất nước Israel và Palestine. Xin Thiên Chúa cho các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này và các bên quyền lực liên quan luôn có tinh thần hoà giải và hoà bình, tìm ra giải pháp đối thoại và lắng nghe, tôn trọng sự sống con người và chăm lo cho những người đau khổ.

-  Cầu cho công cuộc dấn thân mưu cầu hòa bình. Lạy Thiên Chúa, xưa kia thánh Phanxicô đã đến Palestine để đem giá trị hoà bình và hoà giải vào vùng đất này. Nay xin Chúa cho mọi anh chị em ki-tô hữu đang sống và phục vụ tại Thánh Địa trở thành khí cụ hoà bình và hoà hợp cho mọi người Israel và Palestine. 


Chủ sự: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và nguồn mạch của hoà bình và hoà giải, Cha không là Thiên Chúa của sự hỗn loạn, nhưng của hoà bình, không là Thiên Chúa của hận thù mà là của hoà giải. Xin Cha nhanh chóng dập tắt hận thù và chiến tranh ở Thánh Địa, để tình yêu, sự hoà hợp và hoà bình sớm tái thiết trên đất nước Israel và Palestine, hầu cho các dân tộc này tiếp tục sống an vui và làm cho mọi người nhận ra sự hiện diện của Cha là Thiên Chúa toàn năng trên Thánh Địa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.


5. KẾT THÚC


a.  Hát “này con là đá”

b.  Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng

c.  Hát “Đây nhiệm tích”

d.  Lời nguyện Thánh Thể

e.  Ban Phép Lành Mình Thánh Chúa


Hát Kinh Hoà Bình kết thúc giờ chầu (Cộng đoàn đứng)

Chia sẻ